What's new

Hai lần hành xác ở mũi Đôi

FBI cảnh báo: bài viết mang nặng tính thành tích, nên cân nhắc trước khi xem ;)

Đó là hai lần tôi đi tới mũi Đôi bằng cách nhảy đá men bờ biển và cũng là hai lần độc hành tới mũi Đôi. Lần thứ nhất vào tháng 3/2014 mất bốn ngày, lần thứ hai vào tháng 4/2017 mất hai ngày.

Để tới mũi Đôi, có nhiều cách đi; bạn có thể chọn cách đi tàu; có thể băng rừng, qua những đồi cát nắng cháy, luồn dưới rừng cây bụi đầy gai góc; hoặc có thể nhảy đá. Tôi thì chẳng chọn gì cả, đơn giản nó đến thì làm thôi (just do it). Con đường tôi đi đã được người trước đó gọi là đường ghềnh, tôi thấy chữ “ghềnh” ở đây có vẻ không đúng lắm nên tạm gọi là nhảy đá; có thể đi theo nhánh phía Bắc hoặc đi theo nhánh phía Nam. Nhánh phía Nam xuất phát từ bãi Na. Nhánh phía Bắc có thể xuất phát nhà chú Ba Thanh, dài hơn thì từ nhà chú Hai Châu, hoặc có thể dài hơn nữa.

Nhóm đầu tiên khai phá theo nhánh phía Bắc là nhóm fatjoe92 (Hoàng Minh Khôi) vào năm 2012, nhóm này đi nhảy đá và về bằng đường rừng. Sau đó, một số nhóm có khai phá theo nhánh phía Nam nhưng thông tin không công khai. Năm 2013, nhóm 7 người có nick facebook là Trung Pham, Chu Du (Nguyễn Tiến Hùng), Tuấn Lê, Rồng Ẩn Mình, Thích Ăn Chay (Tân Thanh Lê), Panda Panda (nữ duy nhất), Đỗ Lạ đã đi trọn hai nhánh trong ba ngày: đi nhánh Nam, về nhánh Bắc. Sự thành công của nhóm này đã khởi nguồn cho phong trào đi mũi Đôi toàn nhảy đá.

Mũi Đôi đến với tôi hoàn toàn tình cờ, khi tranduykts (Trần Duy) tạo topic “Cực Đông nhảy ghềnh, vờn sóng đêm trăng”; trước đó, tôi đã nghe qua về địa danh này nhưng chưa có dịp trải nghiệm. Để luyện tập cho chuyến đi, Trần Duy đã khai phá ra cung leo Bà Đen mà bây giờ gọi là Đá Trắng. Trong chuyến luyện tập này, tôi vừa đi vừa ngủ do tối hôm trước phải làm việc đến gần 2 giờ sáng, sau đó chạy đi đón ôm rồi phi lên Tây Ninh, tới nơi là 5 giờ sáng, chỉ kịp chợp mắt chút. Vừa tự ái do bị Trần Duy nghi ngờ về sức khỏe, vừa để tranh thủ đi sớm để cuối tháng 4 tham gia chuyến leo Fansipan từ Lai Châu (chuyến này cuối cùng tôi không đi được) nên tôi quyết định nhảy đá một mình vào tháng 3/2014.

Tháng 9/2015, nhóm Tran Minh Tuyen (mrlonely909) mất một ngày để nhảy đá từ bãi Na ra mũi Đôi nhưng sau đó không đủ sức phải về bằng đường rừng. Nghe nói đầu năm 2016, nhóm Tran Minh Tuyen đi trọn 2 nhánh trong 15 giờ, xuất phát từ bãi Na, không rõ điểm kết thúc ở nhánh phía Bắc. Tin này đến khiến tim tôi lại rộn ràng, lại muốn thử sức một lần nữa. Nhưng cũng phải hơn một năm, tôi mới có thể thu xếp cho chuyến đi thứ hai này, tháng 4/2017.
 
