What's new

[Chia sẻ] Bình bịch trên nóc nhà thế giới

Bình bịch trên nóc nhà thế giới!

----------

Mình viết và up bài này để xin cảm ơn các bạn đi trước đã tỉ mỉ chỉ dẫn trong các topic trước về Nepal. (Bài này cũng chia sẻ trên box dulich, không biết có sao không?)

----------


…Trong những dịp lang thang trước đây trên đất nước Trung Hoa rộng lớn, cứ mỗi lần ngắm những dặng núi tuyết mênh mông cao vút nơi đường chân trời phía Tây, tôi đều tự hỏi, đằng sau dãy núi cao vút – nóc nhà thế giới ấy là gì? Liệu có phải một Shangri-La – miền thiên đường?

Shangri-La của người Trung quốc mà tôi đã đến, đẹp thì cũng đẹp, lạ thì cũng lạ, và cũng đôi lúc nhớ nhớ về nó, nhưng hẳn không thể là Shangrila theo đúng nghĩa của nó. Người Tạng nơi Trung hoa vẫn đâu đó một nỗi buồn thăm thẳm, nhìn về dãy núi cao tít đằng kia, đau đáu như thể thiên đường của họ đã ở đâu đó chứ không phải là cái tên đặt trên bản đồ du lịch...

… Câu trả lời đang được mở ra đây. Vẫn dãy núi cao ấy, thậm chí còn nhìn thấy đỉnh đen sẫm cao nhất của Everest hiện ra trong ô cửa nhỏ bé của máy bay. Độ cao đang ngang ngang với Everest đằng kia, tuy thế, lần này dặng núi cao không nằm phía Tây xa xa đường chân trời mà ở ngay đây - Đông Bắc – tôi đã ở bên kia của dãy núi. Nhìn xuống dưới, thung lũng Kathmandu mờ mờ ẩn ẩn trong làn sương mờ hay làn bụi bặm nổi tiếng. Shangri-La ở đây sao?

Hành trình Nepal mà Taybacgroup đã lên lịch từ sau Tết 2009 hóa ra khá là trắc trở. Từ kế hoạch ban đầu với 8 người tham gia, vì đủ loại lý do giờ chỉ còn có 2 người. Nhưng rút cuộc thì 2 người vẫn đủ thành một đội có tiền đội – hậu đội, dù tiền đội lái xe và hậu đội ngồi sau xe, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch khám phá đất nước nhỏ bé nhưng cao vút này bằng xe máy.

So với chuyến cào cào Mông cổ năm ngoái, chuyến này chúng tôi cũng gặp khá nhiều thuận lợi, đó là đã có rất nhiều bạn đi Nepal và viết lại khá cặn kẽ và chi tiết. Hơn nữa, đất nước này kiếm ngoại tệ nhờ du lịch nên dịch vụ cũng sẵn. Tuy thế, cũng chưa có bạn nào đi vòng quanh Nepal bằng xe máy nên cũng phải lập kế hoạch cẩn thận.

Nepal là điểm-đến-trên-đường của hầu hết các du khách Việt Nam. Thường là một hành trình Tây tạng về qua Nepal, hoặc là Ấn độ vòng lên Nepal.

Chúng tôi thi không thế, quyết dành 2 tuần chỉ lang thang ở đây và coi nó là một đích đến chứ không chỉ là một điểm ghé qua. 10 năm trước, tán gẫu với mấy chú Tây lang thang vòng quanh thế giới, chúng đã tấm tắc khen Nepal như một trong những điểm đến đẹp nhất thất giới. Thật vậy sao? Muốn biết thì tự mình phải nhìn tận mắt!

----------

Bộ quần áo xe máy mang cờ Việt nam và Nepal

P1010680.JPG


Đường chân trời xa xa... Nóc nhà thế giới bồng bềnh trong mây, liệu dưới lớp mây dầy đặc kia có phải là một "Shangrila"?

P1010709%20%5B800x600%5D.JPG
 
Cứ mối lần xem tt là mình có cảm giác về với nguồn gốc loài người! Thật đẹp và hùng vĩ.
 
