What's new

[Tổng hợp] Hãy gọi tôi là Mongolia

Mongolia-Không thể có lần thứ hai

(Bài viết này sử dụng nhiều và rất nhiều các tư liệu của các tác giả khác nhau, có thể nhiều nội dung không phù hợp nhưng chỉ với mục đích vui chứ không có ý gì khác. Xin cám ơn và thứ lỗi.)

Đến đất nước Mongolia lúc này như nhìn thấy một hình ảnh của Việt Nam ngày nào, vừa mừng cho đất nước bạn đã và đang phát triển, nhưng lại cũng nhiều tự sự, mọi thứ không thể khác được, quy luật cuộc sống hay quy luật của loài người là phải thế.

Mông Cổ, tôi không rõ cái tên này ở đâu ra, càng lớn nghe càng khó chịu vì một quốc gia sao lại phiên âm thành mông với cổ. Nam Triều Tiên-Đại hàn Dân quốc đã đề nghị gọi lại tên nước khi vào Việt Nam: Hàn Quốc. Vậy Mông Cổ sẽ phải đọc thế nào cho xứng danh đã từng là một quốc gia hùng mạnh, từng cai quản vùng đất và cả dân số đến gần 2/3 thế giới. Mà cũng có khi cái tên nó vận vào người, mông cưỡi ngựa chinh chiến khắp nơi, cổ lắc lư luôn chỉ hướng về phía kẻ khác để bách chiến bách thắng trong quá khứ, nhưng nay thì luôn phải nhẹ cúi đầu bước đi trên những thảm cỏ mùa hè hay mặt băng buốt giá mùa đông, nhỏ bé và nhẫn nại như cát sa mạc, như vài dòng suối lẻ loi thêm vài bông hoa khác lạ trên vùng đất rộng lớn thứ 19 thế giới, tất cả là để chờ đợi đến ánh hoàng quang lần thứ hai-như cầu vồng kép ở Mongolia, không biết bao giờ sẽ quay lại với dân tộc mình. Hay cái tên vậy nên con người nơi đây cũng chỉ quanh quẩn với tứ khoái, với những dê cừu bò thẩn thơ đồng cỏ và lạc đà chậm rãi trên sa mạc bao la bất tận ánh nắng trong cả mùa đông lẫn mùa hè, hay còn đó là ẩn chứa một nỗi đau ê ẩm (mông) và mỏi (cổ) đã thẩm thấu chạy vào mỗi trái tim lạnh của những người lính du mục vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới, để thỉnh thoảng lại le lói trở lại bởi những cơn gió băng quật vào mặt đã cháy sạm như nhắc nhở các thế hệ con cháu Thành Cát Tư Hãn về một thời xưng vương đã xa.

Mongolia, nên đến và ở lại để cảm nhận cuộc sống du mục, dù rằng chẳng còn bao nhiêu nếu bạn đến ở trong các thành phố, đặc biệt ở thủ đô Ulaanbaatar. Các thành phố Ulaanbaatar, Edernet, Murun, Karakorum,… đều đã không còn kiểu du mục nữa, nhà cửa đã đúng với tính chất …bất động sản và siêu bất động sản ở thủ đô, chứ không còn di động như du mục. Có khi tính du mục còn sót lại chỉ là bởi ánh nắng và bụi bẩn luôn hiện hữu ở khu dân cư mới trở thành đô thị, trong đó vẫn xen kẽ là một vài và nhiều lều (ger) của ai đó như chứng minh quá trình du mục-tái nghèo lại đang bắt đầu trở lại, khoảng cách giàu nghèo lại tái hiện.

Cũng như nhiều nơi khác, chỉ cần đi xa ra phía ngoài vài dặm là có thể thấy lại hình ảnh của chính mình vài chục hoặc vài trăm năm về trước, là cuộc sống luôn thiếu thốn, bần tiện, lạc hậu…, làm chân tay quần quật cũng chẳng đủ ăn, đừng nghĩ đến tính cho con cái ăn học bằng bạn bằng bè, nói thật tí là đến chỗ ị còn chẳng ra gì thì làm sao mà làm việc lớn được… Và tất nhiên bên cạnh đó, luôn luôn là tầng lớp những người con ưu tú, tinh hoa của dân tộc được hưởng những biệt đãi của trời đất và cha ông họ. Những con người ngồi xe sang với điều hòa lạnh như đêm mùa hè vẫn 10 độ C, cổ lại hướng mặt thẳng về phía trước, bên cạnh là bạn trai, bạn gái đầy nội lực và cả …phồn thực, mặt da trắng cứng tựa băng mùa đông 8 tháng dày đến cả mét bao phủ khắp đất nước.

Mongolian có thân thiện, dễ chịu, dễ tính… không. Để xét tính cách của một dân tộc từng thống trị gần cả thế giới này phải xét đến điều kiện tự nhiên nơi sinh sống. Với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, 4 tháng mùa hè từ tháng 6 đến tháng 9, còn lại là mùa đông, ngay trong những ngày hè, với lễ hội Nadaam thường được tổ chức từ 10/7-13/7, cũng không phải mùa hè như thông thường, bởi sáng và đêm vẫn rét, có khi dưới 10 độ C là rất bình thường, một ngày 4 mùa, là câu nói dễ nhất đối với ai đã từng một lần đến đất nước này vào mùa nóng nhất trong năm, hay mùa hè phải oto, mùa đồng chỉ có thể bằng máy bay.

Đã từng là một dân tộc lớn, không, phải là vĩ đại mới đúng, nay phải cam chịu phận cửa dưới thì rõ ràng là cực kì khó chịu. Nên bên ngoài thân thiện, cởi mở cũng là điều phải. Ngay cả Japan đế quốc, cướp biển England, thực dân France hay tư bản America cũng quá là tình thương mến thương với cả loài người, thì làm sao mà vó ngựa roi da Mongolia lại khác được. Còn thiếu một yếu tố quan trọng không thể không nhắc tới là cuộc sống du mục. Nhiều nơi trên thế giới đã bớt dần và gần như mất hẳn kiểu sống này, nếu có chỉ là mục đích khác, ví dụ như do yêu thích tự do, chứ khó có thể nói là bởi lý do sinh tồn như ở Mongolia(?). Vẫn còn đến khoảng 50% trong số gần 2,9 triệu dân (số liệu 2014) sống cuộc đời du mục hay bán du mục ở những vùng có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mùa hè khoảng 40 độ C, mùa đông cũng âm đến con số đó…
 
Đánh-Chạy (Hit-and-Run)

Ngựa chiến thời Đế chế Mongolia thế kỷ 13-14 chỉ là những chiến mã nhỏ bé nhưng cực kỳ khỏe mạnh. Ngựa chiếm vị trí tinh thần rất lớn trong tâm linh của các kị binh.

