What's new

[Chia sẻ] Đông Java: Hành trình từ Bromo đến Izen

Em là lính mới, các bác đừng cười. Thấy trang Phượt này hay hay, em mạn phép copy một địa điểm châu Á mà em vừa đặt chân qua. Địa điểm thì trên kia em đã nói rồi. Nếu bác nào đã đọc thì đừng ném đá em nhé, em chỉ muốn giới thiệu thêm cho thêm nhều người biết thôi.

Những ngọn núi lửa nằm ở một miền đất có tên là Đông Java, Indonesia.

Những thông tin về khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Semeru của đất nước Vạn đảo này hẳn mọi người có thể dễ dàng tìm trên Internet, trên Google, nên tôi sẽ không đề cập đến ở đây, chỉ có một vài thông tin nhỏ như thế này, đây là một khu vực núi lửa vẫn còn đang hoạt động, lần gần đây nhất phun lửa của Mount Bromo vào năm 2004, làm 2 du khách bị thiệt mạng, tuy nhiên, điều đó vẫn không làm ảnh hưởng đến lượng du khách khoảng 100 ngàn người đến với cụm núi lửa của Semeru mỗi năm.
Trước đây, Mount Bromo được đánh giá là ngọn núi lửa đẹp thứ 5 trên thế giới, là một điểm Must see của dân du lịch. Tuy bây giờ thứ tự đó không còn nữa, nhưng những vẻ đẹp của Mount Bromo, của cụm núi lửa, của những xóm làng bên bờ vực núi lửa, của biển cát mênh mông, của những bình minh và hoàng hôn rực rỡ của vùng đất núi lửa, cái lạnh dưới 10 độ C của vùng núi miền xích đạo, và hơi ấm của sự bình yên... thật không tin là có thật trên đời. Có những lúc đó là một cảm giác huyền hoặc, dù là bạn đang bước chênh vênh trên miệng núi lửa, dù con đường chỉ hẹp như một sải tay, và 2 bên đều là bờ vực dốc đứng, chỉ cần 1 cái trượt chân, cuộc sống con người đều chênh vênh giữa cái sống và cái chết...
 
Chụp những tấm ảnh về Semeru xong, chúng tôi cũng xuống núi, tránh cái nắng gay gắt của trưa xích đạo. Tôi thì vẫn tò mò muốn tìm một vị trí nào đó có thể chụp một bức ảnh toàn cảnh của Semeru mà không bị chắn bởi núi non như thế này. Nói điều đó với tay xe ôm, gật gù một lúc, ra vẻ hiểu biết, cậu chàng bảo các đồng sự đưa chúng tôi vòng lại, vòng qua một chiếc hồ rộng gần bãi đỗ xe dưới điểm bắt đầu của dân leo núi. Cậu chàng ra hiệu cho chúng tôi bỏ xe, bắt đầu đi bộ theo con đường nhỏ ven hồ nước. Niềm hy vọng lại bắt đầu. Chúng tôi tản bộ dọc con đường nhỏ. Có lẽ hồ nước này là một trong những điểm du lịch có tiếng của khu vực này, nên có khá nhiều bạn trẻ Indo đến đây, theo từng nhóm. Theo chân họ, chúng tôi đi sâu vào một khu vực, có lẽ để dành cho dân cắm trại. Và đó là một hồ nước khác, bị núi bao quanh, nước hồ trong và rất lạnh, xung quanh cỏ cũng bị khô úa đi, dù ở ngay ven hồ nước. Chúng tôi hỏi, thế điểm nhìn Semeru đâu, cậu chàng bảo, ở đây không nhìn thấy được. À, hóa ra là chúng ta không hiểu nhau. Hóa ra là cậu chàng muốn giới thiệu với chúng tôi một cách đầy tự hào về hồ nước này, một điểm du lịch nổi tiếng của vùng núi lửa, trên độ cao chừng 2000m. Quanh hồ là những trảng cỏ đơn sơ và những lều ngắm cảnh. Từng tốp thanh niên đang vui đùa gì đó, có vẻ hớn hở với cảnh hồ nước. Nhưng với dân đồng bằng như chúng tôi, chẳng có gì hấp dẫn ở cái hồ con con này. Tôi cũng thử trèo lên một mỏm núi, hướng ra phía Semeru, may ra tìm được gì đó hấp dẫn hơn. Nhưng dường như chẳng có ai leo theo những con đường mòn này, cỏ tranh gai lấp đầy ven núi, rất khó leo, hơn nữa, sườn núi dốc ngược, nên tôi cũng e ngại không muốn leo nữa. Túm lại là chỉ có không khí hồ nước trong lành là hấp dẫn, ngoài ra không có gì mới mẻ.

