What's new

[Tổng hợp] Hãy gọi tôi là Mongolia

Mongolia-Không thể có lần thứ hai

(Bài viết này sử dụng nhiều và rất nhiều các tư liệu của các tác giả khác nhau, có thể nhiều nội dung không phù hợp nhưng chỉ với mục đích vui chứ không có ý gì khác. Xin cám ơn và thứ lỗi.)

Đến đất nước Mongolia lúc này như nhìn thấy một hình ảnh của Việt Nam ngày nào, vừa mừng cho đất nước bạn đã và đang phát triển, nhưng lại cũng nhiều tự sự, mọi thứ không thể khác được, quy luật cuộc sống hay quy luật của loài người là phải thế.

Mông Cổ, tôi không rõ cái tên này ở đâu ra, càng lớn nghe càng khó chịu vì một quốc gia sao lại phiên âm thành mông với cổ. Nam Triều Tiên-Đại hàn Dân quốc đã đề nghị gọi lại tên nước khi vào Việt Nam: Hàn Quốc. Vậy Mông Cổ sẽ phải đọc thế nào cho xứng danh đã từng là một quốc gia hùng mạnh, từng cai quản vùng đất và cả dân số đến gần 2/3 thế giới. Mà cũng có khi cái tên nó vận vào người, mông cưỡi ngựa chinh chiến khắp nơi, cổ lắc lư luôn chỉ hướng về phía kẻ khác để bách chiến bách thắng trong quá khứ, nhưng nay thì luôn phải nhẹ cúi đầu bước đi trên những thảm cỏ mùa hè hay mặt băng buốt giá mùa đông, nhỏ bé và nhẫn nại như cát sa mạc, như vài dòng suối lẻ loi thêm vài bông hoa khác lạ trên vùng đất rộng lớn thứ 19 thế giới, tất cả là để chờ đợi đến ánh hoàng quang lần thứ hai-như cầu vồng kép ở Mongolia, không biết bao giờ sẽ quay lại với dân tộc mình. Hay cái tên vậy nên con người nơi đây cũng chỉ quanh quẩn với tứ khoái, với những dê cừu bò thẩn thơ đồng cỏ và lạc đà chậm rãi trên sa mạc bao la bất tận ánh nắng trong cả mùa đông lẫn mùa hè, hay còn đó là ẩn chứa một nỗi đau ê ẩm (mông) và mỏi (cổ) đã thẩm thấu chạy vào mỗi trái tim lạnh của những người lính du mục vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới, để thỉnh thoảng lại le lói trở lại bởi những cơn gió băng quật vào mặt đã cháy sạm như nhắc nhở các thế hệ con cháu Thành Cát Tư Hãn về một thời xưng vương đã xa.

Mongolia, nên đến và ở lại để cảm nhận cuộc sống du mục, dù rằng chẳng còn bao nhiêu nếu bạn đến ở trong các thành phố, đặc biệt ở thủ đô Ulaanbaatar. Các thành phố Ulaanbaatar, Edernet, Murun, Karakorum,… đều đã không còn kiểu du mục nữa, nhà cửa đã đúng với tính chất …bất động sản và siêu bất động sản ở thủ đô, chứ không còn di động như du mục. Có khi tính du mục còn sót lại chỉ là bởi ánh nắng và bụi bẩn luôn hiện hữu ở khu dân cư mới trở thành đô thị, trong đó vẫn xen kẽ là một vài và nhiều lều (ger) của ai đó như chứng minh quá trình du mục-tái nghèo lại đang bắt đầu trở lại, khoảng cách giàu nghèo lại tái hiện.

Cũng như nhiều nơi khác, chỉ cần đi xa ra phía ngoài vài dặm là có thể thấy lại hình ảnh của chính mình vài chục hoặc vài trăm năm về trước, là cuộc sống luôn thiếu thốn, bần tiện, lạc hậu…, làm chân tay quần quật cũng chẳng đủ ăn, đừng nghĩ đến tính cho con cái ăn học bằng bạn bằng bè, nói thật tí là đến chỗ ị còn chẳng ra gì thì làm sao mà làm việc lớn được… Và tất nhiên bên cạnh đó, luôn luôn là tầng lớp những người con ưu tú, tinh hoa của dân tộc được hưởng những biệt đãi của trời đất và cha ông họ. Những con người ngồi xe sang với điều hòa lạnh như đêm mùa hè vẫn 10 độ C, cổ lại hướng mặt thẳng về phía trước, bên cạnh là bạn trai, bạn gái đầy nội lực và cả …phồn thực, mặt da trắng cứng tựa băng mùa đông 8 tháng dày đến cả mét bao phủ khắp đất nước.

Mongolian có thân thiện, dễ chịu, dễ tính… không. Để xét tính cách của một dân tộc từng thống trị gần cả thế giới này phải xét đến điều kiện tự nhiên nơi sinh sống. Với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, 4 tháng mùa hè từ tháng 6 đến tháng 9, còn lại là mùa đông, ngay trong những ngày hè, với lễ hội Nadaam thường được tổ chức từ 10/7-13/7, cũng không phải mùa hè như thông thường, bởi sáng và đêm vẫn rét, có khi dưới 10 độ C là rất bình thường, một ngày 4 mùa, là câu nói dễ nhất đối với ai đã từng một lần đến đất nước này vào mùa nóng nhất trong năm, hay mùa hè phải oto, mùa đồng chỉ có thể bằng máy bay.

Đã từng là một dân tộc lớn, không, phải là vĩ đại mới đúng, nay phải cam chịu phận cửa dưới thì rõ ràng là cực kì khó chịu. Nên bên ngoài thân thiện, cởi mở cũng là điều phải. Ngay cả Japan đế quốc, cướp biển England, thực dân France hay tư bản America cũng quá là tình thương mến thương với cả loài người, thì làm sao mà vó ngựa roi da Mongolia lại khác được. Còn thiếu một yếu tố quan trọng không thể không nhắc tới là cuộc sống du mục. Nhiều nơi trên thế giới đã bớt dần và gần như mất hẳn kiểu sống này, nếu có chỉ là mục đích khác, ví dụ như do yêu thích tự do, chứ khó có thể nói là bởi lý do sinh tồn như ở Mongolia(?). Vẫn còn đến khoảng 50% trong số gần 2,9 triệu dân (số liệu 2014) sống cuộc đời du mục hay bán du mục ở những vùng có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mùa hè khoảng 40 độ C, mùa đông cũng âm đến con số đó…
 
Rủi ro:

Đây là những rủi ro làm mất tiền đầy ai oán, bức xúc…

- Xe hỏng dọc đường: Làm bạn mất thêm thời gian như vậy hỏng chương trình dự kiến và có thể mất thêm sức khỏe, tiền.

- Mất điện, không có nước nóng: Khi đã chủ định ở ger có điện, có nước nóng, nhưng lại không có nó thì bạn đã bị móc túi rồi. Giá thuê các loại ger chênh lệch nhau, nhưng điện không có thì nhà lầu cũng như nhà tranh, cần nước nóng tắm rửa cũng không thì ở ger đó làm gì, ngang ném tiền đi, gặp trường hợp như vậy thì cách gì gỡ lại ít tiền?

Dù nhiều khi rủi ro trên là bất khả kháng nhưng bạn rất cần hỏi kĩ nhà tour, guide trước khi ký hợp đồng, trả tiền, lên đường và cả trong chuyến đi. Vì có khi chỉ ở duy nhất 1 đêm để hồi sức cho cả đoàn hay định ăn chơi một tối cho đã nửa đời du mục mà lại không điện, không nước, tối rét không thể đốt lửa cắm trại ngoài ger được. Tức tưởi nhất là đã vào ở trong ger rồi thì mới mất điện, mất nước và …không đòi được lại đồng nào, tiết kiệm cả đời (cả chuyến đi) để rồi phút cuối tay trắng.



