Rồi cả đảo chìm trong đêm tối, dù có điện năng lượng mặt trời nhưng do ban ngày nóng quá dùng khá nhiều, tối đến nhà ai cũng ráng tiết kiệm, chỉ mở 1 cái bóng đèn trắng soi mà thôi….
Trăng lên từ từ phía sau những ngọn cây đước, đỏ như cục than hồng….
Bữa tối được bày ra trước hiên nhà cho mát mẻ, cả nhà ăn hết rồi, chỉ còn hai đứa. Bữa tối là món cá kho và tô canh cá với thơm ăn rất vừa miệng…
Ăn no cái bụng là ra bờ kênh ngồi hóng mát, nhìn qua những dãy nhà xa xa thấy có ánh đèn nhưng sao mà vắng vẻ quá….
Ở trên xã đảo này có một loại hình nghệ thuật rất phổ biền là đờn ca tài tử. Buổi chiều lúc đạp xe đi quanh xã, mình cũng cố thử hỏi coi có phải tối nay ngày 16 trăng tròn, xã mình sẽ có tổ chức hát đờn ca tài tử không. Nói chung mỗi người nói một kiểu, nhưng đại loại họ biết thông lệ là hàng tháng vẫn có hát đờn ca tài tử, tổ chức tùy nơi, có khi ở cơ quan văn hóa xã, có khi ở miếu, hoặc có khi ở nhà của vị lão làng nào đó. Ra tới đây mà không nghe được đờn ca tài tử thì cũng uổng, hồi chiều là cô Năm có hỏi nhờ ông xe ôm kế nhà tối qua chở hai đứa đi tìm chổ hát. Cô Năm cũng nói nhà ông Hai Huỳnh thường tổ chức hát hàng tháng nhưng tháng này không biết có còn tổ chức đúng dịp trăng tròn không vì ông bận công chuyện riêng gia đình. Mà nguyên nhân tháng này không tổ chức show vì xã sắp có lễ hội gì đó khá lớn sau đó vài ngày nên người ta để giành show of the month cho ngày quan trọng đó luôn.
“Ở Thiếng Liềng, họ sống và ca như thế…
Nơi ấy chỉ cách trung tâm Sài Gòn 50km nhưng ánh sáng điện vẫn còn là ao ước của nhiều người dân. Nơi ấy, có những người cả đời chỉ biết đến nơi xa nhất là bến đò con nước lên, nước xuống. Ở nơi ấy, âm nhạc vẫn sáng trong như trăng tròn 16, vẹn nguyên, chân chất. Âm nhạc thật như cuộc sống. Nơi ấy, người dân chỉ hát ca cổ, từ em bé lớp 4 đến lão nông 70 tuổi. Và họ cũng có một câu lạc bộ ca tài tử, sinh hoạt hàng tháng, đều đặn trong sự ngóng chờ của mọi người, sau những ngày dài lam lũ.
Một cộng đồng ca hát
Mặc dù chỉ cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh có 50km đường chim bay nhưng đến được Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ là mất cả một buổi đi lại khó khăn. Từ thị trấn Cần Thạnh của huyện Cần Giờ, lên đò vào buổi sáng lúc 10 giờ và đến xã đảo Thạnh An sau đó 50 phút. Từ Thạnh An, chuyến đò duy nhất vào buổi sáng đến với ấp Thiềng Liềng là lúc 11 giờ. 50 phút sau, đò cập bến ấp đảo – nơi được mệnh danh là đảo của đảo, xung quanh ấp là 4 bề sóng nước mênh mông.
Trên con đò dập dềnh đến Thiềng Liềng, gió lạnh hiu hiu. Đang thiu thiu ngủ, chợt nghe vọng từ cuối đò, tiếng ca vút cao bài ca cổ Vụ án Mã Ngưu” Quay lại, thì ra là cậu bé Nguyễn Hoài Tiến (học lớp 4) phụ đò ngày nghỉ cho ông ngoại. Trong lúc đợi đò cập bến, cậu ngồi nhìn sông nước mênh mông, ca hồn nhiên, bài nọ tiếp bài kia, đoạn nọ tiếp nối đoạn kia, đôi lúc vui, đôi lúc tột cùng buồn… Tôi hỏi em biết ca lâu chưa, em bảo: “Em ca từ năm lên 8, thấy mẹ cha, ông và cậu ca miết thành quen. Cậu em đi bộ đội về cũng cho em một cái băng cát – set, nghe mà thấy mê luôn đó”. Hỏi: “Ngoài hát vọng cổ, em còn hát nhạc gì không?”. “Không hát nhạc gì hết, chỉ có ca cổ là hay thôi à. Ở Thiềng Liềng, ai cũng hát như thế đó”.
