What's new

[Chia sẻ] Kailash mùa thu 2014

Tháng Mười Hai, những ngày cuối cùng của tháng cuối năm, nhìn cuốn lịch mỏng dần chợt thảng thốt nhận ra một năm sao mải miết trôi nhanh đến thế. Trong giá rét của mùa đông Hà Nội, đếm những tờ lịch còn lại mà thấy da diết nhớ về những ngày kora rực rỡ giữa mùa thu tràn nắng và lòng vẫn day dứt về một lời hứa chưa thực hiện, lời hứa chia sẻ về một chuyến đi chưa từng kể lại - Kailash mùa thu 2014.

Kailash - chuyến hành hương ấp ủ hơn 3 năm của những kẻ đã từng một lần đặt chân đến Tibet và đã nặng lòng với vùng đất của chư thiên ấy.

Chuyến đi này, tôi kể lại đây như một lời tri ân với diễn đàn phượt, nơi tôi đã từng nhận biết bao thông tin quý giá không chỉ về Tibet và Kailash.

Chuyến đi này, tôi kể lại đây như một món quà dành cho người bạn đã từng đi Kailash, dù mới quen nhưng đã sẵn lòng tặng tôi những viên thuốc pháp quý báu của vị đại sư Nepal, những viên thuốc đã tiếp cho tôi thêm động lực trên đường hành hương.

Chuyến đi này, chuyến đi của đời người, đã thành một dấu ấn trong đời mà tôi chắc sẽ chẳng bao giờ quên được, tôi kể lại đây vào những ngày sắp khép lại một năm, cũng là để chuẩn bị cho cuốn nhật ký của những chuyến đi mới đang chờ đợi tôi phía trước.

Kailash mùa thu 2014.
 
Hội ngộ Kailash và Manasarovar - ngày rực rỡ

Xe đi thêm đoạn nữa, đã nhìn thấy thấp thoáng trước mắt một mặt hồ xanh sẫm và những dải lungta ngũ sắc bay lượn trong ánh nắng trưa. Tôi vừa tự thầm hỏi "Manasarovar đây ư?" thì Samdrup đã bảo bác tài dừng xe và quay lại nói với tôi “Kailash over there”.

16871819031_e55149d3f7_z.jpg


Chúng tôi xuống xe, ngỡ ngàng trước khung cảnh rực rỡ ấy, đứng lặng ngắm không gian mênh mông rộng mở phía trước, dõi mắt về chân trời phía xa. Kia rồi, trên nền trời xanh thẳm, lẫn vào giữa những đám mây trắng bồng bềnh là ngọn núi trắng xóa - ngọn núi mà trước đây tôi đã bao lần ngắm trong những bức ảnh. Có lẽ không bao giờ tôi quên được phút giây này, giữa không gian thăm thẳm nắng, giữa những màu sắc dường như siêu thực này, gió quá mạnh đập phần phật bên tai mà tôi dường như chỉ nghe thấy tiếng tim tôi đập thình thịch trong phút đầu diện kiến. Ngọn núi thiêng giờ đã ở trước mắt, sau bao khó khăn vất vả, nay chúng tôi đã được tận mắt chiêm bái.

16737540211_02349bc593_z.jpg


Các bạn tôi đứng bên có lẽ cũng cùng tâm trạng. Đứng lặng một lúc, chị NL bắt đầu giơ máy ảnh lên chụp liên tục, dường như chị không tin giây phút này là có thực chăng?

