What's new

Đi tìm Bẫy đá Pinăng Tắc (Phước Bình - Ninh Thuận) - ngựa sắt lang thang rừng núi

Đi tìm Bẫy đá Pinăng Tắc (Phước Bình - Ninh Thuận) - ngựa sắt lang thang rừng núi

Tự dưng vừa đọc lại topic "Đi du lịch một mình ...", thấy các bác tranh luận sôi nổi quá, mà chả biết nói thế nào. Lại nhớ lại việc độc hành của mình, chả biết "đúc kết" thế nào về việc ấy, chi bằng kể chuyện ra đây cho rồi :D


Tôi có một người bạn, là người Ninh Thuận, song thân y hiện vẫn đang ở cả Phan Rang.
Mặc dù y xưng bằng em, nhưng thực tế, y kém tôi có một tuổi.
Thật khó nói cho đúng là tôi và y có thân nhau hay không.
Nói thân chưa chắc đã đúng, vì cùng sống trong một thành phố, cả năm gặp nhau được có 1,2 lần, chả có liên lạc gì bằng các phương tiện khác.
Nhưng chắc là không phải chỉ là quen biết xã giao, vì cả năm trời chả gặp nhau, chả liên lạc gì, nhưng có việc cần, alo một phát, y xuất hiện liền.
Năm trước, tôi cũng một lần chạy trốn cái căng thẳng của phố xá bằng cách trốn lên rừng hoang đèo vắng vài bữa. Rồi tôi xuôi về Phan Rang để quay lại Saigon.
Y biết được đúng ngày tôi bò xuống đến Phan Rang. Y từ Saigon gọi điện ra “điều” bạn y tiếp đón tôi. Bạn y nhận lời, nhưng lại thòng là không đi được lâu vì hôm sau thi công chức. Y lại tiếp tục “điều” bạn của anh ruột y đến làm guide cho tôi suốt thời gian ở Phan Rang. Tất nhiên, khi y "điều" ông bạn của anh mình đến, y có gọi báo trước cho tôi. Tôi thực sự thấy ngại, nhưng y gạt đi và thòng một câu rằng : ông này ngồi với anh được, em mới nhờ đến mà.
Tôi cảm cái sự nhiệt tình của y, đâm ra quý luôn cả mảnh đất Ninh Thuận, rồi từ lúc nào không hay, bắt đầu đọc về văn hóa, lịch sử Chăm. Tôi bắt đầu "lê la" qua các khu tháp Chăm ở Ninh Thuận, từ cụm tháp Hòa Lai (Ba Tháp) đến tháp Poklong Giarai, cho đến tháp Poromé. Rồi bắt đầu tìm đến các địa điểm khác.

Tuy nhiên tôi là người chạy xe, chứ không phải người leo núi.
Tôi có thể chạy xe gần như cả ngày, mà chả cần gì trong số "Tứ khoái" mà các cụ xưa ... đúc kết. Nói "gần như" bởi vì xét nghiêm túc thì 3 "món" kia có thể không cần, chứ cái "món" thứ 2 : NGỦ - thì cũng có phải "dùng" chút chút :D. Nhưng chỉ là chạy xe thôi, leo núi như các bạn ở trên Phượt vẫn leo, tôi thua toàn tập.

Trong quá trình tìm kiếm các "điểm đến" ở Ninh Thuận, di tích Bẫy đá Pinăng Tắc – người du kích anh hùng dân tộc Raglei – đã được để ý từ lâu. Ngặt một nỗi, bản đồ mấy năm trước thì … chưa vẽ đường lên đó. Hỏi thăm mấy người bạn người Phan Rang (cả y nữa), thì không ai biết đường.
Sau nghe nói đã có đường thông lên đó, tôi bèn rủ rê đại ca BéDudi:D . Tất nhiên đại ca Bé say ok, nhưng giờ Bé có vẻ cũng không còn tự do tự tại như xưa. Đại ca Bé chỉ đi được vào cuối tuần. Mà cuối tuần, tôi lại thuộc về người khác – dù tôi cũng là người tự do :D.

