Tôi đứng như trời trồng ...
Và cảm giác thật tồi tệ khi kế hoạch của mình một lần nữa bị phá sản ...
Cậu trai reception trông như một người mẫu nhìn lướt qua tôi và điềm nhiên trả lời " rất tiếc , chúng tôi không tổ chức tour đi Cửu Hoa Sơn nữa " . Tôi tê tái ...
Tôi chọn Koala Hostel không phải vì nó gần ga ( tôi có đi xe lửa đâu ) , giá tiền cũng không rẻ so với các hostel cùng loại ... Tôi chọn Koala vì trong tờ quảng cáo có ghi rõ Hostel có tổ chức tour đi Cửu Hoa Sơn . Sự thất bai trong việc đi Phổ Đà Sơn khiến tôi và anh bạn đồng hành quyết định sẽ mua tour của Hostel cho nó lành .. Vậy mà giờ đây , chỉ với một câu nói ... tất cả dự định của tôi đã sụp đổ tan tành ...
Tôi cố trấn tỉnh và chuyển qua các phương án khác . Tôi hỏi về xe đi Cửu Hoa Sơn . Cậu trai xách bản giờ chạy xe cũ rích ra và đưa cho tôi xem . Tôi lướt qua ... Từ Tunxi đi Cửu Hoa Sơn ( Jiuhua Shan ) chỉ có một chuyến khởi hành lúc 13 giờ . Đi Qingyang ( một thị trấn cách Cửu Hoa Sơn khoảng 30 phút xe chạy ) thì có nhiều chuyến hơn nhưng sau đó phải đón xe đi ngược lại . Và điều quan trọng là chiều về tôi không biết và cậu trai reception cũng không rõ thời gian khởi hành là lúc nào ... Điều đó thật là phiêu lưu khi chúng tôi đã mua vé máy bay từ Hoàng Sơn về Thượng Hải ( 105 usd / vé ) vào buối tối của hai ngày tới .
Tôi bấm bụng hỏi cậu trai " Tôi muốn thuê một chiếc xe riêng ... " . Cậu trai ngước mắt nhìn tôi và tôi nhìn thấy rất rõ sự ngạc nhiên tràn ngập trong mắt của cậu . Cậu ta lúng búng ... " Tôi nghĩ là không nên ... " . Nhưng chiều tôi , cậu nhấc máy gọi đi đâu đó rồi trả lời rằng xe chỉ chở chúng tôi đến Cửu Hoa Sơn và sẽ không ở lại đợi . Giá cho chuyến đi cho những kẻ hành hương tội nghiệp là 1200 tệ ( 3 triệu sáu VNĐ ) . Nghe giá xong , tôi nhìn thẳng vào mắt cậu ta và nhã nhặn : " Tôi nghĩ cậu nói đúng , tôi không nên ... "
Tôi ra chiếc bàn nhỏ nơi góc phòng ngồi thừ người ra , gặm nhấm cảm giác thất bại , cái cảm giác mà tôi chưa bao giờ nếm trải trong tất cả các chuyến đi trước đó ... Anh bạn tôi ngồi bình thản lau cái máy ảnh . Có vẻ như , đối với anh , tất cả mọi thứ đều vận động xung quanh chữ " duyên " nên không đến được Cửu Hoa Sơn cũng không có gì nghiêm trọng lắm . Thấy mặt tôi nhợt nhạt , anh hỏi : " Gần đây không có nơi nào để xem à ? " " Có chứ ... Hoàng Sơn ...." Tôi đáp nhát gừng . " Hoàng Sơn là cái gì vậy ... ? " " Anh biết Quang Minh đỉnh chứ ... ? " Cô gái Đồ Long à ... ? " " Nó đó ... Nó nằm ở Hoàng Sơn ... " " Vậy thì đi Hoàng Sơn .... " , Tôi phẩy tay ... " KHông đi Hoàng Sơn thì đi đâu ... ? Thôi ... đi ngủ "
Không phải tôi không thích Hoàng Sơn . Những topic về Hoàng Sơn ngày càng nhiều trong phuot với nhiều hình ảnh mê ly cũng làm tôi háo hức . Nhưng Hoàng Sơn dễ đi quá ( vì nó quá nổi tiếng ) nên đi lúc nào cũng được . Còn Cửu Hoa Sơn thì hầu như chua thấy dân phuot đặt chân đến . Mặt khác từ dạo leo núi Nga Mi trong mùa đông lạnh cóng , tôi đâm ra ngại việc leo trèo . Hơn nữa tôi nghĩ và mùa đông chắc Hoàng Sơn sẽ chẳng có nhiều cảnh đẹp để chụp hình như các bạn trước đã từng có ...
