What's new

[Chia sẻ] Dọc đường gió bụi: Cà Ná về Sài Gòn theo đường ven biển.

Tôi đang dự tính cho chuyến đi sắp tới sẽ từ TP HCM theo Openbus đi Phan Rang nhưng sẽ xuống xe ở Lạc Nghiệp rồi dùng xe gắn máy du lịch theo các điểm sau > Cà Ná - Liên Hương - Phan Rí - Bàu Trắng (Hòa Thắng) - Hòn Rơm - Mũi Né - Phan Thiết - Mũi Kê Gà - Lagi - Bình Châu - Hồ Cốc - Hồ Tràm - Long Hải - Bà Rịa, toàn tuyến đi sẽ theo đường ven biển (nếu có đường), ở lại nhiều chặng để mặc sức khám phá những vùng đất lạ.

Tuy nhiên: qua một số thông tin từ internet + bè bạn thấy một số điều làm tôi băng khoăng ngần ngại vì tiêu điểm của chuyến này sẽ dành nhiều thời gian khám phá Bàu Trắng, nhất là biển Hòa Thắng. Bạn nào nếu vừa đi tới vùng này, có nhiều thông tin liên quan thì xin cho biết, rất cảm ơn.

Điều gì làm tôi e ngại? Bạn biết không: đó chính tà titan!
Hòa Thắng từng là điểm đến hoang sơ của du lịch offroad từ khi con đường trải nhựa phẳng lỳ dài 17km hoàn thành năm 2004 chạy Lương Sơn kéo dài tới Thiện Ái.

Theo Binhthuantoday thì hồi năm 2006:
... Từ độ cao của Dốc Hầm, ta có thể nhìn ngắm được rừng và biển mờ ảo trong mây trời. Đến km thứ 15, du khách đã được thỏa thích ngắm nhìn Bàu Trắng... Nếu đến đây vào mùa hè hoặc mùa xuân sẽ không thể nào tả hết vẻ đẹp hoang sơ của bàu Trắng. Dưới tán cây dương liễu quanh năm rủ bóng mát, nhìn những làn nước trong xanh gợn sóng lăn tăn mới thấy hết sự thi vị của thắng cảnh thiên nhiên này...

DD3_8759.jpg


Phía bên kia bờ bàu là những triền cát trải dài thơ mộng uốn mình như những dải lụa mềm rất thích hợp với việc tổ chức các trò chơi trượt đồi cát. Rời khỏi Bàu Trắng chừng 5km, du khách sẽ đến được Bãi Chùa. Đây quả là một thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp rất thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng. Đến đây, du khách có thể thỏa thích ngắm cảnh phong thủy hữu tình núi trên cao và biển bên dưới...

Cạnh Bãi Chùa là Hòn Hồng. Nhìn từ phía xa, Hòn Hồng trông kỳ vĩ, hiên ngang, bất khuất giữa đất trời. Thực ra, Hòn Hồng là một ngọn núi nằm sát bờ biển thuộc thôn Hồng Chính, có độ cao 236m. Hòn Hồng trải dài hơn 10km dọc bờ biển với nhiều bãi đá tuyệt đẹp như: Bãi Ốc, Bãi Gành, Bãi Xếp, Bãi Dơi…
Đứng ở mũi Bãi Xếp ngay dưới chân Hòn Hồng, nơi những ghềnh đá chồng chất lên nhau, sóng biển dội vào vách đá tung bọt trắng xóa tạo nên những khúc nhạc xao động của biển khó mà tả hết được cảm xúc... v.v

hoathang.jpg


Người dân ở đây cho biết sở dĩ có tên gọi như vậy vì vào những buổi xế chiều nhìn lên đỉnh núi dễ nhận thấy ánh hào quang màu hồng tỏa ra từ núi đá. Nhìn từ bất cứ góc độ nào thì Hòn Hồng không thể nào giống với những ngọn núi khác bởi nét đặc trưng riêng của nó. Hòn Hồng có cấu tạo địa chất Granít pha lẫn trầm tích núi lửa. Nhưng có điều kỳ thú là trên núi đá ấy là một cánh rừng xanh tươi, tạo thành 3 gam màu khác nhau: xanh, trắng và đỏ xen kẽ... (Theo Binhthuantoday)

