What's new

[Chia sẻ] Du ký Mỹ: 60 ngày qua 12 thành phố

60 ngày trên đất Mỹ. Tôi đi qua 12 thành phố: New York, Los Angeles, San Jose, San Francisco, Miami, Seattle, Philadelphia, Atlantic City, Washington DC, Key West, Boston, Las Vegas và một vài điểm đến như Grand Canyon, biển Santa Cruz, biển Huntington, Rosemead, quận Cam... Tôi tiễn mùa thu lá vàng lá đỏ, chạm vào cái lạnh đầu đông của bờ Đông bờ Tây, chạm cả vào những bông tuyết đầu mua rơi lả tả khi đang đứng đợi chuyến xe buýt cuối ngày ở Boston. Lại là hành trình một mình, nhưng từng điểm đến tôi đã có những người bạn, những người anh em, hoặc thậm chí là những người lạ trên đường nhưng cuối cùng lại trở thành quen.
Năm 2013 khép lại bằng những đợt pháo bông trên bầu trời Los Angeles, người ta ôm nhau, nói lời chúc mừng để chào một năm mới. Tôi cũng khép lại hành trình để đợi một hành trình mới nhiều thú vị hơn. Nhưng bây giờ thì hãy quay ngược thời gian để ôn lại 60 ngày lang thang trên xứ cờ hoa, hành trình dài nhất của tôi và nhiều cảm xúc nhất của tôi...

Los Angeles - Thành phố của những thiên thần

Trong hàng trăm thành phố của nước Mỹ, tôi chọn Los Angeles là điểm đến đầu tiên để bắt đầu hành trình dài của mình. Tôi không biết, không biết tại sao mình lại chọn nơi này cả. Nhưng thấy rằng nó thân thuộc. Hay chỉ vì một cái tên: Los Angeles - Thành phố của những thiên thần. Thời đại này, có ai còn tin vào những thiên thần?

Chuyến bay vô cùng dài đáp đến phi trường Los Angeles sau khi quá cảnh ở Bắc Kinh làm đầu tôi nhức như búa bổ. Phần vì ngủ không được, phần vì xung quanh quá ồn ào với phần lớn hành khách là người Trung Quốc. Tôi kéo vội hành lý đến quầy làm thủ tục hải quan, chỉ mong mau mau thoát khỏi cái đám đông ồn ào này. Mới 5h sáng, sân bay còn rất vắng, có 3 nhân viên hải quan đang làm việc. Người thứ nhất là Mỹ đen, người thứ hai Mỹ trắng và người thứ ba là Châu Á. Tôi cầu trời cho mình không đụng nhân viên hải quan Châu Á vì thể nào anh ta cũng người Hoa, không biết có làm khó dễ gì mình không. Vậy mà trời xui đất khiến thế nào tôi đi đúng vào quầy đó. Nhưng khi nhìn bảng tên thì tôi ngạc nhiên: TRINH. Có nghĩa anh tên Trịnh hoặc họ Trịnh gì đó, và chắc chắc là người Việt. Ô hay, tưởng xui lại hóa may. Anh hỏi bằng tiếng Việt rành rọt sau khi xem passport của tôi: Em đi qua đây làm gì? - Dạ du lịch. Em đi bao lâu? - Dạ lịch trình là 1 tháng, nhưng có thể kéo dài thêm. Em có bà con gì bên này không? - Dạ không! Em có bạn bè không? - Dạ có vài người bạn du học bên này. Em đi một mình hả? - Một mình. Rồi hỏi thêm vài câu gì nữa không nhớ, những không mang tính chất đánh đố như thiên hạ hay đồn thổi. Vậy thôi, passport được trả lại với cái dấu cho ở Mỹ 6 tháng. Trạm đầu tiên khá thuận lợi, tôi nghĩ thầm và nhanh chóng kéo hành lý ra khỏi đám đông...

Sân bay vắng lặng nhưng lại có rất nhiều cảnh sát. Mỹ lạ quá ta, đâu cũng thấy cảnh sát. Sau khi nhanh chóng tìm được một cái Starbucks nằm khiêm tốn trong một góc sân bay, tôi mở facebook ra để liên lạc với bạn ra đón thì nhận được tin động trời: Sáng hôm qua, có một thằng điên nào đó cầm súng vô sân bay nã đạn làm một người chết và nhiều người bị thương. Hèn chi mà cảnh sát nhiều như thế này, thấy tâm hồn dao động run run một chút. Nhưng cái sự háo hức lấn át tất cả. Nước Mỹ đang chờ đợi...
 

