11. Chuyện hai cái vali
Hôm nay đã là ngày lên đường đi Kazan, 11h đêm tàu mới khởi hành. Kazan mới thực sự là điểm đến chính trong hành trình này nơi có gia đình cô chú của em và một chi tiết nữa khá đặc biệt, chuyến này bố em cũng đi, mà đi từ Việt Nam, nhằm hiện thực ước mơ của bố từ thời trẻ. Một chuyến đi mà giải quyết được mấy ước ao suốt mấy mươi năm: đi thăm Liên Xô vĩ đại này, đi xem một lần World Cup này, và thăm cô em gái định cư ở Nga đã nửa đời người. Bố sang trước em một tuần nên đã lượn một vòng cả Xanh lẫn Mát, giờ đang nhấp nhổm ở Kazan chờ em xuống cứu viện, bố bị các chú ở đấy quây ác quá, vodka ngày ba bữa, bố khấp khởi hi vọng là có thằng cháu ở Úc sang thì các chú chuyển hướng sang ma mới để xử lý.
Và một vấn đề to chình ình vẫn chưa giải quyết được: hai cái va-li thất lạc vẫn bặt vô âm tín. Khi ở sân bay, người ta đưa cho cái mã tra cứu hành lý thất lạc, dùng mã ấy đăng nhập vào trang theo dõi hành lý quốc tế thì nó hiện lên đầy đủ thông tin của mình và hành lý. Trang này chỉ dành riêng cho những hãng to, có máu mặt thôi như kiểu British Airways, Air France... mấy hãng như Vịt Ngan Airlines không có cửa, nên cũng thấy yên tâm. Sau một ngày thì trạng thái hành lý chuyển thành: “Đã tìm thấy hành lý”, một ngày sau lại chuyển thành “Đang vận chuyển”, sau thì thành "Đã đến sân bay". Khi chuyển chỗ ở sang đây, em có cập nhật địa chỉ trên trang web thì thấy sau đó thông tin địa chỉ mới được update nhanh chóng lại càng thêm phần tin tưởng. Thế rồi mấy ngày vẫn chưa thấy gì, em đứng hiên ngang ngay trước Lăng Lê Nin và Phủ Tổng thống mà gọi cho quầy hành lý thất lạc, gọi theo số họ cho, gọi theo số tìm trên mạng, gọi năm lần bảy lượt đều không ai bắt máy. Cái quầy hành lý thất lạc ở sân bay là chỗ không bao giờ gọi điện có ai bắt máy cả, nước nào cũng thế. Nghĩ bụng bảo hệ thống họ hiện đại thế, khi nào hành lý bắt đầu chuyển tận nhà chắc họ sẽ gọi hoặc cập nhật lên hệ thống. Cuối cùng đến hôm nay đi Kazan rồi vẫn chưa thấy hành lý đâu, em ngủ dậy cái là gọi lần nữa, lần này thì có người bắt máy ngay, thế đ** nào nó đem hành lý của em gửi đến địa chỉ cũ cho cái nhà nghỉ khỉ gió hôm đầu em đặt phòng ạ! Hóa ra bọn đàn anh Nga ngố này cũng giống Việt Nam ta, những cái online chỉ để cho vui thôi chứ cái cứt gì cũng phải trực tiếp làm hết.