Nhưng từ năm 2007 cho đến nay, các công trình khai thác Titan đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt thiên nhiên tại nơi này:
Vùng động cát ven biển xã Hoà Thắng và Hồng Phong huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận được xem là nơi có trữ lượng khoáng sản titan lớn nên UBND tỉnh, Sở tài nguyên và môi trường đã có văn bản hướng dẫn, cấp giấy phép cho một số công ty chịu trách nhiệm thăm dò, khai thác nguồn khoáng sản có giá trị kinh tế này từ năm 2007. Tuy nhiên, việc khai thác của các công ty khai thác khoáng sản đóng trên địa bàn xã Hoà Thắng lại thực hiện không đúng với những gì đã cam kết nên dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, không bảo đảm về môi trường đã làm tác động lớn đến hệ sinh thái, cuộc sống người dân nơi đây…

1283213563_nv.jpg


- Theo kết luận của Viện Địa lý tài nguyên TPHCM thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, sau khi thực hiện khảo sát hiện trạng môi trường do quá trình khai thác titan tại đồi cát ven biển Hòa Thắng và Hồng Phong đã khiến nơi đây thay đổi một phần cảnh quan, địa hình đoạn đường dân sinh được làm từ nguồn vốn từ chương trình 135 của Chính phủ bị phá hủy…

- Các phân tích mẫu quan trắc môi trường cho thấy: Hoạt độ phóng xạ alpha, bêta trong các mẫu nước biển ven bờ cao hơn so với quy chuẩn Việt Nam (hoạt độ phóng xạ alpha cao hơn quy chuẩn từ 2,49 đến 8,88 lần và hoạt độ phóng xạ bêta cao hơn từ 5,43 đến 10,35 lần); phông phóng xạ gamma tại nơi tập kết sa khoáng rất cao so với mức tối thiểu của dị thường phóng xạ, có nơi cao gấp 26-36 lần so với phông phóng xạ tự nhiên.

khaithac+tian02.jpg


- Nước sử dụng khai thác và nước thải sau khi khai thác titan đều nhiễm mặn. Đây là hệ quả dễ thấy vì các đơn vị khai thác đã dùng nước biển để tuyển titan thay vì nước ngọt như cam kết. Trong khu vực khảo sát, nước ngầm đã bị nhiễm mặn đến độ sâu khoảng 10m. Người dân thôn Hồng Chính (xã Hòa Thắng) chịu ảnh hưởng trực tiếp vì ở gần khu khai thác, đã có 19 nhà với khoảng 100 khẩu có giếng nước bị nhiễm mặn.

Nguồn 1 - 2 - 3 - 4 ...

Và nhận xét trong một lần offroad của nhóm XV Off-road Club cuối năm 2009:
Sau khi vượt qua đầm lầy và một đồi cát chuyến đi bị gián đoạn do đường đi đã bị công ty chuyên khai thác mỏ Titan chặn lại, nhất định không chịu thua hai xe lại tiếp tục chinh phục thêm một đồi cát nữa để tìm đường thoát ra bãi biển với hy vọng từ đó có đường băng qua mõm đá cắm trại. Qua mỗi đồi cát là một cảnh trí khác nhau, địa hình và hệ thực vật thay đổi, phong cảnh thay đổi, độ khó thay đổi và cảm xúc cũng thay đổi theo từng đoạn đường đi.

