What's new

[Chia sẻ] Đi tìm Đế chế đã mất

P1: Từ giấc mơ tới hiện thực

Say mê với những miền đất lạ, đắm chìm trước những di sản mà loài người để lại. Kẻ phiêu bạt không muốn ngồi một chỗ hưởng thụ cuộc sống, khi đa số mọi người tính toán đổi nhà, mua xe.... Thì tôi lại đứng trước tấm bản đồ, đánh dấu những vùng đất chưa đến được và lập kế hoạch lên đường.
Nam Mỹ hay Mỹ la tinh, cái tên cũng đã đủ gợi lên trí tò mò của phượt thủ. Từ thánh địa Machu Picchu cho tới những con đường bụi bặm. Từ lối sống hoang dã của con người nơi đây cho tới những bộ ngực vừa đi vừa nhún nhảy như muốn bật ra khỏi chiếc áo pull của các cô gái bất kỳ lúc nào. Những điếu cigar được cuộn tròn trên ngón tay kẻ lãng tử hay ly rượu vang Chile sóng sánh như nước mắt của người Inca - khóc cho một đế chế đã mất. Tất cả những thứ đó thu hút trái tim và đôi chân tôi về nơi đây
Cái kế hoạch đi Nam Mỹ này đối với tôi cũng hết sức tình cờ. Trong thời gian đi phượt ở Nga bị gãy chân, ngồi ngắm tuyết rơi qua cửa kính chán chê. Tôi lôi đt ra tìm đọc một thứ gì đó. Vô tình đọc được cuốn "Lost city of the Incas" của Hiram Bingham (cũng là người tìm ra thánh địa này). Buổi tối tôi bàn với bạn đồng hành của tôi, thế là 2 thằng "Oh! Zee!" Bắt tay vào xây dựng kế hoạch cho đi Nam Mỹ vào năm tới.
Đối với một thằng đam mê văn hoá, lịch sử như tôi, trước khi đến một quốc gia nào, một công trình nào cũng phải tìm hiểu về nó trước. Thế nên khi về Vietnam việc đầu tiên là tìm những sách về Nam Mỹ để đọc. Nhưng tiếc thay, sách về Nam Mỹ cũng không có nhiều, ra hàng sách toàn thấy những tiểu thuyết mùi mẫn rồi cướp, hiếp giết.... Vậy là muốn đọc về nó, muốn tìm hiểu về nó phải đọc từ bản gốc. Lại cắn răng lên amazon.com ship mấy cuốn sách về đọc và tìm hiểu. Tránh trường hợp mình đến đó, đứng đó nhưng không biết nó là cái gì.
Cái chân què của tôi lành chậm hơn là tôi tưởng nên kế hoạch lại phải delay thêm gần 1 năm nữa. Sau khi trekking những con đường khó khăn tại Vietnam, cảm thấy cũng đã đủ sức khoẻ cho việc đi Nam Mỹ. Tôi bắt tay vào xây dựng kế hoạch
Việc đầu tiên là lập team đi, ngoài tôi và người bạn đồng hành đi cùng nhau từ Nga cần tuyển thêm vài người nữa. Khi chúng tôi bắn tin đi phượt Nam mỹ, có rất nhiều người muốn join cùng. Sau khi qua vài lần sát hạch chúng tôi cũng lập được 1 team gồm có 4 người toàn là những phượt thủ lão luyện. Nhưng có lẽ may mắn nhất cho chúng tôi là có được một người anh cả của nhóm. Bác này đã từng học ở Cuba 6 năm nên biết thông thạo cả 2 thứ tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Như vậy là quá đủ cho chuyến đi rồi.
Hết online rồi offline họp bàn phân chia công việc. Ông anh cả được nhận nhiệm vụ book vé máy bay, người bạn đồng hành đi từ Nga với tôi nhận nhiệm vụ book khách sạn, tôi nhận nhiệm vụ xin Visa vào các nước. Còn 1 ông nữa thì lăng xăng hỗ trợ anh em.
Họp bàn xong cũng ra được cái kế hoạch 45 ngày và budget khoảng 10.000 USD cho chuyến đi. Lại phải thu xếp công việc và quan trọng là cày ra cho đủ số tiền đó.
Đi Nam Mỹ, một mảnh đất xa lạ, một nền văn hoá khác biệt. Cách VN mình đến nửa vòng trái đất. Và quan trọng nhất là cực kỳ nguy hiểm. Nên tất cả bạn bè và người thân ai nấy cũng đều can ngăn tôi đi. Nhưng một thằng đã ngồi uống rượu trên Golan, đã từng xẻ dọc bờ tây sông Jordan đi vào vùng cài răng lược giữa Palestine và Israel. Hay lên vĩ tuyến 38 biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Thì cái chuyện đối mặt với nguy hiểm ở Nam Mỹ ư? Quá nhỏ. Nghĩ vậy nên tôi quyết chí ra đi. Xét cho cùng cuộc sống luôn phải đối mặt với hiểm nguy. Khi tham gia giao thông ở VN mình mà mỗi năm còn chết tới hơn vạn người thì những hiểm nguy kia chỉ là chuyện nhỏ đúng không các bạn? Hơn nữa cái máu xê dịch nó cũng ngấm vào tôi, khi đọc những dòng của cụ Nguyễn Tuân mượn từ Paul Morand làm lời đề từ cho truyện " Thiếu quê hương" "Ta muốn sau khi ta chết, có người thuộc da ta làm chiếc vali".

