What's new

Chuyện về các CON ĐÈO trên khắp mọi miền Việt Nam

Anh Hoangbquang viết hay nhỉ, nhất là viết chuyện kinh dị, thi thoảng cafe nghe bác kể chuyện ma cũng rợn.


Ha ! Ha ! Thím Vìu cũng biết rợn tóc gáy á? Thế mà cái hôm ở căn biệt thự Ma trên Đà Lạt anh thấy Thím đi xăm xăm vào nhà định bắt MA cơ mà =))
 

Đèo Hồng Thu Mán (Quốc lộ 4D - Phong Thổ Pa So)

Lần đầu lái xe Tây Bắc sau khi đã quần các con đèo Tây Nguyên, em đã bị con đèo này hành hạ, năm 2001.
Lúc đó, em nhớ đoạn Paso đường chưa sửa, đi 40km/h là nhanh lắm rồi và ngồi trên xe hơn cưỡi ngựa. Gần khuya, vừa ngang Paso thì xe cán đinh lớn, thay bánh sơ cua. Đi lên hết đỉnh đèo về phía Tam Đường thì bị thêm nhát nữa, tét hẳn vỏ xe, mệt đừ người nên cóc vá víu gì hết, để chạy luôn về TĐ. Đã vậy, ngay trên đỉnh đèo còn bị bọn thanh niên đốt lữa chặn đường, rủ xuống xe chơi, mình lừa lừa rồi vọt mất. Ông chủ quán ăn khuya ở TĐ nói 90% thanh niên ở đấy nghiện! Sáng ra thấy xung quanh toàn thịt chó, chỉ có quán đó có mì gói trứng gà.
 
Chuyện về đèo Lò Xo - Quảng Nam



Đèo Lò Xo dài 20 km thuộc địa phận xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum nằm trên cung đường QL 14 từ Quảng Nam đi Kon Tum.

Thời Pháp, đường 14 được mở ra nhằm khai thông công cuộc thực dân hoá vùng Bắc Tây Nguyên và cũng để phục vụ cho việc chuyển quân, đạn dược của quân đội Pháp đồn trú suốt một dải Tây Nguyên, Nam Lào và Bắc Cam Pu Chia, vận chuyển tài nguyên thuộc địa về mẫu quốc thông qua cảng Đà Nẵng. Gần khu vực đèo Lò Xo, Pháp cho xây nhà ngục Đăkley nổi tiếng một thời, nơi giam giữ ông Tố Hữu suốt bao nhiêu năm.

Đèo Lò Xo những năm 90 của thế kỷ trước còn hoang vắng vì lúc đó quốc lộ 14 chưa được sửa sang lại sau cuộc chiến tranh kháng Mỹ, nó gần như bị bỏ hoang từ 1975 đến lúc tôi tới đó lần đầu tiên vào tháng 3 năm 1990. Đường chỉ còn nền và cỏ cây mọc um tùm, lổn nhổn đá hộc....

Khu vực quanh đèo Lò Xo là rừng già, thâm u. Rừng ở đây cực kỳ nhiều các loại gỗ quý hiếm và gỗ lớn. Đặc biệt, khu đèo Lò Xo chính là nơi dân đi Điệu miền Trung đã phát hiện ra rất nhiều Trầm Kỳ. Có rất nhiều câu chuyện bi kịch của dân tìm Trầm đã xảy ra ở đây. Và còn một điều nữa cũng cần phải nhắc đến là chuyện khai thác vàng sa khoáng ở khu vực quanh đèo Lò Xo.

Năm đó (1990) tôi "lang bạt" vào tới Khâm Đức, khi tới chân đèo Lò Xo để tìm ông già tên Hai Dũng chuyên đầu nậu Trầm và vàng sa khoáng, đã được ông ấy mời món rượu ngâm bào thai Hổ với sâm Ngọc Linh, nhắm với thịt Cheo nướng than củi. Tôi nhớ như in cái bình rượu nước xanh xanh có những rễ sâm Ngọc Linh bằng ngón chân, ba con Hổ con, mỗi con chỉ nặng chừng 2 kg nằm ôm nhau, giương mắt lờ đờ nhìn khách....

Sợ nhất là chuyện cướp ở vùng này. Hồi sau giải phóng 1975 còn rất nhiều Fulro và chuyện đốt phá, cướp của bắn giết xảy ra liên miên. Bộ đội và Công an vũ trang dẹp mãi đến những năm 1990 thì Fulro người Thượng chẳng còn nhưng lại đến "Fulro" người Kinh. Đó là những nhóm giang hồ phiêu bạt, đi đãi vàng, đi tìm Trầm thất bại thì nảy ra đi cướp, chúng cướp thượng vàng hạ cám và chỉ nhè vào dân đi buôn, thường là phục kích ở rừng, có đứa theo dõi, báo hiệu là xông ra chặn đường. Có vụ chúng cướp cả xe tải quân sự.....