16584767880_43b0992837_z.jpg


16738732425_d571b42516_z.jpg
 
Hội ngộ Kailash và Manasarovar - ngày rực rỡ

Đến lúc này tôi mới thực sự thấy buồn vì điện thoại đã không thể ghi lại được rõ ràng hình ảnh của Kailash phía xa, cứ zoom lên là ảnh lại vỡ nét. Nhưng rồi tôi lại tự an ủi mình rằng có lẽ hỏng máy ảnh cũng là điều hay, nó cho tôi cơ hội được nhìn ngắm và cảm nhận nhiều hơn nữa bằng đôi mắt và cả tâm hồn tôi, thay vì ngắm cảnh qua ống kính máy ảnh. Và tôi chắc chắn không ống kính và ngôn từ nào có thể diễn tả được hết cái hùng vĩ đầy uy lực của ngọn núi thiêng trước mặt chúng tôi, lột tả được hết cái sắc độ rực rỡ mà bao la trong suốt đến vô cùng vô tận trong không gian của vùng cao nguyên đặc biệt này. Ở đây, giữa không gian cô tịch này, dường như khái niệm về sự giới hạn của không gian và thời gian không còn tồn tại nữa, và càng đi tiếp tôi mới càng cảm nhận rõ điều đó. Phải chăng vì thế mà nhiều người đã cho rằng Tây Tạng là vùng đất duy nhất trên trái đất có thể khai mở được những biên giới của ý thức và cho con người những tầm cảm nhận cao hơn mà thông thường ta không đạt tới, ở đây con người ta có đầy đủ những yếu tố để sống một đời sống viễn ly và để vươn tới một mức độ tâm linh cao hơn.

Kể từ giây phút đầu tiên được chiêm bái Kailash, ngọn núi thiêng cứ luôn ở bên phải xe chúng tôi suốt một chặng đường dài ngày hôm ấy, cho đến khi chúng tôi rẽ vào hướng Tirthapuri. Thật may mắn là lúc này sức khỏe đã trở lại. Trên xe, tôi đã không hề chợp mắt, Không, tôi không dám chợp mắt vì không muốn bỏ lỡ một phút nào được ngắm cái màu trắng của đỉnh núi phủ tuyết giữa bầu trời trưa xanh thăm thẳm ấy, tôi biết không phải ai cũng có may mắn được chiêm bái ngọn núi thiêng trong thời tiết đẹp đến thế.
Hành trình xe chạy theo hướng tây bắc về phía Tirthapuri cũng gần trùng với hành trình đi quanh ngọn núi thiêng, nó cho chúng tôi thấy dáng hình và sắc độ luôn biến đổi của Kailash.

Lúc đầu là dáng hình nón cụt
16857590996_1c9dbcf54e_z.jpg

(ảnh NL)

Đi tiếp đoạn nữa, núi đã chuyển dần thành hình kim tự tháp đều đặn
16771125322_78373970e9_z.jpg


Lúc hiền hòa dưới mây trắng
16584824770_ec90380dd4_z.jpg


Khi lại bừng lên đầy uy nghi trong nắng trưa
16883438435_dfb3e233cb_z.jpg

(ảnh NL)

Mây trên trời trắng hơn hay tuyết trên núi trắng hơn?
16771069221_2a0760900d_z.jpg


Ngày nắng đẹp, chim trời cũng đang hòa tấu những nốt nhạc vui trên bản nhạc trời xanh
16882310542_5822d03233_z.jpg

(ảnh NL)
 
Last edited:
Trưa hôm ấy, chúng tôi qua Darchen, thị trấn nhỏ dưới chân núi nổi tiếng vì là điểm check-in quan trọng cho khách hành hương vào Kailash.
Đường vào thị trấn, thấp thoáng vài dãy nhà lẻ loi dưới chân núi. Và Kailash kia, vẫn ở bên phải cùng chúng tôi
16152232423_d7ef5f17c1_z.jpg


Điểm dừng ăn trưa ở ngoài thị trấn Darchen.
16569029817_dfb3bf5b3f_z.jpg

(ảnh NL)

Việc kiểm tra giấy tờ tại chốt check-point đầu thị trấn (chưa phải là chốt làm thủ tục check-in vào khu vực trung tâm thị trấn để leo núi) cũng làm chúng tôi một phen thót tim. Khi xe dừng lại, còn chưa kịp vào trình giấy tờ, một toán cảnh sát của PSB đã nhảy lên xe hỏi han loạn xị, Samdrup moi vội tập giấy tờ trong balo, chưa kịp nói gì thì đã bị một chú hỏi:
- Nhóm này quốc tịch nào?
- Việt Nam – trả lời
- Việt Nam à? – cau mày rồi tiếp tục săm soi, lật đi lật lại tờ permit.

