What's new

[Chia sẻ] Bình bịch trên nóc nhà thế giới

Bình bịch trên nóc nhà thế giới!

----------

Mình viết và up bài này để xin cảm ơn các bạn đi trước đã tỉ mỉ chỉ dẫn trong các topic trước về Nepal. (Bài này cũng chia sẻ trên box dulich, không biết có sao không?)

----------


…Trong những dịp lang thang trước đây trên đất nước Trung Hoa rộng lớn, cứ mỗi lần ngắm những dặng núi tuyết mênh mông cao vút nơi đường chân trời phía Tây, tôi đều tự hỏi, đằng sau dãy núi cao vút – nóc nhà thế giới ấy là gì? Liệu có phải một Shangri-La – miền thiên đường?

Shangri-La của người Trung quốc mà tôi đã đến, đẹp thì cũng đẹp, lạ thì cũng lạ, và cũng đôi lúc nhớ nhớ về nó, nhưng hẳn không thể là Shangrila theo đúng nghĩa của nó. Người Tạng nơi Trung hoa vẫn đâu đó một nỗi buồn thăm thẳm, nhìn về dãy núi cao tít đằng kia, đau đáu như thể thiên đường của họ đã ở đâu đó chứ không phải là cái tên đặt trên bản đồ du lịch...

… Câu trả lời đang được mở ra đây. Vẫn dãy núi cao ấy, thậm chí còn nhìn thấy đỉnh đen sẫm cao nhất của Everest hiện ra trong ô cửa nhỏ bé của máy bay. Độ cao đang ngang ngang với Everest đằng kia, tuy thế, lần này dặng núi cao không nằm phía Tây xa xa đường chân trời mà ở ngay đây - Đông Bắc – tôi đã ở bên kia của dãy núi. Nhìn xuống dưới, thung lũng Kathmandu mờ mờ ẩn ẩn trong làn sương mờ hay làn bụi bặm nổi tiếng. Shangri-La ở đây sao?

Hành trình Nepal mà Taybacgroup đã lên lịch từ sau Tết 2009 hóa ra khá là trắc trở. Từ kế hoạch ban đầu với 8 người tham gia, vì đủ loại lý do giờ chỉ còn có 2 người. Nhưng rút cuộc thì 2 người vẫn đủ thành một đội có tiền đội – hậu đội, dù tiền đội lái xe và hậu đội ngồi sau xe, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch khám phá đất nước nhỏ bé nhưng cao vút này bằng xe máy.

So với chuyến cào cào Mông cổ năm ngoái, chuyến này chúng tôi cũng gặp khá nhiều thuận lợi, đó là đã có rất nhiều bạn đi Nepal và viết lại khá cặn kẽ và chi tiết. Hơn nữa, đất nước này kiếm ngoại tệ nhờ du lịch nên dịch vụ cũng sẵn. Tuy thế, cũng chưa có bạn nào đi vòng quanh Nepal bằng xe máy nên cũng phải lập kế hoạch cẩn thận.

Nepal là điểm-đến-trên-đường của hầu hết các du khách Việt Nam. Thường là một hành trình Tây tạng về qua Nepal, hoặc là Ấn độ vòng lên Nepal.

Chúng tôi thi không thế, quyết dành 2 tuần chỉ lang thang ở đây và coi nó là một đích đến chứ không chỉ là một điểm ghé qua. 10 năm trước, tán gẫu với mấy chú Tây lang thang vòng quanh thế giới, chúng đã tấm tắc khen Nepal như một trong những điểm đến đẹp nhất thất giới. Thật vậy sao? Muốn biết thì tự mình phải nhìn tận mắt!

----------

Bộ quần áo xe máy mang cờ Việt nam và Nepal

P1010680.JPG


Đường chân trời xa xa... Nóc nhà thế giới bồng bềnh trong mây, liệu dưới lớp mây dầy đặc kia có phải là một "Shangrila"?

P1010709%20%5B800x600%5D.JPG
 
Em voi nhỏ nhắn xinh xắn đi dạo phố về, em này voi cái, nếu may mắn, một em voi này có thể mang về cho chủ 20-30 đô la một ngày - là một khoản tiền khá lớn ở Nepal.