Trở về theo con đường cũ, chúng tôi lại đi ngược lại hành trình vừa qua, lại những con đường chênh vênh trên sống núi, có những đoạn sát mép vực. Dường như đường về nhanh hơn đường đi, chẳng mấy chốc, chúng tôi đã xuống đến chân dốc. Đã quen với con đường trên biển cát, chúng tôi không còn sợ nữa. Chiếc xe máy lại ngoằn nghèo vượt qua những đụn cát với một tốc độ chóng mặt, với tay lái chắc của cậu xe ôm. Chiếc xe của chúng tôi vượt qua những bãi cát dày một cách khá dễ dàng, vượt qua những chiếc ô tô đang xúm đông những người xung quanh, và cả những nhóm thanh niên Indo đang phượt. Có lẽ đó là một nhóm ít kinh nghiệm, trông họ đi xe trên biển cát rất buồn cười. Có những chiếc xe đi chừng 100 mét lại ngã lăn quay ra cát, dựng xe lên, đi một đoạn lại ngã lăn quay, và cứ thế, họ vượt qua từng đụn cát với tất cả nỗi nhọc nhằn. Tôi bây giờ mới thở phào, vì thực ra mình cũng chưa từng thử vượt qua biển cát bằng xe máy bao giờ. Đi một đoạn, lại gặp một đôi đang vượt biển cát bằng xe dạng như Mio. Bây giờ mới thật buồn cười, vừa buồn cười vừa tội. Không hiểu liệu đôi bạn này liều đến mức nào, mà dám vượt biển cát bằng xe tay ga, lại là một xe tay ga nhỏ. Chiếc xe gần như ngập một nửa bánh trong cát. Cậu chàng hì hục tăng ga, mặt mũi méo xẹo, nhưng càng tăng ga, xe lại càng lún sâu hơn nữa, trong khi bạn gái thì đứng trên gò cát nhìn với một con mắt đầy bất lực. Tôi cũng không hiểu liệu đôi bạn trẻ ấy có vượt qua nổi biển cát hay không nữa. Chiếc xe Jeep đằng kia cũng chung một số phận, đoàn người hối hả thúc nhau đẩy, nhưng cũng chẳng ăn thua so với sức níu của biển cát mênh mông này. Thế mới biết mấy cậu xe ôm của chúng tôi tài đến thế nào, nhất là cậu chở tôi. Chiếc xe dũng mãnh vượt qua những đụn cát dài, và chỉ dừng lại khi đằng sau chẳng còn ông bà bạn nào của tôi nữa. Tranh thủ dừng xe, tôi lựa cho mình một vài hòn tro núi lửa. Núi mới phun từ năm 2004, nên những viên sỉ tro cũng còn rất mới, trông lỗ chỗ như những viên đá ong màu đen xám. Tôi nhặt cho mình vài viên to ( Mình vốn thích to), chọn một số viên nhỏ, và nhặt làm quà cho một cô LG3 sắp cưới 1 viên đá núi lửa. Cũng vừa lúc các bạn tôi đến nơi. Chúng tôi còn nghịch trên bãi cát một lúc lâu, trước khi lên xe về khách sạn. Đến nơi, ngoài tiền xe đã mặc cả, chúng tôi cũng tip thêm số tiền đúng bằng các cậu chàng ra giá. Dường như là một điều gì đó lớn lao, các cậu chàng cảm ơn với cái nhìn đầy ngưỡng mộ. Chợt nhớ trong LP đã dặn, bạn không cần phải tip cho người dân ở vùng này, và nếu bạn làm như vậy, đó sẽ là điều gì đó lạ lẫm với họ. Thế mới biết người dân ở đây thuần phác như thế nào. Thật may là cơn bão du lịch chưa cuốn đi vẻ chân chất và hiền lành của người Tengger, tại vì bản tính của họ hay bởi lý do người dân ít tiếp xúc với khách. Nhưng dù sao, đó cũng là một ấn tượng đẹp của chúng tôi với vùng đất này.

Về khách sạn, chúng tôi nghỉ ngơi bằng cách ngồi ở dãy ghế ngay sát mép vực, nhâm nhi thứ cafe nhạt toẹt của người Indo, và ngắm hoàng hôn đang xuống. Một sự thưởng ngoạn thật là thanh bình và thư thái, dường như những mệt nhọc của một ngày qua đã tan biến khi sương bắt đầu xuống, trời một lúc một lạnh hơn, và ánh nắng chìm dần.
 
