What's new

[Chia sẻ] Đông Java: Hành trình từ Bromo đến Izen

Em là lính mới, các bác đừng cười. Thấy trang Phượt này hay hay, em mạn phép copy một địa điểm châu Á mà em vừa đặt chân qua. Địa điểm thì trên kia em đã nói rồi. Nếu bác nào đã đọc thì đừng ném đá em nhé, em chỉ muốn giới thiệu thêm cho thêm nhều người biết thôi.

Những ngọn núi lửa nằm ở một miền đất có tên là Đông Java, Indonesia.

Những thông tin về khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Semeru của đất nước Vạn đảo này hẳn mọi người có thể dễ dàng tìm trên Internet, trên Google, nên tôi sẽ không đề cập đến ở đây, chỉ có một vài thông tin nhỏ như thế này, đây là một khu vực núi lửa vẫn còn đang hoạt động, lần gần đây nhất phun lửa của Mount Bromo vào năm 2004, làm 2 du khách bị thiệt mạng, tuy nhiên, điều đó vẫn không làm ảnh hưởng đến lượng du khách khoảng 100 ngàn người đến với cụm núi lửa của Semeru mỗi năm.
Trước đây, Mount Bromo được đánh giá là ngọn núi lửa đẹp thứ 5 trên thế giới, là một điểm Must see của dân du lịch. Tuy bây giờ thứ tự đó không còn nữa, nhưng những vẻ đẹp của Mount Bromo, của cụm núi lửa, của những xóm làng bên bờ vực núi lửa, của biển cát mênh mông, của những bình minh và hoàng hôn rực rỡ của vùng đất núi lửa, cái lạnh dưới 10 độ C của vùng núi miền xích đạo, và hơi ấm của sự bình yên... thật không tin là có thật trên đời. Có những lúc đó là một cảm giác huyền hoặc, dù là bạn đang bước chênh vênh trên miệng núi lửa, dù con đường chỉ hẹp như một sải tay, và 2 bên đều là bờ vực dốc đứng, chỉ cần 1 cái trượt chân, cuộc sống con người đều chênh vênh giữa cái sống và cái chết...
 
@dumdum: nick em gần giống nick của anh, thừa mất 2 chữ m. Em yên tâm, có cho ngay lập tức thì cũng làm gì ngay đâu, từ từ để anh tìm đã.

Chúng tôi đi men theo những mảnh vườn trồng đầy một thứ cây thấp, thân tròn và mịn, dường như là loại cây trồng chủ đạo ở vùng này, đất mùn núi lửa ngập có lúc kín cả giày, một thứ đất tơi xốp và nhẹ như tro than. Lên đỉnh đồi nhìn xuống thung lũng, ngắm đất trời bao la. Nắng khá gắt nhưng mà vẫn lạnh, không khí khô và nhẹ, một cảm giác đầy sảng khoái, quên hết cả nỗi mệt nhọc trong lòng. Trở về, chúng tôi đi tắt qua mảnh vườn của một nhà dân. Người dân địa phương ở đây có thói quen ở nhà gỗ, những căn nhà xinh xắn, màu sắc hài hoà. Chợt chúng tôi gặp chủ nhà. Anh ta rụt rè hỏi chúng tôi có nhu cầu cưỡi ngựa đi lên Bromo không. Sự rụt rè của người dân ở đây làm chúng tôi cảm giác khá tin cậy, gật đầu, thuê mỗi người một ngựa, với mức giá 75 ngàn Rupia. Chúng tôi thử mặc cả xuống 65, một hồi, cuối cùng anh ta cũng chấp nhận, hẹn 3h chiều đón ở khách sạn. Tôi ra điều kiện, ngựa phải cao và sạch. Cũng đồng ý. Sở dĩ tôi phải yêu cầu ngựa cao vì ngựa ở đây có nhiều con thấp tịt, cưỡi ngựa cao cho nó ra dáng!!! Nhưng lúc leo dốc ngược mới biết thế nào là ngựa cao. Nhưng chuyện này nói sau.

