What's new

[Chia sẻ] Đông Java: Hành trình từ Bromo đến Izen

Em là lính mới, các bác đừng cười. Thấy trang Phượt này hay hay, em mạn phép copy một địa điểm châu Á mà em vừa đặt chân qua. Địa điểm thì trên kia em đã nói rồi. Nếu bác nào đã đọc thì đừng ném đá em nhé, em chỉ muốn giới thiệu thêm cho thêm nhều người biết thôi.

Những ngọn núi lửa nằm ở một miền đất có tên là Đông Java, Indonesia.

Những thông tin về khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Semeru của đất nước Vạn đảo này hẳn mọi người có thể dễ dàng tìm trên Internet, trên Google, nên tôi sẽ không đề cập đến ở đây, chỉ có một vài thông tin nhỏ như thế này, đây là một khu vực núi lửa vẫn còn đang hoạt động, lần gần đây nhất phun lửa của Mount Bromo vào năm 2004, làm 2 du khách bị thiệt mạng, tuy nhiên, điều đó vẫn không làm ảnh hưởng đến lượng du khách khoảng 100 ngàn người đến với cụm núi lửa của Semeru mỗi năm.
Trước đây, Mount Bromo được đánh giá là ngọn núi lửa đẹp thứ 5 trên thế giới, là một điểm Must see của dân du lịch. Tuy bây giờ thứ tự đó không còn nữa, nhưng những vẻ đẹp của Mount Bromo, của cụm núi lửa, của những xóm làng bên bờ vực núi lửa, của biển cát mênh mông, của những bình minh và hoàng hôn rực rỡ của vùng đất núi lửa, cái lạnh dưới 10 độ C của vùng núi miền xích đạo, và hơi ấm của sự bình yên... thật không tin là có thật trên đời. Có những lúc đó là một cảm giác huyền hoặc, dù là bạn đang bước chênh vênh trên miệng núi lửa, dù con đường chỉ hẹp như một sải tay, và 2 bên đều là bờ vực dốc đứng, chỉ cần 1 cái trượt chân, cuộc sống con người đều chênh vênh giữa cái sống và cái chết...
 
Last edited by anhminh; Hôm nay at 06:51 PM. Lý do: tớ mạn phép cho thêm cái bản đồ Google maps vào nhé, công nghệ mới của bạn cvn đấy :D

Dậy em với ạ, em có mấy cái bản đồ đã up ảnh lên map Flickr, nếu ấn vào đây được thì quá là hay!
 
22h30: Bắt đầu đặt chân xuống sân bay Surabaya, chuyến bay của Air Asia bị delay mất 1h đồng hồ, làm thay đổi cả kế hoạch của nhóm chúng tôi. 10h30 đêm, ngoài sân bay lác đác người. Đó là một sân bay đơn giản và nhỏ bé, xa lạ với những con người lạ lẫm. Cho đến tận lúc này, chúng tôi vẫn chưa có một kế hoạch gì về cách đi đến Gunung Bromo cả, chỉ biết rằng, có lẽ phải đi taxi, vì không còn lựa chọn nào hợp lý hơn. Thật may, cũng trong lúc chờ máy bay tại Kul, tình cờ chúng tôi đã bắt quen với một đại gia( hoặc trùm mafia!!!) người Mã gốc Tàu. Ông này đã tận tình giúp chúng tôi liên hệ với chính chiếc xe đón ông ta, của hãng SAHA, một hãng xe cho thuê ở Surabaya. Mọi chuyện vì thế mà trở nên nhàn hạ hơn nhiều. Âu cũng là điều may mắn cho chúng tôi, bởi giữa đêm ở một sân bay xa lạ với nhiều cảnh báo của người đi trước, rằng an ninh không đảm bảo, có một chỗ dựa là tốt lắm rồi. Thôi, cũng đành nhắm mắt đưa chân vậy. Giá xe thuê cho hành trình trong đêm lên Cemoro Lawang là 650 ngàn Rupia( 1 IRP tương đương 2 VND), một cái giá không rẻ, nhưng chúng tôi coi như đó là giá mua sự tin cậy( dù là tương đối). Nào, lên đường, hành trình Indonesia, đông Java bắt đầu.

