What's new

[Tổng hợp] Chùa đất Việt

Chùa thời hiện đại, sợ thập phương nhầm lẫn, nên trước bàn thờ cũng thường có chú thích đầy đủ. Trước bàn thờ chính đều ghi là "ban Tam Bảo". Tam Bảo tức là Phật - Pháp - Tăng. Nhưng ban Tam Bảo thực ra là thờ những tượng nào?

Chùa miền Bắc, do quá trình tích lũy qua các triều đại, nên ban thờ Phật rất phong phú. Tùy quy mô của chùa, mà Chính điện có nhiều hay ít tượng, chia thành nhiều hay ít tầng. Chùa ít cũng phải 4 tầng tượng, chùa nhiều đến 7 - 8 tầng tượng, gồm các loại:

Tượng Phật: Phật Tam Thế; Phật Tam Thân, Phật A Di Đà; Phật Thích Ca (sơ sinh, tu khổ hạnh, thành đạo, thuyết pháp, nhập Niết Bàn); Phật Di Lặc, Phật Dược Sư, Phật Chuẩn Đề.

Tượng Bồ tát: Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Pháp Hoa Lâm, Đại Diệu Tường, Nhật Quang, Nguyệt Quang, Kim cương Bồ tát.

Tượng Tôn giả: Ca Diếp và A Nan

Tượng chư thần: Phạm Thiên, Đế Thích, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thiên vương, Kim đồng, Ngọc nữ, Tứ Pháp.

Có điều là không chính điện chùa nào có đầy đủ tất cả các tượng trên. Chùa nhiều tượng nhất trong Chính điện mà tớ đã gặp cũng chỉ có một số vị nhất định.
 
Last edited:
Tam Thế Phật

Theo Phật, thì nơi ta đang ở là một thế giới. Một ngàn thế giới này hợp thành một Tiểu thiên thế giới; Một ngàn tiểu thiên thế giới hợp thành một Trung thiên thế giới; Một ngày trung thiên thế giới hợp thành một Đại thiên thế giới. Con số một ngàn mang tính ước lệ, có thể hiểu là rất nhiều. Tập hợp tất cả gọi là Tam thiên Đại thiên thế giới, tức là vô cùng vô tận thế giới.

Gần như tất cả các chùa ở miền Bắc đều có tượng Phật Tam Thế, và để ở vị trí cao nhất, tầng trên cùng của bàn thờ. Chùa Huế có tượng Tam thế, nhưng miền Nam thì hiếm gặp.

Tam Thế Phật gồm ba pho, tượng trưng cho tất cả các vị Phật trong Tam thiên đại thiên thế giới, của ba thời Quá Khứ - Hiện Tại - Vị Lai. Ba pho có kích thước bằng nhau, thường được để cao ngang nhau, nhưng cũng có trường hợp pho giữa (Hiện Tại) để cao nhất.

Vì là bậc Phật nên Tam Thế đều ngồi tòa sen. Có chùa thì ba pho giống hệt nhau, nhưng cũng có chùa ba pho khác nhau ở cách bắt ấn tay.


Phật Tam Thế chùa Bút Tháp, tác phẩm đời Lê, thế kỉ 17.

 
Last edited:
Chính điện chùa Hàm Long trong một ngày đại lễ, hoa quả bày kín cả bàn thờ, chả còn thấy tượng nào, ngoại trừ ba pho Tam Thế ở cao nhất. Ba chữ trên bức hoành là "Tam giới đại sư" : bậc Thầy của ba cõi (dục giới, sắc giới, vô sắc giới)

(Chụp ảnh các pho Tam thế thường rất khó, vì ở vị trí quá cao, không dám trèo lên tận nơi, nếu đứng xa zoom vào thì lại khuất vào sau các tượng khác).

 
Last edited:
Phật A Di Đà

Trong Phật giáo Đại thừa, Phật A Di Đà có vị trí rất quan trọng, là đức Phật tiếp dẫn chúng sinh đến với Giác ngộ. Phật A Di Đà là giáo chủ cõi Tịnh độ, tức là cõi Tây phương Cực lạc, tuy nơi đó chưa phải là cõi giác ngộ (Niết Bàn), nhưng tại đó con đường đến giác ngộ rất gần.

