What's new

[Chia sẻ] 20 tuổi, xách ba lô và hitchhike nước úc một mình

Chào các anh chị em, mình tên là Hiếu, thành viên mới của phuot.vn. Hôm nay mình muốn chia sẻ với những tâm hồn phiêu lưu trong ngôi nhà phuot.vn một thể loại phượt mà mình thấy chưa nhiều người có cơ hội được thử: HITCHHIKING

Tuổi 20 của mình đã vô cùng may mắn được dành cho nước Úc, nơi có những con người tuyệt đẹp luôn tươi cười rạng rỡ, những công viên xanh mướt mình có thể ngả lưng xuống bất kì lúc nào, những lễ hội, sự kiện nghệ thuật và văn hóa luôn nhộn nhịp từ tuần này qua tuần khác...

Nhưng trên hết, nước Úc là nơi đã tạo điều kiện cho mình thực hiện đam mê được du lịch, được trải nghiệm, được gặp gỡ những con người mới thú vị để thấy bên ngoài bốn bức tường tẻ nhạt, còn có một thế giới của những cơ hội, những cảm xúc mình chưa bao giờ biết đến.

Vậy hitchhike nghĩa là gì. Tôi dịch từ hitchhike sang tiếng Việt là 'đi nhờ xe'. Đến bây giờ thì chắc nhiều người đã mường tượng được ra cách thức phượt của tôi là gì. Đúng vậy, đi nhờ xe không phải là điều gì quá xa lạ. Mình chỉ đơn giản là xin một tài xế nào đó cho mình đi nhờ từ A đến B thôi mà. Thế nhưng, một khi bạn đã chọn, và chấp nhận 'đi nhờ xe' là cách thức di chuyển duy nhất của mình, đó lại là một điều khác. Tôi chưa đọc "Xách ba lô lên và đi" nhưng tôi khá chắc trong quyển đó tác giả cũng đã thử cách này.

img_1629.jpg
(Đồ nghề cho một chuyến đi)

Khi tôi chọn hitchhike là phương thức di chuyển 900km từ Melbourne đến Sydney và ngược lại (và sau đó là chuyến hitchhike 1600km đến Brisbane, và cuối cùng là chuyến hitchhike 700km đến thành phố Adelaide), tôi cam kết với những rủi ro mình sẽ gặp phải nếu chỉ đi nhờ xe, và chấp nhận những vất vả mình sẽ phải trải qua nếu cứ cứng đầu như vậy. Nhưng trên hết, tôi đặt hoàn toàn niềm tin vào 2 thứ: bản năng của mình, và lòng tốt của con người.

Bạn có tưởng tượng được không, nếu chuyến đi của bạn là những lần bị bỏ lại ở một trạm xăng hiu quạnh bên cạnh đường cao tốc, là những lần lê la từ chiếc xe này đến chiếc xe nọ mong tìm kiếm được 1 người tốt bụng nào đó sẽ cho mình đi nhờ, là những lần quốc bộ ở nơi đồng không mông quạnh nhằm tìm "hitchhiking spot" (điểm bắt xe) hợp lí? Còn gì là đi du lịch nữa? Bạn có tưởng tượng được không, nếu sự an toàn của bạn, chuyến đi của bạn, ví tiền của bạn, mạng sống của bạn đều phụ thuộc hết vào lòng tốt con người, thứ mà bạn không có quyền đòi hỏi, mà chỉ có quyền hi vọng?

hie1babfu1.jpg

(Một tài xế lái xe tải chở tôi vài trăm km. Anh ấy rủ tôi qua nhà chơi, thăm vợ và 5 đứa con của anh ấy. Nhưng tôi phải từ chối vì không tiện đường. Trước khi chia tay, anh tặng cho tôi một quyển kinh thánh nhỏ, nói rằng những gì tôi đang tìm kiếm có thể được tìm thấy trong quyển sách này"


Tôi đánh đổi tất cả, những lần đứng bên cạnh đường cao tốc với chiếc ba lô nặng chịch vẫy vẫy chiếc bảng ghi "Học sinh - không tiền - Giúp" với ngón tay trỏ giơ lên cao tự hào và vô vọng, những lần lon ton dưới cái nóng nung thép của trời Úc, chạy đến những chiếc xe mới tạt vào trạm xăng để thử vận may, những hàng trăm, hàng trăm chiếc xe lao vùn vụt qua tôi một cách hững hờ khi mà tôi hiện ra trong mắt họ không gì hơn là một kẻ nguy hiểm tiềm tàng, một kẻ bỏ nhà đi bụi, không có gì tốt đẹp.

Tôi đánh đổi những cảm xúc bất an, lo lắng, sợ hãi, hoảng hốt, xấu hổ của việc phụ thuộc vào người lạ mặt hoàn toàn để giúp hành trình "tìm ý nghĩa của cuộc đời" của tôi được tiếp diễn.

Bất an thế nào ư? Bất an là khi được một anh chàng từ dưới đất chui lên đề nghị chở tôi từ Sydney về Melbourne khi tôi đang đứng bên ngoài một trạm xăng, cố gắng sử dụng những múi cơ mặt mệt mỏi để cười với mọi chiếc xe chạy qua. Tôi tin vào karma (nghiệp chướng?) và rằng nếu mình sống tích cực, điều tích cực sẽ quay trở lại với mình. Thế nên anh chàng này đã đáp lại lời cầu khấn của tôi, mỗi tội hành vi của anh này hơi đáng ngờ. Tốt đến bất ngờ, đến nghi hoặc, đến mức khiến tôi phải tự hỏi liệu có nên nghe theo bản năng của mình lần này và từ chối khi anh ấy nói anh ta là người Afghanistan còn xe anh ấy thì cũng khá tồi tàn, luộm thuộm.