Attachments

  • 68877_10152168531791622_1807802516_n.jpg
    68877_10152168531791622_1807802516_n.jpg
    210.4 KB · Views: 3,829
  • 1521816_10152159543416622_465134887_n.jpg
    1521816_10152159543416622_465134887_n.jpg
    82.4 KB · Views: 1,330
  • 1531865_10152165252521622_1416433444_n.jpg
    1531865_10152165252521622_1416433444_n.jpg
    165.6 KB · Views: 309
  • 1551667_10152197047251622_975118254_n.jpg
    1551667_10152197047251622_975118254_n.jpg
    98.3 KB · Views: 300
Last edited:
Viết khá tốt, nhưng đôi lúc hơi đi xa..... (bài cuối). Bây giờ phỏng vấn visa không có phiên dịch mà thằng Mỹ nói luôn tiếng Việt.
 
Bên sông Rideau, nghĩ về Sài Gòn


Thỉnh thoảng nhớ cái thời làm việc quần quật từ sáng đến tối mịt, từ thứ 2 đến thứ 6 và thứ 7 vẫn chạy vô văn phòng để làm cho hết việc. Những lúc như vậy, tôi dành cuối tuần cho bản thân mình.
Bây giờ, không còn như vậy nhưng tôi vẫn giữ thói quen này, cuối tuần là những ngày dành cho bản thân mình. Không bận rộn, không lo toan, không vội vàng. Thường tôi ít suy nghĩ mà dành thời gian để đọc, để viết và để... không làm gì cả. Cứ ngồi bên ly cà phê và lắng nghe xung quanh.
Bây giờ cuộc sống bình yên đúng như tôi muốn rồi. Cuối tuần sáng ngủ muộn một tí, ăn sáng rồi dọn dẹp nhà cửa. Rồi đạp xe ra siêu thị Châu Á gần nhà mua chút đồ ăn. Rồi đạp xe lòng vòng bờ sông, chụp choẹt vài thứ. Rồi ghé vô Second Cup mua ly Macchiato nóng, đọc một chút và viết một chút. Hay bắt chuyến xe bus số 12 vào trung tâm Rideau Center mua vài thứ linh tinh, ngồi ở Starbucks uống Americano.
Có hai thứ tôi yêu thích ở đây: những quán Starbucks và siêu thị Châu Á Green Fresh. Biết tại sao không? Starbucks là thói quen mỗi buổi trưa ở Sài Gòn, tôi với Trinh, Khoa, Nguyệt, Tước, Nam... đều uống sau khi ăn trưa, ngày mưa cũng như ngày nắng. Còn siêu thị, tôi vào đó để nhìn thấy mít, ổi, trứng vịt muối, măng chua, mì lẩu Thái, nước mắm, nước tương... Đâu đó, tôi thấy như mình không có xa Sài Gòn lắm. Nhiều người hỏi tôi sao kỳ lạ vậy? Ở nước ngoài mà cứ nghĩ về Việt Nam? Cho đến khi chúng ta đã trở nên thân quen với một điều gì đó như hơi thở, thì chuyện địa lý chỉ là thứ để check in trên facebook mà thôi. Vấn đề còn lại, chúng ta biết nơi chúng ta thuộc về.
Tôi chỉ cần Starbucks và cái siêu thị thần thánh đó để nối cái sợi dây liên lạc với đất nước mình. Còn lại, mọi thứ bên này rất ổn. Phải nói là rất rất ổn. So với Mỹ, người Canada hiền lành, thân thiện và dễ thương hơn nhiều. Họ vui vẻ, yêu thiên nhiên và sống hài hoà với xung quanh. Cá nhân tôi thì ăn được, ngủ ngon và tinh thần thoải mái, chả lo nghĩ gì. Thật ra con người mình đâu có cần quá nhiều. Tôi lại thuộc nhóm sống đơn giản đến tối giản, ko có nhu cầu vật chất nhiều, thích ăn chay cũng như không có nhu cầu đua đòi. Đã qua rồi cái thời đó, giờ thì dễ tự hài lòng lắm lắm.