Vượt qua vùng đồng cỏ bằng Dmax 2 xe len theo những con đường mòn, thỉnh thoảng không có đường thì băng qua những ngọn đồi nhỏ hướng ra phía bờ biển - tổng chiều dài đoạn đường khoản 5 km tìm đường từ Bàu Ông ra bãi. Lên tới đỉnh của một ngọn đồi cao bắt đầu nhìn thấy một ngọn núi mà địa điểm cắm trại dự tính nằm ngay sau lưng. Ngọn núi phía xa cách chừng 2 km và phải băng qua hai đồi cát rất cao, nhưng cho dù có tới được chân núi thì cũng không có gì bảo đảm là sẽ qua được phía bên kia chân núi.

khcntitan1.jpg


Dừng xe xuống cuốc bộ dò đường: một sự thật phũ phàng ngỡ ngàng đang chờ phía trước, toàn bộ bờ biển xinh đẹp đã bị chủ mỏ titan băm nát bấy không thể vượt qua được kể cả đi bộ, núi bị khoét tạo thành những vực sâu thăm thẳm, bờ cát thơ mộng hóa bãi lầy, nước biển chuyển màu do bùn từ các máy khai thác titan đổ ra. Tới đây thì không còn cách nào khác là phải quay ra lại Bàu Ông để tìm đường khác.

NGUYÊN VĂN CẢ BÀI

Tôi thất vọng vô cùng khi có được những thông tin này!
Ước mơ về một chuyến đi hiện thực trên vùng đất có nhiều sa mạc cát rộng lớn nhất Việt Nam liệu có thể thành hiện thực không khi các mỏ Titan vẫn còn đó và phát triển thêm?
Ô nhiễm phóng xạ có quá nguy hại khi mình phải tiếp xúc trong thời gian ít nhất vài ngày tại đó? Lối nào có thể ra Bãi Chùa, Hòn hồng... mà không "chạm mặt" bảo vệ mỏ titan?
Các lối mòn tôi đã theo dõi rất nhiều lần trên bản đồ vệ tinh nhưng chắc chắn những hình ảnh đó có từ vài năm trước - Vậy hiện tại, bạn biết nó ra sao không?

Mong bạn nào vừa có chuyến đi đến vùng biển Hòa Thắng - Bình Thuận cho xin các thông tin liên quan, thông tin càng mới càng tốt.
Cảm ơn nhiều.
 
Last edited by a moderator:
Đoạn này thỉnh thoảng thấp thoáng những resort xuất hiện cả bên mép biển hay cả phía trong đất liền, nơi nào cũng trang trí đường dẫn vào sạch đẹp như vẫy gọi mời chào du khách.

IMG_2858.jpg


Một nền nhà sót lại sau cơn giận dữ của biển cả?
IMG_2855.jpg


Đường vẫn láng o, tiếng chiếc Win chạy êm đềm - Đôi lúc tụi này dừng lại chụp hình, thưởng lãm khung cảnh chung quanh. Theo thông tin trên bản đồ Wikimapia đã tham khảo trước chuyến lữ hành thì cách Kê Gà (từ hướng bắc) 1.5 và 4.7km sẽ có những bãi đá đẹp. May mắn là bãi đá này không bị bất kỳ resort hay khu nghỉ mát nào cát cứ.

Đường xa nhưng lòng gần...:
IMG_2856.jpg


Một villa tư nhân nho nhỏ bên bờ biển, thấy ham chưa?
IMG_2857.jpg


Bãi đá cạnh Rock Water bay Resort:
IMG_2870.jpg
 
Bà xã bao giờ cũng là người cát cứ đầu tiên!
IMG_2859.jpg


Phía xa xa là ngọn hải đăng Kê Gà:
IMG_2865.jpg


Kê Gà (còn gọi là Khe Gà) là một mũi đất nằm tại xã Thuận Quý , huyện Hàm Thuận Nam cách thành phố Phan Thiết 30km về hướng Nam.

Người ta cho rằng sở dĩ có tên gọi này bởi mũi đất nhô ra bờ biển này có hình giống đầu con gà. Đây là một điểm dừng chân thú vị mà chúng tôi đã nhiều lần muốn ghé thăm sau khi đọc nhiều thông tin về nơi này trên mạng.