Tiếp một số câu hỏi để tránh rủi ro bất khả kháng:


+ Điện của ger từ đâu mà có: Điện quốc gia, điện năng lượng mặt trời, điện ắc qui, điện máy nổ? Từ nguồn điện dùng bạn sẽ biết rủi ro có thể gặp. Có thể hôm bạn ở đó thì đang là lúc sửa chữa hay bảo trì hệ thống điện hay chủ ger nói máy nổ đang sửa thì …quá đen.

+ Nước nóng do đâu mà thành: Đun củi (chỉ có ở vùng miền bắc do nhiều rừng), nóng bằng điện, làm nóng bằng năng lượng mặt trời.

+ Toilet có còn đủ nước xả hay không?

+ Và cuối cùng nếu chẳng may không điện, không nước thì có được trừ tiền và trừ tiền bao nhiêu,…
 
2. Định mức bình quân cho 1 người 1 ngày phượt ở Mongolia


Một số chi phí các khoản:
- Ở: 20.000 mnt.
- Ăn: 30.000 mnt.
- Nước: 1.000 mnt.
- Đi lại trong nội đô, trong thành phố: 6.000 mnt.
- Đi lại giữa các địa điểm xa (không tính đi máy bay nội địa): 80.000 mnt.
- Giải trí: 15.000 mnt.
- Điện thoại: 2.000 mnt.
- Mua quà: 6.000 mnt.
- Bia, rượu, nước ngọt: 7.000 mnt.
- Tip: 3.000 mnt (Nếu phượt thì có thể không tip, nhưng vẫn nên xem xét)

Tổng trung bình:

Theo 3 mức (không bao gồm vé máy bay đến Mongolia và bay nội địa): Thấp-Trung bình-Khá
= 20.000-45.000-100.000 mnt/người/ngày đêm.
= 220.000-500.000-1.000.000 vnd/người/ngày đêm.
= 10-25-55 usd/người/ngày đêm.


Sự khác nhau về các mức tiền vẫn là các khoản (từ cao xuống thấp):

a) Đi lại giữa các địa điểm xa.
b) Ở.
c) Ăn.
d) Giải trí, bia rượu.

Trong 4 mục chi tiêu trên thì 2 khoản cuối hoàn toàn do cá nhân quyết định được, còn 2 khoản a và b sẽ phải bàn chi tiết với nhà tour cũng như nội bộ nhóm đi.


Một số giá thuê tính cho đoàn phượt:

- Guide tiếng Anh: 40usd/ngày.
- Nấu ăn: 30 usd/ngày.
- Đồ bếp nấu ăn: 10 usd/ngày.
 
3. Nhóm đồ dùng cá nhân:

- Vali loại 10-20 kg tùy khả năng (mang cùng xe oto cả chuyến đi), balo trên vai.
- Quần, áo; tất mùa hè: Áo rét cho sáng sớm và đêm, phòng khi hết củi sưởi; áo nên có mũ.
- Tất và găng tay mùa đông: 1-2 bộ.
- Quần lót cotton mặc 1 lần, cả nam và nữ nên dùng, vì không có nước rửa thoải mái.
- Giày (chống nước).
- Mũ, khăn to: Mũ len ấm và hoặc mũ mùa hè, khăn thay mũ cho thời trang (các bạn nữ).
- Ô, áo mưa nhẹ.
- Khẩu trang y tế, có những hôm rét, gió, bụi thì cần. Lưu ý là rất bụi.
- Giấy ướt: Càng nhiều càng tốt, lau mặt và lau toàn thân, khi vệ sinh… Đây là thứ quan trọng nhất ở Mongolia.
- Nước (gel) rửa tay khô, rất cần vì nước không đủ dùng.
- Đồ bơi nếu đi vùng hồ, tuy nhiên khá lạnh, có thể bơi vào trưa chứ sáng sớm và xẩm tối thì rét.
- Giấy vệ sinh, cũng rất cần, tuy nhiên nếu được nên mang chỉ giấy ướt là đủ.
- Khăn mặt, khăn tắm, bàn chải, thuốc đánh răng, tăm, bông tai, dầu gội và tắm.
- Dép nhựa đi trong nhà, ger.
- Bình nước nóng cá nhân, ca uống nước: Dùng trên đường hoặc nơi nghỉ, có thể mượn đồ để pha.
- Chai nước: Tích nước mang theo đi đường để uống, rửa… Phượt ít tiền thì phải chuẩn bị kỹ, ngược lại có thể lúc nào trên xe oto cũng đủ nước, nước này cũng là mua dọc đường đi.
- Chậu nhỏ, ca nước to: Dùng tắm rửa, cả giặt hay nếu cần thì hòa nước nóng lạnh, vì nếu phượt ít tiền thì vào ở những chỗ không có vòi ven, vòi sen rất cũ, không phải là vòi nữa…
- Máy sấy: Nữ tóc dài thì cần vì ra khỏi phòng tắm là lạnh, rét.
- Kính râm chống nắng.
- Đèn pin: Dùng cho buổi tối, đặc biệt đi vệ sinh tối.
- Ổ cắm điện.


4. Nhóm đồ y tế, sức khỏe:

- Thuốc các loại: Nhức đầu, sổ mũi, viêm họng, lở loét, đau bụng,…
- Vitamin tổng hợp, vitamin C, tảo (thay rau)…
- Kem chống nẻ, dưỡng môi: Rất cần.
- Kem chống nắng: Rất cần.
- Thuốc chống say xe (có thể).
- Xịt mũi, mắt: Khá cần vì nắng, bụi, hanh khô.
- Dầu gió, bông, cồn, gừng,…
- Thuốc đau dạ dày vì đường xóc.


5. Nhóm đồ ăn, uống, quà tặng mang đi Mongolia:

- Mỳ tôm: Không thể thiếu.
- Cafe 3 in 1, người Mongolia thích loại này, nên mang theo để cho, tặng, quảng báo sản phẩm.
- Chè, chè túi lọc, người Mongolia thích loại này, nên mang theo để cho, tặng, quảng báo sản phẩm.
- Trà gừng.
- Gia vị, đường, chanh, lương khô, dưa bao tử, giò chả, ruốc, socola, cá khô,…
- Bánh kẹo ăn dọc đường và cho, tặng trẻ em Mongolia.
- Thuốc lá. Người Mongolia rất thích hút thuốc lá. Hút thuốc bị cấm ở nơi công cộng, nhà hàng ở UB.


6. Tiền:

- Có khoảng 20 ngân hàng, nhưng thời kỳ khủng hoảng 2008-2009 thì một số đã biến mất. Ở thủ đô có khá nhiều ngân hàng, đổi tiền rất dễ dàng. Cũng có nhiều máy rút tiền và người dân thường xuyên xếp hàng trước các máy.
- Thẻ visa, debit.
- Ngoại tệ các loại: USD, EU, China, Korea,… (Không có VNĐ).
- Đổi tiền: Trong các ngân hàng ở thủ đô UB.
- Nếu không mua gì nhiều thì chỉ cần đổi 100-300 USD/người, 1USD~1850MNT~11VND.
- Cả tiền xu: 20 đến 500 mnt, tiến giấy 10 đến 20.000 mnt. Tiền giấy lưu thông chính có mệnh giá nhỏ, vài mệnh giá khó nhận biết do màu sắc, các hoa văn khá giống nhau và cả vị trí con số cũng khó nhìn.
- Các tiền giấy (tên: Tögrög, Togrog, Tughrik, Tug, MNT) ở Mongolia ngày nay được in hình hai chân dung 2 người là: Sukhbaathar (mệnh giá nhỏ) và Thành Cát Tư Hãn (mệnh giá lớn).
 
