What's new

Đi tìm Bẫy đá Pinăng Tắc (Phước Bình - Ninh Thuận) - ngựa sắt lang thang rừng núi

Đi tìm Bẫy đá Pinăng Tắc (Phước Bình - Ninh Thuận) - ngựa sắt lang thang rừng núi

Tự dưng vừa đọc lại topic "Đi du lịch một mình ...", thấy các bác tranh luận sôi nổi quá, mà chả biết nói thế nào. Lại nhớ lại việc độc hành của mình, chả biết "đúc kết" thế nào về việc ấy, chi bằng kể chuyện ra đây cho rồi :D


Tôi có một người bạn, là người Ninh Thuận, song thân y hiện vẫn đang ở cả Phan Rang.
Mặc dù y xưng bằng em, nhưng thực tế, y kém tôi có một tuổi.
Thật khó nói cho đúng là tôi và y có thân nhau hay không.
Nói thân chưa chắc đã đúng, vì cùng sống trong một thành phố, cả năm gặp nhau được có 1,2 lần, chả có liên lạc gì bằng các phương tiện khác.
Nhưng chắc là không phải chỉ là quen biết xã giao, vì cả năm trời chả gặp nhau, chả liên lạc gì, nhưng có việc cần, alo một phát, y xuất hiện liền.
Năm trước, tôi cũng một lần chạy trốn cái căng thẳng của phố xá bằng cách trốn lên rừng hoang đèo vắng vài bữa. Rồi tôi xuôi về Phan Rang để quay lại Saigon.
Y biết được đúng ngày tôi bò xuống đến Phan Rang. Y từ Saigon gọi điện ra “điều” bạn y tiếp đón tôi. Bạn y nhận lời, nhưng lại thòng là không đi được lâu vì hôm sau thi công chức. Y lại tiếp tục “điều” bạn của anh ruột y đến làm guide cho tôi suốt thời gian ở Phan Rang. Tất nhiên, khi y "điều" ông bạn của anh mình đến, y có gọi báo trước cho tôi. Tôi thực sự thấy ngại, nhưng y gạt đi và thòng một câu rằng : ông này ngồi với anh được, em mới nhờ đến mà.
Tôi cảm cái sự nhiệt tình của y, đâm ra quý luôn cả mảnh đất Ninh Thuận, rồi từ lúc nào không hay, bắt đầu đọc về văn hóa, lịch sử Chăm. Tôi bắt đầu "lê la" qua các khu tháp Chăm ở Ninh Thuận, từ cụm tháp Hòa Lai (Ba Tháp) đến tháp Poklong Giarai, cho đến tháp Poromé. Rồi bắt đầu tìm đến các địa điểm khác.

Tuy nhiên tôi là người chạy xe, chứ không phải người leo núi.
Tôi có thể chạy xe gần như cả ngày, mà chả cần gì trong số "Tứ khoái" mà các cụ xưa ... đúc kết. Nói "gần như" bởi vì xét nghiêm túc thì 3 "món" kia có thể không cần, chứ cái "món" thứ 2 : NGỦ - thì cũng có phải "dùng" chút chút :D. Nhưng chỉ là chạy xe thôi, leo núi như các bạn ở trên Phượt vẫn leo, tôi thua toàn tập.

Trong quá trình tìm kiếm các "điểm đến" ở Ninh Thuận, di tích Bẫy đá Pinăng Tắc – người du kích anh hùng dân tộc Raglei – đã được để ý từ lâu. Ngặt một nỗi, bản đồ mấy năm trước thì … chưa vẽ đường lên đó. Hỏi thăm mấy người bạn người Phan Rang (cả y nữa), thì không ai biết đường.
Sau nghe nói đã có đường thông lên đó, tôi bèn rủ rê đại ca BéDudi:D . Tất nhiên đại ca Bé say ok, nhưng giờ Bé có vẻ cũng không còn tự do tự tại như xưa. Đại ca Bé chỉ đi được vào cuối tuần. Mà cuối tuần, tôi lại thuộc về người khác – dù tôi cũng là người tự do :D.

