What's new

[Tổng hợp] Hãy gọi tôi là Mongolia

Mongolia-Không thể có lần thứ hai

(Bài viết này sử dụng nhiều và rất nhiều các tư liệu của các tác giả khác nhau, có thể nhiều nội dung không phù hợp nhưng chỉ với mục đích vui chứ không có ý gì khác. Xin cám ơn và thứ lỗi.)

Đến đất nước Mongolia lúc này như nhìn thấy một hình ảnh của Việt Nam ngày nào, vừa mừng cho đất nước bạn đã và đang phát triển, nhưng lại cũng nhiều tự sự, mọi thứ không thể khác được, quy luật cuộc sống hay quy luật của loài người là phải thế.

Mông Cổ, tôi không rõ cái tên này ở đâu ra, càng lớn nghe càng khó chịu vì một quốc gia sao lại phiên âm thành mông với cổ. Nam Triều Tiên-Đại hàn Dân quốc đã đề nghị gọi lại tên nước khi vào Việt Nam: Hàn Quốc. Vậy Mông Cổ sẽ phải đọc thế nào cho xứng danh đã từng là một quốc gia hùng mạnh, từng cai quản vùng đất và cả dân số đến gần 2/3 thế giới. Mà cũng có khi cái tên nó vận vào người, mông cưỡi ngựa chinh chiến khắp nơi, cổ lắc lư luôn chỉ hướng về phía kẻ khác để bách chiến bách thắng trong quá khứ, nhưng nay thì luôn phải nhẹ cúi đầu bước đi trên những thảm cỏ mùa hè hay mặt băng buốt giá mùa đông, nhỏ bé và nhẫn nại như cát sa mạc, như vài dòng suối lẻ loi thêm vài bông hoa khác lạ trên vùng đất rộng lớn thứ 19 thế giới, tất cả là để chờ đợi đến ánh hoàng quang lần thứ hai-như cầu vồng kép ở Mongolia, không biết bao giờ sẽ quay lại với dân tộc mình. Hay cái tên vậy nên con người nơi đây cũng chỉ quanh quẩn với tứ khoái, với những dê cừu bò thẩn thơ đồng cỏ và lạc đà chậm rãi trên sa mạc bao la bất tận ánh nắng trong cả mùa đông lẫn mùa hè, hay còn đó là ẩn chứa một nỗi đau ê ẩm (mông) và mỏi (cổ) đã thẩm thấu chạy vào mỗi trái tim lạnh của những người lính du mục vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới, để thỉnh thoảng lại le lói trở lại bởi những cơn gió băng quật vào mặt đã cháy sạm như nhắc nhở các thế hệ con cháu Thành Cát Tư Hãn về một thời xưng vương đã xa.

Mongolia, nên đến và ở lại để cảm nhận cuộc sống du mục, dù rằng chẳng còn bao nhiêu nếu bạn đến ở trong các thành phố, đặc biệt ở thủ đô Ulaanbaatar. Các thành phố Ulaanbaatar, Edernet, Murun, Karakorum,… đều đã không còn kiểu du mục nữa, nhà cửa đã đúng với tính chất …bất động sản và siêu bất động sản ở thủ đô, chứ không còn di động như du mục. Có khi tính du mục còn sót lại chỉ là bởi ánh nắng và bụi bẩn luôn hiện hữu ở khu dân cư mới trở thành đô thị, trong đó vẫn xen kẽ là một vài và nhiều lều (ger) của ai đó như chứng minh quá trình du mục-tái nghèo lại đang bắt đầu trở lại, khoảng cách giàu nghèo lại tái hiện.

Cũng như nhiều nơi khác, chỉ cần đi xa ra phía ngoài vài dặm là có thể thấy lại hình ảnh của chính mình vài chục hoặc vài trăm năm về trước, là cuộc sống luôn thiếu thốn, bần tiện, lạc hậu…, làm chân tay quần quật cũng chẳng đủ ăn, đừng nghĩ đến tính cho con cái ăn học bằng bạn bằng bè, nói thật tí là đến chỗ ị còn chẳng ra gì thì làm sao mà làm việc lớn được… Và tất nhiên bên cạnh đó, luôn luôn là tầng lớp những người con ưu tú, tinh hoa của dân tộc được hưởng những biệt đãi của trời đất và cha ông họ. Những con người ngồi xe sang với điều hòa lạnh như đêm mùa hè vẫn 10 độ C, cổ lại hướng mặt thẳng về phía trước, bên cạnh là bạn trai, bạn gái đầy nội lực và cả …phồn thực, mặt da trắng cứng tựa băng mùa đông 8 tháng dày đến cả mét bao phủ khắp đất nước.

Mongolian có thân thiện, dễ chịu, dễ tính… không. Để xét tính cách của một dân tộc từng thống trị gần cả thế giới này phải xét đến điều kiện tự nhiên nơi sinh sống. Với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, 4 tháng mùa hè từ tháng 6 đến tháng 9, còn lại là mùa đông, ngay trong những ngày hè, với lễ hội Nadaam thường được tổ chức từ 10/7-13/7, cũng không phải mùa hè như thông thường, bởi sáng và đêm vẫn rét, có khi dưới 10 độ C là rất bình thường, một ngày 4 mùa, là câu nói dễ nhất đối với ai đã từng một lần đến đất nước này vào mùa nóng nhất trong năm, hay mùa hè phải oto, mùa đồng chỉ có thể bằng máy bay.

Đã từng là một dân tộc lớn, không, phải là vĩ đại mới đúng, nay phải cam chịu phận cửa dưới thì rõ ràng là cực kì khó chịu. Nên bên ngoài thân thiện, cởi mở cũng là điều phải. Ngay cả Japan đế quốc, cướp biển England, thực dân France hay tư bản America cũng quá là tình thương mến thương với cả loài người, thì làm sao mà vó ngựa roi da Mongolia lại khác được. Còn thiếu một yếu tố quan trọng không thể không nhắc tới là cuộc sống du mục. Nhiều nơi trên thế giới đã bớt dần và gần như mất hẳn kiểu sống này, nếu có chỉ là mục đích khác, ví dụ như do yêu thích tự do, chứ khó có thể nói là bởi lý do sinh tồn như ở Mongolia(?). Vẫn còn đến khoảng 50% trong số gần 2,9 triệu dân (số liệu 2014) sống cuộc đời du mục hay bán du mục ở những vùng có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mùa hè khoảng 40 độ C, mùa đông cũng âm đến con số đó…
 
Vài nét cuộc sống “du mục”

Cuộc sống gia đình người Mongolia ở nông thôn và thành thị có thể khá tương đồng với Việt Nam, chịu ảnh hưởng nhiều của Shaman giáo và Phật giáo.

Con lớn lấy vợ hoặc chồng sẽ ra ở riêng, ở ger gần đó hoặc khu nhà nào đó, trường hợp bố mẹ già thì có một gia đình người con sẽ ở lại sống cùng bố mẹ già. Trong gia đình, người đàn ông vẫn được coi là chủ gia đình. Cũng ngày càng nhiều người già phải sống đơn thân vì con cháu thoát li đi xa làm ăn.

Ngay như hôn nhân cũng có nét tương đồng, như thời xưa hôn nhân được sắp đặt bởi cha mẹ hai bên chứ không phải là của đôi vợ chồng. Kiểu như hai gia đình trên thảo nguyên, cách xa vài ba km, cô dâu chú rể sống với nhau từ bé, lớn lên là thành vợ chồng. Ngày tìm hiểu, ngày cưới thì mang gia súc đến làm tặng vật, làm thêm ger gần ger của hai gia đình để ra ở riêng.

