Ban Thiền Lạt Ma thứ mười
Nằm ở phía đông của Tashilhunpo là toà tháp lớn cuối cùng trong 4 toà tháp chính của tu viện, có tên là Tashi-Langyar, nơi chứa lăng mộ của các Ban Thiền Lạt Ma từ đời thứ 5 đến đời thứ 9. Trong thời Cách Mạng văn hóa, linh tháp này đã từng bị Hồng vệ binh phá hủy, sau đó đã được đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 cho phục dựng lại vào năm 1985 và hoàn thành vào đầu năm 1989. Không bao lâu sau sự kiện khai quang lăng mộ của các đời Ban Thiền trước, đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã từ trần một cách bí ẩn tại chính Shigatse - thành phố gắn liền với dòng tái sinh của Ngài.
Từ sự kiện này, ngược dòng thời gian mới thấy cuộc đời của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã gắn liền với một giai đoạn đen tối, gắn với bi kịch chính trị của dân tộc Tạng và những thử thách to lớn đối với Mật Tông Tây Tạng, giai đoạn đất nước Tây Tạng phải trải qua cuộc xâm lăng bằng vũ lực của Trung Quốc.
Hẳn nhiều bạn đã biết, Ban Thiền Lạt Ma là danh hiệu mà Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 đã tặng cho thầy mình là trụ trì tu viện Tashilhunpo trong thế kỷ thứ 17. Vì Đạt Lai Lạt Ma được xem là hoá thân của Quán Thế Âm Bồ Tát nên lúc đó Ban Thiền Lạt Ma được coi là hóa thân của Phật A Di Đà. Cũng như dòng Đạt Lai, dòng Ban Thiền được xem là một dòng tái sinh và hai dòng này đều có thể ấn chứng các vị hóa thân cho nhau.
Ban Thiền Lobsang Trinley Choekyi Gyaltsen được tái sinh năm 1938 tại Thanh Hải, đã được Lạt Ma Flak Lakho công nhận là hóa thân của Ban Thiền Lạt Ma thứ 9, và được Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 ấn chứng là Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 vào năm 1951. Năm 1952, Ngài đã gặp đức Đạt Lai Lạt Ma tại Lhasa và sau đó đến cư ngụ tại tu viện Tashilhunpo ở Shigatse.
Cùng với Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Ban Thiền thứ 10 đã trải qua nhiều sự biến chính trị của Tây Tạng. Tháng 9 năm 1954, hai Ngài đến Bắc Kinh để tham dự phiên họp đầu tiên của Quốc hội Nhân dân, gặp Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo khác. Tháng 12 năm này, đức Ban Thiền đã được bầu làm uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trở thành Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị toàn quốc. Năm 1956, Ngài lại cùng với Đạt Lai Lạt Ma hành hương đến Ấn Độ, tại đây hai Ngài đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru.
Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 với Thủ tướng Ấn Độ Nehru và thủ tướng Miến Điện U Nu năm 1956 tại Ấn Độ
(ảnh sưu tầm)
Năm 1959, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến vào Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma lưu vong sang Ấn Độ. Ban Thiền Lạt Ma thứ 10, khi ấy mới 21 tuổi, đã quyết định ở lại Tây Tạng. Đầu những năm 1960, nhận thấy các chính sách của Trung Quốc tại Tây Tạng đã dẫn đến đói khổ và chết chóc cho người Tạng, vào tháng 5 năm 1962, Ngài đã viết bức
Thất vạn ngôn thư nổi tiếng (bản kiến nghị dài 70.000 chữ) gửi Chu Ân Lai để tố cáo về cảnh sống khốn cùng của người Tạng đồng thời chỉ trích chính quyền đã cho phá hủy nhiều chùa chiền và di tích tôn giáo của Tây Tạng. Vì bản kiến nghị này, Ngài đã bị chính quyền Mao kết tội và cầm tù hơn 14 năm. Mãi đến năm 1978, Ban Thiền thứ 10 mới được trả tự do và “phục hồi” chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc - Phó Chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị toàn quốc.
Ra tù, Ngài đã du hành rộng rãi khắp Tây Tạng để hành động bảo vệ nền văn hóa Tây Tạng và cải thiện đời sống của đồng bào Tạng, phát đi thông điệp mạnh mẽ kêu gọi làm sống lại tinh thần "Hãy là một người Tạng" và "Hãy sống vì Tây Tạng". Ngài cũng chính là người đã xúc tiến việc thông qua đạo luật coi tiếng Tạng là ngôn ngữ chính thức của khu tự trị Tây Tạng vào năm 1987. Khi Ngài về thăm lại tu viện xưa Tashilhunpo sau 18 năm xa cách, các tín đồ đã đem di hài của 5 vị Ban Thiền mà họ đã mạo hiểm tính mạng để giữ lại trong thời cách mạng văn hóa trao lại cho Ngài.
Ban Thiền đã thỉnh nguyện Đặng Tiểu Bình và lãnh đạo Trung Nam Hải cho trùng tu lại tu viện Tashilhunpo và phục dựng linh tháp để hợp táng di hài của 5 vị Ban Thiền và được chấp thuận. Bắc Kinh đã đền bù bằng cách cấp 108 kg vàng, 1000 kg bạc để xây linh tháp.
