5. Trắng đêm trong đêm trắng (bonus kinh nghiệm với tiếng Nga)
Em lò dò ra đến mép đường, hai dòng xe tải vẫn chạy rầm rập, đèn sáng quắc. Em thò đầu ra đường nhìn xem có liều băng qua được không thì bỗng nhiên cả hai bên đường xe dừng cả lại. Thì ra có cái biển nhường đường cho người đi bộ màu xanh da trời treo lủng lẳng trên cao, có hình người màu đen đi qua đường mà ở Việt Nam cũng có nhưng không ai chấp hành bao giờ ấy. Đúng vẫn là ở châu Âu, thật văn minh, em liền nhanh chóng đi qua vạch kẻ đường mà sang bên kia.
Nhà nghỉ tối om om nhưng vẫn có dòng chữ “хостел” bằng đèn Neon sáng trắng. Nhìn vào trong thì thấy đèn và thấy có người đi lại mà không tài nào gọi được dù điện thoại hay gõ cửa, cổng đi vòng ra sau vườn thì khóa. Đang tuyệt vọng thì bỗng nhiên có ông hàng xóm trông hơi te te say rượu đi qua, ông ấy bảo cứ mở cửa mà vào. Đúng là mình lịch sự quá hóa rồ, cửa không khóa nhưng thấy đóng im ỉm nên mình không dám mở.
Gia đình bà chủ nhà nghỉ đang ở trong với ông chồng to béo và một thằng cu tầm 6 tuổi. Cả nhà nhìn mình ngơ ngác. Bà chủ đang nói vào trong điện thoại để Google translate dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh với mấy bố Pakistan. Lẽ ra nhà nước Nga phải gửi điện cảm ơn cho Google vì có thể nói là Google translate siêu phàm đã giúp Nga tổ chức thành công World Cup.
Mình nhanh chóng hiểu ra vấn đề, phòng của mình là phòng trống cuối cùng, bà này đã cho ba ông Pakistan thuê vì tối rồi mà mình chưa đến. Mấy ông Pakistan thì tưởng bở thuê được phòng rẻ ai ngờ phải đi quá xa nên không muốn ở chỗ này, nhưng giờ tối muộn rồi không muốn đi đâu nữa nên quyết bám trụ đến sáng. Bà chủ nhà nghỉ xem giấy đặt phòng online của mình xong thì quay ra nói (bằng điện thoại) là tôi sẽ đưa anh đến nhà nghỉ khác cũng của nhà tôi, xa hơn một tí, ok không? Cái chỗ mình đứng ngay gần bếp, thấy ông chồng mặc quần trễ hở khe đít đang luộc mấy con cá mắt trắng dã, mùi bay tanh ngòm, muỗi bay vo vo nên gật đầu đồng ý vội. Bà ấy gọi taxi xì xồ gì rất lâu, đứng đấy vừa nóng vừa muỗi nên mình cũng quyết là thôi thì ngủ tạm đêm nay rồi mai sẽ biến, ngày hôm nay đen đủi thế là đủ lắm rồi.
Đứng đợi taxi bên ngoài nhà nghỉ. Từ đây trở đi không còn thiết chụp choẹt gì nữa và cũng phải tiết kiệm pin điện thoại phòng thân.
Thằng bé nhanh nhẹn dắt mình xuống nhà đợi taxi, nó không hiểu tiếng Anh nhưng rất nhiệt tình trả lời mình bằng... tiếng Nga! Đến đây thì phải chia sẻ một kinh nghiệm sống còn nếu muốn đi Nga, và nếu các bạn biết những điều này thì sẽ vượt qua rào cản ngôn ngữ ở Nga dễ dàng rất nhiều.
- Đầu tiên: là em không nói được tiếng Nga, trừ mấy câu “xin chào”, “cảm ơn”, “rất tốt”, “đồng chí có biết nói tiếng Anh không?” nhưng mình đã
học thuộc bảng chữ cái Nga (khá là dễ) và đọc được hầu hết biển hiệu trên đường phố. Không nhất thiết phải hiểu nghĩa, nhưng đọc được chữ là một lợi thế rất lớn. Rất nhiều từ tiếng Nga vay mượn từ tiếng Anh mà cụ thể là từ Mỹ, đấy là điều mình tự rút ra sau khi đi Nga, từ supermarket, park, cafe, lift... cho đến gastronomy hay pho (phở nhé các bác, phobo - phoga cũng viết theo nguyên tác luôn). Quan trọng hơn là đọc được tên địa danh, biết đọc thì không bao giờ đi lạc ở Metro, xe buýt hay ga tàu hỏa và ung dung tự tin biết bắt tàu ở sân ga nào, cứ theo bản đồ mà đi. Chưa kể
tiếng Nga đọc sao viết vậy, em học rất nhanh từ những chữ đọc được, về sau hỏi được cả đường đi.
