Tôi ở lại nhà cô chú thêm 1 ngày chủ yếu để cơ thể được nghỉ ngơi và tích lũy thêm sức khỏe để chuẩn bị tốt nhất tinh thần cho chặng đường tiếp theo. Đà Lạt thẳng tiến theo cung đường 722.
Cả buổi sáng tôi ra gian hàng của cô Hiền ở chợ để phụ cô bán buôn, đồng thời tham quan khu chợ của thị trấn. Buổi chiều, về nhà để ngủ nghỉ và gói gém hành lý, mua thêm 1 ít lương khô dự trữ cho chuyến đi (vài hộp sữa, hộp bánh quy và thêm vài ổ bánh mì).
Sáng hôm sau, tôi chia tay cô chú trong sự lưu luyến và tình cảm dạt dào. 6h30 sáng, tôi đón chuyến xe bus quay lại Thị trấn Liên Sơn sau khi rút thêm tiền từ chiếc thẻ ATM mang theo để có tiền chuộc thân cho “em ấy” và lượng tiền vừa đủ để đi đường từ Hồ Lak tới Đà Lạt mà theo tôi dự tính sẽ mất 2 ngày để tới đích Đà Lạt.
7h30 về tới Liên Sơn, tôi về nhà nghỉ lấy chiếc xe đạp mà tôi đã gửi lại 3 hôm trước, dắt bộ qua cửa hàng xe đạp, tôi bán chuyến xe cà tàng của mình và bù thêm một khoảng tiền để chuộc thân cho “em ấy”. Sau khi căng chỉnh lại và gắn thêm chỗ để bình nước, cột chặt hành lý lên ba ga sau, tôi hạnh phúc được cưỡi trên yên “em ấy” để bắt đầu chặng hành trình 722 – Đà Lạt.
Chỉ đạp được vài ba cây số, mớ hành lý tôi cột sau xe bị tuộc dây và rơi khỏi xe, cũng may nhờ có mấy bác trai đang ngồi bên đường giúp đỡ nên sau một hồi chặt vặt đóng hành lý cuối cùng cũng nằm gọn trên ba ga xe.
Quốc lộ 27, tuyến đường nối giữa Đaklak với Lâm Đồng được cảnh báo có rất nhiều đèo dốc và chỉ đi lên cao, tôi được cảnh báo sẽ rất khó cho tôi để vượt qua với chiếc xe đạp, nhưng mọi cảnh báo dường như càng làm ý chí tôi thêm quyết tâm chinh phục.
Đi được tầm 5 km, tôi đến con dốc đầu tiên. Tôi đứng dưới chân dốc mà nghe rõ tiếng “la thét rầm rú” khổ sở của một bác xe tải quân đội đang chở đất đá leo lên con dốc, chậm rãi bò từ từ để vượt con dốc. Sau một hồi nghỉ ngơi lấy sức, tiếp thêm 2 cái bánh ngọt và một hộp sữa có đường, tôi bắt đầu vượt dốc.
Con dốc khá cao và khúc ngoặt đầu tiên thật rùng rợn. Để chế độ đạp nhẹ nhất, tôi cũng phải mất khá nhều sức mới leo lên được lưng chừng con dốc, miệng thở học học, mồ hôi đầm đìa, tôi nhảy xuống xe vừa dắt bộ và dừng lại nghỉ lấy hơi đẩy tiếp trong cái nắng chói mặt.
Sau khi đẩy được một đoạn dốc, tôi vẫn chưa hết mệt mà hình như còn mệt hơn nữa thì nghe thấy tiếng động cơ giòn giã vang vọng cả ngọn núi của xe công nông ngày càng gần ngay sau lưng mình. “Vậy là mình được cứu rồi”, tôi thầm nghĩ.