Một nút thắt thứ hai ở phía nhánh Nam là eo Gió. Trong chuyến đi đầu tiên, tôi mất gần nửa giờ đồng hồ ở chỗ này để tìm đường đi. Leo lên phía trên các tảng đá thì không được, vì quá cao. Chui dưới các tảng đá thì không xong, vì đá trơn, và đi từ tảng nọ sang tảng kia ở thế chênh vênh. Cuối cùng, tôi cũng tìm được lối đi, đó là chui dưới các tảng đá. Tại chỗ này, lúc còn đang lần mò tìm đường, tôi nằm khoảng 15 phút, hứng từng cơn gió mát rượi, trên nền đá ẩm ướt. Đúng với tên eo Gió, ở đây, gió thổi lồng lộng, mát rượi, một cảm giác thật đê mê, cám dỗ. Lần thứ hai tôi đi, đá bớt trơn hơn và gió cũng ít hơn một chút. Đang nằm chỗ này mà ngồi dậy thì phải cẩn thận kẻo bị cộc đầu vào đá, tôi đã bị một cú đau điếng trong lần đi thứ hai.

attachment.php


attachment.php


Chui luồn qua mấy tảng đá, tôi sang được bên kia. Một bệ thờ nhỏ bằng gỗ, mái tôn hiện ra. Ở chuyến đi lần sau, mái tôn của bệ thờ đã xuất hiện những vết rỉ sét khá nhiều.

attachment.php


attachment.php


Một sợi cáp khá dài được kéo ra ngoài khơi, có lẽ để neo đậu hoặc làm điểm cho thuyền bè cập bờ. Nếu nhìn toàn cảnh, có thể thấy chỗ này là địa điểm lý tưởng để cập bến, tuy chưa dám nói là tránh gió bão.

attachment.php


Đã đến rất gần mũi Đôi, nhưng trở ngại chưa hết. Tôi lại phải chui luồn một lần nữa. Cái gì thế kia, có vẻ có một chút may mắn; một trái dừa bị sóng đánh vào, mắc kẹt dưới mấy tảng đá, nơi tôi chui xuống. Sẵn rựa mang theo, tôi tước hết lớp vỏ bên ngoài, chỉ để trơ lại gáo dừa rồi bỏ vào ba lô. Có vẻ trái dừa bị ngâm nước khá lâu nên tôi tước lớp xơ dừa không khó khăn lắm. Dù sao, đây cũng là một nguồn bổ sung thực phẩm quý giá; hai ngày nay, toàn nhá lương khô, tôi ngán lắm rồi.

attachment.php


Tôi đang đứng trên một tảng đá cao khoảng 1,5 mét so với mực nước bên dưới, để đi tiếp thì phải trèo xuống dưới. Thế đá chỉ có thể xuống, gần như không thể trèo lên. Cách điểm đặt chân mấy bước là nước, tôi không thể nhìn được xem mực nước có sâu không. Đành phải mạo hiểm thôi. Cột dây vào ba lô, tôi thả ba lô xuống trước, rồi bám đá trèo xuống sau. Đặt chân xuống dưới nước mà trong lòng không yên tâm chút nào. Quả là may mắn, nước chỉ xâm xấp, ướt giầy mà thôi. Trong chuyến đi thứ hai, tôi không nhớ có qua vị trí này hoặc có thể là mực nước thấp hơn nên không để ý.

Nhưng nào đã hết, phải lội vòng qua một tảng đá. Lần này thì chả còn vận may nào nữa. Dù chỉ lội mấy mét nhưng nước khá sâu, đến ngang hông, ngập qua túi đựng máy chụp hình tôi đang gài ở thắt lưng. Vậy là xong, ướt cả khăn ống và điện thoại để túi quần, ướt máy chụp hình. Việc đầu tiên khi lên chỗ khô là tháo ngay pin điện thoại và pin máy chụp hình để riêng. Sau đó mới là lột giày, tất, vắt cho bớt nước chứ chả hy vọng gì khô kiệt. Tuy vậy, khi xỏ giầy vào, nước lại chảy xuống; mỗi bước đi hay nhảy, lại nghe tiếng bòm bọp trong giầy, thật khó chịu. Chuyến đi thứ hai, tôi đi ở vị trí cao hơn nên đỡ cảnh ướt át này.
 