Về đến khách sạn, đã gần 1h chiều. Mệt quá, chẳng muốn ăn nữa. Cả hội về phòng ngủ như chết, và chỉ choàng dậy khi chuông điện thoại báo đến giờ dậy lên Bromo. Đã 3 giờ chiều rồi. Chúng tôi chuẩn bị đồ đạc, mới lên đến bậc thang trên đã thấy bác dắt ngựa chạy vào tìm. Phải ăn gì đã. Chúng tôi hẹn đợi 15 phút để ăn. Giờ này đã hết giờ nhà hàng khách sạn phục vụ ăn uống, ra ngay quán ăn kế bên, gọi bát mì tôm có trứng, có thịt, chỉ hết có 6 ngàn Rupia ( 12 ngàn đồng VN), ăn ngon lạ lùng. Chắc tại đói quá đây. Thế là đủ sức leo núi rồi!!!


Lên ngựa, bắt đầu hành trình. Con ngựa cao lênh khênh, dường như yên còn buộc lỏng, lại chẳng có chỗ nào để bám tay cả, nên lúc đầu có cảm giác như mình sắp tuột xuống cùng với nguyên cả bộ yên!!! Tôi cũng đã từng cưỡi ngựa lên Meili trên Đức Khâm( Vân Nam) rồi, cứ tưởng là đã quen, thế mà hoá ra vẫn ghê. Dốc xuống Biển cát dốc đứng, ngựa chúi đầu đi xuống, mình cũng tưởng mình sẽ phi xuống trước mũi ngựa luôn. Thế mà các mợ lại có vẻ khoái chí với món ngựa nghẽo này, có lẽ bên ấy ngựa hiền hơn!!! Chúng tôi đi vượt qua biển cát, với những đụn cát, những tro than núi lửa nằm rải rác. Ngọn núi này mới hoạt động lại một lần vào năm 2004, tro than vẫn còn mới. Những dấu chân ngựa để lại bụi mù mịt, cả dòng người cưỡi ngựa để lại một vết bụi trắng mờ trên biển cát. 4 giờ chiều, chỉ có những người đi ngược lại. Mọi người đã về cả. Trên Bromo, tầm 5 giờ chiều mặt trời sẽ xuống, với dân du lịch theo tour, hẳn không quan tâm lắm đến hoàng hôn, và có lẽ họ cũng sợ khi trời sắp tối mà vẫn còn trên miệng núi lửa, nhưng với mấy đứa "hiếp ảnh gia" chúng tôi, đây là thời khắc được quan tâm nhất trong ngày. Và chúng tôi đã có lý. Nếu các bạn đi Bromo, đừng lên núi vào buổi sáng, đó là lúc đông khách nhất trong ngày. Tầm 4 giờ chiều trở đi, trên miệng núi lửa gần như vắng tanh, nắng rất đẹp, rất lý tưởng cho tác nghiệp. Chúng tôi vượt qua biển cát, lên dần trên những triền núi. Thật là sáng suốt khi đi ngựa, khi chúng tôi vượt qua một nhóm khách Hà Lan đang lụi hụi bước đi trên cát nóng và lên sườn núi dốc. Đứa nào đứa nấy thở phì phò. Đã quen với ngựa rồi, tôi không còn cảm giác ghê nữa, mà có thể buông tay ra chụp ảnh. Nắng chiều vàng nhạt phủ bóng lên ngôi đền Hindu, một cảnh tượng đẹp như không có thật. Dường như máy ảnh bất lực trước những sắc màu huy hoàng và trầm mặc như thế này. Màu xám tro của đền, của biển cát cứ rực lên trong ánh nắng chiều tà.