Rồi hoàn cảnh tạo ra cơ hội, không muốn bỏ lỡ, nên tôi đã đi ... một mình. Đi tìm đường lên di tích Bẫy đá Pinăng Tắc.
Dù cuối cùng đã đi được đến nơi, nhưng kết quả không được trọn vẹn. Lịch trình cả chuyến đi đoạn sau cũng phải thay đổi. Vì hoàn cảnh tạo ra cơ hội của chuyến đi, thì nó cũng có thể tác động đến theo chiều ngược lại.
Tuy nhiên chẳng có gì là phí cả, mất cái này, lại được cái khác.
Thứ nhất là biết được rằng, núi rừng Phước Bình không chỉ có đi tích Bẫy đá Pinăng Tắc, mà còn nhiều ngọn thác đẹp và hoang.
Thứ hai là, tiếng là đi tìm Bẫy đá Pinăng Tắc, nhưng lại thành ra được cưỡi ngựa sắt lang thang rừng hoang núi thẳm đôi bữa, giữa lúc công việc sắp làm mình tẩu hỏa, cũng là điều ... hay.
Và thứ ba là, nhờ thế mới có cái mà kể ở đây :D
(Kể lại chuyện cũng ... sướng sướng, vì sẽ liền mạch, không bị chồng chéo về thời gian :LL)
 
Ngay chiều hôm trước, trên Phước Bình, khi có cú tin nhắn đáng ghét, y đã lập tức nghĩ đến phương án đi về đường La Dạ - Đa Mi này.
Đây là một phần của cung đường trong lần đầu tiên rong ruổi đi hoang của y bằng ngựa sắt. Trong điều kiện bó buộc về thời gian như thế, cung đường này quá phù hợp để đưa y trở lại nơi y ra đi đêm trước.
Kể cũng lạ. Mọi con đường đều đưa người ta trở về nơi xuất phát.
Một vòng tròn mà người ta cứ chạy hoài, chạy hoài vòng quanh. Trọn một đời.
Cuối cùng, cát bụi lại trở về cát bụi. Vậy cuộc sống có ý nghĩa gì? Nhiều khi y tự hỏi, và tự trả lời.
Đương nhiên, cuộc sống phải có một ý nghĩa nào đó, ngay như rừng hoang núi thẳm còn có kẻ lang thang đến ngắm nữa là.
Ít nhất, ở một số thời điểm, y thích mò đến những nơi như thế để chìm đắm trong cảnh hoang vắng cô tịch. Cả hai - khách lang thang và rừng hoang núi thẳm - đều có một ý nghĩa nào đó với nhau.

Hôm nay, y đi lại trên con đường ngày xưa y bước vào con đường gió bụi. Chỉ khác là ngày xưa đi cả đoàn – trong đó có nhiều kẻ lần đầu bước chân vào con đường vạn dặm như y – còn hôm nay, y đi có một mình.
Điều khác nữa, là năm xưa bọn chúng đổ trên Bảo lộc xuống Phan Thiết qua con đường này, còn hôm nay, y leo từ Phan Thiết lên Bảo Lộc.

Qua 20km khỏi Phan Thiết trên QL28, vượt khỏi thị trấn Ma Lâm, ngã rẽ bên trái vào đường đi La Dạ - Đa Mi : con đường ĐT714.
QL28 vốn đã không mấy đông đúc, thậm chí còn vắng hơn QL27 nhiều.
Vì QL28 từ Phan Thiết lên Di Linh, chỉ là một thị trấn vừa phải giữa QL20, còn QL27 từ Phan Rang lên Đ’ran, mà Đà Lạt ở ngay gần đó.
Thậm chí một ngày trên đoạn QL28 từ Phan Thiết lên Di Linh có được 1,2 chiếc xe 16 chỗ chạy qua, xe tải thì càng hiếm hơn.

Thế mà con đường ĐT 714 còn có vẻ vắng hơn cả QL28 bên ngoài nữa.
Chiều nay đi trên con đường này, cảm giác của y là nó vẫn y như lần trước y đi qua.
Một cảm giác gì đó hoang liêu cô tịch, dù cách Phan Thiết sầm uất chưa bao xa.


(còn tiếp)
 
Nắng đầu chiều vàng ruộm trên con đường nhựa vắng vẻ, hai bên đường, cỏ xơ xác khô úa, phủ một lớp bụi đường vàng ệch.
Ở đây cảnh sắc đều mang một màu vàng nhạt, xen lẫn với màu nâu đỏ của đất đá vùng tiếp giáp với cao nguyên.