Last edited by a moderator:
Hup lại là một thanh niên nhanh nhẹn, láu lỉnh. Hup đang điều hành một văn phòng du lịch ở Chitwan. Đến nhà Hup chơi, một gia đình nhà nông điển hình và khá giống với ở quê ta. Bà nội phúc hậu trông cháu cho bố mẹ nó đi làm. Hup đã ra nước ngoài đến 2 lần - Ấn độ và ngạc nhiên khi thấy chúng tôi đã đi rất nhiều nước, dù bố mẹ Hup có đến vài ba cái nhà to vật giữa thị trấn, dùng làm khách sạn mini. Hup vào đời hướng dẫn từ năm 12 tuổi, đến năm 18 y tích được 1000 đô la Mỹ và xin thêm bố mẹ 1000 nữa để đi Ấn độ du lịch. Xuống sân bay Calcuta, Hup vẫy một cái taxi, 45 phút sau, y có mặt giữa một khu xa xôi của thành phố rộng bát ngát, gã tài xế mở cốp – chĩa vào mặt y một họng súng đen ngòm – 2000 đô la bay mất ngay trong những giây phút đầu tiên xuất cảnh. Hup phải làm quần quật thêm 3 tháng để đủ tiền vé hồi hương – mà vé từ Calcuta về Kathmandu chỉ loanh quanh 100 đô la thôi nhé. Nhưng sau năm ấy, Hup lại để dành được ít tiền, quyết đi Ấn độ tìm cơ hội thêm một lần nữa. Lần này, xuống sân bay, việc đầu tiên là Hup bỏ ra 100 đô la, mua một khẩu súng lận lưng. Từ bấy giờ, đi taxi lần nào y cũng vén áo lên cho tài xem trước. Nhưng Hup thấy chả ở đâu bằng quê mình, nên tiêu sạch tiền để dành được, rồi về quê mở văn phòng du lịch.

Có những người, dưới con mắt du khách có thể là dị thường, nhưng với người Nepal, lại được coi là bình thường. Đó là những du sỹ. Chúng ta có thể gặp họ ở bất kỳ đâu trên đất nước Nepal, và ngay bìa của quyển Lonely Planet Guide book, cũng có hình ảnh của người “ lữ hành kỳ dị “ này. Du sỹ trông hình dáng cổ quái, tóc tết, da dẻ bóng lên vì nắng, vì gió và bụi đường. Du sỹ đi lang thang khắp nơi, không chỉ Nepal mà cả Ấn độ và bất kỳ quốc gia nào họ có thể đi, miễn là đừng hỏi hộ chiếu với visa. Khác với các loại tây ta ba lô với đồ đạc lỉnh kỉnh, du sỹ không có gia tài gì cả, dù chỉ là một cái ba lô lép kẹp. Lẹp kẹp đôi dép, áo quần thì dị dạng và còn bẩn thỉu, tóc tai bù xù, bết lại vì chả bao giờ tắm rửa, mặt được bôi những vệt phẩm màu rực rỡ, du sỹ tỏa ra một mùi hương đặc trưng trên mỗi bước đi, trộn lẫn giữa mùi mồ hôi, mùi ghét cáu bẩn, mùi dầu hồi, mùi ngai ngái. Có những du sỹ còn phủ lên mình một lớp bột trắng lốp, nhưng vẫn không che được mầu da đen bóng. Khi gặp một du sỹ, hầu hết du khách nước ngoài đều có một vẻ e ngại do hình dung quái dị, nhưng người Nepal lại luôn luôn kính trọng và tôn quý họ. Du sỹ đã bước ra khỏi cuộc sống vật chất thông thường và giờ đây, họ đang bước trên con đường vô tận của kiếp luân hồi, vượt xa khỏi nhưng khuôn khổ vật chất của người bình thường, chính là cái đích hướng tới của hầu hết những người Nepal theo Ấn giáo hay Phật giáo, vì thế nên sự kính trọng đối với những người này là một sự hiển nhiên.
 
Con trai, liệu con có cần chiếc xe cồng kềnh cùng đồ đạc lỉnh kỉnh ấy để đi tìm Shangri - la không?

P1030453.JPG


Con hãy nhìn xem, phương tiện vật chất nào có thể theo kịp tốc độ của tinh thần ?

P1030469.JPG


Đừng hỏi ta con đường đến với chân trời ấy:

P1030478.JPG


Hãy ngước lên và con sẽ nhìn thấy con đường ấy - nơi bắt đầu phải từ trái tim con.

P1020812.JPG


Chiếc xe, dòng sông, dãy núi mênh mang hay đám hỏa thiêu sẽ là phương tiện mang chúng ta lên miền thiên đường? Hay là tất cả?

