What's new

Chuyến đi ngày cuối tuần (từ Hà Nội)

Chào,

Mình dự định đi lòng vòng Hà Nội vào mỗi 01 ngày cuối tuần, mỗi tuần một địa điểm. Tìm hiểu vài điều muốn tìm hiểu, thăm thú các nơi thú vị và chụp ảnh các chỗ thấy hay.
Đi vào sáng sớm và về vào chiều muộn. Mọi người sẽ tự lo packed lunch (no alcohol or beer, pls!), chuẩn bị phương tiện đi lại phù hợp và các đồ đạc cần thiết khác cho cá nhân.
Hiện bọn mình chỉ có 2 người, mời mọi người đi chung cho vui (nhất là các bạn nữ nhé :) ) Mỗi chuyến đi sẽ dưới 10 người.

Đây là chuyến đi cho tuần tới, t7 28/8
Phương tiện: Xe máy
Điểm đến: Chùa Kiến Sơ - nơi khởi nguồn dòng thiền Vô Ngôn Thông

Chùa Kiến Sơ tọa lạc cạnh đền Phù Đổng (ở huyện Gia Lâm, Hà Nội), được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 1975. Chùa do Thiền sư Cảm Thành khởi dựng vào những năm đầu thế kỷ thứ IX và là nơi khởi phát của Thiền phái Vô Ngôn Thông, cũng là nơi tu hành của nhiều bậc danh tăng nổi tiếng trong lịch sử: các Thiền sư Vô Ngôn Thông, Cảm Thành, Đa Bảo, Ni sư Diệu Nhân…

5HBULB_kienso.jpg


Theo sách Thiền uyển tập anh, bấy giờ có một vị phú hào ở hương Phù Đổng, người họ Nguyễn kính mộ việc trì giới đức hạnh cao cả của sư Lập Đức, tự nguyện cúng gia trạch để làm chùa, mời sư đến trụ trì. Ban đầu sư từ chối, nhưng đêm ấy sư chiêm bao thấy thần nhân đến bảo: "Nếu làm theo chí nguyện của nhà họ Nguyễn thì chỉ chừng vài năm sẽ gặp được vận lớn". Vì thế sư bèn nhận lời, đến hương Phù Đổng lập chùa, chính là chùa Kiến Sơ ngày nay, sau này pháp danh của sư Lập Đức được đổi tên là Cảm Thành.

Thiền uyển tập anh chép: "Tháng Chín năm Canh Tý niên hiệu Đường Nguyên Hòa thứ 15 (820), sư (tức Thiền sư Vô Ngôn Thông) đến chùa Kiến Sơ. Ngoài hai bữa cơm cháo, suốt ngày sư chỉ ngồi quay mặt vào tường, không nói một lời, chuyên chú tu tập thiền định làm vui. Suốt mấy năm liền như thế nên người ngoài không ai biết sư, chỉ có sư trụ trì chùa là Cảm Thành hết lòng kính cẩn hầu hạ. Cảm Thành gần gũi bên cạnh sư để học hỏi những điều cơ vi huyền diệu, hiểu rõ yếu chỉ của Thiền tông". Vào ngày 12 tháng Giêng năm Bính Ngọ niên hiệu Bảo Lịch thứ 2 thời thuộc Đường (826), Ngài Vô Ngôn Thông gọi sư Cảm Thành đến truyền bảo: "Ngày trước Tổ ta là Nam Nhạc Hoài Nhượng thiền sư, khi quy tịch có đọc bài kệ rằng: Nhất thiết chư pháp/Giai tòng tâm sinh/Tâm vô sở sinh/Pháp vô sở trụ/Nhược đạt tâm địa/Sở tác vô ngại/Phi ngộ thượng căn/Thận vật khinh hứa. (Tất cả các pháp/Đều từ tâm sinh/Tâm không chỗ sinh/Pháp không chỗ trụ/Nếu đạt đất lòng/Làm gì chẳng ngại/Không gặp thượng căn/Cẩn thận chớ nói)". Mặc dù vẫn đang khỏe mạnh, nhưng nói xong thì Thiền sư Vô Ngôn Thông chắp tay thu thần thị tịch.