23h00: Tôi chợt có ý định phải đổi tiền. Mọi người cũng nhất trí. Nhưng giữa đêm, biết đổi tiền ở đây, bác Denny, bác tài của chúng tôi liên hệ với 1 tay chuyên đổi tiền chợ đen, và hẹn nhau ở cửa ngõ thành phố Surabaya. Tỷ giá 8800 IRP/1 USD. Tôi ngờ ngợ và sau này mới biết tỷ giá tại các quầy đổi tiền chính thống là 9000 IRP/ 1USD. Nhưng lạ nước lạ cái, và cái chính là giữa đêm, và hành trình dài dằng dặc của những ngày sau, hầu như không còn chỗ nào đổi tiền nữa. Đây cũng là điều cần rút kinh nghiệm, nếu bạn đáp muộn như chúng tôi và lên đường ngay, thì việc đầu tiên, đó là chuẩn bị tiền Rupia Indo, ở đây tiêu USD khó hơn ở mình nhiều.

23h30: Xe đưa đại gia người Mã về khách sạn Novotel trong lòng thành phố, chia tay và cảm ơn xong, bác người Mã còn khích lệ chúng tôi, rằng cậu lái xe này tin tưởng được. Dù sao cũng cảm ơn bác rất nhiều. Chúng tôi lên xe, bắt đầu lên đường đi Cemoro.

Theo tính toán của Denny, chúng tôi sẽ đến Cemoro vào tầm 3 giờ sáng, nếu đi ngay ngắm bình minh, chúng tôi có thể bỏ qua được 1 đêm khách sạn. Một ý tưởng hay ho, Denny gạ sẽ ở thêm Surabaya tầm 1 tiếng, uống cafe, rồi hãy lên đường. Nhưng tinh thần cảnh giác cao độ của chúng tôi, nhỡ chúng nó cho thuốc ngủ vào cafe thì sao, không, sớm cũng được, đi thôi. Và 23h30, chiếc xe Toyota 7 chỗ, dạng như Innova nhà mình, chở chúng tôi rời thành phố, dấn thân vào con đường mờ mịt phía trước.

Phải nói rằng, Indonesia rất giống Việt Nam, thành phố Surabaya lớn thứ 2 của Inđô cũng có nhiều nét nhếch nhác giống quê nhà. Những con đường thì đặc biệt giống, đường nhỏ, 2 làn, 2 chiều, không có dải phân cách, không có lề, xe cộ thì lộn xộn, lái cũng khá ẩu, đặc biệt trong đêm đi thì càng ẩu. Khác chăng là ở đây có xe bán tải chở thêm cả người, có xe tải kéo theo rơ mooc chạy ầm ầm. Chúng tôi vừa đi vừa chập chờn ngủ. Phải phân người ra mà ngủ, kẻo nó lừa mình ra đồng mà cướp thì chết. Nói là cảnh giác thế, nhưng rồi 2 mắt cứ sập xuống, chập chờn.