Đấy các cụ còn như thế, con cháu làm sao có thể hèn kém được. Nhấc mông lên và phi thôi các bạn.


Ảnh ăn cắp trên mạng và tất nhiên chưa được sự đồng ý của tác giả :))​



 
Thật thiếu sót khi không nói đến con ngựa tôi cưỡi. Nó tên là Woala, thương cái thân nó leo lên dốc cõng trên mình hơn 80kg nên nó thở phì phò. Lúc xuống dốc mặc dù đường khá khó đi nhưng nó bước khá khôn không làm cho người ngồi trên nó nghiêng ngả.
Lúc nó đi nhanh quá tôi nói "Woala! Slowly please!" tự nhiên nó đi chậm hẳn lại. Tôi quay sang nói với cô bé chủ ngựa "Oh, She knows English" Cô bé chủ ngựa nhe răng ra cười. Anh Hải quay sang tôi nói bằng tiếng Việt "Bố khỉ, nó có biết vào mắt. Chủ của nó còn không biết nữa mà"
Đúng thế thật, lúc cần chạy nhanh tôi thúc con ngựa "Quicky! Quickly!" con ngựa vẫn đi chậm rãi :))






Trên đường đi gặp hai bạn trẻ nằm giữa thảo nguyên tâm sự





 
Last edited:
Con ngựa đưa chúng tôi về chỗ cũ. Chúng tôi đi bộ khoảng 300m về Saksaywaman

Saksaywaman

Nói đến Saksaywaman chúng ta lại phải nhắc lại về Sapa Pachacuti. Cũng đúng thôi ông biến Cusco từ một con báo ngủ trở thành một con báo dũng mãnh, tiếng gầm của nó vang khắp dãy Andes

Chuyện từ khi Pachacuti còn là Hoàng tử. Lúc giờ quân Chanca kéo đến đánh Cusco, cha ông lúc giờ là hoàng đế Inca lẫn cả hoàng tộc chạy đi hết. Pachacuti ở lại chống lại quân xâm lược. Ông đã mưu trí và dũng mãnh đánh bại được quân Chanca. Nhưng ông này cũng rất mưu mẹo. Trong truyền thuyết của người Inca, Manco Capac – Sapa đầu tiên của Đế chế khi chết đã biến thành đá. Khi cả hoàng tộc chạy về. Pachacuti cho người phao tin là chính Manco Capac đã hô hào đội quân đá biến trở lại thành người và giúp ông chiến thắng, và vì thế ôngđương nhiên trở thành người thừa kế ngai vàng.

Nhưng vấn đề không nằm ở chỗ đấy, khi đánh nhau với quân Chanca ông nhận ra rằng có một quả đồi mà khi chiếm được nó sẽ kiểm soát được Cusco. Khi lên ngôi ông cho tái thiết lại Cusco. Xây Cusco theo hình con báo. Và phần đầu con báo chính là ngọn đồi này. Trên đó ông cho xây một pháo đài mang tên Saksaywaman.