Từ đó, Thiền phái Vô Ngôn Thông ra đời, chủ trương đốn ngộ, trao đổi truyền bá đạo pháp không dùng nhiều lời nhưng người nghe vẫn thông (hiểu) được. Vào năm Canh Thìn, niên hiệu Hàm Thông thứ nhất thời Đường (860), sư Cảm Thành không bệnh mà nhập diệt, truyền trao y bát cho Thiền sư Đa Bảo. Đến thế kỷ XI-XIV, từ phái Vô Ngôn Thông phát triển thành một nền thiền học Việt Nam vô cùng rực rỡ, mỗi nhà sư đều trở thành những thi sĩ.

tamquanchuakienso.jpg


Kiến trúc chùa Kiến Sơ ngày nay khá bề thế. Cổng tam quan 5 gian chồng diêm 2 tầng, dóng ngang hàng với cổng đền Phù Đổng. Chùa chính theo kiểu nội công ngoại quốc như nhiều ngôi chùa cổ thường thấy ở Bắc Bộ. Trước tiền đường về phía bên trái có một chiếc khánh đá cổ tạc thô sơ, tuổi ít nhất 400 năm. Ni sư Thích Đàm Truyền, trụ trì chùa cho biết: "Tôi về trụ trì chùa từ năm 1971 đã thấy khánh đá bị vứt nằm chỏng chơ trong nhà Tổ, cột treo khánh bị gãy hết cả. Mãi tới cách đây 10 năm, nhà chùa mới xây mới 2 cột trụ phía trước tiền đường, rồi đem khánh đá ra treo".

Gây ấn tượng nhất đối với khách thập phương khi đến thăm chùa Kiến Sơ có lẽ là tòa động liên hoàn bằng đất thó, tuổi hơn 200 năm. Đây là tác phẩm động Cửu Long nhân tạo cổ xưa có kích thước lớn nhất Việt Nam: dài 8m, cao 3m, dày 2m. Tác phẩm gồm 5 tòa động liên hoàn. Hai bên hông gồm: động tội tái hiện tích truyện Mục Kiền Liên chứng kiến mẹ Ngài bị hành hạ khắc nghiệt dưới địa ngục; và động Tây Du Ký diễn tả thầy trò Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh. Ba tòa động chính đều có vòm là những mây, rồng xoắn xuýt tạo thành, ngự trên mây có rất nhiều chư Phật, Bồ tát, A Di Đà và các thần tướng nhà trời. Nếu như trung tâm của các tòa Cửu Long bao giờ cũng là Đức Thích Ca sơ sinh, nhưng ở các tòa động nơi đây đã được biến thể khác biệt. Trung tâm của động bên trái là Ngài Đạt Ma tay cầm một chiếc hài; ở tòa động bên phải là Quán Âm quá hải ngự trên đầu rồng.

Trong chùa còn bảo lưu được hệ thống tượng Phật cổ phong phú, bài trí thành 7 lớp tượng. Trong cùng của chánh điện có bàn thờ xây cao áp vào vách, bên trên tọa lạc bộ Tam thế Phật, niên đại thế kỷ XVII. Bộ tượng Tam thế được tạo tác khá giống nhau, tóc xoắn ốc, mặt tròn đầy phúc hậu ngồi trong tư thế tham thiền nhập định trên 3 tòa sen. Áo tượng nhiều nếp gấp chồng lên nhau, phủ kín lòng đùi. Bộ Tam thế được làm từ chất liệu đất thó, sơn son thếp vàng. Tòa sen không có đế bệ (có lẽ đã bị mất) hiện đã bong tróc hết sơn, kết cấu với 3 tầng cánh sen úp. Phật điện được đặt tách rời ra phía trước khỏi bộ Tam thế, với 6 lớp thứ tự từ trên xuống dưới: hàng thứ 1 là tượng A Di Đà; hàng thứ 2 gồm 5 pho tượng (tượng Di Lặc ở giữa); hàng thứ 3 là pho Quan Âm Nam Hải; Đức Thích Ca niêm hoa tôn trí ở hàng thứ tư; kế đến tượng Ngọc Hoàng; dưới cùng có tòa Cửu Long.

Bên trong Thượng điện, thẳng hàng với 5 vị Diêm vương phía bên phải, có các pho tượng vô cùng giá trị: tượng Thiền sư Vô Ngôn Thông, tượng vua Lý Công Uẩn và thân mẫu của nhà vua. Thiền sư Vô Ngôn Thông với thân hình mập mạp, đầu trần để lộ lớp tóc đen rất mỏng, tai to, mũi rộng, trên mép có hàng ria con kiến. Ngài mặc 2 chiếc áo: áo lót bên trong chỉ từ bụng trở xuống, để hở toàn bộ mảng ngực trần; áo khoác ngoài với rất nhiều nếu gấp uốn lượn đăng đối. Chân Ngài xếp bằng tròn, tay để trên đùi trái, tay phải cầm phất trần.

chua3.jpg


Tượng Lý Thái Tổ tạc dáng một ông vua ngồi trên ghế, mình mặc áo long bào, đầu đội mũ miện, chân đi hài, hai tay nâng ngọc khuê ngang ngực. Ông Nguyễn Quang Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết, người dân ở đây còn truyền tụng nhau sự tích về vua Lý Công Uẩn.