Semeru - nhìn từ điểm đầu tiên của đường leo núi

2881105555_e9e861ac36_o.jpg


2881105559_a78314fa8d_o.jpg


2881105563_d938908e74_o.jpg
 
Ngày thứ 3 tại Bromo, cũng là ngày cuối cùng với miền đất này. Chúng tôi dậy sớm, lần cuối, lại vác máy ảnh lên đường, đi đón những ánh nắng vàng đầu tiên xuất hiện trên đỉnh núi. Một chút quyến luyến và bồi hồi, vì chỉ lát nữa thôi, chúng tôi sẽ xuống núi, bắt đầu cho những hành trình mới, và chia tay Bromo.Ngay từ hôm mới lên, chúng tôi đã hẹn với bác tài Denny về một hành trình 2 ngày. Cụ thể như sau: 8 giờ sáng, bác tài sẽ đón chúng tôi tại khách sạn, hành trình tiếp theo sẽ là Izen - một trong những hồ núi lửa nổi tiếng nhất của vùng Đông Java. Hồ cũng chính là lòng của một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động, nhưng vẫn phun khói, trong lòng núi lửa đọng đầy nước mưa mà thành hồ. Chính vì vậy, đây cũng là một trong những hồ axit lớn, mà cách đây 3 năm, một du khách người Pháp đã vô tình trượt chân xuống hồ và đã chết do bỏng axit. Nhưng dù nguy hiểm, nghe nói về một cái hồ axit nổi tiếng, vùng đất quê hương của cafe Indonesia, thứ cafe nổi tiếng nhất thế giới cũng làm chúng tôi háo hức và tò mò. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định thuê tiếp xe của Denny để tiết kiệm thời gian. Hành trình từ Bromo đến Izen tầm hơn 400 km, tiếp đó từ Izen về lại Surabaya gần 700 km, tổng cộng hành trình khoảng trên 1000 km, trong 2 ngày, bác tài đòi chúng tôi 1500 Rupia, tương đương 3 triệu đồng, chúng tôi đề nghị 1200, nhưng không được, và cuối cùng là chốt 1400 rupia. Có thể là đắt, nhưng đành hy sinh một chút cho được việc, dù sao chúng tôi cũng không có nhiều lựa chọn ở đây, đặc biệt các bạn nhớ lại ngày đầu tiên, chúng tôi chỉ có một lựa chọn duy nhất. Thế là coi như đã quyết, chúng tôi đã sẵn sàng đi Izen. Bác tài cũng là người cẩn thận, bác có một cậu bạn làm receptionist tại Lava Logde View, nơi mà chúng tôi định nghỉ đêm tại đó, nhưng do không có phòng, chúng tôi phải trôi dạt từ nơi này sang nơi khác. Thế mà cậu chàng đó, được lời nhờ của bác tài, đi tìm chúng tôi bằng được để xin lỗi, đồng thời hỏi chúng tôi kế hoạch đi thế nào, mà không chỉ hỏi có 1 lần. Cũng dễ thương. Và chúng tôi, sau khi đi ngắm cảnh và chụp ảnh lần cuối trong ngày thứ 3 của mình ở Bromo, chúng tôi về phòng thu xếp hành lý và ăn bữa sáng trước khi lên đường. Denny cũng là một người đúng giờ, chỉ hơn 8h, bác tài đã có mặt trước cửa khách sạn. Hóa ra để lên đây đúng hẹn, bác tài đã phải lên đây từ đêm trước và ngủ nhờ cậu bạn. Quả tình là chúng tôi mừng ra mặt, vì nhìn những chiếc xe bus đầy người từ Bromo xuống núi mà chúng tôi ngán ngẩm. Hình như cũng không có xe bus đi Izen, ngoài những chiếc xe du lịch thuê theo tour hoặc chuyến. Chúng tôi thu xếp hành lý, chia tay Bromo, hành trình mới lại bắt đầu.
 