Lên đến lưng chừng núi, chúng tôi phải bỏ ngựa để leo tiếp 69 bậc thang dốc để lên miệng Bromo. Con đường dốc không dài lắm, nhưng có lẽ do đã mất nhiều sức lực, tôi cũng phải dừng lại 2-3 lần để thở, tất nhiên cũng tranh thủ chụp ảnh luôn. Một cảnh tượng mênh mông trải ra dưới chân, còn trên đầu, khói trắng vẫn toả ra từ trên đỉnh núi, đã thấy mùi lưu huỳnh khét lẹt. Rồi cũng lên đến nơi, gió thổi ào ào trên đỉnh núi, nhìn xuống 2 bên, bên trong miệng núi lửa sâu hút, loang lổ những vết nứt to, khói tuôn ra từ những khe nứt. Dốc trong miệng núi lửa gần như đến 70 độ, trượt chân xuống chắc nhanh hơn đi cầu tụt. Bên sườn ngoài thậm chí còn dốc hơn, có đoạn gần như thẳng đứng, cũng hầu như chẳng có cái gì để bấu víu nếu lỡ trượt chân xuống. Thế mà trên miệng núi lửa, con đường hầu như chỉ rộng chừng 1 mét, thậm chí chỉ có vài chục phân, có đoạn rộng hơn thì được hơn 2 mét, nhưng không nhiều. Tôi cứ nghĩ mình có cam đảm đi bộ xung quanh miệng núi lửa, lên đến đây mới biết mình nhầm!!! Ặc!!! Túm lại vẫn cảm thấy mình tha thiết với cuộc sống này, nên cũng không dám mạo hiểm bước ra xa. Bạn đồng hành có người cam đảm hơn, men ra mép vực, ngồi ngay bên thành núi lửa, cho chân xuống dưới, tất nhiên cũng làm dáng để chụp ảnh. Tôi thì chỉ nhìn cảnh đấy thôi cũng đã ghê rồi, nhưng cũng phải lớn tiếng nhắc nhở an toàn. Đúng là chỉ trượt một cái thì mình cũng hoá thân vào Bromo mất thôi. Rồi mọi chuyện an toàn cả, nhưng cảm giác chênh vênh thì vẫn còn cho đến tận khi xuống dưới chân núi. Thế mới hiểu vì sao trên You tube, nhiều thằng rất tự hào khoe những đoạn video chúng nó đi quanh miệng Bromo. Lúc đầu xem, chúng tôi chẳng hiểu có gì hay ho mà chúng nó tự hào đến thế. Nhưng bây giờ thì hiểu, không phải ai cũng đủ can đảm làm được điều này. Tôi chịu thua luôn. Cảm giác chênh vênh giữa 2 mép vực, con đường nhỏ chỉ vừa bước sải chân, gió thổi vù vù như cuốn người ra khỏi con đường, và dươi kia, từng cuộn khói sặc mùi lưu huỳnh bốc lên như muốn cản bước con người, những trải nghiệm đó, lần đầu tiên tôi được nếm trải trong đời. Một cảm giác thật sự ấn tượng, thật sâu đậm, nhưng có lẽ để nếm được dư vị phấn khích của nó, có lẽ nên có thành lan can để bám hoặc khi nào xuống chân núi sẽ tốt hơn. Túm lại một chữ : nhát.

Về sau này, tôi có hỏi lại người bạn đồng hành cảm giác thế nào khi ngồi vắt vẻo, thò chân xuống miệng vực, câu trả lời là sợ, nhưng vẫn muốn được thử cái cảm giác chênh vênh ấy nên phải cố. Còn tôi thì, có lẽ, tôi đã không được hưởng đủ cái cảm giác chênh vênh trên miệng Bromo, nhưng có lẽ, điều đó cũng đủ cho mình. Liệu trong cuộc sống, có thể biết được thế nào là đủ!!!