Ra sức vẫy tay, hét thật lớn, miệng nở nụ cười toe toét để xin được đi nhờ. 2 bố con chủ xe công nông là người dân tộc giúp tôi đỡ chiếc xe và đóng hành lý trên ba ga sau xe lên chiếc xe công nông. Ở vùng này, xe công nông chính là phương tiện tốt nhất để leo đèo một cách ngon lành. 2 bố con cho tôi nhờ một đoạn đến đỉnh dốc thì rẽ vào một con đường mòn khác để vào rẫy, tôi và chiếc xe mới tậu xuống xe, cũng thấy đỡ mệt được một chút, mừng hơn nữa là trước mặt không phải leo dốc nữa, bây giờ sẽ là giai đoạn thả đèo. Con đèo tuy nhỏ so với các con đèo ở Đà Lạt mà tôi biết, nhưng có lẽ sức tôi chưa được chuẩn bị càng cho những chặng đường thế này nên thấy sức lực nhanh chóng giảm xúc và miệng thì cứ thở hòng học.
Tôi tiếp tục vượt thêm vài km nữa, gặp thêm vài con dốc lớn có nhỏ có, trời thì bắt đầu ngày một nắng rắc hơn, chói chan và khô hanh, mồ hôi mồ kê chỷ ướt, càng ra sức đạp và đẩy xe tôi càng thấy sức khỏe càng giảm xúc.
Trước mặt lại một con dốc khác, đạp hết nổi thôi thì xuống đẩy bộ, tôi áp dụng chiến thuật “chia nhỏ để trị” cứ đẩy xe lên được 20 bước thì nghỉ 10 giây. Cũng đẩy được vài trăm mét, đang đứng nghỉ thì lại nghe thấy tiếng xe công nông chạy tới sau lưng, lòng mừng rỡ như một phản xạ tôi cứ đưa tay và vẫy gọi xin đi nhờ mà không cần dò xét gì nữa.
Người và “ngựa” yên vị trên xe được một lúc tôi mới thấy khỏe lại được một chút, tôi nẳm dài trên xe, miệng tu nước ực ực để lấy sức, sau một hồi tôi mới bắt đầu dò xét lại tình hình tôi đang đối mặt hiện tại.
Cảm giác ngồi trên xe công nông trên con đường 2 bên là đồi núi và rừng cây, những làn gió thổi lồng lộng hất vào mặt, đôi lúc khung cảnh 2 bên đường hiện ra những cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ bạt ngàn, tôi thấy mình như trở thành một kẻ lang bạt thực sự, phóng túng và tự do tự tại.
Bác Mamex và vợ chạy con dream đi sau
Gia đình cho tôi đi nhờ đang trên đường đi rẫy trở về nhà, dọc đường họ ghé lại các cửa hàng vật liệu xây để mua xi mang về xây nhà. Khi xe tấp vào một trạm đổ xăng, tôi nhanh tay lấy tiền của mình để trả giúp nhằm thay lời cảm ơn vì sự họ cho tôi đi nhờ. Qua cuộc trò chuyện ngắn, tôi được biết nhà họ ở Thôn Đạ Long, tôi mừng húm vì trời đã thương tình mà ra tay giúp đỡ mình vì ít nhất từ đây tới Đạ Long tôi khỏi phải đạp xe và dắt bộ vượt chặng đường đèo dốc và dốc giữa trưa hè nóng cháy da nữa rồi.
Thu (con trai bác Mamex) - tay lái lụa đưa tôi vượt chặng đường từ Liên Sơn tới Đạ Long
Chiếc công nông đưa tôi vượt chặng đường khá xa, vượt rất nhiều con dốc rất cao, đường đi 2 bên vắng vẻ hoang vu, tôi thầm nghĩ nếu chẳng may tôi không gặp được chuyến xe này thì có lẽ giờ này tôi đang khổ sở kiệt huệ sức lực giữa núi rừng hoang vu này rồi, và không biết tới cuối ngày tôi thể tới được Đạ long không nữa.