Nếu tham quan Kê Gà khúc này: cần có rủng rỉnh đô là vì phía dưới là các resort:
IMG_2873.jpg


Không rủng rỉnh thì mời bạn đi cùng với tôi, sẽ có ngõ quẹo trái...

Để thấy Kê Gà xuất hiện:
IMG_2874.jpg


IMG_2882.jpg


Kê Gà có ngọn hải đăng cùng tên được xây dựng từ tháng 2/1897 do kiến trúc sư người Pháp Snavat thiết kế - tháp đèn xây bằng đá cao 35 m, độ cao toàn bộ từ tầm ngọn đèn đến mặt biển là 65 m - kích thước cạnh của tháp rộng 3 m, đỉnh rộng 2,5 m - chiều dày tường tháp từ chân tháp đến độ cao 6 m là 1,6 m - càng lên cao độ dày càng giảm từ 1,5 m và mỏng nhất ở đỉnh tháp là 1m. Trên ngọn tháp có bóng đèn lớn 2.000W, có bán kính quét sáng là 22 hải lý tương đương 40 km, dùng làm tín hiệu hướng dẫn tàu bè qua lại.

Đá ở Kê Gà, lúc này thủy triều thấp nên bãi cát cũng lộ ra thênh thang:
IMG_2886.jpg
 
Người đi câu:
IMG_2923.jpg


Hải đăng nằm trên một hòn đảo nhỏ cách bờ khỏng 500m: ngọn Hải đăng Kê Gà với dáng đứng mạnh mẽ, cao vút trên nền trời xanh ngắt như khẳng định vị thế giữa một vùng biển trời tuyệt đẹp, màu xanh ngọc của nước biển hoà cùng màu xanh lơ của mây trời, màu trắng của những bãi cát dài, màu xanh của những rặng thuỳ dương và những ghềnh đá hoa cương trắng hồng đã tạo cho nơi đây một vẻ quyến rũ khó tả, nguyên sơ
và yên bình.

IMG_2889.jpg


Muốn ra hải đăng, người ta dùng thuyền thúng lắc ra và thông qua những người canh giữ đèn biển để lên tham quan. Ngay khi bạn ghé vào các hàng quán nơi này, những người bán quán - nhà trọ tại đó sẽ hỏi bạn rằng có ý định ra thăm hải đăng không.

Nhìn về hướng Mũi Hòn Lan:
IMG_2925.jpg


Trong mỗi năm sẽ có một khoảnh thời gian thường vào tháng 3 (âm lịch) có mức thủy triều thấp nhất: lúc nước rút, bãi cát nối từ bờ biển đến đảo sẽ lộ lên và bạn có thể đi bộ, thậm chí chạy xe gắn máy ra tận nơi ấy. Những ngày này người dân thường đổ xô ra bắt cua và ghẹ nhỏ ven các bờ đá của đảo thật đông vui.

Ảnh từ Phuot.com:
IMG_7082.jpg


Chán chê, tụi này trở về quán Cây Dừa là nơi đã gởi xe giả khát một tý. Hai lon nước ngọt kèm đá khiến tỉnh hẳn cả người.
Nơi này có nhiều hải sản, nếu bạn muốn thử thì xin mời - xe gởi không phải trả tiền đâu nha.

IMG_2926.jpg
 
Vùng biển này thường xuyên có tàu thuyền đi ngang nhất là tàu buôn nước ngoài.
Cũng bởi là vùng biển có vị trí hiểm trở, nhiều bãi đá ngầm nên người Pháp đã cho xây dựng ngọn hải đăng tại đây để dẫn đường tàu thuyền đánh cá, cảnh báo nguy hiểm đối với tàu buôn...

Như bác diengiadung đã có vài lời về hải đăng Kê Gà rồi đấy.
Hải đăng được khởi công xây dựng và tháng 2/1897 đến cuối năm 1898 hải đăng mới hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 1900 đến nay đã tròn 110 tuổi rùi.

Nếu có dịp vào bên trong Hải đăng các bác phải bước lên 184 bậc thang xoắn trôn ốc để lên đỉnh, trên đỉnh là ban-công khá rộng, từ đây các bác có thể nhìn biển xanh, bãi đá và cả những khu nghĩ dưỡng nữa.