Chúng tôi lại lần theo bậc thang dốc đứng để đi xuống, ngựa đang chờ chúng tôi trở về. Trời đã ngả sang màu tối, những ánh nắng màu da cam hắt ngược ánh sáng cuối chân trời lên làn khói trắng, làm khói chuyển sang màu hồng. Bóng tối đã phủ lên biển cát, chỉ còn ánh nắng màu cam còn vương lại trên những đỉnh núi phía xa. Chúng tôi đi trên biển cát mênh mông, hầu như chẳng còn lại ai, chỉ còn mấy chúng tôi, cái cảm giác tự do bay bổng càng rõ hơn trên biển cát. Mấy người bạn đồng hành đã quen với con ngựa, thậm chí đã đề nghị bác dắt ngựa bỏ hẳn ngựa ra, để được tự phi nước kiệu trên cát. Bác dắt ngựa chạy theo mỏi chân đã nhờ xe máy của người quen đưa về trước, để ngựa lại cho người còn lại, mặc bạn tôi tự phi. Cho đến khi chúng tôi đến lại được chân dốc để lên lại thị trấn Cemoro Lawang, trời đã bắt đầu tối sẫm. Sao đã mọc lác đác trên bầu trời. Một buổi tối yên bình đang đến. Ngựa bị chặn lại ngoài thị trấn khi hết giờ đưa đón khách. Chúng tôi chia tay các bác dắt ngựa, trả tiền ngựa và tiền tip thêm cho các bác. Mọi người rất phấn khởi dù tip thêm chỉ 10 ngàn Rupia ( 20 ngàn VND) cho mỗi người. Trong LP cho biết, người dân Indo ở đây không có thói quen tip, sự chân thật và hiền lành của người dân ở Cemoro này còn ấn tượng mãi cho chúng tôi, một cảm giác về một vùng du lịch bình yên và chân chất, không có cảnh chèo kéo, không mặc cả, không lừa gạt. Cảm giác thật tin cậy và yên bình.


Trời đã tối sẫm. Nhìn lại về phía biển cát, những làn khói mờ vẫn bốc lên trên màn đêm, sao lấp lánh trên đầu, phía dưới kia, thi thoảng có những ánh đèn ô tô về muộn, đang băng qua biển cát. Một ngày đầu tiên đã trôi qua như thế, trong cái lạnh tê tái đang kéo đến trên Bromo, nhưng mà thật ấm ở trong lòng.
 
Chiều xuống, chỉ còn những đoàn người từ Mount Bromo trở về, những bước chân cuốn lên những dải bụi màu trắng trên Biển Cát.

2770780625_a9d6e4ced2_o.jpg


2771627752_c2baac9d25_o.jpg


Từ trên sườn dốc, nhìn về Biển Cát, thấy choáng ngợp bởi một hoàng hôn rực rỡ trên nền xám

2771628206_170613eaab_o.jpg


Photoshop...để nhìn rõ những tia nắng chiếu xiên :))

2771630168_ecb7fed378_o.jpg
 
Bromo không chỉ nổi tiếng bởi phong cảnh mê hồn. Hay bởi vì nó quá đẹp nên người ta không tiếc lời gán cho nó những truyền thuyết ly kì nửa hư nửa thật. Cứ đọc về Bromo nhiều, tôi lại càng bị lôi cuốn đến không cầm lòng được. Đứng trên Penajakan, tôi không thể nghĩ rằng chỉ ít phút nữa thôi, tôi sẽ lạc vào một vùng đất của những truyền thuyết mà mình cũng chỉ giống như hạt bụi núi lửa bay vô định, nhỏ bé đến mong manh trong sự rộng lớn của Tengger Caldera.

2887414452_c2e181c94f.jpg

Tam hợp Bromo - Batok - Semeru

Thủa xa xưa, có một người đàn bà đẹp mang tên Roro Anteng. Tiếng đồn về vẻ đẹp của nàng đã đến tai một con quỷ khổng lồ (vẫn tích cũ là Người đẹp và quái thú- xưa nay sắc đẹp là hay gây chuyện). Cậy có quyền phép siêu phàm, quỷ đến đòi cầu hôn, và nàng Roro Anteng không dám từ chối thẳng thừng. Nhưng mình đẹp như vầy làm sao phải đi lấy quỷ xấu xí, nàng mới nghĩ ra một kế hoãn binh (không, đẹp vậy chắc phải có Khổng Minh hiến kế, chứ tự chắc không nghĩ được đâu): Thách cưới. Tên khổng lồ xí giai kia phải đáp ứng một điều kiện, đó là làm cho nàng một sa mạc cát giữa lòng núi trong vòng một đêm, và phải hoàn thành trước bình minh.