11082595_872684362795885_8134448712748401772_n.jpg


Sợ hãi là thế nào ư? Sợ hãi là khi nhảy lên xe van của một thằng cha hippie/surfer thực thụ tóc vàng dài ngang vai, cởi trần cơ bắp sáu múi mặt đẹp như sao Hollywood đưa tôi đến Byron Bay (một vịnh đẹp nổi tiếng gần t.p Brisbane). Không, tôi không lo lắng sẽ bị hiếp dâm nếu đó là điều bạn đang nghĩ. Tôi lo lắng là khi hắn ta dùng tay phải để nhồi thuốc vào chiếc tẩu đang ở trên tay trái của hắn, bàn chân đang đạp ga đến tốc độ 70 cây số một giờ, mồm hắn liên tục giảng giải cho tôi cách hút marijuana và những điều kì diệu nó mang lại, một mắt hắn nhìn đường và mắt còn lại nhìn tôi, trong khi đùi hắn thì lãnh nhiệm vụ điều khiển vô lăng. "Tao chạy kiểu này suốt từ khi tao 15 tuổi, dễ như chơi ý mà", hắn trấn an tôi.

img_1744.jpg

(Ryan, hình mẫu hippie của thế kỉ 21)

Lo lắng là thế nào ư? Lo lắng là khi được một anh chàng châu Phi đề nghị chở về, lúc 11 giờ đêm khi phát hiện ra mình đã đi quá trạm dừng xe buýt ở Canberra và cơ hội về được chỗ qua đêm càng nhỏ dần. Đắn đo mãi không biết có nên nghe theo bản năng mình lần này, cuối cùng tôi gạt tiếng nói bên trong đang run rẩy ngờ vực sang một bên, đi theo anh chàng nhỏ thỏ đen đúa kia qua những con hẻm, cái ngõ, băng qua bãi đậu xe dưới bầu trời đêm lổn nhổn ánh sao. "Đứng ở ngoài này đợi nhé, vợ tao có khi đang khỏa thân", Stevenson, nhân viên quét dọn đến từ đảo quốc Mauritius nói rồi biến vào nhà, lúc sau quay ra với chiếc chìa khóa ô tô.

10277035_872684582795863_8012093403095293240_n.jpg

(Sau khi được Stevenson giúp, tôi qua đêm trong một phòng gym mà một người bạn của bạn sắp xếp trước)

Hoảng hốt là như thế nào ư? Là khi tôi không tìm thấy chiếc điện thoại của mình sau khi được bỏ lại ngoài một trạm xăng nhỏ xinh xinh, một bên là đồng mía, một bên là dòng sông bạc chảy ra biển (dòng nước mà ông lái xe bảo tôi rằng mùa hè đến mày có thể nhìn thấy cả cá heo), cách xa nền văn mình nhân loại 300km. Cũng may là sau một hồi gào thét chửi rủa bản thân thì tôi đã tìm thấy điện thoại trong túi áo khoác ngay trước ngực.

Xấu hổ là như thế nào ư? Là khi chạm phải những ánh mắt lảng tránh, khinh rẻ, những ánh mắt nhìn xuống tôi như thế tôi không cùng địa vị xã hội với họ, đẩy tôi càng xa khỏi thế giới của họ càng tốt. Không nhiều người có cảm tình với hitchhiker, nhưng những người đã dừng lại và cho bạn lên xe là những người tốt nhất thế giới. Họ giúp bạn khi không ai khác giúp bạn.

Chỉ với cái ngón cái giơ cao, nghiêng trên trời (đôi khi có một tấm bảng đeo trước ngực), với cái đầu còn non choẹt nhưng đầy ước mơ, trái tim bất ổn nhưng thừa đam mê, cùng rất nhiều kem chống nắng và socola chống đói, tôi xách ba lô lên và đi. Không kế hoạch, không bạn đồng hành, không kinh nghiệm, không có mấy đồng trong túi, tôi lại có vô cùng nhiều lí do vì sao tôi kiên quyết bỏ ngoài tai những câu khuyên bảo ngoài kia nguy hiểm lắm, mày không sợ bị giết ư, có ngày mày sẽ gặp hạn. Nhưng thật ra, những câu chuyện của google về "hitchhiker murder", "hitchhiker gone missing", những câu chuyện của những người tôi gặp về việc họ chạm trán người xấu ra sao CÓ làm tôi nhụt chí và nghi ngờ kế hoạch của mình. Tôi nhìn trong ánh mắt họ không còn đâu tình yêu với nhân loại.

Ai chả biết trên thế giới này vẫn có người tốt, và lòng tốt luôn luôn tồn tại. Nhưng như Buddha đã nói "Chỉ chấp nhận những thứ mình trải nghiệm là sự thật và là sự thật duy nhất", tôi chỉ có thể hoàn toàn tin rằng lòng tốt tồn tại khi nó xảy đến với tôi trong những thời khắc tuyệt vọng nhất.

Không, tôi không liều chết, tôi liều sống.

Tôi mới viết về những cảm xúc tiêu cực, những khó khăn của hitchhike. Nếu như có ai muốn biết thêm về hành trình của tôi, tôi sẽ viết tiếp. Bây giờ tôi phải quay lại làm việc đã.
 
Last edited:
Toàn thân run như sốt, đầu óc quay cuồng, chân không dừng bước được, tôi cắn vào tay thật đau để làm mình bình tĩnh lại, nhưng không giúp được gì mà chỉ làm tôi thêm phát điên. Đó là tối trước ngày khởi hành, cả tối tôi luôn trong trạng thái hưng phấn cực độ đến nỗi đặt lưng xuống giường không thể ngủ được. Tôi vẫn nhớ trước khi nhắm mắt lần cuối mồm tôi vẫn còn đang thì thầm một cuộc nói chuyện tưởng tượng với một tài xế nào đó sẽ dừng xe lại và hỏi tôi muốn đi đâu. Hoàn toàn bốc đồng, chuyến hitchhike đến Sydney chỉ được lên kế hoạch trong vài tiếng ngắn ngủi. Và tôi chỉ chuẩn bị những đồ thiết yếu căn bản: nước, bánh mì, nutella, dao, cam, giấy, chocolate, sách, kính, kem chống nắng. Tôi cũng không loại trừ khả năng phải làm bạn với mặt đường hay ghế trong công viên một tối trong trường hợp không đến được Sydney như dự kiến bằng 1 cái chăn và áo bông. Nói tôi điên, tôi không mong ai hiểu được, nhưng có tin không nếu tôi nói tôi không thể ngừng nghĩ về việc thử ngủ ngoài đường như người vô gia cư một hôm?