Vì hiện nay các nhà đầu tư du lịch chưa xuất hiện nhiều ở nơi này chứ nếu 1 thời gian nữa các cơ sở vật chất được đầu tư hoàn chỉnh hơn như: Cầu tàu ở hai đầu bến, và các resort nối tiếp nhau mọc lên... thì những cảnh hoang sơ ở nơi đây sẽ tự dưng đi vào ký ức của những ai mê " phượt " và yêu thích những gì tinh túy nhất của cảnh đẹp thiên nhiên....
 
Last edited:
Rời Kê Gà vào lúc giữa trưa, tụi này hướng về Lagi theo TL712, quẹo trái trái vào TL709 Tân Hải để chạy ven theo biển.

IMG_2927.jpg


Phía phải nơi này có đường rẽ vào khu tái định cư thuộc xã Tân Hải, thị xã La Gi là khu tái định cư cho dân vùng ngập lụt ở cửa cảng Ba Đăng. Dường như việc di dời người dân ra khỏi khu vực ngập lụt nguy hiểm này cho đến nay vẫn chưa trọn vẹn do nhiều nguyên nhân, mong họ sớm ổn định nơi ở mới để yên tâm phát triển sản xuất.

Hai bên đường nhà cửa lưa thưa, đa số đất là đồng ruộng xanh rờn. Nhìn con đường này thấy quen quen - hóa ra một hồi nữa tụi này chạy ngang ngã ba vào Dinh Thày Thím và vùng biển cùng tên.

IMG_2928.jpg


Hàng năm cứ đến trung tuần tháng 9 ÂL, lễ hội Dinh Thầy Thím thuộc làng Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã La Gi lại diễn ra một lần. Lễ hội ôn lại công đức của một vị đạo sĩ giàu lòng nhân ái, có nhiều nghĩa cử cao đẹp, giúp dân đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cứu người, trừng phạt bọn nhà giàu hiếp đáp dân nghèo, giúp dân chài trong sóng to gió lớn, cảm hóa được cả thú dữ... được dân làng mến mộ.

Hai bên là ruộng đang chờ vào vụ:
IMG_2929.jpg


Trên con đường vắng đến Lagi:
IMG_2930.jpg


Riêng về vùng biển Thày Thím thì tụi tôi có ghé 2 lần và đều có kỷ niệm nhớ đời. Lần đầu năn 2008 theo đoàn tham quan nhiều nơi trong đó, dinh Thày Thím là một trong những điểm ghé. Xe tới nơi lúc... 1h đêm: mọi người lục tục tìm thuê chỗ qua đêm thì bọn này lò dò tìm đường xuống biển! Bãi tối om không bóng người, dò dẫm một hồi quen mắt - tôi mới giật mình nhìn xung quanh: rác và rác, nhiều vô số kể! Trời hỡi, không biết các hàng quá cạnh đó kinh doanh cái kiểu gì mà chẳng biết dọn dẹp sạch đẹp nơi mình làm ăn mà lại để cảnh kinh khủng này tồn tại nhỉ?

Vườn thanh long chen ruộng lúa...:
IMG_2931.jpg


Thuê 2 ghế bố ngồi thiu thiu chờ sáng, nước rút dần lộ ra bãi cát phía dưới sạch sẽ hơn, tít đàng kia là những người buôn bán hải sản vừa đánh bắt được trong đêm (một phần rác phát sinh từ đây). Muốn sạch hơn thì đi xa hơn tí nữa qua các hòn đá lớn: biển trong xanh với bãi cát vàng sáng óng ả dưới ánh bình minh - tránh mé phải bãi biển có luồng nước thải chảy ra nghen.
Lần 2 (năm 2009) xui xẻo ngay mùa mù mắt tháng sáu, lần đầu tiên chưa có kinh nghiệm nên dính hơn 40 dấu cắn nhớ đời đến 3 tuần sau, he he...