Như buổi chiều hôm nay thôi, đã thấy cuộc đời này đẹp biết bao nhiêu...
Ottawa, những ngày cuối cùng của tháng Năm, nắng đã rọi đầy lên đường đạp xe chạy bộ ngoài bờ sông Rideau. Rất nhiều gia đình thảnh thơi đạp xe bên nhau. Tôi nhờ một bà lão chụp dùm một tấm hình. Rồi bà bảo nhà bà bên kia bờ sông, nhưng bà thích khu bên này vì bà thích mấy con vịt trời. Ừ, khu này vịt trời nhiều lắm. Và như bà lão nói, bà thích vịt trời nên chiều nào bà cũng đi dạo qua khu này. Một sở thích đơn giản, nhỏ nhoi, bình dị. Nó trở về đúng nghĩa của từ sở thích, tôi thích vì tôi thích, thế thôi. Nhiều khi chúng ta nghi ngại chuyện người ta sẽ đánh gia sở thích của mình là kỳ quặc hoặc điên rồ. Nào, bản lĩnh lên. Chúng ta đang sống cuộc đời của mình, không ai sống dùm cả. Như tôi, để có những buổi chiều bình yên này, phải đánh đổi gần 2 năm làm việc không biết mệt. Hầu như 2 tuần 1 lần phải vào Ngọc Anh giác hơi cái lưng đen thui vì bị trúng gió. Hay nhiều lần trên máy bay, lấy viên Panadol ra uống rồi thiếp đi đợi máy bay hạ cánh. Không có gì là hoàn hảo cả, mọi người chỉ nhìn thấy phần ngọn của câu chuyện. Tôi ít khi chia sẻ những áp lực trong công việc cũng như chuyện tình cảm cá nhân. Nhưng chắc chắn một đứa ham vui như tôi bỗng một ngày chịu trách nhiệm cho gần 500 con người ở Prudential, là một áp lực rất lớn. Mà thôi, đó là một câu chuyện đã cũ. Còn chuyện mới là tôi rất may mắn khi qua Canada thì có bạn chuẩn bị cho nhiều thứ, để quen, để không lạ lẫm và để hội nhập nhanh. Nên tôi chẳng thấy xa lạ gì cả, cái gì không biết thì hỏi, không cách này thì có cách khác mà thôi. Quan trọng là luôn giữ thái độ vui vẻ, suy nghĩ tích cực cũng như luôn biết điều. Có nhiều thứ có thể ta không biết, nhưng biết điều thì chắc chắn phải biết. Chỉ cần như vậy thì ở đâu cũng sống được, làm gì cũng thành công.
Hết tháng 5 rồi. Hôm nay là Chúa Nhật cuối cùng của tháng 5. Bầu trời cao vời vợi. Giờ là 7h chiều ở Ottawa, là 6h sáng ở nhà Sài Gòn. Chắc mọi người đang chuẩn bị dậy để bắt đầu một tuần làm việc mới. Tôi chỉ có một lời chúc đến tất cả mọi người. Chúc mọi người luôn cảm thấy vui vẻ. Và luôn luôn mạnh mẽ để dám buông bỏ. Cái gì mình nâng lên được, thì bỏ xuống được. Và một khi đã bước đi thì đừng có quay đầu nhìn lại. Chính chúng ta biết mình muốn gì, và chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình.
Như bà lão mỗi ngày sang bên này sông chỉ để ngắm đàn vịt trời, còn tôi lựa chọn một buổi chiều nắng vàng ở xa nhà nửa vòng trái đất, vì tôi biết rõ ràng mình muốn điều đó. Thế là đủ, mình muốn thì mình làm thôi...
 