Con đèo này sạt lở kinh hoàng, có thời điểm sạt mất cả nền đường cả khúc dài mấy trăm mét. Suối ở đây thường rất hiền hoà, nhưng khi mùa mưa tới thì nó ào ào như thác đổ và cuốn trôi đất đá cùng cây cối. Đoạn ở gần chân đèo, đi qua chỗ ngã 3 lối lên ngục Đak Gley có một cây cầu và khúc cua, đó là nơi tôi chứng kiến một cơn lũ đến bất thình lình và cuốn trôi một chiếc xe UAZ chở thực phẩm cho đồn biên phòng, chúng tôi bị lũ "phong toả" 3 ngày trời, nhịn đói nhịn khát gần 2 ngày ngồi yên trên đỉnh quả đồi không sao mà thoát được....

(còn tiếp)
 
Last edited:
Đây là ngã ba lối vào di tích ngục Đak Gley




Đây là cây cầu nơi tôi và các bạn của tôi bị lũ rừng vây hãm....



Con suối này cực kỳ hung dữ mỗi khi lũ về...


 
Đèo Lò Xo từng nổi tiếng trong chiến tranh chống Pháp bởi cái nhà tù Đăklei và những người tù chính trị vượt ngục. Nhưng nổi tiếng hơn cả là những câu chuyện "đường rừng" với voi đi cả đàn, hổ báo chạy thậm thịch ngày đêm....

Gần đây, khu vực quanh đèo Lò Xo là điểm nóng của chuyện lâm tặc, đào đãi vàng. Đi quá Lò Xo chừng 10 km là bắt đầu đến khu vực bãi vàng và nơi tập kết gỗ của lâm tặc. Lần tôi đi qua mới đây, xe Reo chở gỗ tập kết từng đoàn chừng 20 chiếc. Gỗ lậu không thấy nhiều nhưng chắc chắn là phải có rất nhiều vì trên đường đi qua ĐăkTô chúng tôi gặp những chiếc xe đầu kéo Internatinonal lặc lè kéo theo những rơ mooc 40' ngất nghểu những cây gỗ to 2 - 3 người ôm. Có đoàn xe đầu kéo chừng 2 - 3 chiếc dừng lại giữa đường chờ thông đường mới đi.... Việc này làm tôi rất băn khoăn, chẳng lẽ Kiểm Lâm Kon Tum lại không biết sao? Xe chở gỗ đi thành từng đoàn, to vật vã thế kia, CSGT thì lượn lờ suốt?!

Đem câu chuyện này thắc mắc với anh bạn kinh doanh ở Tp Pleiku, hắn cười hô hố rồi bảo tôi: Gỗ này có bảo kê đấy ông ạ ! Nó có giấy phép "đốn" gỗ ở Lào, nhưng tập kết xe ở VN và nhân thể "khai thác" gỗ luôn tại quê hương cho nó gần....

Bãi vàng gần đèo Lò Xo thì vô cùng phức tạp. Cái mỏ vàng Bồng Miêu cũng gần ngay đây. Buổi trưa, trời mưa rào ào ạt, gió thổi bão bùng và sấm sét đì đùng, chúng tôi ngừng lại ăn trưa ở một quán cơm cách thị trấn Khâm Đức chừng 8km, ngay dưới chân núi. Ông chủ quán cơm vẻ mặt từng trải, có cặp mắt rất sắc, tia mắt dữ tợn ra đưa thực đơn và hỏi chúng tôi đi đâu, có phải đi mua vàng đãi hay chỉ là đi qua đường? Sau khi biết chúng tôi đi du lịch Xuyên Việt về qua đậy, ông ta có vẻ vui vẻ và bắt chuyện trong lúc chờ thức ăn được đưa ra.

