Ai ăn bánh mì không?
Đang còn no quá, mới ăn tô bún cá xong, nếu không là phải giúp mua cho cô này vài ổ.
Bao tử cá ba sa chiên giòn, tôi chỉ thấy ở Châu Đốc phía mé sông mới có món này, gần ks. Victoria, chủ yếu là phục vụ cho teens.
Ăn món này thì uống nước mía, nếu mà có bia thì ngon hơn, hihi.
Món ăn sáng hôm nay là Cơm Nị và Càri Dê. Quán này là một quán càfê sân vườn, chủ quán là người Chăm, vì thế mà món này ăn khác hẳn món càri dê mà tôi từng ăn ở SG, ngon.
Thông cảm nhé, vì tôi không nhớ tên quán cà phê này. Tôi chỉ biết là quán nằm trên đường Trưng Nữ Vương.
Tôi đạp xe ngang qua Núi Sam khoảng 2-3 km, thì tôi phát hiện một số phụ nữ và đám trẻ, đang ngồi làm cá bên lề đường. Dừng lại để tìm hiểu, tôi được biết là họ chỉ làm công cho những nhà làm mắm tại Núi Sam. Hôm nay là chủ nhật, mà nhìn thấy mấy em bé ngồi phụ mẹ cắt ruột đám cá chốt bé ly ty, làm tôi cũng cảm thấy buồn cho số phận các em.
Qua cuộc trò chuyện với chủ quán cà phê ven đường, tôi cũng biết thêm một ít về cách làm mắm. Họ rất là nhiệt tình và vui vẻ.
. Để làm thành sản phẩm mắm rất là cung phu, không có đơn giản như cách làm nước mắm cá cơm mà tôi mới học được.
Trước tiên bất cứ loại cá nào, dù to hay nhỏ, họ đều phải đánh sạch vẩy, moi mang ruột, cất bỏ hết các vay và cuối cùng rửa cho thật sạch rồi để ráo.
Xong họ mới trộn cá với muối, cá nhỏ như cá linh thì chỉ trộn cho đều muối rồi ủ kín trong khạp. cá to như cá lóc thì phải chà muối từng con cho phủ kín hết muối, rồi mới xếp vào khạp. Muối mà dùng để làm mắm gọi là muối Ba Tri, có nguồn góc từ Bến Tre.
Tiếp theo họ để khạp chỗ mát không có ánh nắng và để cho cá chín khoàng 2 tuần.
Họ lại lấy mắm ra để rửa cho sạch và đem phơi cho ráo.
Khạp được rửa sạch và nước muối trong khạp, mang nấu sôi lên, rồi hớt bọt dơ, xong để nguội.
Lúc này họ trộn cá đều với thín rang (thín có tác dụng để làm cho miếng cá đỏ tươi), xong xếp cá vào khạp, và họ đổ lại nước muối đã nguội vào khạp, lấy cây tre trèn cá xuống, đậy nắp lại và đem để chổ mát từ 3-6 tháng cho mắm chín và lên thơm. Độ đạm của nước muối thì bà ta không biết, bà chỉ biết cách thử bằng, bỏ hột cơm trong chén nước muối mà thấy hột cơm nổi là nước muối đủ độ mặn. Lâu lâu họ phải kiểm soát, nếu thấy khạp bị rút nước là họ phải đổ thêm nước muối lên trên. Để chống ruồi bằng cách treo một loại cây, gọi là cây thuốc vòi gần nơi làm mắm. Tôi được biết là lá vòi này dùng để bóp gỏi cũng được, và chỉ có vùng Châu Đốc, họ mới biết tới loại cây này.
Khi mắm cá đã được ủ từ 3-6 tháng, là mắm sắp ăn được, lúc đó là thời gian vào đường. Nếu chưa ăn thì người ta cứ để mắm trong khạp. Trước khi ăn 3-4 ngày, người ta lấy khoảng 5 kg mắm cá, đảo chung với 2 kg đường đã thắng chung với 1 chén nước. Sau khi mắm cá vào đường, thì để khoảng 3 ngày sau thì ăn được. Nếu chưa dùng tới, thì không cần vào đường sớm, vì cá nằm trong khạp muối, có thể để rất lâu mà không hư.
Cũng có người chỉ cho tôi là khi vào thính, họ cũng vào đường luôn, làm kiểu này đỡ tốn công. Cho 2 kg nước đường họ giã thêm 2 chái chuối xứ xanh và ¼ trái khóm cho vào nước thắng đường (phải thắng cho có màu). Công dụng củ chuối thì họ không giải thích được, nhưng công dụng của khóm là làm cho mắm mau rục, cần thiết khi bạn kho mắm.
Công thức làm mắm cá linh hay mắm cá sặt đều giống nhau. Người ta có thể ăn mắm sống, đem chưng, chiên hay kho.
Sau mùa nước nổi, có nghĩa là vào mùa đông, con cá sẽ béo hơn và mắm được làm trong thời gian này cũng ngon hơn.
Quày bán nước thốt nốt mang về nhà. Tôi mua 2 chai nhỏ mang theo.
Thấy quán nước thốt nốt đầu tiên là ghé vào uống thử liền.
Anh bạn Phuongdiver mới cho tôi biết, nếu thấy cách người Khmer đi lấy nước vào thời buổi này, thì bạn sẽ không uống nổi. Vì ngày nay họ dùng toàn là chai trà xanh hay chai nước suối để chứa nước thhots nốt. Những chai ấy lâu ngày không được rửa, nên trông không hấp dẫn cho lắm.
Lúc này thì tôi chưa biết, tu một mạch là hết ly.