Câu tụng "Nam mô A Di Đà phật" được coi là một thần chú hiệu nghiệm nhất của Tịnh Độ tông, khi tụng câu này tức là đã kêu cầu đến sự cứu độ của Phật A Di Đà. Ở Việt Nam thì dù chả biết mình có theo tông nào hay không, cứ vào chùa là tụng câu này hết, và tương đương với câu "Giê su ma lạy chúa tôi" trong đạo Thiên Chúa, dù bản chất là khác nhau.

Phật A Di Đà có hai tùy giá là Bồ tát Quán Thế Âm đứng bên tay trái và Đại Thế Chí đứng bên tay phải. Bộ ba vị được gọi là Di Đà Tam tôn, hay Tây phương Tam thánh, được tôn sùng rất mực.

Quán Thế Âm nghĩa là thấu được âm thanh của thế gian, Đại Thế Chí nghĩa là hiểu được chí nguyện của thế gian. Nói chung các vị Phật và Bồ tát tại nguyên thủy là phi giới tính, nhưng trong những ứng thân, thì Quán Thế Âm có trường hợp là nữ.
 
Last edited:
Trong các ngôi chùa miền Bắc, tượng Phật A Di Đà là pho tượng lớn nhất, ngồi uy nghi trên tòa sen. Hai pho Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng (hoặc ngồi) ở hai bên, ba pho tượng được xếp phía trước, thấp hơn tượng Tam Thế.

A Di Đà là Phật, nên trên đầu có tóc xoắn ốc, ngồi theo thế liên hoa bán kiết hoặc kiết già, hai tay để trong lòng; còn hai Bồ tát đội mũ, hai tay bắt các thủ ấn hoặc nâng pháp khí.

Di Đà Tam tôn chùa Quán Sứ, Hà Nội, tượng Di Đà ở chính giữa đại điện rất lớn, Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng ở hai bên, nhỏ hơn rất nhiều. Phía sau, cao hơn là tượng Tam Thế.


 
Last edited:
Tượng Tam Thế ở bên trên và A Di Đà bên dưới tại chùa Tây Phương. Ở đây A Di Đà không có hai Bồ tát tùy giá hai bên, vì bên chùa ngoài đã có tượng rồi. Như vậy chùa này có đến 2 pho A Di Đà, một pho ngồi và một pho đứng.

Bộ ba Tam Thế chùa Tây Phương do chúa Trịnh Giang cho tạc, là một bộ Tam thế rất đẹp.

 
Last edited:
Hôm nay mùng 1 tháng 3 Âm lịch. Buổi chiều đi làm, nhưng buổi sáng đi đền chùa, và chiều muộn cũng vẫn đi chùa.

Tớ đi chùa không phải để lễ bái cầu khấn, thế nên chẳng hề biết một bài khấn khứa nào, mặc dù biết tên các vị Phật, Bồ tát, thần thánh hiểu ý nghĩa của các bức tượng, các thủ ấn, pháp khí trên điện còn hơn nhiều người đang khấn như cháo chảy.

Tớ nhằm ngày rằm, mùng 1 lên đền chùa, không phải để lễ, mà đơn giản là vào ngày này thì chắc chắn đền chùa mở cửa, và lại còn thắp đèn sáng khắp nữa, rất dễ để nhìn ngắm toàn thể, xem có những di vật, di tích nào cổ kính đáng để chiêm ngưỡng, và... chụp ảnh.

Tất nhiên là vào đền chùa, tớ cũng rất kính cẩn, bao giờ cũng chắp tay đàng hoàng, đến trước bàn thờ chính, lầm rầm xin với chư phật chư thánh rằng: xin phép mạo phạm các vị vì sẽ chụp ảnh ạ, rồi bao giờ cũng bỏ tiền công đức.

Sau đó, nếu thuận tiện (không có ai xung quanh hoặc có vẻ tự do) thì sẽ lần mò chụp khắp nơi, flash cũng có. Còn nếu có vẻ không tiện thì chụp không đèn, xấu đành chịu, lấy tư liệu mà. Có nơi như chùa Bối Khê, thì vì vụ sửa chùa kiện nhau ầm ĩ, nên cấm tiệt chụp ảnh, đành ngậm ngùi đứng nhìn thôi vậy.
 
