What's new
Ngày 22/12 là ngày Hạ chí ở Úc, đã chín rưỡi tối mà mặt trời chưa lặn hẳn, hoàng hôn vẫn còn lấp ló ở cuối chân trời thành phố. Giật mình nhớ ra, đã nửa năm kể từ chuyến đi Nga xem World Cup cũng vào ngày Hạ chí (22/6). Mấy lần vào Phượt hóng hớt xem có ai kể chuyện đi xem World Cup không nhưng đều không thấy, phần em lại quá lười, vả lại cũng sợ hiểu biết còn nông cạn, kể chuyện đi Nga khác nào múa rìu qua mắt các bậc lão làng ở đây nên cứ chần chừ mãi không viết. Thế mà đến mãi hôm nay là Tết mới vội hí hoáy viết vài dòng, tự lưu lại làm kỷ niệm, bởi trí nhớ con người vốn tồi tàn, nếu không viết ra, nhiều chi tiết trong đầu đã dần rơi rụng mất.

Em không lớn lên với văn học Nga, không học tiếng Nga, bố mẹ không ai đi Nga, nhưng giống nhiều người Việt Nam vẫn có một tình cảm gì đấy với nước Nga rộng lớn, vậy nên bài viết này chỉ hoàn toàn là cảm nhận của một khách du lịch đi Nga vào một dịp rất đặc biệt là FIFA World Cup 2018, lại sống ở Tây, nên có lẽ sẽ khách quan và khác với cảm nhận của nhiều bác khác trên Phượt, có điều gì chưa phải, mong các bác vào bổ sung thêm kiến thức cho em với ạ. Nghĩ đi nghĩ lại em quyết định viết theo thứ tự thời gian vì như thế đỡ bỏ sót sự việc, mỗi tội sẽ rất dài dòng!
154803
 
Bác cho em xin tên của siêu thị kazan đc k ạ? để em biết mua ạ! cảm ơn
Đây em mua ở chỗ này bác nhé
Tiếng Nga: Агропромышленный парк Казань
Tiếng Anh: "Agropromyshlennyy Park Kazan", Agrarnaya ul., 2, Kazan, Respublika Tatarstan, Russia, 420030
Đi xe con từ trung tâm mất khoảng 15 phút thôi. Chắc sẽ có những chỗ mua gần trung tâm hơn nhưng ở đây em thấy đủ cả các loại hàng hóa, đặc sản ạ
 
Đây em mua ở chỗ này bác nhé
Tiếng Nga: Агропромышленный парк Казань
Tiếng Anh: "Agropromyshlennyy Park Kazan", Agrarnaya ul., 2, Kazan, Respublika Tatarstan, Russia, 420030
Đi xe con từ trung tâm mất khoảng 15 phút thôi. Chắc sẽ có những chỗ mua gần trung tâm hơn nhưng ở đây em thấy đủ cả các loại hàng hóa, đặc sản ạ
dạ tại em đang quy hạch chỗ mua =))) tới đâu mua tới đó cho khỏe chứ suy nghĩ mua quà gần ngày về hơi mệt
 
Rời bảo tàng Fabergé, em tản bộ men theo bờ sông rồi thấy gió to quá thì đi vào dãy phố trong và ra đại lộ Nevsky (Nevsky Prospekt) -con phố chính của Sankt-Peterburg.

IMG_2172.JPG

Trên cầu Belinskogo nhìn xuống sông Fontanka. Những cây cầu nhỏ bắc qua khắp các sông ngòi ở đây thật lãng mạn. Trên sông rất nhiều tàu chở khách đi ngắm cảnh thành phố. Các tòa nhà bên đường mang đậm chất Bắc Âu với tường dày, không ban công và các cửa sổ nhiều nhưng hẹp. Đến đây em mới bắt đầu thấy những tòa nhà trên phố có nhiều màu sắc, không còn xám xịt nữa dù các tông màu nâu kiểu Nga vẫn là chủ yếu.

IMG_4327.JPG

Nhà thờ Simeon and Anna nhìn từ cầu Belinskogo. Peter Đại đế cho xây dựng vào năm 1714, để kỷ niệm việc sinh công chúa Anna. Chính quyền Bolsheviks đóng cửa nhà thờ vào khoảng những năm 1930 và giao cho Bảo tàng Khí tượng tiếp quản. Những năm 90, Bảo tàng đã trả lại cho Giáo hội Chính thống giáo.


IMG_4392.JPG

Người Nga phải nói là rất thích xây nhà kiểu hoành tráng, đến mức không cần thiết. Tòa nhà với những cột vuông ốp đá sừng sững bên trái thực ra chỉ là một văn phòng chi nhánh của hãng MegaFon (giống Viettel), còn tòa nhà bên phải với hàng cột Composite lộng lẫy mạ vàng, hóa ra chỉ là... rạp chiếu phim!

