Tại sao người ta nghèo (tiếp...)
Em kể tiếp một trường hợp rất điển hình về một hộ nghèo tại xã Bản Thi.
Anh Triệu Tiến Long sinh năm 1970 (người trong thôn, xã gọi là Ton), sống cùng vợ và con trai tại thôn Kéo Nàng, xã Bản Thi, Chợ Đồn Bắc Kạn. Trước khi chuyển đến đây ở, anh sống cùng với mẹ tại thôn Khuổi Đăm, xã Quảng Bạch cùng huyện Chợ Đồn, cách Kéo Nàng hơn 30 km. Anh Long là người Dao Đỏ như tất cả các hộ dân khác trong thôn. Theo truyền thống của người Việt Nam nói chung và người Dao nói riêng, khi mẹ anh Long đi lấy chồng (lấy một ông goá vợ tại Kéo Nàng), bà chẳng nhận được tí đất hay của cải nào từ phía gia đình, mặc dù khi nhà nước giao đất, giao rừng trước đó cho người dân ở nông thôn, anh Long và mẹ cũng được tính là hai khẩu để nhận hai phần đất như các khẩu khác trong hộ, trong thôn.
Khi đến nơi ở mới, anh và mẹ cũng chẳng có thêm tí đất nào vì đất đã được giao khép kín hết từ trước đó. Anh Long và Mẹ ở trên một mảnh đất mượn của con trai người bố dượng. Mấy năm sau ông bố dượng này chết, cái gia đình này trở thành một trong những gia đình nghèo nhất trong thôn, trong xã.
Long lấy vợ năm 1999, một người đàn bà ở xã bên cạnh. Vì gia đình rất nghèo, mẹ lại bị bệnh (biếu cổ) nên anh chẳng có tiền để lấy một người vợ “bình thường”. Em không thích dùng từ này vì nghe nó phân biệt đối xử quá nhưng thực sự không còn từ nào dễ chịu hơn. Vợ anh mắc bệnh tâm thần, ngẩn ngơ từ bé mà nôm na người dân địa phương gọi là điên hay thần kinh. Bản thân anh Long cũng không lành lặn. Lúc nhỏ do không được tiêm chủng đầy đủ nên anh mắc bệnh bại liệt. Di chứng là một chân bị teo tóp, ngắn hơn chân kia, đi lại nhật ngưỡng, khó khăn.
Hai con người nghèo, bệnh hoạn về sống với nhau nhưng vẫn phải làm đầy đủ thủ tục cưới hỏi, lễ lạt như các đám khác rất chi là tốn kém. Rượu, gạo, lợn, tiền mặt cho nhà gái. Ăn uống tại nhà trai cộng với mỗi người khi về còn xách theo một khoanh thịt heo cỡ một kg theo đúng phong tục, thì đối với hộ nghèo như gia đình anh Long quả là một gánh nặng ngặt nghèo.
Anh Long đã phải khất món lễ cho nhà gái để trả sau. Long có hai người con trai, một đứa sinh năm 2000, một đứa sinh năm 2003. Khoảng một năm sau sinh, đứa con thứ hai này bị nhà gái (vợ anh Long) bắt để trả nợ cho phần lễ cưới còn thiếu năm xưa. Bắt cháu đem cho người khác làm con nuôi và nhận mấy triệu. Thực chất đây là bán cháu trừ nợ núp dưới cái vỏ cho con nuôi. Đến thế kỷ 21, những năm sau 2004, các bác, các ACE còn nghe ở đâu có chuyện bán con, bán cháu trừ nợ như thế này không? So với chị Dậu gần trăm năm trước bán con, bán chó chắc cũng không khác nhau là mấy. Vấn đề là tại sao lại bắt đứa thứ 2 chứ không phải đứa đầu? Tại sao người ta lại nhận (mua) con trong trường hợp như thế này? Tại sao? Tại sao…? Tất cả cái này đều liên quan đến phong tục (hủ tục?) của người Dao Đỏ có dịp em sẽ kể chi tiết trong một sub-topic khác.
Như vậy, gia đình anh Long có một bà mẹ già với cái biếu to hơn cái cổ, một người vợ điên, một ông chồng què, một đứa trẻ lên chín trông giống như đứa lên năm thì làm gì để sống trong khi ở trên đất mượn, không có ruộng, rừng, không có cái gì cả?
Gia đình Long sống trong cái lều rách nát. Đến năm 2004 được chính quyền địa phương giúp xây một ngôi nhà hộ nghèo theo dự án 134, mái tranh+Fibro-cement+vách nứa. Chả biết cái nhà được xây hết mấy tiền nhưng có thể nói nó vẫn là túp lều lụp xụp.
Năm 2006, khi em vô Sài Gòn dự một Hội thảo Quốc tế về quản lý bảo vệ rừng góp phần xoá đói, giảm nghèo, em có kể câu chuyện của hộ anh Long cho một bạn người Malaysia. Bạn này nghe song, rơm rớm nước mắt, nói không lên lời, vét tất cả số tiền Việt mà bạn ấy có bỏ vào phong bì bảo em mang về cho gia đình Long. Sau đó em phải đến nhà Long mấy lần mới gặp được anh này để trao số tiền đó.
Hai cha con Long bên túp lều
Bên bếp lửa nguội lạnh
Trong nhà, bên những đồ đạc chả có cái gì đáng giá.