What's new
Ngày 22/12 là ngày Hạ chí ở Úc, đã chín rưỡi tối mà mặt trời chưa lặn hẳn, hoàng hôn vẫn còn lấp ló ở cuối chân trời thành phố. Giật mình nhớ ra, đã nửa năm kể từ chuyến đi Nga xem World Cup cũng vào ngày Hạ chí (22/6). Mấy lần vào Phượt hóng hớt xem có ai kể chuyện đi xem World Cup không nhưng đều không thấy, phần em lại quá lười, vả lại cũng sợ hiểu biết còn nông cạn, kể chuyện đi Nga khác nào múa rìu qua mắt các bậc lão làng ở đây nên cứ chần chừ mãi không viết. Thế mà đến mãi hôm nay là Tết mới vội hí hoáy viết vài dòng, tự lưu lại làm kỷ niệm, bởi trí nhớ con người vốn tồi tàn, nếu không viết ra, nhiều chi tiết trong đầu đã dần rơi rụng mất.

Em không lớn lên với văn học Nga, không học tiếng Nga, bố mẹ không ai đi Nga, nhưng giống nhiều người Việt Nam vẫn có một tình cảm gì đấy với nước Nga rộng lớn, vậy nên bài viết này chỉ hoàn toàn là cảm nhận của một khách du lịch đi Nga vào một dịp rất đặc biệt là FIFA World Cup 2018, lại sống ở Tây, nên có lẽ sẽ khách quan và khác với cảm nhận của nhiều bác khác trên Phượt, có điều gì chưa phải, mong các bác vào bổ sung thêm kiến thức cho em với ạ. Nghĩ đi nghĩ lại em quyết định viết theo thứ tự thời gian vì như thế đỡ bỏ sót sự việc, mỗi tội sẽ rất dài dòng!
154803
 
24. Lang thang phố xá, tạm biệt thành Len

Sáng ngày cuối cùng ở Xanh và cũng là ở Nga, trời đẹp với nắng óng ánh vàng như lụa. Bước ra ngoài phố chỉ đi dạo thôi cũng thấy cái lãng mạn diệu kì ở thành phố này. Trời mát và không khí nhẹ dịu với rất nhiều cây xanh trên phố như một sáng đầu thu trong xanh vậy. Có lẽ cơn mưa hôm qua đã rửa sạch những cái u ám và ầm ì suốt mấy ngày vừa rồi để trả lại cho thành phố cái vẻ thanh bình và tĩnh mịch đáng có của nó. Phố xá vẫn đầy xe cộ và lác đác có người đi lại trên hè nhưng khác hẳn cái không khí chộn rộn của Mát, nó êm ả vô cùng, hẳn vậy nên người nước ngoài làm việc ở Nga đều thích sống ở Xanh.

Các con phố của Xanh thì đầy ắp những lịch sử, thi ca và nhân vật, mỗi một tòa nhà, một căn hộ đều mang trong mình câu chuyện của nhiều đời chủ nhân, có thể là nơi một vĩ nhân từng sống, từng sinh ra, từng lấy cảm hứng mà làm nên những tác phẩm để đời hay những toan tính làm rung chuyển đất trời. Ví dụ như con phố sáng nay tôi đi là phố Mayakovskogo, đặt tên theo nhà thơ vị lai - nhà soạn kịch Vladimir Mayakovsky. Ông từng sống ở tòa nhà số 52 trên phố này (từ 1915-1918), phố được đặt tên năm 1936, 6 năm sau ngày ông tự sát. Mặc dù có những xung đột về quan điểm với kiểm duyệt của nhà nước Xô Viết nhưng ông vẫn được đặt tên cho phố, về khoản này phải nói ở Liên Xô vẫn là Tây, vẫn thoáng hơn nhiều nước châu Á trong vấn đề xử lý những người bất đồng quan điểm, trí thức Nga ở nước ngoài, nghệ sĩ bỏ Liên Xô mà đi..v..v.. Việc đặt tên phố như thế này rất hay và rất thực tế. Việc đặt tên phố ở nước ta còn nhiều điều gây tranh cãi, căn bản là người ta trầm trọng hóa vấn đề, cứ như bên Úc thì việc đặt tên đường phố đơn giản vô cùng, sống lâu lên lão làng, tên đường nhiều khi là tên của một gia đình sống rất lâu trên phố ấy hay cái ông trồng hai hàng cây trên phố này, vì tên đường phố là để thuận tiện cho thư tín, địa chỉ, giao dịch, chứ đặt dài loằng ngoằng, khó đọc, lặp đi lặp lại vài cái tên không liên quan đến địa phương hoặc chờ duyệt lên duyệt xuống thì không đáp ứng được mục đích thiết thực của nó là phục vụ người sống và tưởng nhớ người chết.