Tương truyền vào thời Tiền Lê, có câu sấm nói rằng một người họ Lý dưới chân có chữ Vương sau này sẽ thay thế họ Lê, vua Lê Đại Hành bèn truy tìm người như vậy để giết đi. Bởi dưới chân Lý Công Uẩn có chữ Vương, nên ông phải tìm về chùa Phù Đổng lẩn trốn để khỏi bị phát hiện. Bấy giờ truyền thừa dòng thiền Vô Ngôn Thông là Đa Bảo đã giấu kín Công Uẩn trong một cái hang bí mật dưới điện Phật. Lấy lý do người tu hành theo thiền phái này là phải học hạnh im lặng (vô ngôn) nên quan quân đến hỏi câu gì sư cũng không nói. Một đêm, Công Uẩn đang ngủ say trong hầm thì mơ thấy một người hiện lên, tự xưng Thánh Gióng là Thành hoàng của làng Phù Đổng. Thánh Gióng nói cho Công Uẩn biết rằng sau này sẽ thành đại sự và Thánh đọc cho câu sấm: "Nhất bát công đức thủy/Tùy duyên hóa thế gian/Quang Quang trùng chúc chiếu/Một ảnh nhật đăng san". Lúc đó, Công Uẩn không hiểu bài sấm này nói gì, nhưng vài trăm năm sau dân gian đã giải được nghĩa rằng, bài thơ dự báo nhà Lý truyền được 8 đời, và sẽ kết thúc vào thời một vị vua có chữ Nhật ở trên chữ Sơn (tức vua Lý Huệ Tông tên là Sảm).

Ngay sau khi Công Uẩn lên ngôi vua và dời đô về Thăng Long, nhà vua đã cho trùng tu chùa Kiến Sơ và xây dựng đền Phù Đổng cạnh đó để tôn thờ Đức Thánh Gióng. Vua cũng nhiều lần đến thăm chùa, và mời Thiền sư Đa Bảo về Thăng Long bàn luận. Như vậy có thể nhận định rằng, truyền thuyết Thánh Gióng ra đời từ thời sư Đa Bảo, được vua Lý Thái Tổ phong làm Xung Thiên Đại vương, đến đời Trần được tôn vinh thành một vị thiên tướng thời Hùng Vương.

Nguồn bài viết: Chương Phượng - Báo Giác ngộ
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Tham khảo thêm về dòng thiền Vô Ngôn Thông tại: http://www.thuvien-thichnhathanh.or...chng-02-2-3-thin-phai-vo-ngon-thong?showall=1
 
Last edited by a moderator:
Có mấy thông tin về đường xá cho chuyến đi chùa Thầy ngày mai (cập nhật từ các bạn bên box du lịch ttvnol mới đi về):
- Đại Lộ Thăng Long đã thông làn đường dành cho xe máy và CSGT đã bắt đầu làm việc. Các bạn đi xe máy chú ý đi đúng làn dành cho xe máy (làn nhỏ nằm ngoài cùng). Đi vào làn cho ô tô là bị phạt đấy nhé! Điểm bắt đầu vào làn cách TT Hội Nghị QG 0.5km.
Đi chùa Thầy sẽ leo khoảng 250 bậc lên núi, nên các ôm không nên đi dép hoặc giầy điệu đà, k nên mang đồ quá nặng nữa.
Hẹn các bạn ngày mai nhé. Chúc các bạn có những ngày cuối tuần rực rỡ (c)

@ Paper: Hôm đi Hậu Ái, lúc đầu đi quá Vân Canh phải hỏi đường, bờ đê ngay dưới chân mình còn gì. Em có mấy tấm ảnh chớp được làm chứng đây nè.
 
Vài cái về chùa Thầy (Từ Đạo Hạnh) của ngày hôm qua (copy and paste, chỉ là để tham khảo, cái gì ko đúng thì... tự biết :D):

Nghệ Thuật Kiến Trúc Chùa Thầy Với Phật Giáo Mật Tông
Đặng Thị Phong Lan

Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự), thuộc xã Thụy Khuê, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, từ lâu đã nổi tiếng không phải chỉ ở vẻ đẹp của kiến trúc, danh lam thắng cảnh mà còn bởi những truyền thuyết kỳ ảo, linh thiêng xung quanh thiền sư Từ Đạo Hạnh. Lối tu mang màu sắc huyền bí của dòng thiền Mật Tông cùng với những huyền tích của Từ Đạo Hạnh đã tạo nên những sắc thái riêng biệt của kiến trúc cũng như nghệ thuật tổ chức không gian nơi đây.