- Thứ hai: là không bao giờ dịch từ tiếng Việt ra tiếng Nga.
Luôn luôn dịch từ tiếng Anh ra tiếng Nga. Tiếng Anh của Google translate nói riêng và các phần mềm nói chung sang tiếng Nga đã rất hoàn thiện và chuẩn rồi, và luôn luôn viết, không dịch qua giọng nói. Như mấy ông Pakistan em gặp ở nhà nghỉ cố gào một cách tuyệt vọng vào cái điện thoại để nó dịch mà quên mất rằng gõ tiếng Anh lên máy thì nó dịch chính xác hơn nói mồm rất nhiều, các bố ấy sống hiện đại quá, quen điều khiển bằng giọng nói mà lại nói tiếng Anh giọng Ấn Độ nên muốn xin cuộn giấy toilet cũng mất 10 phút. Trước khi đi em đã tải sẵn
app từ điển Anh-Nga nên suốt thời gian em ở Nga muốn tìm cái gì chỉ cần tra từ điển rồi đưa họ xem là được, vào hiệu thuốc mua được kháng sinh luôn. Người Nga có tỉ lệ mù chữ siêu thấp nên cách này rất hiệu quả, còn đi Trung Quốc mà dùng cách này thì không hiệu quả lắm vì rất nhiều người không biết chữ. (Các app Từ điển Việt – Nga thì phải nói là rác rưởi vì một từ đồng âm nhiều nghĩa như “đường” chẳng hạn nó ra hàng chục từ tiếng Nga lộn xộn bố Tây cũng không hiểu được).
Bảng chữ cái Kirin (Cyrillic) của Nga với chữ in và chữ thường. Muốn học thuộc cũng phải có mẹo, em xem youtube và hướng dẫn học bằng tiếng Anh. Ban đầu chỉ khó một cái là hay nhầm vì chúng ta cũng dùng bảng chữ Latinh, mà cái bảng chữ này, cứ chữ nọ nó lại xọ thành chữ kia.
- Thứ ba: là đọc được bảng chữ cái Nga là tốt nhưng viết được thì còn tốt nữa. Viết tay thì khó vì chữ Nga in thường một kiểu, viết tay lại một kiểu khác. Nhưng mình chỉ cần thuộc chữ in thôi là gõ được trên điện thoại. Tra Google Maps bằng tiếng Anh thì không ra nhưng tra bằng tiếng Nga ra ngay. Quý nhất là
đặt taxi bằng app. Cái này là cực kỳ quan trọng vì cái thời đại công nghệ quái thai này sinh ra việc không thể nào vẫy được taxi trên đường, ông lái taxi nào cũng chỉ cắm mặt vào điện thoại, trời mưa như trút nước, em đập cửa sổ cũng không cho lên. Gọi điện thì không biết nói, còn tìm địa chỉ để đặt taxi bằng tiếng Anh thì không ra, mà lên được taxi rồi không biết nói tiếng Nga cũng chịu, tiền nong thì xập xí xập ngầu. Nên biết đặt taxi bằng app tiếng Nga thì siêu rẻ, chỉ rẻ như taxi ở Việt Nam, tiền đã chốt sẵn cứ thế mà trả, app nó có tiếng Anh rồi nhưng địa chỉ thì phải đánh tiếng Nga mới ra. Có điểm nào đông người mà tài xế không tìm được mình, họ gọi để hỏi một tràng tiếng Nga thì chỉ việc đưa ngay cho ai đấy ở cạnh họ mô tả chỗ đứng là tài xế tìm được mình ngay, ngoài ra trên app sẽ hiện lên biển số xe và định vị cái xe để mình tìm.
Đây là ảnh chụp màn hình app em dùng. Lúc này ở St. Petersburg. Các bác có thể thấy địa chỉ ở điểm đi (A) là em đánh tiếng Nga. Tiền nó hiện lên 130 rúp, nhưng những chức năng trong app như Order taxi đều là tiếng Anh, và thông báo hiện lên cũng bằng tiếng Anh. Lúc này em đi xem cầu cất về, rất nhiều cầu đang cất lên, nên app nó có một thông báo đặc biệt là nếu đường đi của mình mà đi qua cầu cất (tức là không đi được) thì lái xe phải đi đường vòng và sẽ tính thêm tiền. Có app thì nửa đêm cũng không lo không có taxi và sợ bị chém đắt như bác @kimvanchinh từng chia sẻ chuyện đi xem cầu cất trên Phượt.
