Vượt qua con dốc cao và ngoằn nghèo, chúng tôi lên tới đỉnh núi. Đó là một rìa núi cao, khá phẳng, với một con đường độc đạo chạy dọc theo sống núi. Độ cao của rặng núi này xấp xỉ như Bromo, từ đây, nhìn sang núi lửa Bromo bên cạnh, chúng tôi thấy rõ những ngọn cây trên đỉnh Bromo. Và từ một phía khác của nó, những đụn khói màu trắng vẫn bốc lên cao, hòa vào mây trời. Chúng tôi dừng lại ngay một cái chòi đầu dốc, một nơi để ngắm cảnh. Rất nhiều người Indo cũng chung hành trình như chúng tôi, đang dừng lại để chụp ảnh. Những cái nhìn và nụ cười thân thiện. Có vài cô cậu cũng tự đi bằng xe máy, đang ngược lại với hành trình của chúng tôi. Họ có lẽ đi lên Bromo theo hướng khác, từ Semeru chăng. Kiểu cách và đồ nghề giống hệt như dân TTVN của mình, cũng khá pro, nhưng chuyện sẽ nói tiếp ở phần sau.
Tiếp tục con đường đi đến Semeru, đường bê tông, khá đẹp, nhưng đang trong quá trình tu sửa. Những chỗ đường hỏng thì thôi rồi, bụi dày cả đến 20 cm, mù mịt, đôi chỗ xe máy không lên nổi dốc, tôi phải xuống lội trong bụi cát, xót giày xịn!!!
). Nhưng đúng là đã không hề uổng phí cho hành trình. Có những đoạn đường chạy ven ngay mép vực, nhìn xuống dốc núi thẳng đứng, nhìn thẳng xuống Biển Cát. Tất cả cảnh vật trải rộng mênh mông ngay dưới chân, những gì mà chúng tôi vừa vượt qua. Cảnh đẹp như trong mơ vậy, hoàng tránh, bao la, nhưng cũng rất đỗi hút hồn bởi một vẻ nên thơ và thanh bình. Con đường chênh vênh đến rợn người, rộng vừa đủ cho 1 chiếc xe ô tô chạy, bên dưới là vực, là sa mạc cát, là những đỉnh núi xa tít, là bầu trời đầy khói trắng như mây. Tôi tự nghĩ, nếu chẳng may chiếc xe của mình mất lái, ít nhất là mình sẽ không phải lăn theo sườn núi mà sẽ bay thẳng xuống dưới kia. Hoặc thi vị hơn, kể như có cái dù lượn, từ đây có thể là điểm xuất phát lý tưởng. Dừng lại đôi chút chụp bức ảnh kỷ niệm, chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Được một đoạn, con đường rẽ vòng sang phải, bỏ lại sau lưng những triền núi, đi xuống phía dưới. Từ đây nhìn Semeru đã gần lắm rồi. Chúng tôi đi qua những ngôi làng của người Tengger, với những ngôi nhà xinh xắn, những thửa ruộng trồng loại cây rau mà tôi chẳng biết tên. Đôi khi thấy dân làng đang ngồi trên những chiếc ghế dài ngoài cửa. Có khá nhiều nhà nghỉ, chắc dành cho các bạn back packer Tây của chúng ta, một vài cô cậu chàng mắt xanh mũi lõ đang ngồi thơ thẩn, chẳng hiểu nghĩ gì và định tìm kiếm điều gì thú vị giữa hoang vu núi rừng này.