Trước mỗi cuộc chiến, sữa ngựa được các chủ tướng tưới lên mặt đất để đảm bảo cuộc chiến sắp tới sẽ thắng lợi. Ngày nay, nghi thức này vẫn được người du mục thực hiện, nhưng là cho các khách du lịch khi họ rời lều, khu trại để tiếp tục cuộc hành trình. Những cô con gái trẻ mặc trang phục dân tộc (để thu hút khách du lịch) hoặc có thể là bất kỳ ai, sẽ lấy sữa ngựa để sẵn trong thùng và tưới ra xung quanh vào nền đất, vẫy chào khách du lịch, chúc họ thượng lộ bình an.

Trong các nghi lễ shaman, ngựa cũng được dùng để hiến tế các vị thần trên thiên đàng.

Khi Genghis Khan mất, có 40 con ngựa được bồi táng cùng, sau đó 1000 con ngựa giày xéo ở nơi chôn cất để xóa toàn bộ dấu vết để không ai tìm thấy.

Genghis Khan là người đầu tiên đã phát huy được hết lợi thế của loài chiến mã này, nhanh và linh hoạt. Chiến thuật đánh trận chủ yếu là Đánh-Chạy (Hit-Run), bóng đá Anh cũng học theo trường phái này nhưng biến thành là Kick-Run. Sau khi tiến và đánh rất nhanh, các kị binh lại nhanh chóng biến mất giữa thảo nguyên.

Sự cơ động, bất ngờ và tàn bạo, chuyển hóa nhược điểm mùa đông thành các lợi thế tuyệt đối, là những đặc điểm quan trọng nhất giúp quân Mongolia chiến thắng gần như tuyệt đối trong các cuộc giao tranh. So với thế giới hiện nay, ngựa có thể coi là tên lửa xuyên lục địa ở thế kỷ 13.

Chiến thuật của Mongolia còn là, họ chạy nhử cho ngựa đối phương đến khi kiệt sức, lúc này quân lính sẽ đồng loại thay ngựa bằng ngựa được cất giấu tại các địa điểm chuẩn bị sẵn và bắt đầu phản công.

Một chiến thuật khác là thường chủ động tạo ra các cuộc chiến trên mặt trận rất rộng lớn. Vì người Mongolia đã có hệ thống các trạm liên lạc (Yam, Ortoo), trạm kiểm soát hay điếm canh, kể cả là tửu điếm,… rất phát triển và hoạt động hiệu quả. Cách chừng 20-60km có một trạm với người và ngựa tốt nhất luôn sẵn sàng ngày đêm. Có khoảng 1500 trạm và hơn 50.000 ngựa chỉ tính riêng ở vùng China.

Hoặc chiến thuật cũng thường được áp dụng thủa ban đầu là cố tình thua chạy để đối thủ đuổi theo và sẽ gặp quân mai phục. Không thể không nói tới chiến thuật dùng kẻ thù làm hàng rào sống trong các cuộc tiến công.


Những cuộc chiến ngựa-cung đã đi vào lịch sử, ở đó tỷ lệ quân Mongolia và đối phương chỉ là 1:4, 20.000 quân Mongolia đấu với 80.000 quân đối thủ. Đôi khi đối thủ quá đông, người Mongolia phải dùng chiến thuật vừa đánh vừa chạy mà chạy sẽ là chính.

Các kẻ thù hay đối thủ, phần lớn họ cũng là nông dân như các kị binh Mongolia, đều không thể trở tay và có thể đuổi kịp vì không quen với cưỡi ngựa đường dài, và cũng không thể bỏ lại nhà cửa trong một thời gian dài chỉ để chạy đuổi đánh quân Mongolia.
Trong cuộc chiến mà đối thủ rất mạnh, các chiến binh Mongolia sẽ được trang bị vũ khí khác nhau tùy thời điểm. Đầu cuộc tấn công hoặc phòng thủ, có thể họ chỉ là các cung thủ (kiểu trang bị vũ khí hạng nhẹ), sau đó họ chuyển sang dạng kị binh với nhiều vũ khí hơn (trang bị vũ khí hạng nặng) như mỗi kị binh có: Mũ sắt, áo lụa nhẹ bên trong, áo khoác, cùng áo giáp ngoài, 2 cung cùng túi hàng trăm mũi tên, 1 dao găm, 1 rìu, 1 thương (dài), 1 dây (thòng lọng)… Lúc này họ không chỉ dùng cung bắn mà có thể giáp mặt để hạ gục đối thủ. Đánh với quân ở Châu Âu có áo giáp tốt, khó dùng cung nên phải chuyển sang dùng gươm cong, rìu, thương, dây làm ngã đối thủ và cho ngựa giày xéo.

Tên của cung cũng có một loại đặc biệt, là tên phát tiếng nghe như tiếng còi hú. Đây là tên rỗng nên khi bắn ra sẽ có tiếng huýt nghe như còi, gió rít,… để uy hiếp kẻ thù hoặc là hiệu lệnh cho quân Mongolia, vì giữa chiến trận thì có hổ lốn các loại âm thanh to nhỏ khác nhau. Mũi tên lửa cũng được sử dụng.


Chiến thuật tàn sát quy mô lớn, san bằng các thành phố, dùng thủ đoạn cưỡng bức tàn sát thảo dân thời đó để trấn áp kẻ thù ngay từ đầu, phủ đầu một cách tàn bạo nhất, được coi là một ưu thế của đội quân Mongolia.

Nhưng không thể không nhắc là họ cũng phải dùng công nghệ hiện đại thời đó của người Hán để chế tạo pháo, thuốn nổ.


Người Mongolia cũng phát triển được một loại cung hỗn hợp được làm từ sừng và gân, cùng với kỹ năng bắn trong lúc phi ngựa, tạo lợi thế rất lớn so với đội quân thông thường. Thế kỷ 13 thì cung Mongolia dài khoảng 90-100cm, đã có tầm bắn xa 200-300m, hơn hẳn cung Anh cùng thời kỳ, loại longbow của Robin Hood, tất nhiên càng xa thì mức độ chính xác và gây sát thương càng thấp.
Thời Chinggis Khan, có một người tên Esungge đã bắn cung trúng đích ở mục tiêu 502m, hiện vẫn còn bia tưởng niệm ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở UB.

Xét về từng cá thể thì kỵ binh Mongolia chỉ được xếp thứ 10 trong Top 10 kị binh mạnh nhất trên thế giới, thua kị binh Macedonia, Ottoman, Napoleon,… Tuy nhiên đánh trận tập thể thì không kị binh nào vượt qua vó ngựa kị binh Mongolia.