Chuyện nhỏ! Trí tuệ của nàng không vượt qua nổi quyền phép của kẻ xấu giai. Quỷ ta hô phong hoán vũ, cát bụi bay vù vù, trời mây đổi sắc, trời chưa sáng mà công việc đã gần hoàn thành. Làm sao đây? Roro Anteng tài trí (hay quân sư tài trí - cái này sử không ghi rõ) mới nghĩ ra một kế phá, nàng khua chiêng múa trống đánh thức cả gà trống lẫn gà mái trong vùng, nhất thẩy gáy ầm ỹ. Thời ấy, gà gáy là mặt trời thức giấc!

2888005924_827375da2f.jpg


Nghe tiếng gà gáy báo hiệu trời sáng, con quỷ điên cuồng khi nghĩ mình thất bại. Trong lúc nản chí, hắn đã ném vỏ dừa dùng để đào sa mạc, chất cao như núi bên cạnh ngọn núi Bromo, hình thành nên Mt. Batok ngày nay. Sa mạc do hắn khổ công tạo nên đã trở thành Tengger caldera ngày nay. Kể ra con quỷ cũng thật là biết giữ chữ tín, chứ quyền phép cỡ đó cứ cướp dâu thì sau này làm gì có đế chế Majapahit lừng lẫy! Và cũng không có lễ hội hiến sinh Kasada.

2888005180_145582d1a4_o.jpg

my first Panorama, theo tip của các bác, em đã ... sửa bằng tay trên Pho to shop - quả là có mịn màng tử tế hơn bao nhiêu)
 
Truyền thuyết cũng kể lại rằng nàng Roro Anteng xinh đẹp xuýt phải lấy quỷ chính là con gái của vua Majapahit, sau đó đã kết hôn với Joko Seger, chính là con trai của vị Thần của Hindu giáo Brahmana. Đó cũng là thời kì thoái trào của vương quốc do sự hưng thịnh ngày càng mạnh của đạo Hồi ở đảo Java, Roro Anteng và Joko Seger cùng nhìêu gia đình đã chuyển vào sống ở phía Đông của đảo, hầu hết tập trung ở vùng núi Tengger. Trong suốt thời gian trị vì, dù bao nỗ lực cứu chữa, nhưng họ vẫn không có con nối dõi. Cuối cùng, họ quyết định lên đỉnh Bromo để cầu nguyện, và họ đã nghe thấy thánh dụ rằng nếu muốn sinh được con, thì Roro Anteng và Joko Seger sẽ phải hi sinh đứa con trai út của họ. Quả nhiên sau đó, 25 đứa trẻ đã ra đời (mắn dã man - đúng là thánh phán có khác). Thời khắc để hi sinh đứa con út, nhà vua và hoàng hậu vô cùng đau khổ và lo lắng, và cuối cùng, họ quyết định... xù nợ! Nhưng lúc đó, trận phun trào nham thạch của núi lửa Bromo đã nuốt lấy đứa con út xuống đáy vực. Giữa tiếng kêu khóc và quang cảnh hỗn độn, một tiếng nói cất lên len lỏi giữa dòng nham thạch: "Hỡi các anh chị em yêu quý, Đây là sự hi sinh trước Thượng để cứu tất cả. Ta hi vọng sự hi sinh này sẽ đem lại hòa bình thịnh vượng. Xin đừng quên luôn tương trợ lẫn nhau và thờ phụng Thánh thần bằng lễ hiến sinh vào ngày 14 trăng tròn hàng năm Kasada, cầu nguyện Hyang Widi Wasa. Những người thừa kế của vùng Tengger đã thực hiện đúng lời dặn của người con trai út, sống hòa thuận và thanh bình, và lễ hội Kasada hàng năm vẫn được tổ chức qua hàng thế hệ cho đến tận ngày nay.