Hôm trước lên Bromo vào nửa đêm, chúng tôi chưa có dịp ngắm kỹ con đường mình đi qua, nay trở về, vẫn con đường ấy, nhưng trong nắng sớm, dường như tất cả trở nên mới mẻ như lần đầu được gặp. Chúng tôi theo đường xuống núi, đi chừng ba km, chúng tôi gặp khu khách sạn Yochi, một trong những khu khách sạn tại đây được bọn tây comment rất cao vì tính chuyên nghiệp. Chúng tôi không hiểu vì sao bọn tây lại thích ở đây, vì từ đây lên Lava cũng không hề gần, đường lại dốc, muốn đi thăm bình minh thì phải mất thêm chừng 30 phút nữa sớm hơn trên kia. Nhưng có lẽ chắc bọn tây muốn khám phá núi non, bản làng nơi đây. Con đường đi Bromo gợi nhớ về đường lên Sapa, cũng gần như vậy, ruộng bậc thang, những xóm làng bình yên ven đường, những sườn đồi nham nhở cây và lúa. Xuống núi chút nữa, trời bắt đầu nóng, chúng tôi cởi áo rét mặc mấy ngày qua, mở cửa sổ hít khí trời. Khung cảnh như ở một xóm làng Việt Nam nào đó, trông quen thuộc và gần gũi. Xe chạy qua thành phố Probolingo, thành phố đơn sơ, nhưng chạy dài theo đường quốc lộ. Điểm đặc biệt nhất của thành phố này, đó là những ngôi nhà 2 tầng lúp xúp, là những trại lính và trại cảnh sát trông đơn giản, binh lính thì trang bị chỉnh tề như sắp đi đánh nhau vậy. Chắc đất nước này vẫn còn lo những cơn khủng bố. Dọc đường đi của chúng tôi, cứ một đoạn, lại có những đoàn người đứng 2 bên đường cắm đầy cờ, đang chìa tay xin tiền, trong thứ nhạc rền rĩ đặc trưng của Đạo Hồi. Chúng tôi hỏi bác tài thì được biết, đó là những người đang đứng ra quyên tiền để xây dựng nhà thờ Hồi Giáo. Bác tài có vẻ rất phẫn nộ vì sự bành trướng chủ nghĩa Hồi Giáo trên đất nước Indo này, vì theo bác, đây chính là mảnh đất màu mỡ của khủng bố, của những đạo luật hà khắc và lạc hậu, mối đe dọa kéo lùi sự đi lên của đất nước Indo. Chúng tôi cũng chỉ biết nghe và thỉnh thoảng tán thưởng vài câu cho qua chuyện. Tuy nhiên, rõ ràng là việc cứ khoảng chục cây số, lại có những đoàn người chặn đường xin tiền để xây nhà thờ, quả cũng làm chúng tôi bực mình. Đó là chưa kể đến những chàng trai, trông khỏe mạnh, ngồi ôm đàn ghi ta ở những ngã tư đèn đỏ. Khi chúng tôi đi qua, dừng lại trước đèn, thì anh chàng ra cửa sổ xe, đánh tưng tưng vài nốt nhạc, và như một lệ bất thành văn, những người lái xe đã chuẩn bị trước những đồng tiền xu, dúi vào tay hoặc cho vào mũ anh chàng. Thế là lập tức cậu chàng buông đàn, thản nhiên về ngồi chỗ cũ, chờ những chiếc xe khác đi qua. Lần này thì tôi phản đối, tôi bảo Denny, mày không việc gì phải khuyến khích sự lười lao động như thế, thậm chí còn bất lịch sự, cầm tiền xong là buông đàn lập tức, không một lời cảm ơn. Bác tài có vẻ nghe lời tôi, từ đấy qua những đèn đỏ có đàn, bác dường như không cho tiền nữa. Tôi nghĩ, không hiểu đó là sự lạc hậu, hay là một nét truyền thống Indo. Việc xin tiền quá dễ dàng như thế này dường như làm tôi hơi e ngại.

Hết thị trấn Probolingo, xe đi qua những con đường dài tít tắp, những cánh đồng mía, những cánh đồng rau màu, và cả lúa vừa gặt còn trơ gốc rạ. Khung cảnh làm tôi nhớ đến những vùng đất miền Trung tổ quốc nắng và gió, như ở vùng đông Java này.
 
