Lúc này ta đã ra hẳn khỏi Cung điện Mùa đông và bước vào Cung Hermitage. Hermitage nghĩa là nơi ẩn dật (tu hành), giống như cái vỏ ốc mà con ốc mượn hồn trốn ở trong, là tên Nữ hoàng Catherine đặt cho nơi đặt bộ sưu tập nghệ thuật của bà, nhằm chỉ rằng đây là nơi rất hạn chế người ra vào, mà trong một bức thư bà miêu tả rằng: "Chỉ có ta và những con chuột là được chiêm ngưỡng những kiệc tác này mà thôi". Từ "hermitage" trong tiếng Nga (Эрмитаж) lấy từ tiếng Pháp, nên đọc giống tiếng Pháp, âm "h" là âm câm, đọc là "e(r)-mi-tạz"
Mô hình các kỵ binh mặc giáp từ đầu đến chân (phòng 243) đúng là: một con ngựa sắt, một thanh gươm sắt, một áo giáp sắt và một chiếc nón sắt.
Những con ngựa này được nhồi bông làm tiêu bản, là một hình thức làm mô hình động vật trưng bày rất phổ biến ở các nhà giàu châu Âu (mà ta thường thấy những đầu hươu đầu bò treo tường trên phim). Ở Nga đặc biệt chuộng hình thức này trong các bảo tàng vì có thể trưng bày các mẫu động vật sống động như thật, kỹ thuật này gọi là Taxidermy. Có hai phương pháp bảo quản mẫu vật: theo kiểu truyền thống là ngâm hóa chất và kiểu hiện đại là nhựa hóa. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hiện nay phải nhờ chuyên gia Đức để hỗ trợ làm tiêu bản rùa Hồ Gươm trong 2 năm mới xong, nên để làm chủ công nghệ này không hề đơn giản. Người Nga đã thành bậc thầy của công nghệ này từ thời Xô Viết mà đỉnh cao là một số tiêu bản... à mà thôi.
Người chơi đàn luýt - Caravaggio, khoảng năm 1595, 94 cm × 119 cm, sơn dầu trên vải (phòng 232)
Rất tình cờ em đi ngang qua bức này trên đường đi xem Leonardo da Vinci, chỉ có lác đác vài người đứng xem. Bức này rất đẹp của bậc thầy Phục Hưng Caravaggio với ánh sáng trong tranh mịn màng như lụa. Người chơi đàn trong tranh có vẻ đẹp lưỡng tính, rõ ràng có vẻ đẹp của trai Ý nhưng khuôn mặt lại bầu bĩnh và bàn tay thì nhìn đã thấy đẹp, cho nắm tay chắc không dám cầm mất, quả tóc xù và cầm đàn gẩy nhìn như Lê Cát Trọng Lý, hay là Lê Cát Trọng Lý chọn phong cách từ đây mà ra. Thực ra đến nay người ta vẫn còn tranh luận nhân vật chính là nam hay nữ vì không có chi tiết nào đáng kể thể hiện giới tính của nhân vật và bản nhạc trên bàn là một bài tình ca, đôi môi người ca sĩ đang hờ hững hát theo tiếng đàn. Người ta tạm coi đây là một chàng trai trẻ, và nhiều ý kiến khá hợp lý cho rằng đây là một ca sĩ hát giọng nam cao, tiếng Ý là
Castrato, nghĩa là những ca sĩ nam có giọng cao nhưng đến tuổi dậy thì đã bị... thiến để giữ được giọng cao ấy, hầu và thanh quản sẽ không phát triển làm vỡ giọng. Nhân vật này một lần nữa xuất hiện ở một tác phẩm khác của Caravaggio là Các nhạc công (The Musicians).
Điều thú vị là có đến 3 phiên bản của bức tranh này trên thế giới, một bản thuộc Bộ sưu tập nhà Wildenstein cho bảo tàng Metropolitan Museum of Art ở New York mượn lâu dài, một bản thuộc Bảo tàng Hermitage và một bản mới được đấu giá năm 2007, tìm thấy ở Lâu đài Badminton bên Anh (chính là nơi sinh ra môn cầu lông - badminton). Nhưng bản ở Hermitage này được nhiều chuyên gia cho rằng là bản gốc, vẽ sớm nhất và theo cảm nhận của em là đẹp nhất. Hai bản kia trông người trong tranh dại dại, mặt như bôi sáp và đồ đạc xung quanh thì xấu tệ hại.