Trong quần thể danh thắng gồm 16 ngọn núi với những hang động nổi tiếng, chùa Thầy nổi bật cả về qui mô và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc. Dường như từng ngọn núi, con sông nơi đây đều in dấu sự tích, cuộc đời tu hành của Từ Đạo Hạnh. Cái tên "núi Thầy", "chùa Thầy", "Tổng Thầy" là cách mà dân gian thể hiện sự tôn kính đối với vị "Thầy"-nhà sư trụ trì, hành lễ để cầu phúc, chữa bệnh, dạy nghề cho dân địa phương. Là thiền sư đời thứ 12 của dòng thiền Tỳ Ly Đa Lưu Chi, một tông phái của Trung Hoa truyền sang Việt Nam từ năm 580 cho đến cuối đời Lý, song cách tu của Từ Đạo Hạnh cùng một số thiền sư khác như Vạn Hạnh, Ma Ha, Nguyễn Minh Không… lại mang nhiều yếu tố Mật Giáo (1). Bản thân dòng Tỳ Ly Đa Lưu Chi cũng là sự kết hợp giữa Thiền Tông và Mật Tông, do vậy nó gần với tín ngưỡng phong thuỷ, sấm kỳ, cầu đảo, điều phục tà ma, bốc thuốc… rất thịnh ở Trung Quốc và Việt Nam. Thiền sư ngày đó thường nổi tiếng về phép thuật chữa bệnh. "Từ Đạo Hạnh hàng ngày tụng kinh Đại bi tâm Đàlani đủ 108000 lần, sai khiến được Tứ trấn thiên vương, trả thù cho cha. Sư còn làm bùa phép, bùa chú, còn thác sinh làm vua Lý Thần Tông sau này"(2).

Tuy nhiên, Mật Tông khi truyền vào Việt Nam không còn độc lập như một tông phái riêng mà nhanh chóng hòa vào tín ngưỡng dân gian, pha trộn với chân tế, cầu hồn, pháp thuật, yển bùa trị tà ma chữa bệnh…(3). Như vậy, chùa Thầy được coi là một trong những ngôi chùa mang đậm dấu ấn của phái Mật Tông, chủ trương dùng hình tượng cụ thể kết hợp với mật chú, mật ngữ để khai mở trí tuệ và giác ngộ, thường sử dụng các yếu tố: phong thuỷ, nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật tạo hình, sắp đặt điêu khắc, đồ thờ để tạo hiệu quả thị giác, để người Phật tử tự suy ngẫm đi đến giác ngộ. Tất cả những yếu tố này được qui gọn trong bốn pháp Mạn Trà la bao gồm: "Đại Mạn Trà la, Tam muội gia Mạn Trà la, Pháp Mạn Trà la, Yến Ma Mạn Trà la"(4).

Về phong thuỷ, chùa Thầy không chỉ ở vị trí đắc địa mà bản thân sự sắp đặt kiến trúc phối hợp với cảnh quan thiên nhiên cũng phù hợp với thuyết phong thuỷ. Đó là hình tượng con rồng. Núi Thầy được xem là con rồng lẻ đàn sắc sảo (quái long), chung quanh có Thập lục kỳ sơn (là các con lân, con phượng, con rùa) chầu về. Chùa Thầy được dựng ở chân núi Sài Sơn uốn lượn như đuôi rồng, mặt nhìn ra núi Long Đẩu, phía trước là hồ Long Trì (ao rồng), xung quanh có làng xóm đông vui. Chùa nằm trên khu đất Hàm rồng, sân cỏ trước là hàm trên của rồng, bờ hồ bên trái là hàm dưới, miệng rồng há ra đón hòn ngọn là Thủy Đình; hai dải đất rộng ra hai bên là hai chân trước của rồng ôm lấy chùa; hai cầu Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều là răng nanh của rồng; hai bên có giếng tượng trưng cho mắt rồng (5); hai cây gạo khúc khuỷu vươn lên trời trước chùa là râu rồng; ba lớp chùa Hạ, Trung, Thượng là đầu rồng; hành lang hai bên chùa có gác chuông, gác trống là tai rồng.

Chính vẻ đẹp, hình tượng kỳ ảo của chùa Thầy đã khiến Chúa Định Vương Trịnh Căn (1682-1709) khi qua đây phải ghi lại trên bia Phật Tích Sơn Tự: "Nay thấy chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích như viên ngọc nổi lên giữa đám ruộng sỏi đá rạng vẻ xuân tươi cả bốn mùa"(6).