IMG_8094.jpg


IMG_8098.jpg

Đoạn đầu con đường dẫn vào rừng núi

Ký ức năm xưa lại tràn về ào ạt.
Trong một buổi chiều năm xưa, những ngày có những cơn mưa đầu tiên sau cả một mùa khô dài đằng đẵng, những cơn mưa đầu mùa ngắn ngủi chưa thấm tháp vào đâu với cái khô nẻ của đất đai, với cơn khát phát nứt nẻ của thân cây rừng, một đoàn những kẻ đi hoang trên lưng những chú ngựa sắt xứ Anh Đào đã đi qua con đường này.
Chúng đi qua đây vào cuối chiều, trông xơ xác phờ phạc và cũng phủ bụi y như con đường.
Dường như khi xuyên qua rừng La Dạ, chũng cũng bị cái nắng cuối mùa khô thiêu đốt khô cả người như những cây rừng.
Về đến đoạn đường này, trong lòng chúng bỗng thấy háo hức hơn với ý nghĩ : biển, sắp về đến biển rồi.
Mới có mấy năm, mà đã như quá xa xôi.
Mà kể cũng phải, cuộc sống thay đổi từng ngày, có nhiều khi người ta còn chẳng nhận ra chính mình sau một vài biến cố.
Những kẻ năm xưa cùng nhau rong ruổi, rồi cũng bị cuộc sống làm thay đổi nhiều, quá nhiều.
Khi đó, trong chuyến đi đó, hầu hết chúng đều là những kẻ lần đầu bước chân vào con đường rong ruổi.

Còn bây giờ, hầu hết tất cả trong chúng đều đã trải qua nhiều cung đường xa xôi, vất vả hơn nhiều.
Nhưng chúng cũng không còn đi cùng nhau trên những chặng đường xa. Vì nhiều lý do.

Gã khách lang thang cứ vừa đi vừa nghĩ miên man trên con đường vắng dẫn vào rừng núi, chẳng bao lâu, y đã đến cầu Sông Do – một cây cầu khá dài, bắc qua một con sông rất hẹp.

IMG_8101.jpg

Cầu Sông Do

IMG_8100.jpg

Và con ... sông phía dưới

Có thể con sông không quá nhỏ so với chiều dài cây cầu, nhưng lần nào y đi qua đây, cũng đều là những lúc con sông cạn nước.
Qua cây cầu này là thôn Đồng Tiến, cụm dân cư cuối cùng bên này rừng.
Sau đó con đường bắt đầu thu hẹp lại và len lỏi vào rừng.

IMG_8103.jpg



(còn tiếp)
 
Khách lang thang bắt đầu đi chậm hẳn lại.
Không phải vì y mệt, cũng không phải vì con ngựa sắt mệt. Chỉ là vì y bắt đầu dừng lại liên tục trên con đường trong rừng vắng.
Bóng nắng ẩn hiện sau mỗi khúc cua men sườn núi.
Có những đoạn y gần như dắt ngựa, vì chưa kịp lên ngựa, lại thấy muốn chụp ngay đằng trước đó không xa.
Có những lúc y kệ con ngựa sắt ven đường, vác máy đi bộ cả một quãng rất xa rồi mới quay lại.

IMG_8104.jpg


IMG_8107.jpg

Bắt đầu vào khu vực hoang vắng. Đi chưa được mấy chục met, lại dừng chụp.

IMG_8110.jpg


IMG_8111.jpg


IMG_8114.jpg

Đường đèo hẹp, không quá dốc - biển báo cũng chỉ thấy ghi dốc 10% - nhưng khuất tầm nhìn.

IMG_8118.jpg

Cũng có vài cua tương đối gắt


(còn tiếp)
 
Giữa rừng, giữa buổi chiều, chỉ có y cùng con ngựa trên đường.
Kể ra thỉnh thoảng cũng có một hoặc vài chú ngựa cỏ chạy qua. Những người cưỡi chúng thường trố mắt nhìn y và con ngựa của y.
Con ngựa cũng lạ mắt với họ, còn gã chủ thì làm họ ngạc nhiên đôi chút vì lang thang chụp ảnh con đường và cây cối giữa rùng vắng.
Đương nhiên họ ngạc nhiên, vì ai y gặp trên con đường rừng cũng đều cắm cúi phi nhanh.

Chỉ có y thả ngựa bên đường, đi bộ loanh quanh, mồ hôi nhễ nhại.

IMG_8121.jpg


IMG_8121.jpg


IMG_8120.jpg


IMG_8131.jpg

Còn ngựa thì thoải mái đứng bên đường, mặc cho chủ thích cuốc bộ lang thang ở đâu đó.