Quay lại với câu chuyện đêm đầu tiên ở Nga. Ông taxi cuối cùng cũng đến, đầu trọc và là người Trung Á. Ông này hỏi thằng bé kiểu như là cái điểm đến nó ở đâu, thằng bé khoa chân múa tay gì không rõ. Ông taxi gật gật rồi chở mình đi theo... bản đồ trên điện thoại. Lại kiểu mấy người lái Grab, Uber thời hiện đại, đường không biết, đã có tổ nghề Google Maps độ mạng! Ông này chạy về phía thành phố, mình đã khấp khởi mừng thầm thì sau mấy cây số, cái bản đồ nó bỗng chỉ ông này đến một chỗ giữa đường để quay đầu xe vì chỗ này có vạch đứt, còn trước nhà nghỉ là vạch liền. Đến đây thì lần đầu tiên mình được nếm mùi Nga ngố dù ông lái xe không phải Nga trắng. Ông ấy đi gần 4 cây số chỉ để đến chỗ có vạch đứt để quành đầu xe, mặc dù đường lúc này đã vắng, không hiểu là dân Nga chấp hành pháp luật hay vì gần đấy có đồn cảnh sát chuyên rình để phạt nữa!
Và sau khi quay đầu xe thì ông ấy lao vút ngày càng xa thành phố, qua cái nhà nghỉ vừa rồi, qua hết cả cánh rừng. Nhà cửa hai bên đường ngày càng tiêu điều, xiêu vẹo. Cảnh nhà cửa đổ nát không phải giống phim ma mà giống như phim tài liệu về thành phố sau chiến tranh vậy, hoang tàn, bẩn thỉu và tối tăm, xấu hơn ở ngoại thành các thành phố lớn của Việt Nam nhiều. Đến khi nhìn thấy cái biển trên đường có chữ Москва (Moskva) gạch chéo đỏ (hết địa phận Mát-xcơ-va) thì mình lẩm bẩm: “Bỏ mẹ rồi!”. Thế mà ông ấy còn đi thêm độ 5 cây số nữa, rồi mới rẽ vào một cái đường đất, tối như hũ nút, chẳng biết ông ấy nhìn thấy gì không nhưng có vẻ như ông ấy chọn bừa một cái nhà nào đấy rồi dừng xe, nói vào điện thoại, dịch thành: “Đến nơi rồi, chúng mày xuống đi. Và trả tiền tao nữa”.
Ánh trăng xanh thăm thẳm trên nền trời đêm, xe chạy qua những cánh rừng thông rất rộng
Giờ đã gần 11 giờ đêm, xung quanh tối om, cái nhà to lù lù như cái nhà ma không một tiếng động, chẳng biết gọi cửa cách nào mà cũng chẳng biết ông này có đến đúng địa chỉ không. Thế là vớ ngay quả điện thoại của ông này, hí hoáy gõ tiếng Anh rằng: Ông biết có khu nào nhiều nhà nghỉ khách sạn thì chở chúng tôi đến, đừng đắt quá là được, càng gần trung tâm càng tốt. Ông này lúc đầu còn lơ ngơ không hiểu, xong giải thích mãi mới hiểu ra là chúng tôi đếch cần ở cái chỗ này, ông cho chúng tôi đến ngay chỗ nào có đèn đường và có khách sạn là được. Lúc đầu mình cũng cảnh giác vì đêm hôm khuya khuắt, ông này lại đầu trọc, nhưng khi nhìn thấy ảnh con trai bé tí trong màn hình điện thoại, mình hiểu rằng họ cũng chỉ là người lao động bình thường, ở tỉnh lên thành phố kiếm sống nên ở mé ngoại thành này, khách sạn họ cũng không biết chỗ nào có nhiều. Rất may là ngẫm nghĩ một lúc thì ông ấy hỏi cái gì đấy có chữ “Vê Đê En Kha” (VDNK), nghe đến đây thì mình nhận ra ngay vì đã từng đọc trên Phượt. Mình đồng ý ngay để ông ấy đi đến khu ấy, mà mình biết chắc là theo như bản đồ metro thì ở trung tâm hơn chỗ này nhiều, lại cũng không quá xa nếu đi xe.
