What's new
Ngày 22/12 là ngày Hạ chí ở Úc, đã chín rưỡi tối mà mặt trời chưa lặn hẳn, hoàng hôn vẫn còn lấp ló ở cuối chân trời thành phố. Giật mình nhớ ra, đã nửa năm kể từ chuyến đi Nga xem World Cup cũng vào ngày Hạ chí (22/6). Mấy lần vào Phượt hóng hớt xem có ai kể chuyện đi xem World Cup không nhưng đều không thấy, phần em lại quá lười, vả lại cũng sợ hiểu biết còn nông cạn, kể chuyện đi Nga khác nào múa rìu qua mắt các bậc lão làng ở đây nên cứ chần chừ mãi không viết. Thế mà đến mãi hôm nay là Tết mới vội hí hoáy viết vài dòng, tự lưu lại làm kỷ niệm, bởi trí nhớ con người vốn tồi tàn, nếu không viết ra, nhiều chi tiết trong đầu đã dần rơi rụng mất.

Em không lớn lên với văn học Nga, không học tiếng Nga, bố mẹ không ai đi Nga, nhưng giống nhiều người Việt Nam vẫn có một tình cảm gì đấy với nước Nga rộng lớn, vậy nên bài viết này chỉ hoàn toàn là cảm nhận của một khách du lịch đi Nga vào một dịp rất đặc biệt là FIFA World Cup 2018, lại sống ở Tây, nên có lẽ sẽ khách quan và khác với cảm nhận của nhiều bác khác trên Phượt, có điều gì chưa phải, mong các bác vào bổ sung thêm kiến thức cho em với ạ. Nghĩ đi nghĩ lại em quyết định viết theo thứ tự thời gian vì như thế đỡ bỏ sót sự việc, mỗi tội sẽ rất dài dòng!
154803
 
KHÔNG ổn tí nào bác nhé. Duy nhất một yếu tố tốt là China Southern nó rẻ. Nếu ai đi một chuyến yên ổn thì sẽ rất khen hãng này vì nó rẻ, còn đi chuyến bão táp như nhà em thì từ nay chừa đến già ạ, hoặc là lần sau đi người không mà không có hành lý. Em định để dành đến cuối topic nhưng mà bác hỏi thì em kể luôn: lúc về Úc, nhà em mất một vali ạ. Hai tháng sau mới đòi được tiền đền bù vali theo cân. Nhưng mà chuyện hành lý còn ly kỳ kéo dài sang tận năm nay cơ ? . Bài cuối em sẽ kể.

Không chỉ một mình em mà hai anh chị họ hàng nhà em cũng bị. Bác vào đọc trang facebook của China Southern Airlines sẽ thấy người ta (Tây, Ta, Tàu) chửi không tiếc lời, vì cứ bay bình thường thì không sao nhưng bất kì sự cố gì xảy ra thì cái hãng này nó sống chết mặc bay bác ạ. Không chỉ thằng CZ mà thằng Aeroflot cũng chuyên làm mất hành lý như cơm bữa, anh chị em bay từ Pháp về Hà Nội transit ở Moskva (vì rẻ) cũng mất hai kiện, may mà hơn một tuần sau nó trả. Cái lỗi làm mất hành lý chủ yếu là do các sân bay làm ăn tệ hại (và trộm cướp) nhưng phần đối xử với hành khách thì của các hãng hàng không, qua chuyến này và kinh nghiệm của nhà chị em thì nên tránh transit ở Nga và Trung Quốc bác ạ vì khâu quản lý hàng không nói chung còn yếu kém, lạc hậu lắm. Nên bác cứ thủ sẵn vài bộ quần áo và tất cả đồ cần thiết trong vali xách tay cho em, hành lý ký gửi để chơi chơi thôi ạ, mất thì thôi, làm sao để đến lúc tính theo cân không bị thiệt như vợ em, phấn son, váy vóc của Úc đem tính theo cân thịt lợn của China Southern, xót xa lắm ạ! Từ đấy trở đi cứ có ai mất hành lý vì đi hai hãng này là vợ em nó lại: "Ối anh ơi, Khánh Thi đi Nga lại mất hành lý đây này!"
hehe em thì xưa h chỉ vnair mà táng vì có vé thui chứ còn chưa ra khỏi mạng bay của vnair =))))))))0
 
Sau khi đi qua Hành lang sứ thần (Ambassadors' entrance) thì nơi đầu tiên chúng ta bước vào cung điện là Cầu thang Jordan (Jordan staircase). Cầu thang được đặt tên như vậy vì vào Lễ Ba vua, Sa hoàng sẽ bước xuống từ cầu thang này để làm nghi thức "ban phước" cho nước sông Neva trở thành "thánh thủy", mô phỏng việc Chúa được rửa tội ở sông Jordan. Cầu thang này cũng là lối lên Đại Sảnh chính của cung điện, là nơi đầu tiên đón tiếp khách đến chơi nhà, nên nó lộng lẫy và gây ấn tượng vô cùng. Cầu thang kiểu này gọi là Cầu thang Hoàng đế (Imperial staircase), là dạng cầu thang sang trọng nhất ở các cung điện châu Âu, thường chỉ dành cho cung vua phủ chúa, Nó chạy từ tầng 1 lên chiếu nghỉ ở giữa tầng rồi chia làm hai nhánh hai bên. Trong trường hợp cầu thang Jordan này là dạng cầu kì nhất, hai nhánh hai bên lại có chiếu nghỉ và vòng ngược lại để lên tầng hai.

Johrdan_staircase.jpg

Em dùng tranh vẽ của họa sĩ Konstantin Ukhtomsky (vẽ năm 1866) để minh họa. Rất khó chụp ảnh cầu thang này và chụp cũng không đẹp vì người quá đông, chen nhau mà đi nên các bác có thể tham khảo ảnh ở Wikipedia (https://en.wikipedia.org/wiki/Jordan_Staircase_of_the_Winter_Palace)

Nhà hát lớn Hà Nội cũng có cầu thang dạng này nhưng rất đơn giản, sau chiếu nghỉ đầu là lên đến tầng hai luôn. Qua đó có thể thấy dạng cầu thang này về sau được áp dụng cho các nhà hát, công trình công cộng mà thường xuyên có hai dòng người đi lên và đi xuống. Cũng để phục vụ hai dòng người thì có dạng Cầu thang đôi (Double staircase gồm hai cái cầu thang hai bên chập vào giữa) tuy cũng đẹp nhưng kém sang hơn hẳn, là dạng cầu thang ở Thương xá Tax. Cầu thang Hoàng đế loại bé thì các bác có thể xem lại đoạn ở Bảo tàng Trứng Fabergé bên trên.

Các đại gia ở ta nhiều khi cũng muốn học theo nên thường làm cầu thang kiểu này chính giữa nhà của các Château de Hai Hau, Château de Phu Ly, Château de Van Quan v..v.. Những "lâu đài" này nhìn đã thấy lợm giọng. nhưng nhìn vào cái cầu thang giữa nhà lại càng buồn cười vì các đại gia xây lâu đài nhưng không biết rằng miếng đất của mình quá bé, nhà thì xây cao tầng, diện tích cho cầu thang lại tiết kiệm nên hậu quả là cái cầu thang chật ních và dốc dựng đứng (căn bản là nhu cầu cũng chỉ phục vụ vài người trong nhà, không phải mục đích phục vụ khách như ở các cung điện thực sự). Tội nghiệp hơn là không biết gì về phong thủy nên lại tương ngay cái cầu thang dựng ngược ấy chính giữa nhà.

Như ở Cung điện mùa đông này, cái cầu thang nằm về bên tay phải, lệch hẳn một bên nhà nên nó rất hợp lý về phong thủy. Diện tích dành cho cái cầu thang to bằng cả một phòng lớn, dùng đến hai tầng chiếu nghỉ nên bậc thang mới không dốc. Các bác đại gia chắc chắn không thiếu tiền, chỉ là các bác không gặp được kiến trúc sư có học thôi, những tay kiến trúc sư làm ra những lâu đài (nát) có chóp kia thật đáng giận, chẳng đáng thương chút nào vì chỉ sao chép ăn cắp một cách cẩu thả để sản xuất hàng loạt những lâu đài dị dạng trải dài khắp nơi từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, ngày một nhiều, và ngày một quái gở với những trang trí diêm dúa không khác nào ghẻ lở trên những bức tường đá hoa cương đắt đỏ vô tội (vạ) kia.

IMG_2306_副.jpg

Không có cái ảnh nào tử tế nên dùng tạm ảnh này vậy ạ.