Con đường dọc đất Đông Java là một hành trình đẹp như mơ, qua những xóm làng đơn sơ, với những căn nhà gỗ nhỏ giống như miền Trung Nam bộ của mình, hành trình sẽ đi giữa một bên là núi, là những dải đất nhỏ ven núi màu mỡ, cây cối xanh tươi, và bên kia là biển. Có những đoạn biển ngay sát mép đường quốc lộ, thấy rõ cả những con sóng trắng nhẹ nhàng xô trên một mặt biển xanh như ngọc. Đường cũng chạy ngay ven biển, có kè đá, nhưng liệu khi trời dông bão, sóng đánh lên đường thì sẽ như thế nào, điều này tôi quên không hỏi bác tài. Những làng chài yên bình nằm bên sóng, với những chiếc thuyền buồm nhỏ, 2 thân, một loại thuyền mà chúng tôi thấy phổ biến ở vùng này. Có lẽ đây là những chiếc thuyền du lịch nhiều hơn là thuyền đánh bắt cá của ngư dân. Giữa cảnh trời nước mênh mông, Xe chạy vòng vèo dưới những chân núi đá vôi như Ninh Bình của mình, rồi chợt chúng tôi nhìn thấy 2 cột ống khói cao vút, bác tài tự hào khoe, đây là nhà máy điện sử dụng sóng biển làm năng lượng, do Nhật Bản tài trợ xây dựng. Tự nhiên nghĩ, sao nước mình có một bờ biển cũng rất dài, sóng cũng lớn, nhiều địa thế đẹp, sao chưa bao giờ nghĩ ra làm điện thủy triều nhỉ. Hình như cơ cấu của nó là khi thủy triều dâng, mở đập cho nước tràn vào, rồi xả dần làm quay tuốc bin. Cứ nghĩ là nhà máy điện công suất nhỏ, ai ngờ Denny cho biết, đây là một trong những nhà máy điện lớn nhất vùng Đông Java này. Cũng hay.

Trưa. Đến giờ ăn, chúng tôi dừng xe vào một nhà hàng thủy tạ ngay trên bờ biển, đây là một thị trấn nhỏ giữa đường, chủ yếu phục vụ khách du lịch. Nhà hàng to, đẹp, có chỗ ngồi nhìn ra biển rất lãng mạn. Trong tiếng sóng ì oàm, chúng tôi đi tìm đồ ăn. Nhà hàng to, nhưng quầy phục vụ cũng không lớn, món ăn cũng nhiều, nhưng toàn đồ Indo.Tôi gọi cho mình những món cảm thấy an toàn, vì kinh nghiệm cho thấy, tôi không ăn được đồ Indo, vốn đặc trưng của bọn Hồi, toàn cà ri. Một đĩa đầy ắp cơm và thức ăn, ăn khá ngon miệng, Hứng chí tôi gọi thêm 1 lon bò húc, mấy cậu nhân viên phải đi tìm cách mấy nhà hàng mới ra. Tôi nhủ thầm, không hiểu giá cả thế nào đây. Vớ phải mấy bác cơm tù giống miền Trung nhà mình thì quả này đi!!! Thật may sao, người dân ở đây còn thật thà và tốt bụng. Tính ra hộp bò húc tôi uống có 8 nghìn VND, còn suất cơm có hơn 20 ngàn đồng VND. Thật là rẻ đến không ngờ. Ăn xong, chúng tôi tranh thủ xem mấy đồ thủ công làm kỷ niệm, cũng lại rẻ đến không ngờ luôn. Một cô bạn trong đoàn mua cái đèn treo trần tết bằng ốc, to, 3 tầng, tết khá cầu kỳ, và lạ mắt. Cũng được. Hỏi giá, bao nhiêu, hóa ra là tương đương với 50 ngàn VND. Đến nước này thì hết chịu nổi, rẻ đến không ngờ so với ở nhà. Thế mới biết dân Việt ta võ nghệ cao cường ăn vào máu, toàn chém đứt cổ du khách cả địch lẫn ta. Thế là chúng tôi mua một đống thứ lăng nhăng làm kỷ niệm một nơi đã dừng chân, mua rất nhiều, nhưng giá cả thì toàn phải nín thở, kẻo người ta thấy mình khen rẻ họ tăng giá thì sao.

Tiếp tục lên đường, hành trình của chúng tôi rẽ phải vào núi. Đây là một trong những đoạn đường xấu nhất của vùng này, vùng lên cao nguyên Izen, vùng cafe nổi tiếng nhất của đất nước Indo. Thứ cafe ở đây được bọn Tây ca ngợi là hàng đầu thế giới, còn tôi cũng không rành lắm về cafe. Con đường quanh co và vắng vẻ, tưởng chừng như có mỗi xe của chúng tôi. Tuy mới tầm 1-2 giờ chiều, nhưng dưới những tán rừng già, có cảm giác trời đang sắp mưa. Lo. Tôi hỏi bác tài: liệu có trộm cướp gì trên tuyến này không, bác tài nói, yên tâm, không có cướp đâu, vùng này an toàn tuyệt đối. Vả lại, nếu có cướp thì cũng không cướp ô tô đâu. Hỏi vì sao, bác tài bảo: tao sẽ xuống đánh nhau với chúng nó. Bó tay bác tài!!! Rồi đi mãi cũng đến, lúc này đã là hơn 14h, chúng tôi đến cổng đầu tiên vào vườn quốc gia Izen. Bác tài xuống nói chuyện gì đó, barie được mở lên, và chúng tôi còn phải đi qua 3 lần barie như thế nữa trong khu này. Qua cổng, con đường đi qua những đồn điền cafe mênh mông, quả chín mọng và đầy ắp trên cành, đôi khi qua những thị trấn nhỏ, nhưng sạch sẽ và quy củ, với những mảnh vườn nhỏ rực rỡ các loài hoa. Phía trước chúng tôi là đích đến, núi lửa Izen, một trong những ngọn núi lửa ấn tượng đặc biệt với bọn Tây, vì 2 thứ: hồ axit và mỏ khai thác lưu huỳnh lộ thiên.
 