IMG_4328.JPG

Ra đến đường cái thì đương nhiên là có nhiều thứ để xem, trong đó có bác này đang đứng xin tiền để tiếp tục hành trình. Bác này đi cũng ác liệt ra phết, khởi hành ngày 25/02/2002, tính ra đã đi được 16 năm. Dưng mà nhìn bản đồ thấy đi qua cả Lào Và Cam-pu-chia mà né Việt Nam thân yêu ra nên em cũng không ủng hộ bác đồng nào. Bác này đi theo kiểu anh Trần Đặng Đăng Khoa nhà ta, nhưng mà anh Khoa không có phải đứng xin tiền thế này, vả lại đi lâu quá thế này cũng không còn hay nữa.

IMG_2243.JPG

Tất cả phương tiện giao thông công cộng kỳ này đều trang trí khẩu hiệu: "Nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu về Xanh Pê-téc-bua tham dự Đại hội đại biểu bóng bánh toàn cầu lần thứ XXI", thiệt mất bao nhiêu là tiền quảng cáo, đúng là mấy ông tổ nghề đốt (tiền ngân) sách đây mà.


IMG_4329.JPG

Vào một cửa hàng đồ chơi tìm mua lật đật thì thấy dãy matryoshka này buồn cười quá, ông nào cũng thành búp bê được cả lại còn mang theo một đàn con trong bụng!


IMG_4330.JPG

Đi ngang một tòa nhà thấy cờ quạt phấp phới, lại còn có cả Cao Tổ và Thái Tổ đứng gác hai bên cửa, đoán chắc đây phải là cơ quan đầu não gì đây, ai ngờ đọc biển thì là Gymnasium của Viện giáo dục, có lẽ là phòng huẩn luyện thế thao chứ không phải phòng Gym bình thường, nhưng mà các bác Nga nâng cao quan điểm "Khỏe để bảo vệ tổ quốc" quá đi mất.


Đi trên phố đoạn bờ sông (River Embankment) Fontanka gặp đại lộ Nevsky có rất nhiều chăn dắt ra chào mời mua vé đi tàu trên sông. Họ đưa cả bản đồ và bảng giá ra để chèo kéo khách. Thông thường thì em sẽ không mua tour kiểu này mà sẽ mua ở chỗ uy tín nhưng vì đã tham khảo giá của các bác đi trên Phượt và cả giá chính thức của thành phố Xanh khuyến cáo nên em ước chừng khoảng hơn 1000 rúp/người. Em thấy có một bà cứ lẽo đẽo bám theo mình quảng cáo mãi, trời thì gió rét nên cũng mủi lòng. Em mặc cả luôn 1500/2 người, bà ấy không đồng ý, em bảo không ok thì thôi vậy, tôi chả vội gì, em vừa đi thì bảo 1700 ok không, em chốt giá. Thế là theo bà ấy lại quay lại sông Fontanka. Bến thuyền ở trước tòa dinh thự rất đẹp, số 34 Fontanka River Embankment. Nộp tiền xong thì nhà tàu phát cho cái vé và hóa đơn đàng hoàng, được cái ở Nga mua chai nước cũng có hóa đơn, như bên Tây. 12 giờ 15 đêm, tàu mới xuất bến vì em muốn chọn loại đi xem cầu cất. Tàu sẽ đi từ sông Fontanka ra sông Neva rồi chạy dọc theo Cung điện mùa đông. Thế là yên chí kế hoạch ngắm cầu và sông đêm nay, em tìm một Stolovaya để ăn gì cho ấm bụng rồi về đi ngủ sớm, đêm còn có sức mà chống chọi với gió bấc.

IMG_4325.JPG

Tòa dinh thự số 34 Đường bờ sông Fontanka, nguyên là Phủ Sheremetev, nhìn từ ngoài vào rất đẹp. Đây vốn là một trung tâm văn hóa của Sankt, với những đêm thơ đêm nhạc của những nhà văn nghệ sĩ tài hoa bậc nhất thành Xanh như Vasily Zhukovsky và Alexander Turgenev. Bây giờ là Bảo tàng quốc gia nghệ thuật Sân khấu và Âm nhạc, nhưng rất tiếc là lúc em đến thì đã đóng cửa. Bên trái còn có một bảo tàng nhỏ nữa (cũng đóng cửa nốt) về nữ thi sĩ hiện đại Anna Akhmatova khi bà sống trong một căn hộ, là một phần của dinh thự này.

Stolovaya meals.jpg

Một bữa tối ngon miệng, trừ cái bánh đen, có lẽ là làm từ quả lý chua (blackcurrant) rất chua không ăn được.
 
