What's new

Chuyện về các CON ĐÈO trên khắp mọi miền Việt Nam

Bác Sontt và Thím Toét:
Nằm nhà, viết bài và hô hào anh em đi phượt thôi các bác nhỉ? Giờ em nhiều thời gian cực ! :(

``````````````````````````````````````````


Đèo KHAU PHẠ . Một con đèo dài, có phong cảnh đẹp nhất nhì trên Quốc lộ 32.

Khau Phạ, tên gọi của người Thái Đen, theo cách giải thích của họ có nghĩa là Sừng Trời, còn giải nghĩa nôm na tên đèo Khau Phạ gọi là đèo Cổng Trời .... đèo dài hơn 20 km, nó là con đèo dài nhất trên toàn tuyến quốc lộ 32. Đi qua Tú Lệ chừng vài chục km là đến chân đèo ....Đèo rất hiểm trở và thường xuyên lở đất đá vào mùa mưa lũ, gây ách tắc giao thông và tai nạn cho các phương tiện đi lại... Vào những hôm mù trời, trên đèo Khau Phạ mờ mịt sương mù, cực kỳ nguy hiểm.....

Khau Phạ nằm ở vị trí tiếp giáp hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái. Nó có địa thế khá gần gũi với các vùng có phong cảnh nổi tiếng Phú Thọ và Tây Yên Bái như Tú Lệ, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Mù Cang Chải...


......Khau Phạ là tên của người Thái. Nhưng có điều ở vùng Khau Phạ bây giờ rất ít người Thái, có thể nói là không có. Đa số là người H''mong, người H''mong ở dọc hai bên đường ... từ Văn Chấn, Tà Sì Láng, đến Tú Lệ đến tận La Pán Tẩn, Mù Cang Chải... Còn người Thái chỉ có nhiều ở vùng Than Uyên.... Mối băn khoăn tôi đã nhiều lần hỏi, xâu chuỗi vào có thể giải thích như này: Trước đây, vùng Khau Phạ thuộc Châu Than Uyên, vùng tự trị của người Thái... Liệu đó có phải lý do con đèo được đặt theo văn tự của người Thái?

Đèo Khau Phạ dài "nhũng nhẵng" trên 30 km, leo mấy tầng dốc. Tôi đo GPS thấy chỉ độ cao tại đỉnh hơn 1500 m... Đứng ở Cổng Trời vào hôm quang mây, lại đúng mùa lúa chín... Ruộng bậc thang ở bản Cao Phạ dưới chân đèo vàng rực tiếp nối nhau "chảy" tràn trề.... Buổi chiều, đứng ở con dốc đầu tiên của đèo, ngay trên đầu bản Cao Phạ, trong tiếng gió lao xao tiếng người nói chuyện, tiếng chó sủa râm ran, tiếng trẻ con í ới chơi đùa, tiếng trẻ con khóc, tiếng bổ củi và tiếng lợn kêu ủn ỉn... Một bài đồng ca làng quê thật ấn tượng và đầy sức sống.....

Trước đèo Cao Phạ, có một con đèo nhỏ, dân ở đây gọi là dốc 3 tầng. Nhìn bản đồ thấy ghi đó là đèo Chấu.. Con đèo này có mấy cái cua tay áo khá nguy hiểm.... Bên tay trái đèo Khau Phạ còn có ngọn núi cao 2088 m ..........

Mùa lúa chín, hãy đi đèo Khau Phạ và La Pán Tẩn để thấy Tây Bắc đẹp như nào !!!




 
Last edited:
Chuyện về đèo Bụt (Hòn Gai - Cẩm Phả)


......... Nếu nói về đèo ở phía Bắc, thường người ta hay nói về đèo Mây, đèo Pha Đin, đèo Giàng, đèo Gió và Mã Pì Lèng... hoặc đèo Khau Phạ, cũng có thể là đèo Hồng Thu Mán, đèo Khế, đèo Lũng Lô, thậm chí đến con đèo "khỉ ho cò gáy" như đèo Khau Chiềng.... Nhưng có một con đèo ở Đông Bắc, con đèo có cái tên thật "hiền lành", chả mấy ai nhớ và cho rằng nó là con đèo, nhưng nó đã từng là cái tên đèo "ấn tượng" và khá sợ hãi cho cánh lái xe Đặc khu Đông Bắc .... Ấy là đèo Bụt !