3 giờ chiều, chúng tôi đến chân núi. Trong suy nghĩ của chúng tôi, đó phải là một vùng đất dữ dằn, núi lửa mà, và phải hoang vu, như ở Bromo vậy. Nhưng đó lại là một vùng đất xanh tươi, cây cối tốt um tùm, chỉ lèo tèo có 1-2 dãy nhà gỗ đơn sơ, bán một số đồ tạp phẩm và có lẽ là phục vụ chỗ ở cho du khách. Nhưng mà không có điện. Vùng này có lẽ quá xa, người ít. Bác tài vào liên hệ cho chúng tôi, một lúc sau đi ra với vẻ rất băn khoăn. Bác nói, có lẽ muộn quá để lên núi rồi. Chắc phải ngủ đêm ở Izen để sáng mai lên núi thôi, hoặc đành phải quay về. Vả lại, người dẫn đường cho chúng tôi thì đã lên núi từ trước và không về kịp. Chúng tôi không đồng ý, đi 400km chỉ để quay về à, mà ngủ đêm thì không được, vì chúng tôi chỉ còn 2 ngày ở Đông Java, vé máy bay book rồi. ( Mãi sau mới biết mình nhầm, còn tận 3 ngày cơ, nhưng đó là chuyện kể sau). Chúng tôi đi tìm người quản lý ở đây. Đó là một người Indo thuần chất, người đậm, to béo, đen như cột nhà cháy, khuôn mặt rất đáng tin cậy, như người Tây Nguyên của mình. Bằng một thứ tiếng Anh tạm được( ngạc nhiên chưa), ông nói với chúng tôi: bây giờ không lên núi được nữa. Vì hành trình lên núi tối thiểu cả đi cả về phải mất 3 giờ đồng hồ, trong khi đó chỉ 5 giờ là trời đã tối ở đây, đó là phải đảm bảo sức khỏe của vận động viên leo núi hoặc của những người quen vận động, còn nếu yếu thì sợ không đủ sức lên núi được đâu, đường leo núi dốc, trơn trượt và dài 3km. Sự cảnh báo của người đàn ông này khiến chúng tôi không khỏi suy nghĩ, song, một khi đã quyết, thì không có gì có thể lay chuyển được ý chí của chúng tôi. Nhưng 2 người bạn đi cùng, có lẽ cảm thấy không đủ sức lực, đã đành chấp nhận bỏ cuộc và ở lại cùng với bác tài. Chỉ còn 2 người, lên đường, nhưng phải nhanh lên thôi, thời gian không chờ đợi nữa rồi. 3h30, chúng tôi lên đường. Chi phí phải trả cho bác dẫn đường là 100 ngàn Rupia, vé vào cửa khu bảo tồn là 30 ngàn rupia/ người. Chúng tôi cố gắng bỏ lại tất cả đồ không cần thiết, nhưng riêng tôi vẫn phải ôm cái balo máy ảnh, vì xét cho cùng, nếu lên mà không chụp ảnh thì quả là phí quá, tuy chỉ gần 10 kg, nhưng chỉ lát nữa, đó sẽ là gánh nặng không đỡ nổi.
 