Gần nửa đêm, trời lất phất mưa, em gọi xe ra bến tàu. Trên đường vẫn còn khá nhiều người và xe đi lại. Các quán rượu vẫn đỏ đèn. Thành phố lãng mạn theo cách riêng của nó.
Đến giờ nhưng tàu chưa khởi hành, vẫn để khách đứng đợi trên bến, có lẽ vẫn còn đợi thêm khách, mấy người chăn dắt cầm biển quảng cáo vẫn còn đứng ngoài đường Nevsky đến tận bây giờ, cuối cùng kéo được thêm mấy vị khách du lịch lên tàu, giống y như kiểu đi tàu ghép khách ở Vịnh Hạ Long. Khách không quá đông, có khoảng 10 bàn, mỗi bàn có một cặp ngồi, một nửa là người nước ngoài, trong khoang tàu đèn mờ mờ tối và có những tấm chăn dạ đặt trên ghế để khách quấn cho ấm. Tàu là loại giống tàu cánh ngầm, hay dùng để đi trên sông ở châu Âu. Trên tàu không có hình thức giải trí nhảy nhót hay múa thoát y gì, cũng không thấy bán đồ ăn thức uống nóng, quả thực đến tận Xanh vẫn là Nga ngố, có lẽ để khách tập trung ngồi ngắm cảnh hai bên bờ.

Tàu chầm chậm rời bến, lướt qua một loạt những tòa nhà cổ kính hai bên bờ. Mỗi lần nhìn vào những ánh đèn vàng trong những ô cửa sổ đều tăm tắp, em đều nghĩ không biết trong kia người ta đang làm gì, giống những khi đi làm tối muộn hay trực đêm, nhìn vào những ánh đèn ấy thấy tủi thân vcđ. Đi chơi ở Xanh này, nếu không có đồng bọn hoặc đồng sàng thì chắc là buồn lắm, lại phải mò đi gặp vài em Natasha với Masha thôi, mà tâm sự với các em ấy xong nhìn sang đèn vàng chung cư đối diện có lẽ vẫn buồn, vì không có tình yêu. Loa ở trên tàu phát ra một giọng đàn ông đọc đều đều, có lẽ đang giới thiệu về các địa danh hai bên bờ sông và những cây cầu chăng, không biết tiếng nên cũng phí.

Hệ thống sông đào và những cây cầu ở Xanh quả thật là ấn tượng. Những cây cầu ở Venice có lẽ không bõ bèn gì vì chỉ dành cho người đi bộ. Cầu ở Xanh hầu như đều cho phương tiện cơ giới qua lại được, hoặc có đường ray cho xe tram chạy qua và vỉa hè hai bên cho người đi bộ qua ngắm cảnh. Nhất là đoạn sông Neva đổ ra biển, sông mở ra rất rộng, liên tiếp có các ngã ba sông và cuối cùng là cửa biển, hoàng hôn buông xuống trên mặt nước rộng mênh mông đúng hướng tây, gió ào ào thổi. Hệ thống kênh rạch và cầu tạo ra những hòn đảo ngay giữa lòng thành phố, tương truyền một trong những điều lãng mạn nhất ở Xanh là những cặp tình nhân lên đảo Vasilievsky và đợi tất cả cầu cất lên, trong hai tiếng cầu mở ấy, trên "đảo" chỉ còn anh và em, không lối thoát! Hehe yêu nhau thì phải tìm hoang đảo chứ lấy rồi thì tha hồ vượt ngục nhé. Em không biết ở Paris ngày mưa ra sao chứ ở đây ngày mưa thì muốn tán em nào, đưa em ấy đến đây chơi ngày mưa là đổ chắc. Bởi vì mưa to gió lớn rét quá thì chỉ có ở nhà mà đóng cửa quấn chăn đánh bài thôi.

Ở Xanh có tất cả 422 cây cầu trong đó có 9 cầu mở thường nhật cho tàu bè qua lại. Quản lý, bảo dưỡng và duy tu từng này cái cầu có lẽ cũng khá vất vả, được cái ở Xanh thông tin gì cũng đầy đủ trên mạng và bằng tiếng Anh, rõ ràng là một thành phố hướng về phương Tây, riêng về cầu có hẳn một trang mạng (https://en.mostotrest-spb.ru/) rất đẹp có lịch đóng mở các cầu chi tiết và thông tin về từng cây cầu, cả loại cất và loại thường. Các cây cầu lâu đời đều đóng mở bằng động cơ cơ khí, còn cầu đời mới thì sử dụng động cơ thủy lực. Đáng ngạc nhiên là hệ thống máy móc ở nhiều cây cầu đã lắp đặt từ đấu thế kỷ XX, chứng tỏ Đế quốc Nga cũng đã phát triển ở một mức độ nhất định chứ không phải như các sử thần nước ta chép rằng nước Nga trước Cách mạng vô cùng lạc hậu.

IMG_4332.JPG

Tàu đi qua đoạn cuối cùng của sông Neva trước khi đổ ra biển, qua Pháo đài Peter & Paul, cùng rất nhiều cung điện nguy nga lộng lẫy được chiếu đèn sáng rực bên bờ sông. Nhiều tàu bật đèn Nê-ông và nhạc xập xình, xịt khói mù mịt, chắc là tàu của các dân chơi, có lẽ cắn thuốc và quay lắc không kém gì vua chúa ăn chơi trong các lâu đài kia ngày trước.