Đã 5 giờ chiều, những tia nắng khuất sau rừng đá lô nhô và rừng cây bụi đang tắt dần. Tôi tới một bãi đá khổng lồ, so với chúng, tôi thấy mình thật bé nhỏ. Một tháp canh hiện ra trông khá hoang tàn.

attachment.php


Dò tìm điểm mũi Đôi nhập sẵn trên máy định vị, tôi thấy mình đi quá vài mét, lại phải quay lại.

attachment.php


Trên mặt đá, vương vãi dây nhợ của nhóm nào đó để lại.

attachment.php


Dù hơi trễ nhưng tôi vẫn trèo lên tảng đá gắn inox ngắm nghía một chút. Cái máy chụp hình cùi bắp bị ướt đã hoạt động trở lại.

attachment.php


Trở xuống, dựng lều xong thì cũng gần 6 giờ, cảnh sắc xung quanh mờ ảo chìm dần vào bóng tối. Việc đầu tiên là mang trái dừa ra, dùng rựa đập vỡ vỏ cứng, tôi chắc mẩm là bữa ăn tối sẽ được cải thiện đôi chút. Nhưng không, cùi dừa có vị hơi mặn và phảng phất mùi xà phòng. Có lẽ nước biển đã thẩm thấu vào trong, qua lớp vỏ cứng. Ai đã trải qua những giờ hóa học hữu cơ phổ thông có lẽ đều biết đến phản ứng xà phòng hóa chất béo. Trong môi trường kiềm, chất béo phản ứng, sinh ra xà phòng. Ở đây, trong cùi dừa có nhiều chất béo, nước biển là môi trường hơi kiềm, độ pH từ khoảng 7,5 – 8,4 (tắm biển xong mà không tắm lại bằng nước ngọt sẽ thấy người nhớt nhát là vì thế), đủ kiều kiện có thể điều phỏng đoán trên đã xảy ra. Vậy là mất toi bữa ăn ngon, ta trở về chung thủy với món lương khô thôi.

Tối nay, độ ẩm có vẻ hơi cao và thoảng có gió lạnh, tôi cứ sợ trời sẽ mưa. Nếu mưa, lều của tôi không chắc có chống chọi được hay không. Miếng che đỉnh lều, ngay từ lúc mua, thay vì móc được 4 góc thì chỉ móc được có 3 góc thôi. Nó sẽ trở thành mồi ngon cho những cơn gió mạnh và cơn mưa lớn. Dù vậy, tôi vẫn cởi quần áo, trải lên mấy phiến đá quanh lều với hy vọng, cho tới sáng ngày mai, gió sẽ làm khô nó đi.

Bữa tối qua đi nhanh chóng. Lại một đêm dài trôi qua. Vẫn lại tiếng nổ của động cơ và ánh đèn quét loang loáng trên mặt biển. Tôi xin đính chính một chút, có lẽ đây là tiếng của động cơ xuồng máy chứ không phải ca nô như tôi đã viết trước đó; bởi vì, nó lướt đi khá nhanh. Rồi mọi vật chìm vào trong giấc ngủ mê mải.
 
Buổi sáng, tôi thức dậy khi mặt trời chưa mọc, những mong được ngắm cảnh bình minh trên biển nơi mũi Đôi. Chòi canh vẫn sừng sững ở đó, như người lính gác thầm lặng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Con trăng vẫn còn treo lơ lửng trên đầu.

attachment.php


attachment.php


Run run bám vào dây thừng neo sẵn, tôi trèo lên tảng đá, nơi gắn chóp inox. Buổi sáng, cơ thể chưa quen với vận động, lại thêm cái bệnh sợ độ cao khiến loay hoay một hồi, tôi mới lên được đến nơi. Bình minh lên.

attachment.php


Nơi mũi Đôi.

attachment.php


Cao hơn một chút.

attachment.php


Từ trên, nhìn xuống chỗ tá túc đêm qua.

attachment.php


Tự sướng một hồi, rồi cũng đến lúc phải leo xuống. Đây là bữa tối hụt của ngày hôm qua, đành bỏ thôi.

attachment.php


Ăn xong, thu dọn rồi lại phải lên đường thôi, lúc đó là 7 giờ sáng ngày thứ ba của hành trình.
 