(còn tiếp)
 
Cơ bản là y mê biển nhiều hơn mê rừng.
Chỉ nghĩ đến biển, là y cảm thấy nhộn nhạo cảm xúc.
Y lý sự rất … cùn : Ở biển thường luôn có rừng núi gần đó, còn không phải rừng núi nào cũng có biển bên cạnh.
Vì thế, nếu có thời gian dài, thế nào y cũng đi biển – nhưng thật buồn là y hầu như không có thời gian dài. Lúc nào y cũng cảm thấy thiếu thời gian.
Cũng vì thế, cuối cùng là dù yêu biển hơn, nhưng những chuyến độc hành, y lại đi rừng nhiều hơn.
Chỉ vớt vát đôi chút là, dù đi rừng núi, nhưng kiểu gì cũng phải vòng vèo qua biển. Chuyến này cũng vẫn thế.
Nhưng, cảm giác con người nhỏ bé trước biển, tác động mạnh với y hơn là lúc đứng giữa núi rừng.
Một vùng biển hoang vắng, với y vẫn ồn ào hơn nhiều so với một khu rừng hoang. Trước biển, người ta cảm nhận bằng nhiều giác quan.
Còn trong rừng – tuy gọi là hoang, nhưng thực ra chỉ là vắng người, chứ thực ra có đường đi qua, thì hoang gì nữa? – thì cặp mắt cảm nhận được nhiều nhất.

Rừng núi cũng có nét hoang vắng mà hùng vĩ riêng của nó.
Chả thế mà xưa, biết bao người đã thản nhiên rũ bỏ mọi thứ để lên rừng hoang núi thẳm ẩn lánh đời.

Mạc Đại tiên sinh đó thôi.
Ngón “Tiêu Tương Dạ Vũ” của lão cũng đáng được gọi là một tuyệt kỹ.
Dẫu tuyệt kỹ ấy chưa đủ để đưa lão lên hàng đệ nhất cao thủ, nhưng cũng đủ làm nhiều kẻ kính nể.
Nhưng lão rũ bỏ chức vị chưởng môn phái nhẹ như không, dấn thân vào tiêu dao nơi rừng hoang núi thẳm.
Tuyệt kỹ của lão chưa đủ để tranh bá trong Ngũ Nhạc kiếm phái, nhưng đủ để phòng thân trên đường tiêu dao rừng núi.

Khách lang thang trong rừng, vừa ngắm vừa chụp, vừa nghĩ lung tung, dường như y không để cho thời gian của mình được nghỉ ngơi chút nào.
Lần này, đi vào rừng núi, y cũng đang mang trong lòng nhiều điều không vui.
Những sự bon chen không cần thiết đã đập vào mắt y suốt thời gian qua.
Y không buồn, chẳng giận.
Đơn giản là chán. Chán không thể tả nổi, và đôi lúc thấy trống rỗng. Vì thế y mới lên rừng (vì nếu xuống biển, y sẽ ở lỳ lại với biển mất).
Y lại nghĩ lung tung về những cuộc tranh giành trên giang hồ.

Lưu Chính Phong rõ ràng đường đường là người “chính phái”, làm phó chưởng môn của một trong Ngũ Nhạc Kiếm phái. Mà lão lại kết bằng hữu tâm giao với người của Minh giáo – Khúc Dương.
Trong mắt của đám người tự nhận là “chính phái”, đương nhiên điều đó là khó chấp nhận.
Vì Minh giáo là “tà phái”.
Nhưng mối quan hệ bằng hữu của hai nhân vật thuộc hai phe “chính – tà” ấy, lại quá đáng trọng.
Dẫu vậy, Lưu Chính Phong liệu có yên ổn được với “chính phái” không?
Đương nhiên là không. Và lão đã dám vì tình bằng hữu với một kẻ thuộc “tà phái’ mà rửa tay gác kiếm, rời bỏ môn phái.
Cuối cùng, kết cục thế nào?
“Tà phái” chẳng hề lên tiếng gì. Nhưng toàn gia Lưu Chính Phong thảm tử trong ngày lão làm lễ rửa tay gác kiếm.
Mà lực lượng nào đã gây ra vụ thảm sát đó?
Chính là những kẻ đã tự nhận là “chính phái” – Tung Sơn kiếm phái.

Thế mới biết, chẳng phải cứ nhận là “Chính” mà hành động đã quang minh, chẳng phải cứ bị gọi là “Tà” mà thiếu sự nhân ái.


Ôi thật là nhức đầu. Đã biết là vô thường, sao lòng còn phiền não?


(còn tiếp)
 
Để khỏi nhức đầu với những chuyện không vui, y lại cắm cúi vào con đường rừng.

IMG_8140.jpg


IMG_8142.jpg

Ngựa nghỉ bên đường giữa rừng hoang
Phía sau khúc cua, nắng rực vàng
Rừng già xào xạc trong chiều muộn
Làm chùng lòng gã khách lang thang

IMG_8141.jpg

Nhìn lại phía sau. Qua khúc cua này là bắt đầu ra khỏi rừng già

IMG_8144.jpg

Cầu La Dạ, cây cầu này, khi trước y đi qua còn chưa xây xong, phải đi cầu treo qua con sông nhỏ.