Yên ngựa bằng gỗ và da được bôi mỡ cừu để ngăn co ngót và nứt, tạo thuận lợi cho các chú ngựa chịu được sức nặng của chiến binh trong một quãng đường dài di chuyển, và cũng là ghế tựa êm ái vững chãi cho các chiến binh. Bên cạnh đó, túi trên yên ngựa của mỗi kị binh còn có thể mang thep được nồi nấu ăn, thịt khô, sữa chua, chai nước, và các vật dụng cần thiết khác cho các cuộc dã chiến dài ngày.

Bàn đỡ chân cũng rất quan trọng, giúp kị binh có điểm tựa giữ ổn định để bắn tên với sức mạnh và có độ chính xác tốt nhất.

Áo giáp chỉ có ở sau này, còn giai đoạn đầu của cuộc chiến thời Thành Cát Tư Hãn không có nhiều áo giáp đủ cho quân lính. Quân Mongolia thích loại áo giáp bằng da nhẹ, loại đã được ngâm tẩm qua nước tiểu ngựa, áo giáp cũng được mặc cho ngựa chiến.
Nhưng ngoài yếu tố trên, rất có thể đó là gen của dân tộc Mongolia, gen cưỡi ngựa và bắn cung. Họ thống trị thế giới chỉ với ngựa và cung, thật kỳ lạ.


Đến Mongolia, không thể bỏ qua loài ngựa Takhi, là những chú ngựa hoang dã nguyên thủy cuối cùng còn lại trên thế giới. Nó còn được gọi là Przewalski, được đặt tên theo nhà thám hiểm Nga, người đầu tiên phát hiện ra loài ngựa này vào năm 1878. Một con ngựa hoang trưởng thành nặng khoảng 250-300 kg hoặc từ 250–350 kg, cao tầm 1m30 và dài 2m. Loài ngựa màu nâu này có chiếc cổ ngắn một cách đặc trưng. Đặc biệt, ngựa Przewalski có 66 nhiễm sắc thể thay vì 64 như những loài ngựa khác.
Ngựa hoang có thể phát hiện nguy hiểm từ khoảng cách 300 mét và bỏ chạy ngay lập tức. Tuy nhiên thực tế không hẳn vậy, khi đến thăm chúng ở công viên quốc gia Khustain Nuruu, cách thủ đô UB 120 km về phía tây nam, thì vẫn có thể lại gần, chắc do chúng đã quen với những nhà khoa học Mongolia và quốc tế đang sống tại đây và nghiên cứu về chúng. Có thể cứ vào thời gian đó, địa điểm đấy là một vài chú ngựa hoang lại đến để xem khách du lịch, chứ không phải ta đến xem chúng có tồn tại hay không.

Khác với các loài ngựa hoang khác đã từng được thuần hóa, loài ngựa hoang Mongolia chưa bao giờ được thuần hóa, và là loại ngựa hoang thật sự duy nhất còn tồn tại đến nay.

Với người Mongolia, nếu ngựa chết thì mình chết, ngựa còn thì mình sống.
 
Cuộc sống du mục đang thay đổi

Nếu đất nước phát triển hơn nữa thì người dân du mục hoàn toàn có thể dư thừa nước sử dụng, và dân phượt có thể yên tâm thong dong trên các đồng cỏ xanh mướt nhưng khô cằn cùng với nắng, gió, bụi và những cừu, dê, ngựa, bò, bò yak, lạc đà... để đến tối lại nằm ngâm mình trong nước ấm hoặc lạnh như khách sạn ở UB. Thực sự, ô nhiễm bụi là thứ khá đáng sợ ở cả UB lẫn mọi nơi đi qua.

Thực ra, người Mongolia thiếu năng lượng, là điện, hơn là thiếu nước. Tất nhiên nước loại gì, vì nước sạch theo tiêu chuẩn thế giới thì chỉ có 50% người dân được tiếp cận với nó. Du mục thì chỉ là nước suối, nước hồ.

Cột điện ở Mongolia khá hay, rất nhiều vùng cột 2 phần: Cột bê tông bên dưới và cột gỗ ở trên. Cột bê tông cao hơn mặt đất khoảng 1m, sau đó mới nối với cột gỗ bằng dây thép buộc lại. Bê tông ở dưới để chống được rét mùa đông và khi băng tan, chứ nếu là gỗ thì rất nhanh hỏng.


Hầu hết người du mục trên đường chúng tôi đi qua đều sử dụng năng lượng mặt trời cho các sinh hoạt hằng ngày, cho tivi, đài, chiếu sáng. Mùa đông thì trời nắng và trong hơn mùa hè nên họ dự trữ được nhiều năng lượng điện hơn. Hiện tượng trời mùa đông trong sáng (ít mây) hơn mùa hè là do điều kiện tự nhiên gió ngược (anticyclone dominance) làm cho tuyết ở Mongolia ít hơn nơi khác dù nhiệt độ rất thấp. Ở Mongolia có chương trình quốc gia “100.000 Sun Lights” được hoàn thành vào năm 2011, cung cấp khoảng 20.000 hệ thống năng lượng mặt trời cho các hộ gia đình nghèo du mục.

Điện ở Mongolia thật bất tiện ở thời đại smartphone, máy ảnh, laptop. Trước tiên họ dùng điện 220v, tần số 50hz, chân cắm tròn (nhớ là không phải dẹt), ổ cắm loại C/E (tròn, chìm).


Ở các ger, nếu ger cao cấp (giá tiền đắt hơn khoảng gấp 3-4 lần cho 1 người 1 đêm), ví dụ bình thường của ger của phượt là 20.000-25.000 MNT/người/đêm, nếu muốn thoải mái sạc điện thì cần chi khoảng 60.000-70.000 MNT, mỗi ger với khoảng 6-8 người.

Có những nơi bạn đến thì hoàn toàn không có điện, kể cả điện chiếu sáng. Một số nơi khác thì có điện chiếu sáng, có thể sạc điện nhưng chỉ khoảng 2-3 giờ từ 21g-23g, sau đó là tắt đi ngủ, do điện chạy bằng máy nổ chứ không phải nguồn điện quốc gia.
 
LẠI CHUYỆN ĐIỆN, NƯỚC


Trước khi đàm phán sang Mongolia, bạn cần hỏi kỹ về điện, thời gian sạc và ngoài mang cục tích điện thì cần mang ổ cắm có nhiều chân, nếu không sẽ tranh nhau sạc và có khi lượng điện sạc theo đầu máy chẳng được là bao, cả ngày sẽ không được chụp ảnh và điện thoại không dùng được.