IMG_2756.JPG

Tượng Vladimir Mayakovsky trên phố Mayakovskogo. Thoạt trông thấy cương nghị như một nhà cách mạng, ai mà nghĩ anh là nhà thơ, là kịch sĩ? Có con chim đậu trên đầu anh và... ị trắng cổ anh

IMG_2758.JPG

Phố xá rất rộng và thanh bình trong nắng sớm với những chậu hoa nhỏ duyên dáng bên cửa sổ

IMG_2753.JPG

Chỉ buồn cười với những quả ống dẫn nước mưa đặc trưng kiểu Nga như thế này. Cứ tương thẳng xuống vỉa hè, xong chạy qua một cái rãnh trên vỉa hè mới ra đến rãnh thoát nước bên mép đường. Như thế này vừa bẩn, vừa trơn trượt lại tạo ra những chỗ gây vấp trên vỉa hè, rất nguy hiểm cho người đi bộ. Kiểu này mà làm ở Úc thì cứ 2 tuần dân nó lại kiện một lần vì làm người ta ngã gãy chân. Nhưng mà an ninh có vẻ vẫn phải chặt chẽ vì nhà dân thường mà lắp camera đầy tường, hay là đề phòng bọn giả vờ vấp ngã ở đây đòi tiền gãy chân (!?)

IMG_2778.JPG

Trước cửa Tổng lãnh sự quán Thụy Sĩ và Hy Lạp cũng không ngoại lệ với ống nước mưa chảy ra đường, có điều thiếu cái rãnh thôi. Hôm nay có trận vòng 1-16 Thụy Sĩ - Thụy Điển. Lúc sau em nhờ anh công an chụp ảnh đứng dưới cờ Thụy Sĩ thì anh ấy cũng vui vẻ lắm, còn chụp đi chụp lại mấy kiểu, các anh công an gác sứ quán bên mình chả dám.

IMG_2759.JPG

Đường phố ở Xanh rất đẹp vì đường rất rộng, có vỉa hè sạch đẹp và các tòa nhà không cao nên vẫn nhìn thấy khoảng trời xanh trên đầu, có khoảng nghỉ giữa kiến trúc, khác với nhiều thành phố châu Âu nhà cửa chi chít, đường xá bé tí, người đi lại chen vai thích cánh, thấy ngột ngạt dù cổ kính.

IMG_2764.JPG

Tòa nhà Singer, một công trình kiến trúc rất nổi bật ở Xanh, ngay đối diện Nhà thờ Kazan


Tòa nhà sáu tầng với phong cách Art Nouveau điển hình trông rất độc đáo. Tòa nhà này là Trụ sở của Công ty máy khâu Singer ở Nga. Máy khâu Singer thì khỏi bàn rồi, ở Việt Nam ngày xưa ai có cái máy khâu này là cả gia tài. Công ty Singer này rất lớn và giàu có, cùng thời điểm 1902 này họ đang xây một tòa nhà chọc trời ở New York (Singer Building 41 tầng 187m là tòa nhà cao nhất thế giới từ năm 1908-1909) nên họ cũng muốn xây một tòa nhà chọc trời ở đây để làm văn phòng và kinh doanh địa ốc. Tuy nhiên các tòa nhà ở trung tâm Xanh chỉ được cao không quá 23.5 m. Tiền và quyền thì công ty này chả thiếu rồi, thế mà không hiểu sao cũng không được cấp phép phá quy hoạch, chả như mấy bác ở nước nào đó, được xây nhà cao vút, ngồi đi vệ sinh nhìn thấy cả nóc Tòa nhà Quốc hội. Kiến trúc sư Pavel Syuzor đã chọn giải pháp là làm một mái vòm bằng kính, tạo cảm giác về độ cao đáng kể trên nóc tòa nhưng không lấn át hai công trình khủng bố hai bên là Nhà Thờ Kazan và Nhà Thờ Chúa cứu thế trên máu đổ.

Tòa nhà này áp dụng những công nghệ xây dựng tiên tiến nhất thời bấy giờ, lần đầu tiên sử dụng ở Nga như khung thép và ống thoát nước mưa xây ẩn trong tường (nên các bác thấy mỗi tòa nhà này là không có những cái ống xấu xí kia). Các yếu tố kiến trúc hiện đại lần đầu tiên được sử dụng như giếng trời, sân trong, mái kính, thang máy, hệ thống quét tuyết tự động. Nhà điêu khắc Amandus Adamson đã hoàn thành những bức tượng đồng với những thiên thần tung cánh, thể hiện cho tương lai của việc kinh doanh máy khâu và ngành dệt may ở Nga.

Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Đại sứ quán Mỹ đặt trụ sở ở tòa nhà này (mục đích buôn vũ khí). Từ 12/1919, Nhà nước Xô viết quốc hữu hóa rồi đặt nhiều Nhà xuất bản và Tổng công ty sách ở đây. Đến ngày nay, đây vẫn là hiệu sách nhân dân nổi tiếng nhất thành Xanh, với tên gọi quen dùng là Căn nhà của sách. Theo chỉ dẫn của bạn @Cin ở bài này em cũng vào tòa nhà Singer để xem bưu thiếp. Sách ở đây thì rất đắt rồi, nhưng bưu thiếp thì rất rẻ và có vô vàn loại khác nhau. Em chọn lâu ơi là lâu, làm một nắm để gửi về Việt Nam và Úc.