Đi Mỹ vào tháng mấy rộ lá vàng nhất vậy ạ ??? Mình thấy mùa thu canada tuy đẹp nhưng thời tiết ko tốt lắm, thấy hay mưa, trời âm u nhiều. Đi thế cũng chán. Mỹ có giống vậy ko ạ ???
 
Những ngày Boston và một thế giới đang thay đổi


Mỗi chuyến đi tôi học được một điều, và tôi ko bao giờ ngần ngại chia sẻ nó cho mọi người. Hôm đi từ New York xuống Boston, không một ai cầm vé trên tay. Ý tôi là cái vé in ra trên giấy, không ai cả. Mỗi người cầm một điện thoại có mã code của vé, người soát vé cũng cầm một cái điện thoại để đọc mã. Đơn giản, gọn nhẹ và người ta gọi đó là công nghệ. Okey, bây giờ là vấn đề chính, là lý do tại sao tôi học được một điều tưởng chừng như rất cũ? Tôi đang nói về tỷ lệ. Cách đây 3 năm cũng trên chuyến xe đó, tôi (và nhiều người) in vé ra giấy và ôm khư khư trong ba lô. Vậy mà năm nay, tỷ lệ dùng công nghệ để giải quyết vấn đề là 100%, sau khi tôi quyết định là người khách cuối cùng lên xe. Mọi thứ diễn ra rất nhanh như một cơn vũ bão mà không có gì ngăn chặn được. Mà đôi khi, chỉ có ở Mỹ mới thấy rõ ràng hơn bao giờ hết. Người ta nói về cách mạng 4.0 nghe như rất xa, nhưng ở đây nếu không cầm smart phone trên tay, không có wifi thì các vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Và đây là câu chuyện quan trọng tôi muốn nói tới. Chuyện xuất bản. Tôi có một bí mật. Số là trước khi lên đường đi Mỹ, tôi có liên hệ một vài nhà xuất bản ở Boston cho cuốn sách tiếng Anh đầu tiên của mình. Một nhà xuất bản, nhỏ thôi, cho tôi một cuộc hẹn với điều kiện tôi phải hoàn thành bản thảo của mình một cách chỉn chu nhất. Tôi xin lỗi và hẹn lần khác, vì làm sao làm kịp trong khi còn một vài chủ đề chưa viết xong. Ừ, đôi khi cố gắng chưa phải là tất cả. Anh Nam, một người Việt sống ở Boston hỏi tôi một câu làm tôi khựng lại: Em thấy có bao nhiêu cái nhà sách ở Boston? Thế giới thay đổi rồi. Cách đọc của con người cũng thay đổi. Các kệ sách được dời từ nhà sách truyền thống sang các trang bán sách online. Con người có thể đọc bằng sách giấy và cũng có thể đọc bằng các công cụ khác như Kindle chẳng hạn. Việc giới hạn các công cụ là không thể. Mỗi ngày có hàng trăm hàng ngàn phát minh được tạo ra phục vụ cho con người. Trời ơi, vậy mà tôi còn nghĩ rằng việc bay từ Việt Nam sang Mỹ, gặp một đại diện nhà xuất bản ở đây thì rất là kool, rất là hoành tráng. Chẳng có gì hoành tráng cả. Mục tiêu cuối cùng là đưa đứa con của mình đến nhiều người bằng bất cứ cách nào. Và tự nhiên hai chữ công nghệ nó cứ quẩn quanh trong đầu tôi, những ngày ở đây. Đó là một thế giới tôi chưa bao giờ quan tâm. Ở Boston, tôi gặp nhiều bạn trẻ thành công bằng con đường dùng công nghệ áp dụng cho cuộc sống. Và các bạn nhìn ra những con đường của tương lai. Ở đây, thành phố này, là cái nôi của các nhân tài công nghệ hiện đại. Tôi đọc được câu We are future, chúng ta là tương lai ở Quảng trường Thành phố. Vậy mình còn lẩn quẩn ở đâu đó? Tôi thích các chuyến đi lắm, nó cho mình ý tưởng hay ho để mình cảm thấy mình luôn tươi mới. Và nó sẽ dẫn dắt mình đến những ngã rẽ định mệnh. Hãy tin vào những tín hiệu, nó có ở khắp nơi. Nên tôi nghĩ đến đất nước mình. Mọi thứ đang phát triển nhanh quá. Từ cái thời mà internet còn kêu rẹt rẹt để kết nối hay đợi một trang web load cả buổi mới xong, thì bây giờ chúng ta đã đi tới đâu rồi? Vậy mà tôi vẫn còn lơ mơ trong cái thế giới “vật lý” của những quyển sách trên giá, của việc hít thở mùi thơm của sách. Vâng, sách thơm lắm. Nhưng những quyển sách tồn kho luôn là nỗi ám ảnh của nhà làm xuất bản. Cách làm của amazon xuất sắc đến nỗi, tôi bần thần cả ngày khi nhận được email từ nhà bán lẻ đó. Họ phân phối sách (và hàng ty tỷ thứ khác trên đời) không theo địa lý nữa mà mở ra hướng toàn cầu hoá với tỷ lệ tồn kho ở mức thấp nhất. Mà cụ thể với cuốn sách của tôi, tỷ lệ tồn kho là 0. Khi có đơn hàng, họ đưa về quốc gia sở tại hoặc quốc gia gần đó nhất, cho in ra và chuyển về địa chỉ nhà trong tích tắc. Đương nhiên, sự đồng nhất về chất lượng phải là thứ luôn được đảm bảo. Tôi chẳng cần đến nhà sách và nói với bạn nhân viên: Em ơi, anh là tác giả của quyển sách này nên nhờ em giúp anh một điều được không? Bạn nhân viên ngơ ngác: Làm gì ạ? Thì tôi nói ngay: Em giúp anh trưng bày các quyển sách của anh ở nơi dễ nhìn nhé! Thật, tôi đã làm như vậy khi cuốn sách đầu tiên của tôi được in. Tôi là kiểm người không dễ từ bỏ. Nên câu hỏi của anh Nam làm tôi nghĩ ngợi. Ekip của tôi mỏng, tiền PR hay marketing bằng 0 thì công nghệ là giải pháp duy nhất giúp tôi đạt được thứ tôi muốn. Nó giúp tôi đi xa, gặp gỡ được những con người ở tận cùng trái đất này. Em N. bên Tiki bảo em sẽ giúp anh bán quyển Through Asia ở Việt Nam. Đó hẳn là một sự hỗ trợ tuyệt vời cũng như một hướng đi đúng đắn. Và qua những câu chuyện nhìn thấy ở đây, tôi tự hỏi liệu tôi có còn cần một nhà sách nào đó trong thành phố, hay một quyển sách hữu hình nào đó trên kệ? Hay quyển sách của tôi nằm trong điện thoại của mọi người, nằm trong Kindle hoặc vẫn được thơm mùi giấy truyền thống nếu mọi người thích? Hay tôi phải mang nguyên một vali chứa đầy sách từ Sài Gòn sang Los Angeles hồi cách đây 2 năm, hoặc tôi chỉ gần gửi một đường link thì sách về đến nhà khi còn mùi mực in nóng hổi? Tôi sẽ có câu trả lời cho mình. Quan trọng hơn, tôi nhìn thấy và điều đó giúp tôi thay đổi nhận định của mình. Thế giới đã thay đổi rồi. Tôi cũng đâu thể đứng một mình nhìn những cơ hội lướt qua tay.
Boston, 3 Oct 2018
 

