Colourful Istanbul (Phần 1)
Rồi đến một lúc nào đó, bạn chọn đến một nơi nào đó không phải để nhìn ngắm những thứ ở đó, mà là để phản chiếu lại bản thân mình. Nội cái việc chọn một địa điểm, trong một khoảng thời gian cụ thể hay sự kiên định cho sự lựa chọn cũng nói lên con người bạn. Tôi đã từng in ra lịch trình dằng dặc cho những hành trình của mình trước đó. Đọc đến muốn rách cuốn Lonely Planet hoặc mò mẫm trên các diễn đàn để đọc bình luận, những điều nên và không nên. Và ít nhiều trong đó, tôi đi bằng sự chỉ dẫn của người khác. Nhưng thẳm sâu bên trong, tôi biết rằng sau khi đã làm quen với những con đường, với những suy tính thiệt hơn thì có một ngày nào đó, tôi đến một nơi nào đó chỉ vì mình muốn như vậy. Cũng như việc cảm nhận về một nơi xa lạ nào đó theo cách của mình. Những điều đó, chẳng ai có thể chỉ dẫn…
Quay trở lại việc phản chiếu lại bản thân mình, tại sao lại như vậy? Vì chính những sự lựa chọn của chúng ta sẽ cho người ta biết chúng ta là ai. Khi nghe nói tôi đi Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, bạn bè tôi há hốc mồm hỏi tại sao? Tại sao lại chọn nơi nguy hiểm như vậy mà đi, làm như hết chỗ đi rồi không bằng. Hay nghe cái tên đã rờn rợn, bằng số tiền ấy sao không đi những nơi khác sang trọng đẹp đẽ hơn? Vâng ạ, những nơi sang trọng đẹp đẽ thì cứ mãi sang trọng đẹp đẽ. Còn mình thuộc về nơi nào lại quan trọng hơn ngàn lần. Tôi đã chọn cho mình những thành phố an toàn đẹp đẽ hào nhoáng như Tokyo, New York, Paris, Zurich, Los Angeles, Hongkong… cho những hành trình trước đó. Cho đến khi có những tiếng nổ lớn ở Paris, Bangkok hay Melbournce thì thế giới này không còn nơi nào an toàn tuyệt đối nữa. Vậy thì Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ hay Tehran của Iran thì đã sao?
Ngày Tết, khi người ta quay về quây quần với gia đình thì tôi lên đường với cái e-visa xin vội vì dùng visa Mỹ để xin. Lần đầu tiên, tôi quyết định thử liều một phen khi quyết tâm không đọc bất cứ thông tin nào cũng như không hỏi một ai về nơi mình sắp đến. Khi chọn Thổ Nhĩ Kỳ để đi thì không còn gì quan trọng hơn là tôi muốn được đứng ở bờ Châu Âu nhìn bờ Châu Á trong một buổi chiều chạng vạng. Istanbul là thành phố lớn nhất có địa hình vắt ngang hai bờ Âu – Á. Thật ra còn một vài thành phố nho nhỏ của Nga và Kazakhstan cũng nằm ở Âu - Á nhưng đối thế giới, Istanbul là biểu tượng của thành phố xuyên châu lục. Một chuyến đi mà được đến cả hai châu lục thì còn gì bằng. Còn những thứ khác, cứ tùy duyên đi.
Một buổi sáng trời lạnh căm căm, tôi hạ cánh xuống sân bay Ataturk, trong lòng nhẹ không. Đi gì về thành phố, taxi, tàu điện hay xe buýt? Chắc sẽ có, đây là một thành phố lớn mà. Ở đâu, khách sạn, nhà nghỉ hay couchsurfing? Thì cứ vào thành phố đi rồi tính. Mới buổi sáng thôi mà, có gì phải vội. Ăn gì, cơm, bánh mì, mì khô mì nước? Thì người ta ăn gì mình ăn đó, chọn món nào dễ chịu nhất mà ăn. Đi đâu chơi, đền thờ, bảo tàng, khu du lịch? Thì hỏi người ta thôi. Hỏi rằng nếu phải giới thiệu cho một người nước ngoài về đất nước của mày, thì mày sẽ giới thiệu cái gì. Vậy đó. Trong đầu tôi không có một cái tên Thổ Nhĩ Kỳ để gợi nhớ nào, ngoại trừ thành phố tôi đang đến là Istanbul. Cho đến một ngày, tôi chọn cách đi của mình đầy ngẫu hứng, không hoạch định trước, tôi thấy vô vị khi đọc các cẩm nang du lịch, thờ ơ với các bình luận của người khác. Tôi để cho đầu óc của mình là một khoảng không gian vô tận, để từ đó điền vào đó những hình ảnh đầy màu sách, những nốt trầm bổng của tiếng đàn hạc, những khuôn mặt người và dáng hình của thành phố. Và tôi có một Istanbul của riêng mình như thế. Để khi rời đi thì những Galata, Beyoglu, Fatih, Ataturk, Taksim, Istiklal Caddesi… đã là một phần trong trí nhớ.