hie1babfu-1.jpg
(Cần gì để đi hitchhike? 1. Một số đồ căn bản 2. Một tâm hồn không chịu sự ổn định. 3.Rất nhiều sự quyết tâm 4.Tinh thần không được sợ)

5 giờ sáng tỉnh dậy, thất vọng nhận thấy cơ thể mình không còn năng lượng dồi dào như hôm qua, tôi có bị nhụt chí khá nhiều. Quên mất không kiểm lại đồ lần cuối, chai nước, hộ chiếu, sạc điện thoại bị quên ở nhà còn tôi thì bắt chuyến tàu đến đường cao tốc. Đó là một hôm trời mát lạnh, không có nắng, và xe cộ qua lại còn thưa thớt lúc tôi đến điểm vẫy xe lúc 7.45. Nói thật, đến lúc đó tôi vẫn không hề tin mình sẽ được một xe tải hay xe con nào đó dừng lại và chở tôi đi như trong sách. Tôi chỉ nghĩ rằng, mình làm điều này vì mình muốn thử, và nếu có thất bại thì ít nhất mình cũng đã thí nghiệm thứ gì đó mới mẻ, và lần tới sẽ thành công. Nghĩ vậy đấy, nhưng lòng tôi vẫn chết đi một mẩu mỗi khi chiếc xe nào đó rồ ga chạy qua, tôi vẫn kì vọng sẽ có điều kì diệu gì đấy xảy ra thật.

Sau khoảng nửa tiếng giơ ngón tay trỏ và vẫy vẫy tấm bảng, có một chiếc xe dừng đèn đỏ cách chỗ tôi đứng tầm 50 mét nháy đèn với tôi. Bần thần một lúc không tin là cơ hội đến nhanh vậy, tôi nhảy xuống đất và nhướn ánh mắt to dần khi chiếc xe tiến gần lại. Nhưng xe không giảm tốc độ, và qua cửa kính đen mờ, tôi thấy hai thằng Trung Đông hay Ấn Độ gì đó nhìn tôi cười và giơ hai tay lên theo kiểu “Mày đang làm cái gì vậy?”. Tôi bị xúc phạm nặng nề, không những không giúp được người ta mà còn trêu đểu không thấy tao là học sinh và không có tiền à? Khoảng 10 giờ, thay đổi vị trí vẫy xe để tìm vận may và cuối cùng vận may mỉm cười nhưng không phải kiểu vận may tôi đang chờ. Tôi đang đứng thì có tiếng buýp còi, quay lại thì thấy một cô tầm 40 tuổi người Châu Á hạ cửa kính xuống và quay về phía tôi. Tôi cứ tưởng mình sẽ được đi nhờ xe nhưng không phải. Cô này chìa tay ra và đưa cho mình một tờ tiền. Mình lưỡng lự một chút nghĩ “Ơ kìa mình đâu phải là ăn xin ăn mày nhỉ?” Xong nhận ra rằng “Ờ nhưng mà tại cái biển này mọi người thương hại mình đây mà”. Nhìn kĩ lại, đó là một tờ tiền màu vàng. 50 ĐÔ. 50 ĐÔ ĐÓ làm sao tôi từ chối lòng tốt của người ta được nên tôi đành phải nhận để cô ấy đi tiếp không thì cản trở giao thông qua lại. Tôi cũng thấu đáo phết chứ đùa đâu. Vậy là lại đứng đợi tiếp dưới mưa. Trời bắt đầu lạnh. Tôi lại cảm thấy khốn khổ. Ngoài tờ $50 đó ra, tất cả những gì tôi nhận được cho đến thời điểm này là những ánh mắt tờ mò, vô cảm, chọc ghẹo, thương cảm, qua cửa kính đen mờ. Tôi nhìn thấy vài người đi chậm lại chỉ để giơ tay lên ra hiệu với tôi rằng họ không thể giúp tôi. Tôi tự hỏi không biết tôi đã làm bao nhiêu người cắn rứt lương tâm vì không thể giúp cậu học sinh khánh kiệt đến được Sydney. Thậm chí có một bác già lái xe qua và giơ ngón trỏ với tôi như bảo “Cố lên rồi mày sẽ làm được” và bỗng dưng tôi cảm thấy yêu đời. Thế là tôi đứng đó hát ầm lên “Well keep your eyes on the road your hands upon the wheel. We’re goin to the roadhouse to have a real GOOD TIME”.

Sau khi nhai đi nhai lại sai vài lần lời bài hát thì đâu lại vào đó và mình nghĩ về việc đi về nhà đi thôi. Trời mưa to hơn và tôi mất dần kiên nhẫn. Bỗng dưng có một chiếc xe nháy đèn với mình và xi nhan tấp vào lề, đi chậm lại và cuối cùng dừng hẳn. Ôi lạy trời tôi hạnh phúc không thể tả được ít nhất cuối cùng có người cũng dừng lại và hỏi mình. 2 bà cô chạc 60 70 tuổi ngồi ghế trước, kéo cửa kính xuống và nhìn tôi với ánh mắt lo âu. Thực ra tôi muốn chọn đi cùng với xe tải hơn vì thứ nhất có nhiều khẳ năng họ chạy thẳng tới Sydney hơn và thứ hai vì chọn đi với tài xế xe tải có ít khẳ năng họ là sát nhân hơn. Cái vế thứ hai tôi nửa đùa nửa thật nghĩ vậy vì khi google về hitchhike những bài đầu tiên hiện lên là những câu chuyện về sát nhân hàng loạt giết hitchhiker và backpacker. Đi với xe tải họ luôn bị giám sát và phải theo lịch trình, thế nên nếu tôi bị giết ít nhất người ta sẽ tìm xa được xác tôi. Nhưng lúc này vui quá tôi quên mất dự tính của mình.