01h00 của ngày hôm sau: Xe đến một thị trấn lớn, với nhiều nhà cửa san sát. Đêm đã khuya lắm, người thưa thớt. Đó chính là Probolingo, một thị trấn trên đường đến Cemoro, cách đích đến chừng 30 km, nhưng từ đây đường lên núi bắt đầu. Bác tài dường như đã quá mệt, đề nghị nghỉ uống cafe. Bây giờ thì đành thông cảm. Chúng tôi vào quán, thử 1 ly cafe Indo, nổi tiếng với loại cafe volcano của Java. Nhưng thật thất vọng, đó là thứ nước nhờ nhờ, nhàn nhạt, bột pha thẳng với nước đọng lại đáy cốc như bùn. Khi uống, người Indo đổ ra đĩa rồi uống đĩa cho nguội. Thực tình là giống kiểu man di. Nhưng dù sao có tách cafe, chúng tôi tỉnh táo hẳn lên. Ăn thử vài cái bánh cracker dân tộc của người Inđo, cũng thú vị, chúng tôi mua cả nắm lên xe ăn dần. Bác tài làm phiên dịch. Dân ở vùng này hầu như không ai nói được tiếng Anh. Tất cả đều nhìn chúng tôi với con mắt tò mò nhưng thân thiện, khác hẳn với những cảnh báo của LP hay các trang du lịch Indo, có lẽ chúng tôi cũng là người châu Á, lại là Việt Nam nữa chứ. Hai tiếng Việt Nam được chúng tôi nhắc tới một cách đầy tự hào trong cái nhìn nể vì của người dân Indo bản xứ. Dù sao, mình vẫn luôn tự hào là người Việt Nam.
 
01h30: chúng tôi bắt đầu lên núi, những con đường nhỏ uốn lượn thật ấn tượng, với những ngôi nhà sinh xắn 2 bên đường. Trong xe, tôi chợt nhớ tới con đường đi Falai View ngày nào, cũng bóng tối, cũng những con đường ngoằn nghèo bên mép vực. Chợt ngẩng đầu lên, ngạc nhiên vì bầu trời sao quá gần mình như thế, những vì sao sáng lung linh, lơ lửng giữa trời, sáng rỡ trong đêm xích đạo. Bác tài bảo, hôm nào trăng tròn, bầu trời đêm ở trên này mới thực sự huyền diệu. Chúng tôi hiểu điều bác tài nói, và thật tiếc, hôm nay chỉ có một mảnh trăng nhỏ mỏng như một lưỡi liềm, trăng ở đây như được khắc nổi lên bầu trời, một cảm nhận đầy thú vị. Sự kỳ diệu của bầu trời nơi đây chúng tôi sẽ nói ở phần sau. Càng lên cao, trời càng lạnh. Một cái lạnh quen thuộc như từng ở Đức Khâm, hay như ở Pháp, ở Ý. Ban đêm, mùa này, nhiệt độ ở vùng núi Gunung Bromo xuống tới 6-7 độ, thậm chí có đêm còn xuống 0 độ C. Mùa lạnh nhất ở vùng này là vào tháng 9, mùa cao điểm của lễ hội của người dân bản xứ, nhưng cái lạnh 0 độ C giữa mùa hè xích đạo hẳn cũng là một điều hấp dẫn cho chúng tôi trong suốt những ngày ở đây. Và trời lạnh cũng làm cho hành trình của chúng tôi đỡ mệt mỏi và mất sức hơn nhiều.

02h30: xe đi tới một thị trấn trên núi. Đó chính là điểm đến - Cemoro Lawang, độ cao trên 2500 mét trên mực nước biển. Đó là một thị trấn nhỏ, kiểu như Sapa của nhà mình. Những ngôi nhà nhỏ, xinh xắn, vuông vắn đầy hấp dẫn. Và khá nhiều hoa, nhiều những chiếc xe Jeep 2 cầu, bánh to. Đây chính là phương tiện vận chuyển chủ yếu của dân trong vùng, phục vụ khách du lịch. Thị trấn chìm trong giấc ngủ giữa đêm, vắng vẻ, nhưng mà đầy yên bình.

Bác tài đưa chúng tôi vào 1 khách sạn nhỏ, có cái tên Lava Cafe. Những nhân viên phục vụ khách sạn ngủ ngổn ngang trong quầy tiếp tân. Lạnh quá, chúng tôi đóng vội cửa để tránh cái giá buốt từ bên ngoài. Sau một hồi trao đổi, bác tài cho biết, full phòng. Chỉ còn lại phòng economic, share nhà tắm và vệ sinh, và cũng không nước nóng. Chịu. Chúng tôi đề nghị sang chỗ khác.