Cầu thang này còn đẹp ở chỗ 2/3 mặt tường có những ô cửa sổ lớn lấy sáng tự nhiên. Mặt còn lại cũng làm hình các ô cửa sổ nhưng lắp gương, ban ngày thì sáng sủa mà ban đêm thì chắc hẳn các bóng đèn bật sáng, phản chiếu lên các chi tiết dát vàng sẽ lộng lẫy lắm. Sau lưng là hai bức tượng Nữ thần Công Lý (cầm cân) và Nữ thần Trí Tuệ (cầm vòng nguyệt quế). Có tất cả tám bức tượng thần bằng đá thạch cao alabaster trên tám cột (tập hợp từ thần thoại Hy Lạp và La Mã), trên trần nhà là cảnh các vị thần Hy Lạp ngồi trên đỉnh Olympus đàm đạo.

Giới quý tộc Anh vốn sống trong những lâu đài không quá cầu kì nên khi sang Nga thì đều choáng váng trước những cung điện của Sa hoàng và Quý tộc. Nói về sự xa xỉ và cầu kì thì bọn Nga không thua nước nào ở châu Âu. Và em vẫn thấy thích kiểu Nga này hơn là kiểu Pháp, kiểu Tây Ban Nha, cùng là Ba-rốc nhưng bọn Pháp và Tây Ban Nha luôn chuộng hào nhoàng, diêm dúa, trang trí dày di dày dít mà không có điểm nhấn, khoảng nghỉ, trông ngạt thở. Trong phim Downton Abbey, một bà mệnh phụ của Anh gặp lại người tình cũ là hoàng thân nước Nga (nay đã tị nạn ở Anh, sống trên gác xép nhà phố) vẫn nhắc lại những kỷ niệm ngọt ngào đi dẩy đầm trong Cung điện Mùa đông, không có nơi nào lộng lẫy hơn được. Điều này phản ánh một sự thật là có rất nhiều ghi chép của giới quý tộc Anh (vốn mê ghi chép và viết thư) kể về những lần sang Nga chơi và tìm chồng/ tìm vợ (vì lấy được một ông quý tộc Nga, nói tiếng Pháp thì coi như trúng số, sống an nhàn đến hết đời... à mà lúc ấy chưa ai biết là sẽ có đồng chí U-li-a-nốp).

Giờ khi kiểm tra lại ảnh thì mới thấy nhiều khi mải xem, chẳng chụp mấy ảnh cả. Sau cầu thang Jordan là đến Sảnh Nguyên soái, phòng lớn đầu tiên trong một loạt các Đại sảnh của Cung điện. Phòng này toàn đá cẩm thạch trắng, trên tường treo tranh vẽ các đồng chí Tổng tư lệnh - Nguyên soái của Đế quốc Nga. Ý rằng có lẽ đây là những thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ nên đặt làm phòng đầu tiên. Do kĩ thuật xây dựng tiên tiến hơn và khác biệt về quan niệm, nên ở phương Tây các cung điện thường là một tòa nhà rất rộng và nhiều phòng, khác với các cung điện ở phương Đông thường gồm một Điện riêng lẻ hoặc mỗi cung chỉ gồm vài phòng nhỏ. Tiếp đến là Sảnh Ngai vàng của Peter Đại đế. Sảnh này gọi là sảnh nhỏ để phân biệt với Chính điện to hơn phía sau. Sảnh này dành để tôn vinh Peter, người đã không quản rét mướt, ngập lụt để chuyển kinh đô về đây, và cho xây dựng cung điện này. Dù Cung điện xây lúc đó đã không còn nữa nhưng ngai vàng thì vẫn còn một phiên bản khá giá trị: Ngai làm bằng bạc mạ vàng năm 1731 tại Anh để chuẩn bị cho việc dời lại thủ đô từ Moskva (một năm sau khi Peter Đại đế chết, quần thần đã ép vua mới chuyển ngay kinh đô về Moskva).

IMG_4340.JPG

Tường phòng bọc nhung đỏ thẫm, sau nhiều năm các hoa văn đã xỉn màu và mục nát dần. Kĩ thuật làm sàn gỗ này gọi là parquet khá cầu kì, trong cung điện được cái là không bắt khách phải đeo túi bóng vào chân, được đi lại thoải mái, trừ giày cao gót, nhưng riêng phòng này có ngăn dây lại không cho khách lại gần, có lẽ sợ mấy ông Nga nặng hàng tạ ngồi lên thử ghế. Ngai vua này cũng bé như ngai triều Nguyễn ở ta thôi, người Tây ngày trước không phải là quá to như ta vẫn tưởng, giờ cứ ai ăn uống đủ là to cao hết, không phải do gien.

Sảnh này sau thời Peter Đại đế là nơi để các Sa hoàng, Nữ hoàng mở tiệc mừng năm mới, mời các phái đoàn ngoại giao nước ngoài. Tiếp đến là Phòng Khánh tiết rất rộng, tất cả các cột đều mạ vàng nguy nga dùng để nhảy múa... à khiêu vũ, có hai tầng, tầng trên chắc để đứng soi gái.

Bác này đang nói chuyện phục chế mấy cái đèn trong phòng này nhưng nghe như vịt nghe sấm ạ, đăng để các bác xem cho dễ hình dung

Cạnh sảnh này là Hành lang quân đội, treo chân dung mấy trăm ông Tướng Nga trong Chiến tranh chống quân xâm lược Bành trướng Paris, cầm đầu bởi tên phản động Napoleon. Cuối hành lang là tranh Sa hoàng Alexander Đệ Nhất cưỡi ngựa oai phong, dù có đốt cháy cả Moskva cũng quyết tâm đánh bại Napoleon Đệ Nhất.

IMG_4341.JPG

Hành lang Quân đội

Phòng tiếp theo và là phòng lớn nhất trong Cung điện, gọi là Điện Thánh George. Đây là nơi diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng nhất của đất nước: lễ đăng quang, lễ trình quốc thư, lễ quốc tang, các buổi đại triều. Ngày cắt băng khánh thành Điện này là 26/11/1795, nhằm vào ngày Thánh George nên đặt tên như vậy. Điện này hết cháy lại hỏng kết cấu kha khá lần và mỗi lần sửa rất tốn kém vì không đủ đá để ốp. Sau năm 1930 thì Ngai vàng bị đưa ra khỏi cung điện và thay vào đó là một bản đồ bằng đá của Liên bang Xô viết. Điện bị bỏ hoang tàn và xuống cấp cho đến năm 2000 người ta mới bắt đầu khôi phục lại hào quang vốn có của nó, là trung tâm chính trị của Đế quốc Nga.

IMG_4395.JPG

Trong Điện có rất nhiều bình bằng đá malachite (xanh ngọc lam) và lapis lazuli (xanh tím than) là đặc trưng của Cung điện Mùa đông. Các cung điện khác ở Nga hay ngay cả Giáo hoàng ở Vatican có những bình này cũng đều là quà của Sa hoàng tặng cả. Độ kì công để chọn từng miếng đá có vân khớp nhau để ghép thành cái bình với vân chạy đều xung quanh phải nói là đáng khâm phục. Dĩ nhiên là những cái bình này nó chỉ hợp ở những nơi thế này, chứ đẹp mấy mà đem đặt vào mấy tòa nhà công sở ở ta thì cũng không ăn nhập, coi như vứt. Cái mốt đặt những cái lục bình khổng lồ bằng gỗ ở ta càng ngày càng đáng sợ khi phòng thì bé mà cái lục bình nó chiếm hết cmn một góc phòng rồi.


IMG_4400.JPG

Các bạn Trung Quốc đúng là luôn chân luôn tay, vừa chụp ảnh vừa nghe thuyết minh thật là năng động

IMG_4398.JPG

Toàn cảnh Điện Thánh George

IMG_4396.JPG

Ngôi cửu trùng của nước Nga chỉ có bảy bậc. Nếu tính một bậc mím mím ở trên cùng và cái ghế đặt chân nữa thì cũng chín bậc.


Căn phòng này cũng là nơi Sa hoàng Nicholas II đã làm lễ khai mạc Duma Quốc gia Nga, tức là Hạ viện do dân bầu ra vào ngày 27/04/1906 (Lịch Nga). Sau Cách mạng Nga 1905, Nicholas Đệ Nhị miễn cưỡng phải thành lập Duma Quốc gia nhằm xoa dịu dân chúng đang phẫn uất vì sự cai trị hà khắc của giới Quý tộc Nga và ngăn chặn giai cấp tư sản, đang bị kìm kẹp, làm cách mạng. Lần đầu tiên trong lịch sử, những người dân thường, đại biểu của nhân dân, là những nông dân công dân được bước vào căn phòng này. Nhìn thấy cảnh nguy nga tráng lệ ở đây chỉ càng làm tăng thêm sự thù hận của công nông, những người đứng bên phía quý tộc ghi lại rằng những đại biểu công nông biểu lộ vẻ mặt cực kỳ tức giận và thù hằn. Sa hoàng tưởng như cứu vãn được chế độ với việc đưa ra Hiến pháp 1906 và thành lập Duma Quốc gia nhưng thật sự vẫn muốn nắm quyền lực tuyệt đối, coi Duma là bù nhìn, và giới quý tộc thì vẫn nắm Thượng viện. Vì vậy buổi lễ này cũng coi như dấu chấm hết cho chế độ phong kiến tập quyền ở Nga với hai cuộc cách mạng tiếp theo sẽ diễn ra sau mười năm nữa cùng bởi những người thuộc Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga.