IMG_2774.JPG

Các mẫu bưu thiếp phong cảnh Xanh, cả ảnh chụp, tranh sơn dầu, hoạt họa

IMG_2773.JPG

Bưu thiếp các nhân vật lịch sử Nga, hầu hết là vua chúa và quý tộc
 
IMG_2762.JPG

Nhà thờ Kazan sừng sững... giữa phố mô phỏng Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican nhưng không biết là đội vốn hay chậm tiến độ sao đó mà chỉ hoàn thành có một vòng cung mà thôi.

Nhà thờ Kazan đặt tên theo Đức mẹ Kazan, là bậc mẫu nghi thiên hạ trong tín ngưỡng thờ Mẫu... à nhầm Chính thống giáo của Nga. Đức mẹ Kazan là nữ thánh bảo hộ cho thành phố Kazan vì theo truyền thuyết, bức tranh đức mẹ nguyên gốc được đem từ Constantinople về Kazan vào thế kỉ 13. Constantinople là trung tâm của Chính thống giáo phương Đông thời đó. Ngài là hiện thân của Đức Mẹ Maria kiểu Nga nên cũng coi như nữ thần hộ mệnh của nước Nga. Đức mẹ ngự ở hai đền phủ chính là Nhà thờ Kazan Moskva và Nhà thờ Kazan Sankt-Peterburg này. Đức mẹ được tôn sùng như vậy vì các vị tổng tham mưu trưởng quân đội của Sa hoàng khi nghe tin có giặc đến xâm lược thì việc đầu tiên là làm nén hương, đĩa quả đến cầu xin Đức mẹ phù hộ đô trì, dẹp âm dẹp dương dẹp đường dẹp chợ để đánh đuổi giặc ngoại xâm. Đức mẹ đáp lời cầu nguyện, giúp quân Nga đánh tan giặc Ba Lan, giặc Thụy Điển và oanh liệt nhất là Tướng Mikhail Kutuzov xin Đức mẹ xong thì đánh tan giặc Pháp Napoleon dù cùng phải tiêu thổ kháng chiến, dẹp sạch đường, sạch chợ thật, tự đốt cả thành Moskva. Năm 1904, bức tranh bị đánh cắp và khi những kẻ trộm bị bắt thì chỉ còn thu lại được cái khung bằng vàng và đá quý còn bức tranh biểu tượng thì đã bị tiêu hủy xóa dấu vết. Giáo hội Chính thống giáo Nga cho rằng đây là điểm cực kì gở và nước Nga sẽ bị tai họa giáng xuống: dân chúng càng tin khi nước Nga bị giặc Oa, một nước châu Á lạc hậu, đánh bại trong chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905 và Cách mạng Nga 1905 nổ ra khốc liệt.

Ngày này một bản sao cổ nhất của bức tranh vẫn còn lưu giữ ở Tu viện Theotokos Kazan, do Giáo hoàng John Paul II tặng Giáo hội Nga vô điều kiện, Giáo hoàng vốn muốn tự tay đem Đức mẹ về Nga nhưng Giáo hội Nga vốn thù hằn với Vatican không chấp nhận yêu cầu.

IMG_2767.JPG

Phần mộ của nguyên soái Kutuzov được di dời về chôn trong Nhà thờ này. Ngoài sân, tượng ngài đứng chỉ tay lên trời xanh tựa như tượng một vị thần La Mã, nhưng lạ là quân Pháp vẫn vô địch World Cup trên đất Nga.

IMG_2770.JPG

Trong Nhà thờ có biển không cho chụp ảnh, vả lại đây là nơi rất linh thiêng nên em cũng không chụp choẹt gì nhiều. Ảnh đức mẹ ở bên trái Cửa Hoàng gia có mặt trời rực rỡ phía trên. Cửa này để đi vào hậu điện, chắc giống mấy gian hậu điện ở các đền Mẫu nước mình, chỉ dành cho tầm Nga Thái Tông và các Đại thần vào đấy khấn cho quốc thái dân an chăng.

IMG_2771.JPG

Em đi lòng vòng thế nào đụng ngay hòm công đức, nhìn cái biết ngay, chưa cần đọc chữ. Chỗ nào không thấy tiếng Anh chứ riêng chỗ này có tiếng Anh rõ ràng, cái này phải tổ chức cho các Ban quản lý di tích ở ta đi tham quan học tập. Hình như em có bỏ mấy xu vào thì phải nhưng không ghi công đức, cũng không xin xỏ gì cả, đã xin thì phải tạ mà nếu linh nghiệm thì quay lại tạ lễ hơi xa.

IMG_2772.JPG

Bên cạnh có bàn với giấy bút em cứ tưởng là bàn ghi công đức nhưng mà không phải. Là bàn đăng ký dành cho hướng dẫn viên du lịch dẫn đoàn thì phải, một là bỏ voucher vào hòm hai là đăng kí vào sổ, em cũng không biết chính xác là gì và liên quan gì đến thu chi của nhà đền hay không

Đã đến giờ phải ra ga lên tàu về Mát, em dừng lại chụp cái nắp cống để tạm biệt Len - Thành phố tuyệt vời

IMG_2755.JPG

Nắp cống ở Nga có muôn vàn hình dạng khác nhau, và còn cầu kì đến mức có cả tên thành phố trên đó!
 