Mặc permit có đóng dấu của PSB đàng hoàng đã ghi rất rõ lịch trình qua các điểm, tôi vẫn chột dạ nghĩ tới cái lệnh cấm người mang hộ chiếu quốc tịch Pháp, Nhật Bản và Việt Nam vào khu vực Kailash trong năm nay. Sau màn kiểm tra permit, bắt đầu đến hộ chiếu.
Cuối cùng tôi cũng thở phào khi toán cảnh sát hết săm soi giấy tờ rồi lại nhìn tận mặt từng đứa, đã chịu xuống xe và cho chúng tôi đi tiếp. Và đây không phải là lần duy nhất chúng tôi phải thót tim hồi hộp vì bị soi giấy tờ, vẫn còn hai lần như thế và phải chờ đợi lâu hơn thế chúng tôi mới có thể bước chân được vào đường kora (chuyện này tôi sẽ kể sau).

Ảnh chụp từ xa chốt gác đầu thị trấn Darchen qua cửa kính xe - cũng là cái ảnh duy nhất chụp một điểm kiểm soát. Về sau, vì lý do an toàn cho chuyến đi, khi đi qua những điểm nhạy cảm như vậy, chúng tôi không bao giờ dám giơ máy ảnh lên nữa.
16771044081_4b95424d9c_z.jpg


Lịch trình ban đầu của chúng tôi là đến thăm hồ Manasarovar trước. Nhưng do đã bị mất một ngày ở Ngamring nên chúng tôi phải tạm bỏ qua Manasarovar và đi Tirthapuri trước.
Chiều đến suối nước nóng Tirthapuri - buổi chiều thứ 6 trong hành trình, là lần đầu tiên các con giời mới được tắm (nói đúng hơn là dám tắm) kể từ khi đến Tây Tạng. Nhà tắm ở đây được xây khá đàng hoàng thành từng khu riêng biệt cho nam – nữ. Nước nóng từ suối được dẫn chảy vào các bể to có sức chứa cả chục người. 50 tệ cho một lần tắm nước nóng - cũng đáng tiền để đổi lại sự thoải mái và khỏe khoắn dễ chịu sau ngần ấy ngày đường. Tắm xong lúc chiều còn chưa tắt nắng, nhưng gió quá to, chúng tôi đã quyết định về luôn chỗ nghỉ trọ mà không thăm tu viện Tirthapuri, định bụng để khi từ Zanda quay trở về sẽ ghé vào. Đây là một sai lầm của Samdrup bởi cũng như chúng tôi, Samdrup tưởng là có thể quay lại tu viện. Thực tế là một khi bạn đã check-in vào rồi lại check-out ra khỏi khu vực này thì sau đó bạn không được phép check-in thêm một lần nữa. Hôm từ Zanda quay lại, chúng tôi đã không thể vào Tirthapuri để thăm quan tu viện nổi tiếng của Guru Rinpoche (Liên Hoa Sinh) với di tích dấu chân trên đá của vị đại sư và người phối ngẫu của ông - bà Yeshe Tsogyal cùng cái “hốc đá nghiệp lực”. Tương truyền trong khuôn viên tu viện có một cái hốc đá gọi là “Karma-testing hole”. Khách hành hương đến đây thường đưa tay vào trong hốc để chọn ra hai viên đá. Nếu đó là hai viên đá trắng thì bạn là người có thiện nghiệp, nếu là một viên đá trắng và một viên đá đen thì duyên nghiệp của bạn cũng tạm ổn. Còn kết quả là hai viên đá đen thì người đó có nghiệp chướng rất nặng. Trước đó, chúng tôi đã đùa nhau nhất định phải vào Tirthapuri để bốc thử, đằng nào cũng đi Kailash kora cơ mà, lo gì. Vậy là cuối cùng, không đứa nào có cơ hội để thử xem nghiệp lực của mình ra sao trước khi hành hương Kailash.
 
Tirthapuri

Nhớ cái nhà trọ ở Tirthapuri, bốn dãy nhà thâm thấp quây xung quanh khoảng sân rộng mênh mông trải sỏi với giếng nước nhỏ sâu dường như không thấy đáy. Đó là một buổi chiều nắng mê mải, khi chúng tôi từ suối nước nóng về, trời chưa tắt nắng nhưng trăng mùng 10 đã lơ lửng treo trên nền trời xanh ngắt.