Rồi hoàn cảnh tạo ra cơ hội, không muốn bỏ lỡ, nên tôi đã đi ... một mình. Đi tìm đường lên di tích Bẫy đá Pinăng Tắc.
Dù cuối cùng đã đi được đến nơi, nhưng kết quả không được trọn vẹn. Lịch trình cả chuyến đi đoạn sau cũng phải thay đổi. Vì hoàn cảnh tạo ra cơ hội của chuyến đi, thì nó cũng có thể tác động đến theo chiều ngược lại.
Tuy nhiên chẳng có gì là phí cả, mất cái này, lại được cái khác.
Thứ nhất là biết được rằng, núi rừng Phước Bình không chỉ có đi tích Bẫy đá Pinăng Tắc, mà còn nhiều ngọn thác đẹp và hoang.
Thứ hai là, tiếng là đi tìm Bẫy đá Pinăng Tắc, nhưng lại thành ra được cưỡi ngựa sắt lang thang rừng hoang núi thẳm đôi bữa, giữa lúc công việc sắp làm mình tẩu hỏa, cũng là điều ... hay.
Và thứ ba là, nhờ thế mới có cái mà kể ở đây :D
(Kể lại chuyện cũng ... sướng sướng, vì sẽ liền mạch, không bị chồng chéo về thời gian :LL)
 
Đọc bài của Tunbo giúp mình tin tưởng hơn nữa vào "giáo khoa" của Phượt: đại ý là " Thành công hay ý nghĩa của chuyến đi là ở hành trình chứ không phải là ở đích đến!". Cảm ơn đã chia xẻ, mình hy vọng các bạn đọc bài này và ngước lên trên đầu trang đọc trích dẫn của Phượt Phi Lồ!:) Tunbo tiếp tục nổ máy CD125 nhé!(c)
 
@ BM : đúng là dù mục đích ban đầu là đi tìm bẫy đá, nhưng cuối cùng lên bẫy đá, chả có gì, mà bù lại là toàn chuyện dọc đường :D. Thậm chí chuyện bẫy đá khá mờ nhạt so với những phần còn lại.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Phải lên đường thôi, khách tự nhủ. Tuy bị gọi trở lại với công việc, nhưng y vẫn còn nguyên ngày mai tự do.
Còn bấy nhiêu thời gian, phải lựa chọn đường đi thôi. Và y lựa rất nhanh.
Vụ mấy ngọn thác ở Phước Bình, cứ để dành đấy cho một lần khác vậy.

18g, trời tối nhập nhoạng, khí núi lạnh lẽo, sương bắt đầu phủ xuống, khách đường xa lại lên ngựa xuống núi.
Đoạn đường nhựa đẹp, y đổ dốc khá nhanh, những tấm ảnh cuối cùng y chụp được trước lúc không thể chụp, cũng là đoạn cuối của khúc đường nhựa.

IMG_8044.jpg

Ráng chiều săp tắt bên sườn núi

IMG_8040.jpg

Đường núi sụp tối rất nhanh

IMG_8048.jpg

Vẫn đang còn thấy được sông Đa Mây

IMG_8042.jpg

Bên vách đá, bên sông sâu

IMG_8050.jpg

Chờ chủ.

Ở miền rừng núi, bóng tối phủ xuống rất nhanh.
Vào khúc đường xấu nhất lúc bóng tối đã buông xuống hoàn toàn trong rừng hoang núi thẳm.
Một người một ngựa trong đường rừng tối om.
Đoạn đường khoảng chục km này, ban ngày còn khó lựa lối trên đá lổn nhổn, lúc về đêm càng không tránh khỏi.
Con ngựa sắt của y gầm rú, nhảy chồm chồm trên đá, ánh đèn pha loang loáng quét trên đường, những cục đá to tướng hiện ra dưới ánh đèn, đổ bóng như hàm răng một con cá sấu khổng lồ.