View attachment 166608
Đi ngang một tòa nhà thấy cờ quạt phấp phới, lại còn có cả Cao Tổ và Thái Tổ đứng gác hai bên cửa, đoán chắc đây phải là cơ quan đầu não gì đây, ai ngờ đọc biển thì là Gymnasium của Viện giáo dục, có lẽ là phòng huẩn luyện thế thao chứ không phải phòng Gym bình thường, nhưng mà các bác Nga nâng cao quan điểm "Khỏe để bảo vệ tổ quốc" quá đi mất.

Gymnasium là mô hình trường cấp 2 giáo dục phát triển toàn diện anh ạ, nguyên mẫu từ nền giáo dục Đức.
Bài anh viết kỹ nhưng anh có nhiều điều không hiểu về con người và văn hóa mà lại vội kết luận nên tôi đọc không thấy đúng đâu.
 
Gymnasium là mô hình trường cấp 2 giáo dục phát triển toàn diện anh ạ, nguyên mẫu từ nền giáo dục Đức.
Bài anh viết kỹ nhưng anh có nhiều điều không hiểu về con người và văn hóa mà lại vội kết luận nên tôi đọc không thấy đúng đâu.
Em cảm ơn bác @danngoc đã vào góp ý để em được mở mang thêm kiến thức ạ. Bác ơi, chúng em có những điều chưa hiểu về con người và văn hóa Nga thì mới cần đi xem tận nơi và viết bài chia sẻ để mong gặp được những người hiểu biết sâu về Nga cũng như giỏi tiếng Nga giống bác Sinbad giải thích cho chứ ạ. Bác thấy đấy, trong bài rất nhiều lần em thắc mắc với tinh thần cầu thị và mong muốn được bác nào hiểu thì vào chia sẻ kiến thức nhưng chưa có hồi âm. Vậy nên bác Sinbad thấy em có điều gì chưa hay chưa phải, xin bác cứ tự nhiên chia sẻ, biển học là vô bờ mà. Em cảm ơn bác lần nữa ạ.
 
25. Tàu Sapsan và chuyện đường sắt cao tốc
Ga Moskovskiy là một trong năm ga tàu hỏa đường dài ở Xanh và cũng là ga có lượng khách đi lại lớn nhất (15400 người/ngày). Ban đầu nó tên là Ga Nicholas (Nikolaevskiy Vokzal) vì Sa hoàng Nicholas I cùng gia đình đi chuyến đầu tiên, khai trương tuyến đường từ Xanh đi Mát. Thời đó vé tàu thì đắt, nước Nga lại có một trò rất kì quái là có "hộ chiếu nội địa" gọi là propiska, tức là kiểu như hộ khẩu nhưng không chỉ hạn chế chỗ ở mà còn hạn chế việc đi lại của người dân nên lượng người đi tàu không nhiều. Đây là "thành tựu" duy nhất của chế độ Sa hoàng được chính quyền Liên Xô tiếp thu nhiệt tình và hăng say. Nên muốn đi đâu phải ra cảnh sát địa phương xin giấy phép và hộ khẩu bị giữ đến khi về lại Xanh mới được trả.

Thế nên nhà ga chỉ thực sự được xây dựng mở rộng vào khoảng những năm 1960 để đáp ứng nhu cầu đi lại gia tăng của hành khách. Và ga chính của Leningrad thì đương nhiên phải có tượng của Thái Tổ đứng nhìn nhân dân cần lao trìu mến rồi. Năm 1993, chính quyền thành phố thay bằng tượng mới của Peter Đại Đế.
(Đến đây thì cũng cần nói thêm một chuyện rất buồn cười, Peter là viết theo cách gọi thông dụng của tiếng Anh, chứ tên tương đương trong tiếng Nga là Пётр (Pyotr/Pi-ốt). Còn Peter thì người Nga sẽ không nói vì đọc lên giống âm với pidar, là tiếng lóng của Nga chỉ người đồng tính nam theo nghĩa thô tục, như kiểu bóng, bê-đê hay gay lọ vậy. Từ pidar này có cùng gốc với từ bê-đê/pê-đê trong tiếng Việt, bắt nguồn từ chữ "Pederasty" là quan hệ đồng tính nam giữa một người đàn ông trưởng thành và một thiếu niên/trẻ con)

AB4J8Y.jpg

Ảnh sưu tầm trên mạng: Sảnh chờ trước đây. Như các bác có thể thấy chữ Apteka (Nhà thuốc) sáng rực ở trong nhà chờ, nhà thuốc có mặt ở khắp nơi, sân bay cũng có mấy quầy, một điều không thường thấy ở nhiều nước


IMG_2788.JPG

Sảnh chờ ga Moskovskiy năm 2018.

IMG_2784.JPG

Sảnh chờ phía ngoài thì đã thay tượng nhưng trần nhà của Đại sảnh phía trong vẫn là bức tranh khổ lớn, không rõ chủ đề gì, chỉ thấy nhân dân lao động thuộc mọi tầng lớp đang kỷ niệm gì đó, cờ quạt phấp phới, có lẽ là các vận động viên bên trái với cờ Olympic, ở giữa hình như là Đội thiếu niên tiền phong Vladimir Lenin với cờ đỏ.