Với chuyến đi thứ hai, có chút dễ dàng hơn. Do biết rõ địa hình, hành lý lại gọn nhẹ, tôi đến mũi Đôi lúc 3 giờ 30 phút chiều ngày thứ nhất. Chóp inox nổi bật trên nền trời xanh.

attachment.php


Trèo lên tự sướng một hồi.

attachment.php


Tọa độ đo tại chóp inox (trong hệ WGS-84).

attachment.php


Chóp rất đẹp, đã được làm sạch rỉ sét, sáng bóng hơn so với hình ảnh trong chuyến đi lần trước của tôi. Chỉ tiếc là tọa độ khắc trên chóp không chính xác. Chi tiết xin xem tại đây:

https://www.phuot.vn/threads/337419-V%E1%BB%81-t%E1%BB%8Da-%C4%91%E1%BB%99-kh%E1%BA%AFc-tr%C3%AAn-ch%C3%B3p-inox-%E1%BB%9F-m%C5%A9i-%C4%90%C3%B4i-v%C3%A0-%C4%91i%E1%BB%83m-c%C3%B3-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ng%E1%BB%8Dt-%E1%BB%9F-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-gh%E1%BB%81nh-ph%C3%ADa-B%E1%BA%AFc

4 giờ, tôi lại lên đường.
 
Từ giờ phút này trở đi, vấn đề gay go nhất là nước. Như đã nói từ đầu, chuyến đi đầu tiên, tôi mang 3,66 lít nước. Sau bữa sáng của ngày thứ ba, tôi chỉ còn chừng 1 lít nước cho cả đoạn hành trình còn lại. Nhìn trên lộ trình vạch sẵn, quãng đường còn lại dài hơn hẳn, còn nước thì lại ít hơn hẳn so với quãng đường đã vượt qua; không ổn tẹo nào. Trước chuyến đi này, tôi không có được bất kỳ thông tin nào về chỗ có thể lấy nước trên toàn tuyến nhảy đá.

Nghỉ chút nào. Phía trước, một doi “đất” nhô ra, toàn là đá tảng. Từ xa, thấy một màu xanh xanh ngăn cách doi “đất” đó với bán đảo.

attachment.php


Tiếp tục nhảy nào. Tôi đến một dải cát hẹp với đầy rác rưởi và chai lọ, có thể do khách du lịch xả, có thể do thủy triều cuốn vào và nằm lại đó. Chợt tôi thấy dưới chân một chai nước. Có vẻ như còn nước bên trong. Mở nắp chai và thử nào. Nước uống được các bạn ạ. Có lẽ chai nước này là của ai đó trên đường ra mũi Đôi đánh rơi hay bỏ lại. Dù bất cứ lý do gì, đó cũng là lộc trời cho tôi trong hoàn cảnh khó khăn này; cỡ 0,1 – 0,15 lít nước chứ ít à.

attachment.php


Kể từ lúc có được “lộc trời”, tôi cứ vừa đi, vừa nhìn quanh quất xem có gì khả dĩ dùng được không; tôi bắt đầu “nhặt rác”. Trong những vũng còn ngập nước biển khi thủy triều xuống, nghoe nguẩy những cánh tay của một loài động vật bậc thấp nào đó mà tôi không biết tên. Nếu nó lớn hơn, dễ làm ta liên tưởng đến những cánh tay của loài bạch tuộc. Nhưng nó nhỏ, dài cỡ 10 – 20 cm, thay cho những xúc tu như bạch tuộc là những râu lởm chởm.

attachment.php


Một chai trông giống thuốc, trên nắp chai toàn chữ tượng hình (chỗ này quên không chuyển sang chế độ chụp cận cảnh). Mở chai ngửi, mùi thơm hơi hơi giống thuốc ho Bổ phế chỉ khái lộ. Quẳng vào ba lô và tự nhủ, nếu không ở bước đường cùng thì không bao giờ dùng. Thứ nhất, chả biết trong đó là cái gì. Thứ hai, trông chữ tượng hình như chữ Trung Quốc, lòng tự tôn dân tộc lại nổi lên.

attachment.php


attachment.php


Tôi lại lom dom đi, ngó quanh quất dải cát đầy rác này xem còn gì hữu dụng hơn. Ồ, cái gì thế kia; một ống cao su dẫn nước từ khe đá chảy ra trên nền đá toàn rêu. Tôi nếm thử nước và cảm thấy không có gì tuyệt vời hơn hình ảnh này; là nước ngọt có thể uống được. Lúc đó khoảng 8 giờ sáng.

attachment.php
 
Điểm lấy nước này có tọa độ: 12 độ 39’ 04.0’’ vĩ Bắc, 109 độ 27’ 31.5’’ kinh Đông. Tôi chưa từng đi mũi Đôi bằng đường xuất phát từ nhà chú Hai Châu hay chú Ba Thanh nên không biết chính xác, nhưng coi hình ảnh các đoàn trước đã đi từ bãi Rạng ra mũi Đôi thấy có nhảy đá một quãng nữa nên có lẽ đây chính là điểm lấy nước ở mũi Đôi mà các topic trước đó đã từng đề cập.