P1020838.JPG
 
Thoạt nhìn, người Nepal có vẻ bề ngoài cam chịu. Họ dường như không mong muốn vươn lên khỏi cuộc sống trông-có-vẻ bần hàn hiện tại. Họ cũng không hăng say lao động và tạo ra một xã hội cạnh tranh. Cuộc sống bình lặng thế là đủ - bên cạnh sự bình yên muôn thuở của các dãy núi. Điều này khiến chúng ta không khỏi day dứt và phần nào – có ý trách móc. Trách vì sao Nepal nghèo, trách vì sao dân Nepal không có vẻ chăm chỉ. Nhưng có lẽ chúng ta đã lầm. Ở nơi nóc nhà thế giới này, phải chăng vai trò và sự tồn tại của con người chỉ như là những bậc thang để bước tới một thế giới xa hơn, đẹp hơn, huyền diệu hơn – nơi mà cái từ Shangri – La, miền thiên đường, chắc cũng không thể diễn tả được đầy đủ. Thế nên, kiếp này chỉ là một bước đệm tạm thời để chờ luân hồi tới kiếp sau. Và người Nepal cũng vì thế, chẳng cần đến những thứ phù phiếm vật chất theo phương cách phương Tây – để mà phải cạnh tranh, chiến đấu mất còn… với những đồng loại khác. Ăn vừa đủ, mặc vừa đủ, còn lại là nguyện cầu và hội hè, ca hát, mặc cho thế giới bên ngoài đảo điên vì dầu lửa, vì vàng, vì đất đai. Liệu thế có phải là Shangri La?

...Có những người, không biết có nên gọi là người Nepal không? Họ là những người phương Tây, vì yêu thích đất này mà quyết định tới định cư ở Nepal. Họ là Juliet, quyết bán sạch sẽ nhà cửa ở Thụy sỹ để mở một khách sạn nho nhỏ nhìn thẳng ra dãy Hymalaya, Juliet chừng 60, rất nhanh nhẹn, tự lái một con xe pickup đời ơ kìa xuống thành phố đón khách ở bến xe, và chở rau dưa thịt thà cho khách sạn chót vót trên núi của mình. Juliet cũng hồn nhiên như một cô bé tuổi teen, tán chuyện đủ loại với khách phương xa, chăm sóc khách từng tí như người nhà, và đặc biệt là giữ khách sạn xinh xắn, sạch sẽ, gọn gàng hơn hẳn những khách sạn khác của người Nepal, dù cũng chỉ là những nhà nghỉ cùng cấp như nhau. Họ cũng là John, một tay ưa chèo thuyền, vạ vật ở đây dăm năm trời, điều hành một tour thuyền bè dọc những dòng sông tung bọt ở chân núi Hymalaya. Nhưng một năm, John cũng chỉ làm chừng dăm tháng. Những tháng còn lại, sông lạnh băng, khách chả chơi thuyền. John loanh quanh văn phòng của mình cùng đống thuyền bè, lau chùi sạch sẽ chờ mùa sau và chờ cơ hội để truyền cảm hứng của những dòng chảy Hymalaya với những tay chèo từ khắp nơi trên thế giới. Những con người bình dị ấy, với tình yêu của mình với xứ sở này đã rời xa quê hương để cùng chia sẻ một cuộc sống khó khăn của những người dân bản địa. Và trong những người ấy, cũng có một người đồng hương của chúng ta, thầy Huyền Diệu, người đã xây nên ngôi chùa Việt ở chính nơi Đức Phật sinh ra. Nhưng chuyện của thầy sẽ là một chủ đề hoàn toàn khác...

Trong mắt chúng tôi, những người nước ngoài ấy cũng là một Nepaless.
 
ở đâu, phụ nữ cũng vất vả, từ những việc nhà

P1020366.JPG


đến việc đồng áng

P1010960.JPG


Tất cả không phải " trên đôi vai gầy " như ở ta, mà có lẽ phải là " trên cái cổ cứng "

P1020360.JPG


Những giây phút thảnh thơi thì họ phải làm đẹp

P1010857.JPG


để còn quyến rũ đàn ông:

P1010928.JPG


và bảo vệ họ trước sự ngọt ngào chết người của những người phụ nữ đẹp khác

P1030846.JPG
 
Những người làm Nepal trở nên nổi tiếng

Không phải là những chiến binh Gurkha to lớn dũng cảm, cũng không phải những người Tây Tạng buồn bã, cũng không phải những người thợ Nepal khéo tay, hay những người Phật giáo khiêm nhường– với tự hào quê hương của Đức Phật.