Attachments

  • 43476091_10156190196606622_795878103036461056_n.jpg
    43476091_10156190196606622_795878103036461056_n.jpg
    65.4 KB · Views: 119
  • 43483731_10156190196836622_3466510452979138560_n.jpg
    43483731_10156190196836622_3466510452979138560_n.jpg
    89.3 KB · Views: 137
  • 43521364_10156190196706622_6463249348900683776_n.jpg
    43521364_10156190196706622_6463249348900683776_n.jpg
    72.2 KB · Views: 120
  • 43788633_10156200216081622_1884938756826333184_n.jpg
    43788633_10156200216081622_1884938756826333184_n.jpg
    127.2 KB · Views: 125
Em theo dõi 1 mạch 12 pages trong topic này, em rất thích những câu chuyện của anh về nước Mỹ, bình dị và tình cảm, một ngày nào đó nhất định em cũng sẽ đi Mỹ, giờ thì phải cố gắng cày cuốc thôi ^^
Chúc anh nhiều sức khỏe, mong đợi những bài viết về các chuyến đi sắp tới của anh.
 
Những ngày Boston và một thế giới đang thay đổi.
Mỗi chuyến đi tôi học được một điều, và tôi ko bao giờ ngần ngại chia sẻ nó cho mọi người.

Hôm đi từ New York xuống Boston, không một ai cầm vé trên tay. Ý tôi là cái vé in ra trên giấy, không ai cả. Mỗi người cầm một điện thoại có mã code của vé, người soát vé cũng cầm một cái điện thoại để đọc mã. Đơn giản, gọn nhẹ và người ta gọi đó là công nghệ.

Okey, bây giờ là vấn đề chính, là lý do tại sao tôi học được một điều tưởng chừng như rất cũ?

Tôi đang nói về tỷ lệ. Cách đây 3 năm cũng trên chuyến xe đó, tôi (và nhiều người) in vé ra giấy và ôm khư khư trong ba lô. Vậy mà năm nay, tỷ lệ dùng công nghệ để giải quyết vấn đề là 100%, sau khi tôi quyết định là người khách cuối cùng lên xe. Mọi thứ diễn ra rất nhanh như một cơn vũ bão mà không có gì ngăn chặn được. Mà đôi khi, chỉ có ở Mỹ mới thấy rõ ràng hơn bao giờ hết. Người ta nói về cách mạng 4.0 nghe như rất xa, nhưng ở đây nếu không cầm smart phone trên tay, không có wifi thì các vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Và đây là câu chuyện quan trọng tôi muốn nói tới. Chuyện xuất bản.

Tôi có một bí mật. Số là trước khi lên đường đi Mỹ, tôi có liên hệ một vài nhà xuất bản ở Boston cho cuốn sách tiếng Anh đầu tiên của mình. Một nhà xuất bản, nhỏ thôi, cho tôi một cuộc hẹn với điều kiện tôi phải hoàn thành bản thảo của mình một cách chỉn chu nhất. Tôi xin lỗi và hẹn lần khác, vì làm sao làm kịp trong khi còn một vài chủ đề chưa viết xong. Ừ, đôi khi cố gắng chưa phải là tất cả.

Anh Nam, một người Việt sống ở Boston hỏi tôi một câu làm tôi khựng lại: Em thấy có bao nhiêu cái nhà sách ở Boston?