Khi ở Mongolia rồi, hàng ngày bạn cũng đều phải hỏi người dẫn đường, dẫn tour về tối đến sẽ thế nào, ở đâu, ngủ thành phố thì yên tâm đủ điện cho cả đêm, với ngủ ger thì kiểu “ger thời vụ” hay khu trại ger (tourist camp), ger rẻ tiền hay nhiều tiền, bên cạnh trại ger rẻ tiền thì sẽ phải có ger nhiều tiền.

Để dễ hiểu thì nhiều tiền sẽ có điện nước đầy đủ, tắm nước nóng thoải mái dù mất thêm tiền tắm do chưa tính tiền tắm vào giá ger, điện cũng thoải mái. Buổi sáng, tối, ngoài tắm thì phải rửa mặt, có đánh răng nữa, nêu nếu gặp nước lạnh thì thôi rồi vì nước có khi chỉ 5 độ C mà thôi. Ngồi trước và cạnh cửa ger cũng rét, chưa tính phải đi từ ger đến khu vệ sinh thì rét hơn. Đánh răng và rửa mặt chỉ có hỏng người, thà chịu bẩn hoặc còn nước lọc trong chai mang đi thì bỏ ra mà dùng.


Phượt ít tiền thì ngoài thiếu nước, thiếu điện thì còn rất dễ phải vào ngủ ở “ger thời vụ” (Guest ger), là loại kiểu như tranh thủ kiếm thêm, dù là cố tình vì chỉ làm ăn được từ tháng 6 đến tháng 9, ngoài thời gian đó là mùa băng giá, do dân hay nhóm dân làm lên cho thuê, loại này thì không có dịch vụ gia tăng gì cả, chưa kể có thể bẩn nữa.

Ví dụ, bình thường họ sống trong ger chờ khách du lịch đến thuê, có khách là họ dọn đồ của họ đi, mang ga, ruột chăn để sẵn trong tủ, vali, hoặc ga, chăn ở đâu đó để vào ger. Chăn ga này khi khách đi lại cất vali, tủ để chờ người khác đến. Nếu ger đắt tiền hơn thì có thể chăn ga sẽ được giặt, nhưng cũng rất hiếm vì nước có đâu mà giặt, chỉ thấy họ mang phơi ra nắng gió là thấy tốt lắm rồi.


Các khu du lịch (Tourist ger, Ger camp) ở gần các hồ thì có thể lắp hệ thống ống hút nước từ hồ lên và dùng, như vậy nước đầu vào không thiếu, chỉ có thể bẩn và hơi bẩn mà thôi, đầu ra là nước thải phải được xử lý và quản lý theo quy định rất nghiêm ngặt của nhà nước, vì nếu lại thải trực tiếp xuống đất thì sẽ thấm ngược trở lại hồ. Tuy nhiên các đàn gia súc chăn thả quanh hồ thì xả chất thải vô tư, ngay cả nhà vệ sinh của người cũng cách hồ khoảng 100m (hồ Khovsgol), mà nước hồ là nguồn nước duy nhất cho sinh hoạt và ăn uống của người dân ở đây. Nước lấy về cho vào bình chứa to hơn, không cần qua thiết bị lọc. Nước này không thực sự trong vắt dù nhìn mắt thực và trên ảnh thấy rất trong sạch, nhưng đun sôi, rót ra bát thấy rõ nó hơi mờ mờ, để uống chè, cafe sáng có cảm nhận không tươi ngon.


Có vẻ như các chất thải của động vật không làm ô nhiễm nguồn nước hoặc do lối sống du mục thiên nhiên đã thành gen thuộc tính khó bỏ và không bao giờ bỏ được, cũng như một số tôn giáo, dân tộc trên thế giới có những tập tục rất “kỳ quái” và “bẩn”.
 
Điện và Gió


Nguồn điện ở đây hiện chỉ cấp đến khoảng 80% dân số bởi đường dây tải điện kém và chưa có, các nhà máy điện đã lạc hậu mà chưa được thay thế hoặc nâng cấp kịp thời, công suất hiện nay chỉ đạt 80% (800MW) công suất ban đầu (1.000 MW).

Có 4 hệ thống điện quốc gia độc lập theo các khu vực quan trọng: Trung tâm, Tây, Đông và vùng Altai Uliastai. Trung tâm ở đây vừa là vị trí địa lý vừa chỉ những nơi trọng yếu ở Mongolia.


Toàn Mongolia, năng lượng điện tiêu thụ đạt khoảng 5.000 triệu kWh/năm. Trong đó hệ thống quản lý điện Trung tâm chiếm 80% lượng điện toàn quốc, bao phủ gần hết diện tích đất nước, có thủ UB và 2 thành phố công nghiệp quan trọng nhất là Edernet, Darkhan; có Moron và các thành phố cực đông Choibalsan và cực tây Olgii, kể cả thủ phủ của sa mạc Gobi.


Hệ thống điện Trung tâm gồm 7 nhà máy nhiệt điện bằng than (đặt ở UB, Darkhan và Erdenet) và nhập từ 1 nhà máy điện của Nga. Hệ thống điện vùng miền Tây là điện nhập khẩu từ Nga, vùng này gần Nga hơn, còn Hệ thống điện vùng miền Đông chỉ là nhà máy nhiệt điện (kết hợp cả nhiệt và điện) công suất 36MW. Mùa đông là mùa cần nhiều điện hơn cả và phải nhập khoảng 250MW từ Nga.

Hệ thống điện Altai Uliastai không được nối với 3 hệ thống trên và vùng sa mạc Gobi, là khoảng 600 nhà máy điện diesel có công suất 60-1000kW.


Do đặc điểm khí hậu rét vào mùa đông, nên các nhà máy điện ở Mongolia đều là kết hợp cung cấp cả nhiệt và điện. Năm nhà máy điện chạy bằng than đều có thêm phần để tạo ra nhiệt bằng nước nóng và dẫn khí nóng sử dụng cho các mục đích khác nhau.

Tiêu thụ điện của ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 43%, nhà máy 20%, dân sinh 17%, thất thoát khoảng 15%...
Lượng nhiệt dân sinh tiêu thụ 42% (chủ yếu cho sưởi ấm vào mùa đông), ngành công nghiệp và xây dựng 30%. Tổng lượng nhiệt sản xuất được 7 triệu Gcal/năm.

Ở vùng nông thôn, người du mục vẫn có thể phải dùng phân gia súc như phân bò (vì nó to) để đốt.



Gió


Với sông hồ không thể làm thủy điện, thì bên cạnh năng lượng mặt trời chỉ còn nguồn năng lượng tự nhiên khác là gió.
Mongolia với diện tích đất là gần 1,6 triệu km2 thì cũng là 1,6 triệu km2 của gió, tuy nhiên nguồn năng lượng từ gió chỉ tính bằng 10% của 1,6 triệu km2 đất, tức 160.000km2.