Đó là những người bé nhỏ, lưng hơi còng, da ngăm ngăm đen - tộc người Sherpa sống trên những làng vắt vẻo của dãy núi Hymalaya. Họ không phải là những nhân vật tên tuổi như sir Edmund Hillary, người đầu tiên leo lên Everest hay bất kỳ nhà leo núi nào. Họ cũng có những cái tên như Tenzing Norgay, người cùng với Hillary leo lên Everest đầu tiên. Nhưng hầu như không mấy ai nhớ được tên họ mà chỉ nói gọn lại là những người Sherpa, mà tên họ hầu hết cũng là Sherpa . Những con số thống kê vĩ thanh như có khoảng hơn 2000 người lên đến đỉnh – không nói đến rằng để có 2000 người lên đỉnh này thì cần tới hàng chục nghìn lượt người Sherpa giúp đỡ. Cái tên Sherpa gắn liền với Everest từ khi sự chinh phục đỉnh núi trở thành mục tiêu của nhiều người trên thế giới - bắt đầu từ những năm 1920 và người Sherpa có lẽ không nghĩ rằng chính họ mới làm cho đất nước Nepal trở nên nổi tiếng. Giờ đây, cái tên Sherpa đồng nghĩa với leo núi Everest, với sự dũng cảm, với sự tận tuỵ thầm lặng đầy hy sinh cho những thành tích vẻ vang của các đoàn thám hiểm. Khác với hầu hết các sự phô trương hào nhoáng thành tích của các đoàn thám hiểm, hầu hết các kỷ lục lặng lẽ của người Sherpa không được chính họ nhắc đến. Họ chỉ coi việc leo núi như một trong những công việc tốt mà thôi. Bạn có thể lang thang ở một trong những con hẻm màu sắc và đầy rác ở Kathmandu, gặp một lão ngăm ngăm mảnh mảnh, tán phét với lão một cách đầy hứng khởi về các nơi bạn đã đến trên thế giới, nói với lão với vẻ hơi hơi kẻ cả của những tay lãng du mà không hề biết rằng bạn vừa nói chuyện với Apa Sherpa, người đã leo tới 21 lần lên đỉnh Everest ( tính tới mùa leo núi 2011 )

Tôi đã gặp những người Sherpa như vậy, nhưng không phải ở nơi cao tít trên núi, mà là ở Bảo tàng Núi Quốc tế ở Pokhara. Nói là bảo tàng quốc tế nhưng nó chủ yếu là về dãy núi Hymalaya và Everest. Để có tính quốc tế, nó có thêm một vài dữ liệu và hiện vật liên quan đến núi Fuji, và một vài núi cao ở Đài Loan, Trung quốc.

Bảo tàng này do người Nhật và chính Apa Sherpa cùng thu thập tư liệu và xây dựng nên. Nằm trên một khoảnh đất rộng, bảo tàng lưu trữ khá nhiều hiện vật về trong các chuyến thám hiểm. Bạn có thể nhìn thấy những vật dụng để leo núi xuyên suốt qua thế kỷ, những bộ trang phục đơn giản hồi đầu thế kỷ - mức độ cũng chỉ giông giống như bà con Hà nội ta ăn mặc vào tiết Đại Hàn, hay những đôi giày có khi trông còn không ngon bằng đôi giày đi xe cào cào mùa đông của nhóm Tây bắc. Cũng có vô vàn các móc leo núi và hàng chục bình ga, bình ôxy đã bị vứt lại trên núi cao. Những bức ảnh panorama, các bản đồ hành trình, lều trại túi ngủ treo trên vách giúp ta có một hình dung tổng thể những chặng hành trình khó khăn, mạo hiểm để chinh phục đỉnh cao của thế giới. Đằng sau bảo tàng là một căn nhà nhỏ cho chính những người Sherpa sinh sống, một vài người trong số họ đã từng theo các đoàn thám hiểm chinh phục Everest, giờ đây, họ tìm được việc tốt hơn, trông nom bảo tàng và làm cho nó có khí chất của những người leo núi.
 