Từ ngày 10-25/04/1906 (lịch Nga), hai ngày trước khi Khai mạc Duma, Đại hội lần thứ 4 của Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga ở Stockholm, Lê Tiên Hoàng tương lai của Xô triều vẫn còn đang bị phe Melshevik, đứng đầu là Julius Martov chỉ trích vì hay kích động bạo lực. Martov và Đảng giành được 18 ghế trong Duma đầu tiên, xếp hạng cuối cùng, những người Bolshevik chưa có một ghế nào, dù trong đại hội này vẫn bầu ra 3 người Bolshevik vào Trung ương Đảng.

Bundesarchiv_Bild_183-H28740,_St._Petersburg,_Eröffnung_der_Parlamente.jpg

Buổi lễ lịch sử khai mạc Duma Quốc gia lần thứ nhất. Giới quý tộc đứng bên trái, giới bình dân bên phải đang lắng nghe Sa hoàng đọc diễn văn.

IMG_4397.JPG

Một bức tượng nhỏ bằng ngà rất tinh xảo trong một tủ kính trưng bày trong phòng. Tượng vua Ba Lan Augustus II, khoảng giữa thế kỉ 18, mang về đây năm 1851 từ Cung Kunstkamera
 
Last edited:
IMG_2311_副.jpg

Từ cửa sổ cung điện nhìn ra sông và thành phố. Đúng là một cung điện khá lạ vì có view như kiểu khách sạn trong phố, không quá cách biệt với nhân dân. Thế mà vẫn chả biết nhân dân đói khổ ra sao. Sở dĩ cung điện này nằm ngay trong phố là vì giờ có mấy cái cầu, chứ trước đây Peter Đại Đế cấm bắc cầu qua sông Neva nên Cung điện này nằm hoàn toàn trên một hòn đảo.

Sau Đại điện St George thì bạn bắt đầu lạc vào mê hồn trận, bốn phương tám hướng là những dòng người, đi theo hướng nào cũng có thứ để xem, đi vào phòng nào cũng thấy người ta chụp ảnh, à ồ, tặc lưỡi, gật gù và chép miệng.

IMG_4401.JPG

Đồng hồ Con công (Phòng 204). Đúng là một tuyệt tác đồng hồ. Do nhà kim hoàn người Anh James Cox chế tạo.

Đồng hồ từ xưa đến nay vẫn luôn là một tài sản giá trị và được coi như đỉnh cao của nghệ thuật kim hoàn và cơ khí vì không chỉ yêu cầu độ chính xác rất cao, nó còn yêu cầu tính thẩm mỹ xuất sắc. Người phương Tây đã trở thành những bậc thầy chế tác đồng hồ cơ khí từ khi khoa học và công nghệ phát triển sau thời Phục Hưng. Nước nào có trình độ kỹ thuật tiên tiến và giàu có nhất đều là những nước sản xuất đồng hồ tốt nhất. Người Hà Lan vào thế kỉ 17 (cụ thể là nhà bác học Christiaan Huygens), khi đang đạt đến thời kì đỉnh cao của khoa học công nghệ, còn gọi là Kỷ nguyên vàng Hà Lan, đã phát minh ra đồng hồ quả lắc có thể kiểm soát thời gian chính xác đã khiến người phương Đông coi như một món đồ cực kỳ tinh xảo. Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có miêu tả chi tiết với sự thích thú và kinh ngạc:

“Văn Tú lại chế tạo một cái đồng hồ hạng trung… đo với bóng mặt trời mà nghiệm thì rất đúng. Văn Tú là người xã Đại Hào, huyện Đăng Xương. Khi trẻ đi học ở nước Hòa Lan, học hai năm biết được nghề, có thể chế các hạng đồng hồ và làm được kính thiên lý rất khéo. Văn Tú lại làm một cái đồng hồ cũng như cái đồng hồ của họ Nguyễn đã giao cho chữa lại. Nhưng về mặt trước, phía trong có thêm 2 bánh xe đồng, có lỗ thông ra ngoài ở hai bên tả hữu cái kim. Phía tả có 60 phiến đồng khắc chữ từ giáp tý đến quý hợi, phía hữu có 30 phiến đồng khắc từ mồng 1 đến ngày 30. Hễ gặp ngày nào thì hai bên hiện chữ ra, hết vòng thì trở lại, thật là tuyệt diệu.”

Vậy là thời bấy giờ, nước ta cũng đã có người đi du học tận Hà Lan vì sự hấp dẫn của khoa học kỹ thuật hiện đại, điển hình là nghề chế tác đồng hồ. (Tiếc thay nước ta lại đóng cửa với thế giới sau đó và không bao giờ ngóc đầu lên được nữa). Sau khi ngành hàng hải bị người Anh thống lĩnh, đoạt ngôi đầu bảng của Hà Lan, thì nước Anh lại trở thành trung tâm sản xuất đồng hồ của thế giới, khi mà đồng hồ vẫn chỉ dành cho giới giàu có vốn toàn là các tỷ phú thời gian. James Cox chế tạo đồng hồ Con công này theo tinh thần đó, là những vật trang trí mỹ miều, không đụng hàng theo đơn đặt của từng khách. Đồng hồ chỉ thực sự trở thành một vật phẩm phổ biến rộng rãi, kể cả giới trung lưu cũng mua được khi mà người Mỹ bắt tay vào sản xuất hàng loạt sau đó.

Đồng hồ thời xưa phải lên dây cót mới chạy được nên ngày thường đồng hồ này không hoạt động. Các bác xem tạm video để thấy đồng hồ hoạt động ra sao.

Ở các gia đình quý tộc ở châu Âu, vào mỗi sáng sẽ có một người hầu nam chuyên đi vặn dây cót cho tất cả đồng hồ trong nhà, người này thường có hiểu biết cơ bản về đồng hồ để chỉnh sửa lặt vặt nhưng nếu hỏng nặng hay sứt mẻ, rơi vỡ thì phải gọi thợ, mà thợ nhiều khi chỉ thủ đô mới có, cái bé thì còn gửi đi sửa được chứ cái to thì ông thợ phải đích thân đi, bắt tàu xe đi nếu gia đình đó không ở thủ đô, rồi bao ăn ở, nên chơi đồng hồ ngày xưa là thú vui rất là tốn kém, giống như các bác bây giờ chơi xe sang ấy ạ.

IMG_4402.JPG

Cái phòng đặt Đồng hồ Con công này cũng rất đẹp, Đây là chỗ các chị em, à các quý bà quý cô ngồi uống trà chém gió. Chỉ một góc nhỏ vậy thôi cũng thấy nó cầu kỳ và tinh xảo đến từng góc cạnh. Xem đây mới thấy cái xa hoa của vua chúa phương Đông vẫn còn nghèo và giản dị lắm. Ví như Di Hòa Viên, chạm khắc và trang trí không là gì so với ở đây cả.

IMG_4403.JPG

Đức mẹ và Chúa hài đồng dưới cây táo (1530) (Hành lang 255 - chuyên sỉ lẻ hàng Đức) của Lucas Cranach (bố). Lucas Cranach (bố) là danh họa nổi tiếng nhất thời Phục Hưng ở Đức, bạn thân của Martin Luther nên đã đi vào lịch sử là một trong những danh họa đầu tiên diễn tả các tích trong Kinh Thánh dưới niềm tin Tin Lành. Các bác thấy Đức mẹ kiểu Đức này trông khác hẳn Đức mẹ kiểu Ý quen thuộc của các danh họa Phục Hưng đa phần là người Ý hoặc học ở Ý (nơi rất cuồng Công giáo).

IMG_4404.JPG

Sau hành lang Đức là đến gian hàng Hà Lan (từ 249 - 254, 257). Hà Lan là phần em thích nhất vì trông cái gì cũng thật, không xa vời hoa lá cường điệu bốc phét như bọn Nam Âu và Pháp.

IMG_4406.JPG

Trên trần thạch cao rất cầu kỳ, có khắc hình và tên của các họa sĩ nổi tiếng nữa: ở đây viết sai chính tả, đúng phải là "David Teniers" chứ không phải "David Tenier
", mà có đến ba đời nhà ông David Teniers đều nổi tiếng là David Teniers (I - bố), David Teniers (II - con), David Teniers (III - cháu), không biết đây là vẽ ông nào (!?)

IMG_4405.JPG

Một tòa nhà bên kia đường, nhìn từ cửa sổ. Ngoài trời vẫn mưa nên phố vắng, trong mấy tòa nhà này có lẽ cũng chia buồng như phố cổ nhà ta?