Các nhà khoa học ước tính 7MW/1km2, thì toàn Mongolia có nguồn điện gió 160.000x7=1.120.000MW, và có 2,5 nghìn tỷ kWh/năm (lưu ý là lượng điện tiêu thụ trung bình hiện nay ở Mongolia là khoảng 5.000 triệu kWh/năm). Đây là các tính toán của các nhà khoa học từ USA cho Mongolia. Những con số ấn tượng nhưng vẫn chỉ là lý thuyết và ở dạng tiền năng còn tiếp tục tiềm ẩn lâu dài. Còn năng lượng mặt trời đã được người dân tận dụng.

Lượng gió có nhiều vào tháng 3 đến tháng 6 (mùa Xuân còn gọi là mùa Gió), đạt max vào tháng 4, 5; thấp nhất ở tháng 7 và 8; tháng 10 đến tháng 2 thì lượng gió cao thấp phụ thuộc theo mỗi vùng. Đứng trên thảo nguyên, lúc nào cũng mát và lạnh vì gió dù bạn không hề thấy gió do xung quanh chỉ là thảm cỏ, khó mà nhìn chuyển dịch của cây cỏ bởi gió, hay sự dịch chuyển của các luồng không khí. Mà có gió hay không, mạnh hay yếu thì đàn gia súc vẫn bình thản gặm cỏ, người dân vẫn sinh hoạt như bình thường.

Nguồn điện ở Mongolia với 93% là từ các nhà máy nhiệt điện (chạy bằng than), phải nhập là 6%, còn lại 1% là từ các trạm nhỏ chạy bằng diesel, một số rất ít điện có được từ khí hydro, năng lượng mặt trời và gió. Có tài liệu nói vẫn xuất khẩu điện 21 triệu kWh/năm.


Khoảng 60% người dân sống trong khu đô thị có hệ thống sưởi trung tâm và phòng tắm với vòi sen, so với 32,0% sống ở các tỉnh (aimags), còn dân sống ở soums (sum, quận, huyện) và baghs (bag, xã) thì không có gì.
Chỉ có 4% cư dân sống ở ger trong khu vực đô thị có điện thoại, so với 10% trong aimags, và 2% trong soums và baghs.
 
Tháng 7 mùa du lịch, mùa mưa nhưng mưa rất ít

Tháng 7 cao điểm của mùa du lịch, thuộc mùa gió ít (gió ít nhưng là mùa mưa, dù lượng mưa rất ít), trưa và chiều là thời gian nóng nhất nhưng vẫn thấy mát lạnh, ngồi trong xe oto không điều hòa thì nhiệt độ 38 độ C, còn ngoài trời có khi 24-28 độ C mát hơn trong xe. Nếu đi vào mùa gió nhiều và gặp gió, gió lại mạnh như bão thì có khi cả người cùng oto cuốn theo gió, nhưng chắc chắn lúc đó chỉ có ngồi trong nhà hoặc ger chứ không dám thò đầu ra.

Nhiều hôm, vào các buổi sáng sớm hoặc chiều tối, khi cả thân còn trong ger và chỉ mới thò đầu ra khỏi cửa ger đã phải thụt ngay lại bởi gió quá mạnh và lạnh như cú đấm hay tát mạnh vào mặt, cảm nhận rát cả má, lạnh thái dương, đầu ong ong ù ù, dù chỉ trong vài giây; đầu đã ở trong ger rồi mà vẫn còn cảm giác rùng mình, không biết mình đang ở đâu, phải lắc lắc như để tỉnh lại và trở về cảm giác thực.

Trong ngày di chuyển, bạn cần phải có mũ hay khăn to để trùm che nắng cùng chắn gió, kể cả khăn làm thay một phần áo khoác để giữ ấm. Nhưng với người dân du mục, gió như bão bạn vẫn có thể bắt gặp các thanh niên hay cụ ông cởi trần đi lại bình thường.

Gió mạnh, lốc xoáy cũng xảy ra ở đất nước này, tốc độ gió 40m/s, kỷ lục là 100m/s.

Ai đến Mongolia cũng thấy các đàn gia súc được chăn thả trên các thảo nguyên thì nguồn nước hay môi trường cũng bị ảnh hưởng. Trẻ em Mongolia thường mắc 2 bệnh chính và tử vong chủ yếu là viêm phổi do rét và tiêu chảy do nguồn nước.

Nếu là phượt, bạn chỉ là ngồi xe oto lướt qua, dừng chân làm vài tấm ảnh, bạn ở qua vài đêm trong ger, cũng khá gần nơi gia súc ngủ đêm…

Hay cũng có thể bạn đã cưỡi ngựa, lạc đà được dành riêng cho dân du lịch. Bạn có thể dũng cảm dừng lại trên đường giữa chiều nắng rát mặt để chụp ảnh với đàn gia súc, đàn ngựa cùng chàng cao bồi chăn ngựa với ào choàng cùng đôi ủng cao tận đầu gối, hay với vài ba đứa trẻ con mặt mũi bỏng nắng đang vui chơi trên bãi cỏ, bạn có thể ở trong bóng râm gần các chú bò yak với nhặng to bằng ngón tay ù ù vây quanh…, dưới chân bạn là hàng tá hàng ngàn chất thải các loại của gia súc du mục, và cuối cùng không thể không nhắc tới là không khí xung quanh nơi bạn vui đùa, khó mà tả lại cái cảm giác đó...
Giữa bầu trời không khí tươi mát, đang du dương, nhất là khi bạn đang ngồi trên đồi cao, nhưng cạnh bạn hay xa một chút là đàn gia súc, một cơn gió khẽ chợt vởn qua thì đỡ, chứ gặp luồng khí quẩn nồng nặc và đậm đặc của chiều hè thì …thôi rồi, nếu ai nhạy cảm hơn thì chỉ cần nhìn thấy chòi nhà vệ sinh của người dân Mongolia giữa khung cảnh bao la có khi cũng hết hứng.
 
Một trong tứ khoái

Phượt Mongolia thì ở miền trung hay lên phía bắc sẽ tiện lơi hơn là xuống phía nam với sa mạc Gobi, vì như trên đã nói, củi sưởi ấm có rất nhiều ở miền bắc. Nhưng đây đang bàn chuyện đại tiện và tiểu tiện. Tiểu tiện thì miễn phải kể nhiều vì khá thoải mái, kể cả với các chị em.