3h00: Xe đi ngoằn nghèo thêm chừng 1 km nữa, rồi đưa chúng tôi đến Lava View Lodge, một trong những khách sạn nổi tiếng nhất ở đây. Bác tài có vẻ quan hệ rộng, rất nhiều nhân viên phục vụ thân thiết với bác, và điều này đỡ cho chúng tôi rất nhiều thời gian và công sức để tìm một khách sạn trong đêm và ở vùng núi xa lạ này. Vào sưởi ấm trong phòng tiếp tân, nhưng lại nghe một thông tin buồn tiếp. Full. Lần này thì còn không còn gì để mà chọn. Nhưng nhờ cậu bạn của bác tài, chúng tôi được nhận một đề xuất dễ chịu, đó là cho phép gửi đổ tại đây, đi ngắm bình minh của Gunung Bromo, rồi sáng mai về lấy đồ, tìm khách sạn khác. Âu cũng đành vậy. Chúng tôi nhờ đặt hộ một chiếc Jeep. Giá fix: 350 ngàn Rupia. Mặc cả, no. Ok, đành vậy, coi như là nhắm mắt đưa chân, còn hơn vật vờ ở phòng lễ tân khách sạn đến sáng mai. ( Nhưng thật may, đó cũng là giá chung thuê xe ở đây, không mặc cả, điều này chúng tôi sẽ nói sau).

4h00: nghỉ ngơi một chút cho lại sức, một chiếc xe Jeep đã đến đúng như hẹn. Chia tay bác tài, gửi đồ đạc, mang theo máy ảnh và chân máy, chúng tôi lên đường ngắm bình minh ở Bromo, trên view point có tên là đỉnh Panajakan, cao trên 2740 mét. Chiếc xe Jeep lắc lư, vượt qua các ổ voi, ổ trâu trên con đường nhỏ xíu, ngoằn nghèo lên xuống. Có lúc là những bãi cát dài mịt mù, chỉ có hàng cọc tiêu dẫn đường. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp vài dân du lịch châu Âu cắm cúi đi bộ ở phía trước. Đường lên núi thậm chí còn xấu hơn nhiều, có chỗ dốc ngược, thậm chí tôi nghĩ nếu không phải những chiếc Jeep 2 cầu bánh to đùng này, thì có lẽ không lên được mất. Đi khoảng 40 phút, xe dừng lại. Đã khá đông xe, đông người đang lên núi. Chúng tôi theo chân họ, đi tiếp lên núi trong cái tối mò, may mà có đèn pin mang theo người.

Phải nhấn mạnh rằng, bình mình trên Cemoro Caldera là một trong những ấn tượng sâu sắc nhất của dân du lịch châu Âu trên các diễn đàn du lịch về Indo, với những cái comment nhiệt thành nhất, với các từ ngữ đầy quá khích, kiểu như không bao giờ quên, tuyệt vời, kỳ diệu... Dân du lịch nhiều thằng còn ở đây cả tuần để ngày nào cũng lên núi ngắm bình minh, nhiều đứa ít thời gian thì chỉ đến để ngắm bình minh, rồi đi. Thế mới biết sức hấp dẫn của nó như thế nào. Điều này cũng kích thích 4 đứa chúng tôi, quên cả đói và mệt, vì từ chiều qua đã có gì ăn đâu, lại trải qua một đêm gần như không ngủ. Nhưng cũng may, điểm ngắm bình minh không phải leo bộ quá cao.