Nếu chồng mất thì người vợ được mặc nhiên thừa hưởng tài sản, trở thành người chủ gia đình. Phụ nữ cũng được quyền nộp đơn ly hôn.

Cũng như ở nông thôn, hôn nhân ở thành thị cũng thường theo nhóm xã hội riêng, như đồng nghiệp làm việc cùng nhau thường sẽ kết hôn với nhau.

Ngày cưới cũng được các cặp đi xem “thầy” để chọn. Đám cưới cũng gần tương tự ở ta, ngày cưới, mọi người cũng mang quà hiện vật, phong bì tiền đến mừng. Và ngành công nghiệp tổ chức đám cưới cũng đang phát triển rất mạnh với các công ty chuyên nghiệp cung cấp các dịch vụ như chụp ảnh cưới, trang phục cưới, hội trường, xe đón xịn dâu… Lễ cưới vẫn được tổ chức tuân theo nghi lễ của Shaman giáo và Phật giáo.

Thanh niên hiện nay thường mặc đồ kiểu Âu trong đám cưới, còn các cụ thì mặc đồ truyền thống với Deel (áo khoác to), Sash (dây lưng to bản), Gutul (ủng), Lousz (mũ phớt).

Cũng theo truyền thống thì ông bà giành quyền đặt tên cho em bé, nhưng ngày nay thì bố mẹ mới có quyền này. Vào ngày trẻ biết đi hoặc khi trẻ 3-5 tuổi, sẽ có một lễ là Lễ cắt tóc, ngày này được coi là đứa trẻ hòa nhập hoàn toàn vào cuộc sống chung.

Việc đặt tên cũng khá quan trọng, đôi khi tên được đặt là do “thầy” bảo (sư thầy của Phật giáo hay pháp sư của Shaman giáo), qua xem bói, xem tử vi, tên tốt, tên phải hợp,... Hay như đứa trẻ khi sinh ra thì cha mẹ cố tình đặt các tên xấu, rất xấu để ma quỷ không làm hại. Nói chung cũng như ở Việt Nam.

Người Mongolia không dùng họ, tên sẽ gồm 2 phần: Tên riêng của người đó và tên riêng của người cha, tên người cha thường đứng trước tên riêng.

Ví dụ: Người anh hùng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sükhbaatar (Sukhbaathar) trong cuộc cách mạng năm 1921 (1893-1923, mất khi mới 30 tuổi), tên ông được đặt cho quảng trường chính ở UB: Sukhbaathar Square, có tên là: Damdin Sükhbaatar, tên cha là Damdin, tên con Sükhbaatar.

Người Mongolia có môn cờ như cờ vua (shatar), bàn cờ giống nhưng các quân cờ không giống như cờ vua.

Ở UB đã khách sạn 5 sao, có sân golf, sân 18 lỗ cách trung tâm UB khoảng 15 km, nhưng cỏ nhìn cứ quê quê, hơi có màu úa vàng do yếu tố thời tiết.


Âm nhạc

Âm nhạc truyền thống ở đâu cũng có nét riêng, những giai điệu rất thanh thoát, giọng ca bay bổng nhẹ vút như gió, mượt mà như cỏ, và không thể thiếu tiếng vó ngựa, ngựa hí (hoặc người giả giọng) được hòa âm, nếu thêm kỹ thuật “Throat singing” thì nghe như là tiếng sáo, tiếng gió trong vắt và cao vút.

Tiếng hát phát ra từ cổ họng. Đến Mongolia nên thưởng thức loại hình đặc biệt này của họ với tên “Throat singing” (tạm dịch: hát đồng song thanh), hay có các tên khác là: Khoomei (giọng hầu), Hooliin Chor, Overtone,… và đã được UNESCO đưa vào danh sách phi vật thể của nhân loại năm 2009. Cách hát này có ở Mongolia, Inner Mongolia và Tuva (miền nam Siberia).

Bạn nên mua vài đĩa nhạc Mongolia để thỉnh thoảng nhớ lại những ngày tập làm du mục trên thảo nguyên, sa mạc.
 
Tang lễ ở Mongolia

Là tín đồ của Phật giáo Tây Tạng, nên đương nhiên trong nhiều thế kỷ, ở Mongolia tồn tại việc chôn cất ngoài trời-thiên táng, thi thể của người chết để lộ thiên cho động vật ăn thịt hoặc do các điều kiện tự nhiên sẽ tiêu hủy xác. Niềm tin vào sự luân hồi của Phật giáo nên họ tin cơ thể chỉ là một cái vỏ rỗng. Các nghi lễ an táng nói chung cũng khác nhau tùy theo mức thu nhập và vị trí trong xã hội của người mất.

Ngoài ra, do điều kiện khí hậu, địa chất nên cũng không thể chọn cách địa táng, hỏa táng như mong muốn, như mùa đông phủ đầy băng, rét, thì không thể còn cách nào khác tốt hơn là thiên táng. Hình thức thiên táng này cũng bị cấm dưới thời chủ nghĩa cộng sản.

Ngày nay, ở các vùng đông dân, việc an táng đã được tập trung vào các nghĩa trang theo hình thức địa táng, nhưng các tang lễ được cho là khá tốn kém. Phú quý sinh lễ nghĩa, theo đúng kiểu Việt Nam, càng phát triển, càng giàu thì tang lễ càng hoành tráng.

Nhưng đó là ở thành thị giàu có, còn ở vùng xa, nơi vẫn sống du mục, thì thiên táng vẫn là lựa chọn ưu tiên, và ngày nay đang có xu hướng tăng trở lại.

Cũng như ở Việt Nam, các “thầy” sẽ được gia đình mời để xem ngày, xem đường đi, nơi địa táng… Rồi họ hàng, bạn bè cũng đến viếng cùng các phong bì tiền giúp chia sẻ tang lễ, vùng nông thôn thì sẽ mang gia súc thay cho tiền.

Trước khi chôn, người viếng sẽ để lại các thực phẩm (trong bát) và đi ba vòng quanh quan tài. Lễ tang cũng có thể mất nhiều thời gian do di chuyển, bởi “thầy” phán phải đi như thế này thế kia mới ngăn được ma quỷ giúp cho linh hồn người mất sớm được siêu thoát. Như việc xe tang phải đi quanh quẩn ở UB nhỏ bé mất một hai giờ là bình thường. Lượt đi về có khi cũng phải đi theo “thầy” bảo và đi đường khác.

Quan tài thường được phủ vải đỏ, vòng hoa hồng đỏ có băng đen, màu đỏ và đen là màu của tang lễ. Tại nghĩa trang, trước khi hạ huyệt, nắp quan tài được hé lộ chút ít để có thể thấy được một phần đầu của người mất, lúc này đã được che phủ bằng tấm lụa xanh. “Thầy” bắt đầu nhẩm cầu nguyện, trên tay là cuốn sách để nếu quên thì xem, mắt nhìn xa xăm đâu đó... Sau đó thầy ra hiệu bắt đầu phần chính.

Có một người sẽ đọc lời điếu, thường là người thân, có thể đã được ghi sẵn trên giấy. Khi đọc xong thì mảnh giấy được để lại vào quan tài, cạnh đầu người mất. Sau đó, nắp được đạy lại, và rắc gạo và sữa. Quan tài được hạ cẩn thận, đặt bia mộ, sau đó đổ cát sạch được mang theo từ trước cho đến khi lấp đầy. Họ không dùng đất xung quanh để lấp và đắp mộ.

Đặt đèn lồng với cây nến nhỏ bên trong trước tấm bia đá, một người sẽ rắc gạo quanh mộ, người thân nữa đi xung quanh mộ và tưới sữa, một người sẽ rải đường (kẹo) lên mặt mộ. Rồi tất cả cùng đi quanh mộ 3 vòng.