2878934296_63343c1f71.jpg

Thị trấn Cemoro Lawang - Nhìn từ View point 1


Có lẽ cũng chính vì vậy mà người dân Tengger luôn nổi tiếng là những cư dân hiền lành và phúc hậu. Tôi ngỡ ngàng và không khỏi ngạc nhiên khi được tiếp xúc với những con người ấy. Tiếp xúc với họ rồi, giờ hỏi tôi người ở đâu bình dị nhất, tốt nhất, tôi không ngần ngại nói rằng: Ở Bromo!

2888295320_d2d21fec46.jpg

Smile!!!

Đế chế Majapahit đã suy tàn từ rất lâu, hiện giờ những người tự nhận mình là con cháu chính thống của đế chế này, những thổ dân Tengger (Tenggerese) chỉ còn lại rất ít và sống rải rác ở các làng nhỏ ở vùng Tengger caldera này. Người ta cho rằng sau khi đế chế Majapahit tan rã, con cháu của họ phải lui vào cùng núi lửa, hòng chống lại sự đuổi đánh và phân biệt của các thế lực ngoại lai mới xâm nhập là Hồi giáo và Công giáo, hai tôn giáo hiện lớn nhất của Indonesia ngày nay.

2887131346_4ecca9f402.jpg


Cho đến giờ, những người Tengger vẫn cách biệt hoàn toàn với thế giới. Trong khi phần lớn dân Java là người Hồi giáo, thì những thổ dân này vẫn duy trì sự thờ phụng từ thời khai sinh của đế chế. Đó là một tôn giáo rất đặc biệt, bởi trên nền tảng của Phật giáo Mahayana, họ đã khéo léo thêm vào các yếu tố của đạo Hindu và thuyết duy linh (thờ linh vật). Chính vì vậy vẫn có thể coi đó là một nhánh của đạo Hindu. Dưới chân của Bromo có một đền thờ Hindu nhỏ gọi là Pura Luhur Poten, nơi thờ Ida Sang Hyang Widi Wasa (Big Almighty Lord – tạm dịch là Thượng đế vĩ đại),cùng với tam ngôi Hindu (Siwa, Brahma and Visnu).

2886579717_0821c7d615.jpg


Ngôi đền này là nơi tổ chức lễ hội Yadnya Kasada hàng năm. Sự kiện này diễn ra trong suốt 1 tháng, và vào ngày 14 của tháng, người Tengger sẽ tụ họp ở đền để cầu nguyện thượng đế Ida Sang Hyang Widi Wasa và Mahameru (Mt Semeru). Sau đó đoàn người sẽ dọc theo hơn 50 bậc đá để lên đỉnh Mt Bromo, nơi đặt rất nhiều đồ cúng tế: hoa quả, gạo muốn và các thực phẩm địa phương, rồi sẽ được ném cả vào lòng núi lửa đang bốc khói.

2886579781_aed5848a30.jpg


Trong các guide book của hội Tây, lễ hội này được miêu tả cực kì hoành tráng, gài thêm 1 câu là: dù cho bạn có là người ở đâu, hãy nín thở và theo các bước chân của người bản xứ, cùng họ tham dự một nghi lễ hiến tế thiêng liêng và duy nhất. Đó sẽ là khoảnh khắc khó quên nhất cuộc đời. Èo, mình đi chết đây, mình không được tham dự!!!
 
Cứ đọc về Bromo nhiều, tôi lại càng bị lôi cuốn đến không cầm lòng được.

Bác đu đủ với bạn lymy viết kỹ và hay quá, làm mình cũng bị lôi kéo đến không cầm lòng được :) Hỡi ôi bao h cho đến tháng 7 đây

Mà cái lễ hội hoành tráng bạn lymy kể vào tháng mấy thế?
 