Từ điểm lấy nước nhìn về phía sau.

attachment.php


Nhìn về phía trước.

attachment.php


Phấn khích khi tìm được nguồn nước, tôi xếp đá san hô thành hình chữ N (nước) trên phiến đá lớn.

attachment.php


Tại điểm này, nước lấy khá dễ dàng, chỉ khoảng 10 phút là đầy chai 0,5 lít. Tôi uống cạn một chai rồi tranh thủ hứng đầy tất cả các chai rỗng, sau đó lại lên đường, lúc đó là 8 giờ 30 phút sáng ngày thứ ba.

Trong chuyến đi lần thứ hai, tôi đến điểm lấy nước này lúc 5 giờ chiều. Những viên đá san hô tôi xếp thành hình chữ N vào 3 năm trước đã không còn. Đầu ống cao su dẫn nước đầu lồng vào trong một vỏ chai nước cắt ra. Tôi tranh thủ hứng đầy chai nước duy nhất mang theo. Trước đó, trước khi đến chóp inox, tôi đã uống cạn nước mà không mảy may lo lắng, bởi đã biết rõ điểm lấy nước này qua lần đi đầu tiên.

attachment.php


Toàn bộ hành lý của chuyến đi thứ hai (máy định vị và máy chụp hình đeo bên người).

attachment.php


Hành lý chuyến đi thứ hai khá gọn nhẹ, không kể những thứ mang trên người thì bao gồm: 8 thanh lương khô (đến thời điểm này chỉ còn 7 thanh); 1 chai nước 0,5 lít; 1 áo thun sơ cua; 1 quần nhanh khô được tháo ống cho gọn; 1 quần lót; 2 cặp pin AA sạc sơ cua cho máy định vị và máy chụp hình; 1 đèn pin đeo đầu với đầy đủ pin; tất cả để trong 1 túi bao tử; tổng trọng lượng chưa đến 3 kg. Ban đầu, tôi định cột túi bao tử quanh bụng nhưng thấy không ổn vì nặng, để túi trước bụng thì ảnh hưởng cột sống, để túi sau lưng thì áp lực tì vào bụng gây sóc, rất dễ đau bụng. Sau cùng, tôi quyết định nới rộng dây và quàng qua vai, mặc dù khóa dây tì vào vai không mấy thoải mái nhưng cũng dễ chịu hơn hai cách trên.

Hành lý chuyến trước đó thì cồng kềnh hơn do là chuyến đầu tiên, không rõ về hành trình:

3,66 lít nước;
1,2 kg lương khô;
1 lều đôi, nặng khoảng 1,8 – 2 kg;
1 chiếu du lịch;
1 cuộn dây, khoảng 1 kg;
1 dao rựa, khoảng 0,5 kg;
1 máy chụp hình siêu zoom;
1 máy chụp hình cùi bắp, đeo bên thắt lưng;
1 máy chụp hình chống nước cùi bắp;
4 cặp pin sạc AA sơ cua cho máy định vị và máy chụp hình;
1 điện thoại sơ cua;
Quần áo dài, quần áo lót, tất;
1 đôi dép kẹp;
Linh tinh khác: giấy vệ sinh, giấy ướt, nước súc miệng, nước rửa tay khô, kẹo sing-gum;

Tổng trọng lượng khoảng 11 kg.

Đã có nước, tôi tranh thủ nhá một chút lương khô. Lần này, nước chảy có vẻ chậm hơn lần trước, khoảng 15 phút mới đầy chai 0,5 lít. Ăn vào, bụng thấy ấm ách, khó chịu. Sau khi nôn ói ra, tôi mới có thể tiếp tục lên đường, lúc đó là 5 giờ 30 chiều ngày đầu tiên của chuyến đi thứ hai.
 
Last edited:
Chuyến đi đầu tiên, 9 giờ 30 phút, bãi Rạng.