Lễ tang coi như kết thúc, nhưng chưa hết, vẫn còn một số thủ tục khác tiếp theo. Do quan niệm nghĩa trang là một nơi ma quỷ trú ngụ và âm khí của chúng sẽ theo những người tham gia lễ tang về nhà để làm hại, nên cần phải đuổi chúng đi trước khi ra về.

Xe chở mọi người đi một quãng thì dừng lại, tất cả xuống xe, xếp hàng, một ngọn lửa được đốt lên, lần lượt từng người sẽ hơ tay trên ngọn lửa như để trừ tà khí, gần giống như Việt Nam, đó là đốt lửa và bước qua trước khi bước vào nhà sau khi dự lễ tang về.

Rồi nước mang theo được đổ ra cho mọi người rửa tay, tiếp theo mỗi người được đưa cho miếng bông nhỏ đã tẩm chất sát trùng gì đó(?), tiếp tục là lấy khăn lau khô tay mình.

Sau cùng mỗi người được phát một miếng đường nhỏ, một người với tay buộc miếng lụa xanh sẽ cầm một bát sữa, miếng đường sẽ được nhúng vào bát sữa trước khi đưa vào miệng, và mọi người lại lên xe đi về.

Trên mặt đất, mộ sẽ có tấm bê tông mỏng, một đầu có phiến đá (bia) khắc chữ, sát tấm bia có bát để đồ cúng.
 
Mongolia là một trong 43 quốc gia không giáp biển

Mông Cổ là một trong 43 quốc gia không giáp biển, các kết nối giao thông đường bộ và đường không đều hạn chế.

Tuyến đường sắt Bắc-Nam nối Ulaanbaatar với Nga (Ulan Ude và Irkutsk) và Trung Quốc (qua Erlian đến Bắc Kinh). Đi tàu từ Bắc Kinh đến UB khoảng 30 giờ, vé phải đặt trước, hình như chỉ 1 chuyến/1 tuần vào thứ 3. Từ UB đến Bắc Kinh 1.400km, oto đi khoảng 17 giờ.


Có 2 hãng hàng không chính ở Mongolia là hãng quốc gia MIAT, MIAT Mongolian Airlines (miat.com) và tư nhân Hunnu Air (hunnuair.com). Ngoài ra còn có một số hãng bay nhỏ khác.

Các tuyến và giờ bay cần được kiểm tra lại theo các mùa.


MIAT với dòng máy bay Airbus 310-300, Boeing 737-800, 767-300ER, có 8 tuyến bay quốc tế đều từ sân bay UB (tên Chinggis Khaan International Airport): Berlin, Frankfurt; Moscow; Tokyo, Osaka; Seoul; Beijing, Erlian và Hongkong. Có tuyến nối Berlin-Moscow-UB. Các văn phòng của MIAT cũng ở các thành phố này. MIAT cũng có nhiều tuyến nội địa đến các tỉnh trong nước.

Erlian là thành phố thuộc Inner Mongolia (Nội Mông) của China giáp với Mongolia, tuyến đường sắt xuyên Mongolia từ Beijing đến UB chạy qua Erlian trước khi vào Mongolia. Erlian như cửa ngõ chính thức bằng đường bộ, tất nhiên là cả đường sắt duy nhất từ China qua Inner Mongolia để vào Mongolia. Đi từ Việt Nam, bằng đường bộ, đường sắt sẽ phải đi qua Erlian.

MIAT hiện vẫn đang sử dụng các máy bay dòng cũ hơn là: 12 chiếc An-24, 3 An-26, 5 Yu-12, 45 An-2, 3 Boeing-727, 1 Tu-154, 1 An-30. MIAT xếp 3 sao theo chuẩn của SKYTRAX vào năm 2013.



HUNNU mới bắt đầu hoạt động từ 12/2011, tên mới từ 2013 là Hunnu, còn tên cũ là Mongolian Airlines Group, để tránh nhầm lẫn với MIAT nên phải đổi tên; có Airbus A319 và Fokker có các tuyến quốc tế chính đều từ sân bay UB: Paris (mới từ khoảng 6/2014), Bangkok-Thái Lan, Hongkong, Erlian, Manzhouli và Hailar (China).

Riêng Manzhouli, Hailar có đi từ Choibalsan (Choibalsan là địa điểm được coi cực đông của đất nước). Hãng này có thể mở cả đường bay tới đảo Jeju (Korea), hay Irkutsk (Russia).

Sân bay Manzhouli và Hailar nằm trong khu tự trị Inner Mongolia (Nội Mông) thuộc China, đều cùng nằm ở phía đông Inner Mongolia. Hailar gần với thành phố cực đông Choibalsan của Mongolia. Manzhouli cũng khá gần Hailar nhưng chếch ở phía bắc, sát biên giới Nga, gần Choibalsan hơn là Hailar. Hai sân bay Manzhouli và Hailar cũng là 2 địa danh thành phố chính ở vùng phía đông Inner Mongolia, kết nối tỉnh Hắc Long Giang-China và Chita-Russia. Theo đường bay thì Manzhouli cách Choibalsan khoảng 350km, Hailar cách Choibalsan khoảng 450km. Trong lịch sử thì tỉnh Chita-Nga cũng thuộc Đế chế Mongolia.


Tuyến nội địa của MIAT thì từ UB đi đến hết các tỉnh. Tuyến nội địa của HUNNU gồm 9 tuyến đều từ sân bay ở UB: Murun, Khovd, Donoi, Bayankhongor, Govi-Altai, Gurwan Saikhan, Choibansal, và nhóm 3 địa điểm là Ovoot, Tavan tolgoi, Oyu tolgoi thuộc tỉnh Omnogovi (Umnugovi) có sa ma Gobi thì không hẳn là sây bay; riêng 1 tuyến có nối tuyến là UB-Baynakhongor-Govi Altai.


Có thể mua vé qua trang web của 2 hãng. Vé bay từ HN/SG đến UB có transit qua Hongkong được cho là rẻ hơn cả, khứ hồi vào khoảng 750-950USD tùy thời điểm mua. Hãng bay chặng HN/SG-HKG là Cathay Pacific/DragonAir, còn HKG-UB là MIAT.

Có thể mua vé qua Cathay Pacific ở Việt Nam. Cần rẻ hơn thì mua của MIAT tại Mongolia, nhờ người quen Việt Nam sống ở Mongolia mua, hay chuyển thông tin thẻ visa trực tiếp qua email cho MIAT và nhận lại vé điện tử bằng email...


Sân bay quốc tế chỉ có một ở UB là Chinggis Khaan International Airport, còn lại là khoảng 26 sân bay nội địa. Đường băng là bãi cỏ, rải nhựa hay bê tông. Trong đó có một số sân bay không dùng cho mục đích thương mại.

Đơn vị hành chính chỉ có hay 21 tỉnh, nhưng có 27 sân bay (có tài liệu là 22, 23 sân bay), 22 sân bay đã có đường băng trải nhựa, có 4 sân bay có đường băng trải nhựa cùng có hệ thống đèn cho ban đêm hay thời tiết xấu là: Khovd, Murun, Bayankhongor, Choibalsan.
Lượng hành khách đi từ UB đến thị trấn Bulgan (phía tây bắc của UB) chỉ 120 khách/năm. Có 7 sân bay đón trên 10.000 khách/năm, 8 sân bay đón 500-3000 khách/năm.

Chi phí tour Mongolia mùa hè: Tính trung bình:
- Vé bay khứ hồi: HN/SG-HKG-UB: 750-950 USD.
- Chi phí trọn gói khác: 50-100 USD/1 ngày đêm/1 người.