P1030382.JPG


Còn em này thì lớn hơn và là voi đực - có cái cặp ngà nhu nhú ra. Ngà voi cũng như răng thôi, chả có gì đến mức phải quá quý đến phải giết con voi để lấy ngà.

P1030383.JPG


Còn đây là đàn voi trong rừng - không phải phục vụ khách du lịch mà để đi rừng. Hai voi cái, một voi đực đang tha những cây gỗ nặng trịch về nhà

P1030273.JPG


Lại có một em voi con lũn cũn chạy theo mẹ, xinh như con cún. Thấy người đi ngược chiều, em cũng rụt rè khép nép chạy nấp sau lưng mẹ mà không biết rằng mình là ... voi!

P1030276.JPG


Voi bố với cặp ngà gộc đây ! hiếm khi được nhìn voi tha gỗ về nhà nhỉ ?

P1030279.JPG


Những người quản tượng đây ... họ là lính biên phòng canh giữ cánh rừng giáp biên này. Từ đây, sang biên giới Ấn độ, đường chim bay chừng 20km. Đi trong cánh rừng rậm rạp, đầy thú dữ này, phương tiện hữu hiệu nhất là voi. Xa xưa, Tây nguyên ta cũng thế.

P1030275.JPG
 
Gặp Tê Giác một sừng

Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm. Sương còn giăng mờ mịt trong vườn. 7h xe đến đón mà trời còn đầy sương, tang tảng sáng như 5h ở nhà mình. Xe jeep đón một đôi du khách người Balan và 5-6 người khách Nepal khác. Trong khi đợi xe, Hup chỉ cho chúng tôi Văn phòng du lịch của rừng quốc gia nơi Hup đến từ 5h30 sáng để mua vé. “Một sáng khi tôi đạp xe đến chỗ bán vé, tôi đụng ngay một chú tê giác” – Hup kể. “Con tê giác đi lừng lững giữa phố nhưng tôi không trông thấy do trời quá tối. Tôi quẳng ngay xe đạp xuống và ba chân bốn cẳng chạy. Con tê giác nghe tiếng xe đạp đổ thì chạy lại nơi phát ra tiếng động. Nó hít hít cái xe của tôi, đá cho cái xe một cái rồi đi tiếp.” Chuyện của Hup thật ăn nhập với buổi sáng mờ sương. Chúng tôi cứ hồi hộp mỗi khi có bất kỳ chuyển động nào trong đám sương kia nhưng cho đến khi vào đến rừng chúng tôi không gặp con tê giác đang dạo phố nào.

Lonely planet tiết lộ một bí kíp là bọn tê giác này có cặp mắt rất kém. Vì thế khi gặp tê giác, nếu có cái cây dễ leo nào bạn hãy leo tót lên đó. Nếu không có cây, có thể áp dụng chiến thuật chạy theo đường dích dắc. Trên đường chạy hãy ném lại vài thứ gì đó để tê giác ngửi và tấn công đồ vật đó. Tuy nhiên tác giả của lời khuyên cũng thành thật thú nhận nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Chắc hẳn chú này chỉ chuyên khuyên chứ cũng chưa bao giờ đụng tê giác trong rừng…Vì thế chuyến đi voi ngắm rừng của chúng tôi nhuốm đầy mầu huyền bí và hoang dại trong khao khát có thể chạm trán với 1 trong 500 con tê giác còn sống tại rừng quốc gia Chitwan này.