7. Mua đồ gì ở Mongolia

- Đồ len cashmere: Mua áo len, khăn, cả chăn cashmere,… thì chuẩn bị hàng nghìn USD.
- Đồ len từ bò yak (nhẹ hơn len lạc đà).
- Giầy da.
- Rượu Mongolia (trừ rượu sữa ngựa).
- Đồ làm từ sừng, da các động vật.
- Đồ lưu niệm các loại, như: Roi ngựa từ chân dê, bộ cung tên, dao găm cùng bao da, bộ cờ Mongolia (gần giống cờ vua), v.v…



8. Về đồ ăn, uống, thuốc hút

Các siêu thị lớn, các cửa hàng nhỏ có ở khắp nơi từ UB đến thảo nguyên, sa mạc. Có đủ bia, rượu, nước, nước ngọt (như coke, pepsi…), đến rau các loại (riêng rau thì ở các siêu thị trong các thành phố, thị trấn); xúc xích, bánh mì; thuốc lá các loại… Không thiếu thứ gì.

Ở UB, cửa hàng ăn nhanh, café phong cách Âu-Mỹ và Mongolia cũng đủ cả, kiểu KFC, McDonald, Kentucky, Starbuck... Chưa kể các cửa hàng ăn kiểu China, Korea, Japan, India…

Cũng tại UB, các cửa hàng café intenet là rất nhiều, có thể free wifi hay tính giá 0,5-1usd/giờ. Cửa hàng máy tính nối mạng để chơi game cũng đã xuất hiện nhiều, hầu hết trẻ em, thanh niên chơi.

Giá bữa ăn: ~10.000-20.000 MNT/đĩa. Ăn đắt hơn thì ~50.000-80.000MNT/đĩa. Ở vùng nông thôn, thành thị chỉ khoảng 7.000mnt/đĩa cơm (1mnt=11vnđ).

Ăn sáng ở Mongolia của phuoters có khi chỉ ăn kiểu châu Âu với bánh mỳ, xúc xích,… Nếu bạn có mì tôm thì chén.

Ăn trưa, tối: Có thể ăn như ở Việt Nam nhưng cực ít rau, ở thủ đô UB có thể tìm nhà hàng ăn Việt Nam (có một hàng tên Phở ở khu trung tâm UB), các nhà hàng của China, Korea thì rất nhiều, đặc biệt vào các khu dân của họ sinh sống ở trung tâm UB.

Còn du mục trên đường thì có thể đúng hẹn với nhà hàng đã đặt trước, nhưng có thể may rủi phải tạm ghé nhà hàng của người dân bán hàng ăn hoặc nhà hàng đúng nghĩa nhưng còn gì thì ăn, có thể mới đi mua đồ về nấu.

Có thịt các loại: bò, ngựa, dê; trứng rán và ốp.

Cơm (cơm hơi ướt), cơm rang; cháo.

Bánh bột nhân thịt, bánh rán, bánh bao có và không nhân. Khoai tây rán; rau kiểu salat.

Thường không có canh hay rau luộc kiểu Việt Nam, may thì bát có canh xương thịt với khoai tây, cà rốt, bắp cải kiểu Việt Nam, nếu không canh rất nhiều mỡ khó mà nuốt.

Nước uống là trà sữa, có thể tính hoặc không tính tiền tùy nhà hàng, trà này không có gì để nhớ, nó hơi hơi mặn.
Sữa ngựa được khuyên là không nên dùng, kể cả dùng thử, có thể khi không quen thì ngửi thấy mùi ôi, thiu.

Các phuot nên hỏi kỹ về các bữa ăn trước khi sang Mongolia để mang thêm đồ ăn, đồ hộp cho phù hợp, hay cần mua luôn ở UB một ít, dọc đường có thể qua nhiều khu dân cư cũng có các cửa hàng để mua đồ.

Tuy nhiên ăn ở Mongolia không phải là quá khó so với một số nước khác.

Uống thì như Việt Nam thôi với đủ loại; không thiếu bia, rượu. Vùng đất rét thì uống rượu như là gen tự nhiên. Bất kỳ ở đâu, giờ nào cũng gặp người say rượu trên đường, trong quán, nói chung mọi nơi, đàn ông say nhiều hơn đàn bà. Gặp họ thì phải tránh từ xa.

Thuốc lá, thuốc lào: Nên mua trước ở Việt Nam.


Có 3 món truyền thống ở Mongolia:

- Buzz: Bánh bao nhân thịt cừu là món ăn đặc trưng ngày Tết Âm lịch như bánh chưng ở Việt Nam, có khi đi đâu, ngày nào cũng thấy buuz, như ăn phở sáng hoặc ăn cơm.

- Guriltai Shol: Gồm mì, thịt rau, thêm tỏi, hành tây, tất cả được nấu chín, như kiểu hầm ở ta. Có thể mỡ rất nhiều.

- Airag: Rượu sữa ngựa. Mặc dù lên men bằng phương pháp tự nhiên nhưng được khuyến cáo là không nên thử, khi thử thì nên uống cùng với thuốc đau bụng. Sữa ngựa này với người không quen thì như thuốc rửa ruột. Chú ý là toilet ở Mongolia thì rất đặc biệt, không ai muốn vào đó cả, nên đừng nên thử độ …ngu.



Nhà hàng ở UB:

- Có rất nhiều ở UB. Muốn ngon, rẻ, sạch thì cũng như ở mọi nơi, bạn tìm các con phố nhỏ, khu nhà tập thể 4-5 tầng, mà tầng 1 trở thành nơi buôn bán.

- Buffalo Grill: Các món nướng Mongolia. Địa chỉ: 4th Floor, BlueMon Centre, Sambuu Street 32, Sukhbaatar District, Ulaanbaatar, Mongolia.

- Grand Khan Irish Pub: Uống bia, rượu; các món Âu và Mongolia, là quán café nổi tiếng nhất ở UB, dành cho người giàu, thích thể hiện,... Địa chỉ: Seoul Street 1, Sukhbaatar District, Ulaanbaatar, Mongolia.

- Các quán ăn nhanh, café kiểu Âu-Mỹ rất nhiều, kèm free wifi hoặc free wife.
 
9. An toàn

Nói chung là an toàn khi du lịch bên Mongolia. Một số lưu ý:

- Tránh đi bộ, xe công cộng khi trời tối ở bất cứ đâu, đặc biệt UB vì người say rượu hoặc giả vờ say. Cần tránh xa các khu dân nghèo.

- Tối, đêm ở UB: Đi xe hay đi bộ đều cẩn thận, vì lúc này nhiều người say rượu đi bộ hoặc lái xe, xe chạy rất nhanh, dù đèn xanh đỏ có cả nhưng không phải ai cũng tuân thủ.

- Tránh đeo ba lô vào buổi tối, dễ là đối tượng bị cướp tấn công.

- Vào các khu đông người, như chợ trời ở UB Naran Tuul (Khar Zakh, Black Market), các khu mua bán, đặc biệt các khu có nhiều người nước ngoài tụ tập, cũng cần lưu ý móc túi, trẻ em cũng có thể tham gia móc túi.

- Tránh đi cùng hoặc có cử chỉ thân mật với phụ nữ Mongolia, du khách dễ bị đánh ngay lập tức.

- Taxi: Các lái xe đều không biết tiếng Anh. Chỉ nên tự đi ban ngày, ở trung tâm hoặc có người Mongolia đi cùng. Nếu cần thì hãy nhờ người ở khách sạn gọi taxi và chỉ các địa điểm, mặc cả tiền trước vì giá taxi cũng không đắt, không nên nhìn đồng hồ trên xe để tính tiền vì dễ bất đồng ngôn ngữ.