Saksaywaman nằm ở vị trí chiến lược, từ trên vị trí này sẽ kiểm soát được hoàn toàn Cusco. Nằm chặn lối vào phía bắc của thành phố. Viết đến đây tôi lại tiếc, nếu như người Inca rút về đây phòng thủ thì chắc gì Pizarro đã dễ dàng chiếm được Cusco. Tiếc vì lúc giờ họ như rắn mất đầu, hoảng loạn bỏ chạy mà thôi. Nhưng người Pháp cũng đã nói “Với chữ Nếu ta có thể bỏ cả Paris vào chiếc hộp” thế cho nên không tiếc cho lịch sử nữa đúng không các bạn?

Saksaywaman được xây dựng khá kiên cố, có 3 vòng. Ở dưới 1 vòng và ở trên 2 vòng. Bên trong có những kho vũ khí đã được Pedro Pizarro (anh trai của Francisco Pizarro) mô tả là có rất nhiều vũ khí và có thể chứa được cả ngàn người.
Chính vì thế nên mọi trận đánh đều được thực hiện ở đây. Sau này Manco Capac II đem 200.000 quân vây hãm Cusco nhưng không chiếm được Saksaywaman nên cũng thất bại mà rút về Vilcabamba.

Nhưng Saksaywaman không chỉ là chỗ đánh nhau. Ở đây còn là nơi tế lễ của người Inca. Bên trong người ta cũng tìm thấy giếng và rất nhiều những phòng dành cho đựng đồ tế lễ. Và cho tận đến ngày nay, người ta cũng khôi phục lại những festival trên mảnh đất này

Cái độc đáo của Saksaywaman nó nằm ở chỗ ở đây có những tảng đá rất lớn được xếp chồng khít lên nhau không một khe hở. Mà những viên đá này rất nhiều góc cạnh để đảm bảo khi xảy ra động đất nó không bị suy chuyển. Mà trên thực tế cũng thế. Trải qua bao nhiêu năm mà những bức tường này vẫn đứng vững.

Bây giờ người ta cũng đang nghiên cứu xem làm như thế nào mà người ngày xưa cẩu không có, bánh xe cũng không mà nâng được những khối đá nặng cả trăm tấn chồng khít lên nhau. Nhưng đấy là việc của các nhà khoa học. Còn tôi hôm nay đứng ở đây chỉ trầm trồ khen ngợi kỹ thuật của người xưa



Vài hình ảnh về Saksaywaman







 
Trên đường về chúng tôi gặp con Llama vì đây là con vật độc đáo và quan trọng ở đây nên tôi lại xin phép lải nhải một tý về nó

Llama


Người Inca tin rằng linh hồn sau khi người chết thường đầu thai làm Llama, nên người ta thường hay dùng nó làm lễ hiến tế cho thần linh. Mỡ, lông, kể cả phôi thai của Llama đều được dùng trong lễ hiến tế.
Người ta dùng con Llama này để bói nữa. Đầu năm thầy bói sẽ lấy bộ lòng của con Llama ra để xem. Cuối năm họ lại giết con Llama khác lấy bộ lòng ra xem. Nếu bộ lòng sau tốt hơn bộ lòng trước thì người ta cho là năm sau sẽ tổt. Còn nếu xấu hơn thì năm sau sẽ xấu. Tại sao lại dùng Llama để bói và tiên đoán? Nó liên quan đến truyền thuyết trận Đại hồng thủy có vai trò của con Llama này

Chuyện kể rằng có một chàng trai chăn Llama, một hôm chàng dẫn chúng vào một đồng cỏ xanh tốt nhưng chúng chẳng chịu ăn. Chàng hỏi vì sao thì mấy con Llama nói rằng nước biển sắp dâng lên làm ngập nơi này. Chàng trai hỏi làm thế nào để tránh đại họa. Bọn Llama bảo hãy đem theo thức ăn và lên núi 5 ngày.
Chàng trai về chuẩn bị thức ăn, hôm sau leo lên núi. Thấy rất nhiều động vật ở đấy nhưng không thấy người nào. Chắc vì quá bận rộn hay không tin lời Llama nên chẳng có ai lên cả.
Hôm sau nước bắt đầu dâng và đúng 5 ngày sau toàn bộ nước rút hết. Chàng trai xuống núi và toàn bộ loài người đã chết hết. Chàng trai trở thành gốc của mọi dân tộc trên thế giới

Trên thực tế thì người Inca và các bộ lạc khác sống dựa vào con Llama rất nhiều. Thịt của chúng rất bổ dưỡng, lông của chúng làm len để dệt áo hoặc trải giường. Còn chúng thì có thể thồ hàng rất tốt