Một số hiện vật trong bảo tàng núi quốc tế: ( đây là những hiện vật thật đươc lấy về từ đỉnh núi sau các chiến dịch dọn rác trên Everest:

Những nút dây và móc sắt đã dùng trên hành trình

P1020880.JPG


Bình ga các loại, mỗi khi vứt đi một bình ga cũ, liệu có ai nghĩ rằng nó sẽ góp phần vào việc làm Everest thành một bãi rác lớn?

P1020892.JPG


Và bình ô xy chất đống trong một góc, vài năm trước, ai đã ngậm vào cái van của bình này - liệu có phải Hillary? , để chống chọi với độ cao kinh người, để trèo lên đỉnh núi, để sống sót mà trở về. Vài ai đã đã cố hút cạn giọt ô xy cuối cùng trước khi thúc thủ trước sự nghiệt ngã của thiên nhiên?

P1020893.JPG
 
Kể chuyện người Nepal chán chê rồi, bây giờ mình chuyển sang chuyện thú:

Nepal hoang dã

Bạn hứa hẹn sẽ được đi voi ngắm thú hoang, đi xe jeep tìm hổ và khi bạn đến thì sự thật còn hơn thế, voi hoang hàng đêm đến ăn chuối ngay cạnh cửa sổ khách sạn của bạn và thỉnh thoảng tê giác một sừng lang thang ngay ngoài cổng. Đó là thị trấn Sauraha thuộc rừng quốc gia Chitwan (đọc là Chi-tuân) của Nepal.

Chúng tôi đến Sauraha vào 5 giờ chiều khi nắng mùa đông đã nhạt trên khu rừng. Khách sạn chúng tôi là Lama Lord ở ngay bìa rừng, gần bờ sông. Anh chủ khách sạn với gương mặt góc cạnh huyền bí của người Tharu dẫn chồng tôi ra sau vườn chuối chỉ vào đám chuối vừa bị voi rừng giẫm nát đêm qua. Mấy buồng chuối xanh còn vương vãi trên đất. Thân chuối trắng nõn bầm giập. Hup, chàng hướng dẫn viên kiêm nhân viên văn phòng Kingfisher Jungle Treking Tour, 24 tuổi, cho chúng tôi biết con voi đực có thói quen đến ăn chuối của các nhà dân vào ban đêm và tìm voi cái là các con voi nhà vốn trước là voi rừng đã được thuần chủng. Vì thế anh khuyên chúng tôi không nên ở ngoài vào đêm muộn và hôm sau anh sẽ đón chúng tôi bằng xe jeep thay vì chúng tôi phải lái xe đi vào sáng sớm rất không an toàn.

Từ lúc đó trong đầu óc chúng tôi vương vất nỗi sợ hãi về chú voi hoang xuất hiện bất kỳ lúc nào trên con đường chúng tôi phải trở về từ văn phòng của Hup. Phải cẩn thận hỏi voi thường đến ăn chuối lúc mấy giờ. Liệu 9h nó đã đi ăn chưa? Hup nói ngay: “Ồ, rất khó nói về một con voi hoang và thói quen của nó. Có thể là 9h tối, 10h tối thậm chí là 12 đêm. Cách đây khoảng một tháng, vào lúc xẩm tối, con tê giác 1 sừng còn đi qua ngay cửa văn phòng này.” Chúng tôi nhảy lùi trở lại hỏi: “Ngay trước cửa này ý hả?” Chúng tôi len lén nhìn ra cửa, bóng đen nào đi qua cũng nghĩ là voi hay tê giác.

Hup còn kể hiện nay có 4 hay 5 con voi thường vào làng để tìm thức ăn và tìm bạn gái vì tháng 1 tháng 2 là mùa tìm bạn tình của chúng. Mấy con voi này không thể tranh chấp với những con voi đầu đàn khác trong rừng sở hữu voi cái trong đàn vì thế phải tìm những con voi nhà. Cách đây vài năm, trong số các con voi hay vào làng có một con rất hung dữ và cũng rất háu gái (voi gái chứ không phải người gái). Nó rất dễ bị kích đông. Nó thường dùng vòi quật tan những cái bóng đèn vì không thích ánh sáng nhân tạo. Nó còn đạp các cửa sổ và giết chết hai người. Dân làng đã giết nó để tránh hậu họa. Thế liệu bức tường chắn trong khách sạn có đủ chắc chắn không? Hup nói nếu con voi thực sự muốn phá thì bức tường đó thật chẳng nghĩa lý gì.