Last edited:
Hôm rồi đi Hải Dương, vào thăm được mấy nơi có tên có tuổi.

Thứ nhất là chùa Đồng Ngọ, hay còn gọi là chùa Cập Nhất, vì nằm ở thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà. Nhưng dân gian toàn gọi là chùa Cửu Phẩm, bởi chùa có một tháp gỗ Cửu Phẩm liên hoa cổ, tuổi trên 300 năm. Tháp gỗ có 9 tầng, sáu cạnh. Mỗi cạnh của một tầng có để 3 pho tượng gồm 1 tượng Phật và hai tượng Bồ tát, tổng cộng là 3 x 6 x 9 = 162 pho tượng lớn nhỏ.

Ngoài ra chùa còn có một pho tượng Quan Âm nhiều tay cổ nhất Việt Nam, 5 trăm năm tuổi, và cả trăm trục đá dùng để làm lúa thời trước.

Sau đó lên chùa Cao trên đỉnh núi An Phụ, nơi xưa kia là thái ấp của An Sinh vương Trần Liễu. Trên đỉnh núi cũng có đền thờ ông. Từ đó có thể nhìn ra toàn bộ cả vùng Kinh Môn. Tượng đá Trần Hưng Đạo ở thấp hơn đền, cũng khá đẹp, và là tượng được dựng đầu tiên trong hệ thống các tượng lớn về Thánh Trần.

Cùng xã đó có ngôi đình Huề Trì, với kiến trúc hình vuông, duy nhất và độc đáo nhất đồng bằng Bắc bộ. Bên huyện khác có ngôi chùa Gạo với tòa tháp Cửu phẩm bằng đá khối, chạm trổ rất đẹp, là công trình đầu đời Nguyễn, hơn 200 năm trước. Tháp này cũng là di vật quý giá của điêu khắc đá cổ Việt Nam.

Từ Hải Dương về có ghé chùa Giám, là nơi xưa kia Thánh Y Thiền sư Tuệ Tĩnh tu và chữa bệnh giúp người. Nơi đây cũng có tòa tháp gỗ Cửu phẩm Liên hoa. Trên toàn quốc chỉ còn 3 tòa tháp cổ ở chùa Đồng Ngọ, chùa Giám, và chùa Bút Tháp mà thôi.

Và ghé qua làng Nôm, ngôi làng cổ tỉnh Hưng Yên..
 
Last edited:
A Di Đà

Tượng phật A Di Đà thường là pho tượng lớn nhất trong chùa. Một số chùa tượng A Di Đà to chiếm toàn bộ chính điện, không còn bày thêm tượng nào nữa.

Pho tượng A Di Đà bằng gỗ lớn nhất ở Hà Nội (và có lẽ là pho tượng gỗ lớn nhất toàn quốc? - ở Hải Phòng, chùa Đỏ cũng có pho tượng cực to bằng gỗ quý). Pho tượng ở chùa Hưng Ký, cao gần 4m, đường kính tòa sen cũng khoảng hơn 3m, chiếm trọn gian chính điện. Sự vĩ đại của tượng thể hiện tầm bao trùm của phật A Di Đà với toàn cõi Sa bà, theo pháp môn niệm phật của Tịnh Độ tông.


 
Last edited:
Pho tượng chùa Hưng Ký có độ lớn hiếm có đối với một pho tượng gỗ. Còn bằng các chất liệu khác thì tượng to ngày càng nhiều. Trong miền Nam, các pho tượng Phật to làm bằng gạch đắp ximăng cao hàng chục mét xuất hiện khắp nơi, từ Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu... chỗ nào cũng có.

Ở miền bắc, việc "xây" tượng Phật gần đây cũng bắt đầu xuất hiện. Tiêu biểu là trên núi Phật Tích sắp xây pho tượng A Di Đà theo mẫu của pho tượng đá đời Lý còn ở trong chùa, nhưng to gấp mười mấy lần, cao đến 30 mét.

Chùa Non Nước thì đúc tượng Phật bằng đồng nặng hàng chục tấn, chùa Bái Đính đang làm thì một pho nặng 100 tấn, 3 pho nặng 50 tấn. Khiếp quá !!!
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,670
Bài viết
1,171,114
Members
192,337
Latest member
inhopcartong
Back
Top