IMG_2629.JPG

Trong phòng Flanders (phòng 247) thì có bức Roman Charity (dịch là Lòng hiếu thảo La Mã) (1612) này của Rubens là đỉnh nhất. Đây là tích truyện rất nổi tiếng rồi, chắc nhiều bác đã biết vì sao lại vẽ một ông già bú cô gái trẻ. Đầy là tích truyện ngụ ngôn từ thời La Mã, giống như kiểu truyện Nhị thập tứ hiếu ở ta, ông bố này là Cimon bị kết án tử hình nhưng lại dã man bằng phương pháp xử tử là bỏ đói trong tù. Cô con gái Pero vào thăm bố không được mang theo đồ ăn gì nên đã dùng bầu ngực để cho bố bú nhằm kéo dài sự sống. Cai ngục đợi mãi mà ông này không chết nên mới sinh nghi và theo dõi thì phát hiện sự việc. Quan tòa động lòng và quyết định tha tội chết cho Cimon. Đại loại câu chuyện từ quan chí dân không sống và làm việc theo pháp luật là thế.

Flanders là vùng đất thuộc Bỉ nói tiếng Hà Lan. Bản chất chính là người Hà Lan, nhưng khi nước Hà Lan độc lập và theo Tin Lành thì dân ở đây vẫn trung thành với nước Pháp và theo Công giáo, tạo thành nước Bỉ. Như kiểu đồng bào đi đạo theo Chúa vào Nam vậy. Kết quả là nước Bỉ ngày nay có hai nửa, phía Bắc nói tiếng Hà Lan, phía Nam nói tiếng Pháp, cứ bầu cử là 50:50, đến mệt. Nên phong cách ở đây có pha lẫn giữa Hà Lan và Pháp, không tự do như Hà Lan nhưng cũng không khuôn thước như Pháp. Vùng Antwerp của Bỉ nhờ giao thương với Hà Lan nên rất giàu có và sản sinh ra nhiều danh họa trong đó đỉnh cao là Peter Paul Rubens, chống đạo tin lành Hà Lan mãnh liệt, trung thành với Công giáo La Mã.

IMG_4408.JPG

Trong phòng còn có những tác phẩm của nghệ sĩ Bỉ thời hiện đại như bức tượng này: Sự ngu ngốc sinh ra từ cái chết, Jan Fabre. 2016. Một bộ xương dị dạng rất màu sắc nhưng không có đầu giơ tay bưng một con vịt nhồi bông như thật.

IMG_4407.JPG

Đá granite xám này bình thường không thấy đẹp mà ở đây họ làm những cột đá mài nhẵn bóng đẹp thật. Cầu thang ở cửa phòng 246
 
Hà Nội Nghìn năm văn hiến có khác :3 thẩm tranh căng đét
Cái này thì bác hơi bị nhầm tí ạ, các cụ nhà em ở Quảng Ninh từ hồi Tây nó còn ở trong mỏ cơ, em không dính dáng gì đến Hà Nội nghìn năm văn hiến đâu ạ. Thỉnh thoảng trong bài nhắc đến Hà Nội làm ví dụ cho sinh động và dễ hiểu thôi ạ :giggle:
 
Lúc này ta đã ra hẳn khỏi Cung điện Mùa đông và bước vào Cung Hermitage. Hermitage nghĩa là nơi ẩn dật (tu hành), giống như cái vỏ ốc mà con ốc mượn hồn trốn ở trong, là tên Nữ hoàng Catherine đặt cho nơi đặt bộ sưu tập nghệ thuật của bà, nhằm chỉ rằng đây là nơi rất hạn chế người ra vào, mà trong một bức thư bà miêu tả rằng: "Chỉ có ta và những con chuột là được chiêm ngưỡng những kiệc tác này mà thôi". Từ "hermitage" trong tiếng Nga (Эрмитаж) lấy từ tiếng Pháp, nên đọc giống tiếng Pháp, âm "h" là âm câm, đọc là "e(r)-mi-tạz"

IMG_4409.JPG

Mô hình các kỵ binh mặc giáp từ đầu đến chân (phòng 243) đúng là: một con ngựa sắt, một thanh gươm sắt, một áo giáp sắt và một chiếc nón sắt.

Những con ngựa này được nhồi bông làm tiêu bản, là một hình thức làm mô hình động vật trưng bày rất phổ biến ở các nhà giàu châu Âu (mà ta thường thấy những đầu hươu đầu bò treo tường trên phim). Ở Nga đặc biệt chuộng hình thức này trong các bảo tàng vì có thể trưng bày các mẫu động vật sống động như thật, kỹ thuật này gọi là Taxidermy. Có hai phương pháp bảo quản mẫu vật: theo kiểu truyền thống là ngâm hóa chất và kiểu hiện đại là nhựa hóa. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hiện nay phải nhờ chuyên gia Đức để hỗ trợ làm tiêu bản rùa Hồ Gươm trong 2 năm mới xong, nên để làm chủ công nghệ này không hề đơn giản. Người Nga đã thành bậc thầy của công nghệ này từ thời Xô Viết mà đỉnh cao là một số tiêu bản... à mà thôi.

IMG_4410.JPG

Người chơi đàn luýt - Caravaggio, khoảng năm 1595, 94 cm × 119 cm, sơn dầu trên vải (phòng 232)

Rất tình cờ em đi ngang qua bức này trên đường đi xem Leonardo da Vinci, chỉ có lác đác vài người đứng xem. Bức này rất đẹp của bậc thầy Phục Hưng Caravaggio với ánh sáng trong tranh mịn màng như lụa. Người chơi đàn trong tranh có vẻ đẹp lưỡng tính, rõ ràng có vẻ đẹp của trai Ý nhưng khuôn mặt lại bầu bĩnh và bàn tay thì nhìn đã thấy đẹp, cho nắm tay chắc không dám cầm mất, quả tóc xù và cầm đàn gẩy nhìn như Lê Cát Trọng Lý, hay là Lê Cát Trọng Lý chọn phong cách từ đây mà ra. Thực ra đến nay người ta vẫn còn tranh luận nhân vật chính là nam hay nữ vì không có chi tiết nào đáng kể thể hiện giới tính của nhân vật và bản nhạc trên bàn là một bài tình ca, đôi môi người ca sĩ đang hờ hững hát theo tiếng đàn. Người ta tạm coi đây là một chàng trai trẻ, và nhiều ý kiến khá hợp lý cho rằng đây là một ca sĩ hát giọng nam cao, tiếng Ý là Castrato, nghĩa là những ca sĩ nam có giọng cao nhưng đến tuổi dậy thì đã bị... thiến để giữ được giọng cao ấy, hầu và thanh quản sẽ không phát triển làm vỡ giọng. Nhân vật này một lần nữa xuất hiện ở một tác phẩm khác của Caravaggio là Các nhạc công (The Musicians).

Điều thú vị là có đến 3 phiên bản của bức tranh này trên thế giới, một bản thuộc Bộ sưu tập nhà Wildenstein cho bảo tàng Metropolitan Museum of Art ở New York mượn lâu dài, một bản thuộc Bảo tàng Hermitage và một bản mới được đấu giá năm 2007, tìm thấy ở Lâu đài Badminton bên Anh (chính là nơi sinh ra môn cầu lông - badminton). Nhưng bản ở Hermitage này được nhiều chuyên gia cho rằng là bản gốc, vẽ sớm nhất và theo cảm nhận của em là đẹp nhất. Hai bản kia trông người trong tranh dại dại, mặt như bôi sáp và đồ đạc xung quanh thì xấu tệ hại.

Bản của Hermitage mua trực tiếp từ Ý, của một doanh nhân có đến mười ba bức Caravaggio, ngang hàng với bộ sưu tập của Hồng y Francesco Maria Del Monte, là người bảo trợ cho Caravaggio. Vẽ tranh sơn dầu thời trước không phải chuyện đơn giản, tốn công tốn sức còn tốn mực tốn màu nên các họa sĩ rất nghèo, ai muốn sống được bằng nghề thì phải có các đại gia bảo trợ. Mà những đại gia đặt hàng tranh nhiều nhất, trước hết là Nhà thờ (Công giáo). Hồng y Del Monte là người sớm nhận ra tài năng của Caravaggio và bao ăn bao ở cho Caravaggio để ông chuyên tâm vẽ, vậy nên ông mới vẽ được những bức "ngoại lệ" như thế này mà không phải vẽ Chúa với thánh thần. Qua nhiều hình ảnh các nhân vật lưỡng tính trong tranh, từ lâu người ta đã đồn rằng Caravaggio và Hồng y Del Monte có tình cảm đồng tính luyến ái (nôm na là trai bao, dĩ nhiên là tâm hồn phải đồng điệu về nghệ thuật). Dĩ nhiên chỉ là đồn, chẳng có gì chứng minh. Nhưng thực tế ngày nay, việc các linh mục Công giáo và cả Hồng y đều bị cáo buộc với các tội danh lạm dụng tình dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em nam thì việc nhiều chức sắc Công giáo là những người đồng tính ngày càng được khẳng định. Luật lệ của Công giáo không cho linh mục được kết hôn thì việc những người chọn con đường tu hành vì là người đồng tính cũng có thể hiểu được. Nó là một vấn đề mâu thuẫn ngay trong nội bộ Công giáo và làm xói mòn đức tin ở các nước phương Tây phát triển khi mà Giáo hội Công giáo ra sức giáo điều chống đồng tính nhưng người đồng tính lại nắm những chức vụ cao trong Giáo hội. Phim truyền hình The Young Pope (2016) do Jude Law đóng vai chính công khai nói đến việc này.