4h45: Trên đỉnh Panajacan đã đầy những người là người, từ nhiều quốc gia khác nhau. Đỉnh núi thì bé, lại đang trong quá trình xây sửa lại, vật liệu xây dựng ngổn ngang. Nhưng kệ cho cái lạnh, hàng trăm người đang đứng đợi bình minh. Trong bóng tối, chúng tôi thấy những đôi già thì nắm tay nhau, những đôi trẻ thì ôm ngang hông, những nhóm bạn thì khoác vai, gần nhau hơn để chia cái lạnh và cảm giác kỳ diệu của bình minh núi lửa. Với chúng tôi, những đứa chụp ảnh nghiệp dư, thì điều này chẳng mấy hấp dẫn. Đông quá, những góc đẹp bị chiếm sạch cả rồi, đến kéo cái chân máy ra còn khó. Nhưng lựa mãi, rồi mỗi đứa cùng tìm được cho mình một góc chấp nhận được, và cùng đợi bình minh trên Bromo. Không gian thật yên bình, cái lạnh làm cho không khí càng trong và nhẹ, không ai nói to, chỉ có những tiếng thì thầm khe khẽ, sợ làm vỡ mất cái mỏng tang của bầu trời trên cao. Nhưng những tiếng khe khẽ ấy dường như có một sức mạnh vô hình, gắn kết những con người xa lạ, làm cho ai cũng thấy thân thiết, quen thuộc và gần gũi, xoá mọi ranh giới về dân tộc, về tôn giáo, chỉ có con người trước vẻ đẹp bí ẩn của tự nhiên.
 
Những sắc màu của bình minh trên vùng núi lửa. Khi bình minh bắt đầu ló rạng ở phía xa trước chân trời.

2740440336_4d85c7f5b6_o.jpg


Và sau một vài phút nữa

2739604631_17bfc479c8_o.jpg



Những đám mây cuộn làm cho tôi liên tưởng đến một cơn bão nhiệt đới, hoặc một con rồng đang cuộn mình vươn vai thức dậy sau một đêm dài...

2739604283_e0fa10c467_o.jpg


2740441258_6d0a3ba1ba_o.jpg


Và khi những ánh mặt trời đầu tiên xuất hiện trên biển mây cuối chân trời

2740440676_30a048331b_o.jpg


Ánh sáng lan toả dần, tạo nên những sắc màu mới trên nền trời

2740441760_80305b4a77_o.jpg


Mặt trời đã lên tỏ, mặt người đã rõ, đã có thể ngắm những người bạn cùng chứng kiến bình minh trên Bromo Mt với mình. Tất cả đều có chung một hướng nhìn, phía dưới là biển mây, là sắc màu kỳ diệu của bình minh nơi đây, và có một điểm đến chung, vành khăn núi lửa Mount Bromo.


2739605235_8a962c89fd_o.jpg


2740441622_c0e2fc1e31_o.jpg
 
Trên view point Panajakan, sau khi bình minh sáng rõ, tất cả đang hướng mắt nhìn về núi lửa Cemoro, về thị trấn Cemoro Lawang ở dưới chân mình. Nhưng phải nói thật rằng, đứng ở trên này, góc nhìn không đẹp bằng nhiều nơi khác dưới kia, hoặc chỉ có những bức ảnh quen thuộc mà ai cũng có. Chúng tôi chụp vài bức, coi như là để làm tư liệu.

Trước hết, đó là vùng núi Cemoro đang trải rộng dưới chân, với những miệng núi lửa, với thung lũng, với biển cát, và một thị trấn chênh vênh trên mép vực.

2741329141_e194b05e71_o.jpg


Cận cảnh hơn chút nữa, để nhìn rõ núi Cemoro và Batok, phía xa là đỉnh Semeru hùng vĩ đang nhả khói. Semeru cách chỗ chúng tôi đứng chừng 25 km đường, đây là đỉnh núi lửa đang hoạt động cao nhất ở Indonesia, với độ cao chừng 3900 mét.

2742166700_570e689df4_o.jpg


Cận cảnh thêm chút nữa

2742166972_288cbe300c_o.jpg


Thị trấn Cemoro Lawang nằm ngay mép vực, nhìn thẳng ra núi lửa. Đó là một thị trấn nhỏ, yên bình và đẹp một cách khó diễn tả. Toàn cảnh của thị trấn nhìn từ View point, cao hơn gần 300 mét.