Đàn voi đủng đỉnh – cứ một chú lại cõng theo 4 khách du lịch và một nài – chậm rãi bước vào rừng. Rừng sớm đẫm hơi sương. Các bác nài đi vòng quanh theo một cung đường bán kính chỉ chừng vài cây. Kinh nghiệm từ hồi đi xem thú hoang ở châu Phi và Úc cho thấy rằng phải đi thật sớm khi mặt trời mới ló rạng – chính là lúc hầu hết bọn thú đi ăn nhiều nhất. Khi nắng lên rồi, sáng rõ mặt thì nhiều loài lại rúc về ổ để ngủ. Thế nên chúng tôi nhất định đi chuyến đầu tiên trong rừng dù lúc này sương mù mịt cũng khó nhìn xa. Những khoảng trống sương tan dần, nơi đó lấp loáng trong sương là những đàn công loách choách, gà rừng lúc cúc… Một vài con nai ngái ngủ nhưng cảnh giác. Chuyến đi hơi đơn điệu trong cái lặng thinh của rừng rậm cho đến lúc nài voi phất cây gậy ra hiệu cho nhau. Đàn voi rẽ làm đôi khép thành một vòng tròn kẹp hai chú tê giác ở giữa. May mắn được nhìn thấy tận mắt những chú tê giác da gấp nếp mốc meo, mắt tròn lên nhìn đám khách tò mò… Tê giác cũng có vẻ hiền và ngại va chạm, nhất là thấy những thớt voi to đùng đoàng nên hai chú này chỉ tìm cách lỉnh lỉnh ra khỏi vòng vây voi. Chừng thế là đủ, các bác nài lại phất gậy ra hiệu, mở đường thóat cho hai chú về với cuộc sống thầm lặng của mình. Chuyến đi thành công ngoài dự tính nên đoàn voi lại đủng đỉnh về sớm hơn so với chương trình.
 
---

Những đoàn khách du lịch cưỡi voi đi xem Tê giác:

P1030122.JPG


Công này, nhiều như gà luôn:

P1030163.JPG


Lợn rừng lấp ló sau gốc cây, quả này mà có bác tù trưởng hay bác Du già thì tha hồ.

P1030222.JPG


Hươu nai cũng nhiều:

P1030296.JPG


Và đây là con tê giác, may mà ngồi trên lưng voi chứ đi trekking trong rừng này thì cũng sợ vãi.

P1030138.JPG


Thêm hai chú nữa:

P1030146.JPG
 
Khác với chuyến đi buổi sáng bằng voi chỉ trong một bán kính ngắn chừng vài cây số, chuyến buổi chiều bằng xe jeep chạy dọc sông vào rừng tới hơn 40 km. Qua sông, không một phương tiện nào được vào rừng ngoài xe của ban quản lý. Dọc đường đi là những trảng cỏ rộng, tê giác và thú hoang các loại đi xuyên ngang dọc tạo thành những đường hầm. Vết chân có nhiều nhưng chưa thấy tê giác nữa. Với chúng tôi thì thế là ổn rồi vì sáng đã nhìn thấy tê giác. Còn buổi chiều, chúng tôi mong nhìn thấy hổ. Với hơn 100 cá thể còn đang lảng vảng trong khu rừng này, Hup thì thào, mình có thể thấy hổ bất kỳ lúc nào. Và hắn còn khẳng định là nếu đi vào buổi sáng thì gần như chắc chắn nhìn thấy hổ - đơn giản vì mùa này lạnh, sáng nào hổ cũng đi dạo trên đường cho ấm người – chả biết hắn nói thật hay nhìn thấy vẻ ngây ngây của đám khách du lịch nên nổ chơi. Thôi kệ, cũng phải để cho dân của di sản thế giới tự hào tí ti chứ.

Xe đang bon bon trên đường, Hup thì tha hồ phét lác về thú hoang các loại và tập tính của chúng, bác tài bỗng phanh khựng lại, quay lại trao đổi vài câu với Hup. Y nhảyphắt xuống đường, nhớn nhác nhìn quanh mặc cho bọn khách tò mò láo liên. Chừng không có gì, y dõng dạc – vừa có con hổ đi qua đây! Cả bọn ồ lên nghi hoặc những cũng vội vàng lôi máy ảnh ra rình sẵn. Hup trỏ trên đường những vết chân hổ hình bông hoa còn in hằn sắc nét trên cát cỡ bằng cái chén. Hổ thật rồi. Mà bác tài này cũng tinh mắt thật – đang lái xe cỡ 20 km / giờ mà nhìn thấy được cái vết chân hổ tít lề đường bên kia. Hup xem kỹ vết chân hổ và khẳng định, nó chỉ đi qua đây chừng vài phút trước, vì nó dẫm đè lên vết bánh xe của chiếc xe đi trước, khởi hành trước chúng tôi chừng mươi phút. Con hổ này nặng chừng 40-50 cân, chắc đi kiếm mồi sáng, nói đoạn, y ngắt lời, nheo nheo cặp mắt ranh mãnh, kệ bọn du khách nghệt mặt.