Bản của Hermitage mua trực tiếp từ Ý, của một doanh nhân có đến mười ba bức Caravaggio, ngang hàng với bộ sưu tập của Hồng y Francesco Maria Del Monte, là người bảo trợ cho Caravaggio. Vẽ tranh sơn dầu thời trước không phải chuyện đơn giản, tốn công tốn sức còn tốn mực tốn màu nên các họa sĩ rất nghèo, ai muốn sống được bằng nghề thì phải có các đại gia bảo trợ. Mà những đại gia đặt hàng tranh nhiều nhất, trước hết là Nhà thờ (Công giáo). Hồng y Del Monte là người sớm nhận ra tài năng của Caravaggio và bao ăn bao ở cho Caravaggio để ông chuyên tâm vẽ, vậy nên ông mới vẽ được những bức "ngoại lệ" như thế này mà không phải vẽ Chúa với thánh thần. Qua nhiều hình ảnh các nhân vật lưỡng tính trong tranh, từ lâu người ta đã đồn rằng Caravaggio và Hồng y Del Monte có tình cảm đồng tính luyến ái (nôm na là trai bao, dĩ nhiên là tâm hồn phải đồng điệu về nghệ thuật). Dĩ nhiên chỉ là đồn, chẳng có gì chứng minh. Nhưng thực tế ngày nay, việc các linh mục Công giáo và cả Hồng y đều bị cáo buộc với các tội danh lạm dụng tình dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em nam thì việc nhiều chức sắc Công giáo là những người đồng tính ngày càng được khẳng định. Luật lệ của Công giáo không cho linh mục được kết hôn thì việc những người chọn con đường tu hành vì là người đồng tính cũng có thể hiểu được. Nó là một vấn đề mâu thuẫn ngay trong nội bộ Công giáo và làm xói mòn đức tin ở các nước phương Tây phát triển khi mà Giáo hội Công giáo ra sức giáo điều chống đồng tính nhưng người đồng tính lại nắm những chức vụ cao trong Giáo hội. Phim truyền hình
The Young Pope (2016) do Jude Law đóng vai chính công khai nói đến việc này.
Một chuyện khá liên quan một cách tình cờ nữa là trong kho tàng truyện cổ tích Nga, có một chuyện được chép lại bằng tiếng Anh dưới cái tên "Người chơi đàn luýt". Câu chuyện như sau:
Một ông vua sống hạnh phúc với hoàng hậu của mình. Ông này rất thích cà khịa nên hay đi uýnh lộn và may mắn là thường thắng lợi vẻ vang. Nhưng một ngày vận may cạn kiệt, ông đánh nhau với một tay bạo chúa và thua, bị bắt làm tù binh. Ông gửi tin về nhắn vợ là hãy mang tiền đến nước kia mà chuộc ông ra khỏi sới bạc... à quên nhà tù. Hoàng hậu đắn đo suy nghĩ, mình ngon nghẻ thế này, đem tiền đến nơi khéo thằng dê xồm bạo chúa đó nó vừa cướp vừa hiếp thì bỏ mợ, giờ trong triều lại rối loạn, quần thần đang xì xào những nước đi của riêng họ, biết mình đi chuộc chồng, ra khỏi cửa rồi chúng nó đóng bố cửa thành cho hết đường về quê mẹ luôn thì sao. Hoàng hậu quyết định cắt tóc ngắn, giả trang làm một chàng trai, và ra đi với một cây đàn gusli (đàn Đông Âu mà người ta dịch bừa thành đàn luýt - lute).
Hoàng hậu đến yết kiến tay bạo chúa và với ngón đàn chín dây như khóc như than, khiến thằng bạo chúa cũng tan nát lòng. Tay bạo chúa xúc động quá, thưởng cho nàng bất kì điều gì nàng muốn. Nàng nói rằng: "Tôi chỉ cần một kẻ hầu hạ trên đường thiên lý, đức vua cho tôi một tên tù nhân là đủ". Nàng vào ngục lựa hàng và chọn ngay chồng mình. Họ quay trở về nước mà ông vua không hề biết đó là vợ mình. Nàng thả cho ông vua tự do khi về đến cổng thành. Ông vua vào đến cung, đặt đít lên ngai vàng là bắt đầu chửi, đầu tiên là chửi vợ vì không chuộc mình. Rồi hắn chửi vợ vì biến mất không ở trong cung. Đi cho khuất mắt thì cũng chẳng sao, nhưng ông vừa về thì mày cũng mới mò về. Tức mình, hắn chửi ngay con vợ lăng loàn không chung thủy.