Nhưng tôi chẳng còn có sự lựa chọn nào khác ...
Tôi quay trở lại quầy reception , đặt 2 vé xe đi Hoàng Sơn ( giá 15 tệ / người ) . Xe sẽ đón chúng tôi ở Hostel lúc 6 giờ sáng để đưa chúng tôi đến Tangkou , cổng vào của Hoàng Sơn . Đồng thời tôi cũng đặt tour đi Hongcun và Dixi , hai ngôi làng cổ nổi tiếng của tỉnh An Huy vào ngày thứ hai ( 200 tệ / người ( bao ăn trưa ) ...
Cậu trai có vẻ hớn hở khi thấy tôi có vẻ đã tiếp thu những gì cậu nói . Có lẽ tôi là trường hợp hiếm hoi vì dân phượt luôn có tính ngoan cố .
6 giờ sáng hôm sau , xe đến đón rất đúng giờ . Cậu trai nhắc mọi người nhớ mang dụng cụ leo núi ( móc sắt cho giày , gậy ... ) rồi đứng ở cửa tiễn chúng tôi lên đường .
Xe chạy gần 70 phút thì đến Tangkou . Mọi người lục tục kéo xuống . Thấy chúng tôi lớ ngớ , một chị từ đâu xuất hiện xấn xổ chạy đến và buông ra một tràng tiếng Hoa ... Tôi cố gắng đoán chị ta nói gì . Có vẻ như chi ta muốn chở chúng tôi lên núi ...
Mọi người đã rẽ phải . Người chủ xe thấy chúng tôi đứng lóng ngóng , mặt đần ra bên cạnh chị cò đang cố gắng giải thích trong vô vọng bèn nhảy xuống và can thiệp . Cách giải thích của ông ta khá chuyên nghiệp : Ông ta chỉ vào chiếc xe rồi ra hiệu quẹo tay phải , sau đó chỉ chiếc gậy tôi đang cầm rồi chỉ vào bà chị cò đang nôn nóng đứng kế bên ....
Anh bạn tôi thật sự là một người rất tài năng trong việc sử dụng body language . Mới nhìn sơ anh biết ngay và giảng giải cho tôi : " Muốn đi xe lên núi thì quẹo phải , muốn đi bộ thì đi theo bà này ... " . Chúng tôi đã nhất trí sẽ leo Hoàng Sơn trong một ngày nên phương án đi bộ bị gạch bỏ . Chúng tôi rẽ phải trong ánh mặt luyến tiếc của chị cò xe .
Rẽ phải , đi bộ một đoạn thì đến bến xe Cổng phía Đông Hoàng Sơn . Xe sẽ đưa chúng tôi lên đến cáp treo thung lũng Mây Ngàn ( Cloud Valley Capble ) . Và từ đây chúng tôi sẽ leo núi cấp tốc rồi xuống ở cổng phía Tây .
Với 13 tệ và 30 phút ....Chúng tôi đến cổng cáp treo ....
Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những chiếc lưới sắt ụp lên những vách núi phía trên con đường . Tôi đồ rằng , có lẽ nó được dùng để ngăn tình trạng lở núi có thể gây nguy hiểm cho khách du lịch ...
Ngước nhìn lên .... Hoàng Sơn đón chúng tôi với một bầu trời tuyết trắng ... Lung linh ... huyền ảo ... Ven đường ... dưới những vòi nước là những tia nước hóa đá trông như những thạch nhũ thủy tinh ....
Phòng bán vé vào cổng cho du khách leo bộ vắng ngắt . Ngước nhìn bảng giá vé ... Tôi dụi mắt .... và thốt lên một câu đầy cảm thán " oh My God ... " . Tôi không thể tin được vì chình ình trên tấm bản là giá 130 tệ / người . Tôi còn nhớ rõ , các bạn trong phuot từng than thở rằng giá vé vào cổng của Hoàng Sơn rất mắc ( 250 tệ / người ) , vậy thì lý do gì mà giá vé chỉ có 130 tệ mà lại không có ai đi .... ?
" Phòng bán vé cáp trao không phải ở đây ... " Tôi nói với anh bạn ...
Vậy nó ở đâu .... ?
Đột nhiên tôi nghe thấy tiếng ồn ào bên tay phải ....Tôi quẹo phải theo dòng người và khi hết đoạn dốc , một khung cảnh khủng khiếp hiện ra .... Tôi hét " Oh My God ... ! "
Trạm dừng chân ở Thung Lũng Mây Ngàn
Đường lên phòng bán vé vào cổng và cáp
Nhũ băng
Chạm mặt Hoàng Sơn