Món óc thì tôi cũng không mấy thích khi chấm mấm nêm, tôi thấy không hợp khẩu vị. Nhưng con ốc ở đây ngon là ở độ tươi.
Tôi được biết nguồn ốc bưu và ốc đít bằng tại đây đã cạn kiệt. Hiên giờ người ta phải chạy qua bên kia ranh giới và đi sâu vào đến gần ranh giới Thái Lan, họ mới đánh bắt được loại ốc này. Bên phía đối diện quán có một nhà chuyên thu mua ốc, và tôi có cơ hội qua đó trò chuyện và chụp vài tấm hình. Tôi biết thêm, phần lớn số ốc bưu mà họ thu mua tại đây, sau khi phân chia ra loại, họ vận chuyển về tới Hà Nội và lúc đó giá sẽ trở thành 130 ngàn một kg. Hèn chi cách đây gần 2 năm, tôi ăn một bát bún ốc, loe ngoe có vài con, mà phải trả giá 30 ngàn đồng, chắc bây giờ còn mắc hơn.
Nói về ốc anh Hoài cho tôi biết một món đặc biệt mà bây giờ chỉ là ký ước mà thôi. Hồi xưa, khi người ta chỉ trồng lúa có một mùa, mỗi lần cấy đất vào tháng 3, người ta bắt được những con ốc nằm trong ruộng, người ta chỉ cần rửa cho sạch bùn, rồi đem nặn ít chanh mà không có chanh thì vò lá rau răm hay lá rau om, rồi đem nhét vào con ốc. Thịt ốc sẽ chín và ăn giòn tan. Còn những con ốc mà bắt trong sông thì thiếu độ béo, sẽ không làm được món này. Giờ nay ruộng lúa được canh tác đến 3 vụ, người ta nào dùng phân, nào dùng thuốc, thì những con ốc sống trên ruộng, sống không nổi nữa, thế là tôi sẽ không có dịp thưởng thức món này và cũng sẽ không ai được biết tới món này nữa.
Rồi sau này tôi cũng biết thêm một món, đó là họ bắt đám óc mà họ cầy lên được, họ treo lên gác bếp để ăn dần cả vài tháng trời. Loại ốc này làm rất đơn giản, họ chỉ lấy xuống và bỏ trực tiếp vào nồi luộc. Những con ốc đấy lạ thây không chết mà vẫn sống tươi nguyên mà lại còn béo ngậy.
Món này tôi thấy coi như cũng đi vào dĩ vãng. 2 người bạn thân của tôi tại Long Xuyên, có thử làm cho tôi món này, mà chỉ sau 2 ngày treo bên giàn bếp, đám ốc lát đã chết thối quắc.
Ốc bưu mới được mang về từ Campuchia. Tươi và ngon, nhưng bà chủ quán không đưa nước mắm gừng, mà lại đưa mắm nêm, ăn chán chết.
Dưới đây là 2 bài báo mà tôi lấy trên mạng. Mời các bác đọc và đóng góp ý kiến. Tôi thì đã tốn công tìm kiếm mà vẫn chưa hề tìm thấy 2 món này.
Ốc đá húp trứng
SGTT - Tri Tôn là miền sát biên giới Campuchia, thổ nhưỡng nơi đây là đất pha cát nên rất thích hợp cho loài ốc đá. Vào mùa hè ốc vùi dưới đất, ban đêm hé miệng hứng sương mà sống nên thịt ốc rất mập và ngon. Ốc đá có hình dáng tương tự như ốc bươu, ốc lát, nhưng phần đuôi tròn, thân màu vàng nhạt, vỏ cứng. Thịt ốc trắng, mềm ngọt hơn ốc bươu. Vì ít người khai thác nên ở những cánh đồng bên nước bạn Campuchia ốc đá rất nhiều và người dân bên kia biên giới thường mang sang nước mình bán, nên ở đây loại ốc này còn có tên gọi khác là ốc Campuchia. Giá bán hiện nay khoảng 10.000 – 20.000đ/kg.