Giờ cái đèo Bụt chỉ còn là cái dốc hơi hơi cao, ở lưng dốc phía Quang Hanh mọc lên một khu Du Lịch khá đẹp, còn dốc bên Hạ Long thì dân cư đã ở sát đỉnh đèo. Nếu câu chuyện này còn lưu lại sau 5 năm nữa, thế hệ 9X ở Quảng Ninh mà đọc được chắc có lẽ cho rằng cái "gã" viết bài này chắc thêm mắm thêm muối và chỉ giỏi tưởng tượng, mấy ai là nhân chứng thời đó còn lưu giữ ký ức "kinh hoàng" của đèo Bụt thời những năm bao cấp "chết dở sống dở" bo bo, củ mì và khoai hà lỗ chỗ....

Những năm 1978 và 1979, sau cuộc "biến động" về người Hoa ở Việt Nam và chiến tranh biên giới Việt - Trung nổ ra. Dân Hoa Kiều "lũ lượt" kéo nhau về nước qua cửa khẩu Móng Cái. Trên Lào Cai xảy ra vụ "Cầu Kiều" ... Súng nổ ì oàng và 17/02/1979 chiến tranh nổ ra..... Con đường quốc lộ 18A dọc miền duyên hải Đông Bắc đất đá lổn nhổn và bùn lầy nước đọng, đa phần chỉ có xe quân đội... thỉnh thoảng lắm mới có xe dân sự.... Từ Hòn Gai đến Mông Dương còn có dân ở, từ dốc Mông Dương trở ra Tiên Yên, Đầm Hà, Hà Cối, Móng Cái là quân đội, dân bám trụ rất ít.... Sau khi đình chiến, đến năm 1980, 1981 dân mới về đông....

Năm ấy ở Hòn Gai (chưa gọi là Hạ Long như bây giờ) xảy ra mấy vụ trấn lột, cướp của giết người trên đèo Bụt, những kẻ cướp toàn mặc áo bạt của Nga, giấu AK47 cưa báng, cưa nòng trong áo bạt, nửa đêm hoặc chập choạng tối xông ra trấn cướp các xe tải chở nhu yếu phẩm ra vùng Đông Bắc.....

Đèo Bụt lúc đó rất hoang vắng, dân ở gần nhất cách đó 3 km, phía đèo bên Quang Hanh chỉ toàn là nghĩa địa. Đường qua đèo hẹp có 6m, dốc quanh co, cao ngất.... Núi đá nhưng cây mọc um tùm, dứa dại từng bụi cao qua đầu người... Xe cộ ngày đó làm gì có Hyundai 3 chân, 4 chân hoặc Daewoo hạng nặng, hoặc International Hoa Kỳ như bây giờ, miền Bắc chỉ rặt xe XHCN nhãn hiệu Zil 130, Zil 157, Gaz.. của Liên Xô, Giải Phóng, Hồng Hà của Trung Quốc, IFA của Đức... Xe to tướng, ì ạch, phì phò leo dốc, uống xăng dầu như uống nước lã mà chở nặng nhất được có 5 ton....

Trên đèo Bụt lúc ấy xảy ra khá nhiều vụ tai nạn đổ xe, lật xe chết người vì dốc quá cao, xe cũ chất lượng lại thấp... Toàn mất phanh hoặc đâm nhau. Dọc đèo khá nhiều miếu thờ, ngày rằm nghi ngút hương khói.... đã thế lại còn xảy ra vài vụ trấn lột, cướp xe khách, xe tải, có vụ bắn chết người, điển hình như vụ anh em D "lợn" tổ chức cướp xe khách, giết người rồi bị truy đuổi phải trốn ra đảo ngoài Vịnh Hạ Long, tiếp tục cướp thuyền định vượt biên, lại bị truy lùng bởi cảnh sát đặc nhiệm và bộ đội đặc công, chúng trốn ra vùng sình lầy sú vẹt ở Hà Lam Quảng Yên... Kêu gọi đầu thú mãi không được, cuối cùng bị tiêu diệt cháy đen thui....