Bây giờ đang là mùa gió chướng. Ở Thiềng Liềng, chỉ có một nghề làm muối mưu sinh, mùa này là bắt đầu vụ mới. Ngày, mọi người ra đồng, làm miết. Tối về, lại tụ hợp đâu đó ngồi ca cho nhau nghe. Tối ở Thiềng Liềng, điện không có. Nhà nào khá thì chạy bình điện, dùng được ti-vi đen trắng và nghe đài bằng pin. Tối, không gian đen đặc và im đến lặng người. Chỉ có tiếng sóng, tiếng côn trùng và tiếng đàn, tiếng ca làm chủ. Cứ theo tiếng đàn ấy tìm đến, là sẽ có một đêm thỏa nguyện với nhạc cổ.
Theo chỉ dẫn của trưởng ấp, ông Tư Huỳnh, tôi tìm đến nhà ông Tám Thanh, người được mọi người trìu mến gọi là “Ông bầu ca nhạc” của ấp. Từ những năm 1983, ông đã bắt đầu gầy dựng gánh hát, đi biểu diễn chỗ nầy, chỗ kia. Ông Thanh kể, dân Thiềng Liềng chủ yếu là người từ Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre đến làm ăn, quanh năm đầu tắt mặt tối. Đêm về, mọi người vác đàn ra trước hiên nhà ngồi ca chơi làm nguồn vui. Rồi ông gom mấy người hát được lại, thỉnh thoảng biểu diễn cho bà con xem. Lúc đầu thì biểu diễn ngoài trời, sau thời tiết thất thường, ông đã dành hẳn một gian nhà cho đội ca tài tử biểu diễn, mọi người từ tận xã cũng chèo đò sang ấp đảo xem đông kín không còn chỗ đứng nữa…
Ông Huỳnh nói: “Tám Thanh chịu chơi lắm, khi ấp còn nghèo, tự ông đã đi sắm đờn điện, guitar, sến, âm-li về để phục vụ bà con”. Đến sau này, Sở Văn hóa Thành phố biết, mới cho 15 triệu đồng sắm thêm nhạc cụ, và 3 năm nay, họ đã thành lập, duy trì được câu lạc bộ đờn ca tài tử. Ông Tư Huỳnh và Tám Thanh là những người trực tiếp đứng lên chỉ dạy cách chơi đàn, giữ nhịp.
Khi thấy tôi có ý muốn được nghe cho thỏa nguyện, ông Tư Huỳnh liền với lấy cây guitar, gọi thêm hai người con của ông Tám Thanh nữa, thế là thành một nhóm diễn. Đơn giản là thế, nhưng không phải nơi nào cũng sẵn sàng như ở Thiềng Liềng – một nơi quá ư xa xôi so với ý nghĩ, nó là một ấp nhỏ thuộc về TP Hồ Chí Minh
Tiếng ca sẽ còn vang mãi
Một năm nay, câu lạc bộ đờn ca tài tử của ấp Thiềng Liềng đã đều đặn sinh hoạt và biểu diễn vào ngày 16 trăng tròn hàng tháng. Mỗi lần diễn, có đến 200 khán giả trực chờ mong ngóng. Không chỉ biểu diễn trong ấp, ngoài xã nữa, nhiều thành viên trong câu lạc bộ còn đem vốn liếng “cây nhà lá vườn” đi thi tận trên thành phố. Trong giải Bông lúa vàng do Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh tổ chức, đã có Nguyễn Ngọc Thơ được lọt vào chung kết 2 với số điểm 19.59. Rồi còn Trịnh Văn Hồng Thế, Trần Khánh Kiệt cũng mới ẵm giải nhất và giải khuyến khích giọng ca cải lương hàng tuần.