hie1babfu.jpg
(Cả nghìn xe đi qua nhưng họ đều bận đi làm, đi ăn sáng, đi đến nhà bạn, đi đến đâu đó, làm sao có thời gian cho một đứa lông ngông đứng đường)

“Đứng đây cậu sẽ không thể bắt được xe đâu, tôi có thể chở cậu đến chạm xăng phía trên kia, đó là nơi xe tải tập trung và cậu sẽ bắt xe ở đó dễ hơn ở đây. Câu thấy sao?”, họ hỏi.
Tôi đã biết về chạm xăng này và ngay lập tức đồng ý với đề nghị của 2 bà cô dễ thương kia.
“Nhảy vào đi tôi sẽ chở cậu đến”, họ cười.
Tôi nhảy vào xe, rối rít cảm ơn. Bà lái xe bảo rằng chỗ tôi đứng quá nguy hiểm và rằng không muốn thấy tôi xuất hiện trên bản tin tối nay nên không cầm được lòng.
“Tôi gần như bỏ cuộc rồi may mà có hai cô xuất hiện”, tôi nói.
Cô lái xe, phanh lại, dừng hẳn xe, quay đầu lại nhìn tôi cười và nói với một giọng điệu vô cùng nghiêm túc “Không bao giờ bỏ cuộc, hiểu chưa?”
Từ điểm tôi đứng đến chạm xăng trên kia chỉ khoảng 20 cây số. Thế nên chuyến hitchhike đầu tiên trong đời chỉ kéo dài có 10 phút.
“Vậy điều gì khiến cậu tới Sydney?”
Thở dài, tôi nói “Ồ câu chuyện dài lắm”
“Chúng tôi lại có rất nhiều thời gian”, họ cười, nói.
“Tóm gọn lại là như thế này…”
Vậy là chương đầu của chuyến hành trình 900 cây số chính thức bắt đầu.
 
Tôi phải log in để comment và like cho bạn. Không biết câu chuyện của bạn viết về những tháng ngày rong chơi đã diễn ra bao giờ, nhưng tôi cam đoan bạn kém tôi ít nhất 10 tuổi. Nhưng trên hết, tôi phục bạn.
Còn nhớ, tôi đã từng có cảm giác của kẻ Hichhike vào những năm 95, tại Việt Nam. Dạo đó tôi chỉ là cậu trò nhỏ, nghỉ hè là cả lũ bạn lại hò nhau đi tập thể dục buổi sáng. 5h sáng, cả nhóm bắt đầu chạy và lẽ dĩ nhiên, cả lũ phải cố gắng chạy bộ đến 1 cái đích thật xa nhà, để về còn kể về thành tích với người nhà, để mong nhận được những lời suýt xoa về sức khỏe của mình, nhưng đầu óc trẻ con làm sao nghĩ ra được, là mình chạy bộ 5 km đi, thì mình cũng phải chạy 5km về, chính vì thế, trong nhóm chạy bộ, những thằng cuốc bộ được về nhà cũng phải đến 8h sáng, 3 tiếng đồng hồ cho quãng đường 10km. Tôi là 1 thằng mau lẹ nhất trong nhóm, nghĩ ra cách đi nhờ xe của người lớn lúc họ đi làm, vậy là sau tôi còn 3 thằng nữa cũng làm theo, có người từ chối, có người đồng ý, để rồi đến khi ngồi sau xe đạp của họ lại cảm thấy áy náy vì họ phải chở mình đi xa, trong khi đang vội đi làm.
Chuyện chỉ có vậy, nhưng nó là ấn tượng không bao giờ quên. Bây giờ gặp lại bạn trong hành trình này, nhớ đến những ngày ấu thơ của mình mà không khỏi ngưỡng mộ.
Chúc bạn bằng an trên mọi cung đường.
 
Cám ơn anh Tùng ạ. Những câu chuyện phượt theo kiểu hitchhike này của em mới diễn ra từ tháng 11 năm ngoái, với chuyến hành trình gần đây nhất dài 700km từ Melbourne đến Adelaide vào đúng ngày em tròn 21 tuổi - tháng 6 vừa rồi.

Câu chuyện của anh là minh chứng cho việc "hitchhike" chả là một khái niệm gì quá xa lạ đối với người Việt Nam phải không anh? Thậm chí, em còn phải phục anh ấy chứ mới mười mấy tuổi đã dám hitchhike rồi hehe.

Em cũng không dám nói hitchhike có phải là một cách phượt mạo hiểm hay không. Ở những nước phương Tây, văn hóa hitchhike không phải là một điều gì xa lạ, nó đã có thời điểm huy hoàng của riêng nó vào những năm 60 khi phong trào "phản văn hóa" nổ ra ở nước Mỹ. Hàng vô số thanh niên hippie tóc dài, quần loe, không xu dính túi ngoại trừ một chút thuốc phiện, chất gây ảo giác và tâm hồn phiêu lưu trong mình, di chuyển khắp các thành phố trên khắp nước Mỹ để nghe theo tiếng gọi của sự tự do. Ở châu Âu, văn hóa hitchhike cũng không phải xa lạ gì khi mà từ những năm 30, 40 của thế kỉ trước, những binh lính không có phương tiện trở về doanh trại đã nghĩ ra cách đứng bên lề đường để xin đi nhờ xe của người dân. Người dân coi hành động giúp đỡ binh lính này là nghĩa vụ, và họ chẳng mảy may suy nghĩ xem liệu tên lạ mặt kia có gây ra nguy hiểm gì cho bản thân không. Nhưng càng về sau này, văn hóa hitchhike ngày càng trở nên ít phổ biến. Không phải phần nhiều vì thế giới này trở nên xấu xa hơn, con người có thiên hướng hãm hại nhau hơn, tỉ lệ khủng bố cao hơn, mà thực ra theo em nghĩ lí do lớn nhất là do TRUYỀN THÔNG! Những bộ phim rùng rợn giết người của Hollywood về kẻ đi hitchhike là một ví dụ, nó khiến phần lớn chúng ta đều cảm thấy dè chừng và nghi ngờ lòng tốt của con người. Nhưng không thể phủ nhận những rủi ro chúng ta có thể gặp phải khi hitchhike!