2742167918_26f6c59770_o.jpg



Cận cảnh hơn chút nữa về Cemoro Lawang

2742167402_3586c962b5_o.jpg


Và đây là một vài tấm ảnh khác, nhìn từ Panajakan

2741329757_a2007dcdf9_o.jpg


2742167692_c15c8dc3f3_o.jpg
 
5h00: Ở phía chân trời, một dải màu hồng xuất hiện, hứa hẹn một bình minh rực rỡ và trong trẻo cho một ngày mới trên Bromo. Dải màu hồng lan toả dần, ngày càng rực rỡ. Những đám mây cuộn như những vòng xoáy, giống như những làn khói của núi lửa toả lên trời đọng lại. Bình minh trên bầu trời vùng núi lửa có một sắc màu vô cùng rực rỡ, có lẽ do sự tán xạ của ánh sáng kết hợp với khói lưu huỳnh lan toả. Chúng tôi mê mải ngắm nhìn, và hoà mình vào sắc màu kỳ diệu đang thay đổi liên tục ở phía chân trời. Hàng trăm du khách khác cũng đang nín thở đón bình minh, những chiếc máy ảnh hoạt động liên tục, những cái xuýt xoa, những tiếng nói cười xôn xao.
Chân trời chuyển dần từ màu hồng sang màu vàng cam, trời cũng xanh hơn, sáng hơn, mặt trời lấp ló rồi bừng lên ánh nắng. Một ngày mới bắt đầu. Du khách ai cũng cố chụp cho mình những bức ảnh lưu niệm với bình minh Bromo, với cụm núi lửa đang phun khói phía xa, rồi tản dần, chẳng mấy chốc, trên điểm ngắm bình minh đã vãn hẳn người. Một vài thanh niên bản xứ bán những bó hoa nhiều màu sắc, chủ yếu là những loài hoa dại mọc rải rác trên núi, gần như là hoa khô. Chúng tôi cũng mua cho mình một bó hoa làm kỷ niệm, bó hoa đó đã đi cùng suốt cả hành trình trên vùng đất Đông Java, và chúng tôi chỉ đành chia tay khi ra sân bay về lại Malaysia sau 5 ngày gắn bó.

6h00: Nắng đã bắt đầu gắt, không còn phù hợp để chụp ảnh nữa, chúng tôi cũng bắt đầu rời đỉnh núi. Trở lại với con đường mòn lên núi trên chiếc xe Jeep 2 cầu lênh khênh, chúng tôi gần như lạc vào giấc ngủ. Ai cũng ngủ như chết, dù đường xuống vừa dốc, vừa xóc, nhưng có lẽ 1 đêm dài vừa qua đã khiến tất cả đều mất sức. Chúng tôi gần như không còn biết trời đất gì nữa, cho đến khi chiếc xe dừng lại. Bên ngoài là bãi đỗ của xe, trên biển cát, bắt đầu con đường thăm Đền Hindu và lên núi Bromo.