Bên phải là bến xe Thày Thím, mé trái là quán Chú Tiểu:
IMG_2932.jpg


Chạy ngang quán ăn Chú Tiểu định ghé vào làm bữa trưa nhưng mùa này, giờ này vắng hoe nên đi luôn. Bến xe Thày Thím vẫn như hồi nào, cái khác là ai đó đang xây căn nhà dạng phố cao 5 tầng. Đất ở đây rộng, chả hiểu xây cao mà làm gì nhỡ. Mửng này các quán xá, nhà nghỉ ngay góc mất mặt tiền chắc cũng hết thời luôn đây.
 
Vào Lagi qua cây cầu sắt cổ, gỗ kêu lọc bọc dưới bánh xe nhưng xem ra còn chắc nếu đừng xe lớn nào đánh liều chạy ngang. Xe thứ bự phải đi cây cầu mới Tân Lý, cây cầu lớn nhất thị xã Lagi kia.

IMG_2934.jpg


Lúc này đã quá 2h chiều, đói mòn mỏi nhưng chưa có chỗ nào ghé ăn trưa vừa ý - cuối cùng đờ đẩn tấp vô làm tô bún bò ở nhà chờ tuyến xe liên tỉnh: bún chả ra bún mà bò cũng chả ra bò, chỉ qua cơn đói khổ - he he...

IMG_2936.jpg


Do từ Lagi đến Bình Châu không có đường ven biển nên tụi tôi qua cầu quẹo phải qua ngã tư Giếng chạy thẳng vào TL55. Con đường như dài bất tận, xe thưa thớt. Xe chạy băng băng qua nhiều vùng bụi rậm cát trắng phau, phía trái đường hướng biển là những đồi cát cao chập chùng mênh mông.

IMG_2938.jpg


Sau khúc cua này gặp CSGT nhưng mình chạy nghiêm chỉnh nên không gì phải lo:
IMG_2939.jpg


Củi hay gỗ, mong rằng thứ trong xe tải không phải là "hàng" xuất phát từ lâm tặc:
IMG_2941.jpg


Ngựa Win, ngựa phi đường xa...:
IMG_2942.jpg


Cuối cùng, mình cũng đến chợ Bình Châu vào lúc 15h34:
IMG_2943.jpg


Đối diện chợ là bến xe, tôi bỏ xe trên trên lề rồi vào chợ mua ít thứ và thăm thú một tý cho bớt ê ẩm mình mẩy. Còn một đoạn đường nữa mà tụi này sẽ phải vượt qua là đường đi Hồ Cốc, chúng tôi dự định qua đêm tại đấy.
 
Đi đường xa như thế " con ngựa sắt " nhà bác có giở chứng giữa đường không?
Trông nó khá " bụi " đấy bác nhỉ.keke

Em đang đợi bác diengiadung viết bài về Hồ Cốc đầy. Bác có ghé khu du lịch sinh thái Bình Châu - Hồ Cốc không a?
 
Last edited:
Đi đường xa như thế " con ngựa sắt " nhà bác có giở chứng giữa đường không?
Trông nó khá " bụi " đấy bác nhỉ.keke

Em đang đợi bác diengiadung viết bài về Hồ Cốc đầy. Bác có ghé khu du lịch sinh thái Bình Châu - Hồ Cốc không a?

Do Hồ Cốc có đi rồi năm 2008 nên chuyến này không ghé nữa, âu cũng do thời gian khá ít. Mà chuyến đó vào KDL chơi thôi chứ cũng không tắm táp gì, chắc tại quen gáo dội nước... giếng ở nhà rồi hay sao í.

Con ngựa sắt suốt 2 chuyến rồi không "ghen tuông thóc mách" gì cả nên mang tiếng "Chung tình". Tụi tôi có giao kèo với nhau rồi: suốt hăm mươi mí năm, có lộn xộn trở chứng gì đó thì cũng trong địa phận TP còn đi xa là phải ổn thỏa. Nếu vi phạm: tôi sẽ "ly hôn" nàng Win và "tái giá" cô Ware tân thời nhưng bình dân đó nghen.