Một chuyện khá liên quan một cách tình cờ nữa là trong kho tàng truyện cổ tích Nga, có một chuyện được chép lại bằng tiếng Anh dưới cái tên "Người chơi đàn luýt". Câu chuyện như sau:

Một ông vua sống hạnh phúc với hoàng hậu của mình. Ông này rất thích cà khịa nên hay đi uýnh lộn và may mắn là thường thắng lợi vẻ vang. Nhưng một ngày vận may cạn kiệt, ông đánh nhau với một tay bạo chúa và thua, bị bắt làm tù binh. Ông gửi tin về nhắn vợ là hãy mang tiền đến nước kia mà chuộc ông ra khỏi sới bạc... à quên nhà tù. Hoàng hậu đắn đo suy nghĩ, mình ngon nghẻ thế này, đem tiền đến nơi khéo thằng dê xồm bạo chúa đó nó vừa cướp vừa hiếp thì bỏ mợ, giờ trong triều lại rối loạn, quần thần đang xì xào những nước đi của riêng họ, biết mình đi chuộc chồng, ra khỏi cửa rồi chúng nó đóng bố cửa thành cho hết đường về quê mẹ luôn thì sao. Hoàng hậu quyết định cắt tóc ngắn, giả trang làm một chàng trai, và ra đi với một cây đàn gusli (đàn Đông Âu mà người ta dịch bừa thành đàn luýt - lute).

Hoàng hậu đến yết kiến tay bạo chúa và với ngón đàn chín dây như khóc như than, khiến thằng bạo chúa cũng tan nát lòng. Tay bạo chúa xúc động quá, thưởng cho nàng bất kì điều gì nàng muốn. Nàng nói rằng: "Tôi chỉ cần một kẻ hầu hạ trên đường thiên lý, đức vua cho tôi một tên tù nhân là đủ". Nàng vào ngục lựa hàng và chọn ngay chồng mình. Họ quay trở về nước mà ông vua không hề biết đó là vợ mình. Nàng thả cho ông vua tự do khi về đến cổng thành. Ông vua vào đến cung, đặt đít lên ngai vàng là bắt đầu chửi, đầu tiên là chửi vợ vì không chuộc mình. Rồi hắn chửi vợ vì biến mất không ở trong cung. Đi cho khuất mắt thì cũng chẳng sao, nhưng ông vừa về thì mày cũng mới mò về. Tức mình, hắn chửi ngay con vợ lăng loàn không chung thủy.

Nàng buồn quá không biết làm gì, đành giở bộ đồ nghề cosplay ra và lại vác cây đàn vào xin yết kiến nhà vua. Vua nhìn thấy ân nhân thì chạy ra tận cửa hồ hởi phấn khởi và hứa thưởng cho người chơi đàn bất kì điều gì nàng muốn. Nàng nói rằng: ta chỉ cần chàng thôi (và lột đồ trước mặt tên vua vừa ngu vừa số hưởng).


Vậy là câu chuyện này cũng có hai chi tiết quan trọng là trai-gái lẫn lộn và bài ca về tình yêu, tương tự như bức tranh nổi tiếng kia vậy. Có lẽ vì thế mà Catherine mua chăng?

IMG_4411.JPG

Toàn bộ cánh Đông Bắc của Cung Hermitage dành cho các tác phẩm Ý. Đây là bức tượng Câu bé cúi người của Michelangelo, khoảng 1530-1534, 54 cm, đá cẩm thạch.

Đây là lần đầu tiên em được thấy một tác phẩm của Michelangelo (tiếng Việt hay dịch là Mi-ken-lăng-giơ). Đây chỉ là một tác phẩm chưa hoàn thành nhưng người ta cũng không chắc là nó chưa được hoàn thành hay tác giả cố ý bỏ nó dang dở như thế với những nhát đục thô ráp không cần mài giũa. Cái làm cho Michelangelo trở nên nổi tiếng không chỉ ở tay nghề bậc thầy, sự am hiểu về cơ thể con người, từng đường gân khối bắp mà chủ yếu là ở cái tinh thần của tác phẩm. Cơ thể của cậu bé này đạt những chuẩn mực của một thanh niên cứng, đầy đủ phẩm chất của những mỹ nam Phục Hưng nhưng như bị một lực vô hình đè nặng lên vai lên cổ, cúi đầu, gò mình như đang nhổ gai ra khỏi chân. Tác phẩm ở giai đoạn này phản ánh một Michelangelo đã trưởng thành sâu sắc về nghệ thuật, không còn theo đuổi những bức tượng hoàn mỹ như David, với những thanh niên cường tráng, đẹp tựa thánh thần, mà quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của nhân vật. Những tác phẩm cùng thời điểm của ông thể hiện sự bàng hoàng trước cuộc tấn công đô hộ gây ra bởi Vua Charles V của Đế quốc La Mã thần thánh, nhằm khuất phục các tiểu vương quốc Ý (chưa thống nhất).

IMG_2649.JPG

Đức mẹ và Chúa hài đồng (Madonna Litta), Leonardo da Vinci, 1490, 42 cm × 33 cm, tempera trên vải (nguyên bản trên gỗ) (phòng 214)

Đến gian có hai bức của Leonardo da Vinci thì đông nghịt, người đứng lố nhố, hai bức tranh đều cho vào khung kính, chăng dây cẩn thận. Quyển sách đầu tiên về Mỹ thuật phương Tây mà bố mua cho em là quyển Leonardo da Vinci, nên em bắt đầu có cảm tình với nghệ thuật là từ những bức Đức mẹ của ông. Tiếc thay phương tiện truyền thông đại chúng, cộng thêm tiểu thuyết Mật mã Da Vinci của Dan Brown và những giai thoại quanh cuộc đời của họa sĩ bác học đa tài này đã khiến cho thông tin về ông càng ngày càng rối mù, người biết thì đâm ra hoang mang, người không biết thì càng mù tịt và hàng người thì vẫn nối đuôi nhau hằng ngày hành xác ở Louvre để selfie với nàng Mona Lisa. Ngay bức tranh này đây cũng có những kẻ nghi hoặc nói rằng không phải ông mà là học trò của ông vẽ, một phương thức phổ biến lúc bấy giờ, nhưng bằng con mắt của em thì em vẫn nghĩ đây là của ông, vì cái phong cách creepy này không lẫn đi đâu được, làm cho người xem cảm thấy như nhân vật trong tranh đang sống và nhìn mình, nền tranh luôn tôi tối, ai yếu tim vẫn thấy vừa tôn nghiêm vừa sờ sợ.

IMG_4413.JPG

Đức mẹ và Chúa hài đồng với hoa (Benois Madonna), Leonardo da Vinci, 1478, sơn dầu trên vải, 49.5 cm × 33 cm

Giống như nhiều họa sĩ thời Phục Hưng, Leonardo da Vinci nghiên cứu kĩ càng về giải phẫu học, để hiểu tường tận về cơ thể con người, xóa bỏ những rào cản về nghiên cứu xác chết do Giáo hội đặt ra (thực ra vẫn phải mổ chui). Chỉ có từ giai đoạn này, các họa sĩ phương Tây mới có thể vẽ những bức tranh với những nhân vật trong tranh như thật, với luật phối cảnh và hình khối 3D, chủ yếu là nhờ kiến thức về cơ thể người mà Leonardo da Vinci là người đi đầu với những bản thảo giải phẫu còn lưu lại đến ngày nay. Người châu Á vẫn mãi dừng lại ở tranh 2D, khi mà các nhân vật trong tranh cứ nằm dẹt trên mặt phẳng, không có chiều sâu, luật viễn cận.