.... Cái thời ấy đã lùi vào dĩ vãng, đèo Bụt được mở rộng, hạ thấp độ cao và hiện nay nó chỉ còn là con dốc quá bình thường, đi qua nó mà chưa từng biết đến nó trước đây, giờ đọc câu chuyện này có khi lại bảo: Ôi ! Chuyện như chuyện cổ tích .....
 
Chuyện về đèo Bụt (Hòn Gai - Cẩm Phả)


Giờ cái đèo Bụt chỉ còn là cái dốc hơi hơi cao, ở lưng dốc phía Quang Hanh mọc lên một khu Du Lịch khá đẹp, còn dốc bên Hạ Long thì dân cư đã ở sát đỉnh đèo.

Cái "khu du lịch khá đẹp" ấy tên là An Lạc Viên bác ạ. Em qua đấy cũng rất ấn tượng.

Vâng, khá là đẹp, và rất bình yên, vì đó là nơi An Lạc thiên thu, khu Du lịch của những người đã khuất.

Nói cụ thể, thì đó là khu Hóa thân hoàn vũ của tỉnh Quảng Ninh (nơi có tỉ lệ chết trẻ cao nhất nước) và Đông bắc.

Bài đây ạ
http://www.dantri.com.vn/Sukien/2005/9/164340.vip

Chắc cũng nhiều người nhầm như em khi lần đầu qua đó, cứ tưởng là khu du lịch....
 
Ối giời ! Kinh quá cơ ! Sao hồi này mình cứ "tưởng" ghê thế nhỉ !!!

Thế hoá ra nó không phải là khu du lịch à bác chitto?

Chậc ! Em bập bập rồi nhá ! Không lại xui xẻo nữa !!!
 
Tản mạn chuyện các ngôi miếu thờ trên đèo (NT)

... Chuyện về những ngôi miếu thờ nghe được trên các chặng đường "lượt phượt" khi đi khắp các quốc lộ Việt Nam, thì nhiều lắm... Những câu chuyện nhuốm màu tâm linh, dị đoan, nhiều khi biến tướng thành chuyện "ma quái" huyền hoặc không có thật. Những câu chuyện truyền miệng và rỉ tai nhau từ cánh lái xe đường dài, từ những bà buôn bán, từ dân địa phương, thậm chí từ những đứa trẻ chăn bò.... cứ mỗi người lại thêm thắt một chút.... thế là cái miếu thờ trở nên "lung linh" và "linh thiêng" hẳn lên, suốt ngày hương khói nghi ngút, kẻ ra người vào vái xin bình an, may mắn... Có địa phương đã "ra tay" san bằng ngôi miếu... Nnưng không xuể... miếu lại mọc lên, vẫn hiện diện, vẫn hương khói nghi ngút và khiến những gã giang hồ "vặt" như tôi mỗi khi đi qua tò mò vào xem, nghe kể và ... chợt rùng mình mỗi khi lái xe chạy qua nó lúc đêm khuya....

Con đường Quốc lộ 14 đoạn Đăkmil đi ĐăkrLap, khi chạy qua đoạn Rừng Lạnh, ĐăkSong có mấy khúc cua rất gắt.... Tầm nhìn hẹp, dốc như đèo...Đường rất đẹp, láng mịn. Lái xe chạy qua đó vào ban đêm mùa khô rất hay gặp sương mù.... Sương mù dày đặc, trôi cuồn cuộn, nhiều lúc sương mù cả ngày... Hai bên đường là đồi Cafe, thi thoảng có đoạn mọc toàn thông Đà Lạt....