Nếu tự dung thấy buồn, cứ ra hiệu cho lái xe (tài xế ngồi bên phải chứ không phải bên trái) dừng trên đường, ra sau xe mà tự xử, hoặc ra vẻ hơn thì đi lang thang vừa hóng mát ngắm cảnh thiên nhiên, xa xa khỏi tầm nhìn của mắt các anh em, tìm chỗ ngồi thích hợp mà xả, có thể đại tiện cũng không sao, không ngại cỏ cao xỉa lung tung. Chỉ nhớ cẩn thận với ống tele của máy ảnh.

Đấy là những chỗ bằng phẳng, còn trên đường đi, còn rất nhiều chỗ là rừng cây, tán cây, đồi núi nhấp nhô, sông suối uốn lượn, có thể tìm chỗ gần suối cho nó sạch(?), đúng với tính chất người du mục. Có anh lái xe còn dừng xe là ra sau xe làm bãi luôn lên bánh xe, chứ không thèm tưới cỏ.

Nếu đi vào địa điểm thăm quan, thường vắng khách du lịch chứ không hề đông đúc, chỉ cần lùi lại phía sau hay đi lệch đường là yên tâm, cùng lắm bạn đường chỉ thấy bóng áo quần của bạn lấp ló chứ không thể nhìn rõ gì cả.

Trên cả trăm km đường nhựa, hai bên là thảo nguyên, thỉnh thoảng vẫn nhiều xe dừng ngay bên đường và các anh chị Mongolia vẫn bình thản chứ đâu phải là không.


Khó hơn là vào khu dân cư bên đường, tạm dừng chân nghỉ hoặc ăn trưa, ăn chiều… Vào đây thì tôi khuyên bạn nên cố mà nhịn nếu không phải nhà vệ sinh mà bạn muốn. Khu dân cư thì chắc chắn bạn phải vào nhà vệ sinh của họ, tiểu tiện có thể bậy bạ đâu cũng được, chứ đại tiện thì không thể rồi.

Bởi nhà vệ sinh của họ là mảnh đất mặt bằng khoảng 1mx1m hoặc to hơn là 2mx2m, 3 đến 3,5 bức tường quây gỗ theo chu vi, có mái hoặc không có mái che, có cửa hoặc không có cửa. Họ đào đất sâu khoảng 1-2m, đủ để khi chất thải rơi thì không bắn ngược lại, đặt các tấm gỗ lên, khoét lỗ để bạn ngồi và… Mọi thứ khác sẽ do tự nhiên quyết định, khi nào sắp đầy thì lấp đất và làm nhà vệ sinh mới, có thể bên cạnh. Giả sử nhà đất hẹp thì sẽ đào lại hố mà chưa phân hủy hết. Mỗi hố như vậy dùng trong 2-5 năm là lấp đi.


Nói chung nó như nhà vệ sinh tập thể những năm 1970-1990 ở làng quê hay thành phố, thủ đô của Việt Nam. Chỉ không thấy họ dùng phân này cho trồng trọt như ở Việt Nam. Chắc nhiều bạn còn nhớ, ở thủ đô Việt Nam đã có thời mà, khi bạn ngồi thải thì có thể ở dưới có ai đó đang dùng sào gắn ca để múc phân cho vào thùng và chở đi giữa thủ đô…

Các nhà vệ sinh ở Mongolia kiểu như trên thường nằm gần và rất gần chỗ sinh hoạt hay là nhà chính. Đôi khi thấy một nhà vệ sinh chung to hơn bình thường nằm ở gần đường đi lại của khu dân cư.


Tóm lại, không nên vào nhà vệ sinh kiểu này, kể cả chỉ là tiểu tiện, vì không muốn nhìn xuống dưới vẫn phải nhìn, không muốn ngửi nó cứ tự chui vào mũi, phổi… Hãy làm người du mục “đúng nghĩa” dù bất lịch sự.
Nhớ hồi bé, ở Việt Nam, có người vẫn dùng phân để chăm bón cây. Nhưng ở Mongolia thì họ không dùng lại.

Hiện nay, người ta đang thí điểm Nhà vệ sinh hai hố và Nhà vệ sinh khô. Loại hai hố là khi một hố được lấp đầy, nó sẽ được lấp ủ và hố kia được sử dụng; cứ thế lần lượt. Còn nhà vệ sinh khô là người ta cho tách nước tiểu và phân. Nước tiểu được sử dụng làm vườn nếu muốn. Phân khô sẽ được ủ trong đất. Nhưng chắc sẽ thất bại bởi người dân thấy không cần.

Nếu muốn, bạn hãy thử làm người Mongolia, sống lối sống du mục chăn nuôi, chứ không phải chỉ là “du lịch du mục”, bạn hãy thử sống và sinh hoạt như họ trong vài ngày, vài tuần... Tất cả đều mới chỉ để lại trong bạn những tình cảm, hoài niệm của kẻ lãng du tạm thời mà thôi. Tuy nhiên, nếu thiếu những thứ đó thì chắc gì đã là Mongolia, đã làm bạn phải quyết đi cho bằng được, cũng như làm tôi phải viết những dòng chia sẻ này ở đây.
 
Hết Hạ-mùa cây cỏ đến Thu Đông-mùa bão


Đến Mongolia vào mùa thu, bạn sẽ thấy cả thảo nguyên là một màu vàng. Còn mùa hè, thảo nguyên Mongolia là một màu xanh bất tận qua con mắt của bạn, nhưng cũng không hẳn thế.

Thảo nguyên ở phía bắc sẽ bắt gặp những cánh rừng bạch dương ngay trong tầm mắt, ở miền trung sẽ là núi đồi uốn lượn ngăn cản, còn ở phía nam là một vùng sa mạc. Thảo nguyên không phải bao giờ cũng là một màu xanh như trong các bài văn, thực tế có thể thấy khá rõ hai màu xanh chủ đạo. Thổ nhưỡng của Mongolia có gì. Chỉ thấy sa mạc, đất đai là sỏi đá, khô cằn, một lớp mỏng gọi là đất mà thôi, còn toàn đá hay đất cứng như đá sỏi; nhiều đồng cỏ không thể gọi là xanh hay xanh mướt, xanh rì… như sách vở hay phim ảnh mô tả, đó là một màu xanh cằn cỗi và mang lại cảm giác …buồn.

Bão tuyết ở Mongolia chủ yếu ở miền đông. Còn bình thường là bão gió, bão bụi, bão cát (wind storm, dust storm, sand storm) thường xảy ra vào mùa xuân, bão bụi được người địa phương gọi là Ugalz. Bão gió chủ yếu xảy ra sa mạc và thảo nguyên, khi bão xảy ra thì việc chăn nuôi gia súc bị gián đoạn, giao thông đường bộ dừng hẳn. Chính bão gió đã làm cho đồng cỏ bị khô cằn và không giữ được màu xanh như đúng nghĩa đồng cỏ trên thảo nguyên.