Cuộc phục dựng kéo dài ba năm tám tháng. Linh tháp được hoàn thành vào cuối năm 1988 với diện tích 1.933m2, cao 33,1m, bên trong tháp thiêng cao 11,5m, được bao phủ bằng một lớp bạc và khảm đá quý. Di cốt của 5 vị Ban Thiền Lạt Ma trong năm hộp gỗ đàn hương được đặt bên trong tháp. Ở trung tâm của tháp là bức tượng đồng của Ban Thiền thứ 9. Lễ khai quang được cử hành trọng thể vào tháng giêng năm 1989 do Ban Thiền chủ trì và Bí thư đảng ủy khu tự trị Hồ Cẩm Đào đọc diễn văn chúc mừng.
Sau lễ khai quang linh tháp, Ngài đã có buổi nói chuyện tại Shigatse, công khai phê phán chính sách của Trung Quốc tại Tây Tạng và tuyên bố sự trung thành của Ngài với Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Sau tuyên bố này, khi chưa kịp về lại Bắc Kinh, vào ngày 28 tháng giêng năm 1989, đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã từ trần vì “đột ngột bị nhồi máu cơ tim”, thọ 51 tuổi.
Do cái chết đột ngột của Ngài,
Đại pháp hội truyền chiếu - một sinh hoạt tôn giáo đã có truyền thống gần 500 năm ở Tây Tạng sắp tổ chức phải hoãn lại. Quyết định hủy bỏ
Đại pháp hội truyền chiếu đã gây chấn động lớn trong dân chúng và Phật tử Tây Tạng. Tại Lhasa đã liên tục diễn ra các vụ diễu hành đòi độc lập mà đình điểm là cuộc xuống đường của hơn 2000 Phật tử ngày mùng 5 tháng 3 năm 1989, với hậu quả có 11 người chết, hơn 100 người bị thương.
Sau khi Ban Thiền từ trần, Bắc Kinh đã quyết định xây dựng một tháp thờ tại tu viện Tashilhunpo để bảo quản xác ướp của Ngài và tưởng nhớ đến cống hiến của Ngài đối với Phật giáo Tây Tạng. Trong một chuyến thị sát lên Tây Tạng vào năm 1990, chủ tịch Giang Trạch Dân đã có chuyến thăm đặc biệt đến tu viện Tashilhunpo để kiểm tra việc xây dựng lăng tháp. Việc xây dựng bắt đầu vào tháng 9 năm 1990. Nhà nước đã phân bổ 64 triệu Nhân dân tệ từ quỹ đặc biệt, với 614 kg vàng và 275 kg bạc được sử dụng để xây tháp. Dự án này kéo dài ba năm và một buổi lễ khai quang hoành tráng đã được tổ chức vào tháng 9 năm 1993 để đưa xác ướp của Ngài táng vào trong tháp. Tháp đã được đặt tên là Sisum Namgyel, có nghĩa là Lễ đường của Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới).
Linh tháp Sisum Namgyel
(ảnh sưu tầm)
Ngày này, khách hành hương đến Tashilhunpo sau khi chiêm bái bức tượng Phật Di Lặc nổi tiếng đều ghé thăm linh tháp Sisum Namgyel để được ngắm bức tượng của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 ngay tại trung tâm của tháp với kích cỡ bằng người thật. Một ngày đầu thu nắng ấm chan hòa, tôi quay lại nơi này, thăm lăng tháp của Ngài, chiêm bái lại hình tượng mandala Kalachakra tối thượng trên trần của linh tháp, lòng cứ mãi băn khoăn nghĩ về số phận của một vị Lạt Ma đã từng gắn liền với bi kịch chính trị của đất nước Tây Tạng. Sáu năm sau ngày Ngài viên tịch, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã ấn chứng một cậu bé 6 tuổi là hóa thân của Ngài. Nhưng bi kịch lại một lần nữa xảy ra khi vị Lạt Ma trẻ tuổi cùng gia đình đã bị đưa đến Bắc Kinh và không ai biết số phận của họ sau đó ra sao. Để rồi sau đó, nhà cầm quyền đã công nhận một cậu bé sáu tuổi khác là tái sinh của Ngài và dựng nên vị Ban Thiền Lạt Ma thứ 11. Bi kịch lại chồng lên bi kịch khi truyền thống Lạt Ma tái sinh đã bị lợi dụng vì mục tiêu chính trị để chi phối dân tộc Tạng.
Hình tượng Mandala Kalachakra trên trần linh tháp Sisum Namgyel
(ảnh sưu tầm)
Có lẽ, di sản tinh thần cuối cùng của Ban Thiền thứ 10 chính là lời khuyên mà Ngài đã dành cho Lạt Ma Khenpo Phuntsok về việc chấn hưng Phật giáo Tây Tạng. Nhờ có sự khuyến khích của Ngài, năm 1980 Lạt Ma Phuntsok đã thành lập Học viện Phật giáo Sethar tại thung lũng Larung Gar thuộc vùng Garze - Tứ Xuyên, thu hút hàng nghìn tăng ni theo học Phật pháp. Ngày nay, Sethar đã trở thành trung tâm nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Sethar - Larung Gar - mái nhà của vùng Kham, tôi vẫn ấp ủ kế hoạch một ngày đến đó để được thăm quan di sản cuối cùng của đức Ban Thiền, được lạc lối giữa màu đỏ của hàng ngàn căn nhà gỗ trải dài trên cả một vùng thung lũng tươi đẹp.