Mục đích của chuyến đi buổi sáng có thể nói là cũng đạt được phần nào. Tuy không thấy hổ nhưng cũng nhìn thấy những dấu hiệu gần gũi và trực tiếp của nó. Không khí trên xe nhẹ hẳn xuống.
 
Chiều, khám phá trong rừng bằng xe jeep của bql. Qua sông là không có xe cộ gì nữa

P1030245.JPG


Con đường mòn hun hút dưới bóng cây:

P1030244.JPG


Công nhảy ra chặn xe đi nhờ! nó mà biết là trên xe có mấy người VIệt ta thì chắc chạy mất dép!!!

P1030312.JPG


Đôi lúc phải vượt suối. Rừng xung quanh đây có rất nhiều hổ, tê giác, voi . Chạy con xe jeep nhỏ xíu này mà dính bọn thú hoang thì chắc ta thành mồi. Lúc ấy người Nepal sẽ nói, à, số mày phải để cho hổ xơi.

P1030270.JPG


Có ai nhìn ra vết chân hổ đè lên vết xe đi trước không? Mình nghi hổ đang núp ngay ở bụi cây bên cạnh :

P1030241.JPG
 
Dọc đường qua nhiều con hồ hay khúc sông – có rất nhiều cá sấu lang thang nằm phơi nắng. Ở Chitwan cũng nhìn thấy một loài cá sấu khá là đặc biệt và đang có nguy cơ tuyệt chủng - cá sấu Ấn độ / Gharial – mình cá sấu nhưng mõm lại dài ngoằng như mỏ chim- đúng ra là nó giống như mỏ một con thằn lằn thời trung cổ. Loài này đang trên bờ tuyệt chủng trên toàn tiểu lục địa Ấn độ nên người ta phải nuôi cẩn thận và nhân giống trong một cái trại nằm giữa rừng.

Trên đường về, may mắn lại đến lần thứ hai với chúng tôi khi xe đang đi thì bên đường xồ ra hai mẹ con tê giác. Tê giác nuôi con rất dữ nên Hup rất thận trọng khi tiếp cận mẹ con nhà này. Hắn dặn lái xe nổ máy - sẵn sàng té, còn du khách thì ngồi co tít chân trên thùng xe. Còn y thận trọng quan sát, chỉ cho du khách chụp ảnh thật nhanh. Thật ra, con tê giác to đùng nặng vài tấn kia mà tấn công chiếc xe thì không tương xứng, chắc chỉ một húc là con xe jeep mỏng mảnh kia cũng bẹp như gián. Nhưng may mà mẹ con nhà kia chắc cũng không thích thú gì việc gây hấn với cái bọn "quái thú" đi xe jeep kia nên đủng đỉnh lách vào rừng, tê mẹ còn khéo léo che chắn cho tê con rồi mới lặc lè lên đường

Tuy tê giác và thú hoang cũng khá nhiều nhưng quả thật nhìn thấy chúng cũng cần may mắn và có một chút “duyên “. Vì đi cùng đoàn nhưng chỉ mỗi xe của tôi là nhìn thấy nhiều thú. Hai chiếc xe chạy trước và sau chỉ cách chúng tôi vài phút nhưng khi về đến bến, các bạn ngồi xe đó đều than thở chả nhìn thấy con gì.n
 
Đi qua mấy hồ nước lớn. Cá sấu lổm ngổm phơi nắng:

P1030236.JPG


CÒn đây là con Gharila, loài sấu Ấn độ đang trên bờ tuyệt chủng. Trông nó quái dị không? chân có màng để bơi, mỏ nhọn nhưng nhỏ nên chỉ bắt được cá mà không bắt được thú lớn như cá sấu thường :