Thế giới thay đổi rồi. Cách đọc của con người cũng thay đổi. Các kệ sách được dời từ nhà sách truyền thống sang các trang bán sách online. Con người có thể đọc bằng sách giấy và cũng có thể đọc bằng các công cụ khác như Kindle chẳng hạn. Việc giới hạn các công cụ là không thể. Mỗi ngày có hàng trăm hàng ngàn phát minh được tạo ra phục vụ cho con người. Trời ơi, vậy mà tôi còn nghĩ rằng việc bay từ Việt Nam sang Mỹ, gặp một đại diện nhà xuất bản ở đây thì rất là kool, rất là hoành tráng.

Chẳng có gì hoành tráng cả. Mục tiêu cuối cùng là đưa đứa con của mình đến nhiều người bằng bất cứ cách nào. Và tự nhiên hai chữ công nghệ nó cứ quẩn quanh trong đầu tôi, những ngày ở đây.

Đó là một thế giới tôi chưa bao giờ quan tâm. Ở Boston, tôi gặp nhiều bạn trẻ thành công bằng con đường dùng công nghệ áp dụng cho cuộc sống. Và các bạn nhìn ra những con đường của tương lai. Ở đây, thành phố này, là cái nôi của các nhân tài công nghệ hiện đại. Tôi đọc được câu We are future, chúng ta là tương lai ở Quảng trường Thành phố. Vậy mình còn lẩn quẩn ở đâu đó?

Tôi thích các chuyến đi lắm, nó cho mình ý tưởng hay ho để mình cảm thấy mình luôn tươi mới. Và nó sẽ dẫn dắt mình đến những ngã rẽ định mệnh. Hãy tin vào những tín hiệu, nó có ở khắp nơi.

Nên tôi nghĩ đến đất nước mình. Mọi thứ đang phát triển nhanh quá. Từ cái thời mà internet còn kêu rẹt rẹt để kết nối hay đợi một trang web load cả buổi mới xong, thì bây giờ chúng ta đã đi tới đâu rồi? Vậy mà tôi vẫn còn lơ mơ trong cái thế giới “vật lý” của những quyển sách trên giá, của việc hít thở mùi thơm của sách. Vâng, sách thơm lắm. Nhưng những quyển sách tồn kho luôn là nỗi ám ảnh của nhà làm xuất bản. Cách làm của amazon xuất sắc đến nỗi, tôi bần thần cả ngày khi nhận được email từ nhà bán lẻ đó. Họ phân phối sách (và hàng ty tỷ thứ khác trên đời) không theo địa lý nữa mà mở ra hướng toàn cầu hoá với tỷ lệ tồn kho ở mức thấp nhất. Mà cụ thể với cuốn sách của tôi, tỷ lệ tồn kho là 0. Khi có đơn hàng, họ đưa về quốc gia sở tại hoặc quốc gia gần đó nhất, cho in ra và chuyển về địa chỉ nhà trong tích tắc. Đương nhiên, sự đồng nhất về chất lượng phải là thứ luôn được đảm bảo. Tôi chẳng cần đến nhà sách và nói với bạn nhân viên: Em ơi, anh là tác giả của quyển sách này nên nhờ em giúp anh một điều được không? Bạn nhân viên ngơ ngác: Làm gì ạ? Thì tôi nói ngay: Em giúp anh trưng bày các quyển sách của anh ở nơi dễ nhìn nhé! Thật, tôi đã làm như vậy khi cuốn sách đầu tiên của tôi được in. Tôi là kiểm người không dễ từ bỏ.

Nên câu hỏi của anh Nam làm tôi nghĩ ngợi. Ekip của tôi mỏng, tiền PR hay marketing bằng 0 thì công nghệ là giải pháp duy nhất giúp tôi đạt được thứ tôi muốn. Nó giúp tôi đi xa, gặp gỡ được những con người ở tận cùng trái đất này.

Em N. bên Tiki bảo em sẽ giúp anh bán quyển Through Asia ở Việt Nam. Đó hẳn là một sự hỗ trợ tuyệt vời cũng như một hướng đi đúng đắn. Và qua những câu chuyện nhìn thấy ở đây, tôi tự hỏi liệu tôi có còn cần một nhà sách nào đó trong thành phố, hay một quyển sách hữu hình nào đó trên kệ? Hay quyển sách của tôi nằm trong điện thoại của mọi người, nằm trong Kindle hoặc vẫn được thơm mùi giấy truyền thống nếu mọi người thích? Hay tôi phải mang nguyên một vali chứa đầy sách từ Sài Gòn sang Los Angeles hồi cách đây 2 năm, hoặc tôi chỉ gần gửi một đường link thì sách về đến nhà khi còn mùi mực in nóng hổi?