Về tên Hunnu Air, tên này có liên quan đến tiền sử người Mongolia

Hunnu: Xiongnu, Hsiung-nu; tiếng Mongolia là Xyhhy (theo hệ chữ cái Kirin); Hán-Việt là Hung Nô, người Hung Nô. Nhiều tài liệu cho biết Lễ Nadaam có thời Hung Nô.

Đế chế Hunnu cai quản phần lớn vùng đất Mongolia hiện nay sụp đổ vào năm 93, thủ đô của Đế chế Hung Nô là Long Thành, gần địa danh Orkhon thuộc Mongolia ngày nay, Orkhon hình như có nghĩa là “Cung điện” (Palace) hoặc Ger (Lều, đối với Mongolia thì Ger tương đương Palace).

Như vậy trước thời Thành Cát Tư Hãn thì người Mongolia cổ cũng đã xưng vương.



Các mốc lịch sử của người Mongolia:

1) Thời tiền Mongolia:
- Cổ đại, tiền sử.
- Xiongnu: 209BC - 93AD (Hung Nô).
- Tiên Ti: 93 - 234.
- Nirun: 330-555 (Nhu Nhiên, Juan Juan).
- Turkic: 552-744 (Đột Quyết).
- Uyghur: 742-848 (Uighurs, Duy Ngô Nhĩ, Hồi Cốt).
- Kiên Côn 539-1219.
- Khitan: 907-1125 (Khiết Đan).

2) Thời đế quốc:
- Hãn Quốc Mongol: 900s-1206. (Khan/Hãn tiếng Mongolia là Vương, Hãn Quốc: Vương Quốc)
- Khamag Mongol: x-1206.
- Đế chế Mongolia nổi tiếng: 1206-1368
+ Đế chế Mongol: 1206-1271 (Chinggis Khan,…).
+ Nhà Nguyên: 1271-1368 (Kublai Khan).
- Nhà Bắc Nguyên: 1368-1691.
- Four Oirat: 1399-1634. (Oirat: Tự trị, Liên minh 4 bộ lạc Oirat)
- Hãn Quốc Zunghar: 1634-1758.
- Manchu: 1691-1911 (Nhà Thanh-Mãn Châu).

3) Thời hiện đại:
- Cách mạng dân tộc: 1911.
- Vương quốc Bogd: 1911-1924.
- Cách mạng nhân dân: 1921.
- Cộng hòa nhân dân Mongolia: 1924-1992.
- Cách mạng dân chủ: 1990.
- Mongolia: 1990-hiện nay.
 
Khoảng 3/4 khách du lịch đến Mongolia là Backpacker.

Theo ước tính có khoảng 500 công ty làm về du lịch ở Mongolia, du lịch đã chiếm khoảng 25% GDP, tốc độ tăng trưởng 15-20% hằng năm.

Khoảng 60% du khách đến từ các nước Đông Á, 35% từ Châu Âu, và khoảng 3/4 số lượng khách là Backpacker. Với điều kiện hạ tầng và các điều kiện khác ở Mongolia thời điểm này (2014) thì du lịch ở Mongolia chỉ có thể là Backpacker hay Phượter mà thôi.

Chuẩn bị gì cho chuyến phượt Mongolia: Nội dung dưới đây có thể sẽ thừa đối với phuoters, nhưng để cho trọn vẹn đầy đủ
bài viết thì xin vẫn có vài dòng, tùy nhu cầu cá nhân có thể, thời điểm đi mùa hè, tháng 6-9 hằng năm, tháng 7 là cao điểm có thể các chi phí là cao nhất:

1. Một số câu hỏi trước khi chốt, lên đường và trong chuyến đi

- Đi máy bay hay đường bộ? Máy bay thì 750-900 USD/người khứ hồi: HN/SG-HKG-UB.
- Chọn tuyến nào (đi qua những điểm nào)? (Xem bài trước)
- Bao nhiêu ngày? Thường tối thiểu 2 tuần, tất nhiên 1 tuần cũng vẫn được.
- Giấy mời từ bên Mongolia: Giá bao nhiêu/người hay miễn phí?
- Visa: Có phải làm tờ khai (đơn giản). Phí visa ở Việt Nam: 10 USD là chính thức, còn không chính thức(?): 100.000VNĐ(?)/người nộp cho người Việt làm ở sứ quán Mongolia. Bình thường sau 5 ngày lấy, có làm lấy ngay sau 2 ngày lấy, hoặc sáng làm chiều lấy là 30USD.
- Bảo hiểm bên Mongolia?
- Có homestay kiểu du mục không? Cần phải đặt trước. Giá tham khảo khoảng 20.000 mnt/người/ngày đêm, chưa kể các chi phí khác: Đưa đón, ăn, đi lại…
- Có cần mang lều (tent) đi không? Có thể muốn ngủ lại đâu đó khi không kịp đến ger, hotel.
- Thuê khách sạn ở thủ đô UB: Giá khoảng: 20.000-40.000 mnt/người/ngày đêm. Cố gắng ở khu trung tâm, có thể đi bộ vào trung tâm. Khách sạn thì có nước nóng lạnh để dùng, có thể có hoặc không có ăn sáng. Nhà nghỉ sẽ có giá thấp hơn.
- Có free wifi ở các nơi ở không? Ở thủ đô có thể có còn ở thảo nguyên, sa mạc thì không có wifi. Dùng 3G vào internet ở Mongolia giá chấp nhận được: 7.000-20.000 mnt/sim dùng trong 1 tuần hoặc 1 tháng.

- Oto chạy xăng hay dầu? Giá xăng dầu thấp hơn chút ít ở Việt Nam.
- Oto tốt hay cũ? Nên chọn xe gầm cao, rủi ro hỏng dọc đường là có, nên tài xế thường kiêm sửa xe, có thể hỏi kĩ để tránh tài xế không biết sửa những thứ cơ bản.

- Thuê xe oto: Nói chung cần làm rõ về oto vì tính ra hơn 50% thời gian của bạn là ở trên oto, trong đó lại đến 40% thời gian ngồi trên xe trong tình trạng gật gù, lơ mơ ngủ hoặc ngủ say. Đường rất sóc thì không thể ngủ ngon được. Mỗi ngày ngủ có thể đến 8 giờ, thì 3/8 giờ là ngủ mơ màng trên xe.

- Thuê xe tự lái: Mongolia không cho phép thuê xe tự lái. Nếu có thì thuê xe tự lái còn đắt hơn và đặc biệt không an toàn do đường quá xấu, không có đường thì làm sao lái được, đi lại rất sóc, kể cả có GPS thì tên địa danh cũng khó vì có khi hiển thị chữ cái tiếng Nga.
Có thể Mongolia gần như Australia nhưng bạn không thể tự lái vì đường không có, có cả xe tay lái nghịch, hoặc rất dễ bị tai nạn. Đất nước chưa phát triển lại ít dân sẽ rất khó khăn trong việc tiến hành các thủ tục và phần thiệt sẽ về phía tài xế.

- Oto ngồi mấy người, ngồi kiểu đối mặt vào nhau không? Đối mặt vào nhau cũng sẽ khá bất tiện.
Thường chạy được trên địa hình du mục chỉ xe 4 đến 8 chỗ. Các xe bus du lịch to hơn chỉ chạy trong thành phố hoặc chặng thủ đô UB đến cố đô Karakorum, là tuyến có đường khá tốt, dù nhiều đoạn đã hỏng, đang sửa lại; hoặc cho tuyến UB lên 2 thành phố phía bắc là Darkhan và Erdenet.

- Một xe bao nhiêu người ngồi? Do ngồi xe ô tô nhiều, có thể gần hết cả ngày với 7-9 giờ ngồi, nên cần tính kĩ, vì nhiều người sẽ chật, không thoải mái, rất mệt... Đồ đạc thì đều mang theo cùng hành trình.