Về kiến trúc, đây là một ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh linh thiêng và đẹp đẽ, đánh dấu sự hội nhập giữa tín ngưỡng bản địa với Phật giáo, giữa tính chất từ bi của Phật với sự linh thiêng của Thánh. Chùa Thầy được biểu hiện bằng một cấu trúc hoàn chỉnh gắn kết giữa kiến trúc chùa với một cung Thánh nối vào phía sau tòa nhà Tam Bảo trên cùng một trục. Cung Thánh là một không gian đóng kín, với diện tích nhỏ để tạo nên vẻ huyền bí, linh thiêng. Toàn bộ kiến trúc chùa trải dài, ăn cao dần theo triền núi theo bố cục nội công ngoại quốc, dạng mặt bằng hoàn chỉnh, phổ biến nhất của kiến trúc Phật giáo thế kỷ XVII. Khu Tam Bảo bao gồm cả tòa nhà Tiền đường, Thiêu hương, thượng điện gắn kết theo chữ công, hai bên có hai dãy hành lang dài nối gác chuông, gác chống, nhà hậu tạo nên một khung chữ nhật (Quốc), tạo cho chùa một không gian thoáng bên trong nhưng lại kín đáo bên ngoài.

Cùng kiểu, còn có một số chùa thờ Thánh khác như Bối Khê (Hà Tây), Keo (Thái Bình), Láng (Hà Nội)… Song ở những chùa này, ngay ở kiến trúc phía ngoài có sự kết hợp giữa kiến trúc chùa (Tam quan) với kiến trúc đền (Nghi môn) gọi chung là Tam quan nội, Tam quan ngoại. Với những chùa mà việc thờ thánh quan trọng hơn thờ Phật thì ngũ môn hay nghi môn tứ trụ của đền được đặt trước Tam quan chùa. Chùa Thầy xưa nay không có Tam quan, bởi thế không có đường vào mặt trước. Đó cũng là đặc điểm riêng của kiến trúc chùa Thầy.

Một dấu ấn nữa ghi nhận sự kết hợp tín ngưỡng bản địa với Phật giáo là việc sử dụng những miếu thờ Thần để Phật hóa Thần. Hang Thánh hóa của chùa Thầy nay vẫn còn treo biển Hương Hải Am gợi về nơi tu hành xưa của Từ Đạo Hạnh. "Khởi đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ ứng với Bồ đề viện của Từ Đạo Hạnh, tương ứng với tòa "Điện Thánh" của chùa. Hiện nay nền điện thánh còn bảy hòn đá tảng chân cột bằng đá màu đỏ nâu kích thước 0.65m x 0,65m và một số hiện vật niên đại sớm thời Lý"(7).

Những tòa chính của chùa Thầy được xây trên nền rất cao, thấp nhất là hành lang và nhà hậu cũng được làm trên nền cao 1m, tiền đường cao hơn mặt đất 1m, điện Phật cao 1,76m, cao nhất là điện thánh cao 2,20m, xung quanh kê đá hộc. Toàn bộ cấu trúc chùa theo kiểu chồng dường kèm giá chiêng. Hành lang kiểu hệ thống vì kèo ván chống. Đáng lưu ý nhất là tòa thiêu hương (hay ống muống) là kiến trúc nối liền dựa chủ yếu hai tòa tiền đường và thượng điện nên không có cột, hai bên có lan can gỗ chạm chấn song con tiện. Tuy nhiên ở một ngôi chùa đặc biệt như chùa Thầy, nó còn được dân địa phương gọi là nhà cầu. Theo tác giả Trần Lâm - Hồng Kiên (8), kiến trúc của tòa này rất gần dạng thượng gia - hạ kiều dù trên dưới không hề có nước.

Cùng dạng kiến trúc thượng gia - hạ kiều còn có hai chiếc cầu đá Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều uốn cong hai bên phải trái trước chùa, trong địa hình tổng thể như hai năng nanh và hai mắt rồng. Cầu Nhật Tiên Kiều bên trái chùa để đi ra đảo nhỏ có đền thờ Tam Thánh, còn Nguyệt Tiên Kiều bên phải chùa nối với bờ hồ có đường lên núi, tương truyền do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan xây dựng cuối XVI đầu XVII. Mỗi cầu gồm năm gian, dưới xây đá cuốn, trên dựng bộ khung nhà gỗ lợp ngói. Hai bên thành cầu thông thoáng, có lan can thấp. Ngoài nét đẹp của kiến trúc soi bóng bên hồ, tạo sự bề thế cho chùa, Nhật - Nguyệt Tiên Kiều còn là biểu hiện của trời - trăng, âm - dương đối đãi, hòa hợp tạo thế cân đối, tăng thêm vẻ đẹp cho ngôi chùa.

Nằm giữa hồ nước xanh Long Trì trên trục chính của chùa là nhà Thủy Tạ kiểu phương đình, gồm hai tầng tám mái chồng diêm xoè ra bốn phía tựa bông sen khổng lồ mọc lên từ hồ nước. Vào ngày hội chùa, đây là nơi diễn ra trò rối nước vui nhộn.
 
