Nhân duyên với Kailash
Kailash - Ngân Sơn, như nhiều người yêu Tibet đều biết, là ngọn núi thiêng nằm ở phía Tây của Tibet, là điểm cao nhất của “mái nhà thế giới”. Về vị trí địa lý vô song và vị thế của Kailash trong tâm linh các thế hệ tín đồ mộ đạo, đã có quá nhiều tài liệu nói đến, trên diễn đàn cũng đã có topic của các bạn June và Tuanfreedom, tôi không nhắc lại nữa. Tôi chỉ tin chắc một điều, như Lama Anagarika Govinda đã từng viết “Không một ai đặt chân vào Tây Tạng mà không chịu ảnh hưởng của nó, và không ai có thể chui rúc vào đời sống chật hẹp một khi đã nhìn thấy sự bao la hùng vĩ của rặng Tuyết Sơn”.
Ngàn năm nay và cả ngàn năm sau nữa, biết bao dòng người hành hương đã, đang và sẽ nối nhau về đây, bất tận cũng như dòng đời miên viễn. Hành hương đến Kailash, theo quan niệm của người Tạng, không chỉ là một hành trình của thân thể thế tục, mà chính là cuộc hành trình của nhận thức đi từ vô minh đến khai sáng, từ sự kiêu mãn và tham đắm vật chất đến nhận thức sâu sắc về tính tương đối của duyên nghiệp cuộc đời.
Kailash là niềm mơ ước của rất nhiều thế hệ người hành hương. Trước chúng tôi, có rất nhiều bạn trên diễn đàn đã thực hiện thành công vòng kora này. Sau chúng tôi, chắc chắn cũng có nhiều người còn mong ước một lần trong đời được chiêm bái và đi nhiễu quanh ngọn núi thiêng ấy. Chuyến đi của chúng tôi, có lẽ chỉ đặc biệt hơn các bạn một chút bởi nó diễn ra đúng vào năm 2014, năm con ngựa của người Tạng, cũng là năm có biết bao biến cố xảy ra khiến cho hành trình của chúng tôi trắc trở hơn mọi dự định ban đầu.
Nhân duyên với Kailash của chúng tôi bắt đầu từ chuyến Tibet mùa xuân năm 2011. Đã đọc nhiều sách và tài liệu, được tiếp thêm cảm hứng nhờ topic “Tây Tạng, những ngày xanh nắng hạ” của bạn June, chúng tôi cũng đã có ý định đi Kailash từ thời gian ấy. Nhưng do không sắp xếp được thời gian, cũng không biết trước cơ thể có thích ứng được với độ cao hay không, nên đành ngậm ngùi xếp lại kế hoạch Kailash. Rồi sau này, khi đọc tiếp topic “Kathmandu to Kailash – hành trình xuyên Hy Mã Lạp Sơn” của anh Tuanfreedom và cuốn “Đường xa nắng mới” của tiến sỹ Nguyễn Tường Bách, ước muốn hành hương để thực hiện nghi thức đi trọn một vòng kora quanh ngọn núi ấy ngày càng trở nên mãnh liệt hơn.
Trở về từ chuyến đi năm ấy, chúng tôi đã hẹn ước với nhau sẽ hành hương Kailash vào đúng năm 2014. Hẳn nhiều bạn đã biết, 2014 là năm con ngựa gỗ theo lịch Tạng. Đối với người Tạng, năm ngựa là năm đặc biệt, năm đản sinh và cũng là năm mất của Đức Phật Thích Ca. Người Tạng quan niệm rằng nếu đi Kailash kora vào đúng năm này thì sẽ gia tăng phước đức, một vòng kora (outer kora) sẽ được coi tương đương với 13 vòng kora của những năm bình thường. Hơn nữa, trong năm này, người hành hương cũng có thể đi thẳng vào inner kora (còn gọi là Nandi kora), một điều mà lẽ ra chỉ được phép thực hiện khi đã hoàn thành trọn vẹn đủ 13 vòng outer kora.
Có lẽ nhóm 5 người chúng tôi là một trong số ít ỏi những nhóm du khách Việt có cơ duyên đến được với Kailash vào đúng năm đặc biệt này. Còn nhớ, trên hành trình về phía Tây Tibet, lần đầu tiên nhìn thấy ngọn núi thiêng trắng xóa vươn cao uy nghi trên nền trời mùa thu xanh thẳm, lòng tràn ngập nỗi xúc động khôn tả, cũng là lúc tôi nghĩ đến những khó khăn mà chúng tôi đã phải trải qua để được đắm mình trong những phút giây đầy sâu lắng ấy.
https://www.flickr.com/photos/63300647@N03/15913503128/
Đây là ảnh bình minh Kailash trong ngày kora thứ hai, chụp bằng điện thoại HTC one. Nhân đây cũng xin kể, máy ảnh của tôi đã bị hỏng ngay từ ngày thứ 3 trong hành trình, khi vừa rời Lhasa đi Shigatse. Do vậy, hầu như toàn bộ ảnh của tôi đều chụp bằng điện thoại, và tôi đã không thể có được những bức ảnh cận cảnh Kailash hay ảnh hoàng hôn vì điện thoại không zoom được và khi vừa tắt nắng thì lập tức nước ảnh trở thành màu tím lịm. Vì muốn hành trang gọn nhẹ nhất cho những ngày leo núi nên tôi chỉ mang duy nhất chiếc máy ảnh Canon G12. Hỏng máy ảnh ngay từ đầu hành trình là một điều rất đáng tiếc, tôi đã quá buồn khi không thể ghi lại hình ảnh Kailash trong giây phút đầu tiên được diện kiến. Tuy nhiên, những trải nghiệm của hành trình sau này đã đem lại cho tôi niềm vui sướng hơn tất cả những gì mà ảnh có thể mang lại.