Xe đi thảo nguyên, sa mạc chỉ thích hợp với loại xe <10 chỗ mà thôi. Loại xe hay thấy nhất trên đường phượt là của Nga: Russian minivan (Russian Military Van), loại này chở được 8 người cả lái xe. Ở Việt Nam, thời trước bên quân đội hay dùng xe này làm xe cứu thương, cùng thời với xe Zin, U-oat. Đây là xe dã chiến, rất phù hợp với thảo nguyên, sa mạc, nơi không có đường, lỗi lõm, suối, bùn, cỏ, đá...

Công thức đàm phán là: [Số lượng người = Số chỗ trên xe - (1-2) chỗ]
Dù người châu Á nhỏ cũng nên [Số người < Số chỗ trên xe].

Chú ý phải tính cả chỗ cho tài xế và hướng dẫn viên.
 
Vì thời gian ngồi xe rất lâu nên cần thoải mái, không nên tiết kiệm quá. Nên khi tính số lượng người trong nhóm phượt cần tính cả chọn xe oto nào cho nhóm để có chuyến đi thoải mái nhưng tiết kiệm tiền thuê xe.

Ví dụ: Xe 4 chỗ cộng 1 lái xe (không có hướng dẫn viên), thì chỉ nên ngồi 3 khách cộng cả lái xe (1 người ngồi cạnh lái xe, 2 người ngồi sau). Còn nếu tiết kiệm thì vẫn 3 người ngồi hàng ghế sau (xe loại rộng hoặc người nhỏ thì ngồi được), hàng trên là tài xế và hướng dẫn, tổng là 5 người/xe.

Hoặc loại 8 chỗ/xe, nếu kể thêm tài xế và hướng dẫn là 2 người nữa, thì còn 6 chỗ cho 6 người. Đàm phán chỉ ngồi 5 khách/xe mà thôi (giảm trừ 1 chỗ), để tổng số người trên xe là 7 người/xe nhưng tiền vẫn như 8 người/xe.

Giá thuê trung bình: 1.000mnt/km (11.000vnd/km), chưa gồm xăng. Lượng xăng dầu trung bình 15-25lit/100km, riêng dòng xe Japan có thể chỉ tốn 12lit-15lit/100km. Tổng số km chuyến đi có thể là 2000-3000km.

Giá thuê xe gồm cả tài xế (ăn, ở) và xăng dầu: Xe Russian minivan 110-145usd/ngày, Land cruizer 120-160usd/ngày, Delica 110-130usd/ngày,…

Có nơi báo giá: Russian minivan 100usd/ngày có lái xe, 160usd/ngày có cả lái xe và xăng.

Giá xăng ở Mongolia gần bằng giá ở Việt Nam: 2.000mnt/lit (22.000 vnđ/lit, năm 2014).

Về báo giá xe: Phải lưu ý làm rõ về lái xe sẽ ngủ đêm ở đâu, nếu ở trong ger thì du khách mất thêm tiền trả, nếu tài xế ở trong xe của họ thì bạn đỡ khoản tiền. Còn ăn thì đương nhiên phượt sẽ trả, nhưng cũng cần thỏa thuận định mức.

Giá trung bình thuê xe phượt để đàm phán: 50-100USD/ngày (đã có xăng, cả ăn ở của tài xế). Nếu đi ngắn ngày và qua các thành phố đã có đường khá tốt thì có thể thuê tự lái hoặc nói tài xế cho tự lái (nếu bạn muốn thử), ví dụ từ UB lên phía bắc đến Erdenet, Darkhan, hay về phía tây thăm cố đô Kharkhorin.

Cũng lưu ý là lượng nhiên liệu được tính cho đường thảo nguyên, sa mạc khó đi nên hao tốn nhiều hơn, còn đường thành phố sẽ khác. Các phượt có thể thỏa thuận chi tiết nếu muốn.

Phượt bằng Land cruizer, Lexus là sướng nhất, bất kể đường nào nó cũng như bay trên thảo nguyên, sa mạc. Tuy nhiên cũng lại không hay lắm khi muốn đi chậm hơn để ngắm, thư thái phong cảnh.


- Oto có bật điều hòa hay không? Vì nhiều đoạn đường rất bụi, khoảng 14-17g thì nóng nhất, dù bên ngoài chỉ 25-28 độ, nhưng trong xe sẽ 36-39 độ (đi mùa hè).


- Tốc độ oto km/h?
Điều này khá quan trọng, cần hỏi xem đoạn đường xấu nhất thì xe chạy tốc độ bao nhiêu, có khi xe tốt nhưng xế mới thì vẫn chậm.

Thông thường một ngày đi khoảng 200-250km, ít cũng phải 100-150km, ngày nhiều >300-350km. Trên thảo nguyên khoảng 70-100% (năm 2014) là đường đất, đường cỏ, đường cát. Loại đường này có khi chỉ đi được 25-30km/h với xe kém, xe tốt hơn đi 40-60km/h, chỗ đường nhựa hoặc nền đất cứng cỏ đẹp mới thì đạt được 80-120km/h.

Như vậy mỗi ngày ngồi xe khoảng 7-8 giờ với tốc độ 25km/h, nếu trung bình được gấp 2 là 50km/h thì du khách có “thêm” 3-4 giờ cho nghỉ, chụp ảnh dọc đường, thăm quan nhiều địa điểm hơn và đỡ mệt hơn rất nhiều, cũng như khi đến điểm cuối dừng chân trong ngày bạn sẽ có nhiều thời gian tìm hiểu thay cho khi nắng đã tắt (21-22 giờ hết nắng) mới đến nơi muốn đến.


- Tour guide: Nếu may mắn bạn có thể kiếm được tài xế kiêm lái xe, ngược lại thì sẽ là 2 người theo đoàn suốt chuyến đi. Tất nhiên guide chủ yếu là tiếng Anh.

Đôi khi là cặp vợ chồng, chồng là tài xế, vợ hướng dẫn, có thể kiêm nấu ăn…

Lái xe và hướng dẫn viên có thể chỉ được ngủ trong xe oto thôi chứ không vào ger ngủ cùng du khách dù bạn có mời, vì nhiều đêm trời rất rét mà họ lại phải ngủ trong xe, hoặc không có ger riêng cho tài xế và hướng dẫn viên, như thế cũng phí quá vì ger chỉ có 2 người, đây như là quy định bất thành văn ở Mongolia, đối với họ ban ngày là oto, đêm xuống oto trở thành ger. Cần chú ý, phải thỏa thuận rất rõ điều này, vì có thể bất đồng ngôn ngữ thì cả 2 người (tài xế, hướng dẫn viên) sẽ ngủ cùng ger, cùng hotel, như vậy phát sinh thêm nhiều tiền, và tự dưng 2 người này chẳng khác gì phượt cả. Riêng ăn thì họ có thể vẫn ăn cùng, nhưng thường ngồi riêng, gọi món truyền thống.

Nói chung, các tour đều phải thuê xe, tài xế, hướng dẫn viên. Tài xế và hướng dẫn viên có thể là người nấu ăn cho đoàn khi cần thiết.


Trường hợp trên thảo nguyên hay sa mạc, xe oto hỏng thì có thể nhờ xe khác chở người đi trước, có thể mất tiền hoặc chủ xe sẽ chỉ chở giúp và không lấy tiền.


Trong phuot.vn có bạn Zolo là sinh viên Đại học Xây dựng, đã về nước, bạn đang tổ chức các tour sang Mongolia. Zolkhuu biết thành thạo cả tiếng Anh, tiếng Việt cũng khá được. Zolo có thể vừa lái xe vừa là hướng dẫn viên, Zolo đã có công ty du lịch riêng và đăng tin trên phuot.vn.



