Candi Sewu và truyền thuyết Loro Jonggrang
Candi Sewu là một trong những ngôi đền Phật giáo lớn ở miền Trung Java, chỉ đứng sau Borobodur. Tên gọi Sewu trong tiếng Java có nghĩa "một ngàn ngôi đền", bắt nguồn từ truyền thuyết Loro Jonggrang. Truyện kể rằng đảo Java xưa kia có 2 vương quốc láng giềng là Pengging và Boko. Pengging là một vương quốc giàu có, được cai trị bởi một vị vua sáng suốt là Prabu Damar Moyo, cùng con trai của ông là Bandung Bondowoso. Còn chủ nhân của Boko là Prabu Boko - một tên khổng lồ chuyên ăn thịt người, với sự trợ giúp đắc lực của tên khổng lồ Patih Gupalo. Prabu Boko có một người con gái xinh đẹp tuyệt trần tên gọi Loro Jonggrang. Với mong muốn mở rộng bờ cõi, Prabu Boko xâm lược nước láng giềng Pengging, chiến tranh liên miên kéo dài, hai nước đều bị tàn phá và nạn đói xảy ra khắp nơi. Trong một trận chiến khốc liệt, Prabu Boko đã chết dưới tay hoàng tử Bandung Bondosowo, Patih Gupalo trốn thoát chạy về báo với công chua Loro Jonggrang biết tin dữ. Chưa kịp nguôi ngoai sau tin mất cha, vương quốc của công chúa đã bị bao vây bởi quân của Bandung Bondosowo. Bị mê hoặc trước sắc đẹp của công chúa, Bondosowo cầu hôn nhưng bị khước từ. Không nản lòng, chàng đề nghị hợp nhất hai vương quốc lại, cuối cùng công chúa cũng đồng ý với 2 điều kiện: thứ nhất: chàng phải làm một cái hang đặt tên là Jalatunda, thứ hai: phải xây dựng 1 ngàn ngôi đền chỉ trong một đêm. Với sức mạnh siêu nhiên, hoàng tử đào xong hang trong một thời gian rất ngắn. Công chúa dụ chàng đi vào hang và sai Gupalo lấy đá chèn cửa hang và đốt lửa thiêu sống hoàng tử trong đó. Bondosowo tìm cách thoát được khỏi hang, tình yêu của chàng đối với công chúa mạnh mẽ đến mức chàng sẵn lòng tha thứ cho nàng và tiếp tục thực hiện điều kiện thứ hai: hoàn thành 1000 ngôi đền chỉ trong một đêm. Để làm được việc này, Bondosowo đã triệu hàng ngàn linh hồn dưới đất lên giúp chàng. Đã hoàn thành 999 ngôi đền, nhưng khi đang xây dựng ngôi đền thứ 1000 thì các linh hồn thấy có ánh sáng phía đông và tiếng gà gáy, ngỡ là trời đã sáng, vội vã quay về nơi trú ẩn, để lại ngôi đền thứ 1000 còn dang dở. Hoàng tử hết sức tức giận khi phát hiện ra đó là nàng Loro Jonggrang bày mưu đốt lửa giả trời sáng, chàng phù phép biến nàng thành một bức tượng đá. Truyền thuyết cho rằng đó là bức tượng đặt trong căn phòng phía Bắc của đền Shiva trong cụm đền Prambanan, còn ngôi đền thứ 1000 là một phần của Candi Sewu. Mặc dù trên thực tế, trước khi xảy ra động đất năm 2006, quần thể đền Sewu chỉ có 257 ngôi đền nhưng sức hấp dẫn của truyền thuyết vẫn mang lại nhiều cảm hứng khi bạn đến thăm nơi này.
257 ngôi đền được sắp xếp theo bố cục của một Mandala Phật giáo với một đền thờ lớn ở trung tâm, 4 đền thờ nhỏ hơn ở 4 hướng và bao quanh là các đền nhỏ. Khuôn viên Candi Sewu khá lớn, với 185m chiều dài và 165m chiều rộng, có 4 cổng vào, mỗi cổng đều có 2 tượng Dvarapala khá lớn canh giữ ngay lối vào
Cổng chính
Cổng phụ
Vì lẽ gì mà trong một quần thể đền Hindu như Prambanan, nơi tôi thật sự yêu thích lại là một đền thờ Phật giáo. Thời gian tôi dành cho Candi Sewu khá lâu, cứ đi thế thôi, một mình trong khu đền rộng lớn này, lúc mỏi chân thì ngồi nép dưới chân đền tìm chút bóng mát, ngắm nhìn những bức tượng Phật, tuy không một bức tượng nào còn nguyên vẹn, nhưng chỉ cần nhìn dáng ngồi tự tại ung dung, đã thấy lòng thanh thản lạ kỳ
Candi Sewu còn có tên gọi khác là Manjus’ri grha, có nghĩa là nơi thờ phụng Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nên có thể thấy rất nhiều tượng Văn Thù Bồ Tát được chạm khắc trên mặt ngoài các ngôi đền
Thật tiếc là trận động đất năm 2006 đã phá hủy đi khá nhiều kiến trúc của đền, phần còn lại cũng hư hại nhiều, hiện nay xung quanh đền chính vẫn cần đến các giàn trụ đỡ và cấm vào bên trong. Đến Prambanan và Sewu, tôi mới hối tiếc là đã không đi Indo sớm hơn, trước năm 2006. Đành an ủi, đi là được, muộn còn hơn không. Đây là hình một trong bốn ngôi đền trấn ở 4 hướng quanh đền chính
Một điều thú vị nữa ở Candi Sewu là bạn có thể nhìn thấy núi lửa Merapi khá rõ. Vào những ngày trời trong và nắng có lẽ phong cảnh sẽ đẹp hơn rất nhiều