Nhớ khoảng sân rộng chăng đầy dây phơi quần áo và đậu đầy xe, khách hành hương hôm ấy đổ về đông đúc, cả bốn chục gian phòng đã kín mít, hầu như toàn khách Nga. Bốn chục phòng mà chỉ có một cái WC, kiểu Tibetan-style toilet phổ biến mà những ai đã đi Tây Tạng hầu như đều có ấn tượng khủng khiếp, giống như kiểu hố xí hai ngăn ở miền Bắc nước ta thời bao cấp ấy.

Nhớ cái cảnh thuê được 3 phòng dorm nhưng lại ở 3 dãy nhà khác nhau, mấy chị em cứ í ới chạy đi chạy lại như mắc cửi giữa các phòng. Nhớ buổi chiều ấy trời nắng và gió to đến nỗi cái khăn mặt phơi ngoài cửa phòng chỉ một chốc đã khô thơm mùi nắng. Anh T tranh thủ giặt đồ, mấy đứa thấy nắng cũng muốn giặt nhưng khi nhòm xuống cái giếng sâu hut hút và nhúng thử tay vào gầu nước lạnh buốt mới kéo lên thì đã bỏ ngay ý định giặt giũ.

Nhớ cái nhà ăn nhỏ nhưng sạch sẽ, thức ăn chẳng có gì ngoài trứng và đậu phụ. Ở vùng đất khô cằn nắng rát này, rau xanh là thực phẩm xa xỉ, hẳn thế mà tiền ăn khá đắt.

Nhớ em gái chủ quán xinh xắn đôi mắt to tròn bẽn lẽn, tỏ ra bối rối khi chúng tôi gọi món trứng tráng. Mô tả cách làm mãi mà em không hiểu nên tôi và Sói em phải xông vào bếp tự làm.

Nhớ bữa cơm tối với canh rau cải, trứng tráng và mắm tép ngon miệng, ăn xong mấy đứa còn la cà trà bơ và buôn chuyện với mấy người bạn Nga mãi mới chịu đi ngủ.

Nhớ buổi sớm lạnh cóng hôm sau mấy anh em lọ mọ lại vào bếp tự nấu mỳ vì em gái chủ nhà còn chưa dậy. Chặng đường đến Zanda hôm ấy có 190km nhưng phải tạm biệt Tirthapuri sớm để chiều còn kịp thăm Tsaparang và tu viện Tholing.

Nhớ...

Vậy mà giờ đây, bới lại đống ảnh mấy chị em đã chụp, chẳng có cái ảnh nào về Tirthapuri. Chỉ đến buổi sớm khi rời đi mới kịp chụp vài tấm trên đường.

Đây, Tirthapuri buổi sớm mùa thu chúng tôi đi, bầu trời trong vắt
16307294203_9b948c5511_z.jpg

(ảnh NL)

Nhớ mây trắng và nắng sớm dịu dàng tỏa khắp thảo nguyên
16927333375_e71de4c9fd_z.jpg

(ảnh NL)

16307283003_f9f7a17759_z.jpg


Nhớ sắc núi đổi màu dưới bóng mây
16739866668_241691c4f0_b.jpg

(ảnh La)

Lúc ấy, Tirthapuri chẳng để lại ấn tượng gì đặc biệt bởi nó chỉ là cái thị trấn nhỏ chúng tôi ghé qua mà không kịp thăm thú gì, cũng như bao nơi khác đã đi qua trên đường mà không kịp nhớ tên. Vậy mà giờ đây, sao lại nhớ đến thế… Tất cả đã trở thành một góc không thể thiếu trong cuốn nhật ký mười bốn ngày trên đất Tạng.
 