Năm 1997, thời điểm tháng nào tôi không nhớ rõ lắm, chỉ nhớ rằng tại khúc cua ngay gần cổng đồn Biên Phòng ĐăkSong gần chỗ ngã ba đường 14A gặp đường 14C (đường HCM) xảy ra vụ tai nạn giao thông kinh hoàng. Một chiếc xe Hyundai 24 chỗ chở 26 người từ Sài Gòn lên BMT đâm chính diện vào chiếc Deawoo khách 54 chỗ chở hơn 50 người đang từ BMT về Sài Gòn ... Chiếc xe 24 chỗ chạy với tốc độ khoảng 70km/h chui gọn vào gầm chiếc 54 chỗ..... Hậu quả là chiếc Hyundai bẹp lép, chùn cả "xương sống" xe, hơn 20 người chết tại chỗ...Xác người đặt dọc lề đường đắp chiếu thành hàng dài....Vụ tai nạn này đã đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng suốt gần 1 tuần...

Khoảng thời gian sau, ngay bên lề đường nơi xảy ra tai nạn, người ta xây một ngôi miếu thờ nho nhỏ, từ ngoài đường vào miếu, người ta trồng hoa loa kèn màu đỏ tía và lấy những chiếc ghế đệm của xe 24 chỗ còn vương vết ố máu người đặt dọc lối đi. Xác chiếc xe 24 chỗ được kéo vào ngay cạnh miếu phủ bạt và mắc một bóng điện bên trong, đêm được thắp sáng bằng điện ắc quy... Bàn thờ luôn nghi ngút khói hương và lại được thắp sáng bằng hai ngọn điện đỏ lừ....

Tháng 11 năm 1998, tôi từ Buôn Ma Thuột lái xe về SG... Trong màn đêm sương giăng giăng hơi mờ mờ, mùa khô gió hun hút thổi và lạnh lẽo, vừa vượt qua khúc cua, nhìn ra đằng trước ... Chiếc xe bị tai nạn được thắp sáng bằng điện, hắt bóng ra là một hàng hình nhân mặc quần áo xanh đỏ dựa lưng vào thành xe, mâm hoa quả cúng nghi ngút khói hương đỏ lừ. Hôm ấy chắc là ngày dân họ cúng bái miếu thờ. Cảm giác của tôi lúc ấy thấy rờn rợn và tự dưng muốn chạy thật nhanh qua đó.... chạy gần tới nơi tôi bỗng rùng mình vì thấy bó hương bỗng cháy bùng ... phần phật lửa...

Nguyên tắc của lái xe đường QL 14 là bất cứ lúc nào chạy qua ngôi miếu thờ này đều phải bấm 3 tiếng còi như là một lời chào những oan hồn chết đường chết chợ đang ngồi trên những chiếc ghế đệm còn vương vết máu ngắm hoa loa kèn màu đỏ tía....
.............................................................

Ngôi miếu thờ trên đèo Cả gần chỗ khúc cua Đá Đen cũng có một giai thoại khá rùng rợn... Chuyển kể rằng cách đây nhiều năm, khu vực đèo Cả còn hoang vu, đường xuống Vũng Rô còn rậm rạp cây cối, dân cư thưa thớt... Chân đèo phía Tu Bông hoang vắng... Đại Lãnh thì đông đúc một chút. Tại nơi có ngôi miếu thờ xảy ra chuyện một ông dân làng vạn chài dưới Vũng Rô chở vợ đi đẻ ở Trạm xá Đại Lãnh bằng chiếc xe Honda 67....khi chở vợ đến khúc cua này thì va phải một chiếc xe tải Reo 13 chở gỗ... hậu quả vợ bị văng xuống đường... Người vợ chết kéo theo đứa hài nhi chưa ra đời...

