Borobudur
Ảnh:
http://pandjiwinoto.co.cc
"Nhìn từ trên xuống, có thể nhận thấy Borobudur là biểu chứng hùng hồn cho quan niệm “trời tròn đất vuông” của Phật giáo về vũ trụ với cấu trúc 2 phần rõ rệt: 3 tầng tròn ở phía trên và 7 tầng vuông ở phía dưới. Những học giả Ấn Độ cho rằng tòa tháp này được thiết kế theo thuyết Tam giới của Phật giáo: 2 tầng đáy là "dục giới", 5 tầng giữa là "sắc giới", 3 tầng trên là "vô sắc giới". 10 tầng của Borobudur tượng trưng cho 10 phẩm hạnh tuyệt đối mà một vị Bồ tát phải hoàn thiện.
Toàn bộ ngôi đền có chiều cao 42 m, chiều dài mỗi mặt chân đền 123m; nếu đi hết các bậc thang, hành lang để lên đến đỉnh tháp thì bạn đã trải qua quãng đường dài 5 km. Các tường thành ở mỗi tầng được phủ kín bởi 2.672 bức phù điêu, 504 tượng Phật được chạm trổ công phu, mô tả cuộc đời các đức Phật và bồ tát, phác thảo những câu chuyện về thiên đường, địa ngục…
Ba tầng tròn ở trên không có tường thành, lan can, tượng trưng cho sự vô biên, xoay vần của vũ trụ cùng với 72 tháp chuông bên trong có 72 tượng Phật ngồi, hướng người tham quan đến trạng thái yên tĩnh tuyệt đối. Ngọn tháp chuông lớn nhất ở ngay vị trí đồng tâm của ngôi đền chính là biểu trưng của sự siêu thoát.
Người tham quan khi lên đến 3 tầng tròn thường đưa tay vào trong các mắt cáo của tháp chuông, chỉ để một lần được chạm vào vai tượng Phật, nhắm mắt tưởng thưởng sự bình an tự tại đang có và cầu nguyện cho sức khỏe, an lành của bản thân và gia đình.
Trên đỉnh ngôi đền cũng là nơi lý tưởng để bạn phóng tầm mắt bao quát cảnh quan xung quanh, ngắm nhìn tấm thảm xanh khổng lồ trải dài trước mặt, hưởng trọn bầu không khí hoàn toàn trong sạch, an bình. Đứng ở phía bắc của đền, bạn có thể nhìn thấy hơi bốc lên từ miệng núi lửa Merapi và ở phía tây lẫn trong đám mây trắng là núi lửa Sumbing còn hoạt động"
BOROBUDUR - KỲ QUAN PHẬT GIÁO CỔ TRÊN ĐỈNH ĐỒI
Bay đến Yogya lúc 7giờ sáng, 9 giờ tôi đã trên đường thẳng tiến về Borobudur, trong tay là một bản photocopy bản đồ Yogya của Gandhi, chủ nhà trọ đưa cho. Trước khi tôi ra khỏi cửa, Gandhi còn chạy vào nhà lấy một chiếc áo mưa đưa cho tôi phòng trời mưa. Trên đường đi cũng chỉ mưa vài hạt rồi sau đó thì nắng điên đảo cho tới tận chiều. Đi theo biển chỉ đường Magelang, đi khoảng 47km thì rẽ trái là lối vào Borobudur, đi tiếp 3km nữa là tới đền. Vậy mà 3 km này lấy đi của tôi mất chừng hơn tiếng đồng hồ vì lạc đường, tôi chạy xe vòng quanh làng Borobudur 3 lần mới tới nơi. Trên đường đi có dừng lại hỏi đường nhưng mỗi người chỉ một hướng, không hiểu ngôn ngữ của nhau nên khoa chân mua tay, chỉ linh tinh vào bản đồ. Đến lúc mệt quá rồi, nghĩ thôi chắc mình phải tìm lối ra đường lớn để đi lại từ đầu thì gặp mấy chú cảnh sát tuýt còi dừng xe lại, biết là khách du lịch thì thái độ thay đổi vô cùng niềm nở, chỉ đường rõ ràng rồi chúc tụng đủ thứ. Thật là may mắn. Cuối cùng cũng đến nơi sau gần 3 tiếng phơi mặt chạy xe ngoài nắng, lại cứ phải ghi nhớ rằng mình đang đi xe ở Indo, mọi quy tắc đi lại trên đường phải ngược với VN. Kể ra cũng thật hay khi thỉnh thoảng được vứt sang một bên những thói quen hàng ngày.
Đền nằm trên một ngọn đồi giữa thung lũng xanh tươi, được bao quanh bởi 4 ngọn núi lửa. Lúc tôi đến vào chính giữa buổi trưa, nắng rực rỡ và gió rất mạnh
Mới đi được vài bước, chiếc ô 20,000Rp mua ở Ubud đã gẫy tan tành. Từ đấy là để đầu trần, hậu quả là 1 tháng sau mới hết cháy nắng. Hôm ấy là cuối tuần nên người dân Indo và các em học sinh đến đền rất đông, cộng thêm một lượng lớn khách du lịch nước ngoài, góc nào của ngôi đền cũng thấy người.
Tôi đi vòng quanh ngôi đền từ tầng thấp nhất lên đến tháp trên cùng trong vòng 2 tiếng, thỉnh thoảng gặp những góc râm mát thì ngồi nghỉ một lát. Những tầng dưới đi tương đối yên tĩnh vì người đi lại cũng thưa thớt hơn, nhưng lên đến 3 tầng trên cùng, nơi có 72 ngôi tháp thì đông quá là đông, những nơi đẹp thì mọi người thay nhau đứng tạo dáng chụp ảnh, muốn dừng lại lâu lâu trước một bức tượng Đức Phật cũng khó, cũng không thể tỉ mỉ ngắm từng chi tiết nhỏ như ở dưới.
Có 4 gallery chạy quanh hành lang các tầng dưới. Những bức phù điêu hơn 1200 năm tuổi tuyệt đẹp, từng chi tiết được chạm khắc rất tinh vi, kể về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các chuyện dân gian về tiền kiếp của Người, câu chuyện về Sudhana đi tìm chân lý. Nếu bạn từng say mê chiêm ngưỡng dãy hành lang dài ở Bayon, hẳn cũng sẽ gặp lại cảm giác đó ở Borobudur.
Con thuyền ở góc dưới bên phải của bức phù điêu này xuất hiện trong rất nhiều bài viết về Borobudur