Tôi sẽ có câu trả lời cho mình. Quan trọng hơn, tôi nhìn thấy và điều đó giúp tôi thay đổi nhận định của mình. Thế giới đã thay đổi rồi. Tôi cũng đâu thể đứng một mình nhìn những cơ hội lướt qua tay.
 
Ở xứ người (có bao nhiều người) buồn lắm? Chả có thống kê nào sất cả, chỉ biết rằng số đó khá ...đông. Tôi cũng đã gặp những người như thế. Song có lẽ họ "cô đơn trong ngôi nhà của chính mình" không do lỗi của hai "chữ tự do" mà vì, theo tôi, họ đã tự tạo cho mình một cuộc sống như thế.
Nhiều người như người cậu của bạn Tâm luôn sống với ký ức và chưa từng bay về VN trong suốt nhiều năm; chính họ đã tự ngăn cản mình mà nào họ có hay? Trong quá khứ có thể họ đã cố gắng rất nhiều để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cái và cho chính mình nhưng có lẽ họ chưa biết cố gắng tạo cho mình có những năm tháng sống thư thái, thoải mái, cân bằng trong hiện tại và tương lai?

Bạn cảm thấy buồn vô hạn với những gì nhìn thấy ở Seattle và bạn đặt câu hỏi thay cho trả lời rất đúng :"Chỉ là vì mình đang đứng giữa những lựa chọn cho con đường phía trước. Hay là vì mình không biết mình là ai, đang thuộc về nơi nào?"

Tự do cho ta quyền dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám thay đổi . Thay đổi nếp nghĩ, cách sống là điều không mấy dễ dàng. Nhưng một khi Yes, we can! mọi việc sẽ khác. Chắc chắn sẽ khác. Tôi tin con người có số phận. Có điều, số phận đó là ..."của mình, do mình và vì mình."
Tháng 12 năm 1972...
Tiếng máy bay B52 ì ầm trên đầu suốt mấy ngày. Trên độ cao khoảng 9 -10 cây số, nhiều tốp 3 chiếc B52 theo đội hình chiến đấu bay lừ lừ hết đợt này đến đợt khác ra đánh Hà nội, hòng biến đất quê của những thằng 'tôi xa HN năm lên 18, khi vừa biết yêu'... thành thời đồ đá - như rêu rao của Lầu năm góc.
Trong đời lính chiến chưa bao giờ thấy nhiều máy bay B52 đến như vậy. Nhìn B52 bay qua, mấy thằng lính ngao ngán lắc đầu, B52 mà rải bom vào thành phố, trúng đâu chả chết, không chết người cũng thiệt hại về nhà cửa, cầu cống, đường sá, đâu chả là mục tiêu của nó. Lính ngoài mặt trận lo cho người ở hậu phương mà chẳng thể làm được gì bởi bầu trời lúc bấy giờ là của chúng.

Mấy tháng trước cả đơn vị cũng bị bọn B52 giập tơi bời, nhưng ở rừng khó chết lắm. Chúng reo rắc nỗi sợ hãi nhiều hơn cái chết chúng đem lại.
Có những hôm, tự nhiên không khí lặng hẳn xuống, bọn OV10, bọn L19 mọi lần vè vè cả ngày trên đầu, hôm nay lảng đi đâu hết.
Không khí tĩnh mịch đáng sợ, không tiếng chim, không tiếng mõ lốc cốc của mấy đàn trâu kiếm ăn gần đó, lũ côn trùng, giun dế cũng bặt tăm, chẳng lẽ chúng có giác quan dự cảm siêu việt hơn người ?
Rồi đất trời chao đảo, tiếng ịch ịch của bom nổ gần, sóng xung kích đánh bạt người, nằm sấp mặt dưới đất hé mắt nhìn ra chỉ thấy những ánh chớp lóe lên xanh lẹt xung quanh. Vậy là chúng đánh trúng đội hình rồi ! Một phút giông tố quay cuồng điên loạn qua đi, cảnh quan xung quanh hoàn toàn thay đổi, đảo lộn tất cả.
Như mọi lần, lính lại phủi đít đứng dậy í ới gọi nhau điểm danh thừa thiếu, lúc đó mặt thằng nào cũng bạc phếch vì sợ hãi, lem luốc vì khói bụi, cành cây, đất cát.
Lại thoát chết một lần nữa và tự nhủ thầm : Sống rồi !
Nói là trúng đội hình nhưng khoảng cách bom rải thảm quả nọ cách quả kia cũng khoảng 4-50 mét, nằm giữa khoảng cách đó là sự sống mong manh của chúng tôi được tích lũy để lấy vốn sau này “Sống là có lãi”.
Chưa kịp hoàn hồn thì lại... Bom B52 rải trước mặt, chớp lửa đỏ lừ, tiếng bom nổ xé tai, đất trời rung chuyển, cát đá rơi rào rào nhưng lưỡi hái của Tử Thần liếm hụt bọn này rồi, còn những khoảng 2- 3 trăm mét nữa mới tới.
Lại thoát chết một lần nữa. Lần gào lên: Cha mẹ ơi con... Sống rồi !
Trên trời tự nhiên có tiếng vù vù như đàn ong chia tổ ( tiếng bom xé gió nghe y chang tiếng cả đàn ong bay ngang trên đầu) rồi hàng loạt bom nổ rền như sấm dậy. Thần chết còn xa lắm, cách chỗ bọn này đứng ít cũng cây số...
Cả bọn hô hố: Sống rồi !