Chuyện rùng rợn xảy ra khi cua Đá Đen còn chưa được mở rộng, khá hẹp... Hôm ấy trời tối đen, lắc rắc mưa bão, mây vần vũ trên những đỉnh núi đèo Cả... Chiếc xe IFA chở 5 ton hàng lặc lè leo dốc... Lái xe là một ông già có hơn 30 năm kinh nghiệm lái đường dài... Khoảng 21h, khi vừa chớm dốc Đá Đen, chỗ cua gắt, trong ánh đèn pha, ông lái xe chợt thấy một người mặc quần áo phụ nữ khoác áo mưa, đội nón sùm sụp đứng bên vệ đường, tay bà ta xách 1 chiếc làn đỏ có vẻ rất nặng nề ... Bà ấy chạy ra giữa đường ngoắc xe lia lịa...

Bị chắn đột ngột nên ông tài xế bắt buộc phải dừng xe. Ông ta bực bội gắt lên nhưng bỗng ngừng ngay lại, tiếng gắt bị ngắc trong cổ họng trở nên ú ớ một cách rất sợ hãi... Gã trai phụ xe đang tỉnh tỉnh mê mê trong cabin nghe tiếng ông tài xế ú ớ ... liền ngồi dậy ngó ra, rồi cũng tái mặt thét lên... Ma!!! Người phụ nữ có khuôn mặt kỳ dị, đen ngòm, máu ri rỉ chảy ra từ hốc mắt, miệng và mũi... Cái làn bà ta xách, bên trong là thây một hài nhi mới mấy tháng tuổi, tím tái...

Chuyện này tôi nghe từ ông lái xe khách chạy tuyến BMT - Hà Nội. Khi chạy qua cái miếu thờ, ông ta dừng xe, rồi cùng 2 chú lơ xe xuống thắp hương một cách rất thành kính..... Tò mò tôi hỏi và ông ấy kể lại như thế....
 

Đèo Hồng Thu Mán (Quốc lộ 4D - Phong Thổ Pa So)


... Có một con đèo có cái tên rất ngộ và lạ: đèo Hồng Thu Mán. Đèo Hồng Thu Mán nằm ở vị trí cách Thị xã Lai Châu mới khoảng 5 km về phía Phong Thổ Pa So ... Trước kia Hồng Thu Mán rất vắng vẻ nay ở chân đèo có một xí nghiệp khai thác đá và sản xuất gạch, trên lưng chừng đèo có vài nóc nhà dân H''Mong khiến con đèo mất đi sự hoang vắng của nó.....

Hồng Thu Mán từng là trận địa của quân đội VN đánh trả quân TQ hồi chiến tranh biên giới 1979. Năm đó (theo lời kể của anh Hải, là người bạn đi cùng tôi trong một chuyến đi mới đây) thì ở tại Hồng Thu Mán, trận chiến xảy ra khá khốc liệt vào trưa và chiều ngày 17/02/1979, lính TQ theo tuyến đường quốc lộ 4D đánh từ Dào San, Ma Lù Thàng, Pa Nậm Cúm đánh về tới TT Phong Thổ, trưa ngày hôm đó đánh tới Hồng Thu Mán thì bắt buộc phải ngừng lại vì gặp sự đánh trả quyết liệt của quân đội VN... Trận chiến nhùng nhằng kéo dài suốt gần 1 tháng sau thì quân TQ rút chạy... Xác lính TQ nằm trên đèo ngổn ngang, quân VN phải dùng máy ủi đào hố và gom xác chôn....