Đi chừng gần 1 giờ đồng hồ, mấy cậu tài xế của chúng tôi dừng lại. Đó là điểm dừng chân ở một thị trấn nhỏ, theo chúng tôi được biết, đó là điểm đầu cho hành trình leo núi Semeru. Cái rất tệ là ở chỗ, từ đây thì chẳng nhìn được toàn cảnh của ngọn núi lửa rất giống núi Phú sỹ này. Nhưng con đường leo Semeru thì là một đường leo núi khá nổi tiếng ở Indonesia, được đánh giá là nguy hiểm ở cấp độ 3 và dành cho dân chuyên nghiệp. Nghe nói, để leo núi này phải mất 3 ngày 2 đêm, trên cao độ lạnh xuống dưới 0 độ C, thời tiết khá khắc nghiệt. Du khách phải ngủ lại trên sườn núi, và sáng cuối cùng thì lên đến đỉnh Semeru, nhưng dường như không ai có thể chịu nổi quá 30 phút vì nồng độ lưu huỳnh rất cao, bắt buộc phải lên vào sáng sớm và phải xuống ngay. Độ dài của đường leo núi khoảng chừng 15 km. Đó là vài thông tin sơ lược. Bọn Indo chào bán tour này cho dân Châu Âu với mức giá tầm 500 Eur. Khá cao, đồng thời kèm theo vài điều kiện vì lý do mạo hiểm. Nhưng với chúng tôi, những điều đó chẳng liên quan gì, vì chúng tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất là ngắm núi ở khoảng cách gần nhất có thể, và ngắm toàn cảnh rộng nhất có thể. Tôi hỏi thằng xe ôm, có chỗ nào ngắm được rộng hơn, đẹp hơn không, nó lắc đầu, bảo đi nữa thì càng bị núi che lấp. Tôi mon men leo lên đỉnh một quả đồi nơi chúng tôi đỗ xe, định sang sườn bên kia của đồi, hy vọng thấy được toàn cảnh của Semeru. Leo được 50 mét cao, thấy ngay một nghĩa địa Hồi giáo, vượt qua những ngôi mộ, lại thấy một đống rác lớn. Bó tay, hết đường, mà cây cối thì cao um tùm, không thể chụp ảnh được. Nhưng có lẽ hiểu được ý tôi, mấy tay xe ôm đã tìm được giải pháp có lẽ là phù hợp nhất, đó là phi xe lên một sườn đồi đối diện, nơi có những thửa ruộng rau lớn, chỗ đó không phải là lý tưởng, nhưng đủ rộng và đủ thoáng để chụp ảnh. Tôi đành quay lại, mấy cậu xe ôm cũng tử tế, trèo lên tận nơi tôi đứng để gọi tôi và chở tôi lên hết tầm dốc mà xe máy có thể leo được. Giữa trưa nắng, giữa một quả đồi trơ trọi không một bóng râm, nhưng khí hậu ở đây không làm người ta cảm thấy nóng bức. Chúng tôi lội vào giữa ruộng rau của người dân, có vẻ như là cây đậu Hòa Lan, một loại cây mà tôi đã từng thấy trồng ở Sapa, ngọn luộc lên ăn rất ngọt. Hỏi giá bảo bán 70 ngàn Rupia/kg, cũng đắt.
Đất rất xốp và mềm, cảnh giác, chúng tôi bảo nhau không được đứng gần mép núi, vì có thể bị sụp bất cứ lúc nào, mà độ cao từ đây xuống chân núi không dưới 100 mét, và tất nhiên, một đặc điểm rất đặc trưng, đó là dốc thẳng đứng 85 độ, không có độ nghiêng. Rơi là đi. Từ nơi đây, chúng tôi mê mải chụp ảnh Semeru, cứ chừng 10 phút, một đụn khói xám và tro đen lại tung lên trời từ miệng của Semeru, có lẽ khoảng cách khá xa, không hề có một âm thanh nào, rất lặng lẽ. Những đụn khói bung lên, trắng dần, rồi khi khói trắng sắp tan ra, lại một boom khói nữa tung lên trời, đều đặn như thế. Từ đây có thể nhìn rõ những tro của núi lửa rơi xuống vào mép miệng núi lửa, tạo nên màu xám rất đặc trưng của Semeru. Chụp khá nhiều, nhưng do chỉ có 1 vị trí chụp, vả lại không có nhiều điều đặc sắc lắm, nên cuối cùng tôi cũng chỉ giữ được vài kiểu ảnh. Nhưng thật sự, có những cảm nhận bằng mắt thường, và không khí nơi đây, và sự hùng vĩ của đất trời, những điều đó, khó có tấm ảnh nào ghi lại được.