- Người gốc Á, đặc biệt Trung Quốc và Hàn Quốc, là các đối tượng dễ bị hành hung nhất. Người Việt thì không nhưng lại khá giống hai quốc gia này nên cũng phải tự phòng thân.

- Tránh chó ở bất cứ đâu, đặc biệt ở thảo nguyên. Chó ở thảo nguyên được dạy mấy nghìn năm chỉ biết mỗi cừu dê bò ngựa lạc đà tuần lộc, chúng coi người lạ cũng là gia súc nên chỉ ngửi thấy là lao đến đợp, không thèm gâu một tiếng để ta còn biết mà phòng tránh, có khi xe dừng mới chỉ thò một chân xuống cỏ đã thấy mõm chó ở cạnh chân. Chó ở các khu dân cư thả rông rất nhiều, toàn thấy chúng đi, nằm ở ngoài đường; ở trung tâm UB thì rất ít chó thả rông.

- Khủng bố: Tháng 9/2013 có kẻ dùng súng săn bắn ở tòa nhà Chính phủ để phản đối.



10. Rác

Người Mongolia có cuộc sống du mục dựa quá nhiều vào thiên nhiên nên tự họ phải có ý thức để bảo vệ môi trường.

Cần mang theo các túi nilon để đựng rác thải.

Không vứt rác lung tung.

Rác được thu gom tập trung để xử lý.

Nói chung là ứng xử với rác như bạn đang trung tâm Singapore.



11. Tắm

Nếu tắm ở hồ, sông, suối: Du khách phải tuân thủ vị trí do người dân chỉ, và cũng không được tắm bằng xà phòng, dầu tắm dầu gội, tốt nhất chỉ tắm nước không. Vì người dân và cả du khách, gia súc đều dùng nước hồ hoặc sông, suối trong sinh hoạt hằng ngày.

Nếu tắm trong Tourist ger có chỗ tắm: Được dùng thoải mái các loại xà phòng, kể cả giặt,… Nhưng loại nước này đều phải thu gom có biện pháp đặc biệt để tránh thấm lại hồ, sông. Nước tắm được thu lại trong bể, thường bể bằng bê tông vì không để thấm vào đất, và trở đi đổ ở nơi khác ở xa. Giá tiền xử lý nước tắm tại chỗ có thể đắt, 40.000-80.000 mnt/5m3 nước tắm thải. Trong khi phân thải của người thì không cần xử lý.

Ở các thành phố, thị trấn nhỏ nếu nơi ở của bạn không có chỗ tắm thì sẽ có nhà tắm công cộng, giá cho mỗi lần tắm khoảng 5.000 mnt. Nhà tắm công cộng thường có thêm dịch vụ khác như giặt, làm tóc, kể cả internet thì mới đủ sống.

Khoảng gần 30% người dân sử dụng nhà tắm công cộng, khoảng 30% tắm tại nhà. Có đến 40% người dân đến tắm ở nhà họ hàng, người quen đang sống trong các khu chung cư. Một số rất ít sẽ tranh thủ tắm ở cơ quan.
Trung bình người Mongolia tắm 1-2 lần mỗi tháng, nhưng thanh niên thì thường xuyên hơn.
 
3M: Meat, Milk, Mongolia


Một số nét về đồ ăn của Mongolian

Do chỉ có khoảng 1% diện tích đất là trồng trọt, thêm vị trí địa lý và khí hậu quá khắc nghiệt, người Mongolia từ lâu đã có một chế độ ăn uống dựa chủ yếu trên động vật và các sản phẩm của chúng.

1) Đầu tiên phải là thịt và sản phẩm từ thịt (Grey food):

Thịt là chủ yếu, cùng với các chất béo được tiêu thụ nhiều nhất trong những tháng dài của mùa đông, giúp người du mục chống lại được cái lạnh khắc nghiệt.

Các sản phẩm từ thịt được chế biến theo nhiều cách: Khô, bột, luộc, hầm, và làm thành xúc xích.

Một phương pháp nấu ăn rất phổ biến trên thảo nguyên là đặt đá nóng vào bên trong cơ thể của động vật và nấu chín từ trong ra ngoài. Lối sống du canh du cư đã tạo nên cách nướng đá này, theo đó người dân không cần phải mang theo thiết bị nấu ăn nặng khi họ di chuyển đến các đồng cỏ khác.

Con vật sau khi được mổ khô không cần dùng nước, họ dùng dao lột lớp da, tháo khớp xương các loại để thành các miếng thịt nhỏ hơn, lòng cũng được nhồi và nướng, tim, gan cũng nướng…

Đá đã được cho vào lò từ trước đó, giờ đã đỏ rực. Họ lấy chảo gang to, cứ một lớp đá sẽ là lớp thịt đặt vào, có cho gia vị đã hòa với nước, cứ thế cho hết vào chảo và đậy nắp lại, tiếp tục đun nhỏ lửa khoảng 40-60 phút thì bỏ ra ăn.

Khi ăn chỉ dùng tay, có thêm con dao nhỏ để lóc thịt, tháo nốt khớp còn lại, cuối cùng mọi thứ chỉ còn xương, vừa ăn vừa nói chuyện, uống rượu, tất cả vây quanh bếp lò giữa ger.

Nếu có thời gian thì nên thưởng thức món đầu cừu nướng hoặc luộc, có thể luộc bằng sữa. Thường khi thịt con vật xong, họ để đầu lại, cất trong ger chứ không làm để ăn luôn. Họ để nguyên cả đầu trong chậu nhôm hoặc để lên bàn, nhìn khá hoang dại. Ăn gì bổ đấy, ví dụ ăn mồm thì mồm miệng sẽ khéo nên thường dành cho phụ nữ, ăn lưỡi bổ lưỡi,…

Ăn thịt các loại thì nên ăn nướng để cảm giác đỡ ghê hơn là luộc, trừ món ăn là xương thịt hầm với khoai tây, cà rốt. Ăn món nướng thì khô, thịt có mùi thơm, còn ăn luộc thì mỡ, nhướp nháp, mà mỡ cừu, dê thì khá ngấy và nhiều sẽ sợ không nuốt nổi, chưa kể ăn xong không có nước để rửa tay như ở nhà.

Năm loại thịt mà người du mục thường dùng: Cừu, bò yak, bò, dê, lạc đà, ngựa.

Người Mongolia không ăn cá, họ có bắt cá và bán lại cho du khách. Bây giờ ở thủ đô, thành phố có cá bán nhưng rất ít người ăn, chủ yếu cho khách nước ngoài.

Tháng 7 đến tháng 9, người dân thường đi bắt marmot (sóc chuột) để ăn (nướng hoặc luộc).


2) Tiếp theo là sữa, gọi là thực phẩm trắng (White food):

Trong những tháng hè ngắn, người nông dân phải dành nhiều thời gian để chuẩn bị các sản phẩm sữa cho sử dụng trước mắt và đặc biệt cho lưu trữ mùa đông. Phần lớn lượng sữa được thu gom và xử lý để sử dụng được lâu dài.

Người Mongolia tin rằng các sản phẩm sữa sẽ giúp họ làm sạch cơ thể sau khi phải chủ yếu ăn thịt và chất béo trong những tháng mùa đông. Người dân tiêu thụ rất nhiều các loại sữa như sữa chua, pho mát, bơ tươi, sữa khô, sữa ngựa chua…

Sữa từ cừu, dê chỉ có trong khoảng 5 tháng mùa Hè, còn lại 7 tháng rét là không có, trừ bò có thể lấy sữa được đến 10 tháng.