Xe đi vào đường cao tốc MKAD (tức là đường vành đai chạy một vòng tròn quanh Mát) nhưng rất xóc, ảnh chụp mờ mờ lóa lóa. Chân trời vẫn sáng mờ mờ
Và chiếc taxi lao vút đi trong đêm, chở theo hai con mực giờ đã khô như mười nắng, vừa khát, vừa mệt, vừa nóng như sốt, vừa buồn ngủ, vừa phải chống mắt lên đề phòng xem có chở mình đúng đường không (hay lại vào lò mổ nào là xong). Lúc đầu còn hỏi han được mấy câu, biết ông là người Cư-rư-gư-xtan, sau mệt quá chỉ ngồi lim dim chờ cho đến nơi. Ngoài trời không phải ánh trăng, cũng không phải sáng kiểu ánh đèn thành phố, mà là một thứ ánh sáng ma mị gì đấy, mình nghĩ có lẽ đêm trắng là thế này chăng, khi mà vẫn còn ít ánh sáng le lói của mặt trời tàn lụi cuối đường chân trời. Xe chạy qua khu Trung tâm thương mại Hà Nội – Mát-xcơ-va sáng rực ánh đèn, bình thường thì em sẽ phấn khích lắm nhưng giờ thì chỉ còn ngồi vật vờ.
Trong ảnh là xe tram (hay tàu điện leng keng như ở Hà Nội ngày trước), nghĩa là bắt đầu vào đến đô thị rồi.
Sau gần nửa tiếng thì xe bắt đầu ra khỏi đường cao tốc, mình nhận ra xe đã đến VDNK vì thấy bức tượng “Nam công nhân và nữ nông trang viên” huyền thoại, khổng lồ, đèn đuốc rực rỡ, đang giơ cao búa liềm sáng chói. Em đã biết bức tượng kì vĩ này từ nhỏ, chỉ muốn một lần được nhìn tận mắt nhưng không ngờ lần đầu tiên lại thấy nó khi mắt đã toét nhòe. Ông taxi dừng xe ở một khu có vẻ như toàn chung cư, đường phố le lói ánh đèn dù chỉ cách đường cái có hơn trăm mét. Ông chỉ đấy đấy toàn nhà khách sạn và nhà nghỉ đấy. Em xuống xe trả 1000 rúp cho quãng đường 20 cây số.
Chỉ còn mặt trăng và tháp truyền hình Ostankino chào đón em. Dưới chân cầu vượt quây hàng rào sắt cho thuê làm chỗ đỗ xe y như Việt Nam (khu đường Minh Khai ở Hà Nội)
Nhà nghỉ đầu tiên có hai ông Nga béo nặng hàng tạ, cởi trần, đứng ngay cửa, em thấy oải quá lần mò đến một nhà nghỉ tiếp theo. Quầy lễ tân trông như những nhà nghỉ ở Việt Nam cách đây 20 năm vậy, ngập lụt trong giấy tờ và cái kệ gỗ dán trên tường để những đồ lỉnh kỉnh bám đầy bụi. Và từ khi bắt đầu đặt chân đến Nga, lần đầu tiên có một người trả lời câu hỏi em đã học thuộc lòng (bạn có biết nói tiếng Anh không?) bằng một tiếng “Đa” (Yes) đõng dạc. Chị nhân viên lễ tân nói tiếng Anh rất rõ ràng rằng giá một phòng là 4000 rúp! Không bớt, không ở thì đi chỗ khác. Trong hành lang ngổn ngang những người là người , mấy người Peru ngồi đấy cười với mình rất tươi nhưng trông vạ vật như kiểu đi lên thành phố khám bệnh vậy.
Giờ đã hơn 12 giờ đêm, em liền chốt mà tiền rúp còn đúng 3800! Lúc chiều mới đổi có 100 đô lấy 6000 rúp nghĩ là tạm đủ dùng. Tiền đô nhà nghỉ không lấy! Lại một quả Nga ngố nữa. Mình phải đề nghị là có đổi tiền đô không thì thấy bốc máy gọi điện cho ông chủ. Ông chủ xuất hiện là một tay người Tây Á, rất nhanh nhẹn bảo ok, nhưng chỉ đổi 100 đô thôi, và 100 đô ở đây chỉ được có 4800 rúp! Sau đó còn phải đợi dọn phòng. Chị lễ tân nhập thông tin hộ chiếu vào máy tính để khai tạm trú với công an, bà lễ tân thứ hai ngồi sau hỏi chị này: “Kitai phải không?” Em nghe thấy liền nói luôn: “Tôi không phải Kitai, tôi là Vietnamski nhé”. Thế là hai bà kia liền cười xòa vì không ngờ mình nghe hiểu tiếng Nga, em cũng cười vì mình chỉ biết mỗi chữ “Kitai” là China. Tiếng cười hiếm hoi cuối cái ngày lê thê này.