- Xe máy: Có thể thuê khoảng 15-20usd/ngày, xăng tự trả. Hoặc mua xe máy mới giá khoảng 1.500.000mnt/xe (16 triệu vnđ), hết đợt phượt bán lại có thể được thu lại 80% giá mua. Muốn đăng ký phải đứng tên người Mongolia hoặc có visa 90 ngày. Một số công ty du lịch vẫn có các cuộc đua dành cho dân đua hay phượt xe máy muốn thử sức.
 
NGỦ..............

- Ngủ ở đâu: Ở khu tập thể dân cư (dùng cho thuê), khu du lịch, khách sạn?
- Ngủ mấy người một phòng (hotel, guest house), mấy người một ger?
- Ngủ trong ger hay ngủ túi ngủ (thuê hoặc mang theo)?


Ngủ ger loại nào, có thể chia 2 loại chính: Guest ger và Tourist camp hoặc Ger camp.

Trước khi chọn thuê phải vào ger kiểm tra, đi xung quanh kiểm tra các ger khác, hỏi các dịch vụ, và hỏi nhiều câu hỏi như liệt kê tiếp sau đây.

+ Của dân làm du lịch: Guest ger. Là một gia đình du mục cho thuê để kiếm thêm thu nhập, mỗi gia đình có thể có 3-5 ger để cho thuê. Trong ger ngoài 6-8 giường xếp vòng theo chu vi, có bếp lò ở giữa ger, hết; có thể nếu dân đang sống trong ger này thì có bàn, tủ, kể cả bàn thờ và một loạt các đồ dùng khác, kể cả tivi.

+ Của khu du lịch, khu trại ger: Tourist camp hoặc Ger camp. Trong một Tourist camp (thường do chính quyền quy hoạch vị trí) lại có nhiều Khu ger, mỗi khu sẽ do các ông chủ khác nhau sở hữu với các đẳng cấp tương ứng giá thuê rất khác nhau, có tên riêng và khó mà tìm trên internet . Trong mỗi Khu ger này sẽ có nhiều ger, khoảng 5-10 ger, mỗi ger ở được 6-10 người, có cả VIP ger.

Như kiểu khu chung cư (Tourist camp), có nhiều toà nhà (Khu ger), mỗi tòa nhà có các căn hộ (Ger). Ger trong Tourist camp hoặc Ger camp đương nhiên chuyên nghiệp hơn, nhìn sạch sẽ hơn, có thêm các dịch vụ như điện, nước dùng, tắm nước nóng, nhà vệ sinh kiểu Âu...


* Tất cả các loại ger trên đều chưa bàn đến chất lượng chống rét của ger, vì khá khó. Lớp vải bao quanh ger thường 3 lớp: Lớp ngoài cùng chống nước, lớp giữa quan trọng nhất để chống rét, lớp trong cùng chỉ trang trí. Lớp giữa thường làm bằng len gia súc, nếu kì công thì được lu lèn rất kĩ mới đảm bảo chống rét.


* Nếu là ger của người dân làm du lịch (Guest ger): Có thể nói là dưới 1 sao (tạm gọi là 0,5 sao), điện không có, chỉ có nến mà nến có thể hết, củi cũng không có hoặt hết củi, củi chỉ là vài cành cây khô; nhưng giá cũng tương đương loại khác, khoảng 15.000-25.000 mnt/người/đêm. Cũng có đủ giường chăn gối nhưng cảm giác là không được sạch cho lắm, có 1 can nước dùng chung cả ger để rửa các thứ. Có thể tự nấu ăn nếu gia chủ vui vẻ. Nấu xong nhờ họ rửa đồ, không phải là lười không rửa mà để họ tiết kiệm nước thôi. Trong hành trình của du khách, cũng nên ở thử vài ba đêm với Guest ger để cảm nhận sống cuộc đời của người du mục. Ở kiểu này cũng gần giống homestay.

* Với ger trong Tourist camp hoặc Ger camp, thường tên có gắn “Tourist” có giá cao hơn Ger camp. Có thể phân chia loại cao cấp, thấp cấp. Nếu để tự xếp hạng như sao của khách sạn, từ 1 sao đến 3 sao, trên 4 sao thì không còn lại ger nữa mà là nhà bê tông, gạch, gỗ.

Tất nhiên vẫn chưa thấy tiêu chuẩn của Mongolia phân hạng ger, có thể chia 3 hạng:

+ Loại ger 1 sao: Loại này khá hơn Guest ger ở độ sạch, dù chỉ là cảm giác; cũng có thể đây là ger của dân làm du lịch (Guest ger), nhưng làm chuyên nghiệp, có tổ chức hơn.

+ Loại ger 2 sao: Có thể khá yên tâm ăn ngủ được. Nên lựa chọn loại này với giá tốt nhất, và hỏi kĩ các dịch vụ của ger.

+ Loại ger 3 sao: Đẳng cấp khác hẳn, các dịch vụ theo kiểu Âu, dành cho người nhiều tiền, người già thường phải vào ở loại này vì không thể chịu được khổ, bẩn. Chủ hay quản lý thường là người châu Âu. Ngay khi đặt chân đến, đã có các thanh niên nam nữ ra mang vali giúp khách… Loại ger 3 sao trên sa mạc, thảo nguyên này có thể coi tương đương khách sạn 4-5 sao ở thành phố.


Phượter có thể chọn loại Guest ger hoặc một sao rưỡi sao thuộc Tourist camp hoặc Ger camp, nhưng vẫn còn nhiều việc cần tiếp tục xem xét thêm...
 
- Nước sinh hoạt thế nào:

Cũng tương tự như trên, 1 sao đến 3 sao. Nhưng toàn dùng nước hồ hoặc sông, suối. Chỉ khác như:

- Ger dưới 1 sao: Được 1 can nước để sẵn cho đánh răng, rửa mặt, lau rửa thêm một số thứ; hết tự đi lấy, mà nhiều khi cũng không có mà lấy vì không có hồ, suối ở gần. Tất nhiên nước lạnh buốt.

- Ger 2 sao: Được 1 can nước để sẵn. Nước hết có thể lấy thêm vì ở gần hồ, đi lấy thủ công là xách can, xô ra hồ mà múc. Nếu ở vùng sa mạc thì hết nước sẽ không có mà lấy, cần tiết kiệm. Người dân có thể làm giả lavabo: Có thể đổ nước vào bình nước nhỏ đặt trên cao có gắn vòi, sau đó dùng như vòi sen để rửa mặt, đánh răng. Tất nhiên nước vẫn lạnh buốt.

- Ger 3 sao: Ngoài nước lạnh, sẽ có nước nóng nhưng theo giờ như sáng, chiều để vệ sinh buổi sáng hay tắm, còn giặt thì tự giặt hay đưa chủ ger giặt thì mất tiền. Có loại ger tắm mất thêm tiền do chia tính vào tiền ger: 3.000-7.000 MNT mỗi lần tắm. Nước được hút từ hồ lên, đun nóng thủ công bằng củi (vùng có nhiều rừng ở phía bắc) hoặc điện lưới, đun bằng năng lượng mặt trời. Nhưng nước chảy cũng khá hẻo, không mạnh và thoải mái.

Giá giặt (có máy giặt): Áo khoác 4usd, áo sơ mi 1,5usd, quần 2,5usd, quần bò 3usd, tất 1usd…


Nhà tắm đương nhiên là bằng gạch, bê tông, gỗ, chứ không thể tắm trong ger vải. Muốn có nước xả cho xí, tắm thì nước được bơm lên bể chứa đặt trên cao hoặc bơm trực tiếp, nhưng cao lắm cũng chỉ 3-5m, nên vòi sen chỉ chảy như chảy từ …vòi chứ không phải tia nhỏ như thông thường.