Trong quyển Swiss Made, có chương đầu là “Tất cả bắt đầu từ sữa”, chắc sẽ có người viết tiếp Mongolia Made.

Có rất nhiều sản phẩm sữa khác nhau chỉ có trong từ điển của người Mongolia.



3) Thứ 3 là rau và ngũ cốc:

Rau và lúa mì, lúa mạch cũng không có nhiều do khí hậu khắc nghiệt và sự khan hiếm đất canh tác. Mùa sinh trưởng ngắn, giống cây trồng có chất lượng kém nên trồng trọt không có hiệu quả.

Cây trồng chủ yếu là để đáp ứng các nhu cầu của gia đình và thức ăn gia súc. Còn việc thu hoạch để mang bán thì không thể do khoảng cách quá xa và rộng cùng các tuyến đường giao thông kém phát triển.

Người dân ăn các loại thảo mộc, cây, rau, trái cây, nấm, và các loại hạt; tuy nhiên cũng chẳng đáng là bao, đặc biệt dân nghèo thì không có rau trong các bữa ăn, nếu có chỉ là các loại cỏ cây sinh trưởng trong mùa hè.

Theo một câu chuyện, khi cha của Chinggis mất, toàn bộ đàn gia súc bị mất cắp, mẹ Chinggis đã phải đi nhặt mót những loại cây, hạt các loại để nuôi các con. Loại thức ăn này được gọi là loại 2 và chỉ người nghèo mới phải ăn.

Với việc đô thị hóa bắt đầu vào những năm 1990, thì các loại rau và hoa quả đã được trồng, trồng cả trong các nhà kính ở UB, và nhập khẩu nhiều hơn, phần lớn nhập từ China.

Tuy nhiên, các loại rau quả thì vẫn tập trung ở thủ đô, các thành phố lớn, giá cũng khá đắt so với mức sống của người dân, chúng chưa trở thành một phần thường xuyên trong các bữa ăn thường ngày của đa số người dân, mà chủ yếu phục vụ tầng lớp nhà giàu, trung lưu. Nhiều nhà hàng của China, Korea, Japan, châu Âu đã có mặt ở UB.


Một vấn đề khá hay đang được bàn luận về khẩu phần ăn với nhiều rau quả, kiểu ăn không truyền thống, không bản địa đối với dân du mục. Vì nếu người Mongolia lại thích ăn kiểu này, thì đến lúc nào đó sẽ làm biến đổi gen di truyền của người Mongolia và làm ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe người dân bởi chế độ ăn uống khác với tổ tiên của họ.

Liên tưởng đến chuyện cưỡi ngựa, có thể trong vài trăm năm nữa, gen cưỡi ngựa của người Mongolia cũng không còn, ngựa cũng hết.

Nói chung, đồ ăn của người Mongolia là đơn giản, trong quá khứ thường chỉ có thịt và sữa, có thể đây là nguyên nhân làm dân số Mongolia không thể phát triển thêm dù xâm chiếm nhiều đất đai. Vấn đề tuổi thọ của người Mongolia thời xưng vương cũng được xếp vào nhóm có tuổi thọ thấp so với các vương triều khác nên không giữ được Đế chế Mongolia lâu dài.
 
Từ 15 triệu km2, còn 1,5 triệu km2

Mongolia 1,5 triệu km2 = France + UK + Germany + Italy


Mongolia với diện tích 1.565.000 km2 (thời trên đỉnh cao quyền lực gấp 10 lần, là 15 triệu km2), đứng thứ 19 thế giới, gấp 3 lần nước France, xếp trước Peru, Chad và sau Libya, Iran, nhỏ hơn một ít so với diện tích bang Alaska (USA).
Là quốc gia không giáp biển lớn thứ 2 thế giới, sau Kazakhstan. Do vị trí biệt lập nên rất dễ trở thành nơi trú ngụ, ẩn náu của các tổ chức khủng bố.

Dân số 2,9 triệu nên là nước có mật độ dân số thấp nhất thế giới với 2 người/km2 (đã làm tròn số, chính xác hơn là 1,85), trước năm 1998 thì chỉ 1 người/km2.

Dân số Mongolia tương đương tỉnh Nghệ An-Việt Nam, mật độ dân ở Nghệ An là 177 người/km2, gấp 100 lần Mongolia.

Riêng UB: Dân số 1,1 triệu, 5.000km2 đất, thì mật độ 220 người/km2.


Trong tổng số 1.565.000 km2 thì diện tích mặt nước là 11.000km2, còn lại là diện tích mặt đất.

So sánh với một số quốc gia khác như của Botswana, Libya, Suriname, Canada, Guyana, Mauritania, Iceland, Australia, Namibia, Greenland với mật độ dân số tương ứng là: 3,71 người/km2, 3,55, 3,50, 3,49, 3,42, 3,41, 3,08, 2,91, 2,67, 0,03; và xếp hạng thế giới là: 203, 204, 205, 206, 207, 208, 209, 210, 211, 213.

Mongolia đứng thứ 212 (mật độ 1,85) thế giới về mật độ dân số, xếp thứ 210 (2,91) là Australia, 211 (2,67) là Namibia (Châu Phi), 213 (0,03) là đảo Greenland (Đan Mạch) băng giá. Nói chung vẫn tự hào là mật độ dân số Mongolia đứng thứ 212/213 nước xếp hạng, hơn mỗi Greenland ở Bắc cực.

Tính ngược lại thì mỗi người dân Mongolia sở hữu 0,5km2, hay một mảnh đất mỗi chiều 700mx700m, và đứng thứ 2 thế giới, thứ 1 là Greenland với 38km2/người.

Do gần 50% dân số Mongolia tập trung ở thủ đô UB, nên tính ra khoảng 1,5 triệu dân trên 1,5 triệu km2 mà thôi, như vậy mật độ là 1 người/1 km2.


GDP bình quân đầu người (tính theo sức mua tương đương PPP) của Mongolia là 5.900USD, xếp hạng 142 thế giới. GDP bình quân đầu người (PPP) này so với một số nước: Armenia, Angola, Samoa, Jordan, Georgia, Swaziland, Ma-rốc, Bolivia, Guatemala, Indonesia với GDP tương ứng là: USD 6.300, 6.300, 6.200, 6.100 , 6.100, 5.700, 5.500, 5.500, 5.300, 5.200; xếp hạng: 137, 138, 139, 140, 141, 143, 144, 145, 146, 147.

Theo số liệu của UN, nói chung đa số các chỉ số của Mongolia đều nằm ngoài top 100. Chỉ số tăng trưởng GDP đứng thứ 7 với 11,8%, sau China.

Năm 2013, GDP đầu người của Việt Nam theo PPP là 4.000USD, xếp hạng 157, Mongolia đứng thứ 142. GDP đầu người của Mongolia cách tính thông thường là 3.600USD.

Năm 2000, GDP đầu người của Việt Nam theo PPP là 2.100USD, Mongolia là 3.100USD. Những năm trước 2004, khoảng cách chênh lệch luôn luôn khoảng 1.000USD, nhưng nay có vẻ tăng hơn với chênh lệch đến 2.000USD (năm 2013: 5.900-4.000=1.900USD).

Thu nhập gia đình trung bình hằng tháng (gia đình 3-4 người, bố mẹ và 1-2 con): Năm 2006 khoảng 200.000mnt thì đến 2012 là 700.000mnt (8.000.000 vnd).

Tổng sản phẩm quốc nội GDP tính theo PPP của Mongolia là 17 tỷ USD-đứng thứ 139, Việt Nam là 359 tỷ USD-đứng thứ 37.
Năm 1949, China mới công nhận nước Mongolia.


Ngày 17/11/1954, Mongolia thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Hội Hữu nghị Việt Nam-Mongolia được thành lập 30/11/1984, trụ sở đặt tại Sài Gòn. Tháng 7 hằng năm là ngày gặp mặt của Hội.