(còn tiếp)
 
Thỉnh thoảng y thoáng lo lắng.
Lỡ đá chém sứt móng con ngựa sắt (xẹp lốp) giữa đoạn này, coi như xong đời.
Chỉ có nước dắt bộ ít nhất là hai chục km về đến Song Mỹ may ra mới có chỗ kiếm tạm cái “móng” khác loại để thay tạm cho ngựa.
Dắt bộ hơn hai chục km đường rừng đêm một con ngựa sắt to nặng, xẹp lốp? - Chỉ nghĩ đến việc đó, đã thấy không có gì khủng khiếp hơn vào lúc này.
Lúc này mới thấy việc không mang đồ sửa chữa là nguy hiểm.
Nhưng y lại tặc lưỡi, đi một mình mà lỉnh kỉnh những bơm, đồ mở ốc, đồ nạy vỏ xe ư? Cũng cực chẳng kém.
Vả lại y có một niềm tin riêng của y.
Xưa nay rong ruổi đường trường biết bao lần, gần có, xa cũng nhiều, đi cùng cả đoàn cũng có mà đi một mình cũng có, chưa khi nào y từng bị xẹp lốp.
Cũng chưa khi nào đi một mình mà y trang bị đầy đủ đồ sửa xe.

Đang dùng niềm tin đánh bại những lo lắng bất chợt để tự trấn an, y chợt phát hiện trong gương hậu có 3 ngọn đèn pha loang loáng phía sau.
Có vẻ điều Phương dặn y không thừa.
Những ánh đèn nhảy nhót trên đường lổn nhổn đá, cái sau soi vào cái trước, y đã thấy những khúc gỗ lớn buộc ngang thấp thoáng dưới ánh đèn phía sau.
Mấy chiếc đèn pha đó đổ dốc nhanh hơn y nhiều.
Chắc chắn thế. Vì khoảng cách thu hẹp rất nhanh, chẳng bao lâu mấy ánh đèn pha phía sau đã quét ánh sáng tới bãi đá lổn nhổn trước mặt y.

Y vừa chạy vừa đưa mắt tìm kiếm hai bên vệ đường, tìm chỗ đỡ thấp hơn mặt đường để tấp vào né.
Hai bên đường, taluy đường âm xuống cả nửa mét so với mặt đường.
May mắn y tìm thấy một đoạn mặt rìa đường bị sạt một đường khoảng chục mét chéo xuống taluy. Y cho con ngựa sắt của mình chạy thẳng vào đường sạt để tấp xuống taluy.
Vừa tấp vào, chưa kịp dừng lại, ba chiếc xe chở gỗ phía sau lần lượt vèo qua y.
Mỗi xe một đoạn gỗ lớn buộc ngang, mỗi xe cách nhau chừng chục mét.
Mấy tay nài, có vẻ rất quen thuộc đường, và cứng tay lái.
Đường đá lô nhô mà chúng chạy không chậm, gỗ buộc ngang lại loằng ngoằng và cồng kềnh, chúng vẫn đổ dốc khá nhanh.

Đám giặc gỗ chạy qua và mất hút sau vài khúc quanh.
Y tiếp tục còn lại một mình trong đường rừng tối om.
Dẫu sao có đông người vẫn hơn là chỉ có một mình, nhưng y không theo kịp bọn chúng được.
Lại một người một ngựa nhảy chồm chồm trên con đường đầy đá trong rừng hoang cô tịch và lạnh lẽo dưới màn sương đêm.

Tự dưng, y lại nảy ra một câu hỏi kỳ quặc.
Nếu bỗng trước mặt xuất hiện một bóng trắng lướt thướt có cặp mắt xanh lè thì sao nhi?
Hỏi, rồi rùng mình một phát, tự trả lời : vẫn không sợ bằng ngựa bị xẹp vó lúc này.