IMG_4331.JPG

Cung điện Mùa đông và Tòa nhà Bộ Hải quân

Năm nay người ta cứ bàn tán mãi bài thi Ngữ văn, đề thi Tốt nghiệp là bài "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường ít ai nghĩ sẽ thi, trong bài này, ông có nhắc đến sông Neva chảy qua cố đô Xanh cũng làm ông nhớ đến sông Hương của Huệ thương. Trích đoạn:

"Tôi đã đến Lê-nin-grát, có lúc đứng nhìn sông Nê-va cuốn trôi những đám băng lô xô, nhấp nháy trăm màu dưới ánh sáng của mặt trời mùa xuân; mỗi phiến băng chở một con hải âu nghịch ngợm đứng co lên một chân, thích thú với chiếc thuyền xinh đẹp của chúng; và đoàn tàu tốc hành lạ lùng ấy với những hành khách tí hon của nó băng băng lướt qua trước cung điện Pê-téc-bua cũ để ra bể Ban-tích. Tôi vừa từ trong khói lửa miền Nam đến đây, lâu năm xa Huế, và chính Lê-nin-grát đã đánh thức trong tâm hồn tôi giấc mơ lộng lẫy của tuổi dại; ôi, tôi muốn hoá làm một con chim như đứng co một chân trên con tàu thuỷ tinh để đi ra biển. Tôi cuống quýt vỗ tay, nhưng sông Nê-va đã chảy nhanh quá, không kịp cho lũ hải âu nói một điều gì với người bạn của chúng đang ngẩn ngơ trông theo."

Tiếc là em không được thấy hải âu đứng trên băng trôi mơ mộng như nhà văn miêu tả nhưng mà đúng là sông Neva chảy rất nhanh, ào ào đổ ra Vịnh Phần Lan. Đến dưới Cầu Cung điện (Dvortsoviy Most) nằm giữa Cung điện Mùa đông và Tòa nhà Bộ Hải quân thì tàu quay đầu lại và đứng chờ. Mọi người lục tục lên nóc tàu, gió thổi kinh hồn bạt vía và những giọt mưa lãng mạn trên cửa kính tàu giờ đã trở thành muôn nghìn hạt nước múa gươm. Trời mưa nên tối, không thấy đêm trắng huyền thoại gì cả, chỉ thấy mờ mờ trên trời. Đúng 1 giờ 10 phút, cầu bắt đầu mở và thật bất ngờ khi nhạc nổi lên vang dội: Piano Concerto số 1 của Tchaikovsky cực kỳ hay và phù hợp, không phải nhạc nhảy vớ vẩn. Cầu được gắn đèn LED màu tím nổi bật, đáng nói hơn cả là tàu bè đỗ kín mặt sông để xem cầu cất, chắc tàu bè chở hàng đều tránh giờ này ra. Hai bên bờ sông, nhất là phía Cung điện, người xem đứng chật ních, ken nhau dày đặc, thấy thật sáng suốt khi đi tàu, góc nhìn đẹp hơn hẳn. Chả bù cho bố em hôm đi Xanh bảo là ôi giời cầu cất có cái đếch gì mà xem, ở nhà ngủ cho ấm (cuối cùng vẫn đi và hối hận vì chen nhau bẹp ruột trên bờ)!

Quay tạm bằng điện thoại và gió to nên hơi lởm, các bác xem tạm ạ

Chỉ được mấy phút là các tàu kéo nhau lũ lượt ra về, căn bản là để còn kịp xem cầu Troitskiy mở sau đấy 10 phút. Đến đoạn này thì tàu đi nhanh và rung lắc, đi qua gầm cầu thấy cả bác thợ máy ở trong hầm sáng đèn vàng.

IMG_4333.JPG

Cầu Chúa Ba Ngôi (Troitskiy Most) mở lên


IMG_4334.JPG

Dưới gầm cầu, bên này thì không thấy nhạc nhẽo gì cả



Tàu về đến bến, thấy mấy em gái chạy lên bến tàu, ăn mặc và son phấn rất đẹp, trùm áo che mưa mà không che được những mái tóc vàng óng ả. Các em ấy rúc vào nhau cười rinh rích, một kiểu cười rất cute của các em Nga và thấy em đứng đợi xe, lại còn hỏi em từ đâu đến, em bảo là Австралия (Áp-sờ-tờ-Ra-li-a) làm cả hội cười rũ. Xong tự kể chuyện hôm nay là party trước khi một em ngày mai chống lầy. Thế nên các anh em ạ, còn trẻ và khỏe thì nhớ đi Xanh mà chơi nhé, bảo làm sao các bác các chú dân Cộng ta từ ngày xưa đi sang đây gái Nga nó cứ mê như điếu đổ, giờ thì các em khôn hơn rồi nhưng vẫn hồn nhiên cô tiên lắm ạ. Em nghĩ ngay đến mấy thằng bạn Việt Nam bên Úc, bọn đấy sang đây chắc cả ngày chỉ có ăn với dẩy đầm và cua gái thôi các bác ạ. Mà chẳng phải chỉ đàn ông, cứ khi nào em đi tìm chỗ giải quyết nỗi buồn, vợ em ngồi một mình là có ngay một đồng chí Nga chui từ đâu ra hỏi chuyện. Các cụ bảo thiếu gì thèm nấy, bên này chắc ngấy tóc vàng mắt xanh rồi nên cứ tóc đen mắt nâu mới quyến rũ ạ.
 
lên cho bác thớt
May quá có bác theo dõi nên gác lại công việc để ngồi viết tiếp đây ạ!