Năm 1961, Mongolia trở thành một thành viên của UN.

Năm 1987, Mongolia thiết lập quan hệ ngoại giao với USA.

Mongolia gia nhập WTO năm 1997.


Trước năm 1990, Mongolia đã đào tạo cho Việt Nam trên 100 cán bộ khoa học kỹ thuật đại học và trên đại học.
Hiện nay, VIE-MGL duy trì việc trao đổi sinh viên theo Hiệp định mới ký năm 2006, mỗi năm Việt Nam nhận 15-20 sinh viên, thực tập sinh nước bạn sang học và thực tập.

Nhiều người Việt đang sống tại Mongolia, chủ yếu ở UB với nghề sửa xe máy, oto. Nếu ai giỏi nghề này hoặc muốn xuất khẩu lao động thì có thể tìm hiểu kĩ hơn. Biết đâu sẽ có người lái xe và hướng dẫn viên là người Việt cho dân phượt Việt.
 
Mongolia của China hay China của Mongolia

Đất đai ở thủ đô UB hay một số thành phố lớn, như Darkhan, Erdernet,… mới do nhà nước sở hữu, nhưng đấy cũng chỉ là tạm gọi nội đô thôi, đất ở đây sẽ được mua bán và khá đắt, kiểu như thành phố lớn ở Việt Nam. Còn lại toàn bộ đất đai là sở hữu toàn dân. Người dân muốn du mục đến đâu, cắm lều, làm hàng rào (thường bằng cây và tấm phản gỗ), thả gia súc… thì đấy là đất của mình, gọi người nhà nước đến, chỉ đất này là của ta, nhà nước sẽ cấp ngay giấy xác nhận sở hữu, thích bao nhiêu hecta thì cứ cắm hàng rào, chỉ sợ không đủ sức thôi.

Khi người chán, vật nuôi chán, muốn chuyển vùng khác thì lại cho đồ lên oto, lùa gia súc đến vùng khác để lại tiếp tục cuộc sống các thế hệ du mục, hầu như người dân, gia đình du mục nào cũng đã có oto, xe máy cũng khá nhiều giúp người dân di chuyển tiện lợi hơn cũng như có thể dùng để chăn gia súc trên cách đồng bằng phẳng.


Khí hậu khắc nghiệt thì bắt buộc phải có oto, mà vào mùa đông thì oto cũng không thể di chuyển được vì điều kiện an toàn không cho phép do băng tuyết phủ kín mọi thứ, chỉ còn máy bay là phương tiện duy nhất di chuyển đến các địa điểm cách xa nhau. Nhưng cũng không dễ để đi máy bay, vẫn có những trận bão, gió mạnh không cho phép máy bay khởi hành hay hạ cánh.


Đi du lịch vào mùa đông cũng có điểm hay nhưng khá rủi ro. Bạn có thể đi oto với bánh xe cuốn xích tăng bám đường hay quãng đường ngắn hơn thì dùng ngựa, xe máy, lúc này bạn có thể đi vào những nơi mà mùa hè không thể đến được do không có phương tiện phục vụ, như đi qua mặt hồ đã đóng băng dày cả mét, hay vùng thảo nguyên không thể đi được bằng oto vào mùa hè nhưng mùa đông thì mặt băng chính là đường.


Vào cuối thế kỷ 17, hầu hết lãnh thổ Mongolia bị sáp nhập và chịu sự đô hộ của Mãn Thanh-China. Mongolia tuyên bố độc lập năm 1911 sau cách mạng Tân Hợi của Tôn Trung Sơn ở China. Đến năm 1921, Mongolia, nhờ Liên xô, đã chính thức tách khỏi Trung Quốc và chịu sự quản lý của Liên xô trong khoảng 1924-1990. Năm 1989, Liên xô và Đông Âu sập, chế độ thân Nga ở Mongolia sụp theo bởi các cuộc nổi dậy khá hòa bình của dân chúng năm 1991. Năm 1992 Mongolia chuyển sang thể chế cộng hòa nghị viện và kinh tế thị trường. Hiện có khoảng 18 đảng phái hoạt động ở Mongolia.

Mongolia có khoảng 70 năm (1921-1991) là đồng minh với Nga, lúc này thì rời xa China, dù cũng là chế độ cộng sản. Thời gian này thì lịch sử Mongolia cũng như là một phần lịch sử nước Nga hay chính xác là Liên xô, cho đến năm 1990 thì Liên xô rút mới quân đội ra khỏi Mongolia.

Ở UB có bảo tàng tái hiện các hình ảnh lịch sử của Mongolia thời hiện đại, dù là Mongolia nhưng có nhiều điểm rất quen thuộc như ở Hà Nội (cũng có thời của Liên xô cũ) chúng ta, nhiều hiện vật cùng các bức ảnh đen trắng đã cho ta biết về thời buồn vui đó.

Người Mongolia bị người Liên xô cũ áp đặt ăn bằng dao dĩa, nên ngày nay có khi chỉ thấy họ cầm duy nhất một dĩa hoặc thìa.


Ở đâu cũng có thể bắt gặp bản đồ Mongolia với thủ đô là Bắc Kinh-Trung Quốc. Người dân nơi đây luôn luôn sống trong tự hào dân tộc, chỉ tiếc là hiện nay thì đất nước lại đang bị người China kiểm soát, trước kia thì là người Nga. Cùng với China thì South Korea cũng đang ra tăng ảnh hưởng tại đất nước này, đặc biệt ở các khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên và ở thủ đô UB, có điều gì đó giống Việt Nam.


Người Mongolia không thích China, cũng gần giống như Việt Nam. Đã có một số tổ chức không chính thức kiểu phát xít nhằm chống dân China sống ở Mongolia. Ngay như ở nước ngoài, ở Việt Nam thì người Mongolia cũng bài China và ngược lại.


Nhưng không thể bài China được, vẫn phải làm ăn với họ. Chính phủ có chính sách quy định khá chặt chẽ số lượng người China sống thường trú ở Mongolia. Nhưng hiện nay ở UB thì các công ty xây dựng của China đang khá nhiều, người Mongolia thì không làm và cũng không đủ để làm nghề xây dựng, nên bắt buộc công nhân China phải vào Mongolia để làm việc, tuy nhiên đều phải sống riêng biệt, tách với người dân Mongolia.

Ngay như cờ Trung Quốc ngày nay có 5 ngôi sao-Ngũ Kỳ là chỉ đến người: Mãn, Hán, Mông, Tạng, Hồi; thì Mông là Mông Cổ.
 
Mongolia là nước xã hội chủ nghĩa thứ 2 trên thế giới, sau Liên xô cũ


Năm 1917 Cách mạng Tháng Mười Nga có nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên, và đến năm 1921 thì nhà nước Mongolia ra đời, được coi là nhà nước xã hội chủ nghĩa thứ 2 trên thế giới.

Ngôn ngữ chính ngày nay (còn cổ đại có thể khác) là Mongolian (hay là Khalkha Mongol, chiếm 90%) cùng tiếng Turkic và Russian; English cũng bắt đầu được sử dụng khá nhiều ở UB và trong thời gian tới có thể thay thế tiếng Nga để trở thành ngôn ngữ thông dụng thứ hai, tiếp đó là tiếng của China, Korea và Japan.

Chỉ người Mongolia ở Inner Mongolia mới dùng chữ Mongolia cổ hay truyền thống (dạng chữ như xoắn xít như sợi mỳ tôm), khác với hệ chữ Kirin đang dùng trong Mongolia. Trước kia thì ngôn ngữ chính có tên Khalkha (hay Halha) là tên dân tộc chính ở Mongolia, Khalkha tương tự như dân tộc Kinh ở Việt Nam.