Đèo Hồng Thu Mán không cao, độ dài của nó có hơn 15 km và dốc không nhiều. Chỉ có phía đèo bên xuống Phong Thổ (Pa So) thì dốc quanh co, có mấy đoạn dốc cua tay áo rất nguy hiểm ... Phong cảnh của Hồng Thu Mán vào mùa xuân thì đẹp hơn với rất nhiều hoa đào rừng nở hồng phía bên dãy núi tay trái bạn nếu đi từ Tam Đường sang Phong Thổ... Nằm giữa Hồng Thu Mán và dãy núi bên kia là một thung lũng, đến giờ vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ của nó... Dãy núi bên tay trái với cây cối khá rậm rạp nhưng chỉ là rừng tạp, cây lớn đã mất hết, đa phần cây nhỏ và dây leo quấn chằng chịt, nhìn chung phong cảnh dãy núi khá nghèo nàn nếu không muốn nói là không đẹp. Điều đáng chú ý ở đây là Hồng Thu Mán rất hay xảy ra tai nạn, với các thể loại tai nạn, từ bé đến lớn... Cũng có thể do đường dốc của Hồng Thu Mán nhỏ hẹp, tầm nhìn mấy đoạn cua bên Phong Thổ rất ngắn và cua tay áo lại hiện ra đột ngột ở đoạn dốc cao, khó kiểm soát tay lái nếu không quen đường... Năm 2001, tôi đi Fanxipan về, rẽ qua Lai Châu - Điện Biên đã gặp vụ tai nạn rất hy hữu ở đèo Hồng Thu Mán: Một chiếc xe tải Daewoo 3 chân chở theo 18 ton hàng, vào lúc 12h đêm đã không ôm nổi cua tay áo bên phía Phong Thổ .. thế là lao như một mũi tên từ độ cao gần 30 m trên dốc xuống dưới đèo, nằm chồm lên cái bếp của một nhà dân ... Điều hy hữu là 3 người trên xe ô tô không ai chết và bị thương, chủ nhà vừa ở dưới bếp đi ra thì chiếc xe rơi ập xuống .... Người không chết nhưng xe ô tô thì gẫy làm ba, bẹp dí ... cái bếp sụm, mấy đôi thùng gánh nước bẹp, vỡ mấy cái chảo và chết 2 con lợn.....

Con đèo này rồi cũng đi vào dĩ vãng nếu tốc độ phát triển đô thị của tỉnh Lai Châu nhanh...
 

Đèo Măng Giang và đèo An Khê (Quốc lộ 19 - Gia Lai)



Đèo Măng Giang để lại cho tôi một ấn tượng khó phai mờ từ những năm 1990. Trong chuyến đi định mệnh của chiếc xe khách 54 chỗ ngồi xuất phát từ Buôn Ma Thuột về Thái Bình đầu xuân năm đó đã lấy đi 2 thành viên của gia đình tôi... Cũng có thể một phần do kỷ niệm đau buồn đó đã khiến tôi luôn tìm hiểu và thích chinh phục các con đèo, bằng cả xe máy lẫn xe ô tô, cả xe con lẫn xe tải, thậm chí bằng xe Container mỗi khi có dịp....

Đèo Măng Giang và đèo An Khê là hai con đèo lớn nhất trên Quốc Lộ 19 từ ngã ba Bà Di lên cửa khẩu Lệ Thanh huyện Đức Cơ Gia Lai. Theo kinh nghiệm của cánh lái xe Tây Nguyên, họ luôn đề phòng mỗi khi đi qua Đèo Măng Giang... mặc dù con đèo này về độ dài, độ dốc và độ cao không thể bằng đèo An Khê. Cái mà họ e ngại chính là "zớp" tai nạn của con đèo này. Các vụ tai nạn lớn sảy ra trên QL 19 hầu hết đều xảy ra trên con đèo Măng Giang.

Đường đèo trước đây rất láng mịn. Hồi những năm 87 - 88 đi qua hai con đèo này, xe chạy ro ro và ôm cua cực "ngọt" vì đường quá tốt... Những năm chiến tranh cũng không làm nó hỏng nền cũng như mặt đường, mặc dù đường chưa rộng rãi như bây giờ. Cây cối trên đèo cũng không rậm rạp, thi thoảng còn có buôn làng của người M''nong, Xê đăng và Ba Na nằm cheo leo trên sườn đồi hoặc lọt thỏm giữa thung lũng bên dưới.... Đèo Măng Giang cách huyện lị khoảng 20 km và ngay đầu đèo có một cái biển xây bằng xi măng cực to có dòng chữ: "đèo Măng Giang - Cua gấp nguy hiểm, lái xe chú ý giảm tốc độ" thế nhưng điều nguy hiểm nhất thì vẫn sờ sờ ra đó...... Và chính cái quan trọng nhất và nguy hiểm nhất thì họ vẫn chưa chịu sửa....