Và tôi nhớ…
Xe taxi chở đến chân tháp Galata khi tôi hỏi đâu là trung tâm thành phố. Tôi nén cười, trời ơi trung tâm Istanbul là cái khu cổ xưa bé tẹo thế này thôi hả? Sau này mới biết tháp Galata là một trong những nơi phải ghé thăm khi đến Istanbul. Tháp nằm trên một ngọn đồi mà từ ngọn tháp, có thể phóng tầm mắt nhìn ra thành phố xinh đẹp phía dưới. Nhưng con đường lên tháp mới là ngoạn mục. Những con dốc lát đá cao ngất ngưỡng với những ngôi nhà cũ kỹ hai bên, những quán cà phê trầm mặc, những cửa hàng bán đèn trang trí rực rỡ… Những đêm đi chơi về, không khí bên ngoài đặc quánh lạnh, tôi co ro trong cái áo len và đi bộ trên những con dốc, nhìn hơi thở của mình đọng thành những làn khói vụn. Buổi tối, phố vắng lặng. Vài người dắt chó đi dạo, nhìn thấy tôi Châu Á thì quay sang cười rất tươi. Cũng như những thành phố Châu Âu khác, Istanbul vẫn còn giữ được những con phố chất đầy hoài niệm này. Sau đó tôi hiểu vì sao người lái taxi gọi đó là trung tâm của Istanbul. Họ hiểu chữ trung tâm khác với tôi, mà cũng có thể hiểu rằng, những con phố xưa cũ đó là nơi khởi nguồn cho cả thành phố Istanbul sau này.
Và tôi nhớ trong một buổi chiều ngồi uống ly Cappuchino ấm người trong quán cà phê trước cửa Spice Bazaar (Chợ Gia Vị). Người bạn Syria kể về hành trình bước sang cái chết để đến được Istanbul này. Hơn cả một thành phố, nơi đây còn là nơi cưu mang những nạn nhân của chiến tranh từ những đất nước lân cận. Bạn tôi, tên Ahmed có đôi mắt màu xám kỳ lạ và nụ cười hiền lành, những tưởng sẽ chết trong những ngày bị cầm tù ở Syria vì những hoạt động liên quan đến chính trị. Nhưng may mắn làm sao, trong một lần trao đổi tù binh với Iran, bạn nằm trong số vài người được thả. Những người bạn khác của Ahmed đã chết trong tù, im lặng mãi mãi. Rồi Ahmed tìm cách trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ, đang làm việc trong một tổ chức nhân quyền để hỗ trợ cho người tị nạn Syria. Ahmed nói đất nước tao giờ tan tành cả rồi, nhưng gia đình tao còn bên đó, nhưng tao sẽ không bao giờ quay lại… Những thông tin rối bời của một người đang rối bời. Mà không rối bời làm sao được khi đang phải sống đời lưu vong, mà muốn đi đâu cũng không đi được bởi không quốc gia nào chấp nhận cho một người quốc tịch Syria nhập cảnh. Giờ Ahmed đang cố gắng làm việc, vài năm nữa thôi sẽ có quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, lấy cô bạn gái người Ý. Đời chắc chắn sẽ thay đổi, đôi mắt màu xám của Ahmed ánh lên sự tin tưởng…
Và tôi nhớ buổi chiều trên chuyến phà từ Châu Âu sang bờ Châu Á, tôi quay những đoạn phim ngắn để nhớ về những cơn gió lạnh đang táp vào mặt. Mặt trời dần trôi về phía Tây. Bạn tôi nói, mặt trời ngày nào cũng thế thôi. Tôi thì lại nghĩ khác, mặt trời ngày mai sẽ không bao giờ giống mặt trời của ngày hôm nay. Như chúng ta, mỗi phút giây trôi qua là mãi mãi khác đi. Và, mình đang sống cho những phút giây hiện tại. Vâng, hiện tại là tôi đang đứng trên một chiếc phà chiều. Bên ngoài đang 5 độ C. Từng đàn hải âu chấp chới bay bên mạn phà. Trong khung cảnh buổi chiều như tranh vẽ này, tôi biết rằng chuyến đi của mình đã thành công ngoài mong đợi. Cuối cùng, tôi còn mong gì hơn khi mình đang hướng về đất Châu Á linh thiêng. Có đôi lúc tôi nghĩ rằng, mình sẽ quỳ xuống, hôn vào mặt đất. Châu Âu và Châu Á luôn luôn là những thứ xa xôi, vậy mà khi đứng giữa Istanbul, một cái dang tay đã có thể chạm vào mối liên kết đó. Khi tôi hỏi Ahmed, đường nào để đi về Asian Side, trong lòng tôi xúc động khó tả lắm. Cứ như là đứa con đi lạc, đang hỏi đường để trở về nhà.
(còn tiếp)