Trở về chuyến đi:

Từ ngã ba Bình Châu này: nếu quẹo phải là đi Phước Bửu, quẹo phải theo hướng tụi tôi chọn thì ra đường ven biển. Còn nếu thích vào Suối nước nóng Bình Châu thì quẹo phải ngay từ trên QL55, nơi có tấm biển chỉ hướng đi nơi này tại ngã 3.

Nàng Win:
IMG_2945.jpg


Nhắc đến Bình Châu thì ai cũng nghĩ tới ngay suối khoáng nóng - Cách rừng cấm Bình Châu – Phước Bửu khoảng 10 km về phía đông bắc là suối nước nóng Bình Châu, một trung tâm du lịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với một khu du lịch có khung cảnh và vẻ đẹp hấp dẫn.
Năm 1928: bác sĩ người Pháp tên là Salle trong chuyến khảo sát vùng Đông Nam Bộ đã phát hiện ra khu suối khoáng này với 70 điểm phun trào. Nước tại đây lộ thiên hình thành hệ thống suối, các hồ lớn nhỏ luôn tỏa nhiệt độ bốc hơi từ 37°C đến 82°C theo từng khu vực. Cạnh bên khu rừng nguyên sinh Bình Châu là biển Hồ Cốc với dốc cát thoải dài đón từng đợt sóng biển…

IMG_2947.jpg


Được thiên nhiên ưu đãi và để phát triển loại hình nghỉ dưỡng, chữa bệnh đặc trưng theo kiểu du lịch sinh thái nên ngay từ năm 1989, ngành du lịch đã bắt đầu khai thác tiềm năng khoáng sản nước nóng này nên ngày nay: Bình Châu đã thành một thương hiệu khó quên trong lĩnh vực du lịch.

Nghỉ chân một lúc rồi tụi tôi lên đường - từ nơi này con đường sẽ ven theo biển tới tận Long Hải qua Hồ Cốc, Hồ Tràm, Lộc An, Phước Hải tới tận thị trấn Long Hải - Có nơi tâm đường cách xa biển vài Km, đa phần thì vài mươi mét hoặc kề cận ngay bên trái.

IMG_2949.jpg


Đồi cát cùng cây bụi nối tiếp dài khi vừa ra khỏi khu dân cư, khung cảnh thật hoang sơ thanh bình. Khúc này biển còn cách mép đường những vài trăm mét khuất sau những rặng cát mênh mông nhưng tôi vẫn cảm nhận thấy tiếng sóng vỗ.

Đường đi Hồ Cốc từ Bình Châu:
IMG_2950.jpg


Sau tầm 5km thì tụi tôi đến cây cầu bắt qua một cái hồ lớn, trên mặt nước ven hồ phủ đầy sen - mùa hoa sen nở chắc nơi này đẹp lắm đây! Từ nơi này trở đi thì con đường bắt đầu theo sát biển, tha hồ nghe tiếng sóng ì ầm làm mê hoặc lòng lữ khách phương xa.
IMG_2951.jpg


Bên trái là biển cả gọi chào...:
IMG_2954.jpg


Dạt dào tiếng sóng vỗ:
IMG_2955.jpg
 
Một đôi nơi cận núi Hồ Linh thuộc địa phận Hồ Cốc, chúng tôi ghé lại ngắm nhìn biển và cát đan vào nhau cạnh các chỏm đá.

IMG_2959.jpg


Đẹp, nên thơ - chính vì vậy mà phía này phía kia vẫn có những chiếc xe du lịch đậu trên đường mang các cặp đôi vừa nên vợ nên chồng đứng chơi vơi trên những mỏm đá chụp hình cưới trong tà áo cô dâu trắng ngần dạt dào bay trong gió.