Last edited by a moderator:
Đường tới Zanda

Từ Tirthapuri, con đường bắt đầu uốn lượn, lên rồi lại xuống dốc
16925986922_b249713069_z.jpg

(ảnh NL)

Những rặng núi tuyết bên đường
16305139354_44e360ea00_b.jpg

(ảnh La)

Sắc núi liên tục thay đổi
16741077729_a82324b96b_z.jpg

(ảnh NL)

Xe chúng tôi đi, xuyên qua bức tranh rực rỡ những màu sắc của trầm tích ngàn năm
16926295981_96acae2ed9_z.jpg

(ảnh NL)

Bắt đầu tiến vào "rừng đất sét" (clay forest)
16719975237_bda98ce9ec_z.jpg

(ảnh NL)

Và mải miết đi giữa những trầm tích của thời gian, dưới bầu trời xanh, nắng và mây vời vợi
16696173370_5dd44f9512_z.jpg

(ảnh NL)
 
Last edited by a moderator:
Zanda

Con đường lên phía tây vòng vèo qua nhiều đèo dốc và đi sâu vào vùng núi nhuốm một màu vàng của hoàng thổ với những rãnh cắt xẻ kỳ lạ.

16965785445_7214f65f8f_z.jpg


16622660870_da7337dcd6_z.jpg


Qua những khúc quanh, toàn cảnh thung lũng Zanda đã rộng mở trước mắt. Xe chúng tôi dừng ở bên rìa thung lũng, nơi có cột đá ghi dòng chữ “Thổ lâm Tây Tạng - Công viên địa chất quốc gia Zanda”.

16926262731_3b028dc7ae_z.jpg

(ảnh La)

Công viên địa chất quốc gia Zanda (Trát Đạt) nằm ở độ cao 3.700 đến 4.200m so với mực nước biển, từ đằng xa trông trùng điệp như những cánh rừng màu đất sét nên còn được gọi là “thổ lâm”. Toàn bộ khu vực Zanda có diện tích 2.464 km2, riêng khu bảo tồn rộng 457,12 km2, bao gồm 5 điểm thăm quan chính là Guge Kingdom, thung lũng Zanda, tu viện Tholing, thung lũng Maoci và Malang.

Theo các nghiên cứu địa chất, khoảng 2,8 triệu năm trước, Tây Tạng là một vùng biển, sau đó do lục địa Ấn Độ dịch chuyển và va đập với lục địa Á-Âu, hình thành những đứt gãy làm cho vùng cao nguyên ngày nay trồi lên và dần khô cạn. Sự kiến tạo vỏ trái đất vùng Himalaya cũng mở rộng dải đứt gãy sâu về phía tây, hình thành nên các dòng suối cạn và các lưu vực. Trải qua mưa nắng, lớp đất bề mặt bị bào mòn dần, tạo nên cảnh quan kỳ lạ như ngày nay.

16975300146_ab396e9d9b_z.jpg


Zanda hôm nay trời trong vắt, đứng ở bên này thung lũng vẫn có thể nhìn thấy dải tuyết trắng của dãy Indian Himalaya trải dài phía trước, trời trong và không khí loãng làm cho mọi màu sắc trở nên rực rỡ một cách thuần khiết và sống động hơn và có lẽ đã gây ảo giác, khiến tôi tưởng dải núi tiếp giáp với biên giới Ấn Độ kia dường như rất gần, chỉ ở phía bên kia thung lũng. Nắng đầu thu trong veo và gió thổi tung bay những dải lung ta rực rỡ bên những chồng đá nguyện xếp ngay ngắn cạnh mép đường, có những chồng còn được quấn khăn khata trắng.

16343503954_98fc9f347b_z.jpg


Hôm nay chỉ có 5 đứa chúng tôi với nắng, với gió, giữa khung cảnh mênh mông này.

16213408794_8a291e0622_b.jpg

(ảnh La)

Một vùng đất khô cằn khắc nghiệt mà đức tin vẫn thấm đẫm trong vạn vật

16813847860_65b2207541_z.jpg


Chúng tôi đứng đây, đắm mình vào cái không khí thuần tịnh trong veo của thung lũng thổ lâm, ngắm mãi không chán những cồn cát vàng trải dài nối tiếp những rãnh núi hoàng thổ trập trùng và dải núi tuyết trắng cùng mây bồng bềnh phía xa.