IMG_2786.JPG

Cổ trần nhà trang trí bởi rất nhiều vòng nguyệt quế và lá ô-liu cộng thêm một phù điêu thạch cao nhiều nhóm người. Đó là cái phong cách rất độc đáo ở Liên Xô, bức tranh này khác nào tranh các vị thần trên đỉnh Olympus ở Cầu thang Jordan, và các hình người trên cổ trần mô phỏng kiểu phù điêu La Mã với binh lính, chỉ khác là nhân dân ở đây đều mặc áo sơ-mi và quần âu cả và phù điêu bằng thạch cao chứ không phải cẩm thạch. Bình dân hóa và phổ biến hình thức trang trí và đưa nhân dân lên hàng thánh thần, họ cũng có cái lý tưởng cao đẹp của họ, chỉ có điều là nói chưa đi đôi được với làm thôi.

IMG_2790.JPG

Sân ga chiều em đi

Lần này đi từ Xanh về Mát, em đi tàu cao tốc Sapsan cho biết. Vậy là đã sử dụng hết mọi loại phương tiện giao thông ở Nga: xe con, xe buýt, xe tram, tàu hỏa, máy bay nội địa và cuối cùng là tàu cao tốc, chắc chỉ còn xe ngựa troika nữa thôi. Vé tàu em mua là 1950 rúp, mua trực tiếp trên trang chính thức của Đường sắt Nga bằng tiếng Anh (http://pass.rzd.ru/static/public/en?STRUCTURE_ID=5154) nên khá rẻ, quan trọng là đúng giá. Có rất nhiều các trang web khác cũng bán vé nhưng kéo xuống dưới cùng, thường là của các công ty có trụ sở ở ngoài Nga, chuyên dọa khách du lịch rằng nước Nga không có trang mạng tiếng Anh ?.

Nhân việc nước ta cứ dăm bữa lại sôi nổi chuyện đường sắt, nhất là đường sắt cao tốc thì cũng nói thêm một tí. Mạng lưới đường sắt ở Nga phải nói là khá vĩ đại. Đó là một quá trình phát triển lâu dài cả trăm năm và đặc biệt trong suốt thời kì Xô viết, trọng tàu hỏa không trọng tàu bay. Từ thời Chekhov viết truyện ngắn đã có những câu chuyện về những gia đình ở vùng Siberia chỉ mong chờ chuyến tàu đến như một mối liên hệ duy nhất với thế giới văn minh, rồi chuyện Thép đã tôi thế đấy. Hệ thống đường sắt liên tỉnh và nội thị ở Nga đều phát triển, đồng bộ, quy củ và hiện đại tàm tạm. Thế nhưng tàu Sapsan này vẫn phải mua của Đức, cụ thể là hãng Siemens (tiếng Đức đọc là zi-men, chứ các bác đừng đọc si-men nghe giống... tinh trùng trong tiếng Anh) và mới có ở Nga từ năm 2009. Qua đó ta thấy rằng việc làm đường sắt cao tốc là một việc vô cùng tốn kém và không đơn giản chút nào.

Em đã từng xem phim tài liệu của Nhật, về tàu Shinkansen nhưng không phải về con tàu, mà về việc chính phủ Nhật marketing cho quan chức chính phủ các nước Đông Nam Á, hết nước này đến nước nọ, cứ sang thăm Nhật là có chương trình ngồi tàu Shinkansen, đi xong phê mút mùa, về nhà là mau mau chóng lên kế hoạch làm tàu cao tốc công nghệ Nhật Bản và ôm nợ lao ra biển. Về đường sắt, trước hết là nó không bao giờ có lãi, Nhà nước luôn luôn phải bù lỗ và bao cấp chi phí vận hành, chi trả cho khấu hao và bảo trì cơ sở hạ tầng liên quan như nhà ga, đường ray. Như ở Nga đây, tuyến Sapsan Xanh-Mát này là tuyến duy nhất có lãi. Nước Mỹ một thời phát triển khủng khiếp về đường sắt (từ tận hai thế kỷ trước) (ngày nay vẫn khủng khiếp) nhưng giờ đã không còn chở mống khách nào mà chuyển sang hàng không. Trung Quốc phát triển đường sắt vì mục đích chính trị và quan trọng là Trung Quốc có một lượng khách đi khổng lồ, thế mà những tuyến đi Tân Cương, Tây Tạng vẫn lỗ. Thế nên, đã làm đường sắt cao tốc, là xác định nước phải giàu, dân phải đông.