21. Tiến về Cung điện Mùa đông

Cung điện mùa đông, cái tên nghe mới hay và độc đáo làm sao. Nó phản ánh một truyền thống của Hoàng gia Nga và giới quý tộc Nga vẫn còn đến ngày nay ở mọi tầng lớp người dân thuộc các nước Bắc Âu và Nga: mùa hè sẽ di chuyển đến một nơi khác để nghỉ dưỡng và làm việc. Ông đồng nghiệp với em có cô con dâu người Estonia, ông ấy kể với mọi người ở cơ quan là: ông bà thông gia nhà tôi bên Estonia có hai cái nhà, một nhà mùa hè và một nhà mùa đông, tôi mới hỏi thế chắc hai nhà của ông bà ở cách xa nhau (có lẽ phải đi tàu hỏa hoặc máy bay?) Ông bà thông gia bảo: xa lắm, cách những 30 km cơ ạ. Cả ông ấy và chúng em ngồi nghe cùng cười bò. Ở một đất nước rộng lớn, đường xá tốt và nhiều xe ôtô như ở Úc, nhất là khi em không sống ở thành phố lớn, thì 30 km chỉ là khoảng cách người ta đi chợ, vả lại 30 km thì khí hậu cũng không có gì khác biệt. Thế nhưng ngay cả Hoàng đế Nga cũng đi nghỉ mùa hè chỉ cách có khoảng 30 km từ Cung điện Mùa đông, tức là chỗ Peterhof hay người Việt ta quen gọi là Cung điện Mùa hè và Làng Sa hoàng thường gọi là Cung điện Mùa thu. Truyền thống này được duy trì dưới thời Xô Viết, dù có là Nguyên thủ nước ngoài đến thăm chính thức Liên Xô mà Lãnh tụ đang đi nghỉ hè thì cũng không tiếp ở Mát, mà tiếp ở nơi nghỉ hè. Phong tục này được các đàn em học tập, như Trung Triều thì có Bắc Đới Hà, Thánh triều ta thì có Tuần Châu và Tam Đảo.

Thế nhưng vấn đề là không phải muốn mà được tham quan Cung điện Mùa đông một cách dễ dàng. Cung điện Mùa đông ngày nay trở thành một phần của Bảo tàng Hermitage. Bảo tàng Hermitage bao gồm một quần thể cung điện gồm 6 tòa nhà chính nằm ngay bên bờ sông Neva và hướng ra Quảng trường Cung điện, là nơi tập trung cơ quan đầu não của Đế quốc Nga. Đây là một bảo tàng khổng lồ, lớn thứ hai trên thế giới về cả diện tích và hiện vật chỉ sau Bảo tàng Louvre của Tây lông. Tuy nhiên về lượng người tham quan thì chỉ đứng hàng thứ 9 trên thế giới, đủ thấy rằng nước Nga vẫn còn ngoài tầm với của khách quốc tế.

Và câu chuyện muôn thuở của thời đại công nghiệp hóa du lịch là khi muốn thăm một Bảo tàng nổi tiếng nào thì cũng phải xếp hàng. Nhiều người vào trong cũng chẳng xem gì mấy nhưng mà thế giới toàn cầu hóa, ai cấm ai làm gì được. Em đã từng nghe những câu chuyện kinh hoàng về việc xếp hàng đi xem Bảo tàng Louvre và Bảo tàng Vatican nên khi đi Hermitage thì cũng nghiên cứu khá kĩ việc làm gì để tránh xếp hàng. Có hàng chục loại vé khác nhau để vào Hermitage, vé thường, vé online, vé đi theo đoàn, vé đi hướng dẫn riêng, vé vào sau giờ mở cửa, vé đi hai ngày, vé đi cả tuần v..v.. nhưng nhìn chung thì vé nào cũng đắt cả. Các mẹo để vượt qua hàng người xếp hàng hầu như đều là phải mua tour hoặc đi có hướng dẫn riêng. Em nghiên cứu trên Phượt thì chín người mười ý và (đen làm sao lại) tin tưởng sắt đá vào bài của bác @TungNguyenMD là mua vé online thì vẫn phải xếp hàng đổi vé nên em không mua vé online nữa và quyết định đi sớm rồi xếp hàng mua vé thông thường vì chả có cách nào nhanh hơn.

IMG_4439.JPG

Nhưng rất là đau buồn khi sau này em mới phát hiện ra rằng CÓ MỘT CỬA RIÊNG dành cho người mua vé online các bác ạ. Huhuhu, chỗ khoanh tròn màu đỏ trên bản đồ đây.