Giao diện của cái trang web mà em trót đặt lòng tin nó thế này các bác ạ
Bà nghe máy nói tiếng Anh rất tốt, nói là sáng nay nhà nghỉ họ nói mày không ở đấy nữa nên người ta đang trên đường mang lại hành lý về sân bay rồi. Em mới hỏi là thế có cách nào thả hành lý xuống địa chỉ mới của tôi không, tôi cập nhật địa chỉ rồi mà. À, à, ờ, ờ bên vận chuyển hành lý là bộ phận khác, họ không biết có địa chỉ mới, để tao chuyển máy sang bộ phận đấy. Chưa kịp nói gì thì tít..tít..tít.. một bà nhấc máy, xọng toàn tiếng Nga, khi em hỏi câu tủ thần thánh đã học đến thuộc lòng
Bы понимаете по английский? (Vưi pa-nhi-mai-i-ti pa Ăng-lít-sờ-ki?) thì bác này phấn khởi nói Niết..niết..niết đến bốn năm lần. Em đành Xin-bà-tí-bơ rồi cúp máy. Gọi ngay cứu viện ở Kazan, may có một bạn người Việt sinh ra ở Nga, có quầy hàng ngay gần cô tôi, là người chuyên gọi điện cho Aeroflot về hành lý thất lạc nên có số riêng gì đấy gọi phát được ngay
(thế mới biết hành lý thất lạc của bọn này là chuyện thường ngày ở huyện nên cô chú tôi cứ bảo yên tâm, kiểu gì cũng gửi về nhà. Năm sau chị họ tôi đi Pháp, transit ở Moskva cũng mất hai kiện hành lý, hơn tuần sau nó mới gửi về nhà ở Hà Nội, vậy nên transit ở Nga với Trung Quốc, phần vui thì ít mà phần đau thương thì nhiều, bảo sao người ta vẫn thích transit Trung Đông hoặc Singapore vì họ chuyên nghiệp). Bạn ấy nói có hai phương án:
- Một là tối nay cứ đi Kazan, họ sẽ gửi hành lý đến nhà cô tôi ở Kazan, hai ngày nữa đến
- Hai là lên thẳng sân bay mà lấy
Tôi chốt luôn phương án hai không chần chừ, hủy luôn kế hoạch đi chơi buổi sáng hôm nay, dành toàn lực cho hành lý, nó lại gửi đi Siberia thì có mà ở truồng đến tận lúc về, chưa kể còn quà cho mọi người trong va-li. Thế là mặc vội bộ quần áo còn chưa khô hẳn, bọn em đi xuống nhà tìm chỗ mua đồ ăn sáng. Hàng quán phải 9 giờ mới mở cửa, cô bé Lọ Lem cùng nhà chỉ cho bọn em biết chỗ này bên đường ăn được.
Aвтограф (Avtograph) là tên chuỗi cửa hàng còn кулинария (culinariya) thì em đoán là có xào nấu gì đây rồi. Có ba hiệu cạnh nhau: một nhà hàng (không mở ban ngày), một quán cà phê và một cái "siêu thị" culinary này.
Ở Nga được cái là mọi người rất đúng giờ, riêng cái này phải nói họ rất nghiêm túc. Đúng 9h cửa mở, em đang lo mình vào mở hàng nhỡ không mua cái gì họ đánh cho vỡ mồm thì may quá có một ông đầu bù tóc rối vào mở hàng chai vodka. Hóa ra đây là một cái siêu thị tư nhân kiểu như ở Hà Nội gọi là siêu thị tự chọn, nghĩa là ngoài hàng hóa thông thường thì còn bán rất nhiều đồ ăn nấu sẵn. Các cô các bác trong quầy mới bắt đầu bày thức ăn ra, có nhiều món còn nóng trong chảo mới bưng từ bếp ra, có món cũ thì đang thấy quay lò vi sóng. Giá cả khá mềm so với đồ ăn đã nấu chín rồi. Món gì cũng thèm, nhìn cũng muốn gọi vì thấy nó giống đồ ăn nhà nấu, đồ ăn Việt Nam quá sau mấy ngày ăn uống chẳng ra gì. Chắc trông chúng em vừa ngu ngơ vừa nhìn đồ ăn nhỏ nước dãi nên cả cửa hàng xúm lại phục vụ, em có hỏi đây là cái gì, kia là cái gì nhưng họ chịu chết, không ai giải thích được, em đành chọn những món an toàn mà em biết chắc nó là cái gì dù có rất nhiều món trông khá ngon.
Đói quá nên ăn gần hết mới nhớ ra chụp ảnh (từ dưới lên theo chiều kim đồng hồ): bầu nhồi thịt, thịt bọc trứng luộc, khoai tây nhỏ xào thì là, bắp cải cuốn thịt sốt cà chua và món cá gì đó thì phải, lâu em quên mất rồi. Em thề cái món thịt bọc trứng này em xem trên ti vi lúc còn rất bé, người ta quay cảnh bếp công nghiệp của một nhà máy có đầu bếp nấu món này, em đem hỏi mẹ thì mẹ bảo không biết món gì lạ thế, em cứ nhớ như in suốt mấy chục năm đến tận hôm nay em mới được tận mắt thấy.