Last edited:
(tiếp)

Về điêu khắc, mỗi hệ thống tượng với chức năng riêng biệt sẽ được đặt ở những vị trí nhất định trong chùa. Ở chùa Thầy với kiến trúc tiền Phật hậu Thánh, có hai hệ thống tượng chính: hệ thống tượng Phật và hệ thống tượng Thánh.

Trọng tâm của hệ thống tượng Phật là ở chùa Trung (Đại Hùng Bảo Điện). Cách sắp xếp cơ bản vẫn chia trên hai chục chính: Trục ngang (thời gian) là bộ tượng Tam Thế (Quá khứ, hiện tại, tương lai) và trục dọc (không gian) gồm tượng Tuyết Sơn - Di Lặc - Thích Ca sơ sinh. Mỗi nhóm tượng được chú trọng, nhấn mạnh đến thần thái, cách tạo hình ứng với chức năng của tượng. Bộ tượng tam thế tượng trưng cho ba ngàn đức Phật trong ba kiếp, cho tính bình đẳng về Phật tính, do đó ba pho tượng hình dáng, kích thước tư thế tọa thiền tương tự nhau chỉ khác thế tay và một vài chi tiết trang trí.

Nhóm tượng Di Đà Tam Tôn bao gồm Bồ Tát Đại Thế Chí - A di đà - Bồ Tát Quan Âm. Ba tượng này có thế ngồi tọa thiền kiết già (yoga), khiến tâm không thể lay động. Điểm đặc biệt ở ba pho tượng này là phong cách tạo hình mới chú trọng yếu tố trang trí bằng hệ thống hạt nổi, bao gồm những hạt tròn to nhỏ khác nhau, kết hợp với hoa cúc mãn khai kết năm hàng dọc, ba hàng ngang bao quanh thân tượng. Chưa có tượng nào trước và sau này lại có nhiều hạt như vậy. "Đó là hàng hạt kỳ ảo, được chạm theo một qui luật bắt nguồn từ ý nghĩa của Mật Tông (gọi là bí mật giáo, một Phật phái tin vào linh phù, châu ngôn, pháp ấn) tạo ra cái linh thiêng"(9).

Tiếp đó, theo trục dọc là tượng Tuyết Sơn-Di Lặc-Thích Ca sơ sinh tượng trưng cho ba đoạn đời tu hành của Phật. Tuyết Sơn là Phật ở giai đoạn tu khổ hành, chưa thành Phật, còn đau đáu về cuộc đời, với hình dạng một nhà sư gày gò, ngồi an tịnh, trầm mặc, khuôn mặt đầy suy tư. Di Lặc được coi là vị Phật của tương lai, đấng Từ Tôn cứu thế, người ta cho rằng "Di Lặc xuất thế thiên hạ thái bình". Bởi vậy tượng Di Lặc thường béo tốt, mặt tròn, bụng phệ, chân tay ngắn, tư thế một chân co, một chân chống, khuôn mặt tượng luôn cười hớn hở bắt nguồn từ đại tâm từ bi hỉ xả của ngài (10). Cuối cùng là tượng Thích Ca sơ sinh một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất ý nghĩa "Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn", xung quanh có chín con rồng tượng trưng cho mây trời linh thiêng hội tụ lấy nước thiêng tẩy trừ những uế trọc cho đức Phật.

Bao bọc hai bên Tam Bảo là hành lang với hệ thống tượng La Hán, hiện thân của những người tu hành xuất thân từ nhiều tầng lớp có tiểu sử, cá tính, lối tu khác nhau do vậy cũng là nhóm tượng sinh động, hiện thực, tạo nhiều cảm hứng. Tuy nhiên 18 vị La Hán bằng đất ở chùa Thầy không phải là nhóm tượng đặc sắc về thẩm mỹ và tạo hình. So với một số chùa cùng niên đại thế kỷ XVII, hệ thống tượng chùa Thầy có số lượng ít, không đầy đủ, phần nào cho thấy vai trò của Từ Đạo Hạnh trong chùa lớn hơn vai trò của Phật giáo.

Tượng Từ Đạo Hạnh ở ba kiếp khác nhau được thờ trong điện Thánh: tượng kiếp tu tiên đặt trong khám thờ bên trái, giữa là tượng chân thân của họ Từ, bên phải là tượng Lý Thần Tông, hóa thân Từ Đạo Hạnh. Nếu pho chân thân Từ Đạo Hạnh mang tính chân dung thể hiện khuôn mặt khắc khổ gân guốc, trong trang phục áo cà sa, mũ pháp sư, ngồi thiền định thì tượng Lý Thần Tông mang nhiều yếu tố tượng trưng, kích thước lớn hơn người thực. Sinh động, độc đáo nhất là tượng Từ Đạo Hạnh ở kiếp tu tiên đặt trong khám thờ. Theo yếu tố Mật giáo tượng Phật được tạo hình động, yếu tố cơ học được thể hiện ở pho tượng này. "Pho tượng có kích thước bằng người thực, làm bằng gỗ chiên đàn đặt trong khám thờ. Khi xưa trong ruột tượng có đặt dây máy theo lối con rối, do đó mỗi khi mở cửa khám tượng từ từ đứng dậy, đóng cửa khám tượng lại từ từ ngồi xuống. Về sau... mới cắt dây máy, và tượng ngồi luôn…"(11).