P1030255.JPG


Hai mẹ con tê giác

P1030307.JPG


Trời bắt đầu ngả nắng chiều, trong rừng sẽ tối rất nhanh nên phải ra trước khi tắt nắng

P1030313.JPG


Đã về đến thị trấn. Bên kia sông là rừng, lúc này yên ắng vì các xe chở khách thăm rừng đã về hết. Người lính biên phòng đứng gác ở sông, đảm báo không còn ai lai vãng ở khu vực biên giới và rừng rậm đầy thú dữ khi đêm xuống. Trên đường, chúng tôi cũng phải ghé qua trình báo ở một số các trạm gác trong rừng.

P1030376.JPG
 
Ngoài tuyến đi theo hành trình trong vườn chỉ được đi theo xe jeep và voi của ban quản lý rừng – để đảm bảo an toàn và sự yên tĩnh cần thiết cho thú, có một số tuyến mà bạn có thể tự đi lấy nhưng phải tự chịu trách nhiệm về an toàn của mình. Tuyến dễ dàng nhất là tuyến đi qua 20000 hồ - đúng là 20 nghìn hồ. Nhìn bản đồ thì làm quái gì mà được hai mươi nghìn nhỉ? Tôi hỏi kỹ càng – nhưng được khẳng định là thế - và cũng nói thêm là nói vậy thôi. Sớm tinh mơ hôm sau, rời Chitwan khi trời còn tang tảng, chúng tôi vác xe chạy theo tuyến này. Con đường xuyên qua làng mạc còn đang ngái ngủ. Cảnh sắc ở đây thì giống hệt như làng quê Việt Nam . Cửa rừng có một trạm gác của quân đội, qua đó, chúng tôi phải trình báo để chính quyền còn quản lý và cứu hộ khi cần thiết. Khác với hôm qua, khi được bảo vệ bới voi hay trên xe jeep, hôm nay, chúng tôi đi một mình trên con đường vắng ngắt, nơi mà mấy chú lính gác cửa rừng nói một cách tỉnh bơ- có cả tê giác lẫn hổ trong cánh rừng này .

Con đường cứ hun hút và cô độc cắt ngang cánh rừng già. Tuy vậy, ngược chiều thi thoảng có một dân địa phương đi xe đạp làm chúng tôi cũng vơi bớt nỗi lo. Nếu có thú dữ thì mấy bác này cũng phải ù té từ lâu chứ nhất định không đủng đỉnh thế. Nhưng nhỡ tê giác nó quen mùi cà ri của các bác rồi mà ghét mùi nước mắm của mình thì chắc cũng toi. Nhưng thôi, sống chết có số. không gặp tê giác thì cũng may, vì mình nhìn thấy hôm qua rồi, còn hôm nay chỉ muốn có cảm giác trong rừng già thế nào thôi. Cứ phập phập phồng phồng thế rồi cũng xuyên qua được khu 20 nghìn hồ, Gọi vậy nhưng nó đúng ra là một khu đầm lớn mà mỗi vũng người ta gọi là một cái hồ - đếm thế thì có mà tới hàng chục ngàn cũng chả sai. Thú ở khu vực này chủ yếu là các loài chim và hươu nai. Chả thấy tê gì cả, đúng là mấy bạn lính dọa mình cho có cảm giác thôi. Nhưng thật sự là cảm giác lang thang trong rừng vắng một mình với đàn tê giác lẩn quất cũng run ra phết. Và chợt lại thấy mấy vết chân hoa nho nhỏ để lại trên cát. Rừng vắng tanh, lành lạnh.
 
Con đường tự đi bằng xe máy xuyên rừng già. Không mấy ai qua lại con đường này. Hai bên là những bụi cây rậm rạp mà từ đó, tê giác có thể phi ra bất kỳ lúc nào!?

P1030403.JPG


Có con khỉ ngồi vắt vẻo trên cây ngó xuống: " ê bọn kia, đi nhầm đường rồi, đây là đất của tao"

P1030295.JPG


Còn bên kia cái ngòi nho nhỏ là lãnh địa của tê giác. Xe máy này không phải là đối thủ của nó, nếu gặp thì bóp còi, bật pha cho nó chói mắt có khi nó sợ nó chạy.