Ngày nay, bảng chữ cái Mongolia có 35 ký tự, theo hệ chữ Kirin, mẫu tự nhìn giống chữ của Nga hay Liên xô (USSR) cũ, nhưng đọc thì nghe như tiếng Hy Lạp(?) chứ không phải như tiếng Liên xô. Chữ viết này chỉ mới có từ thời Liên xô cũ, do lãnh tụ thời đó là Choibalsan (1895-1952) áp đặt.

Chữ viết hiện nay chỉ lớp thanh niên dùng (bắt đầu từ 1922), tình trạng tương tự ở Việt Nam, các sách chữ cổ Mongolia đều không còn người đọc để truyền lại. Khoảng 40% dân Mongolia theo Phật giáo Tây Tạng, họ phải học chữ Tây Tạng để đọc sách Phật. Nhưng cũng 40% dân số là vô thần.


Nhóm ngôn ngữ Turkic nói bởi các dân tộc Turk bao gồm nhiều ngôn ngữ, trong đó ngôn ngữ lớn nhất là tiếng Turkish (Thổ Nhĩ Kỳ), theo tiếng China thì phát âm ra Hán Việt là Đột Quyết.

Hiện nay có Hội đồng hợp tác các quốc gia nói tiếng Turkic gồm: Azerbaidjan, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Turkey. Hội đồng được thành lập 10/2009, hội nghị lần đầu năm 2011, lần thứ hai năm 2012. Cộng đồng người Kazakhstan chiếm 4% dân số Mongolia (116.000 người) nói ngôn ngữ Turkic.


Người Việt sang học tập ở Mongolia theo chương trình trao đổi nhà nước. Có một số người Việt ở UB và một vài thành phố như Darkhan, Erdenet. Họ chủ yếu làm nghề sửa chữa xe oto. Ở UB cũng có nhà hàng người Việt. Trên đường thường bắt gặp các biển tên Việt Nam theo chữ tiếng Nga ở các nơi sửa xe, những ai học qua Tiếng Nga đều nhận dạng được, như chữ đầu V là B: Bietham, h=n.



Mongolia có khoảng 20 dân tộc chung sống, chiếm số đông là 2 dân tộc chính:

- Khalkha (94%) (như người dân tộc Kinh ở Việt Nam). Các nhà nghiên cứu còn chia tiếp Khalkha thành ba nhóm tộc chính và các nhóm nhỏ hơn dựa trên đặc điểm văn hóa.

- Kazakhstan nói tiếng Thổ (Turkic) (4%), tất nhiên phải kể đến cả Russian, Chinese, giờ thêm Korean và Japanese. Sau năm 1990 thì người Russia cũng dần rút hết về nước.

Có tài liệu cho rằng chính Thành Cát Tư Hãn là người đã chia người Mongolia thành các nhóm dân tộc khác nhau.
Người Khalkha (Mongol) coi mình là hậu duệ chính thức của Thành Cát Tư Hãn. Ngôn ngữ người Khalkha dùng chính thức ở Mongolia.

Muốn tìm hiểu về các dân tộc ở Mongolia, bạn đến bảo tàng ở thủ đô UB, gần quảng trường chính Sukhbaatar, mua vé vào cửa, muốn chụp ảnh phải mua vé riêng. Một trong những ấn tượng của bảo tàng này là trưng bày khá chi tiết trang phục của các dân tộc, cùng các số liệu thống kê về dân số.


Theo tài liệu khác thì dân tộc ở Mongolia là: Khalkh (Mongol) 81,9%, Kazak 3,8%, Dorvod 2,7%, Bayad 2,1%, Buryat-Bouriates 1,7%, Zakhchin 1,2%, Dariganga 1%, Uriankhai 1%, dân tộc thiểu số khác 4,6%.


Người Kazakh sống gần như tách biệt với phần còn lại của đất nước, họ sử dụng ngôn ngữ riêng, ở cả cơ quan chính quyền địa phương. Hiện nay họ “chiếm” tỉnh Bayan-Olgiy ở phía cực tây đất nước, với thủ phủ là thị trấn Olgiy, giáp China và Russia, cách biên giới Kazakhstan chỉ 38km.

Trừ người Kazakhstan có đặc điểm khá khác biệt (Hồi giáo, ngôn ngữ Turkic), các dân tộc khác ở Mongolia đều cùng có nền văn hóa đồng nhất, chỉ khác nhau về chi tiết như các biến thể nhỏ về chữ viết, văn hóa, trang phục dân tộc.
Người Kazakh có loài ngựa rất nổi tiếng và là thợ săn thiện chiến với đại bàng săn mồi.
 
Phái Vô thần



Ảnh hưởng của phật giáo: Thế kỷ 16 và 17, Mongolia chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo Tây Tạng (Phật giáo Mật Tông).

Khoảng 50% dân số theo Phật giáo Tây Tạng tức 1,4 triệu tín đồ, 40% được coi là vô thần, 6% theo Shaman giáo và Thiên chúa giáo, và 4% là các tín đồ Hồi giáo. Theo tài liệu khác lại có: Phật giáo (Buddhist) 53%, Hồi giáo (Muslim) 3%, Thiên chúa (Christian) 2,2%, Shaman giáo (Shamanist hoặc Tengrism) 2,9%, tôn giáo khác 0,4%, và vô thần là 38,6%.

Shaman giáo dù ít nhưng thực tế lại rất nhiều, có thể đến 99% người Mongolia vẫn tin vào nó, như ở Việt Nam người dân vẫn thường ngày đi xem tử vi, xem ngày tốt xấu,…


Vô thần

Phái Vô thân ở đâu ra? Có thể coi Mongolia có 3 tôn giáo chính xuất hiện lần lượt theo thời gian là: Shaman giáo (thần linh); Phật giáo, Phật giáo Tây Tạng; và Vô thần.

- Shaman giáo (thần linh) có từ lâu đời, trước cả thời Thành Cát Tư Hãn cho đến thế kỷ 13, ngày nay vẫn nhiều người tin theo Shaman giáo vì đây là vấn đề thuộc về tâm linh hơn một giáo phái.

- Phật giáo, Phật giáo Tây Tạng: Thế kỷ 13 đến trước năm 1920 (thế kỷ 20).

- Năm 1920-1990: Triệt hạ các loại tôn giáo, tất nhiên phật giáo bị thiệt hại nhất. Nhóm vô thần xuất hiện từ thời điểm này và ngày càng nhiều cho đến hôm nay.


Hiện các phái đang khá lo lắng về nhóm vô thần chiếm đến gần 40% dân số Mongolia. Các giáo phái đang tăng cường sức mạnh để lôi kéo những người vô thần. Có thể một ngày nào đó, nhóm vô thần nổi dậy làm cách mạng và tiêu diệt các tôn giáo khác.



Phật giáo

Trước thế kỷ 13 thì chỉ có Shaman giáo (Thần linh).

Thế kỷ 13, dưới triều đại của Hốt Tất Liệt, Phật giáo được tôn sùng là quốc giáo, cho đến thế kỷ 16 khi người Mãn Thanh đô hộ (người Mãn ủng hộ Phật giáo Tây Tạng) thì hầu như toàn thể người dân Mongolia đều theo đạo Phật.

Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra việc Mongolia theo Phật giáo cũng là bị áp đặt về chính trị và quân sự để kìm giữ người Mongolia, tránh lặp lại Đế chế Mongolia một lần nữa. Việc nhà nào cũng có người theo Phật giáo, thành phố nào cũng có tu viện từ hơn 800 năm qua thì tự nhiên cả Mongolia sẽ trở nên hiền hơn, bớt hung hãn đi rất nhiều so với tổ tông của họ, trừ những năm 1922-1990 thì tu viện bị phá gần hết, nhà sư bị bức hại rất nhiều, như diệt chủng, đến 1990 thì còn lại khoảng đâu 100 tăng sĩ mà thôi.