Các họa sĩ Ý Phục Hưng, đặc biệt là Leonardo da Vinci vẽ một bức tranh rất rất cầu kỳ, riêng phần phác thảo bút chì có khi phải làm hàng chục bức, những bức phác thảo của Leonardo giờ đây còn giá trị hơn cả tranh của nhiều họa sĩ khác, và nhờ những bức phác thảo này mà ta biết đâu là tranh thật. Ví dụ như bức Benois Madonna này có hai bức phác thảo còn lưu giữ ở Bảo tàng Anh, qua đó khẳng định đây là tranh của ông. Tranh sơn dầu được vẽ bằng nhiều lớp màu, lớp dưới cùng chỉ đơn sắc hoặc gồm những màu cơ bản nhất, rồi phủ lên các lớp màu đa dạng bên trên sau khi lớp đầu tiên đã khô, cuối cùng là lớp láng (bằng dầu trong suốt) để bảo vệ màu và tạo độ bóng. Nhờ thế mà màu của tranh rất đều và siêu bền, đến tận bây, giờ sau cả nửa thiên niên kỷ mà màu của đa số tranh vẫn còn nguyên. Các bác thử nghĩ xem, ở nước mình cái thành bằng đá to như Thành nhà Hồ còn nát như vậy mà bức tranh ở đây còn nguyên đủ thấy nó giá trị như thế nào, dĩ nhiên là ngày nay người ta bảo tồn và gìn giữ rất cẩn thận nhưng đa phần lớp màu nguyên bản của tranh vẫn thế.

IMG_4414.JPG

Hành lang nối các phòng với những cánh cửa rất cầu kỳ mà trông không hoa hòe rối rắm.

IMG_4415.JPG

Khắp cung điện là những bức tượng đá nhỏ cực kỳ tinh xảo. Tượng dũng sĩ cầm cung bắn chim bằng cẩm thạch, chim còn đây mà cung đi đâu rồi. Những nếp vải trên tượng, nếu cho các bác nghệ nhân ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng bây giờ chạm khắc chắc các bác cũng chịu.

IMG_2655.JPG

Chú thích cho Khải hoàn môn tí hon và bàn ốp đá quý


Khải hoàn môn và cái bàn này thôi mà dùng tưng này loại đá quý và bán quý: đá hoa cương đen, malachite, lapis lazuli, agate, jasper, chalcedony, amethyst. Làm tại Florence, cuối thể kỉ 18, đầu thế kỉ 19. Trên Khải hoàn môn có hai dòng chữ La Tinh mà chú thích tiếng Nga ghi sai dòng thứ hai:

Hic vir hic est (nghĩa đen: đây, đây chính là người đàn ông ấy): Bắt nguồn từ sử thi Aeneid của Virgil. Sau khi thành Troy thất thủ, Aeneas chạy sang Ý, và được xuống âm phủ để nhìn thoáng trước tương lai. Anh thấy được những ngày vinh quang của Rome ở phía trước và Augutus Caesar xuất hiện mang trên mình dòng chữ "Hic vir hic est".

Non surrexit maior (nghĩa đen: không ai có thể vĩ đại hơn người này): Trích trong kinh thánh tiếng La Tinh, (đoạn Matthew 11:11)

IMG_4416.JPG

Bức tượng quá đẹp, lần đầu tiên thấy người ta dùng đá hoa cương đen tạc tượng người da đen, nhìn tượng da trắng quen rồi. Tượng một người phụ nữ Ma-rốc (Moor), cuối thế kỉ 17 trông đẹp như một bức tượng La Mã. Người Moor là người gốc Ma-rốc ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

IMG_4417.JPG

Bắt đầu bội thực với tranh Tây, em mò xuống tầng 1, lại đi qua cầu thang Jordan, đây là trần nhà, làm tạm cái bánh ở quán cà phê, rồi tiếp tục lang thang tầng 1. Tầng 1 toàn đồ cổ, cổ đại luôn ấy ạ, khoản này thì em không mê lắm, bác nào mê Hy La Ai Cập thì tha hồ xem.
 
Last edited:
Gần nửa đêm, trời lất phất mưa, em gọi xe ra bến tàu. Trên đường vẫn còn khá nhiều người và xe đi lại. Các quán rượu vẫn đỏ đèn. Thành phố lãng mạn theo cách riêng của nó.
Đến giờ nhưng tàu chưa khởi hành, vẫn để khách đứng đợi trên bến, có lẽ vẫn còn đợi thêm khách, mấy người chăn dắt cầm biển quảng cáo vẫn còn đứng ngoài đường Nevsky đến tận bây giờ, cuối cùng kéo được thêm mấy vị khách du lịch lên tàu, giống y như kiểu đi tàu ghép khách ở Vịnh Hạ Long. Khách không quá đông, có khoảng 10 bàn, mỗi bàn có một cặp ngồi, một nửa là người nước ngoài, trong khoang tàu đèn mờ mờ tối và có những tấm chăn dạ đặt trên ghế để khách quấn cho ấm. Tàu là loại giống tàu cánh ngầm, hay dùng để đi trên sông ở châu Âu. Trên tàu không có hình thức giải trí nhảy nhót hay múa thoát y gì, cũng không thấy bán đồ ăn thức uống nóng, quả thực đến tận Xanh vẫn là Nga ngố, có lẽ để khách tập trung ngồi ngắm cảnh hai bên bờ.

Tàu chầm chậm rời bến, lướt qua một loạt những tòa nhà cổ kính hai bên bờ. Mỗi lần nhìn vào những ánh đèn vàng trong những ô cửa sổ đều tăm tắp, em đều nghĩ không biết trong kia người ta đang làm gì, giống những khi đi làm tối muộn hay trực đêm, nhìn vào những ánh đèn ấy thấy tủi thân vcđ. Đi chơi ở Xanh này, nếu không có đồng bọn hoặc đồng sàng thì chắc là buồn lắm, lại phải mò đi gặp vài em Natasha với Masha thôi, mà tâm sự với các em ấy xong nhìn sang đèn vàng chung cư đối diện có lẽ vẫn buồn, vì không có tình yêu. Loa ở trên tàu phát ra một giọng đàn ông đọc đều đều, có lẽ đang giới thiệu về các địa danh hai bên bờ sông và những cây cầu chăng, không biết tiếng nên cũng phí.

Hệ thống sông đào và những cây cầu ở Xanh quả thật là ấn tượng. Những cây cầu ở Venice có lẽ không bõ bèn gì vì chỉ dành cho người đi bộ. Cầu ở Xanh hầu như đều cho phương tiện cơ giới qua lại được, hoặc có đường ray cho xe tram chạy qua và vỉa hè hai bên cho người đi bộ qua ngắm cảnh. Nhất là đoạn sông Neva đổ ra biển, sông mở ra rất rộng, liên tiếp có các ngã ba sông và cuối cùng là cửa biển, hoàng hôn buông xuống trên mặt nước rộng mênh mông đúng hướng tây, gió ào ào thổi. Hệ thống kênh rạch và cầu tạo ra những hòn đảo ngay giữa lòng thành phố, tương truyền một trong những điều lãng mạn nhất ở Xanh là những cặp tình nhân lên đảo Vasilievsky và đợi tất cả cầu cất lên, trong hai tiếng cầu mở ấy, trên "đảo" chỉ còn anh và em, không lối thoát! Hehe yêu nhau thì phải tìm hoang đảo chứ lấy rồi thì tha hồ vượt ngục nhé. Em không biết ở Paris ngày mưa ra sao chứ ở đây ngày mưa thì muốn tán em nào, đưa em ấy đến đây chơi ngày mưa là đổ chắc. Bởi vì mưa to gió lớn rét quá thì chỉ có ở nhà mà đóng cửa quấn chăn đánh bài thôi.

Ở Xanh có tất cả 422 cây cầu trong đó có 9 cầu mở thường nhật cho tàu bè qua lại. Quản lý, bảo dưỡng và duy tu từng này cái cầu có lẽ cũng khá vất vả, được cái ở Xanh thông tin gì cũng đầy đủ trên mạng và bằng tiếng Anh, rõ ràng là một thành phố hướng về phương Tây, riêng về cầu có hẳn một trang mạng (https://en.mostotrest-spb.ru/) rất đẹp có lịch đóng mở các cầu chi tiết và thông tin về từng cây cầu, cả loại cất và loại thường. Các cây cầu lâu đời đều đóng mở bằng động cơ cơ khí, còn cầu đời mới thì sử dụng động cơ thủy lực. Đáng ngạc nhiên là hệ thống máy móc ở nhiều cây cầu đã lắp đặt từ đấu thế kỷ XX, chứng tỏ Đế quốc Nga cũng đã phát triển ở một mức độ nhất định chứ không phải như các sử thần nước ta chép rằng nước Nga trước Cách mạng vô cùng lạc hậu.

View attachment 166631
Tàu đi qua đoạn cuối cùng của sông Neva trước khi đổ ra biển, qua Pháo đài Peter & Paul, cùng rất nhiều cung điện nguy nga lộng lẫy được chiếu đèn sáng rực bên bờ sông. Nhiều tàu bật đèn Nê-ông và nhạc xập xình, xịt khói mù mịt, chắc là tàu của các dân chơi, có lẽ cắn thuốc và quay lắc không kém gì vua chúa ăn chơi trong các lâu đài kia ngày trước.