Bản đồ của nó rất là bựa, trên bảng chú thích có biểu tượng cửa dành cho vé online những mà hình vẽ thì ở trang khác (!!). Các bác hãy rút lấy kinh nghiệm xương máu này của em để mà đi cho nhanh, ở trang web này (https://www.hermitageshop.org/tickets/) có vẽ rõ lối vào riêng đây ạ. Bác TungNguyenMD đi vào năm 2015 nên chưa có lối riêng (bắt đầu từ 25/03/2016). Điều đáng nói ở đây là khi đã vào trong bảo tàng rồi, em muốn xác thực xem có đúng là có lối riêng không, nên mò đến đây thì thấy vắng hoe, lác đác vài khách dù cửa vào rất hiện đại, xây mới, có cổng từ như ga tàu điện ngầm. Em hỏi thì người ta bảo đúng rồi, đây là cửa cho khách mua vé online, nhưng không đông người đi cửa này lắm (!!!) Bó tay với kiểu làm du lịch của Nga. trang web Hermitage thì không vào được, tậm tà tậm tịt, thông tin thì không rõ ràng nên khách chả biết mà đi vào đây. Hay là lại có bàn tay đạo điễn của các bên để chia chác tiền tour rồi cũng nên.

Em tiếc là vì Bảo tàng họ mở cửa quá ít: có 10h30 đến 18h, xếp hàng đã mất cmn 1 tiếng rưỡi rồi còn đâu, các đồng chí Nga có lẽ đã quen với việc Xếp Hàng Cả Ngày và tỷ phú thời gian hay sao nên không thấy xót xa gì. Quay lại câu chuyện xếp hàng, em vào xếp hàng lúc 10h30 thì hàng cũng chưa quá dài, vẫn còn ở trong sân điện. Nhưng trời rất rét và mưa ngày càng nặng hạt, đứng xếp hàng là một cực hình. Có hai máy bán vé tự động ở hai bên nhưng em phát hiện ra là mua vé ở đây nhưng vẫn phải xếp hàng để vào trong nên thà đứng vào đặt gạch trước còn hơn, chưa kể là máy bán vé cũng... xếp hàng. Cay nhất là nhìn từng đoàn từng đoàn khách Trung Quốc đi lối riêng ngay bên cạnh để vào trước. Và bảo tàng họ hạn chế số lượng người có mặt trong Bảo tàng nên càng đông khách đoàn vào thì khách lẻ càng đợi dài cổ. Có lẽ đi muộn hơn thì sẽ không phải gặp những đoàn khách Tàu khổng lồ đi ưỡn ẹo tham quan như thế này vì chương trình các tour bao giờ cũng đi buổi sáng, nhưng nghịch lý là đi muộn thì lại đếch kịp xem cái gì nữa! Chỉ biết kêu trời! Và Trời thì vẫn mưa, ướt hết cả ống quần.

IMG_4335.JPG

Các vị thần thánh cũng đứng phơi mưa trên nóc nhà nhìn xuống đám người thập phương đứng lố nhố dưới sân rồng. Cung điện có màu xanh lá cây với các cột và khung cửa sơn trắng, trông rất đơn giản mà đẹp. Có điều ít người biết rằng trước đây Cung điện sơn màu vàng rơm, từ thời Nicholas I thì sơn đỏ nâu, đến sau cách mạng vẫn giữ nguyên màu đỏ. Chỉ sau Chiến tranh vệ quốc (WWII) thì chính quyền Xô Viết mới cho sơn lại màu này, theo quy chuẩn dành cho tất cả các tòa nhà theo phong cách Baroque.

IMG_4336.JPG

Vật vờ mãi thì cũng được cho vào cung vua, máy sưởi ấm quá nên chụp phát ảnh chiến tích kiên trì vào được đến đây sau 1 tiếng rưỡi đứng dưới trời mưa phùn gió bấc. Nhà người yêu em mà đóng cửa bắt đợi lâu thế em cũng cho nghỉ khỏe, lần này là hơi bị ngoại lệ vì tính em ghét nhất là chờ đợi ai và để ai chờ mình.


IMG_4337.JPG

Bảng giá cơ bản và giờ giấc một số tour miễn phí. Học sinh, sinh viên toàn thế giới đều được miễn phí vé. Vé giờ đã lên 700 rúp nhưng vì rúp mất giá nên vẫn là rẻ.

IMG_4338.JPG

Hai biển thông báo này dán trên quầy vé có bản dịch tiếng Anh đàng hoàng nhưng em đọc đi đọc lại cũng không hiểu, chụp ảnh về nhà đọc lại cũng không thông! Chắc là tiếng Anh của cụ Google Dịch rồi

IMG_4438.JPG

Bản đồ tầng hai của Bảo tàng, cầu thang ở đây rất lắt léo và các bác phải tính toán đường đi nếu không đi rời chân ra mới đến toilet. Và đương nhiên, toilet cũng phải xếp hàng, chưa kể là toilet còn có giờ nghỉ trưa nữa nhé (để dọn dẹp).