Số là thế này: Nếu bạn đi từ P''leiku về Quy Nhơn, con đường quốc lộ 19 êm ru chạy về phía Đông đến đầu đèo Măng Giang đều có độ dốc hơi bằng bằng rất dễ làm lái xe lơ là.... Đoạn cua thứ nhất ngay đầu đèo là một khúc cua gắt, nó khuất sau một vách đồi và quặt chéo về phía Nam ... Nếu nhìn từ xa, bạn chỉ thấy cái biển và tầm nhìn con đường cũng vẫn thấy thoáng đãng, bạn sẽ mất cảnh giác và chỉ nghĩ rằng đây mới bắt đầu vào đèo... Con đường vẫn mịn màng và êm êm, bằng bằng... Thế nhưng khi bạn chưa kịp giảm tốc độ, vừa qua cái biển là cái cua gắt ấy đã hiện ngay ra trước mắt... Phía dưới là cái vực 3 tầng đồi sâu khoảng trên 50 m. Tiếp ngay khúc cua đầu tiên là 2 khúc cua liên tục, rất ngoắt nghéo... chính điều này đã làm cho các tay lái xe lạ địa hình dễ rơi vào tình trạng ôm cua không kịp và mất lái, lao luôn xe xuống vực giống như chiếc xe 54 chỗ đã mang theo 17 người năm 1990... Xe tai nạn vì lơ là cứ tưởng đường bằng.....

Năm đó, chiếc xe xuất phát từ BMT chở theo 63 hành khách về Thái Bình. Đến đèo Măng Giang đã tầm 23h đêm, trên xe hành khách đã ngủ say theo nhịp lắc lư của xe.... Bất ngờ, nghe tiếng la thảng thốt của lái xe và chỉ trong có mấy giây, chiếc xe lao như một mũi tên từ độ cao hơn 50 m trên đỉnh đèo rơi cắm đầu xuống bãi đất trống ở tầng vực thứ nhất..... Hậu quả trên xe chết 17 người và bị thương quá nửa.....

Đèo Măng Giang độ dài thua xa đèo An Khê, phong cảnh cũng không thể so đọ được với đèo An Khê. Từ trên đỉnh đèo An Khê bạn có thể phóng tầm mắt bao quát một phần tỉnh Bình Định với các huyện Tây Sơn, An Lão, Tuy An.... Đèo An Khê cũng là nơi diễn ra bài học "kinh điển" của ngành vận tải siêu trường siêu trọng khi chở tổ máy tubin phát điện xây dựng nhà máy Thuỷ điện Yaly. Cả một chiếc Tubin nặng hơn 100 ton, đường kính hơn một chục mét được tàu biển đưa vào cặp bến Quy Nhơn rồi cẩu lên nằm "chềnh ềnh" trên sàn 2 chiếc rơmooc đặc chủng 32 lốp đấu đít vào nhau, ... 3 chiếc xe Ural hạng nặng được huy động vào việc kéo chiếc Tubin này lên Sê San. Hai chiếc nhận nhiệm vụ kéo, một chiếc đẩy đít.... 1 xe CA đi dẹp đường..... Chiếc Tubin choán hết cả mặt đường khiến cho việc di chuyển của chiếc xe cực kỳ khó khăn.... Khi lên đèo An Khê, có cả hai chiếc xe xúc ủi đi kèm theo đề phòng trục trặc. Có hơn 20 km qua đèo An Khê mà cuộc vận chuyển tổ máy phát điện này đi mất 3 ngày ròng rã.....
 
Anh Hoangbquang viết hay nhỉ, nhất là viết chuyện kinh dị, thi thoảng cafe nghe bác kể chuyện ma cũng rơn.
 
Nghe giang hồ đồn dạo này bác HBQ rỗi rãi, nằm nhà, khẩu phượt. Cà phê online hoặc đến nhà bác í uống thôi cô ạ! (NT)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,676
Bài viết
1,171,170
Members
192,352
Latest member
buyverifiedwised
Back
Top