Khi thanh toán tiền, cô thu ngân hỏi em có lấy túi ni-lông không? Em nói có chứ, không thì xách làm sao được, cô ấy mới chỉ vào tờ giấy ở quầy, hóa ra là 1 túi ni-lông thu 8 rúp. Em ngạc nhiên vì thấy ở đây văn minh quá. Thời điểm ấy ở Úc vẫn cho lấy túi ni-lông miễn phí trong siêu thị. Em về được một thời gian thì ở Úc bắt đầu dừng cấp túi ni-lông mỏng (dùng một lần) trong các siêu thị lớn, phải tự mang làn theo mà đi chợ còn nếu không phải mua túi nhựa dày (dùng nhiều lần). Đấy là hậu quả của việc cả phương Tây phụ thuộc vào việc bán rác cho Trung Quốc, cuối năm 2017, Trung Quốc đột ngột dừng mua rác, thế là bọn Tây lông vỡ mồm vì không hề có các cơ sở xử lý rác thải, rác tái chế, do hai chục năm nay có bao nhiêu rác là bán hết cho Trung Quốc cho nhẹ nợ. Thế là các Ban tuyên giáo của Tây lông ra sức cổ vũ cho bảo vệ môi trường, vận động người dân mang túi và dùng sử dụng túi nhiều lần, thực ra chẳng phải bảo vệ gì mà chẳng qua vì chi phí xử lý rác thải đang tăng nhanh hơn cả lạm phát ở Venezuela. Còn một bí mật nữa mà hàng trăm triệu con người ngây thơ ở các nước phương Tây vẫn ngày ngày cặm cụi phân loại rác, không biết rằng những rác tái chế họ bỏ công phân loại chẳng hề được tái chề, từ xưa đến nay nó chỉ được đóng container chở sang Trung Quốc mà thôi. Giờ Trung Quốc đóng cửa với rác thì hàng vạn tấn nhựa ấy đi đâu? Đông Nam Á chứ còn đâu. Mà thôi đấy lại là một đề tài nhức nhối khác đi xa ngoài chủ đề topic này.
Một bà cô bán hàng tận tình đưa bọn em sang quầy cà phê bánh ngọt để lấy chỗ mà ngồi ăn. Em thấy ngạc nhiên vì người Nga họ tốt quá. Hàng bánh và cà phê nằm bên cạnh, cùng một chủ nhưng đi hai cửa khác nhau, chưa có ai mở hàng nhưng họ sẵn sàng để bọn em ngồi ăn thịt cá ngay trong quán. Em hỏi lại có ok không thì họ nói là ok, có một ông khách vào mua cà phê buổi sáng còn cho em kẹo cao su nữa. Ăn xong họ nhất quyết thu dọn chứ không để em tự dọn. Thực sự thấy rất ấm tình người.
Sau đó em dùng app Rutaxi để gọi xe. Chỗ này là ga xa nhất về phía Bắc của Moscow Metro nên nó cách trung tâm hẳn 18km. Lúc ấy em chưa biết đổi hãng taxi nên cứ theo hãng mặc định của app mà đợi, đợi phải đến 30 phút, mà cũng lạ, tay tài xế ấy cũng đến đón mình bằng được, chắc thấy chuyến ra sân bay là ok. Em đã dự phòng tình huống phải ra sân bay nhận “hàng” nên với cùng giá tiền, em chọn nhà này phía bắc, thế mà ra đến sân bay vẫn còn 22km nữa. Ăn no nên em cũng không vội, cứ ngồi vỉa hè mà ngắm phố phường, cây xanh rì mát ơi là mát, cái vỉa hè như rừng quả là đáng khâm phục nhà quy hoạch. Ở Hà Nội giờ người ta đang tiếc, giá mà ngày xưa, mỗi phố lấy đường rộng dăm ba mét hơn thì giờ tiết kiệm được mấy triệu tỉ đồng, hay giá mà để chỗ trồng cây vỉa hè thì giờ thành phố không nóng bức đến thế... nhưng nếu có quyển sách Giá Mà thì chắc ông nào cũng khuân một bao tải sách ấy về gối đầu giường.