Bảo tàng rất rộng, gần như không có sức để đi hết. Em đi hết sáu tiếng, sát giờ đóng cửa mới về nhưng cũng không thể đi hết được. Tất cả các phòng đều có đánh số và màu của mỗi khu vực tương ứng với với một Thời kỳ mỹ thuật và Phong cách nghệ thuật. Em không có thói quen phải đi xem cái này, phải check-in bằng được cái nọ, cứ đi thôi, vạn sự tùy duyên, gặp được cái nào nổi tiếng mà mình không biết hoặc không thấy đẹp thì cũng bằng thừa. Nên bản đồ chủ yếu để đi cho đỡ lạc chứ em cũng không đi theo những tác phẩm nổi bật họ giới thiệu ở đây. Có quá nhiều thứ để xem và thực sự choáng ngợp với bộ sưu tập tất cả những tinh hoa văn hóa của nhân loại Đông Tây Kim Cổ. Bảo tàng xuất phát ban đầu với Bộ sưu tập của Nữ hoàng Catherine và qua nhiều đời vua Nga góp thêm vào, dần trở thành một bộ sưu tập khổng lồ và cực kì giá trị.

Nhưng sự vĩ đại của Bảo tàng chỉ thực sự đến sau thời Xô Viết. Không phải vì những người Bolshevik mua thêm tranh, họ đã bán đi 2000 tác phẩm cho các nhà ngoại giao và doanh nhân nước ngoài để có tiền chi tiêu ngân sách, mà vì họ quốc hữu hóa tất cả tài sản của Hoàng gia và nhiều gia đình Đại quý tộc rồi tập trung hết các tác phẩm về đây. Người ta thường nói rằng quân Đức tấn công Nga trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã cướp đi nhiều thứ nhưng xem trong Bảo tàng này thì cũng thấy có kha khá thứ Hồng quân cướp thêm từ Đức sau khi chiến thắng mà không hề được đề cập công khai ngoài việc chú thích ghi "Từ bộ sưu tập của ông A ở thành phố B, Đức". Đời là thế, chiến thắng bao giờ cũng đi kèm chiến lợi phẩm, quan trọng là người ta có khoe ra hay không thôi.

IMG_4339.JPG

Cổng quét an ninh để chính thức vào khu vực tham quan đây ạ. Hành lang nhìn đã thấy mê rồi, cẩm thạch trắng phau. Không hiểu sao em ghét cay ghét đắng cái trò bần tiện cấm mang nước. Cấm mang đ' phải vì an ninh an toàn gì, chỉ để bán nước ở trong. Ở sân bay Tân Sơn Nhất cũng thế, trước khi lên máy bay còn lòi ra một cái bàn an ninh chặn nước, ngồi đợi máy bay khát phát sốt. Các bác lưu ý là nên mang theo gì ăn tạm vì đi rất nhiều mà trong này chỉ có duy nhất một hàng cafe không có đồ ăn gì ăn được. Nhìn chung là công tác tổ chức rất lôi thôi và còn xa mới đạt đến chuyên nghiệp. Các bảo tàng mỹ thuật ở Úc còn có nhà hàng xịn (và giá cắt cổ).

Bước qua cái cổng quét này thì ta gạt hết những bực bội về việc vào Bảo tàng để chìm mình vào các kiệt tác do những bàn tay và khối óc lao động miệt mài và khéo léo nhất tạo ra. Người mê nghệ thuật cũng như Việt kiều, giận thì giận mà thương thì thương, trước khi vào thì khó chịu đủ đường nhưng khi được đặt chân lên nơi mình cần đến rồi thì lại dễ dàng quên hết những cái khó nhọc người ta tạo ra cho mình mà thả hồn vào cái ta yêu mến.

Em xin trích một đoạn trong thư của nhà thơ Xuân Quỳnh viết gửi chồng là nhà thơ Lưu Quang Vũ, nói về việc tham quan ở đây, đoạn thư cho thấy những tâm hồn đồng điệu sẽ có những cảm nhận giống nhau:

"8-6-1978

Anh nhớ thương của riêng em,

Suốt từ hôm đi, chưa lúc nào mở mắt ra được. Muốn viết cho anh ngay, viết nhiều, nhưng bận quá và căng thẳng quá. Hôm em đi trời mưa, chỉ kịp nhìn anh xuống xe đạp và khoác cái mảnh nilông trắng. Em thương nhớ anh muốn khóc nhưng đành phải cười nhạt nhảy lên xe. Em không còn nhớ được em đã nhìn thấy gì cuối cùng trên đất ta ngoài anh và con.