Ông Huỳnh phấn khởi nói: Ở Thiềng Liềng, người dân vừa làm muối trên đồng, vừa ca tài tử. Và họ tin rằng, ở đây, loại hình sinh hoạt văn hóa này sẽ không thể mất đi và càng không thể mai một. Nơi này, sau những ngày lam lũ làm ăn, thì chỉ có chong đèn lên ngồi ca cho nhau nghe thôi. Mọi người ca những bài ca về quê hương, về lao động, sản xuất để động viên nhau sống tốt hơn. Ông Tư Huỳnh cũng là người chuyên biên soạn nhiều bài ca mới cho câu lạc bộ, chủ yếu là những bài ca về tình người, tình quê, những bài ca cổ động nếp sống văn hóa được rất nhiều bà con trong ấp ủng hộ.
Đêm dần buông, Thiềng Liềng chỉ còn một màu đen đặc quánh. Ánh sáng duy nhất là mảnh trăng khuyết lửng lơ treo trên ngọn cây đước cao cao phía mom sông Lòng Tàu. Tiếng sóng vẫn bì bọp vỗ, dư âm của những giọng ca ngọt ngào vẫn còn đó, những Đôi chiếu Long Cang, Bên sông Vàm Cỏ, Bâng khuâng mùa hạ, Nhớ tiếng đàn khuya cứ ngân vang mãi. Ngân vang như khẳng định, sẽ không có ngày tiếng ca ấy bị mai một ở nơi này. Bình minh ngày mới, tôi trở về trong chuyến đò sớm, lại nghe đâu đó tiếng ai ngân vọng bến sông: “Sóng hát ru ai cho giấc ngủ say hòa trong nhịp thở… Chiều tím hoàng hôn bâng khuâng nỗi nhớ… Bốn phía nhìn xa là biển rộng sông dài…”.
Lại thấy thèm ở thêm một đêm nữa với Thiềng Liềng, để nghe tiếng hát thấm mặn vào lòng, khó xa đến thế! (Sưu tầm)
Cũng may là chú xe ôm cũng là một tay đờn ca tài tử trước đây, sinh hoạt trong nhóm hát nhưng giờ lớn tuổi chỉ ngồi nghe chứ ít khi ca lắm. Một chiếc xe mấy chở 3 chạy như mò mẫm trên con đường làng tối om, qua bên ngôi miếu thấy tối om, chạy tiếp qua nhà chú Hai Huỳnh cũng thấy tối om. Chú xe ôm nói giờ chỉ còn một chỗ là nhà ông Tám, không có thì chịu luôn. Chạy đoạn nữa dừng trước cửa, nhìn ngôi nhà là hai đứa thấy quen lắm dù tối quá không nhận ra liền, hồi chiều có ngồi nghỉ quán này uống bình trà đá, uống không hết còn đổ vô cái chai không mang theo để uống dọc đường mà. Chú xe ôm vô nói chuyện chào hỏi, chú Tám mở thêm 1 cánh cửa ra, mời hai đứa vào nghe nhạc. Giờ hai đứa mới nhớ, lúc chiều chú có nói là nhà hay tổ chức ca hát cho anh em mà mình không biết chú là một cây văn nghệ có tiếng ở xã đảo này. Hình như mọi người đang tập dợt mấy tiết mục giành cho show sắp tới….
Chú Tám vui vẻ lấy ghế mời mọi người ngồi, rồi còn nhờ thằng bé đi lấy bình nước uống và hộp bánh mời ăn nữa chứ. Hỏi sao chiều cháu hỏi chú vụ ca hát chú không nói là tối có show ở đây, làm tụi cháu chạy đi tìm, chú Tam cười cười. Chú nói nhà chú con gái tới tuổi lập gia đình theo nhà chồng đi ở xa hết rồi, mấy anh con trai chưa vợ ở nhà phụ chú làm muối, ngoài ra chú còn thuê thêm mấy người thợ cũng là locals nữa. Ngày họ làm muối, đêm về tụ tập ca hát cho đời sống tinh thần nó phong phú, có động lực phấn đấu. Chú khoe may mà mấy đứa con trai đứa nào cũng mê ca hát nên đủ người lập nhóm gồm ca sĩ và đờn nhạc luôn, chú là soạn giả và góp ý xây dựng cách trình diễn cho nhóm hát. Toàn bộ nhạc cụ gồm mấy cây đàn diện tử, giàn loa trong góc nhà là của cậu con trai tự mua về do quá mê ca hát….
Vừa được nghe chú Tám kể chuyện ca hát của xã đảo, chú còn bắt tụi nhỏ mang nước uống, bánh kẹo ra cho hai đứa vừa thưởng thức ca nhạc vừa có cái ăn nữa…