IMG_8145.jpg

Cây rừng vẫn dày.

IMG_8150.jpg

Cây rừng, mây và nước con sông dưới cầu La Dạ.


(còn tiếp)
 
Về đến La Dạ, cơ bản là đã ra khỏi rừng già, nhưng vẫn còn là rừng.
Ra khỏi rừng già, thì con đường ĐT714 lại trở nên tệ.

IMG_8152.jpg

Trong rừng là đường nhựa, còn ra đến bìa rừng, nó thành đường đất.

IMG_8155.jpg

Nắng cuối chiều chói chang phía Tây, mặt đường đất đầy đá cục lổn nhổn.

IMG_8153.jpg

Vẫn còn khá hoang vu.

IMG_8159.jpg

Ra khỏi rừng, nhưng vẫn có những con dốc, những khúc quanh lượn theo các sườn đồi thấp.

IMG_8156.jpg

Quay ngựa trở lại để chụp một khu dân cư nhỏ xa xa



(còn tiếp)
 
IMG_8160.jpg

Bóng chiều xuống rồi.
Y không biết là mấy giờ. Từ khi rời khỏi Phan Thiết đi vào rừng, y mất luôn khái niệm về thời gian (vì đt hết pin từ lâu)

IMG_8161.jpg

Lại đến một khu dân cư. Thỉnh thoảng cũng có chỗ còn là đường nhựa

IMG_8162.jpg

Một con dốc vắng.

IMG_8163.jpg


IMG_8164.jpg

Đa Mi trước mặt kia rồi.
Tạm biệt rừng La Dạ.


(còn tiếp)
 

HỒI THỨ NĂM :

Ngược đường 55 chạy trở lên Bảo Lộc
Mây đêm che trăng, đèo Chuối lại chán òm.





Thị trấn Đa Mi nằm ven QL 55.
QL55 khởi đầu từ Phước Bửu hay Bình Châu gì đó trên đất Bà Rịa, chạy men theo bờ biển đến La Gi, rồi bẻ ra gặp QL1A.
Sau đó, lùi về phía Nam trên QL1A một đoạn, ở thị trấn Tân Minh, QL55 lại tiếp tục chạy ngược lên cao nguyên - kết thúc ở Bảo Lộc.

Nếu cứ tạm coi QL1A và QL14 là hai con đường song song dọc theo chiều dài đất nước, thì có khá nhiều những con đường ngang nối mạng hai đường chính này.
Trừ QL20.
QL20 cũng nối từ QL1A (Dầu Giây) lên Tây Nguyên, nhưng nó không trực tiếp chạy tới QL14 mà dừng lại tại Đà Lạt.
QL55 cùng không cặp tới QL14, mà dừng lại ở Bảo Lộc, trên QL20.

Từ phía Nam đi lên, có nhiều đường ngang từ duyên hải Nam Trung Bộ chạy lên Tây Nguyên :

- QL55 từ Tân Minh lên Bảo Lộc.
- QL28 từ Phan Thiết lên Di Linh rồi lên Gia Nghĩa.
- QL27 từ Phan Rang qua Đức Trọng lên Ban Mê.
- QL26 từ Ninh Hòa lên Ban Mê.
- QL25 từ Tuy Hòa lên Chư Sê.
- QL19 từ Quy Nhơn lên Pleiku.
- QL24 từ Mộ Đức lên Kon Tum.

Còn nhiều những đường ngang nữa như thế, nhưng ở cấp thấp hơn Quốc lộ, ví như đường ĐT714 từ Ma Lâm lên Đa Mi, hoặc nổi tiếng hơn là con đường ĐT723 từ Nha Trang lên Đà Lạt - mà dân CDriders biết đến với cái tên "đường đèo Omega"

Đặc điểm chung nhất của các con đường ngang nối duyên hải Nam Trung Bộ với Tây Nguyên là : đều có một hoặc vài con đèo, hoặc bản thân cả con đường có thể coi là đường đèo.

Trong số đó, QL55 là ít dốc nhất, vì Bảo Lộc thấp hơn nhiều so với các điểm khác trên cao nguyên.
Tuy nhiên, đoạn QL55 từ Tân Minh lên Bảo Lộc vẫn có đầy đủ đặc trung của những con đường ngang nói trên.
Nó uốn lượn ngoằn ngoèo theo các sườn núi để đi lên. Không dốc lắm, nhưng vẫn có thể coi là đường đèo núi.


(còn tiếp)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,316
Bài viết
1,175,107
Members
192,040
Latest member
RR88global
Back
Top