Nắng khá gắt, tôi ngồi trú dưới bóng râm của một tảng đá. Phảng phất một mùi hương không mấy dễ chịu, chất thải của các đoàn du lịch trước đã để lại. Một bát nhang làm bằng vỏ lon đồ hộp cũ, trong đổ đầy gạo, trông khá thô sơ. Một bộ xương san hô đen trông khá lạc lõng. Xuống vầy nước một lúc là chán, tôi đi loanh quanh trên bãi sỏi. Một vài chiến lợi phẩm tôi nhặt được: một chú cá ngựa khô, vài vỏ ốc màu tím khá đẹp (lại quên không chuyển sang chế độ cận cảnh rồi). Chú cá ngựa khô này, tôi cho vào trong hộp đựng kính bơi, làm kỷ niệm; nhưng đem về được khoảng một tuần, bỏ ra thấy hôi hôi nên đành bỏ đi.

attachment.php


attachment.php


attachment.php


attachment.php


Không có gì để chơi, để ngắm, cũng như không có chỗ có thể ngồi lâu, tôi rời bãi Rạng lúc quá 10 giờ sáng một chút.
 
Chuyến đi thứ hai, tôi đến bãi Rạng lúc 5 giờ 45 phút chiều. Cảnh vật đã thay đổi khá nhiều so với ba năm trước. Một cái chòi được dựng lên trông khá tạm bợ: khung cây gỗ, mái và vách lợp tôn. Chòi được cơi nới ra với khung cũng bằng cây gỗ, mái phủ bạt. Mái phần cơi nới rách rưới, hoang tàn.

attachment.php


Gần đó, một “công trình” khác cũng đang được dựng lên, hứa hẹn nơi đây sẽ đón thêm nhiều khách du lịch nữa.

attachment.php


Trước phần cơi nới của cái chòi, một tấm biển gỗ được dựng lên, ghi thông tin cần liên hệ của chủ cái chòi này.

attachment.php


Bên hông chòi, cơ man nào vỏ chai lọ vứt lăn lóc, lổn nhổn trông thật mất thẩm mỹ. Xem chừng, việc đón thêm càng nhiều khách du lịch nữa, bãi Rạng sẽ càng nhanh chóng đổi tên thành bãi Rác mất.

attachment.php


Ngồi khoảng 10 phút ở “bãi Rác” này, tôi lại đi.
 
Rời bãi Rạng, tôi lại hành xác dưới cái nắng chói chang. Khoảng 11 giờ trưa, tôi tới một nút thắt khá hiểm của nhánh phía Bắc. Giữa khối đá tôi đang đứng với khối đá kế tiếp là một khoảng trống từ 2 đến 3 mét, bên dưới sóng vỗ ầm ầm. Loanh quanh một hồi mà không vượt qua được, tôi đành quay lại. Vòng một quãng kha khá, tôi quyết định bọc lên phía trên cao, phía ấy là rừng cây bụi.

Để lên phía trên, tôi vượt qua một mái dốc bằng đất khô rang nhưng hoàn toàn không chắc chắn, tay bám vào những bụi cỏ tranh sắc lẻm. Vừa bò lên, lòng vừa nơm nớp sợ bị trượt khỏi mái đất. Rồi cũng qua khỏi mái đất, lúc đó đã gần 11 giờ 30, tôi buộc phải tim chỗ nghỉ trưa. Gần đó có một bụi cây dứa dại, dưới gốc dứa có một khoảng trống, có thể nằm nghỉ được. Tôi dùng rựa chặt bỏ một nhánh dứa vươn ra để lấy khoảng trống trải chiếu. Chỗ nằm nghỉ trông cũng ngon lành đó chứ.

attachment.php


Thế nhưng, bên dưới là khoảng trống. Để nằm nghỉ trưa ở đây, tôi phải lấy dây cột thân mình vào gốc dứa, sợ lúc cựa mình sẽ lăn xuống thì có trời cũng chả cứu được.

attachment.php


Đây là hình ảnh bên dưới, thật là khoáng đạt phải không nào ?

attachment.php


Thử độ đen tối của bạn: hãy cho tôi biết, bạn nhìn thấy cái gì nào :D

attachment.php
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,751
Bài viết
1,136,920
Members
192,581
Latest member
oldgmailacc7
Back
Top