Càng đi mới càng biết lòng tốt của con người có thể nảy sinh ở những thời khắc đen tối nhất, được nảy mầm bởi bất kì ai. Đó là bài học em rút ra được sau những hành trình hitchhike của em.

Em ấp ủ một ngày gần đây thôi có thể thử nghiệm hitchhike ở Việt Nam. Ừ tất cả mọi người đều nói không thể, không nên, không khả thi. Nhưng nếu không bao giờ thử, thì chúng ta không bao giờ biết được câu trả lời.

Em sẽ tiếp tục chia sẻ những câu chuyện phượt theo kiểu hitchhike này cho những người quan tâm. Mong mọi người theo dõi hehe.
 
"Tại sao?"

Có lẽ đó là câu hỏi thường trực trong đầu những con người xa lạ tôi gặp trên hành trình bắt xe của mình.

Hầu hết chả ai có thể hiểu được, rằng nếu như muốn, tôi đã đặt mông lên tàu, lên xe khách, lên máy bay để đến nơi tôi muốn một cách đỡ tốn mồ hôi hơn rồi. Ngoài việc không có nhiều tiền, quan trọng là tôi ương bướng, quyết chứng tỏ rằng tôi là một cá thể khác biệt, có thể làm những điều người khác không dám làm, và dám theo đuổi đến cùng đam mê của bản thân. Nhưng một điều quan trọng không kém, mà tất cả những tâm hồn đam mê phiêu lưu du lịch đều hiểu, là quá trình chinh phục một ngọn núi là thứ đẹp đẽ nhất, đáng nhớ nhất và ý nghĩa nhất trong hành trình của một nhà leo núi. Mọi người không hiểu được rằng, đích đến của tôi không phải là Sydney, Brisbane, Canberra hay Adelaide - chúng chỉ là những cái tên - những gì diễn ra giữa 2 thành phố mới là trải nghiệm thay đổi cuộc đời tôi.

Những con người tôi gặp, những cảm xúc tôi trải qua, những bài học tôi đúc kết được, những cơ hội ẩn nấp trong bụi rậm tôi không ngờ tới... Tất cả những gì đẹp đẽ nhất trong hành trình hitchhike của tôi diễn ra trên những cung đường.

Vậy nên khi họ hỏi tôi "Tại sao mày không bắt chuyến tàu mà đi?", tôi chỉ cười mà nói "Thế thì dễ quá".

cropped-image-11.jpg

(Ảnh google thôi, nhưng nếu có ai chụp hộ tôi, thì ảnh của tôi cũng chả khác thế này tẹo nào)

Sau khi có được trải nghiệm hitchhike lần đầu tiên với 2 bà cô dễ thương tôi đã kể ở trên, tôi có thêm tự tin vào việc đi nhờ xe là hoàn toàn khả thi. Tôi được thả xuống tại một trạm xăng lớn, nơi những chiếc ô tô tải hạng nặng đến và đi. Tất cả những kỹ năng, kiến thức về hitchhike, tôi đều chỉ học được qua sách truyện và Google. Đến phần này của buổi diễn, theo như lý thuyết dạy, tôi sẽ chạy đến hỏi những tài xế xe tải xem có ai tình cờ đi cùng đường với tôi không.

Nghe thì có vẻ rất là dễ đó, nhưng đến khi làm thật thì nó cứ kì quặc làm sao ấy. Tôi cứ lon ton chạy hết từ xe này đến xe khác và chỉ nhận được những cái lắc đầu. Tôi biết rằng, nguyên nhân của một số cái lắc đầu đó là do họ không được phép cho người lạ lên xe do luật bảo hiểm của công ty, nguyên nhân của những cái lắc đầu khác là vì họ không đi cùng đường với tôi, còn số lắc đầu còn lại là do đơn giản là họ xem hơi nhiều phim rùng rợn giết người.

Một mình trên một vùng đất không quen biết, tôi thấy bản thân thật nhỏ bé làm sao. Thời tiết đỏng đảnh như con gái của Melbourne cứ thỉnh thoảng lại trút cơn mưa ngắn ngủi xuống hòng làm nhụt quyết tâm của tôi. Loanh quanh 15 phút nhưng chưa tìm được cơ may, tôi bắt đầu thấy sợ. "Chẳng may mình không bắt được xe nào nữa thì sao?", "Còn tận 800km nữa cơ, mình liệu có thực sự làm nổi việc này không?" "Hay là mình bắt xe đi về lại Melbourne nhỉ". Tôi bắt đầu bàn kế lùi. Bỗng nhiên, có một chú người châu Á đi từ bãi đậu xe đến với tôi. Tôi liền nhanh nhẩu hỏi "Ông có tình cờ cùng đường đến Sydney không?". Thay vì cho tôi một câu trả lời sẽ khiến tôi mừng quýnh lên, chú ấy xòe tay ra và nói "Cầm lấy đi".

Đôi mắt lo âu và quan tâm thực sự của con người lạ mặt này...đẹp quá. Trong bàn tay kia có xấp xỉ $20, cả giấy cả xu. Trong một giây ngắn ngủi suýt nữa thì tôi quen tay chấp nhận sự hào phóng của chú ấy. Nhưng không, dù ma lực của đồng tiền có cám dỗ đến mức nào, tôi cũng không thể nhận số tiền này. "Tôi cám ơn, nhưng tôi không cần tiền", tôi phân trần. "Nhưng mày nói là mày không có tiền mà", chú ta bối rối hỏi. Tôi nhìn xuống tấm bảng vẫn đang treo lơ lửng trước ngực và nhận ra rằng mồi câu lòng tốt của tôi thực sự có tác dụng (Nó viết "Học sinh - Không tiền - Cần đến Sydney). Tôi cũng xấu hổ không muốn giải thích rằng tôi chỉ viết thế để mọi người dễ dàng giúp đỡ tôi hơn thôi, chứ thực ra tôi không cần tiền, tôi chỉ cần đến được Sydney mà thôi. "Mày có chắc mày không cần số tiền này không?", chú ấy hỏi lại lần cuối như thể tôi là đứa con trai đang tạm biệt gia đình đi thi đại học vậy, và tất cả những gì chú ấy muốn là chuyến đi của con mình được đầy đủ nhất có thể.