P1030423.JPG


May không có tê giác mà gặp cả một bầy hươu:

P1030407.JPG


và một lão lụ khụ:

P1030419.JPG


Còn vết chân con gì đây? thần hồn nát thần tính nhìn gì cũng ra vết chân hổ:

P1030411.JPG
 
Trekking trên Hymalaya – ngắm nhìn Everest.

Hết chuyện ở Chitwan, giờ đến chuyện chúng tôi " leo Everest":

Nếu bạn không có thời gian , tiền bạc hay sức khỏe để leo Everest, hãy chinh phục đỉnh núi cao bằng “ air trekking “ cùng chúng tôi! Một trong những quảng cáo hấp dẫn cho chuyến bay ngắm Everest!

Có 4-5 hãng bay hàng ngày hành trình này, chở hàng chục du khách mỗi ngày lên Everest, để thỏa mãn cảm giác gần nhất với cực thứ ba của thế giới. Chúng tôi là một trong số họ.

Đường lên Everest theo cách này khá đơn giản, các đại lý du lịch ở Thamel quảng cáo đầy rẫy các chuyến đi, phần phức tạp nhất là thò tay vào túi rút ra 160 USD cho mỗi người. Tán phét ở mấy đại lý hòng kiếm chuyến bay rẻ nhất, đúng là mấy chú hướng dẫn, thích bán cho hãng nào thì dìm hàng hãng kia, nào là máy bay cũ hơn, nào là tiếp viên không hiểu biết bằng, rồi thì hãng này chưa từng rơi máy bay bao giờ !!!

Có an toàn không nhỉ ? Hầu hết các du khách đều hỏi câu đó trước khi mua vé bay. Yên tâm đi, máy bay của hãng này mới, phi công giỏi, lại có bảo hiểm nữa, sợ gì! Ừ sợ gì, nhưng mà năm nào chả có chuyến bay lên Everest gặp nạn. Năm vừa rồi, có chuyến chở du khách lên Lukla, mặt đất báo phi công quay lại vì mây mù không hạ cánh được, phi công người Sherpa làu bàu: ngày nào tao chả hạ cánh ở cái sân bay này 2 lần, cần quái gì mặt đất hướng dẫn. Thế là chàng phi công lãng tử hạ cánh, chàng tính lệch chỉ có 3 mét độ cao, nhưng tiếc thay lại là 3 mét âm, lao thẳng vào vách núi, nên lịch sử sân bay nguy hiểm nhất thế giới này lại ghi thêm một tai nạn nữa cho mình.

Sân bay Kathmandu 6 giờ sáng. Nhà ga nội địa trông y như cái bến xe khách đường dài, chen chúc một vài đám khách nội địa. Nhiều thị trấn xa xôi của Nepal chỉ có thể lên bằng đường bay. Do vậy, có rất nhiều hãng nội địa chuyên bay các chặng này với những máy bay cánh quạt cỡ nhỏ như xe buýt, chở chừng 30 khách. Hôm nay, có vài chuyến sáng phải hoãn vì dành máy bay cho bọn Everest Air Trekking, đơn giản vì vé của bọn khách nước ngoài đắt gấp đôi vé người bản địa.

Giờ bay lên Everest cũng không cố định. Du khách được yêu cầu có mặt thật sớm ở sân bay và chờ. Chờ gì? Thì cứ chờ thôi, lúc nào trên kia nó thấy đỉnh núi đèm đẹp thì nó cho bay lên. Thế chúng mày đi ngắm núi hay ngắm mây? Bố khỉ , tao đi Trekking ! Air trekking.

Cùng lúc tiếng khởi động của 4-5 máy bay rì rì. Sắp được bay rồi. Thời tiết đẹp lên, 4 hãng cùng cho khách lên Everest. Từng chiếc máy bay chuẩn bị cất cánh, cách nhau chừng 10 phút.