Nhìn tốp B52 bay qua, Hùng đầu to - một thánh phán to mồm nhất đại đội - một trí nhớ siêu việt (luôn 'đọc' lại cho quan lính nghe các câu chuyện mà nó từng đọc) - một nhân vật chuyên khơi chuyện để anh em tranh luận mà cuối cùng nó luôn luôn dành chiến thắng bởi không ai địch lại được cái tiếng to như loa phường của nó, bỗng chửi đổng một câu:
- Mẹ mấy thằng B52 ! Giờ ông mà bay qua Mỹ, ông mở cửa sổ đái một bãi cho chết mẹ nó đi!
Thằng bạn học cùng PT#HNA hưởng ứng:
  • Ừ phải ! Đúng ! Đúng! Phải nhịn một ngày rồi mới xả cho nó thưởng thức… Thằng khác:
  • Phải thêm một can nước đái bò nữa...
Có thằng còn hăng hơn:
- Phải dùng bom sinh học, phải chọn thằng nào đang tè re té tỏng đạp hỏng hố i xã một bãi cho cả nước nó đi tướt…

Cũng phải xá dài và ạ một tiếng thật lớn với mấy chú lính Hà nội măng tơ 19-20 tuổi đã vạch ra một “ chiến lược quân sự “ quá ghê người lúc đó.
Chính trị viên trưởng đại đội (quê Hưng Yên) ngồi gần đấy cười cười đầy vẻ rất hài lòng nói với tay đại đội phó (quê choa): “Lính Hà nội trông thế mà cách mạng ra phết nhể ?! “.

Hồi đó, sang Mỹ chắc chắn là điều không tưởng và không ai có thể hình dung được bởi nó cực kỳ phi lý và còn khó hơn lên trời.
Lúc đó, cả quan lẫn quân chả thằng nào đã từng được đi máy bay, kể cả các loại máy bay cổ lỗ của Nga như TU hay IL...thì làm sao mà biết được chuyện vệ sinh trên máy bay nó như thế nào ???
Có chăng, mấy chú lính rỗi hơi ngồi liên tưởng đến khu đại tiểu tiện trên tàu hỏa của ta hồi đó (thả chất thải xuống đường ray) rồi suy ra, chắc trên máy bay nó cũng như vậy mà thôi.

Nhưng rồi ngày tháng qua đi, vật đổi sao rời, chuyện không tưởng những năm xa xôi đó giờ trở thành điều đơn giản với một số người. Rất nhiều cựu chiến binh trước đây, kể cả cái thằng có mặt trong buổi tào lao chi khươn trong rừng hôm ấy cũng có dịp bay sang Mỹ . Lần nào bay trên bầu trời nước Mỹ, thằng đấy cũng nhớ đến Hùng Thủ đô và câu chuyện lính năm xưa vào Toilet tè, ị lên đầu chú SAM .

Chỉ tiếc cho Hoàng Mạnh Hùng ( Hùng đầu to), người có ý tưởng nếu được qua không phận Hoa Kỳ sẽ tè lên đầu chú Sam một bãi đã an giấc ngàn thu, chưa kịp thực hiện giấc mơ Mỹ - American Dream của nó là đến thăm bức tượng Nữ Thần Tự do nổi tiếng thế giới và diện một bộ bò cả cây cho giống một chàng cowboy Mẽo.
 

Attachments

  • 118374899_2728668047373859_8279269790273263920_n.jpg
    118374899_2728668047373859_8279269790273263920_n.jpg
    57 KB · Views: 83

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,750
Bài viết
1,136,913
Members
192,580
Latest member
CozyNook25
Back
Top