Cuối cùng thì xe cũng đến, xe vios khá lởm, vợ em bảo hay là thôi. Em bảo mất bao nhiêu công đợi thôi thì đi. Và em lại biết thêm một điều rằng người Liên Xô tính cũng không bằng trời tính. Con đường ra sân bay lại tắc, mà lúc ấy là gần 11h trưa. Lượng xe khổng lồ, lượng người khổng lồ hay thế nào đó mà đường lúc nào cũng tắc. Em lẩm bẩm bảo có cái sân bay, lúc đ** nào cũng tắc thì còn làm ăn cái gì. Mãi đến hôm về em mới biết
một bí mật khủng khiếp. Chú người quen của cô em chở hai đứa ra sân bay, em đề xuất là nên đi sớm 4 tiếng là ít vì đường tắc lắm, thà ngồi chờ còn hơn bị lỡ máy bay, chú bảo không phải lo, đến khi đi vù vù một lúc là tới, đường vắng tanh, hóa ra là chú đi
đường có thu phí. Đường to mà thoáng, vậy mới biết là dân Nga tiết kiệm vô cùng, mà tiết kiệm dốt, xăng với thời gian lại chẳng đắt hơn mấy đồng thu phí, cái đường thu phí để ra sân bay cho nhanh ở bên Úc, vào buổi sáng người ta đi đông nghịt mà không hề tắc.
Trên đường đi thấy có mấy cái ống khói này vôi giục bác tài đi nhanh không bác cứ bò bò chết cả lút bây giờ. Sau về tra cứu thì hình như nhà máy phân đạm các bác ạ.
Terminal D uốn éo hoành tráng phết. Mỗi tội "Bề ngoài hiện đại tiện nghi, bên trong nội thất chẳng ra cái gì".
Vật vờ hơn một tiếng thì cũng đến Terminal D của sân bay Sheremetyevo. Tên sân bay đã dài, đọc méo cả mỏ, mà vào thời điểm em đang viết đây (2019), sân bay lại đổi tên thành Sân bay quốc tế Sheremetyevo Alexander S. Pushkin. Các bố Nga dự định đổi tên hết một loạt sân bay thành tên các danh nhân Nga không biết để làm gì nữa. Em dị ứng với tất cả các thể loại tên dài, từ cái phong trào đặt tên con bốn từ bây giờ cho đến The Union of Soviet Socialist Republics.
Cái kho hành lý đặt ở cuối nhà ga. Dù thấy biển nhưng phải hỏi đường thêm mới thấy lối đi vào. Lối đi dài và hẹp, sâu hun hút và trắng toát, ngoằn ngoèo dài vô tận, không thể hiểu được việc làm những công trình to và rộng khủng khiếp ở Liên Xô và Nga nhằm mục đích gì khi nó không hề tiện lợi cho người sử dụng. Bạn đi mãi mới hết ga D thì có lối vào kho hành lý xong rồi cái hành lang bên trong củ chuối ấy nó lại dẫn bạn đi ngược lại đúng đoạn đường vừa đi thành một chữ U nằm ngang.
Biển chỉ đường như c**, mất công đi thang máy xuống "0 floor" cuối cùng lại phải quay lên "1 floor" vì dưới ấy là chỗ gửi hành lý, còn hành lý thất lạc có mỗi một cái biển khác nấp ở tận cuối sảnh không bóng người
Và rồi phải đi qua 5 lần cửa như thế này mới đến được hậu cung các bác ạ
Và các phi tần chốn hậu cung thì làm việc cực kỳ đủng đỉnh, điện thoại kêu? Makeno!
Nhìn cái hầm này thì thấy bao nhiêu nỗi bất hạnh của nhân loại đều chất chứa trong đây và công việc ở đây cũng chẳng sung sướng gì!
Vậy là cuối cùng em cũng được thấy căn hầm bí mật này là nơi hò hẹn của tất cả những người đen số mà vốn dĩ không ai muốn vào đây xem cả. Mặt ai trông cũng rầu rầu như mất sổ gạo và thở hổn hển vì đi bộ hết 20 phút để vào cái thâm cung này. Bà cô cầm tờ giấy vào sờ lần mãi không thấy, em đành vào hỗ trợ và lôi ngay đống của nả của vợ chồng em ra. Bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết, thế mới biết vợ chồng nông dân nhà em vẫn thật thà, cười như Liên Xô được mùa, tài sản của mình bị bọn quyền thế nó chiếm, đến lúc nó trả lại vẫn sướng như điên, cảm ơn rối rít. Kéo được hai cái vali ra đến ngoài, việc đầu tiên là lột xác, quần ngắn, áo ngắn, giày thể thao, nhảy tưng tưng. Giờ thì kì nghỉ mới thực sự bắt đầu, thoải mái mà tận hưởng mùa hè nước Nga, một cảm giác thật YoMost!