Thành phố nằm gọn trong thung lũng Kathmandu, vây quanh là những dãy núi chỉ chừng 2000 m, nhưng tai hại là những dãy núi này chắn hết các tầm nhìn để có thể ngắm núi tuyết Hymalaya, thật ra chỉ cách Kathmandu khoảng 20 km về phía bắc. Thế nên, chỉ cất cánh cao lên chừng 200 mét là đã nhìn thấy tràn ngập tuyết trắng ở phương Bắc rồi.

Em tiếp viên lần lượt đến từng ghế, chỉ dẫn cho các dãy núi chót vót, các đỉnh núi đang từ từ trôi qua cửa máy bay. Những đỉnh núi cao hơn 7000 mét ngay phía bắc Kathmandu rồi bắt đầu vào các đỉnh núi cao trên 8000 mét quanh khu vực núi Everest. Nhưng tôi chẳng mấy chú ý vào những đỉnh núi ấy, mà tò mò cố nhìn qua đằng sau nhưng đỉnh núi cao ngất trời. Nơi đó, sáng lóa một vùng đất mênh mang, một vùng cao nguyên phẳng phiu và huyền bí, cao nguyên Tây Tạng. Ô hay, lạ thật, trước, khi còn những phía đông bắc của dãy núi này thì ta cứ cố tình tìm kiếm và tưởng tượng về mặt Tây Nam của nó, còn giờ đây, khi đang ở nơi đó, thì ta lại dõi theo sang vùng xa xôi phía bên kia. Hẳn là “ đứng núi này trông núi nọ”.

Máy bay nghiêng cánh. Đã đến điểm xa nhất của hành trình, và Everest ở ngay bên cạnh. Ở góc nhìn này, Everest trông có vẻ rụt rè và khiêm tốn. Hai ngọn núi bên cạnh, Lhotse và Makalu, thấp hơn Everest 300-400 mét trông còn hoành tráng hơn. Nếu không được chỉ rõ, có lẽ hầu hết du khách đã lầm với Everest. Qua đi những giây trầm trồ ban đầu, giờ đây họ đều lơ đãng nhìn qua khung cửa máy bay, chuyến trekking này quá đơn giản. Dường như không ai để ý rằng, dưới khung cửa máy bay kia khoảng vài ngàn mét, đã, đang và sẽ có những dòng người dũng cảm, cần mẫn, đi từng bước với tốc độ 1 bước 1 phút để chinh phục đỉnh núi, thì trên này, chúng tôi cũng “ lên núi “ với tốc độ 500 km một giờ. Liệu, phía dưới kia, có ai đó đang tuyệt vọng vật lộn với bão tuyết, với độ cao rợn người, với nhiệt độ âm hàng chục độ, đối mặt giữa sự sống và cái chết, cô đơn trên con đường của mình, ngửa mặt lên trời, nhìn theo một cánh máy bay, mong được là một trong những hành khách trên đó – như trong các cuốn sách chinh phục Everest như “Đỉnh cao nghiệt ngã”, “ Tan biến”… mà hẳn là những tay ưa phiêu lưu mạo hiểm phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Và liệu, trong đám mờ mờ dưới kia, có đang những Vũ Thanh Minh, Dutchta, Yilka, Backpacker, Rosy… hay ai đó nhà mình đang bải hoải với hội chứng độ cao, đau đầu, nôn mửa thậm chí có thể nguy hiểm tới mạng sống?

Còn giờ đây, những lữ khách lơ đãng của chúng ta đang nhìn qua cửa sổ, ngắm nghía đỉnh cực huy hoàng của trái đất ở một góc nhìn an toàn, ấm áp, tiện nghi, trong đầu chắc không thoáng qua một chút nào những hình ảnh chết chóc, những câu chuyện sinh tồn đầy hoang dại đang xảy ra ở dưới kia, chỉ cho nhau một đám trắng mờ mờ trên vách núi xa, đồ rằng có một vụ lở tuyết hay bão tuyết nơi đó.

Thế thôi!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,164
Bài viết
1,174,002
Members
191,978
Latest member
alibrothersperfumer
Back
Top