"The plan is there is no plan" - "Kế hoạch là không có kế hoạch nào cả" là phương châm của tôi - cũng như rất nhiều hitchhiker phiêu bạt khác. Vì thế khi chú ấy nói chú ấy đang đến Canberra và hoàn toàn chào mừng tôi lên xe cùng gia đình chú ấy về Canberra, tôi liền đắn đo có nên liều mình đến một thành phố hoàn toàn không có người quen hay không. Tôi đã mang chăn và áo bông dự phòng rồi mà, sợ gì nếu phải ngủ trên ghế đá một hôm nhỉ?

Thế nhưng may mắn là tôi đã tìm được một tài xế xe tải khác có thể trở tôi đi 300 cây gần hơn tới Sydney. Anh ta thậm chí còn chả mất quá một giây suy nghĩ hay dò xét, "Chắc chắn rồi, nhảy lên xe đi". Trèo lên chiếc xe tải của anh ta, một cơn phấn chấn lạ thường chạy qua cơ thể tôi. TÔI ĐANG THỰC SỰ HITCHHIKE.

hie1babfu2.jpg

"Lái xe trên đường cao tốc, đôi khi mày sẽ thấy mấy con kangaroo chạy qua. Thỉnh thoảng tao vẫn tao vẫn thấy xác một con kangaroo bị đâm nằm trên đường", Myles kể với tôi.

Myles có một cô vợ, 5 đứa nhóc và nuôi vài con chó. Một tổ ấm hoàn hảo. Anh ấy lái xe tải đường dài 2 ngày một tuần, và dành thời gian còn lại để xây căn nhà mới chào đón đứa nhóc thứ 6 (Lái xe tải là một nghề lương rất khá). Tất cả những đứa con của anh đều không đi học, chúng nhận được sự giáo dục từ Myles và vợ anh. Anh ấy mời tôi đến chơi nhà anh ấy, dùng bữa và qua đêm tại đó rồi hôm sau hãy khởi hành. Quả thật, so với những tài xế xe tải mà tôi biết sau này, Myles thực sự là một người có học thức và kiến thức xã hội, anh ấy biết nói chuyện và rất lịch sự. Nhưng tôi, trong lần đầu tiên hitchhike này, vẫn còn nỗi sợ phải đi chệch khỏi con đường chính và cuốn theo những cơ hội mời chào, thế nên tôi đã từ chối lời mời của anh.

Càng đến gần điểm mà anh ấy sẽ thả tôi xuống, tôi lại càng cảm thấy lo lắng và sợ hãi. 300 cây số xa Melbourne, 600 cây số cách Sydney. Nửa này nửa nọ, chẳng gần nhà mà cũng chẳng gần bờ là cảm giác tôi ái ngại nhất khi phải hitchhike. Dù sau này có kinh nghiệm hơn và chai sạn hơn khi hitchhike, cái cảm giác phải chia tay một người đang cho mình cảm giác an toàn, để lại một lần nữa đứng bơ vơ bên cạnh đường cao tốc, hay mò mẫm những cơ hội tại một trạm xăng thật vô cùng sầu não. Tôi lắng nghe những cuộc gọi của Myles cho bạn của anh ấy một cách chăm chú và hi vọng. Nhưng không, không có một người quen nào của anh tình cờ có thể chở tôi đến Sydney từ điểm dừng sắp tới. Tôi phải tự xoay xở một mình.

hie1babfu1.jpg

(Chuyên chở các loại xe từ thành phố này sang thành phố khác không phải là một nghề thú vị nhất quả đất)

Khi chia tay, anh ấy chúc tôi may mắn và nhắc rằng nếu mọi chuyện diễn ra không ổn, hãy gọi cho anh ấy và anh ấy sẽ đón tôi qua nhà chơi một tối. Myles tặng tôi quyển sách kinh thánh nhỏ, và tin tưởng rằng mọi thứ tôi đang tìm kiếm trong cuộc đời đều có thể được tìm thấy ở đây. Tôi cảm ơn anh, và nhảy tót xuống xe. Những tia nắng chói chang chào mừng tôi đến với vùng đất xa lạ mới. Không có mấy hoạt động đến và đi của phương tiện giao thông tại trạm xăng này, và tôi tự hỏi tôi đang làm cái quái gì thế này. Tôi đáng lẽ ra có thể đang ngồi ở hiên sau nhà, uống một cốc sữa mát lạnh, nhấm nháp một quả táo, và nghiền ngẫm một bộ phim hay quyển sách tôi đang đọc giở. Tôi đang làm gì ở đây vậy? Cảm giác hụt hẫng dâng trào trong tôi, khi tôi lặng lẽ cố nép mình tránh nắng, và nhìn chiếc xe tải của Myles thu nhỏ dần trong mắt tôi.

Nhìn quanh không thấy ai. Làm gì tiếp bây giờ?

(Còn tiếp)
Mọi người ơi sau khi em đã thành công với hành trình hitchhike của mình, bây giờ em đang bắt đầu một hành trình mới đó là xây dựng một website về nghệ thuật, văn hóa, du lịch và ẩm thực Việt Nam. Dù dự án còn rất nhỏ nhưng đam mê của em cho đứa con tinh thần này là rất lớn, mong mọi người có thể dành chút thời gian giúp em phát triển Artport.vn nhé. Cám ơn mọi người rất nhiều.
 
Hay. Chỉ dành cho nam là chính. Như là Huyền Chip cũng tương tự, nhưng ở Huyền Chip có những góc khuất sẽ ko tiện kể ra. Chúc mừng bạn đã chọn 1 thử thách khắc nghiệt đến thế và đã bình an trở về.
 