Còn sa mạc Gobi ở vùng đông nam Mongolia, địa hình vùng này là các ngọn đồi và thung lũng được bao phủ bởi đồng cỏ thưa thớt. Con số ấn tượng của Gobi: Thực tế, chỉ có 3% (khoảng 15.000km2) nơi đây được bao phủ hoàn toàn bởi cát, sỏi mà thôi. Nơi đây thì phải có bão bụi, tên bụi chính xác hơn là cát vì nó không hẳn là bão cát (Sand storm).

Bão này kéo dài trung bình 3-6 giờ, khoảng 70% xuất hiện vào ban ngày và 30% vào ban đêm, 61% bão xảy ra vào mùa xuân vì ít mưa. Trung bình hằng năm có khoảng 40 cơn bão, nhưng ở một số vùng như sa mạc, thảo nguyên thì đến 100 cơn bão trong một năm, cứ khoảng 3-4 ngày là gặp bão.

Ngay cả khi không ở sa mạc, vẫn có thể gặp bão bụi, lúc này xe oto phải dừng vì bụi che kín trời. Người dân Mongolia coi bụi như vậy là bình thường. Cũng may cả chuyến đi chúng tôi không gặp bão bụi nào quá lâu, cũng chỉ khoảng 15-30 phút là lại đi tiếp được, có những hôm thì đang ăn trưa nên không sao. Thỉnh thoảng có thể bạn nhìn thấy vòi rồng nhỏ.

Bão bụi ngày 27-30/1991 tốc độ 28-40 m/s đã quét qua vùng lãnh thổ của 12 tỉnh, khoảng 51.500 km2 đất canh tác đã bị mất hẳn lớp bề mặt bên trên và không còn khả năng sử dụng cho trồng trọt và chăn thả gia súc, bão làm bay hết đất bên trên, chỉ còn trơ lại mặt đá.

Trận bão ngày 18/3-21/3/2002 quét qua gần hết Mongolia là chết 3 người và 53.000 gia súc, quy ra tiền là 2,1 tỷ MNT (Tugrik) (1,12 triệu USD, 1USD=1800MNT), tốc độ gió max trung bình 20m/s trong gần 68 giờ liền. Các cơn bão này mạng bụi bay sang cả vùng Đông Á ảnh hưởng trực tiếp tới China, Korea, Japan. Hằng năm, khoảng 4000 tấn bụi và cát bay vào vùng trời diện tích 1km2.
 
Công viên Mongolia

Gia súc nuôi sống con người nhưng cũng là kẻ hủy diệt, chúng được gọi là kẻ hủy diệt thảm thực vật. Có hay không một tên gọi Thảo nguyên sa mạc hay Sa mạc thảo nguyên ở Mongolia, sa mạc với nghĩa chẳng còn làm gì, trừ làm sòng bài như Las Vegas hay cho người Israel thuê sa mạc.

Tất nhiên đó là tương lai rất xa, vì cả đất nước Mongolia được gọi là Công viên quốc gia, chứ không phải chỉ các khu bảo tồn mới là Công viên quốc gia. Vậy nên, các bạn hãy cứ thoải mái du ngoạn đất nước này, nó còn rất hoang dã và thiên nhiên ở mọi chỗ bạn ghé chân.


Ngày nay, do bắt buộc phải khai thác mỏ và các nhu cầu khác nên không còn 100% diện tích Mongolia là Công viên quốc gia nữa mà chỉ là con số khá khiêm tốn 14%, tương đương 220.000km2, được chia làm 4 khu:

- Khu bảo vệ nghiêm ngặt (6 khu): Cấm săn bắn, khai thác, không người sinh sống.

- Công viên quốc gia (9 khu): Cho khách thăm quan, du lịch, học tập, nghiên cứu. Hạn chế tiếp xúc với một ít người du mục sinh sống trong vùng. Các công viên quốc gia mà khách du lịch thường đến khi ở Mongolia là:
+ Lake Khövsgöl National Park: Có hồ Khövsgöl.
+ Khustain Nuruu National Park: Có ngựa hoang Takhi.
+ Gobiin Gurvan Saykhan: Sa mạc Gobi.

- Khu di tích tự nhiên và lịch sử (5 khu): Các hoạt động bị hạn chế.

- Khu bảo tồn thiên nhiên (8 khu): Các hệ thực và động vật quý hiểm được bảo vệ ở đây, cũng như có giá trị khảo cổ học. Các hoạt động ở đây đều phải theo sự hướng dẫn, kiểm tra nghiêm ngặt.
 
Mạng lưới đường bộ phát triển nhất

Mongolia cũng còn được xếp hạng là nước có mạng lưới đường bộ phát triển nhất thế giới. Vì rất đơn giản, trong thực tế, hầu như tất cả các đường được gọi là đường chỉ là một hoặc nhiều con đường nhỏ xuất hiện hoặc không có dấu vết gì ở trên các đồng cỏ, loại đường mà không phải là đường này thích hợp cho hầu hết các loại xe và đều có thể vượt qua vùng rộng lớn đồng cỏ nhấp nhô.

Tổng số cầu khoảng 500 cầu, trong đó cầu gỗ chiếm 40%, còn lại được làm bằng bê tông cốt thép. Cầu nhịp nhỏ hơn 10m chiếm 40%, nhịp lớn hơn 100m có khoảng 10% cầu.

Tỷ lệ phương tiện đi lại tính trên 1.000 dân của Mongolia 71,4-đứng thứ 114, còn Việt Nam là 13,6-đứng thứ 154.
Số phương tiện đi lại trên 1 km đường của Mongolia 2,11/km-đứng thứ 133, còn Việt Nam là 7,16/km-đứng thứ 117.
Khoảng 55% các con đường không đường thảm nhựa hay bê tông, gần như là đường “tự nhiên”. Tính mật độ thì trung bình mỗi 100km2 chỉ có 3 km là đường.

Và đường mới ở Mongolia là gì, là hầu hết các đường song song với đường cũ do đường cũ bị lún, hỏng, mấp mô quá mà thôi. Tóm lại ở Mongolia, tất cả đều gọi là đường, thậm chí siêu đường mới là đúng. Cứ lên xe, lái xe sẽ đưa bạn đến đích an toàn, dù bạn có thấy hay không nhìn thấy đường đâu cả. Người Mongolia có vẻ thích xác định phương hướng qua nhìn trời, họ nhìn lên trời chứ không thèm nhìn xuống đất, đất đai họ bao la và là sở hữu toàn dân. Ban ngày nhìn trời để đi, ban đêm nhưng thực ra phải khoảng 21g mới là đêm thực sự, nên các tài xế hay mọi người du mục Mongolia cũng vẫn nhìn trời để xác định hướng là chính. Về đêm, nếu không mưa bão gì thì bầu trời rất trong. Có khi đây là bản năng, gen trội từ thế hệ du mục xa xưa, khi chưa có phương tiện gì để xác định hướng. Nếu bạn có nhìn thấy đâu đó bản đồ thể hiện các con đường ở Mongolia, xin hãy cẩn thận vì các con đường bị thay đổi hằng ngày.
Ước tính khoảng 40.000-50.000 km là đường “tự nhiên” hay “thiên nhiên”.