View attachment 166632
Cung điện Mùa đông và Tòa nhà Bộ Hải quân

Năm nay người ta cứ bàn tán mãi bài thi Ngữ văn, đề thi Tốt nghiệp là bài "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường ít ai nghĩ sẽ thi, trong bài này, ông có nhắc đến sông Neva chảy qua cố đô Xanh cũng làm ông nhớ đến sông Hương của Huệ thương. Trích đoạn:

"Tôi đã đến Lê-nin-grát, có lúc đứng nhìn sông Nê-va cuốn trôi những đám băng lô xô, nhấp nháy trăm màu dưới ánh sáng của mặt trời mùa xuân; mỗi phiến băng chở một con hải âu nghịch ngợm đứng co lên một chân, thích thú với chiếc thuyền xinh đẹp của chúng; và đoàn tàu tốc hành lạ lùng ấy với những hành khách tí hon của nó băng băng lướt qua trước cung điện Pê-téc-bua cũ để ra bể Ban-tích. Tôi vừa từ trong khói lửa miền Nam đến đây, lâu năm xa Huế, và chính Lê-nin-grát đã đánh thức trong tâm hồn tôi giấc mơ lộng lẫy của tuổi dại; ôi, tôi muốn hoá làm một con chim như đứng co một chân trên con tàu thuỷ tinh để đi ra biển. Tôi cuống quýt vỗ tay, nhưng sông Nê-va đã chảy nhanh quá, không kịp cho lũ hải âu nói một điều gì với người bạn của chúng đang ngẩn ngơ trông theo."

Tiếc là em không được thấy hải âu đứng trên băng trôi mơ mộng như nhà văn miêu tả nhưng mà đúng là sông Neva chảy rất nhanh, ào ào đổ ra Vịnh Phần Lan. Đến dưới Cầu Cung điện (Dvortsoviy Most) nằm giữa Cung điện Mùa đông và Tòa nhà Bộ Hải quân thì tàu quay đầu lại và đứng chờ. Mọi người lục tục lên nóc tàu, gió thổi kinh hồn bạt vía và những giọt mưa lãng mạn trên cửa kính tàu giờ đã trở thành muôn nghìn hạt nước múa gươm. Trời mưa nên tối, không thấy đêm trắng huyền thoại gì cả, chỉ thấy mờ mờ trên trời. Đúng 1 giờ 10 phút, cầu bắt đầu mở và thật bất ngờ khi nhạc nổi lên vang dội: Piano Concerto số 1 của Tchaikovsky cực kỳ hay và phù hợp, không phải nhạc nhảy vớ vẩn. Cầu được gắn đèn LED màu tím nổi bật, đáng nói hơn cả là tàu bè đỗ kín mặt sông để xem cầu cất, chắc tàu bè chở hàng đều tránh giờ này ra. Hai bên bờ sông, nhất là phía Cung điện, người xem đứng chật ních, ken nhau dày đặc, thấy thật sáng suốt khi đi tàu, góc nhìn đẹp hơn hẳn. Chả bù cho bố em hôm đi Xanh bảo là ôi giời cầu cất có cái đếch gì mà xem, ở nhà ngủ cho ấm (cuối cùng vẫn đi và hối hận vì chen nhau bẹp ruột trên bờ)!

Quay tạm bằng điện thoại và gió to nên hơi lởm, các bác xem tạm ạ

Chỉ được mấy phút là các tàu kéo nhau lũ lượt ra về, căn bản là để còn kịp xem cầu Troitskiy mở sau đấy 10 phút. Đến đoạn này thì tàu đi nhanh và rung lắc, đi qua gầm cầu thấy cả bác thợ máy ở trong hầm sáng đèn vàng.

View attachment 166633
Cầu Chúa Ba Ngôi (Troitskiy Most) mở lên


View attachment 166634
Dưới gầm cầu, bên này thì không thấy nhạc nhẽo gì cả



Tàu về đến bến, thấy mấy em gái chạy lên bến tàu, ăn mặc và son phấn rất đẹp, trùm áo che mưa mà không che được những mái tóc vàng óng ả. Các em ấy rúc vào nhau cười rinh rích, một kiểu cười rất cute của các em Nga và thấy em đứng đợi xe, lại còn hỏi em từ đâu đến, em bảo là Австралия (Áp-sờ-tờ-Ra-li-a) làm cả hội cười rũ. Xong tự kể chuyện hôm nay là party trước khi một em ngày mai chống lầy. Thế nên các anh em ạ, còn trẻ và khỏe thì nhớ đi Xanh mà chơi nhé, bảo làm sao các bác các chú dân Cộng ta từ ngày xưa đi sang đây gái Nga nó cứ mê như điếu đổ, giờ thì các em khôn hơn rồi nhưng vẫn hồn nhiên cô tiên lắm ạ. Em nghĩ ngay đến mấy thằng bạn Việt Nam bên Úc, bọn đấy sang đây chắc cả ngày chỉ có ăn với dẩy đầm và cua gái thôi các bác ạ. Mà chẳng phải chỉ đàn ông, cứ khi nào em đi tìm chỗ giải quyết nỗi buồn, vợ em ngồi một mình là có ngay một đồng chí Nga chui từ đâu ra hỏi chuyện. Các cụ bảo thiếu gì thèm nấy, bên này chắc ngấy tóc vàng mắt xanh rồi nên cứ tóc đen mắt nâu mới quyến rũ ạ.
cho em hỏi bác đi ra bến tàu mua vé như bình thường ạ :3 k cần đặt trc ạ!
 
cho em hỏi bác đi ra bến tàu mua vé như bình thường ạ :3 k cần đặt trc ạ!
Em mua vé từ lúc chiều rồi bác nhé, tối cầm vé ra đi thôi, bác đọc ở đoạn trên ấy, còn mua vé ngay lúc đêm cũng được vì vẫn có mấy người sát giờ chạy mới lên tàu mà.

Có bác giám sát chặt chẽ thế này, em quyết tâm viết cho hết ạ! Có điều công việc dạo này bận quá hay đi làm về muộn nên một, hoặc hai ngày mới ngồi viết được một đoạn thôi, mỏi mắt lắm, bác thông cảm ạ.

Cổ vật Hy Lạp và La Mã chiếm đa số diện tích ở tầng một. Những mẫu thiết kế và dạng thức kiến trúc, mỹ thuật của Hy Lạp và La Mã cổ đại đều được coi là mực thước của nghệ thuật phương Tây và áp dụng rộng rãi cho đến ngày nay. Tiếc thay em không có nhiều cảm tình với những kiểu thiết kế này bởi qua thời gian, chúng càng ngày càng bị biến tướng và bị giới trọc phú trên khắp thế giới áp dụng cho những dinh thự, biệt phủ của mình, nước càng nghèo, càng mới nổi thì càng hay thích xây kiểu Hy La và tô trát diêm dúa. Nước Mỹ ngày trước và Trung Quốc ngày nay là những điển hình cho việc áp dụng rộng rãi thể thức Hy La và phóng đại quá lố. Em sống ở Úc, một nước đã từ bỏ kiểu cách Hy La cổ điển từ lâu và yêu thích phong cách hiện đại Bắc Âu nên chỉ thấy những hình thức này đẹp ở những tòa nhà cổ, đồ đạc cổ chứ bây giờ mà còn xây và trang trí kiểu này trông rất chối.

Nhìn tận mắt những cổ vật Hy Lạp này mới thấy trình độ mỹ thuật và thủ công của họ cũng ghê gớm, dĩ nhiên so với đồ Trung Hoa cùng thời thì còn thua xa nhiều bậc.

IMG_4418.JPG

Vại gốm hai quai xoắn vẽ tích "Artemis bắt cóc Iphigenia'", 330-310 trước Công Nguyên, miền nam Ý. Vại này (volute-krater) dùng để đựng rượu vang pha loãng, thường đặt giữa phòng tiệc để người hầu múc rượu từng cốc mời khách. Sau cũng dùng để trang trí nội thất vì nó rất to

IMG_4419.JPG

Bình gốm hydria, mô tả nghi lễ Eleusine, thế kỉ IV trước Công Nguyên, miền nam Ý. Bình này là một cổ vật rất quý, có tên riêng hẳn hoi: "Regina Vasorum" (Nữ hoàng của các loại bình) vì kích thước rất lớn của nó và những hình được đắp nổi, mạ kim loại nhiều màu. Qua thời gian, những màu này bị bạc đi nhưng thể hiện một kỹ thuật cao cấp trong nghề gốm sứ: dùng NHIỀU màu để trang trí, giống như những tượng trong đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng, vốn được nung với rực rỡ màu sắc.