Ông ta kể: Trước đây bãi vàng "kinh hoàng" lắm, thời gian đó khoảng những năm 1996 - 1997... không ngày nào không xảy ra chuyện đánh nhau, cướp bóc, chém giết người. Lúc đó ông ta là chủ bưởng, quân trong bưởng có tới 200 người, một ngày làm thu hoạch không dưới 5 cây vàng cốm. Ông ta quê ở Khâm Đức Quảng Nam chính gốc 3 đời, thế mà vẫn bị băng nhóm khác vào cướp bãi, chém què mất 1 tay, ông ta mất mấy trăm cây vàng và đứa con rể lớn bị tàn tật vì sập hầm. Tình hình phức tạp đến mức CA huyện không thể trị nổi phải xin quân của tỉnh. Cả tiểu đoàn CSCD được điều vào càn quét liên tục trong mấy tháng ròng thì tình hình mới tạm yên. Sau trận ấy, ông ta bỏ "nghề" đem theo mấy chục cây vàng còn giữ được về đây mở quán cơm. Làm ăn cũng khấm khá. Ông ta bảo ông là số may mới được vậy, có mấy thằng bạn đi vô bãi cùng đợt chết mất xác trong đợt sập hầm chết mấy chục người. Ông ta rủ tôi vào trong nhà khoe mấy con Báo Gấm, Gấu Ngựa và Chồn được nhồi bông đứng ngồi "lổn nhổn" giương mắt xanh lét nhìn khách.....
 
Chuyện về đèo ĐĂKSONG (Còn gọi là ngã ba Rừng Lạnh)


Đèo ĐăkSong ở vị trí giữa huyện DakMil và huyện Dakrlap thuộc tỉnh DakLak trước đây, giờ nó là huyện DakSong tỉnh DakNong và là ngã ba nơi quốc lộ 14A gặp đường mòn Hồ Chí Minh (giờ gọi là QL 14C). Con đèo này không có gì đặc biệt lắm bởi nó chỉ dài cỡ 7 - 8 km và dốc cũng không lấy gì làm ghê gớm cả. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ, mới thấy con đèo này lắm huyền thoại, cả những chuyện chiến tranh bom đạn, chuyện chất độc màu da cam, chuyện các nữ anh hùng kháng chiến chống Mỹ đến chuyện tai nạn ma mồ, chuyện sương mù ảo ảnh, tiếng động hạ âm... Thôi thì đủ cả.

Từ thị trấn DakMil đi gần tới DakSong, cách khoảng 10km có một ngọn núi lửa đã tắt, giờ là một quả đồi tròn vo, giữa đỉnh đồi là cái miệng núi lửa, tắt bao nhiêu thế kỷ rồi không biết nhưng nó vẫn còn nguyên đó cái hũm rộng chừng 300m đường kính, sâu khoảng 30m cỏ mọc ngút ngàn.... Gần tới ngã ba DakSong, nơi quốc lộ 14A gặp quốc lộ 14C có một đồn biên phòng, tôi đã ở 3 ngày thăm đứa em đóng quân tại đây và được nghe mấy anh chỉ huy đi lính từ thời chống Mỹ, chống Khơ Me Đỏ rủ rỉ kể những câu chuyện thời đó bên bàn rượu cạnh bếp lửa đỏ hồng giữa đêm khuya mùa khô gió ào ạt thổi...

Những năm chiến tranh, khu vực này là khu vực chuyển vận lương thực đạn dược quan trọng cho chiến trường Miền Đông Nam Bộ và cho chiến khu R. Đường mòn HCM xuyên trong rừng già cách ngã ba DakSong chừng 30 km, sát biên giới Cambodia chứ không gặp QL 14 như bây giờ suốt ngày đêm từng đoàn quân giải phóng "âm thầm" luồn rừng hành quân về các mặt trận. Quân Mỹ cho máy bay B52 rải bom vào mùa mưa. Mùa khô thả chất độc da cam diệt cỏ và sau đó rải bom napan đốt cháy rừng, khu vực này có lúc "xơ xác" tiêu điều hoang vắng. Sức sống của rừng cộng với chất khoáng của đất đỏ Bazan khiến mầm sống lại tốt tươi chỉ sau vài năm ngừng chiến. Rừng lại xanh, cây cối rậm rạp, um tùm, chim muông thú rừng lại về, cho đến tận những năm hòa bình thì lác đác dân kinh tế mới từ Thái Bình, Nghệ Tĩnh vào đây xây dựng khai hoang...

Đèo DakSong cách đồn biên phòng chừng 3 km, có một con dốc nổi tiếng vì có nhiều giai thoại quanh nó, chuyện kể là trước đây có một tiểu đội nữ quân giải phóng Miền Nam giữ chốt khu vực này, sau đó bị B52 rải bom hy sinh hết. Những ngày trời sương mù, hoặc những đêm vắng trời trong xanh có trăng thì những chiếc xe vận tải đi qua đây rất hay gặp các "chị" hiện về. Lái xe thường nhìn thấy thấp thoáng trong ánh đèn pha là các chị đứng bên đường xõa tóc trêu đùa nhau, có hôm còn "nghịch ngợm" trèo hẳn lên bậc cửa cabin xe đu đưa, đu đưa....
 