Ở ger, chiều cao cột nước như vậy nên nước nóng và lạnh cũng không hòa đều vào nhau, cần căn chỉnh độ ấm của nước cẩn thận trước khi cởi hết quần áo nếu không muốn phải tắm nước đá hoặc nước sôi, và ngay cả trước khi cho người dính nước, vì đang tắm, đóng vòi, vẫn vị trí đó mà mở vòi lại thì cũng gặp nước hoặc nóng hoặc lạnh; gặp nước lạnh còn chịu được chứ bị nước 60-70 độ C chảy vào người thì...

Cần tính thêm, mỗi khu tắm có thể có 5-10 buồng tắm, nhưng họ cũng thường chỉ cho 3-5 khách vào tắm một lần vì nước nóng không đủ cho tất cả, mỗi lần chỉ khoảng 45 phút, có khi phải ngồi chờ. Nếu cả 5 người đều mở vòi thì sẽ có vài người không đủ nước nóng hoặc nước chảy rất ít, không tắm nổi mà chỉ đủ lau người.


Các phượt cũng thông cảm về khoản nước, tiêu chuẩn của WHO là tối thiểu 20 lit nước/ngày/người. Trung bình ở Mongolia, người dân chỉ dùng 8-10 lit nước/ngày/người, quá thấp nếu so sánh với các chung cư ở thủ đô UB, họ dùng đến 250 lit nước/ngày/người và hơn thế.
Chưa tính khoảng cách và thời gian đi lấy nước, tại vùng nông thôn khoảng cách trung bình 500m và 30 phút, mùa đông mất đến 1 giờ do đường trơn trượt, bề mặt lồi lõm. Chuẩn của WHO áp dụng cho Mongolia: Nguồn nước được coi là dễ lấy với 2 tiêu chí: Thời gian lấy nước dưới 30 phút, khoảng cách dưới 1km.

Nhưng điều đặc biệt là mức tiêu thụ nước rất ít này (10 lit nước/ngày/người) lại không phụ thuộc vào mức thu nhập, giá bán nước, có thể đây chỉ là thói quen dùng nước. Vì khi cho nước miễn phí (ở thủ đô, thành phố) thì khảo sát cho thấy không có nhiều gia đình dùng hơn định mức 20 lit nước/ngày/người.

Lấy nước ở gần thì có ống bơm, còn ở xa phải dùng chủ yếu xe đẩy chứ không thể oto, vì đoạn đường đến điểm lấy nước rất khó cho xe oto đi được.
 
- Sưởi đêm bằng gì:

Có hay không có đồ đốt nóng để sưởi, dù mùa hè nhưng nhiệt độ tối và sáng sớm thường 10 độ C, nếu có bão thì 6-8 độ C.

Ở khách sạn (hotel 2-3 sao), hay nhà nghỉ (loại chung cư cũ cho thuê): Không có điều hòa, ngủ tối có thể chăn dày hoặc mỏng, cũng khá ổn.

Ở ger: Sưởi bằng phân bò phơi khô hay củi, có những nơi không có củi (sa mạc), củi phải mua, chẳng may bạn đến lúc hết củi thì phải ráng chịu, sáng mai lên xe oto ngủ bù. Qua đêm ở ger của dân làm du lịch 0,5 sao (Guest ger) thì như trên đã trình bày, đừng hy vọng có củi sưởi.

Phân bò đốt không có mùi nên du khách yên tâm.

Củi có thể chia làm 2 loại chính: Loại đã dùng rìu xẻ rồi nhưng củi vẫn to bằng bắp chân thanh niên, loại này chỉ có ở phía bắc-nơi có rừng gỗ (rừng taiga), ở đây củi chất thành đống quanh ger, nếu thích thể thao thì sáng ra bạn có thể múa vài chục rìu.

Loại củi chỉ là cành cây khô chỉ như ngón tay và còn nhỏ hơn, loại này thì đốt bao nhiêu cũng không đủ, chỉ chưa đến 2 giờ đốt là hết củi.


- Chăn ga gối đệm: Loại dưới 1 và 2 sao chắc người sau dùng lại chăn ga gối đệm người trước vừa ở; có thể không có chăn hoặc chăn rất mỏng, mà trời đêm thì rét, còn lại thì đệm cứng gối mỏng, rất sơ sài. Loại 3 sao chắc cũng …bẩn thế, có chăng có thể được đập bụi, phơi ngoài trời nắng.



- Điện:


Có những vùng không có điện, nơi đã có đường điện quốc gia nhưng chủ ger không lấy điện này, điện từ năng lượng mặt trời, điện từ máy nổ.
- Ger 0,5 sao: Không có điện, hoặc hết điện do điện từ năng lượng mặt trời tích vào ắc qui không đủ dùng.

- Ger 1 sao: Có thể chỉ điện năng lượng mặt trời, không hy vọng xạc pin.

- Ger 2 sao: Điện chạy máy nổ, khoảng 21g-24g hằng ngày, chủ yếu cho du khách nạp pin các loại. Muốn xạc cũng không thể xạc trong ger, vì chỉ là nến hoặc 1 bóng đèn nhỏ trong ger, muốn xạc phải đến đúng chỗ gia chủ quy định. Có thể karaoke nếu chủ ger có phòng.

- Ger 3 sao: Điện đủ thắp sáng, sạc pin trong ger. Trung khu ger này có thể có tivi ở ger nhà hàng, vừa uống bia vừa xem tivi, karaoke.
 
- Xí, toilet:

Loại ger 0,5 sao và cả 1, 2 sao thì xí kiểu thời bao cấp ở ta trước kia, đào hố sâu 1-2m, loại nhỏ thì kích thước nhà vệ sinh 1m^4 (1mx1mx1mx1m), không có gì lót bên trông (sẽ thấm vào đất và lại chảy vào nguồn nước), đặt phiến gỗ khoét lỗ lên trên, hoặc hai miếng gỗ cách xa 20cm để làm lỗ rơi; 4 bức tường gỗ, có hoặc không có cửa, có mái hoặc không có mái; du khách ngồi xuống và sẽ mô tả chi tiết …sau.

Xí thường gần chỗ ở hay sinh hoạt nếu đất hẹp, ví dụ khoảng cách xí và chỗ ngủ <10m, nếu có đất khoảng cách có thể 20-50m, thậm chí 100m. Các xí này thường sử dụng được 2-5 năm, sau đó lấp lại, và lại đào hố làm xí khác bên cạnh. Mà đất chật thì sẽ đến lúc đào lại chính hỗ ...cũ. Không rõ hiện nay và tương lai, người Mongolia có chịu dùng hóa chất để giúp phân hủy chất thải của người không. Việc làm các nhà vệ sinh cho ... vệ sinh là không cần thiết ở vùng sa mạc, thảo nguyên hay nông thôn vì tự dưng thêm chi phí, mà họ thì du mục nên mọi thứ cứ tạm bợ là phù hợp nhất.

Còn ger 3 sao, có thể cả 2 sao thì xí bệt, nhưng có khi rất bẩn vì thiếu nước xả.

Ở Mongolia, có thể bạn nghe đến tên VIP toilet, đó là tên “Ventilated Improved Pit”, một loại nhà vệ sinh khô, nghĩa là không dùng nước hoặt rất ít nước.

Ở trong khu ger 1, 2 sao thì tốt nhất là tìm cách đi kiểu thiên nhiên, nhưng chỉ được khi bên cạnh là rừng, nếu xung quanh bằng phẳng và sa mạc thì phải chui xí thôi hoặc nhịn để đi trên đường thì xả.