Nhưng dù sao, xuống núi vẫn nhanh hơn lên núi, chỉ là rêm người hơn mà thôi.
Khi vượt qua đoạn đường tồi tệ trong rừng, ra đến đoạn đường đất rộng và bằng phẳng phía dưới, y thở phào dừng lại uống nước và xem giờ.
Mới hơn 19g một chút. Vậy là nhanh hơn nhiều so với y tưởng.

(còn tiếp)
 
Nhắn một tin nhắn về xuôi, y tiếp tục lao về Phan Rang.
Gần 40km trôi qua rất nhanh, vì QL27 trời tối chỉ có ít dân thủy điện Đa Nhim chạy xe máy về Phan Rang, và những chuyến xe bus cuối cùng từ Phan Rang lên Tân Sơn, chứ xe đò từ Đà Lạt đổ xuống hầu như không còn.
Đường không rộng, nhưng vắng, chạy xuyên các cánh đồng, tầm đèn chiếu khá xa, ngựa phi nước đại.

Hơn 20g một chút, khách dạ hành về đến Phan Rang, về lại phố xá đèn màu nhấp nháy.
Phan Rang nội đô thì y không rành đường lắm, nhưng không đến nỗi mù tịt – dù không nhớ tên đường.
Y phóng một mạch về khách điếm năm trước y nghỉ lại khi đến Phan Rang.
Chủ khách sạn vẫn còn nhận ra y – chủ yếu vì “con ngựa sắt Hà Nội”, và bộ mặt râu ria.

Tắm rửa gột bụi đường xong, y ra tiệm Net liên lạc với Sài Gòn trước khi đi ăn.
Khi có người dõi theo chặng đường của mình, thì mỗi khi vượt qua an toàn một chặng đường khó khăn, nên báo tin cho người an tâm trước, hay đi măm cho no cái bụng trước?
Đối với y, chuyện ăn chưa bao giờ được đặt lên hàng số một. Vì thế, y ra phố, ghé tiệm Net.
Khách điếm ở Bảo Lộc tuy không lớn, nhưng còn trang bị Wifi, còn ở Phan Rang thì không.
Nhưng tiệm Net ở đây, các máy dường như chỉ dành cho đám trẻ chơi Gameonline.

Cũng chỉ có 2 người biết lộ trình của y. Cả hai đều đang trên mạng.
Tình hình được thông báo vắn tắt cho nhau.
Rồi sau đó, y mới rời tiệm Net đi ăn.
Ở Phan Rang, y được giới thiệu có món cơm gà khá ngon. “Tiệm cơm gà Ngọc” bên hông chợ Phan Rang.

Y ngủ sớm hơn mọi khi, lúc đồng hồ mới gần 23g30.
Ngày mai chặng đường dài không kém hôm nay, cũng leo đèo xuyên rừng vắng. Phải ngủ sớm một chút.

(còn tiếp)
 
HỒI THỨ TƯ :

Xuôi Cà Ná, Tuy Phong về Phan Thiết
Băng rừng hoang qua La Dạ, Đa Mi




Chặng đường rừng tồi tàn ngày hôm trước làm y mỏi người, nên dù tỉnh dậy từ sớm, y vẫn nằm lười đến 7g mới chịu rời giường.
Sờ đến điện thoại, hết pin.

Y cố gọi cho tên “nhà qơ bụng bự” ở Phan Thiết, nhưng không được. Đành nhắn tin.
Vừa vặn nhắn xong, máy tự tắt. Y cắm sạc, rồi ra phố uống café ngắm phố.
Khi y quay lại dọn đồ, liên lạc trở lại được với bạn bụng bự ở Phan Thiết, hẹn 11g có mặt đi ăn trưa.
8g sáng, khách lang thang một mình một ngựa lại rời Phan Rang, ra QL 1A nhắm hướng Phan Thiết phi nước đại.

Đường QL1A từ Nha Trang về đến Sài Gòn, y đã quá quen, và nếu có thể đi bằng đường khác, y sẵn sàng.
Nhưng lúc đó, với thời gian hạn hẹp, y không có lựa chọn khác.