Đi lên phòng thì hóa ra đây là một cái nhà tập thể cũ, tay chủ này mua rồi cải tạo lại thành nhà nghỉ. Cái phòng nghỉ của em là một phòng trong một căn hộ ngày trước. Trong “nhà” còn hai phòng nữa, cả 3 dùng chung nhà vệ sinh và một cái bếp bé xíu như kiểu căn hộ siêu nhỏ của VinCity bây giờ vậy. Trong phòng có đúng hai cái giường, mùi xịt phòng nồng nặc như thuốc gián và một chai nước, mình mở ra uống thì nước chát xít, rõ là nước vặn vòi ra, mà theo khuyến cáo của Tây thì nước vòi ở Nga không uống được. Vội mở cửa sổ, cửa ban công ra cho thoáng thì nghe tiếng muỗi vo vo. Bên ngoài trời đã mát nhưng người mình thì nóng hừng hực, mệt quá nằm lăn ra ngủ vì hôm nay đã khởi hành từ 8 giờ sáng ở Trung Quốc, tức là 3 giờ sáng ở đây, đến giờ là gần 1h sáng ngày hôm sau rồi mới được duỗi chân một tí.
Thế mới biết người tính không bằng trời tính, ngày khởi hành ở Úc đã xem là ngày rất đẹp (mùng 6 âm, còn nhớ vì ngày mùng 5 âm là Tết Đoan Ngọ, là ngày nghỉ lễ siêu đông người đi lại ở Trung Quốc nên tránh ra) nhưng không ngờ ngày hôm sau mới là ngày từ Trung Quốc đi Nga, mùng 7. Các cụ đã nói: “Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba” là có cái lý của nó. Cái này hoàn toàn không hề mê tín bởi lẽ đi máy bay là một cái việc cực kỳ may rủi, chính thế nên ở châu Á, vé bay ngày âm đẹp bao giờ cũng nhanh hết và ngày xấu thì rất hay còn và thường rẻ. Tại sao nói đi máy bay là việc may rủi hên xui? Vì người đi máy bay nhiều thì luôn biết, có hàng trăm ngàn thứ có thể xảy ra ảnh hưởng đến hành trình của bạn: gió mưa, nhân viên mặt đất, nhân viên hàng không, thợ kỹ thuật máy bay, phi công, đường ra sân bay, giấy tờ, hành lý, chính trị, dịch bệnh... chỉ cần một ông trong mấy ông đấy khó ở thôi là một phần hoặc cả hành trình của bạn đen như bồ hóng! Thế nên cho tâm lý đỡ bất an, đi chơi mình được lựa chọn ngày, thì tội gì không chọn ngày bớt xấu phải không ạ!
Và một ngày không thể tệ hại hơn đã bồi cho em thêm một quả cuối, 3 giờ sáng, mặt trời đã lên quá ngọn tre à nhầm ngọn bạch dương, chiếu ánh nắng vàng rực rỡ vào tận giường. Em cố gắng vật vờ được đến 7 giờ thì phải bò dậy vì mồm khô khốc, khát nước quá. Ngoài trời vẫn còn hơi lành lạnh.
Quang cảnh nhìn từ nhà nghỉ lúc 7 giờ sáng. Lác đác đã có người đi lại. Mùa hè ở Nga, cây cối mọc nhiều và xanh đến rực rỡ, lá non mơn mởn vẫn rất nhiều vì chúng phải chạy đua với thời gian, tích lũy đủ năng lượng cho mùa đông dài, trước khi mùa thu đến. Đường trong phố mà rộng dã man (bốn làn cộng thêm chỗ đỗ xe). Ông nào thiết kế cái cột đèn ở bên kia đường (chưa từng thấy và đã từng có) không hiểu sao cũng tốt nghiệp đại học và càng không hiểu sao có ông cũng duyệt cho làm. Mấy ông Việt Nam lại học từ ông thầy này về thì nguy!