Tiếp đó, đường sắt chủ yếu là để chuyên chở hàng hóa thì mới có lợi, chở người vừa không được bao nhiêu, vừa cần một lượng khách rất lớn, mà giá vé lại phải không quá cao, vì cao quá thì người ta đi máy bay cho nhanh. Thế nên chiến lược phát triển đường sắt phải theo con đường của Trung Quốc mới là đúng đắn. Đọc đến đây thì các bác đừng liên tưởng đến Cát Linh - Hà Đông mà giãy lên, đó chỉ là một công trình, cái em đang nói ở đây là chiến lược phát triển đường sắt. Nghĩa là mạng lưới đường sắt phải rộng khắp và đồng bộ, không cần chạy tốc độ quá cao, vì nó chỉ chở hàng là chính, nếu đường sắt chở hàng tốt, tất nhiên không ai phải gửi hàng bằng đường thủy, đường bộ nữa, đó mới là lợi chính cho nền kinh tế, không phải chở mấy ông bà khách du lịch mà giàu được đâu ạ. Trung Quốc họ đã đi theo con đường đó thành công, rồi mới phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc từ chục năm trở lại đây để phục vụ hành khách trên một nền tảng cơ sở hạ tầng đã đồng bộ rồi. Bác nào đi tàu hỏa ở Trung Quốc xong mà chê được thì chắc là theo tinh thần "yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau thì cái đ' gì cũng chê".

Việc Việt Nam chúng ta nên làm là vứt ngay cmn cái đường sắt khổ 1 mét (1000mm) từ thời Pháp vào sọt rác và nâng lên khổ quốc tế tối thiểu là 1435 mm. Chúng ta cần cả mạng lưới 1435 mm chứ không cần một cái đường sắt mới cứng 60 tỷ đô chỉ chở hành khách từ Hà Nội vào TPHCM. Và những người bị mê hoặc bởi cái tàu của Nhật là những người dại nhất vì chỉ cần tra tin tức về tai nạn đường sắt ở Nhật thì nhiều vô kể, nhất là việc tàu trật bánh khỏi đường ray, vì chỉ có hệ thống Shinkansen là dùng khổ tiêu chuẩn còn đa phần tàu liên tỉnh ở Nhật dùng khổ nhỏ chỉ hơn 1 mét (1067mm) cực kỳ bất tiện, tốc độ thấp và tai nạn rất nhiều. Đó chính là hậu quả việc tư duy sai lầm về đường sắt, là con đường mà các nước phát triển sau nên nhìn vào để "rút kinh nghiệm sâu sắc". Đảo Sakhalin là nơi cuối cùng ở Nga còn khổ đường sắt 1067 xây từ thời Nhật chiếm đóng nửa phía nam đảo, đến tận năm nay Nga mới hoàn thành việc chuyển đổi sang khổ rộng của Nga (1520mm).

Câu chuyện về đường sắt ở ta thì còn rất dài. Và để có nhận thức đúng về việc này không đơn giản, chưa nói đến các chiêu trò truyền thông và nhóm lợi ích nên còn lâu nhân dân bản triều mới được đi đường sắt tử tế và tạm biệt những cái toa-lét tàu hỏa kinh hoàng nhất thế giới (chắc chỉ xếp hạng trên Ấn Độ). Em đi học, cứ nhớ mãi bài cuối của môn Đường sắt, ông thầy người Úc bảo, bài này thầy miễn cho chúng mày không phải ôn thi, vì là bài Đường sắt cao tốc ở Úc (nối Sydney - Melbourne), bài này bố thầy làm giáo sư đại học đã dạy thầy lúc sinh viên, nay thầy 70 tuổi lại dạy chúng mày, có lẽ chúng mày lại dạy con chúng mày nữa thì mới bắt đầu làm! Đơn giản vì bọn Úc biết thừa làm cái đường tàu này thì ăn cám mới trả hết nợ mà còn phải bù lỗ hàng năm, khi nào Melbourne 10 triệu dân, Sydney 10 triệu dân thì may ra mới dám làm, mà đấy là một nước giàu bạc vạn, hay có lẽ như cụ Lỗ Tấn viết: "Thật là càng giàu có càng không dám rời một đồng xu! Càng không dám rời một đồng xu lại càng giàu có!". Ngân sách bị quản chặt nên chẳng ai dám làm, ông Tim Fischer Nguyên Phó Thủ Tướng Úc ôm mộng cả đời làm cái đường sắt này mới qua đời, với thi hài được chở bằng tàu hỏa chậm rì từ Sydney về quê, đem theo giấc mơ đường sắt cao tốc chôn vùi thêm nhiều chục năm nữa. Đến một nước quản lý ngân sách lỏng lẻo như Bản triều mà trong Hội nghị Diên hồng lịch sử năm 2010, các bô lão còn phải đồng thanh hô: "Dẹp", lần đầu tiên bác bản tấu của Lục bộ thì đủ biết cái trò đường sắt cao tốc này nó nguy hại thế nào. Có điều các bác Nhật vẫn cứ mồi chài nên năm nay lại bới lên đong đưa qua lại.