Nên trao đổi trước với guider hay lái xe để họ biết mà tìm chỗ dừng cho đi vệ sinh “tự nhiên”. Bình thường thì thấy buồn là họ dừng, lái xe tè luôn vào bánh xe là xong, lên đi tiếp; khách tranh thủ chụp hình hoặc cũng vội vã xả đại đâu đó. Còn không thì xe sẽ dừng chỗ có nhà hàng, trạm xăng. Những chỗ này đều là nhà vệ sinh như đã kể, khó ai đủ can đảm vào đó xả, nắng nóng ngột ngạt, gió vi vu… chưa đến nơi đã thấy mùi bốc lên, dù chỉ mới vài phút trước đó bạn đang căng phổi để hít và hà cực sảng khoái không khí du mục mát lạnh…


- Nước dùng trong chuyến đi: Được bao nhiêu lit/người/ngày. Đã tính vào tiền tour chưa hay tự mua. Đến các chỗ dừng chân sẽ mua, nước này để uống có thể ít nhưng nước để rửa thì cần nhiều hoặc tối dùng, sáng dùng cho nhu cầu cá nhân: Rửa, đánh răng, rửa mặt...

- Dịch vụ khác: Loại 2, 3 sao thì sẽ có các ger phụ trợ như: Ger nhà hàng, ger giải khát, ger bán đồ lưu niệm, ger thể thao (bàn bi-a), karaoke (người Mongolia rất thích môn này), pub, có thể thuê xe đạp, xe máy, oto… Có thể ở các ger 0,5 sao và 1 sao rồi tối sang ger 2, 3 sao hưởng các dịch vụ khác.
 
- Giá ở trung bình các loại ger

(Giá có thể thay đổi mà không thông báo trước)

Trung bình có khoảng 8 người/ger:

+ Ger 0,5 sao và 1 sao: 10.000-25.000 mnt/người/đêm.

+ Ger 2 sao: 30.000-40.000 mnt/người/đêm.

+ Ger 3 sao: 60.000-80.000 mnt/người/đêm (900.000 vnd/người/đêm). Có ăn sáng hoặc không ăn sáng, cần hỏi chi tiết khi thuê, cũng như có các dịch vụ gia tăng khác.

Có loại ger chỉ 5.000mnt/người/đêm, loại này cần mang thêm túi ngủ.

Nếu chọn ger 2, 3 sao, thậm chí ger 1 sao thì chưa chắc đã được gọi là Backpacker hay Phượt, Tây ba lô.


- Di chuyển:
Sẽ dừng chân ở đâu: Thị xã, thị trấn, thành phố hay bên đường, hay mệt thì dừng.

Vì các chỗ dừng chân thường nếu không thăm quan thì sẽ ăn trưa, ăn tối hoặc mua đồ ăn uống, hay cả sim điện thoại và các đồ cho chị em nếu cần.
Thời gian dừng nghỉ là bao nhiêu, để xạc pin nếu tối qua nghỉ trong ger không có điện.

Các điểm dừng chân cũng nên biết trước chuyến đi vì sẽ tìm hiểu thêm về nó trên google, cũng như ước số km, số thời gian di chuyển, để lượng sức và bữa ăn chuẩn bị.



- Tự nấu ăn trên thảo nguyên, sa mạc (không phải ở UB): Cần hỏi trước Guider, vì chỉ có thể nấu ăn với điều kiện ở gần nơi có nhiều nước (nước hồ), có nhiều củi, chủ ger có bếp và đủ dụng cụ. Nếu ger ở sa mạc thì không thể tự nấu (không nước, không củi), ger ở vùng xa nguồn nước cũng khó. Ngay cả dụng cụ nấu cũng không phải ger nào cũng đủ, họ chỉ trang bị đủ dùng cho gia đình họ; các ger cao cấp (3 sao) cũng không muốn cho tự nấu.

Chỉ nên tự nấu với 3 điều kiện: Ở gần nguồn nước (hồ), có nhiều củi (ở vùng phía bắc giáp Nga, rừng bạt ngàn), du khách ở lại từ 2 đêm trở lên.



- Taxi: Tất cả các xe ở Mongolia đều có thể trở thành taxi, nhưng chủ yếu ở UB, Darkhan và Erdenet là 3 nơi phát triển nhất.
Lưu ý, chỉ có một số ít taxi là có biển TAXI ở xe, và loại TAXI này phần lớn đón chờ khách tại sân bay ở UB, một số khách sạn 4-5 sao; còn lại là xe không có biển taxi nhưng lại làm taxi, thường xe 4-7 chỗ. Xe có biển TAXI, có thể sơn màu riêng là có giấy phép kinh doanh.

Loại xe không đề TAXI (có thể coi là kinh doanh không có giấy phép): Khi cần, chỉ cần đứng lại và vẫy tay, xe nào muốn kiếm tiền thì dừng lại, hỏi địa điểm đến, nếu thuận lợi là mời du khách lên xe. Khi dừng thì nhìn số km đi được để thanh toán chứ không có đồng hồ tính tiền.

Giá trung bình cho các loại taxi: 700-1.000 mnt/km (9.000-12.000 vnd/km).

Taxi từ sân bay ở UB vào trung tâm UB: 15.000-20.000mnt (cho khoảng 30km).


- Xe buyt, xe điện, xe van: Cũng có ở UB và Darkhan, Erdenet. Giá vé chỉ 200-400 mnt/người/lượt (2.500-5.000 vnd). Ra sân bay UB có thể đi xe Bus 1 và Bus 22. Giờ chạy xe bus 7am-10pm, khoảng 10-15 phút/chuyến. Xe buyt là phương tiện chuyên chở chính ở UB.


- Cưỡi ngựa, lạc đà: 8.000-15.000 mnt/người/1 giờ, có thể đưa thêm 1.000mnt/người cho người hướng dẫn hoặc đã tính vào giá thuê. Giá trên có thể mặc cả để giảm.

- Vé thăm quan: 2.000-10.000 mnt/người, chụp ảnh thêm 10.000mnt/người.

- Mặc cả giá các đồ lưu niệm ở thảo nguyên, sa mạc: Trả giá giảm từ 2/3 đến 1/2 giá người bán đưa ra hoặc giá dán trên đồ vật.


- Ăn trên đường và ở nơi nghỉ qua đêm: Ăn 3 bữa/ngày? Món ăn các bữa là gì? Ăn ở đâu, món gì?... Có thể không gặp nhà hàng, hoặc nhà hàng ít đồ ăn, ăn không hợp. Trên đường lại sẽ ghé các điểm thăm quan nên phải đi bộ, leo núi… sẽ mất sức, mất nước.


- Đổi tiền: Chỉ đổi được ở 3 nơi: UB là chính, có thể thêm Darkhan, Erdenet (3 thành phố lớn nhất), vì chuyến đi phần lớn là tránh thành phố, hoặc đến nơi thì đã muộn, sáng sớm hôm sau lại đi sớm. Nên rất cần đổi ngay ở UB trước khi lên đường, vào ngày thường thì tối muộn có thể ngân hàng vẫn mở cửa, các ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật có thể đóng hoặc mở rất muộn (9-10am) và đóng sớm (2-3pm).



Tiết kiệm: Có thể chọn ở trong ger dưới 1, 2 sao, còn sang dùng các dịch vụ gia tăng khác ở ger 3 sao (như tắm chẳng hạn), và trả thêm tiền. Cần hỏi kĩ nhà tour để có phương án.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,748
Bài viết
1,136,874
Members
192,573
Latest member
thienvmex
Back
Top