Last edited:
Khu vực đèo DakSong rất nhiều sương mù, cung đường lại lắm cua gắt, tuy chỉ dốc thoai thoải nhưng tầm nhìn bị che chắn bởi cây cối. Hai đầu con đèo được phân định với khu vực khác là 2 khúc cua, dốc cũng tương đối cao, đường đi xẻ đôi ngọn đồi.

Giữa đèo có đoạn cua nổi tiếng bởi một vụ tai nạn kinh hoàng. Buổi chiều giữa mùa khô năm 1996, 2 chiếc xe khách loại 24 chỗ và 54 chỗ đấu đầu, "tử" tại trận hơn 40 mạng. Giờ chỗ đó thành cái dzớp, thi thoảng lại có vụ đâm nhau, hoặc đang chạy xe máy tự dưng ngã vật ra đường...

Có một chuyện giờ đây cũng chưa ai giải thích được, đó là ảo ảnh. Dân ở gần khu vực này kể rằng, trước đây rừng còn nhiều, mưa lớn, nhất là mưa kèm theo sấm sét, sau cơn mưa hơi nước bốc lên mù mịt, trong đám bụi mờ ngùn ngụt bay lên ấy, rất hay có những hình ảnh đám người đang đứng, thậm chí có hình ảnh cả một dãy phố. Còn dân lái xe đường dài tuyến quốc lộ 14 thì chuyền tai nhau câu chuyện kể, trong một đêm mưa sấm sét nổi đùng đùng, có ông lái xe tự nhiên thấy loằng ngoằng những vệt sáng xanh lét đằng trước mặt, rồi trong ánh chớp ấy, ông ta nhìn rõ hai bên đường là đoàn quân lính chiến, súng ống tua tủa đang hành quân....

Những câu chuyện đậm chất huyền hoặc ấy tôi được nghe trong một đêm mùa khô, từ những người lính biên phòng già, bên bếp lửa hồng rực than hoa có lùi những củ sắn thơm ngậy nhắm với rượu đế trong vắt cất từ ngô nếp, ngoài trời gió ào ạt thổi, cứ hun hút trên những tàng cây muồng hoa vàng trồng ken dày bên những lô cafe đang mùa nở hoa.....

Đèo DakSong lượn lờ qua mấy quả đồi thoai thoải, xanh ngắt màu lá cafe. Mùa khô được tưới nước, cây cafe đơm hoa nở bung một màu trắng thơm ngát, đứng trên đỉnh dốc phóng tầm mắt ra xa, thấy cả một vùng đất cao nguyên bao la toàn một màu hoa trắng, điểm xuyết những khu đất màu xanh của rừng còn sót lại, những hồ nước long lanh, thấp thoáng những ngôi nhà gỗ mái ngói đỏ nâu xậm.... Cảnh đẹp ta chỉ thấy duy nhất có ở vùng đất Cao nguyên mênh mang này....
 
Last edited:
Vừa rồi, chạy một phát Xuyên Việt có 54 giờ. Tranh thủ cũng chụp được khá nhiều ảnh của những con đèo mình định viết....

Đêm, khoảng 1h sáng, chạy qua đèo ĐakSong, giờ đèo dốc chả thấy rờn rợn nữa vì 2/3 con đèo này đã được lính công binh hạ độ cao và mở rộng đường, đường quốc lộ 14 chỗ này đã trở thành phố thị, và là thị trấn Đaksong.

Từ cung này chạy đến tít tận Plei Kần mới có con đèo, đó là Đèo Lò Xo. Giờ Lò Xo cũng đông đúc dân cư rồi ....

Qua Thạch Mỹ thì có 1 con đèo nữa gọi là đèo P'rao, "xiên" sang A Lưới thì còn có mấy đèo nữa, đèo A Roàng và đèo A Sầu. Cung Tây Trường Sơn thì cũng có mấy đèo: Đèo Sa Mù, đèo Khe Đăng, đèo U Bò, đèo Khe Cạc ....

Định bụng vậy nhưng cuối cùng tắc đường ở P'rao, nên mình dex chạy được mấy con đèo này. Vậy là quay xuống Đà Nắng và hôm sau đi chụp ảnh đèo Hải Vân ....

.....
 
Bác vào phần cá nhân, có mục Pictures & Album, sau đó up ảnh vào đó, tốt nhất là tạo thành album cho dễ sử dụng.
Diễn đàn mới nâng cấp phần album này, bác thử dùng xem.
Riêng tôi thì thấy tiện.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,672
Bài viết
1,134,996
Members
192,357
Latest member
pvausashop765654
Back
Top