Ốc đá chế biến được nhiều món ăn rất đặc sắc như nấu càri, hấp lá sả, nướng bơ… nhưng món ốc đá húp trứng được cho là lạ miệng nhất. Ốc bắt về chưa vội luộc ngay mà đem tất cả bỏ vào bao bố, buộc lại đem treo giàn bếp. Độ 2, 3 ngày sau, ốc bị “đói meo, đói mệt”. Lúc bấy giờ, chỉ việc lấy thau nhựa ra, đập khoảng năm trứng gà (hoặc trứng vịt cũng được), số lượng trứng nhiều ít, tùy theo số ốc! Dùng đũa đánh trứng cho đều, pha thêm một ít nước, rồi thả ốc vào. Sau những ngày bị bỏ đói, lũ ốc hả hê “chén” sạch. Chỉ cần bắt ốc bỏ vào nồi chưng cách thủy, thế là xong! Thật là thú vị khi cầm gai quýt nhọn lể cái ruột ốc trắng phau ra khỏi vỏ, chấm vào chén nước mắm sả, chanh tỏi ớt, đưa lên miệng nhai một cách từ tốn, ta sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon, béo ngọt của thịt ốc hòa vào trứng thật tuyệt vời...
Ốc treo giàn bếp đặc biệt nhất là ốc lác. Hiện nay nhiều hộ ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò có phong trào mua ốc lác về nuôi bằng cách dùi những con ốc lác xuống lớp đất mỏng (còn gọi là ốc dùi), sau 3-4 tháng cho thu hoạch, giá cao gấp đôi ốc thường.
Nếu 1 kg ốc lác thường bán 15-20.000 đồng thì ốc treo giàn bếp bán từ 30-50.000 đồng/kg mà không có đủ để bán, đăng ký mua nhiều nhất là các nhà hàng đặc sản ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ốc lát treo giàn bếp.
Mùa nào cũng vậy, ốc bắt được đem về rửa sạch, đựng trong giỏ đan bằng tre rồi đem treo chỗ cao trên giàn bếp. Ốc lác treo giàn bếp để lâu 4-5 tháng vẫn sống. Ốc treo giàn bếp béo mập, để hàng ngày khi nấu cơm khói xông vào giỏ đựng ốc, ốc sẽ ngửi khói xông lên là đạt yêu cầu.
Ai cũng nghĩ làm như vậy ốc sẽ chết do hơi nóng bốc lên hoặc ốm tong teo vì nhịn đói, nhịn khát nhưng không ngờ ốc lại mập ra, béo ngậy, trở thành món đặc sản vô cùng khoái khẩu của mọi người ở khắp vùng quê và thành thị.
Ốc lác treo giàn bếp thường lựa loại to, khi cần sử dụng con nào cũng mím miệng cạy khó ra, mình ốc có màu xám như đang thiếu nước. Chuẩn bị cho một buổi tiệc, sau khi rửa sạch hết bụi bặm, ta sắp ốc vào một nắp khạp có chứa sẵn nước quậy trứng gà cho ốc uống; những con ốc nghe có nước bắt đầu cục cựa, há miệng, quơ râu uống nước.
Khoảng 20 phút khi ốc đã uống hết nước, ta bắt từng con vạt đít, cho vào nồi có sẵn một lớp sả, chút muối và đổ thêm ít nước, đun chừng mười phút thì sôi, các con ốc đã há miệng. Bưng nồi ốc đảo đi đảo lại vài lần cho đều rồi đặt lại bếp độ vài phút là ốc chín.
Những con ốc đã chín trốc mày, mề ốc vàng, mình ốc trắng tươi như bông bưởi nhìn thật bắt mắt. Nêm tí nước mắm sả ớt, nặn thêm chút chanh rồi nhanh tay bưng húp nhẹ miếng nước ốc, ngọt vô cùng. Mình ốc mềm mụp, chấm vào nước mắm sả ớt thật ngon tuyệt.
Thưởng thức món ốc lác treo giàn bếp phải từ từ, thịt ốc vừa mềm vừa mập, vừa ngọt, vừa cay của vị ớt lại thơm nồng của sả, thật không thể tả nổi. Ai đã từng thử món ốc treo giàn bếp sẽ nhớ mãi hương vị đặc trưng của nó.
Ốc lác treo giàn bếp là món ăn có khắp mọi nơi, mọi miền, rất thuận tiện khi tiếp khách, chỉ 5-10 con ốc lác giàn bếp mang xuống luộc là có ngay món đặc sản đồng quê khó quên.
Cá sặc phơi 1 nắng ngon lắm, béo ngậy.
Chúng tôi kêu thêm món lươn xào lăn để ăn thêm với cơm cho chắc bụng. Công nhận bà chủ quán này làm ngon, lươn đồng đàng hoàng, nhưng thiếu lá om.
Đều là đặc sản của Châu Đốc, nhưng sao lại lọt Me Thái ở đây nhỉ