Cám ơn anh/chị Khả Hãn đã theo dõi chia sẻ của em nhé. Đúng là hitchhiking là kiểu phượt mà không nhiều nữ giới dám làm. Một mặt, hitchhiker nữ sẽ có khả năng được cho đi nhờ cao hơn, nhưng mặt khác, nữ giới có khả năng gặp nhiều rủi ro hơn. Tuy nhiên, nếu mọi người tìm hiểu về các cộng đồng hitchhiker trên mạng thì sẽ thấy có một số lượng hitchhiker nữ rất lớn đó ;)
 
Mọi người rảnh thì ghé thăm WEBSITE em đang xây dựng một xíu nha. Cảm ơn mọi người hehe

Đứng chôn chân bên trạm xăng, lông mày nhướn lên cố lưu giữ lại những hình ảnh cuối cùng của chiếc xe tải đã đưa tôi đi 300km khỏi Melbourne, tôi cảm thấy... sợ.

Sợ vì tất cả những lý thuyết tôi biết về hitchhiking đều chỉ dừng lại ở những gạch đầu dòng khiêm tốn như:
_Đứng bên đường giơ ngón trỏ lên cao và hi vọng vào những điều tốt lành nhất
_Thử vận may ở các trạm xăng, tổ hợp ăn uống trên đường cao tốc. Tiến đến các lái xe và chủ động đề nghị được giúp
_Tin vào bản năng của mình. Nếu có tài xế nào đó cho bạn linh cảm không lành, đừng nhận lời.

Tất cả mọi người đều biết những kiến thức họ học được trong những tháng ngày mài mông trên ghế nhà trường có thể sẽ trở nên nhỏ bé và dường như vô nghĩa ra sao một khi họ bước ra ngoài đời và tìm kiếm công việc thực sự. Và bây giờ khi tôi không có đường lùi khi bị mắc kẹt giữa một địa điểm xa lạ nào dó giữa Melbourne và Sydney, tôi phải vượt qua nỗi sợ và bắt đầu hành động đi thôi.

Trát lên người vài gram kem chống nắng xong, tôi đi vòng quanh cái trạm xăng này một lượt, lướt mắt một lượt qua những khuôn mặt của các tài xế đang dừng lại tại đây. Ở Úc, các trạm xăng nằm giữa đường cao tốc thường có cửa hàng KFC, McDonald và siêu thị nhỏ bầu bạn bên cạnh. Vì thế tài xế lái xe đường dài sẽ chẳng bao giờ phải sợ thiếu những vật dụng cần thiết. Họ cũng thường tạt vào những khu nghỉ chân như thế này để lấy sức tầm 15 phút hay nửa tiếng để rồi sau đó lại tiếp tục với những con đường dài vô tận. Lúc đó đang là 1 giờ trưa, và thật ngạc nhiên là trạm dừng chân này mặc dù khá to nhưng vô cùng đìu hiu những vị khách viếng thăm.

hieu.jpg


Sau khi hỏi một vài người nhưng bị từ chối, tôi liền quảng ba lô sang một bên, tìm một chỗ ngồi mát mẻ và lấy bánh mì phết nutella ra chống đói. Tôi bỗng cảm thấy vô cùng thanh thản và thư giãn như thể nhà tôi chỉ cách đây vài bước chân và đây chỉ là một chuyến dạo chơi chiều thứ 7 thông thường vậy. Miệng nhồm nhoàm bữa trưa trong khi tâm hồn thì đang lang thang với những viễn cảnh phiêu bạt tiếp theo của mình, tôi bỗng nhìn thấy một anh chàng thanh niên dáng dong dỏng đi qua chỗ tôi. Anh này tôi lúc trước xếp hàng đằng sau tôi trong shop 7-Eleven, hình như mua một lon Monster hay Redbull gì đó. Anh ấy bước chậm qua chỗ tôi và đánh mắt nhìn tấm bảng đang ghi "Học sinh - Không tiền - Cần đi Sydney" tôi đang vứt vương vẩn trên bàn. Một cách bột phát, tôi tươi cười mở miệng hỏi "Anh bạn, anh có tình cờ cũng đến Sydney không?". Lúc này tôi cũng chưa quá thiết tha với việc tìm kiếm cơ hội đi tiếp khi mà với cái bụng đã ấm và thời tiết thì mát mẻ, cơn buồn ngủ ngay lập tức ập tới tôi. Anh chàng thong dỏng này liền trả lời Có ngay lập tức với một thái độ rất cool, không có gì phải dấu giếm tôi cả. Tôi suýt mắc nghẹn. Tạm dừng hẳn việc sử dụng đôi hàm để nghiền thức ăn, tôi không giấu nổi sự hi vọng khi nhướn ánh mắt lóng lánh như trong anime của mình lên và hỏi "Anh chở tôi đến Sydney được không?".
"Sao lại không nhỉ?", câu nói đó khiến tôi suýt thét lên mừng rõ. Tôi vui như hồi tôi nhận được phong bao lì xì ngày tết 500k lần đầu tiên, như cái vể mặt tôi lúc 7 tuổi khi được bà cho tiền mua bỏng, như cái lúc tôi nhảy chân sáo đến trường cái hôm lớp chúng tôi đi tham quan Lăng Bắc lần đầu.

Tôi bỗng thấy cuộc đời thật buồn cười. Những lúc tôi hi vọng nhiều nhất, cố gắng kiếm tìm cơ hội một cách chăm chỉ nhất thì cơ may đều lắc đầu hay quay lưng lại với tôi. Nhưng khi tôi hoàn toàn không đặt hi vọng gì thì cơ hội lại thong dong bước qua mặt tôi. Thật kì lạ khi mà những cơ hội chúng ta mong mỏi và ước ao đôi khi hiện hữu thật gần kề mà chúng ta không hề biết.