Càng đi nhiều nước càng thấy rằng việc không làm đường sắt cao tốc là đúng đắn, nhất là phải tránh xa thằng Nhật, thằng Tàu. Vì trên thế giới này, thống trị ngành đầu máy tàu hỏa và tàu cao tốc chỉ có hai thằng là: Alstom của Pháp và Siemens của Đức, Nhật có chen chân được cái hợp đồng ở chỗ nào đâu. Nhưng mà tàu của hai đồng chí này rất đắt, hợp đồng toàn ty tỷ những đô la, mà lại không có màu mè gì, một là một hai là hai, nên các nước nghèo, tham nhũng nhiều không thích. Chính thế Trung Quốc nó tự làm tàu của nó mới chịu nổi nhiệt, mặc dù Trung Quốc ban đầu cũng phát triển đường sắt dựa trên công nghệ của Pháp rất nhiều, chưa nói đến vụ giả vờ mua đầu tàu cao tốc của Pháp xong trả lại, chịu phạt hợp đồng nhưng đã sao chép được thành công công nghệ.

IMG_2794.PNG

Quay lại với Sapsan, trên tàu có wifi nên em cũng thử vào, các ô đánh dấu cộng là dịch vụ có sẵn dành cho từng hạng vé...

IMG_2793.PNG

...và hạng vé của nhân dân cần lao thì... không có internet và cả ổ điện sạc điện thoại!
 
Last edited:
IMG_2468.JPG

Ghế ngồi toa phổ thông, ngồi có 4 tiếng nên ngồi thế này cũng thoải mái rồi, sang chảnh làm gì đúng không ạ. Hành lý không có nhiều chỗ để lắm, cuối mỗi toa có một ngăn để hành lý to, nhà em lên không có chỗ để hành lý nên phải để ở chỗ trống cạnh cửa, phía kia có thể thấy hành lý cũng ngổn ngang, đi tàu này, đến hành lý của khách còn không chở nổi thì ở Việt Nam muốn mang con gà, con vịt sạch dưới quê thì chắc phải buộc lên nóc tàu các bác ạ.

IMG_2471.JPG

Ngăn để hành lý xách tay. Trên cao cũng có nút chỉnh điều hòa và đèn như máy bay. Trần tàu có gắn màn hình nhưng cũng không chiếu gì ngoài quảng cáo và đôi lúc có cảnh trước đầu tầu.


IMG_2470.JPG

Quảng cáo ngân hàng dán trên bàn ăn phía trước
IMG_2469.JPG

Bàn ăn rất rộng nhưng... chẳng có gì để ăn!

IMG_2472.JPG

Một đoàn tàu Sapsan kiểu cũ đi ở một đường ray khác. Phía xa là những chung cư xây kiểu hiện đại, nhưng vẫn kín mít theo phong cách Nga

IMG_2474.JPG

Những anh công nhân đường sắt Nga
IMG_2479.JPG

Tạp chí của tàu Sapsan, đôi chỗ có mấy đoạn tiếng Anh
IMG_2480.JPG

Tranh của thiếu nhi Nga nhân ngày Gia đình nước Nga (8/7)
 
Em cảm ơn bác @danngoc đã vào góp ý để em được mở mang thêm kiến thức ạ. Bác ơi, chúng em có những điều chưa hiểu về con người và văn hóa Nga thì mới cần đi xem tận nơi và viết bài chia sẻ để mong gặp được những người hiểu biết sâu về Nga cũng như giỏi tiếng Nga giống bác Sinbad giải thích cho chứ ạ. Bác thấy đấy, trong bài rất nhiều lần em thắc mắc với tinh thần cầu thị và mong muốn được bác nào hiểu thì vào chia sẻ kiến thức nhưng chưa có hồi âm. Vậy nên bác Sinbad thấy em có điều gì chưa hay chưa phải, xin bác cứ tự nhiên chia sẻ, biển học là vô bờ mà. Em cảm ơn bác lần nữa ạ.
Thì tôi nói bác cứ viết tôi vẫn đọc tôi cám ơn, nhưng thay vì bác chỉ viết sự kiện và bình phẩm khách quan thì bác lại bình phẩm luôn cả những thứ bác không rành theo hướng khá là tiêu cực. Ý tôi muốn nói, tôi không dám chê ai là biết ít biết nhiều, bản thân tôi không bao giờ dám nhận là biết , nên bác "mong gặp được những người hiểu biết sâu về Nga cũng như giỏi tiếng Nga" tôi suy ra bác muốn đả kích tôi tỏ vẻ. Nhưng khi ta viết ra nhận xét thì ta phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của nhận xét đó. Bác tự nhận không biết nhiều nhưng bác nhận xét người ta kinh quá ạ.
Tôi không dám lạm bàn, chỉ biết người ta phân ra thế giới nói tiếng Anh, thế giới Arab, thế giới dùng Hán tự thì cũng có thế giới tiếng Nga, tức là họ suy nghĩ và hành xử khác các thế giới còn lại. Nhưng như thế k có nghĩa là họ giỏi hơn hay họ xấu hay họ dở hay họ không bằng những thế giới khác. Chỉ đơn giản họ có đặc thù như vậy. Nếu bác thấy tôi nói đúng thì tôi cảm ơn bác rộng lượng, thậm chí ta có thể trao đổi với nhau để rõ ra lý do tại sao họ lại như vậy, còn nếu bác thấy tôi sai thì tôi không dám nói thêm.
 