Có thể thấy tượng Phật đã được thể hiện bằng nhiều yếu tố hình tượng, màu sắc, chất cảm để chuyển tải ý tưởng của đạo Phật. Điểm nổi bật của tượng Phật giáo nói chung, tượng chùa Thầy nói riêng là trạng thái Thiền định, tĩnh tại, trừ tượng Kim Cương ở thế động còn đều có thế tĩnh, tọa sen thiền định hay đứng thẳng. Cái động chỉ nằm ở thế ấn quyết trên các cánh tay tượng Phật, một mặt tạo ra sự linh thiêng, mặt khác, trong không gian ngôi chùa, nó có tác dụng giúp Phật tử thâm nhập vào ý nghĩa của việc tu hành.

Về hình và màu, tượng Phật thể hiện sự viên mãn hoàn chỉnh đầy đủ 32 quý tướng nhà Phật: tai dài, mặt tròn đầy, tóc bụt ốc… Y phục cân đối tĩnh tại, hài hòa thiên địa nhân. Riêng các tượng La hán có cá tính riêng do xuất thân, tiểu sử của mỗi vị. Tượng Thánh mang tính chân dung, hiện thực, đặc biệt chú trọng đến tính động, tác dụng mạnh tới thị giác người xem.

Về chất liệu: Các nghệ nhân phối hợp giữa gỗ và đất để tạo hình phong phú. Nếu tượng gỗ với màu của vàng, đỏ của sơn, màu cánh gián dưới ánh đèn nến tạo cảm giác lung linh, huyền ảo. Tượng đất hút màu tạo nên độ trầm sâu cho các pho tượng. Tuỳ loại tượng, tuỳ chức năng mà hệ thống tượng được sử dụng trang trí màu sắc cho phù hợp. Tượng Phật, đặc biệt tượng Tam thế, được sơn son thếp vàng tạo vẻ trang nghiêm, linh thiêng. Tượng La hán, Hộ pháp sử dụng màu mạnh, tươi, tương phản gây ấn tượng mạnh về sự trấn áp, oai phong, tạo cái động. Tượng Tuyết Sơn màu đen, thể hiện giai đoạn khởi thủy, tu hành theo lối khổ hạnh của Phật.

Không chỉ sử dụng hệ thống điêu khắc, chùa Thầy còn sử dụng tổng hợp các yếu tố sắp đặt kiến trúc không gian ánh sáng để chuyển tải giáo lý Phật pháp đến với Phật tử. Đó là yếu tố phong thuỷ tìm sự hòa hợp con người - thiên nhiên, tạo vật. Từ ngoài vào chùa cũng là sự chuyển trạng thái từ nơi cuộc sống thế tục để bước vào một thế giới yên tĩnh lắng đọng. Tiền đường bao giờ cũng là nơi trống vắng, ít tượng, tạo không gian yên tĩnh. Trong cái không gian đó, tượng Hộ pháp to lớn, oai phong có tác dụng trấn áp sự ngạo mạn trong mỗi con người. Càng đi sâu vào chùa Phật tử càng được đến gần với cõi Phật. Nơi tiếp xúc trọng tâm nhất là Phật điện, đông đảo vị Phật đang cứu độ, giáo hóa chúng sinh. Về ánh sáng càng đi sâu vào chùa, ánh sáng tự nhiên càng mất dần để chuyển sang ánh sáng của đèn, nếu giúp con người tĩnh tâm suy ngẫm tạm xa rời cuộc sống đời thường.

Nghệ thuật bày đặt điêu khắc, kiến trúc độc đáo, đẹp đẽ linh thiêng, kết hợp với cảnh quan thiên nhiên vốn có (cụm di tích Chùa, hang động tự nhiên) và truyền thuyết linh thiêng về vị thiền sư Từ Đạo Hạnh đã đưa chùa Thầy vào hàng đệ nhất trong di sản nghệ thuật kiến trúc Phật giáo cổ truyền. Đến nay, chùa Thầy vẫn cuốn hút khách hành hương đến vãn cảnh, cầu phúc cầu tài, và hấp dẫn các nhà nghiên cứu tìm hiểu về giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ, lịch sử, tôn giáo nơi đây.
 