16739598618_513b9d8daf_z.jpg

(ảnh NL)

Rồi lặng lẽ xếp thêm những viên đá nhỏ vào chồng đá mani bên đường, gửi gắm chút niềm tin của những khách đường xa

16632019279_ec7874938d_z.jpg

(ảnh NL)
 
Last edited by a moderator:
Tàn tích Tsaparang

Trong cái nắng như đổ lửa của buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đến Tsaparang – vùng đất cằn cỗi không một bóng cây của vương quốc cổ xưa – Cổ Cách (Guge Kingdom) – vương triều đã từng tồn tại hơn 700 năm trên mảnh đất viễn Tây của Tây Tạng và biến mất một cách bí ẩn vào đầu thế kỷ thứ 17.

Nằm cách Zanda county khoảng 20km trên bờ nam thượng nguồn con sông Tượng Tuyền (sông Sutlej), Tsaparang là một cụm di tích kéo dài từ sườn lên đến đỉnh của một ngọn đồi cao 300 m, bao gồm các điện thờ, lâu đài, pháo đài, hang và đường hầm với tổng diện tích sàn khoảng 720.000 m2.

Đường vào Tsaparang
17030552852_bf046515ea_z.jpg


16845812649_e8deb9597d_z.jpg

(ảnh NL)

16824559877_4e579e31ba_z.jpg

(ảnh NL)

Toàn cảnh khu di tích Tsaparang, có thể nhìn thấy lần lượt từ góc trái bên dưới lên là cổng vào màu đỏ của khu di tích, Tu viện Trắng, Tu viện Đỏ và trên cùng, nơi đỉnh cao nhất của ngọn đồi là cung điện xưa của các đời Cổ Cách vương.

16409615184_ef5597ba86_z.jpg

(ảnh NL)

Nhìn lại lịch sử, Tsaparang đã được khảo cứu từ khá sớm. Năm 1930, nhà Tây Tạng học người Ý Giuseppe Tucci, trên đường thám hiểm vùng Tây Tây Tạng đã tình cờ đi qua đây và dừng lại nghiên cứu một thời gian. Ông chính là người đã đặt nền móng cho công việc khảo cổ Tsaparang, tuy nhiên các nghiên cứu của ông bấy giờ chủ yếu chỉ tập trung vào nghệ thuật bích họa cổ.

Năm 1948, Lạt ma Anagarika Govinda (tác giả của cuốn “Con đường mây trắng” nổi tiếng) đã đến Tsaparang cùng với vợ ông, Li Gotami, và chụp hình lại các tòa điện, tượng Phật và Bồ Tát cũng như đã ký hoạ lại hầu hết các bức bích họa trong cụm di tích.

Vào năm 1961, khi Tsaparang được đưa vào danh sách 180 di sản văn hoá trọng điểm quốc gia của Trung Quốc, thậm chí còn chưa có một chuyên gia nào trong Thường trực Hội đồng di sản quốc gia đã từng đặt chân đến di tích ở miền tây xa xôi này. Họ chỉ tình cờ nhìn thấy một số cảnh của Tsaparang trong một bộ phim tài liệu do một nhóm nhà làm phim từ Bắc Kinh đến Tây Tạng quay vào những năm 1950.

Rồi sau đó, đến năm 1967, Tsaparang cũng chịu chung số phận với nhiều công trình và di tích tôn giáo khác trên vùng Tây Tạng, bị Hồng vệ binh phá hoại và cho đóng cửa, để mặc cho mưa nắng hư hoại trong suốt thời kỳ Cách mạng văn hóa.

Phải đến cuối những năm 1970, các chuyên gia mới bắt đầu quá trình khảo cứu Tsaparang một cách quy mô. Tại đây, các nhà khảo cổ đã khai quật được 445 cụm nhà bằng đất và gỗ, 879 hang động, 58 lô cốt, 4 đường hầm bí mật, 28 bảo tháp cùng hệ thống các kho thóc và kho vũ khí. Bên trong các hang di tích, người ta còn phát hiện một lượng lớn các các loại công cụ sản xuất, quần áo và đồ trang trí, khiên và cung tên. Chúng được bảo quản khá tốt trong điều kiện không khí lạnh khô của vùng cao nguyên này. Người ta cũng tìm thấy các thi thể không đầu được táng trong nhiều hang động. Ngày nay, Bảo tàng Khu tự trị Tây Tạng vẫn đang bảo quản xác ướp của một em bé khoảng 4 tuổi được tìm thấy chôn giữa các bức tường của tàn tích cổ này.