Chúng tôi lập tức hủy kế hoạch lang thang tối muộn đi mua sắm bằng việc về nhà tắm nước nóng, đóng chặt cửa và đi ngủ sớm.
 
Nhà nghỉ ở bìa rừng - gọi thế cho oai chứ đi vào trung tâm thị trấn mất chỉ 500 m. Ngay đằng sau là rặng chuối...

P1030393.JPG


Cửa sổ kính ngăn cách chúng tôi với mấy cây chuối mà hàng đêm, voi rừng vẫn về chén chuối.

P1030391.JPG


Loạt soạt cả đêm, sáng hôm sau ra sau vườn... Voi đạp đổ bao nhiêu là chuối

P1030178.JPG


Còn đây là gara voi. Mỗi nhà nuôi voi có tới dăm chú, nhà nhiều có khi chục chú. Voi ở đây nhiều và tiện dụng, chở khách, đi rừng, kéo gỗ, tải đồ nặng... tất tật là voi.

P1030182.JPG


em voi này ở rừng mới về nhà được vài năm. Xưa, ở buôn Đôn chắc cũng thế, tiếc rằng, voi bản Đôn giờ bé, cằn cỗi, buồn nản và chờ đến ngày bị tuyệt diệt. Còn ở đây, voi vẫn sinh trưởng, phát triển hàng bao năm nay, phục vụ dân bản địa lẫn khách du lịch. Các em voi đực thì còn nguyên ngà lẫn lông đuôi.

P1030183.JPG



Còn giữa thị trấn, ngay chỗ tôi đang đứng, tháng trước, tê giác đủng đỉnh đi dạo vào lúc sẩm tối, may mà tuần này chắc nó thích đi dạo rừng hơn là dạo phố, không thì chả hớn hở mà chụp ảnh được. Mai sẽ tha hồ xem tê giác dạo rừng nhé.

P1030171.JPG
 
Vừa bước ra khỏi cửa, chúng tôi suýt va phải con voi. Tim như nhảy dựng ra ngoài. Con voi phải cao đến 2.5 m vì tôi phải ngước lên nhìn mới thấy. Cái vòi chảy gần sát xuống đất, lất phất mầu đỏ trên cái vòi mầu xám. Hai cái tai như hai cái quạt nan quật đi quật lại. Phản xạ đầu tiên là lùi nhanh trở lại cửa. Chúng tôi tua lại thật nhanh những lời dặn của Hup nếu không may gặp voi phải làm gì. Thứ nhất phải chạy thật nhanh. Nếu đi xe máy kịp quay xe thì quay lại chạy. Tuy nhiên khó mà xoay xở được với chiếc xe Pulsar 220cc nặng trịch và đường quá nhỏ để quay xe. Vì thế vứt xe chạy thật nhanh luôn là thượng sách khi gặp voi. Nhưng nói thật, với bộ quần áo xe máy dày cộp, nhảy ra khỏi xe cũng chả kịp khi mà con voi chỉ cần quơ cái vòi ngoằng ngoẵng cũng tóm gọn cả xe lẫn người. Con voi cứ lừng lững tiến lại gần kệ cho hai kẻ lặng ngắt ngây người trên chiếc Pulsa nhỏ bé kia!

Bước chân lừng lững của con voi chỉ một bước nữa là giẫm bẹp chiếc xe, đầu con voi lúc lắc đe dọa, vòi nó cũng đung đưa chuẩn bị đánh bay những vật cản trên đường nó đi…thót tim chờ xem nó làm gì…nó bước dịch tránh sang bên đường. Lúc lắc trên đầu chú voi là một bác nài voi già mặt đầy nếp nhăn như những nếp nhăn trên da chú voi khỏe mạnh. Té ra nó là một con voi nhà to đùng. Tôi còn kịp nhìn thấy cái đuôi của chú voi dài cả mét đong đưa ngay sát mũi. Sau này có dịp nhìn kỹ hơn tôi thấy các chú voi Nepal dũng mãnh cao như gấp đôi voi bản Đôn ở Việt Nam. Người nuôi voi thường trang trí cho các chú voi những vệt mầu chấm đỏ trắng trên vòi voi và diềm tai của các chú voi. Voi được dùng để chở gỗ, chở người đi rừng.

Chúng tôi ra về, ngủ chập chờn trong nỗi lo sợ voi sẽ đến bất kỳ lúc nào.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,803
Bài viết
1,138,761
Members
192,757
Latest member
duythanh225
Back
Top