Dưới đây là chuyến đi cho tuần tới, Chủ nhật 14/11: Phố Hiến + Làng hương xạ Cao Thôn
(vài tuần trc một số người đã đi chỗ này rồi, trong đó có tớ)

Gặp nhau tại: Trước cửa Nhà hát Lớn.
Đi từ: 6h30 (xin đến sớm 15-20' trc đó)

Đường đi: Đường đê sông Hồng (qua Bát Tràng)
1. Phố Hiến:
- Chùa Hiến. Nên đến nơi này đầu tiên.
- Đông Đô Quảng Hội, đền Trần, đền Mẫu.... Gì nữa tớ ko nhớ hết, đại khái là các di tích quanh mấy khu phố đó, đến chỗ nào thì rẽ vào chỗ đó.
- Chùa Chuông. Đi cuối cùng. Đây được coi là di tích đẹp nhất của phố Hiến.
Chùa Chuông cũng là điểm cuối cùng từ chùa Hiến qua các di tích kia, sau đó là đường thẳng về Cao Thôn, đi 5km sẽ tới.

2. Cao Thôn:
- Đền Tân La. Nằm ở gần gần Cao Thôn, nhưng lại được tính trong các di tích của phố Hiến.
- Cao Thôn. Làm hương xạ. Có lẽ sẽ bắt đầu đi từ buổi chiều.
Sau đó về phố Nối.
Đường về: Quốc lộ 5 (qua phố Nối)

Ăn trưa: Cái gì đó ở Hưng Yên, ví dụ bún cá rô, canh cá rô....

Vì hôm đó tớ sẽ đến muộn (chắc là sau khi ăn trưa, vài người khác sẽ đi cùng mọi người), cho nên đây chỉ là tuyến đường mà tớ đề nghị, còn các bạn có thể thảo luận với nhau khi đi đg.

Chú ý: Cần đọc kĩ về các di tích trước khi đi.
Nếu ko bạn sẽ ko hiểu vì sao phải đến chỗ này chỗ kia, bởi vì theo con mắt của bạn thì nó chẳng có cái gì mà nhìn cả.
Chùa Tiêu Sơn hôm trước chúng ta đến từng là ngôi chùa trung tâm của Phật giáo thời Lí, nơi trụ trì của Quốc sư thời đó và là nơi liên quan đến sự ra đời của Lí Thái tổ. Nhưng Lí Công Uẩn đã mất và Lí Vạn Hạnh đã thành một ngọn gió, ko ai còn xuất hiện để cho cho bạn thấy nữa, nếu bạn ko đọc gì.
Chùa Hiến hôm tới đi là nơi ghi dấu việc hình thành phố Hiến (có hai tấm bia đặt trong sân trước chính điện nói về việc này). Trong sân đó cũng có cây nhãn được coi là cây nhãn tổ của Hưng Yên. Nhưng giờ thì chỉ như một ngôi chùa nhỏ, vài tấm bia chả có tướng mạo gì đặc biệt và một cái cây cũng ko lấy gì làm đẹp, có thế mà thôi :)
 
Anh Tùng ơi anh thiết kế một chỗ Sóc Sơn cho một tuần nào trong tháng 12 đi ạ
Làng cổ như anh nói hôm trước, hay là ruộng bậc thang ở SS :))
Có cái núi nào ở gần mấy chỗ đó ko ạ?

Thứ 7 tuần này mình nhiều việc nên không trốn được rồi.

------------------

Chủ nhật này mời các bạn tham gia off nhé.

OFF chủ nhật 07-11-2010

Địa điểm : Bãi đá sông hồng - phường Quảng Bá - Tây Hồ.

Thời gian : 8h30 sáng đến chiều.

Nội dung : Chụp Mẫu, nhậu đơn giản, cưỡi ngựa dạo chơi trên bãi cát sông hồng, dựng lều hóng mát...
Bữa trưa vào quán Tứ Hải - ngõ 172 đường Âu Cơ - phường Tứ Liên - Tây Hồ.

Bạn nào đi được thì nhắn tin cho mình biết nhé. Tùng 0986505080
 
Mà bãi đá sông Hồng là chỗ nào thế ạ? Hình như có mấy cái bãi đá cát gì đó ở sHồng, nhưng em ko ra bao giờ nên ko biết :))

Em chỉ biết một chỗ mà người dân trồng các cây lương thực thôi, thỉnh thoảng em có sang đó thu hoạch chuối, ngô... :))
 
Phù may quá vào ngày CN k thì mình lại dập dòm như mấy vụ thứ 7. Mình cũng đăng ký nhỉ? ^^ Có gì cof cho ai bạn nhỉ?
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,321
Bài viết
1,175,214
Members
192,046
Latest member
kubetjungleboss
Back
Top