Chẳng qua chỉ là vì đã từng chạy ngựa sắt đường này nhiều lần mà thôi, chứ QL1A đoạn này rộng, phẳng, chạy thoải mái.

Khi đã ở trên đường, mọi ý nghĩ khác lại dần dần rút lui.
Chân trời xanh thẫm, nắng sớm vàng tươi, con đường dài tít tắp trải rộng trước mắt.
Khách phi nước đại để tiết kiệm thời gian.

Chẳng mấy chốc, eo Cà Ná đã hiện ra, với những đá lớn đá nhỏ lô nhô trên sườn núi, nhao ra đến tận bờ biển

IMG_8059.jpg

Đường qua eo Cà Ná

IMG_8057.jpg


IMG_8058.jpg

San hô bày bán ở các sạp ven đường

(còn tiếp)
 
Tiếp tục rong ruổi trên đường nắng với những cơn gió ngang nổi tiếng của vùng này, Cà Ná cũng mau chóng mất hút phía sau.
Xa xa sau khúc đường cong, mấy chiếc cánh quạt khổng lồ in bóng sừng sững giữa trời xanh, báo hiệu đã đến đất Tuy Phong.
Nhất định phải dừng lại chỗ này, y tự nhủ.
Nhà máy phong điện quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam đã dựng được 5 tuabin gió. Lần trước qua đây, y mới thấy dựng được 3 cái, nhưng lần ấy nằm xe Hoàng Long chạy qua trong cuối chiều, có kịp ngắm ngó gì đâu.

IMG_8063.jpg

5 chiếc tuabin phong điện nổi bật trên nền trời xanh

IMG_8066.jpg

Qua khúc đường cong, thấy đã gần hơn

IMG_8074.jpg

Lối rẽ vào nhà máy phong điện

IMG_8081.jpg

Cây tuabin phía Nam

IMG_8082.jpg

5 em đứng xếp hàng phát điện

IMG_8076.jpg

Ngựa sắt trên đường nắng gió cực Nam Trung bộ


(còn tiếp)
 
Ngó quanh một hồi, y bỗng phát hiện ra một chuyện.

IMG_8085.jpg

Tưởng phong điện là cái gì, ở đây có lâu rồi nhé.

IMG_8083.jpg

Đây này.

Trước khi đi tiếp, y ngó điện thoại, và giật mình hai phát.
Thứ nhất, y lại ham vui, dừng lại quá lâu ở đây. Còn hơn 80km nữa mới tới Phan Thiết, mà giờ đã là 10g10. Tức là cái hẹn 11g ở Phan Thiết với bụng bự lại … sai mất rồi.
Thứ hai, chả hiểu lúc sáng sạc pin thế nào, điện không vào.
Pin điện thoại lại đang ở mức báo động.
Đằng nào cũng bị muộn, nhưng muộn ít còn hơn muộn nhiều.

Y nhét sâu máy ảnh vào trong balo, tắt điện thoại để tiết kiệm chút pin cuối cùng, lên ngựa sắt mải miết phóng. (Sang đến đất Bình Thuận – đất nhà của nhà quơ bụng bự - không việc gì phải ngại)
Cảnh vật trên đường đoạn này cứ đều đều, y không ngó ngang, cứ nhìn thẳng phía trước mà chạy.