ánh mắt tò mò dò xét vị khách lạ (con trai út của bác Mamex)
Sau suốt mấy tiếng đồng hồ nằm vặt vưỡng trên xe, tôi nằm dài phơi mình dưới cái nắng thiêu đốt, tới hơn 2h chiều cuối cùng họ cũng về tới nhà.
Dỡ hành lý và xe đạp xuống, họ mời tôi vào nhà uống nước và rửa mặt cho khỏe, bữa cơm gia đình được dọn lên và tôi được mời dùng chung với gia đình. Sau một chặng dường khá dài và nắng rát, dù rất mệt và đói nhưng tôi chỉ ăn được 3 chén cơm rau.
Sau khi dùng cơm xong cũng đã 3h chiều, bác chủ nhà mở lời mời tôi ngủ lại nhà bác một đêm cho lại sức rồi sáng sớm mai hãy đi tiếp. Theo lời bác thì con đường nhựa này chỉ còn vài km nữa là hết đường, xe công nông không đi được nữa, chỉ đi được xe máy và đường đi rất xấu. Từ Đạ Long đi Đà Lạt còn hơn 60km nữa. Như được mở lòng, tôi mừng quýnh lên vì có chỗ để nghỉ chân đêm nay mà lại không phải xin xỏ gì hết. May mắn một lần nữa lại mỉm cười, tình người một lần nữa được khẳng định. Sao người ta lại tốt bụng đến thế, sao người ta lại tin người đến thế?
Sắp xếp đóng ba lô hành lý gọn gàng, giúp anh con trai bác chủ nhà dở mấy bao xi măng trên xe xuống, chơi giởn với mấy đứa nhóc nhít con út bác chủ một hồi để làm quen và chia cho chúng mấy cái bánh, cái kẹo mua mang theo, lén len chụp mấy hình mấy đứa nhỏ bụi bặm phong trần khỏe khoắn măt mũi lem luốt nhưng rất đáng yêu, tôi nhận thấy gia đình bác chủ nhà rất ấm cúng lúc nào cũng rộn ràng tiếng tre con chạy giỡn.
5h chiều, bác chủ nhà chở tôi trên con Dream của bác với đứa con gái của bác vào trung tâm thôn để tấm hồ nước khoáng nóng tự nhiên.
Nhà thờ giáo phận Đạ Long
Cái hồ nước khoáng nóng này tôi đã biết đến khi theo dõi cuộc hành trình cùa các bác phượt đàn anh khi đi qua đây.Tôi bất gặp cảnh toàn bộ dân làng kéo nhau ra đây tắm không phân biệt gái trai, già trẻ lớn bé, cảnh rất vui nhộn nhịp y chang như những bức hình tôi xem trên diễn đàn mà các phượt anh để lại.
Bác Mamex đang tạo dáng bên hồ khoáng nóng tại trung tâm thôn Đạ Long
Tối đến, sau bữa cơm gia đình, chúng tôi có dịp để trò chuyện tìm hiểu về nhau. Bác chủ nhà tên là MaMex, năm nay gần 60 tuổi, bà vợ tên gì tôi nghe không được nên cứ gọi là Mế, chừng 50 tuổi, gia đình bác có tới 8 đứa con, đứa lớn nhất đã có gia đình ở riêng, bây giờ ở chung với bác là 4 đứa nhỏ, đứa nhỏ nhất còn đang bú, chưa biết nói.
Anh chàng lúc sáng lái xe công nông chở tôi tên là Thu – 18 tuổi, Thu không được đi học nên không biết chữ, Thu rất hiền và ngoan, ở nhà chăm lo phụ giúp công việc nặng nhọc trong gia đình.
Tối đó, tôi được bác maMex ưu ái dành riêng cho cái võng mùng mới mua để ngã lưng khá ấm áp và thoải mái. Nhưng nói gì thì nói, giữa chốn xa lạ nên tôi vẫn phải đề cao cảnh giác để bảo vệ mình, thế nên lúc nào đi ngủ tôi cũng mang bên mình 1 đèn pin nhỏ, điện thoại, bóp tiền và giấy tờ tùy thân