Đường bộ được làm chủ yếu vùng miền bắc của đất nước. Trục Đông-Tây mạn phía nam là núi và sa mạc nên không làm đường. Có một con đường từ UB đến thủ phủ Dalandzadgad của tỉnh Omni-govi để đến sa mạc Gobi.

Tuy nhiên cũng có những con đường trải nhựa hoặc xi măng đúng nghĩa, nó chạy dọc bắc nam qua thủ đô UB kết nối với Nga và China, và hướng đông tây ở mạn phía bắc (đang xây dựng) và ở miền trung của Mongolia, đây là những con đường nhằm vận chuyển các khoáng sản khai thác được ở Mongolia sang Trung Quốc và Nga là chính, hơn là cho du lịch.


Khi đường trục đông-tây mạn phía bắc làm xong (trục Darkhan-Erdenet-Bulgan-Unit-Moron-tiếp đó vào Russia), mới làm được khoảng 50%, nó sẽ giúp phát triển cả du lịch. Còn đi du lịch vào lúc này sẽ rất vất vả vì xe sẽ chạy gần như song song với đường đang làm, rất rất bụi.

Có 3 trục đường bộ chính ở Mongolia:
- Trục Nam-Bắc: Phía nam từ Erlian (Ernhot, Inner Mongolia) thành phố biên giới với Mongolia, qua Saynshand đến UB, tiếp đó lên phía bắc đến Darkhan và Suhbaatar, rồi vào Russia.
- Trục Đông-Tây (mạn miền trung): Choibalsan (cực Đông) đến UB, qua tiếp Arvayheer, Bayanhongor, Altai, Dund-Us và Olgii (cực Tây) và sang Russia. Trục này có đoạn du khách hay đi là: UB-Kharkhorin.
- Trục Đông-Tây (mạn miền bắc): Đang làm mới và làm lại, chắc đến khoảng 2018 xong hết.


Hệ thống đường giao thông gặp trở ngại rất lớn là băng giá của khoảng 8 tháng mùa đông. Không đủ cát hay muối để rải lên băng, nên chất lượng đường xá suy giảm nhanh chóng. Còn chuyện ổ gà, ổ trâu là quá bình thường.

Trên đường di chuyển, việc hỏng xe là bình thường vì địa hình ghồ ghề lồi lõm, mùa hè là mua mưa, dù không nhiều nhưng thêm bùn, nước nên đi lại oto cũng khó, phải đi tốc độ chậm.


Vào mùa hè thì bụi bẩn có ở khắp các vùng nông thôn, ngồi trong xe cũng bụi nếu không đóng cửa bật điều hòa. Khoảng từ hai đến bốn giờ chiều thì nhiệt độ trong xe lên đến 37 độ nếu mở cửa xe và không điều hòa, bên ngoài chỉ 25-27 độ gió mát.


Trên đường, nếu mưa (mùa hè là mùa mưa) sẽ gặp trơn trượt, một vào dòng suối cũng gây khó khăn cho tìm đường, đường ổ trâu ngập bùn và nước, đôi khi cũng phải xuống xe để đi bộ. Còn mùa đông thì đương nhiên được bao phủ bởi băng và tuyết.

Tùy loại xe oto, tốc độ đi lại trên đường chỉ 20-30 km/giờ với đường đất, đường nhựa thì 100km/giờ cũng được.
Không nên phượt chỉ bằng xe máy, nếu có nên chia làm 2 nhóm, một nhóm ô tô đi cùng, nhóm kia xe máy.
 
Đường sắt


Có một tuyến đường sắt xuyên Mongolia chạy qua UB để kết nối với Nga (vùng Siberia-tuyến đường sắt xuyên Siberia, 2 thành phố gần nhất của Nga là Irkutsk-gần hồ Baikal và Chita) và Trung Quốc (đến Beijing), có đoạn nhánh đến thành phố công nghiệp Erdenet ở phía bắc. Cũng còn có một tuyến đường sắt riêng biệt nối thành phố cực đông Choibalsan với tuyến đường sắt xuyên Siberia qua Ereenstav, tuy nhiên tuyến đường nối này đã bị đóng(?).

Hằng ngày có các chuyến xe lửa chạy giữa UB và 2 thành phố chính Darkhan và Erdenet.

Tổng số km đường sắt là khoảng 2000km. Tuyến đường sắt xuyên Mongolia dài khoảng 1.500 km, kết nối Mongolia với Russia và China. Thủ đô UB đã được kết nối với tuyến đường sắt xuyên Siberia qua Bayantümen vào năm 1939, và nối với Suhbaatar vào năm 1950, và kết nối vào tuyến đường sắt China qua Dzamïn üüd từ cuối năm 1955.

Tuyến đường sắt UB được nối với Nalayh vào năm 1938 và nối với thành phố Darkhan và Tamsagbulag vào năm 1964.

Thành phố công nghiệp Darkhan có hệ đường sắt 60km đi vào các khu mỏ từ những năm 1961-1965. Còn ở thành phố công nghiệp Erdenet là hệ thống đường sắt dài 200km kết nối với hệ thống đường sắt xuyên Mongolia.

Tổng chiều dài của các tuyến đường sắt tính đến năm 2004 là 1.900 km, tất cả đều là khổ rộng.

Chỉ thế thôi. Với người ít tiền, tiết kiệm tiền, nhiều thời gian, muốn khám phá cảm nhận thêm thì có thể chọn đi đường bộ cùng đường sắt đến Mongolia, đến Beijing-China chơi nghỉ, rồi nhảy tàu tiếp đến UB. Đi theo tuyến này phải có người biết tiếng China, có người Mongolia đi cùng thì mới có thể đến đích và về nhà đúng kế hoạch.


Với đất nước rộng, thưa dân và khí hậu nghiệt ngã vào bậc nhất thế giới, thì không thể làm đường bộ được. Khí hậu như thế thì chưa làm xong thì đường đã hỏng, chưa kể làm ra cho ai đi, dân du lịch được bao nhiêu, nên cứ để đường trên bộ và đường trên không theo đúng quy trình tự nhiên du mục, ai muốn đi, muốn bay thế nào cũng được.

(HẾT)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,747
Bài viết
1,136,851
Members
192,573
Latest member
thienvmex
Back
Top