Thì tôi nói bác cứ viết tôi vẫn đọc tôi cám ơn, nhưng thay vì bác chỉ viết sự kiện và bình phẩm khách quan thì bác lại bình phẩm luôn cả những thứ bác không rành theo hướng khá là tiêu cực. Ý tôi muốn nói, tôi không dám chê ai là biết ít biết nhiều, bản thân tôi không bao giờ dám nhận là biết , nên bác "mong gặp được những người hiểu biết sâu về Nga cũng như giỏi tiếng Nga" tôi suy ra bác muốn đả kích tôi tỏ vẻ. Nhưng khi ta viết ra nhận xét thì ta phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của nhận xét đó. Bác tự nhận không biết nhiều nhưng bác nhận xét người ta kinh quá ạ.
Tôi không dám lạm bàn, chỉ biết người ta phân ra thế giới nói tiếng Anh, thế giới Arab, thế giới dùng Hán tự thì cũng có thế giới tiếng Nga, tức là họ suy nghĩ và hành xử khác các thế giới còn lại. Nhưng như thế k có nghĩa là họ giỏi hơn hay họ xấu hay họ dở hay họ không bằng những thế giới khác. Chỉ đơn giản họ có đặc thù như vậy. Nếu bác thấy tôi nói đúng thì tôi cảm ơn bác rộng lượng, thậm chí ta có thể trao đổi với nhau để rõ ra lý do tại sao họ lại như vậy, còn nếu bác thấy tôi sai thì tôi không dám nói thêm.
Bác Sinbad ơi, em có mấy ý muốn trao đổi với bác thế này, tính em rất thẳng, em cũng ham học hỏi nên em có gì nói nấy bác nhé:
- Đã bình luận là không bao giờ khách quan được, ai cũng có cái nhìn chủ quan của người đó và so sánh với thế giới quan của riêng họ, ông nào viết sách mà khách quan thì sách đấy chỉ có là danh bạ điện thoại thôi bác ạ

- Đã nhận xét thì không thể chính xác được, em đưa ra những dữ liệu khách quan, những điều tai nghe mắt thấy (như ảnh chụp, thông tin...) còn nhận xét đương nhiên là chủ quan, dựa trên kinh nghiệm và nhận thức của em, em chịu trách nhiệm với quan điểm của em

- Bác cứ "không dám" mãi mà bác chẳng nói em sai thế nào, em chưa chính xác ở đâu nhưng bác lại "buộc tội" em là không biết mà dám nói. Thế khác nào bảo anh bị kết án nhưng chúng tôi không nói bằng chứng phạm tội là gì. Trong khi em cứ háo hức được nghe bác chia sẻ thêm. Còn việc nhận xét người ta kinh quá thì em thấy không vấn đề gì, em thấy em nhận xét kinh bình thường, nhận xét nó vô biên lắm, chứ nếu em bảo Lenin với Stalin là anh em ruột cùng họ Lin thì mới có vấn đề

- Cuối cùng là về chuyện "các thế giới", bác nói thế giới Nga đặc thù nên các thế giới khác không được nhận xét họ, đấy là chuyện xưa nay vẫn phổ biến ở Nga, làm họ bị cô lập với các "thế giới" (khác). Họ chẳng thích ai nhận xét họ đã đành, nhưng họ cũng ra sức cấm người ta nhận xét họ, họ không thích so sánh với ai nhưng lại chạy đua thành tích với các nước khác về mọi mặt nên em mới nghĩ là: "À, hóa ra trên thế giới này, ai cũng tự so sánh cả". Nếu họ tin rằng những việc họ làm là đúng đắn, là lương thiện, là đúng với lương tâm họ thì họ lo gì bị phán xét, cứ việc mình mình làm. Em có nói họ dốt, họ xấu, họ dở (so với abc) mà các bác ngồi đây đọc, đi, nghe, nhìn còn nhiều gấp vạn lần em, hay nhìn ảnh trong chính bài này không thấy thế thì em có nói mãi cũng chả để làm gì. Nếu có điều gì bác thấy phản biện lại được, bác cứ tự nhiên đăng lên, em có cấm đoán gì đâu, mọi người cùng tăng thêm kiến thức, thêm phần sôi nổi, chứ bác cứ nói vòng quanh thế này lại thành không hay bác ạ.

Bác cũng đừng "suy ra" nhiều, em chẳng "đả kích" gì bác cả, những việc tranh luận về nước Nga, trên facebook và các diễn dàn ngày nào chả có, bác cứ coi như việc trao đổi bình thường thôi bác ạ, không nên nặng nề nhiều, dù em biết bác có tình cảm với nước Nga, em cũng có tình cảm với nước Úc, đứa nào bảo Úc là Úc lợn em cũng cay mũi lắm, nhưng em vẫn nghe xem họ muốn nói gì, cái gì họ chưa biết thì mình cung cấp thông tin, biết rồi mà họ vẫn nghĩ thế thì phải tôn trọng quan điểm của họ thôi. Em luôn nghĩ rằng trao đổi chỉ khiến người ta hiểu nhau hơn, đừng đưa câu chuyện về việc cá nhân để tự ái làm mọi người mất một cơ hội trao đổi kiến thức bác nhé.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,749
Bài viết
1,136,881
Members
192,574
Latest member
meeylandbatdongsan
Back
Top