Gió thổi mạnh, cặp gương hậu cứ một lúc lại phải chỉnh lại vì bị gió thổi quặp xuống.
Vừa qua Phan Rí, lúc thò tay bẻ gương hậu ngay ngắn trở lại, y hơi giật mình khi thấy trong gương, ngay sau lưng y là chiếc xe cảnh sát Bình Thuận đang kè theo, đèn xanh đỏ nháy loạn trên nóc xe.
Chú công an ngồi bên phải còn đang thò đầu ra ngó y.
Công-tơ-met đang chỉ 85km/h – mà tốc độ cho phép theo quy định, có 60km/h.
Chắc chiếc xe cảnh sát chạy cùng một quãng rồi, y mới biết.
Y nghĩ mất mấy giây rồi … kệ, coi như không có gì xảy ra.
Nếu bị thổi thì cũng bị rồi, còn nếu nãy giờ không bị chặn lại, thì … chả việc gì phải cuống cuồng giảm tốc độ làm gì.
Một đoạn, chiếc xe cảnh sát vượt lên, chú ngồi bên phải lúc ngang qua, chỉ chỉ tay vào chai nước trong túi quần y nói gì đó. Y ngó xuống, thấy nó lòi 1/3 ra ngoài, chắc chú ấy nhắc nó sắp rơi ra ngoài.
Y cười, đưa tay ấn nó sâu vào đáy túi.
Chiếc xe cảnh sát vọt mất, một lúc sau y thấy nó đang dừng bên vệ đường để hỏi thăm xe tải.

Dừng lại ở cửa ngõ phía Bắc Phan Thiết, đồng hồ chỉ 11g40.
Alo cho thiếu gia bụng bự, vừa đủ dứt lời, điện thoại cũng tự ngủm. Nhưng thế là đủ để hẹn.

(còn tiếp)
 
Ở Phan Thiết, dân chơi ngựa sắt cũng có, nhưng không thể nhiều và đa dạng bằng ở Sài Gòn, Nha Trang.
Tuy nhiên có một nhân vật cũng khá máu me. Trong tàu ngựa của gã có đủ thứ : từ Vespa, honda 67, kào kào châu chấu, CDBenly, cho đến Sidka.
Thường lúc vui vẻ trên mạng, gã hết nhận là “đại gia”, rồi lại nhân là “nhà quơ”.
Của đáng tội, trông gã có phảng phất cả dáng của hai cái đó. Nhưng có lẽ với tuổi trẻ, gọi gã là “thiếu gia bụng bự” có vẻ chính xác nhất.

Sáng đi làm, mở điện thoại ra, gã thấy có một tin nhắn "11g trua nay anh ghe Phanthiet".
Và gã đợi.
Thiếu gia bụng bự ở Phan Thiết, chủ của cả tàu ngựa, đã đói bụng lắm.
Hắn gọi điện mấy lần cho gã lang thang từ Phan Rang tới, nhưng không được.
Quãng đường 150km đó, hắn nghĩ tên kia phải đến đây từ lâu rồi. Hơi sốt ruột, nhưng hắn vẫn cố chờ thêm.
Chắc chắn gã kia lại ham vui dọc đường – chỉ có lý do đó mới làm y đến chậm.
Trước đây vẫn thế, y thỉnh thoảng lại gọi điện cho gã báo rằng : “anh ghé Phan Thiết lúc xxx giờ nhé”, rồi lần nào cũng đến trễ ít nhiều. Hai anh em kéo nhau đi ăn, ra biển ngồi café một lúc, rồi y lại từ biệt hắn để tiếp tục hành trình.
Chỉ khi y từ Sài Gòn chạy ra, mới ngủ lại Phan Thiết, còn lần nào gọi đột ngột, là chỉ ghé chơi một lúc rồi đi tiếp.

Hai gã CDrider gặp nhau, rồi kéo nhau đi ăn.
Chủ thì đói bụng, còn khách đường xa thì ăn uống khá … điềm đạm.
Nhưng thiếu gia bụng bự thành Phan biết xưa nay y kém ăn, nên hắn chẳng quá khách sáo, mà ăn ngon lành.

Rời quán ăn, khách đường xa lại giật mình phát nữa.
Hóa ra từ Phan Rang về tới Phan Thiết, trong túi y còn có đúng 2 vạn lượng bạc (20.000đồng).

Thảo nào, y mới nhớ ra lúc rời Phan Rang y cứ cảm thấy quên một việc gì đó, mà mãi không nghĩ ra là quên việc gì.
Ra là việc bổ sung ngân lượng. May mà dọc đường chả có chuyện gì.
Hai vạn lượng. Nghe thì to, chứ thời buổi này, số bạc đó thậm chí chỉ đủ vá một miếng móng ngựa dọc đường.