Việc theo Phật giáo Tây Tạng đã làm cho Mongolia tự suy yếu và dẫn đến bị cai trị một cách dễ dàng, đến nay có thể thấy là không thể đứng được trên đôi chân chính mình. Có thể thấy tương tự như Myanmar hay Campuchia, và đặc biệt là Tây Tạng, cùng một số nước sùng đạo. Tây Tạng không có quân đội, mọi thứ của cải vật chất có được đều để làm chùa, tu viện và phục vụ lại nhu cầu tâm linh.

Phật giáo Tây Tạng phát triển mạnh mẽ ở Mongolia sau khi thế kỷ 16, các tu viện được xây dựng trên khắp đất nước. Ở thế kỷ 16-17, các tăng lữ đã thành công trong việc thiết lập quyền lực chính trị và giới quý tộc Mongolia đã lợi dụng các tăng lữ để xác lập quyền tiếp tục cai trị đất nước và người dân. Các tăng lữ tiếp tục duy trì quyền lực và giành được quyền kiểm soát một phần ba dân số của cả nước.

Đến năm 1911, khi chính quyền nhà Mãn Thanh kết thúc cai trị ở Mongolia thì các tu viện vẫn hoạt động như một thực thể chính trị ở Mongolia.

Nhưng đến năm 1924, với sự thành lập chính quyền Mongolia thân Liên xô, lúc này chính phủ Mongolia chính thức bắt đầu loại bỏ tôn giáo. Đến cuối năm 1938, chỉ còn duy nhất một tu viện còn tồn tại là Gandan. Ai đến UB cũng phải ghé thăm tu viện này, trong tu viện có bức tượng phật đứng khổng lồ… là tượng phật (Janraisig Statue) nặng 19 tấn với lõi đồng, ngoài dát vàng, đá quí từ khắp trong nước quyên góp. Tượng được dát hơn 75.000 miếng vàng 5x5cm, hơn 300 viên đá quí ở trán, hơn 2.200 viên đá quí khác gắn trên vương miện, 500m lụa của Ấn độ chu quần áo.

Tu viện Gandan (Gandantegchinlen), thành lập năm 1835 ở UB, trên đồi Dalkha, mở cửa trở lại vào năm 1944 dưới sự giám sát chặt chẽ của chính phủ, và cũng chỉ được hoạt động ở trong nước mà thôi. Đến năm 1970, Đại học Phật giáo Mông Cổ được thành lập tại Gandan. Thư viện Gandan cũng đang bảo quản một bộ Đại Tạng Mông cổ (Gangiur) gồm 108 quyển mà vào giữa thập niên 1970, đã cho ấn hành 200 bản sao duy nhất để phân phối cho các thư viện đại học lớn trên thế giới.

Hiện nay, tự viện vẫn còn một tàng kinh các chứa hơn 50 ngàn bộ kinh sách Phật giáo.

Ngày nay, đã có 200 tu viện trên khắp cả nước, mỗi tỉnh có ít nhất là một tu viện, UB có nhiều tu viện nhất. Ở Gandan có khoảng 400 nhà sư và rất nhiều …chim bên ngoài.

Dalai Lama đã đến UB vài lần, lần mới nhất năm 2002 hay 2006 gì đó.

Trở ngại rất lớn cho truyền bá Phật giáo Tây Tạng là phải học bằng chữ Tây Tạng, không khác gì bắt người Việt Nam bây giờ học chữ Nôm, chữ Hán ngày xưa.



Shaman giáo:

Đây là một tôn giáo hay không thì có thể còn nhiều tranh luận, vì có thể được gọi là văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh, văn hóa dân gian có yếu tố tâm linh, thần linh.

Người Mongolia cũng có truyền thống về Saman giáo. Saman giáo cho rằng tất cả mọi người, động vật, và các thực thể khác đều có thể kết nối với các thế lực siêu nhiên, thiên đàng và hạ giới có thể giao tiếp với nhau.

Thầy phù thủy (Shaman), gọi là pháp sư cho hay hơn hoặc là thầy đồng, ông đồng bà cốt ở Việt Nam, hay thầy mo,… giữ một vị trí quan trọng trong các nghi lễ, người này là cầu nối giữa con người và thần linh, tiếp cận đến thế giới tâm linh. Họ có khả năng diễn xướng (kiểu hát văn và nhảy đồng) và ngoại cảm. Có thể họ như là người múa đồng, gọi hồn ở Việt Nam, hay nhà ngoại cảm, hay người được cô thương, thánh nhập vào, hoặc sau bị ốm thập tử nhất sinh thì trở thành Shaman,...


Cũng như Phật giáo, sau năm 1990, Saman giáo đã gia tăng trở lại và dần phổ biến, nhiều người Mongolia đã và đang tìm cách khơi lại truyền thống và bản sắc văn hóa của Mongolia thông qua Saman giáo.

Rất nhiều phong tục và truyền thống vẫn còn lưu giữ đến lúc này. Người dân ngày nay vẫn thường đến gặp các pháp sư để xin chỉ dẫn trong mọi công việc. Điều này có vẻ rất tương đồng với người dân Việt Nam.

Hầu như ở mọi nơi, đặc biệt các vùng quê, đều có thể thấy một cây gậy (Cây Mẹ) cắm vào giữa đống các viên đá, người Mongolia gọi là Ovoo hoặc Oovoo (Pile of Stones). Đống đá là người dân tự nhặt từng viên đá và đắp thành, có nơi nhỏ nhưng có nơi đắp nhiều nên thành như đồi đá nhỏ.

Ovoo được thấy ở những địa điểm mà người dân tin là linh thiêng, nơi mà tổ tiên của họ, trời, núi, đất và nước được cho là hội tụ về. Lễ hội Ovoo cũng được tổ chức trên khắp đất nước nhưng không theo lịch cụ thể mà tự phát.

Cây gậy này được quấn rất nhiều miếng vải, chủ yếu là màu xanh (xanh nước biển đậm, gọi là khadag), có thể màu vàng, màu đỏ, trắng, nhưng ít hơn, vì màu đỏ và màu đen là màu của tang lễ, có thể có dây treo xung quanh để buộc khăn hoặc khăn để trực tiếp lên đá. Có nơi không có đá thì họ dùng các cây thông dựng chụm đầu vào nhau. Vải, khăn màu xanh được các pháp sư giải thích là tượng trưng cho thiên đàng và hòa bình.


Nếu là du khách, khi gặp Ovoo thì nên đi 3 vòng theo chiều kim đồng hồ, đặt một viên đá hoặc một khăn màu xanh lên đó. Thông thường, người dân sẽ để lại các thực phẩm, nước, và thậm chí cả rượu và tiền bạc.



Vị thần tối cao trong tâm linh người Mongolia là Trời (God of Sky), được gọi là Tenger.



Phật giáo, dù không chính thức, nhưng được thừa nhận như tôn giáo truyền thống quốc gia. Hiến pháp yêu cầu tách bạch giữa nhà nước và tôn giáo, nhưng đạo Phật vẫn được ngầm định là chiếm ưu thế để trở thành quốc giáo chính thức, vì lo sợ Thiên chúa giáo phương Tây, nơi nhiều tiền, sẽ xâm lấn dần các giá trị truyền thống của dân tộc Mongolia.


Các tôn giáo khác không được đề cập trong bài viết này.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,156
Bài viết
1,173,989
Members
191,972
Latest member
789win1
Back
Top