Chúng tôi lên đường, đây là con đường lên hồ axit, cũng đồng thời là đường đi làm hàng ngày của những người khai thác lưu huỳnh. Nói thêm một chút về mỏ lưu huỳnh ở đây, do núi lửa dừng hoạt động đã lâu, đã để lại một kho lưu huỳnh quý giá, là nguồn khai thác kinh tế chính tại vùng này. Đó là thứ lưu huỳnh nguyên chất, lộ thiên, chỉ việc bốc lên và gùi về bán thôi. Mỗi ngày người dân ở đây có thể có thu nhập chừng 150 ngàn Rupia ( khoảng 300 ngàn VND). Giữa vùng núi hoang vu thế này, kể kiếm tiền cũng chẳng biết tiêu gì. Nhưng đó cũng là một công việc độc hại và nặng nhọc, độc vì hơi của lưu huỳnh, ai mà không quen thì không chịu nổi, và nặng nhọc vì để có một gùi lưu huỳnh khoảng 50 kg, người dân ở đây phải leo lên núi, rồi xuống khe núi, rồi gùi lưu huỳnh về theo đường cũ, chặng đường tổng cộng 6km. Một ngày làm 2 gùi như thế này. Không quá mệt nếu là ở đường bằng, nhưng ở con đường lên núi này thì lại là một chuyện hoàn toàn khác. Chúng tôi lên núi, đường đi bộ khá rộng, chừng 3 mét, đi thoải mái, nhưng không phải đường bằng. Đó là con đường dốc, có đoạn gần như dốc ngược, thậm chí là đường sỏi dăm, nên trơn trượt như chơi, đi chừng 500 mét đầu còn hăng hái, bước đi không nề hà gì, nhưng rồi bắt đầu từ đó, tôi thấm mệt. Có lẽ hành trình những ngày trước bắt đầu ngấm rồi, cái balo máy ảnh níu sau lưng kéo tôi trở lại. Trong khi đó, người bạn đồng hành thì dường như không có gì mệt mỏi, bước phăm phăm theo người dẫn đường. Lúc đầu tôi còn cố bám theo, nhưng đuối dần, đuối dần, rồi đi lùi lại. Cảm giác rằng mình không thể bám theo được, tôi tháo máy ảnh đeo cổ, lắp ống kính 70-200 to, rồi nhờ bác dẫn đường đeo hộ balo. Nhẹ được thêm 1 tý, cảm giác khỏe thêm 1 tý, bước thêm được chừng 100- 200 mét nữa. Nhưng rồi lại hụt hơi, vì người bạn đồng hành đi nhanh quá, tôi đành gọi lại, dặn dò, đưa cho chai nước, rồi bảo: lên trước đi, nếu anh không bám được theo thì coi như cứ lên rồi xuống nhé, anh đi được bao nhiêu thì đi. Chia tay rồi, cảm giác trống trải, giữa núi rừng hoang vu thế này, tôi chỉ còn lại một mình. Con đường lên núi buổi chiều vắng lặng, không một bóng người, chỉ có những tiếng chim trong bụi, những con sóc nhảy nhót trên cành, và hiếm hoi có một bóng người đang gùi lưu huỳnh xuống núi. Gùi lưu huỳnh nặng trĩu, óng vàng, thấy tôi có vẻ thích thú, một vài người gọi lại, gạ bán những con rùa làm bằng lưu huỳnh, trông hay hay, nhưng mà nghĩ mang về nhỡ nó dính nước thành axit thì chết, nhà mình thì ẩm, bảo quản khó khăn, lắc đầu không mua, dù chỉ có khoảng 10 ngàn Rupia. Cứ thế, tôi âm thầm bước đi 1 mình lên núi, theo dấu giày người bạn đã đi từ trước. Có những đoạn cảm giác sắp tối rồi, gió vẫn vi vu thổi, núi rừng bao la, thấy hoang vắng đến rợn người, chỉ có dấu chân phía trước làm niềm an ủi. Khát nước, cứ leo núi là khát, thở không ra hơi, nên vừa đi vừa ngồi nghỉ nhẩn nha, song vẫn tự nhủ với mình, phải cố lên, mình là đàn ông mà kém thế à, thế là lại vượt qua cái mệt để bước tiếp trên con dốc ngược. Thật may, đi một lúc, tôi gặp một anh chàng đang gùi không lên núi, mừng rú, thế là có bạn đồng hành, anh chàng có nước, thôi xin 1 ngụm, thoát khát, người cũng khỏe lên. Tôi vừa đi vừa nói chuyện với anh chàng, chủ yếu bằng tay là chủ yếu, vì anh chàng chỉ lõm bõm vài từ tiếng Anh, nhưng mà vẫn hiểu nhau, hehe. Có bạn đồng hành, đường đi ngắn lại, anh chàng bảo cố lên, chỉ còn ít thôi là đến nơi nghỉ ngơi rồi. Động viên tôi từng tý một, và thế là một ngôi nhà hiện ra phía trước, anh chàng giới thiệu có thể mua nước ở đây. Ông chủ nhà mời tôi vào nhà ngồi, nhưng nghĩ chặng đường phía trước, tôi chỉ mua cho mình 1 chai nước, và mời anh bạn đồng hành 1 lon coca. Anh chàng có vẻ rất cảm động, nhưng mà anh ta dừng lại ở đây, ngủ đêm để sáng mai lên núi sớm. Thế là chặng còn lại, 1 nửa đường nữa, 1,5 km, tôi lại phải đi một mình. Sau khi dặn dò đường lên núi cho tôi, tôi và anh bạn Indo này chia tay.
 