Nàng buồn quá không biết làm gì, đành giở bộ đồ nghề cosplay ra và lại vác cây đàn vào xin yết kiến nhà vua. Vua nhìn thấy ân nhân thì chạy ra tận cửa hồ hởi phấn khởi và hứa thưởng cho người chơi đàn bất kì điều gì nàng muốn. Nàng nói rằng: ta chỉ cần chàng thôi (và lột đồ trước mặt tên vua vừa ngu vừa số hưởng).
Vậy là câu chuyện này cũng có hai chi tiết quan trọng là trai-gái lẫn lộn và bài ca về tình yêu, tương tự như bức tranh nổi tiếng kia vậy. Có lẽ vì thế mà Catherine mua chăng?
Toàn bộ cánh Đông Bắc của Cung Hermitage dành cho các tác phẩm Ý. Đây là bức tượng Câu bé cúi người của Michelangelo, khoảng 1530-1534, 54 cm, đá cẩm thạch.
Đây là lần đầu tiên em được thấy một tác phẩm của Michelangelo (tiếng Việt hay dịch là Mi-ken-lăng-giơ). Đây chỉ là một tác phẩm chưa hoàn thành nhưng người ta cũng không chắc là nó chưa được hoàn thành hay tác giả cố ý bỏ nó dang dở như thế với những nhát đục thô ráp không cần mài giũa. Cái làm cho Michelangelo trở nên nổi tiếng không chỉ ở tay nghề bậc thầy, sự am hiểu về cơ thể con người, từng đường gân khối bắp mà chủ yếu là ở cái tinh thần của tác phẩm. Cơ thể của cậu bé này đạt những chuẩn mực của một thanh niên cứng, đầy đủ phẩm chất của những mỹ nam Phục Hưng nhưng như bị một lực vô hình đè nặng lên vai lên cổ, cúi đầu, gò mình như đang nhổ gai ra khỏi chân. Tác phẩm ở giai đoạn này phản ánh một Michelangelo đã trưởng thành sâu sắc về nghệ thuật, không còn theo đuổi những bức tượng hoàn mỹ như David, với những thanh niên cường tráng, đẹp tựa thánh thần, mà quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của nhân vật. Những tác phẩm cùng thời điểm của ông thể hiện sự bàng hoàng trước cuộc tấn công đô hộ gây ra bởi Vua Charles V của Đế quốc La Mã thần thánh, nhằm khuất phục các tiểu vương quốc Ý (chưa thống nhất).
Đức mẹ và Chúa hài đồng (Madonna Litta), Leonardo da Vinci, 1490, 42 cm × 33 cm, tempera trên vải (nguyên bản trên gỗ) (phòng 214)
Đến gian có hai bức của Leonardo da Vinci thì đông nghịt, người đứng lố nhố, hai bức tranh đều cho vào khung kính, chăng dây cẩn thận. Quyển sách đầu tiên về Mỹ thuật phương Tây mà bố mua cho em là quyển Leonardo da Vinci, nên em bắt đầu có cảm tình với nghệ thuật là từ những bức Đức mẹ của ông. Tiếc thay phương tiện truyền thông đại chúng, cộng thêm tiểu thuyết Mật mã Da Vinci của Dan Brown và những giai thoại quanh cuộc đời của họa sĩ bác học đa tài này đã khiến cho thông tin về ông càng ngày càng rối mù, người biết thì đâm ra hoang mang, người không biết thì càng mù tịt và hàng người thì vẫn nối đuôi nhau hằng ngày hành xác ở Louvre để selfie với nàng Mona Lisa. Ngay bức tranh này đây cũng có những kẻ nghi hoặc nói rằng không phải ông mà là học trò của ông vẽ, một phương thức phổ biến lúc bấy giờ, nhưng bằng con mắt của em thì em vẫn nghĩ đây là của ông, vì cái phong cách creepy này không lẫn đi đâu được, làm cho người xem cảm thấy như nhân vật trong tranh đang sống và nhìn mình, nền tranh luôn tôi tối, ai yếu tim vẫn thấy vừa tôn nghiêm vừa sờ sợ.