(...) Ở Lêningrat hai ngày, em đi thăm cung điện của Hoàng hậu Catơrin, thăm nhà Puskin, nơi Puskin chết, nơi Puskin đấu súng, Bảo tàng Ecmitage. Trong bảo tàng này có rất nhiều tranh quý của các họa sĩ cổ điển và hiện đại. Không thể nào xem hết được trong hai tiếng đồng hồ, vừa xem vừa chạy như bay. Cuối cùng của phòng tranh là tranh của Léger. Ở đây bà Ina cũng tỏ ra rất hiểu hội họa. Nhưng bà ấy chê bai tranh Léger, bà ấy bảo: “Người ta đề cao tranh Léger sở dĩ ông ấy là người cộng sản”. Tranh Picasô thì nhiều. Em không hiểu hết và tốc độ xem phải lướt nhanh quá. Đáng lẽ anh phải được đi xem Ecmitage mới phải, giá như anh được xem thì chắc anh thích lắm, cuộc đi xem này có ích với anh nhiều hơn với em. Em không làm sao chia sẻ được với anh. Em cảm thấy em đang ở một hành tinh khác, em đang ở "Thiên đường" còn anh và các con đang ở "Địa ngục". Chính vì vậy mà em bồn chồn đau đớn nhiều khi nghĩ về những người thân của mình đang ở những nơi thống khổ đó. Em đi khắp thành phố - thăm nơi Puskin học, thăm cung điện Mùa Hè và hệ thống phun nước của Pierre đại đế. Tất cả đều lộng lẫy, diệu kỳ không thể nào tưởng tượng được là cách đây 2 thế kỷ con người đã làm được những việc như vậy.

(...) Cả thành phố Pétecbua là một thành phố bảo tàng. Các tên phố, tên dòng sông, con đường thường lấy tên các nhà thơ, nhà bác học. Tranh và tượng thì vô vàn, nơi nào cũng có. Có nhiều quảng trường, trong đó có một quảng trường là nhà hát, bảo tàng tranh, bảo tàng cung điện Mùa Đông do hoàng hậu Caterin mua tranh của các nước và lập thành, cung điện Mùa Hè do vua Pierre điều khiển về kiến trúc, chính tay nhà vua mang nhiều tranh ở Hà Lan về trang trí cung điện.

Đứng trước nền văn hóa cao vời vợi của họ, mình thấy mình như đứng trước biển: vô nghĩa và nhỏ nhặt. Em cảm thấy rằng: “Nếu như ta là đơn bào thì họ đã là con người. Nếu như ta là con người thì họ đã là siêu nhân”. Nghệ thuật ở đây đúng là vĩnh cửu, nó vượt qua thời gian và không gian, nó mạnh mẽ vậy nhưng nếu không có người giữ gìn bảo vệ thì nó tan ra như nước như khói. Vậy có lẽ người bảo vệ nghệ thuật còn quan trọng hơn chính nghệ thuật..."
 
Last edited:
Bác đi southern ổn đúng k ạ =)))) có 1 ông cũng từ úc đi nepal mà chửi southern đúng căng =))
KHÔNG ổn tí nào bác nhé. Duy nhất một yếu tố tốt là China Southern nó rẻ. Nếu ai đi một chuyến yên ổn thì sẽ rất khen hãng này vì nó rẻ, còn đi chuyến bão táp như nhà em thì từ nay chừa đến già ạ, hoặc là lần sau đi người không mà không có hành lý. Em định để dành đến cuối topic nhưng mà bác hỏi thì em kể luôn: lúc về Úc, nhà em mất một vali ạ. Hai tháng sau mới đòi được tiền đền bù vali theo cân. Nhưng mà chuyện hành lý còn ly kỳ kéo dài sang tận năm nay cơ ? . Bài cuối em sẽ kể.

Không chỉ một mình em mà hai anh chị họ hàng nhà em cũng bị. Bác vào đọc trang facebook của China Southern Airlines sẽ thấy người ta (Tây, Ta, Tàu) chửi không tiếc lời, vì cứ bay bình thường thì không sao nhưng bất kì sự cố gì xảy ra thì cái hãng này nó sống chết mặc bay bác ạ. Không chỉ thằng CZ mà thằng Aeroflot cũng chuyên làm mất hành lý như cơm bữa, anh chị em bay từ Pháp về Hà Nội transit ở Moskva (vì rẻ) cũng mất hai kiện, may mà hơn một tuần sau nó trả. Cái lỗi làm mất hành lý chủ yếu là do các sân bay làm ăn tệ hại (và trộm cướp) nhưng phần đối xử với hành khách thì của các hãng hàng không, qua chuyến này và kinh nghiệm của nhà chị em thì nên tránh transit ở Nga và Trung Quốc bác ạ vì khâu quản lý hàng không nói chung còn yếu kém, lạc hậu lắm. Nên bác cứ thủ sẵn vài bộ quần áo và tất cả đồ cần thiết trong vali xách tay cho em, hành lý ký gửi để chơi chơi thôi ạ, mất thì thôi, làm sao để đến lúc tính theo cân không bị thiệt như vợ em, phấn son, váy vóc của Úc đem tính theo cân thịt lợn của China Southern, xót xa lắm ạ! Từ đấy trở đi cứ có ai mất hành lý vì đi hai hãng này là vợ em nó lại: "Ối anh ơi, Khánh Thi đi Nga lại mất hành lý đây này!"
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,681
Bài viết
1,135,148
Members
192,382
Latest member
new88markets
Back
Top