@ Evil: Cảm ơn bạn đã quá khen!!!

Lại là con đường núi, nhưng có chai nước, sức khỏe như được phục hồi nhanh chóng, tôi cảm thấy đã qua cơn mệt, lại có sức để gắng rảo bước thêm. Đường cũng đỡ dốc hơn, bây giờ là một con đường nhỏ bám theo sườn núi, có đoạn khá chênh vênh, mãi sau mới biết, đường này là dân vạt núi bám đường, đường nền khá yếu, chính vì thế mà dân ở đây không dùng ngựa để gùi lưu huỳnh mà vẫn phải gùi vai. Đi mãi, lên cao hơn, cảm giác đã gần đến nơi rồi, thì gặp 3 thằng tây đi xuống. Tôi hỏi còn xa không, nó bảo còn khoảng nửa km nữa, hỏi đẹp không, nó bảo có thể đi quanh miệng núi lửa hoặc đi xuống lòng núi, nhưng mà muộn không biết có kịp không nữa, nó an ủi đường dễ đi hơn rồi. Thế là quyết tâm thêm lần nữa, và chợt nghe văng vẳng tiếng trò chuyện từ bên kia vách núi, tiếng nói lanh chanh của người bạn đồng hành, thấy lòng phấn chấn, thế là mình đã không bỏ cuộc. Đi vòng qua dốc núi, phía xa, miệng núi lửa Izen hiện lên hùng vĩ, rực rỡ trong ánh chiều tà, bóng áo đỏ của người bạn, áo đen của bác dẫn đường bé li ti, tôi vẫy tay và gọi, tiếng gọi vang vọng vào vách núi, cảm giác thật mừng và phấn khởi.

Thế là lên đến nơi, tôi đang đứng trên miệng núi lửa Izen, với màu đất vàng đỏ rất đặc trưng, đó là một miệng núi lửa nằm kề bên những ngọn núi khác, nên không có cảm giác quá chênh vênh như ở Bromo. Nhưng độ cao, đường thì dễ trơn trượt, đường đi thì hẹp, khiến cho tôi luôn phải cẩn trọng trên từng bước đi của mình. Như ở Bromo, nếu có trượt thì chắc xuống tận luôn đáy núi lửa, nhưng khác ở chỗ, dưới kia có rất nhiều người. Phía dưới kia là mỏ lưu huỳnh lộ thiên, hàng trăm người đang khai thác trong cái khét lẹt của lưu huỳnh. Phía dưới là hồ Izen, xanh ngắt nhưng là màu xanh tiềm ẩn những nguy hiểm chết người. Còn trên này, trời chiều xanh ngắt, chỉ có khói vẫn bốc lên, đôi khi che kín mặt trời. Gặp lại bác dẫn đường, bác nói chúng tôi rất may mắn, vì hiếm khi buổi chiều mà trên đỉnh núi này trời lại quang đến thế này, vì đa số khách du lịch đến đây chỉ lên được vào buổi sáng, trời quang hơn, khói bốc lên ít hơn. Sự may mắn của chúng tôi còn nữa, bởi hoàng hôn trên Izen cũng là một trong những hoàng hôn rất đẹp, được bọn Tây comment rất nhiều. Quả thực đó cũng là một hoàng hôn đẹp rạng ngời, qua màn khói của núi lửa, hoàng hôn Izen có một màu tím nhạt huyền diệu, phía dưới là biển mây trắng trải rộng mênh mông, những đỉnh núi nhô lên từ biển mây xám nhạt, một cảnh đẹp khiến lòng người ngây ngất, thật không uổng phí công sức và nỗ lực của chúng tôi khi đặt chân lên đến nơi này.Tranh thủ ngắm trời, ngắm núi, ngắm hồ, nhưng mặt trời cũng đã chạng vạng, chúng tôi không đủ thời gian để xuống khe núi phía dưới kia. Chụp ảnh thỏa thuê, rồi chúng tôi nhanh nhanh giục nhau xuống núi, đã 5h30 phút chiều rồi. Mặt trời đang dần xuống.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,260
Bài viết
1,172,481
Members
191,730
Latest member
f8bet00net
Back
Top