Yadnya Kasada

Lymy xin mạo muội bổ xung thêm 1 chút về Yadnya Kasada và ngôi đền Ấn dưới chân Bromo.
----------------------
Khi đến điểm đỗ xe jeep, ta đã bắt đầu chạm chân vào biển cát. Phía xa là nơi có cuộn khói trắng toát bốc nghi ngút, đó chính là Bromo. Và dưới chân, lấp loáng sau màn bụi, là ngôi đền Hindu độc đáo có tên là Pura Luhur Poten

2887133232_cf59fa4ba0.jpg



Ngôi đền chính là hiện thân tôn giáo của những thổ dân Tengger sống rải rác quanh vùng. Họ gần như tách biệt với thế giới, và tín ngưỡng của họ từ khởi thuỷ hầu như vẫn còn giữ cho đến ngày nay. Ngôi đền được coi là sự kết hợp ba tôn giáo lớn: Phật giáo - Hindu giáo - và thuyết Vật Linh (hình như có liên quan đến con lợn hay sao mà mấy ngày trời ở Bromo tôi không được ăn bữa thịt heo nào!).

2887132278_1e5c77a5fd.jpg


Ngôi đền này là nơi tổ chức lễ hội Yadnya Kasada hàng năm. Sự kiện này diễn ra trong suốt 1 tháng, và vào ngày 14 của tháng, người Tengger sẽ tụ họp ở đền để cầu nguyện thượng đế Ida Sang Hyang Widi Wasa và Mahameru (Mt Semeru). Sau đó đoàn người sẽ dọc theo hơn 50 bậc đá để lên đỉnh Mt Bromo, nơi đặt rất nhiều đồ cúng tế: hoa quả, gạo muốn và các thực phẩm địa phương, rồi sẽ được ném cả vào lòng núi lửa đang bốc khói. Lễ hội này được khởi xướng từ thời của Roro Anteng và Joko Seger cùng với sự hi sinh của đứa con thứ 25 của họ.

2886298777_6e8baa5758.jpg

Mầu đỏ chói duy nhất của ngôi đền xám.

So với những ngôi đền Hindu mà tôi đã từng đến xem, thì Pura Luhur Poten mang phong cách khác hẳn. Tất cả đều được xây dựng bằng đá, mà là thứ đá nham thạch lấy từ chính ba ngọn núi bên cạnh, bởi vậy nó mang một mầu đen trầm bóng hòa hợp với những hạt bụi bay lên từ biển cát, tạo nên bức tranh gần như thủy mặc bằng đá và cát. Các ngôi đền khác ở Bali xây dựng theo phong cách này thì rất sặc sỡ và hay sử dụng mầu cam.


2887133546_b82a672ee7.jpg

Phong thái thần gác cửa

Phía trong của ngôi đền ta có thể thấy nhiều khu vực vẽ các cấu trúc Mandala (nếu như theo Lymy biết thì Mandala chính là những bức tranh cát - một sáng tạo của các vị Lạt Ma Tây Tạng trong quá trình tu luyện và hoàn thiện tâm linh; không hiểu sao nó lại được thể hiện ở nơi này cùng với sự tồn tại của đạo Hindu - ai biết chỉ với!!!).
 
Nắng đã tắt phía dưới chân núi, cảnh vật trở nên mờ ảo.

2770788753_f86311c8fc_o.jpg


Ngắm hoàng hôn trên miệng Bromo. It's ME!!! :)) :))

2771635514_39d66590f0_o.jpg


Sau lưng, khói trắng vẫn đang bốc lên cuồn cuộn

2770789749_03dd8bc067_o.jpg


Trước mặt, bóng chiều dần xuống

2770790311_936b92fc16_o.jpg


2770791851_d614784fbc_o.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,672
Bài viết
1,171,058
Members
192,337
Latest member
Corinamith4
Back
Top