 
Rời Saksaywaman chúng tôi thấy một nhà hàng có 1 view khá đẹp. Giá cả lại quá rẻ. Nhà hàng này nằm ngay cổng soát vé đầu tiên của Saksaywaman. Bán hàng là bà già người Quechua. Chúng tôi vào chọn 2 cái bánh và 02 cốc nước cam.
Bà già bảo "Các anh cứ ra ngoài kia ngồi đi, tôi làm lại cho nó nóng cho các anh"
Chúng tôi ra ngoài ngồi view thành phố đợi mãi đến 15' không thấy bà mang ra. Làm nóng mỗi cái bánh sao mà lâu thế? Sợ bà này quên, bánh cháy anh Hải chạy vào. Vào hỏi bánh của chúng tôi đâu. Bà tỉnh bơ bảo "À, tôi bán mất rồi, còn loại bánh khác các anh có ăn hay không?" Vừa buồn cười vừa tức. Anh Hải bảo lấy 2 chiếc bánh khác và đứng đấy đợi bà ấy làm nóng luôn rồi đem ra
Người Quechua là như thế thật thà và ngây thơ đến khó tin, nhưng đáng yêu.











 
Buổi tối hôm đó chúng tôi đi ăn tối ở nhà hàng Trung Hoa. Anh Thái vẫn bị shock độ cao nên ở nhà. Chỉ có 3 chúng tôi đi.
Gọi món cho 3 người nhưng họ đem ra nhiều quá. Cả 6 người VN ăn cũng không hết. Kinh nghiệm ở đây là nếu đi 3 người chỉ gọi món cho 02 người là quá thừa rồi. 4 người cũng chỉ nên gọi món cho 2 người thôi.
Không riêng gì nhà hàng này mà nhà hàng nào về sau chúng tôi ăn ở Cusco đều thế cả. Có lẽ do khí hậu khắc nghiệt mà họ ăn nhiều chăng?







 
Sáng hôm sau theo lịch là chúng tôi lên Machu Picchu. Một trong những điểm đến quan trọng nhất của hành trình này. Như đã nói ở đầu bài, nếu đi tàu Hiram Bingham từ Cusco thì giá vé là gần 900USD. Chúng tôi không đi kiểu đó mà chọn phương án đi Taxi tới ga Ollantaytambo mất 80 Soles (khoảng 25 USD cho 4 người) rồi từ đó đi chuyến tàu Peru Train lên Machu Picchu mất 172 USD/ người. Tổng cộng mất có 180 USD/ người quá rẻ so với gần 900USD/ người phải không các bạn?
Do chúng tôi dậy sớm KS chưa chuẩn bị ăn sáng nên chúng tôi tự nấu mỳ tôm ăn. Anh Thái cũng đã đỡ shock độ cao hơn nên chúng tôi lên đường


Trời còn chưa sáng, đèn đường vẫn bật










 
Last edited:
Chúng tôi bắt đầu đi những con đường vòng vèo để rời thành phố. Hai bên đường cũng có những người dân chờ xe bus buổi sáng sớm đi vào trong thành phố. Những người dân Quechua chất phác chăm chỉ cũng chở hàng vào trong thành phố mưu sinh y hệt như ta vậy.

Cusco nằm trong lòng chảo thung lũng nên chúng tôi phải vượt qua những dãy núi để đi ra ngoài. Hai bên đường những đồng cỏ còn ướt sương buổi sớm. Xa xa những dãy núi trùng điệp nối nhau, những đỉnh tuyết của ngọn núi hòa vào những đám mây trắng làm một. Trải dài ven chân núi là những dãy đồi chập chùng, nhấp nhô như sóng lượn. Màu vàng nâu của những trảng cỏ tranh xen lẫn màu xanh ngăn ngắt của đồng cỏ. Những chú Llama nhởn nhơ gặm cỏ tạo nên một phong cảnh yên bình hiếm thấy. Tôi đã từng chạy xe dưới chân núi Alps, hôm nay được ngắm cảnh đẹp hùng vĩ của dãy Andes. Thật khó có thể nói đâu dẹp hơn. Nhưng được đi cả 2 nơi quả là sự may mắn trong đời








 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,431
Bài viết
1,175,893
Members
192,104
Latest member
lyhoangbaothy
Back
Top