IMG_2965.jpg


Xa xa là cô dâu chú rể đang chụp ảnh cưới:
IMG_2963.jpg


Tít phía phải là một đám khác...:
IMG_2962.jpg


Vậy là kỷ niệm cho tình yêu, nhiều người cũng hướng về thiên nhiên chứ không đơn thuần là các cảnh đẹp nhân tạo trong thành phố.

Vậy đoạn giữa là của chúng tôi:
IMG_2960.jpg


Chỉ sau vài cây số từ nơi này trở đi lại là lãnh địa resort của Hồ Cốc, Hồ Tràm, các chủ nhân hiện tại và tương lai với những bức tường ngăn cách dài đằng đẳng như Vạn lý trường thành - khác một cái là VL trường thành chống quân xâm lược ở TQ thì cái này chắc chống... khách... nhẹ túi và dân địa phương!

IMG_2974.jpg


Không quá bảo thủ nhưng trong thật tế thì đa phần là như thế. Giá như người ta làm các rào dậu thưa, khúc thì dựng các tảng đá khéo sắp xếp, mạch đá cẩn theo lối đi... v.v thì trông cũng hay hơn nhiều so với rào bê tông sắt thép.

IMG_2978.jpg


Một ví dụ nhỏ như vài resort gần Suối Hồng không hề có tường rào phía mặt tiền, thế vào đó là một số hàng cây thưa, đá cảnh, hồ kiểng được chăm chút cẩn thận cạnh các lối đi dát đá.
Khách đi đường vẫn có thể ngắm cảnh, ngồi nghỉ hay chụp ảnh tham quan không có vấn đề gì. Đó là cách gây thiện cảm với người dân, khách du lịch bất kỳ thành phần nào.

Thôi, kinh doanh thế nào là việc của họ - khéo thì vững bền, ngược lại mau tàn phai. Hồ Cốc đẹp, có lẽ trước kia hay trong ý nghĩ nhiều người hiện tại. Với tụi tôi, sau khi tấp vào một vài khu du lịch và xem sơ cảnh quan, bãi biển thì mình từ giả nơi này - đơn thuần là mình không hoàn toàn thích ứng, thế thôi! Vì vậy chúng tôi qua nơi này với một tốc độ vũ bão, không còn nhởn nhơ như ngày trước.
 
Khu vực Hồ Cốc, Hồ Tràm thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đang trở thành điểm thu hút du lịch mới, hàng chục dự án xây dựng khu du lịch trị giá nhiều tỉ đôla Mỹ đã và đang chuẩn bị triển khai.

Tuy nhiên, bờ biển nơi đây cũng đang bị xâm thực, xói lở với phạm vi ảnh hưởng kéo dài khoảng 20km.
Quá trình biển xâm thực ở khu vực này do nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất vẫn là sự tàn phá của con người như khai thác đá, cát ven bờ để san lắp mặt bằng 1 cách vô tội vạ....

Sự mất đi của Hòn Trào ( nay là mũi Hồ Tràm) là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến quá trình xói lở trong khoảng 30 năm gần đây tại Hồ Tràm và Hồ Cốc.
Trước đây, mũi hồ Tràm nhô cao 5met, lài ra ngoài bờ biển gần 100mét và mũi nhô này đã bị khai thác để lấy đá. Kể từ đó quá trình xói lở bờ biển gần mũi Hồ Tràm đã diễn ra nhanh và mạnh.

Hiện nay đang có dự án kéo dài mũi Hồ Tràm ra xa ngoài bờ biển nhằm khôi phục trạng thái tự nhiên vốn có của mũi Hồ Tràm, có tác động như đê chắn sóng và chắn cát, giúp giảm tác động trực tiếp của sóng biển vào trong vùng.......

Nhưng em không biết tới giờ này đã hoàn thành chưa nữa.......chắc là lâu lắm nhỉ!!!! Khi mà ý thức của người dân kinh doanh chỉ xem "đô" là trên hết và không nghĩ đến tương lai của 1 bờ biển đẹp.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,306
Bài viết
1,174,998
Members
192,034
Latest member
Nonbaohiemdona
Back
Top