Các khách giang hồ trong truyện ngày xưa thật là … sướng.
Toàn thấy miêu tả đại loại như : Vị đại gia áo tía – hay công tử áo trắng,… bước vào tửu quán, vẫy tửu bảo lại gần, quăng lên mặt bàn một đĩnh bạc lớn, rồi đập bàn quát “Mau mang cho ta hai bình Mai Quế Lộ và 5 cân thịt bò”
Các vị ấy cứ đi liên tục, đến đâu cũng quăng bạc lên bàn gọi rượu thịt, mà chả thấy nói bạc ấy bổ sung vào túi lúc nào.

Tự dưng y thấy buồn cười với ý nghĩ rằng, chắc mấy vị đó khó thi triển hết tuyệt đỉnh khinh công vì số lượng bạc trong túi không nhẹ.


(còn tiếp)
 
Hai gã CDbiker như mọi khi, lại ra bờ biển uống café trưa, chuyện trên trời dưới biển về loại ngựa sắt chúng đang sử dụng, chuyện võ lâm đủ kiểu.
Rồi 13g30, một gã phải tiếp tục công việc bổ sung ngân lượng vào túi.
Một gã tiếp tục lên đường hướng vào rừng núi hoang vắng : đường băng rừng qua La Dạ - Đa Mi để ngược lên Bảo Lộc, rồi xuôi về điểm xuất phát đêm trước.
Khi chia tay ở giao lộ QL1A với QL28, thiếu gia bụng bự dặn :
-Đường đi Đa Mi hoang vắng lắm, nếu có bị xẹp vó ngựa, alô cho em nhé, em sẽ đến cứu. Còn nếu đi gần tới Đa Mi là có chỗ vá rồi đấy.

Chúng thống nhất với nhau như thế, rồi chia tay.
Đi được một quãng, khách lang thang bỗng bật cười một mình.
Giữa rừng hoang đèo vắng, lỡ ngựa sắt có xẹp vó, cũng khó mà alo cho thiếu gia bụng bự được, vì … điện thoại của y hết ngủm pin từ lúc nào rồi.
Mà giữa đèo vắng, có chặn người vãng lai để gọi nhờ điện thoại, khéo họ tưởng cướp.

Y lại nhớ lần 2/9/2008, sau khi đi Vườn Xoài dự Lễ hội Scotter ra, y cùng mấy người nữa dong ra Phan Thiết.
Rồi hôm sau, đám kia đi Bàu Trắng, còn y một mình một ngựa leo QL28, vượt đèo Gia Bắc lên Di Linh về lại Sài Gòn bằng QL20.
Con đèo Gia Bắc trên QL28, có lẽ là con đèo hoang vắng nhất y từng đi qua, mấy chục km đường đèo không một ngôi nhà, không một bóng người (trừ thị trấn Gia Bắc giữa đèo), đường nhựa phẳng, nhưng 2 xe hơi du lịch tránh nhau nhiều chỗ cũng khó.
Lần đó lúc dừng mua thuốc ở Ma Lâm, y quên mua lửa. Lưng chừng đèo, cảnh đẹp quá, dừng chụp ảnh chán rồi ngồi bệt bên vệ đường uống nước. Lúc rút thuốc ra mới nghệt mặt ra vì không có lửa.
Ngồi cả tiếng đồng hồ mới có 3 con ngựa cỏ đổ rrèo trên Di Linh xuống, lần nào y nhào ra giữa đường làm hiệu xin lửa, là y như rằng người đổ đèo nghiến răng dâm thẳng vào y.

Cả 3 lần đều thế. Sau y mới nghĩ ra, giữa trưa trên con đèo hoang vắng, tự dưng có kẻ hắc y nhào ra chắn đường, chắc chắn là ai cũng liều chết mà đâm thẳng để cướp đường mà … chạy thôi.


(còn tiếp)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,340
Latest member
xjjrc
Back
Top