Đức mẹ và Chúa hài đồng với hoa (Benois Madonna), Leonardo da Vinci, 1478, sơn dầu trên vải, 49.5 cm × 33 cm
Giống như nhiều họa sĩ thời Phục Hưng, Leonardo da Vinci nghiên cứu kĩ càng về giải phẫu học, để hiểu tường tận về cơ thể con người, xóa bỏ những rào cản về nghiên cứu xác chết do Giáo hội đặt ra (thực ra vẫn phải mổ chui). Chỉ có từ giai đoạn này, các họa sĩ phương Tây mới có thể vẽ những bức tranh với những nhân vật trong tranh như thật, với luật phối cảnh và hình khối 3D, chủ yếu là nhờ kiến thức về cơ thể người mà Leonardo da Vinci là người đi đầu với những bản thảo giải phẫu còn lưu lại đến ngày nay. Người châu Á vẫn mãi dừng lại ở tranh 2D, khi mà các nhân vật trong tranh cứ nằm dẹt trên mặt phẳng, không có chiều sâu, luật viễn cận.
Các họa sĩ Ý Phục Hưng, đặc biệt là Leonardo da Vinci vẽ một bức tranh rất rất cầu kỳ, riêng phần phác thảo bút chì có khi phải làm hàng chục bức, những bức phác thảo của Leonardo giờ đây còn giá trị hơn cả tranh của nhiều họa sĩ khác, và nhờ những bức phác thảo này mà ta biết đâu là tranh thật. Ví dụ như bức Benois Madonna này có hai bức phác thảo còn lưu giữ ở Bảo tàng Anh, qua đó khẳng định đây là tranh của ông. Tranh sơn dầu được vẽ bằng nhiều lớp màu, lớp dưới cùng chỉ đơn sắc hoặc gồm những màu cơ bản nhất, rồi phủ lên các lớp màu đa dạng bên trên sau khi lớp đầu tiên đã khô, cuối cùng là lớp láng (bằng dầu trong suốt) để bảo vệ màu và tạo độ bóng. Nhờ thế mà màu của tranh rất đều và siêu bền, đến tận bây, giờ sau cả nửa thiên niên kỷ mà màu của đa số tranh vẫn còn nguyên. Các bác thử nghĩ xem, ở nước mình cái thành bằng đá to như Thành nhà Hồ còn nát như vậy mà bức tranh ở đây còn nguyên đủ thấy nó giá trị như thế nào, dĩ nhiên là ngày nay người ta bảo tồn và gìn giữ rất cẩn thận nhưng đa phần lớp màu nguyên bản của tranh vẫn thế.
Hành lang nối các phòng với những cánh cửa rất cầu kỳ mà trông không hoa hòe rối rắm.
Khắp cung điện là những bức tượng đá nhỏ cực kỳ tinh xảo. Tượng dũng sĩ cầm cung bắn chim bằng cẩm thạch, chim còn đây mà cung đi đâu rồi. Những nếp vải trên tượng, nếu cho các bác nghệ nhân ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng bây giờ chạm khắc chắc các bác cũng chịu.
Chú thích cho Khải hoàn môn tí hon và bàn ốp đá quý
Khải hoàn môn và cái bàn này thôi mà dùng tưng này loại đá quý và bán quý: đá hoa cương đen, malachite, lapis lazuli, agate, jasper, chalcedony, amethyst. Làm tại Florence, cuối thể kỉ 18, đầu thế kỉ 19. Trên Khải hoàn môn có hai dòng chữ La Tinh mà chú thích tiếng Nga ghi sai dòng thứ hai:
Hic vir hic est (nghĩa đen: đây, đây chính là người đàn ông ấy): Bắt nguồn từ sử thi Aeneid của Virgil. Sau khi thành Troy thất thủ, Aeneas chạy sang Ý, và được xuống âm phủ để nhìn thoáng trước tương lai. Anh thấy được những ngày vinh quang của Rome ở phía trước và Augutus Caesar xuất hiện mang trên mình dòng chữ "Hic vir hic est".
Non surrexit maior (nghĩa đen: không ai có thể vĩ đại hơn người này): Trích trong kinh thánh tiếng La Tinh, (đoạn Matthew 11:11)
Bức tượng quá đẹp, lần đầu tiên thấy người ta dùng đá hoa cương đen tạc tượng người da đen, nhìn tượng da trắng quen rồi. Tượng một người phụ nữ Ma-rốc (Moor), cuối thế kỉ 17 trông đẹp như một bức tượng La Mã. Người Moor là người gốc Ma-rốc ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Bắt đầu bội thực với tranh Tây, em mò xuống tầng 1, lại đi qua cầu thang Jordan, đây là trần nhà, làm tạm cái bánh ở quán cà phê, rồi tiếp tục lang thang tầng 1. Tầng 1 toàn đồ cổ, cổ đại luôn ấy ạ, khoản này thì em không mê lắm, bác nào mê Hy La Ai Cập thì tha hồ xem.