Đồ cổ Ai Cập thì khỏi nói, là những thứ kỳ bí và hấp dẫn nhất với tất cả những người mê lịch sử và khảo cổ học. Ở đây không có quá nhiều đồ cổ đại như bên Pháp hay Ai Cập nhưng cũng kha khá thứ đẹp. Văn minh Ai Cập là nền văn minh cổ đại được biết đến rộng rãi nhất ở phương Tây vì những nghiên cứu sâu rộng và tốn kém công sức tiền bạc của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu phương Tây (Anh - Pháp), sở dĩ do Ai Cập rất gần với châu Âu. Những nền văn minh cổ đại khác ở Trung Hoa và Nam Mỹ cũng rực rỡ không kém, có điều ít được nghiên cứu hơn. Vậy nên cái gì trên thế giới này phổ biến được đều là nhờ người phương Tây cả, văn hóa Nhật được tâng bốc lên tận mây xanh cũng là nhờ người Mỹ "rừng rú", sang "đô hộ" nước Nhật sau chiến tranh, lần đầu tiên được gặp một nền văn hóa châu Á đặc sắc nên đã quảng bá nó ra cả thế giới.

IMG_2665.JPG

Nắp và bên trong quan tài của Pa-kesh, thầy tế thần Amun, cuối triều đại XXV (cuối thế kỉ 8 - giữa thế kỉ 7 TCN) tại Thebes. Thần Amun là thần bảo trợ cho Thebes

IMG_4420.JPG

Quách đá (Sarcophagus) của Tư lệnh quân đội - Hoàng tử Ah-mose, con trai Pharaoh Amasis II, triều đại XXVI (nửa sau thế kỉ 6 TCN) tại Giza


Nhìn những quan tài này em mới hiểu vì đâu mà Liên Xô lại có ý tưởng "gìn giữ lâu dài" long thể của Lê Tiên Hoàng, có lẽ con người ta sau nhiều nghìn năm vẫn không thay đổi quan niệm về những nhà lãnh đạo khi chết, phải bảo quản theo kiểu Ai Cập cổ đại để họ không chết mà còn sống vĩnh hằng như một biểu tượng trường tồn. Nghĩa là việc nảy sinh quan niệm tâm linh vẫn diễn ra một cách tự nhiên cho dù những người đứng đầu Liên Xô không tin vào tôn giáo (cụ thể là Thiên chúa giáo) nhưng bản năng của con người vẫn tự diễn ra như thế giống một cách nghĩ khác đã tồn tại từ hàng nghìn năm trước và còn được nhiều người ở "các nước khác" cũng hưởng ứng với cùng một quan niệm về sự sống vĩnh cửu, hòng đánh bại thời gian.

Sau khi lòng vòng một hồi tầng 1 thấy chán, em mới lên đến tầng 3. Trên này khá vắng, nhưng đặc biệt cái là khá nóng và ngột ngạt vì không có điều hòa nữa. Ở ngoài trời thì lạnh nhưng ở nhà Tây thì các bác có lẽ cũng biết là nó cách nhiệt rất tốt, nên ngoài lạnh mà trong nhà nóng là chuyện thường, quan trọng nhất là đi bộ đã khá nhiều, mồ hôi vã ra như tắm, đứng trong những hành lang tầng 3 kín như bưng nóng vô cùng. Lên đến tầng 3 này mới để ý cửa sổ: thấy tường của cung điện cực dày và có đến hai lớp cửa sổ, cách nhau một khoảng không ở giữa để cách nhiệt như cửa sổ máy bay vậy. Hóa ra không chỉ mình em nóng mà mấy bác phụ nữ ngồi canh gác cũng nóng nên trên này các bác ấy mở toang cửa sổ, đi qua chỗ mở cửa sổ lại rét run vì mồ hôi đang ướt mà gió ngoài thì lạnh.

Trên tầng ba dành trọn cho châu Á và Trung Đông mà Viễn Đông và Trung Á là chủ yếu. Ngay cầu thang lên là có một dãy hành lang rất dài trưng bày các loại tiền xu và huân huy chương.
IMG_2669.JPG

Tiền của Trung Hoa từ thời xa xưa nhất bắt đầu có tiền cho đến tận thời hiện đại. Hai đồng tiền ở trên cùng gọi là "tiền cây cầu" là dạng thức sơ khai nhất của tiền mặt trong lịch sử nhân loại. Người Trung Hoa dẫn đầu thế giới cổ đại với những quy ước chung về những vật làm gốc, để quy đổi giá trị tương đương dùng trao đổi trong buôn bán, thay thế phương pháp hàng đổi hàng. Những vật dụng có giá trị sử dụng giống tiền này, ngay từ đầu đã được đúc bằng đồng thiếc (bronze), nên từ đấy đơn vị của tiền ở nước ta gọi là đồng.

IMG_4421.JPG

Tiếp đến phía trên là những đồng tiền được chế tác cầu kì hơn gọi là bố tiền (hình cái mai, cái thuổng) và đao tiền (hình con dao) từ thời Đông Chu, hay nói cách khác là thời Xuân Thu - Chiến Quốc, giai đoạn phát triển cực thịnh của văn hóa và kinh tế Trung Quốc cổ đại. Trên bố tiền và đao tiền đã có đúc các chữ đại triện đơn giản mục đích của việc chế tạo tiền có hình cầu kì và đúc chữ này là để tránh làm tiền giả. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều tiền giả cùng niên đại, với chữ và hình dáng rất thô kệch, khác hẳn tiền thật. Văn minh Trung Quốc đã phát triển đến độ có đơn vị đo lường thống nhất, vì thế Nhà nước chỉ cần công bố là tiền thật dài bao nhiêu, nặng bao nhiêu thì mọi người đều có thể kiểm chứng được đâu là thật, đâu là giả.

IMG_2673.JPG

Tiền Nam - Bắc Triều Tiên, Việt Nam và các nước Đông Nam Á xếp chung một tủ kính.


Nhìn vào đây thấy đẹp và sắp xếp gọn gàng quá mà lại thấy xấu hổ. Nghĩ đến ngay cả Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở mình cũng chẳng có nổi một gian tử tế bày các loại tiền của Việt Nam trải dài theo lịch sử. Ở Việt Nam người ta chưa quan tâm đến những khía cạnh khác nhau của lịch sử (như kinh tế, trang phục, lối sống...) mà vẫn chỉ kể câu chuyện theo dòng thời gian như biên niên sử mà thôi. Mặc dù những đồng tiền chính là những minh chứng đanh thép nhất cho biên niên sử, chứng minh rằng nhiều khi chính sử còn chép sai, chép thiên vị vì đơn giản sử sách chỉ là chép lại đời này qua đời khác, tam sao thất bản, thêm mắm dặm muối, tiền thì đã đúc ra rồi là nằm đấy đến ngày nay.

IMG_2678.JPG

Tiền Việt Nam qua các triều đại
Một số chú thích (rút gọn):
1. Thái Bình Hưng Bảo (đồng tiền đầu tiên của người Việt, tức nhà Đinh phát hành)
2. Thiên Phúc Trấn Bảo (Tiền Lê)
3. Thuận Thiên Nguyên Bảo (Tiền do Lê Lợi cho đúc, bắt đầu nhà Hậu Lê, đây chính là một minh chứng cho việc sử sách chép sai, sử chép vua cho đúc Thuận Thiên Thông Bảo, nhưng trên thực tế chỉ tìm thấy tiền có chữ Thuận Thiên Nguyên Bảo)
4. Quang Thuận Thông Bảo (Tiền thời Lê Thánh Tông, kinh tế phát triển là minh chứng cho việc tiền này tìm thấy rất nhiều)
16. Minh Mạng Thông Bảo, trị giá 3 tiền, vàng, nặng 11.09 g
19. Một Lạng bạc thời Thiệu Trị (nhà Nguyễn), nhưng cân nặng chỉ 37.87 g
20. Ba tiền thời Thiệu Trị, bạc, nặng 12.49 g

IMG_2679.JPG

Từ 25-29 là những thỏi bạc nguyên chất hay ta thường nghe thấy trong phim gọi là nén bạc, thực tế nó bé xíu thế này thôi ạ
Tiêu chuẩn của một lạng ta là 38.5 g
25. Nén bạc 1 lạng mặt sau có chữ "Tự Đức niên tạo" và chữ "Canh Thân" trong ô vuông, tức là đúc năm 1860, nặng 38.39 g
26. Nén bạc 1 lạng mặt trước có chữ "An Phú - quan ngân nhất lượng", nặng 38.25 g
27. Nén bạc 1 lạng mặt trước có chữ "Nội thảng ngân nhất lượng", Nội thảng là kho bạc, nặng 37.79 g
28. Nén bạc 3000 tiền Tự Đức, nặng 15.87 g
29. Nén bạc 1000 tiền Tự Đức, nặng 9.41 g
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,426
Bài viết
1,175,808
Members
192,098
Latest member
vnae888
Back
Top