6h45: Chúng tôi rời xe ô tô, trước mắt là biển cát. Lịch trình truyền thống của dân du lịch đến đây, đó là lên View Point ngắm bình minh, trở xuống lên miệng núi lửa, và trở về khách sạn vào lúc 8h30 phút sáng. Với dân ảnh, điều này cũng hợp lý, bởi từ 8h sáng trở đi, nắng gắt không còn phù hợp cho ảnh nữa. Nhưng chúng tôi đã thấm mệt, nên hành trình leo núi có lẽ sẽ quá sức. Tôi quyết định nhanh, không leo núi nữa, để dành đến chiều, chỉ thăm đền thờ Hindu dưới chân núi. Chính vì vậy, chúng tôi không thuê ngựa, mà thử cuốc bộ trên biển cát ( Sea Sand). Biển cát là cái tên chính thức của vùng đất bằng dưới chân núi lửa, bởi tro bụi của núi lửa đã tạo nên một thứ cát màu xám, hạt nhỏ như cát thường, bụi khủng khiếp sau mỗi bước chân. Nhưng hàng triệu triệu bước chân đã bước trên biển cát này, dù mỗi bước đi đều nặng nhọc, đều quyện với cát dưới gót giầy. Khoảng 500 mét đi bộ trên cát mà mệt như đi vài km, chúng tôi đến Đền Hindu. Ngôi đền yên bình trong nắng sớm, vắng tanh, dù chỉ cách đường đi lên Bromo chừng 100m. Có lẽ, sự đơn giản và tĩnh lặng của ngôi đền không hấp dẫn với khách du lịch. Chỉ có vài chúng tôi và một vài đôi khách già phương Tây rảo bước trong đền. Đền Hindu cũng có một kiến trúc đặc biệt, với những cổng vào cách điệu như được bổ đôi ra từ một tháp duy nhất. Nền đền cao và thoáng, rộng, cao chừng 2 mét, nền điện chính lại cao hơn nền ngoài tầm 2 mét. Trong đền hầu như không có nhiều công trình kiến trúc, ngoài 1 cánh cổng tam quan lớn sơn màu đỏ, với những tượng rắn và tượng Phật đầu voi đặc trưng của Ấn độ giáo. Có một trụ tháp để thắp nến và dâng hoa, 4 góc đền có 4 tháp cao, ngoài ra chỉ là một sân rộng mênh mông. Từ sân đền, chúng tôi có thể nhìn thấy rõ những dòng người đang nối nhau lên đỉnh Bromo. Một vẻ bình yên và tĩnh lặng đặc biệt, dường như không có tiếng động nào lọt vào nơi linh thiêng này. Cũng thật may cho chúng tôi, dường như đền không mở cửa đón khách du lịch, chúng tôi chỉ tình cờ vào thăm được do đến giờ dâng hoa của ông từ giữ đền. Sau nghi lễ dâng hoa buổi sáng, ông mời chúng tôi ra để khoá cửa. Chúng tôi lại đi bộ trở về bãi xe. Có lẽ về thôi, mệt rồi, chân cũng đã không còn muốn bước. Cần phải dành sức cho những ngày sắp tới, với rất nhiều những khám phá qua mỗi bước đi trên miền đất đặc biệt này.

8h00: Chúng tôi về đến Lava Lodge View, nơi gửi đồ đêm qua, bắt đầu phải thực hiện một nhiệm vụ khó khăn hơn, đó là tìm khách sạn.
 
Bó hoa dại trên núi với những sắc màu rực rỡ đã theo chúng tôi suốt hành trình trên đất Indonesia

2744705262_31f953fb1a_o.jpg


Phía trước là con đường mờ mịt bụi, nhưng bên cạnh hai bên đường, trời xanh như không thể xanh hơn, nắng vàng như không thể vàng hơn

2744704932_78e24c564d_o.jpg


Và những con đường trên Biển cát dẫn chúng tôi về Bromo Mt.

2744705588_fda2e2c358_o.jpg


Vào một chiều khác, ở một góc nhìn khác, vẫn là con đường tung bụi cát này

2744706658_27631d41b0_o.jpg


Bãi đỗ của xe Jeep nằm tập trung ở một điểm, ngay dưới chân núi Batok, đây cũng là điểm hẹn của những người dắt ngựa đợi du khách.

2744707192_45b49f33aa_o.jpg


Thực ra xe Jeep không thể vào được trong biển cát từ phía này, bởi có một hàng rào chắn lối ô tô, trong đêm, đây cũng là hàng cọc tiêu chỉ đường cho xe chạy lên đỉnh View Point.

2744705866_703c96cd1f_o.jpg


Và đây là điểm hẹn

2743865895_173468cc3d_o.jpg


2743866331_8551f4f709_o.jpg


Bắt đầu từ đây, hành trình của du khách sẽ dẫn vào ngôi đền thờ Hindu, dẫn lên đỉnh Bromo.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,030
Members
192,336
Latest member
hakhaclinh
Back
Top