Theo chân Greff lên chiếc xe Jeep của anh, tôi mới biết Greff có bố từng làm đại sứ quán Úc tại Việt Nam, và anh cũng đã đến Hà Nội vài lần, trong khi anh chị của Greff từng đi học cấp 3 tại Việt Nam. Ôi tôi cảm giác như tìm lại được người bà con xa quê lâu ngày vậy. Chúng tôi ngay tập tức nhảy vào những cuộc trò chuyện thân mật và vui vẻ. Lúc đầu những chủ đề thường xoay quanh Việt Nam, nhưng rồi nói mãi cũng hết chuyện, chúng tôi bắt đầu hỏi những câu hỏi cá nhân hơn. Greff hiện đang học kĩ sư điện trong quân đội, và anh được miễn hoàn toàn học phí trong khi được học thứ mình thích. Nhưng đổi lại, anh sẽ phải dành 1-2 năm phục vụ trên chiến trường hay tại những mặt trận xa tổ quốc. Tôi thầm ngưỡng mộ sự dũng cảm và lạc quan của anh khi mà anh không hề cảm thấy sợ viễn cảnh minh có thể phải làm việc ở những nơi khắc nghiệt như Trung Đông, thay vì vậy anh lấy đó làm cơ hội để được du lịch và học hỏi thế giới mới.

hieu-4.jpg


Đến một lúc, tôi mệt quá và bảo rằng tôi sẽ chợp mắt một lúc. Trước khi chìm vào giấc ngủ tôi không quên để ý hai cánh tay của Greff. Ngoại trừ việc anh này có lông màu cam (ginger), thì Greff có một đôi tay và cẳng tay khá to và chắc đối với dáng người dong dỏng của anh. Rõ ràng, việc tập luyện thể chất trong quân đội phải cao độ và khắc nghiệt lắm đây. Tôi bỗng tưởng tượng, sẽ thế nào nếu tên Greff này lật rõ mặt của kẻ sát nhân hàng loạt vẫn hay xuất hiện trên báo nhỉ. Hắn chỉ cần dùng đôi tay chắc khỏe của hắn ghì cổ tôi khi tôi đang bận quay sang trái nhìn ngắm cảnh vật yên bình của nước Úc qua cửa sổ giờ đây đang thấm nước vì mưa. Thật dễ dàng. Hoặc một khi tôi đã ngủ, khi mở mắt lại tôi sẽ thấy xung quanh là cảnh vật của một nhà kho, tay tôi bị trói sau lưng vào cột nhà, miệng đã bị bịt bởi băng keo, còn ở phía góc nhà là tên Greff "tốt bụng" kia đang tập trung mài dao, chả để ý gì đến sự tồn tại của tôi.

hieu-2.jpg

(yên bình ghê cơ, nhưng mỗi tội giữa những thành phố, giữa vài trăm km, cảnh vật toàn như thế này :p)

Cuối cùng thì tôi cũng đến được Sydney, Greff đưa tôi hẳn đến một trạm tàu để tôi có thể tự tìm đường về chỗ qua đêm. Trước khi chia tay, Greff xin tấm bảng của tôi như là vật kỉ niệm và cũng để anh tiện minh chứng cho bạn bè là anh đã cho một tên hitchhiker đi nhờ xe.

Ngày tôi đến Sydney, là ngày trời đổ bão. Tôi đi lang thang xung quanh khu phố chính và tỏ vẻ ngầu không sợ mưa ướt khi mà tôi đã khoác trên mình chiếc áo gió chống nước. Nhưng sau một hồi thấy tôi vẫn cứng đầu ông trời liền xả hết những gì còn lại khiến tôi phải tìm chỗ trú. Tôi đi loanh quanh một hồi, lấy bánh mỳ, Nutella và trái táo ra lót dạ cho bữa tối. Rồi dựa vào tường bên ngoài KFC, nơi có mái che và lại ngay gần Circular Quay, bến tàu nơi tôi có thể đi về bất kì hướng nào.
Tối hôm đó gần Giáng Sinh, mọi người đều diện đẹp đi chơi. Tôi nhìn mọi người đi có bầu có bạn, họ cười đùa vô lo vô nghĩ, họ nắm tay nhau bước qua mặt tôi. Tôi cảm thấy đơn độc và buồn quá.
10565027_872684276129227_4627841981937077892_n.jpg


Nhưng thây kệ, cuộc đời của một kẻ du hành phải chấp nhận sự cô độc. Tôi liền lấy quyển sách trong cặp ra đọc, mặc thêm một cái áo khoác vì giờ trời đã lạnh, quẳng ba lô sang một bên, cụp chiếc mũ xuống để chống rét, và dựa vào tường.

Bỗng nhiên tôi cảm thấy có 2 người dừng lại trước mặt tôi. Tôi không ngẳng lên vì chắc họ không có liên quan gì tới mình. Thế nhưng một người phụ nữ cúi xuống tôi. Tôi ngẩng mặt lên thấy 2 người phụ nữ dáng cao, xinh đẹp và bỗng bộ não tôi không kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra. Người phụ nữ cúi xuống đã giải thích ngay cho tôi hành xử của họ: cô ấy chìa tay ra và đưa cho tôi một tờ $5 và nói "Merry Christmas".
Đây là lần thứ 3 tôi được cho tiền trên chuyến đi. Chưa một lần nào tôi chủ động rủ lòng thương của người lạ, vậy mà họ vẫn hào phóng chia sẻ với tôi một chút lòng tốt. Ôi cuộc đời thật đẹp biết bao.

Tôi bỗng cảm thấy buồn cười nhưng tôi cũng không lấy gì làm lạ. Đảo mắt xung quanh một lượt, tôi cũng thấy một số người vô gia cư có bộ dạng giống hệt tôi. Thế nên chả bất ngờ gì khi người ta nhầm tôi thành một kẻ không nơi nương tựa. 1h sáng hôm sau, tôi về được đến nhà bạn tôi, kết thúc hành trình đi đến Sydney, còn hành trình về nữa...
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,430
Bài viết
1,175,888
Members
192,101
Latest member
MapVNC
Back
Top