16842781408_6aa8c9bfa0_z.jpg

(ảnh NL)

Năm 2011, để chống xuống cấp cho cụm di tích Tsaparang, chính quyền địa phương đã phân bổ 57,4 triệu nhân dân tệ (tương đương 9,3 triệu USD) để cải tạo các di tích và thiết lập một đội chuyên gia quản lý. Tháng 9/2014, thời điểm chúng tôi đến đây cũng là lúc dự án cải tạo này vừa được Cục quản lý di sản quốc gia công nhận đã hoàn thành và vượt qua được kỳ kiểm tra chuyên nghiệp sau 3 năm nỗ lực cải tạo.

Cảnh Tsaparang nhìn từ xa

16408182854_0a229cff51_z.jpg

(ảnh NL)

Lối lên khu di tích

16631868119_0d40966863_z.jpg


16842835118_6d188df874_z.jpg
 
Tàn tích Tsaparang

Sừng sững ngay cổng vào di tích có hai tấm biển đá: một bên tiếng Trung, bên kia tiếng Tạng

16853768829_ba43589904_z.jpg


Bên tiếng Trung, Sói em dịch:
“Đơn vị bảo vệ văn vật trọng điểm toàn quốc
Di chỉ vương quốc Cổ Cách”


16630632000_183da03a95_z.jpg


Qua cổng vào là tấm bảng gỗ giới thiệu di chỉ Cổ Cách bằng hai thứ tiếng Trung và Anh, (mặc dù vừa mới xong dự án trùng tu cải tạo) chữ mờ đến mức luận mãi mới ra:

16816877182_ca6a05dfd2_z.jpg
 
Tàn tích Tsaparang

Năm 1948, Lat ma Govinda và vợ ông, sau 2 năm hành hương khắp Tây Tạng, đã ở lại Tsaparang hơn 3 tháng để chụp hình các Phật điện và tái hiện lại những bức tranh tường sống động trong kinh thành cổ xưa. Tsaparang khi ấy đã bị hư hoại nhiều sau gần 3 thế kỷ bị bỏ quên kể từ lúc vương triều Cổ Cách biến mất một cách đầy bí ẩn trong lịch sử. Cảnh tượng Tsaparang lúc ấy, mặc dù trong tình trạng “công trình của con người và tạo tác của thiên nhiên hầu như không phân biệt được nữa. Cổ điện đã biến thành cát đá, và cát đá vươn lên như cung điện uy nghi” nhưng những gì mà Govinda được tận mắt chứng kiến trong các Phật điện thì vẫn còn rất rực rỡ và huy hoàng. Hãy xem ông mô tả di tích xưa:

“Chúng tôi choáng ngợp trước uy lực của thực tại này, khi ngày hôm sau vào chính điện của hai ngôi đền lớn, đền “trắng” và “đỏ”, màu của vách tường bên ngoài, chúng đã trường tồn, thoát mọi tàn phá. Những bức tượng vàng to hơn người thật phát sáng giữa màu sắc ấm áp của các bích họa trên tường, và sinh động hơn tất cả những tượng chúng tôi từng thấy. Đúng, các bức bích họa đó là hiện thân cho cái thần của thành thị bị lãng quên này. Đó là những cái độc nhất mà thời gian không can thiệp được….
Những bức bích họa hẳn là toàn thiện nhất trong số những gì chúng tôi từng thấy trong hay ngoài Tây Tạng. Chúng che kín các vách tường, chỉ trừ đoạn dưới màu đỏ của vách lên đến trần. Chúng được thếp vàng không tiếc với sự chi li kỹ lưỡng nhất, ngay cả tại những góc tối tăm hay nằm hẳn trên cao không ai thấy tới, thậm chí mặt sau của những bức tượng"

(trích "Con đường mây trắng" - A. Govinda)

Vậy mà…

Tất cả chỉ còn là những hình ảnh đẹp trong quá vãng...

Chiều nay, chứng kiến cảnh hoang tàn của Phật điện dưới ánh sáng lờ mờ xiên giữa những hàng cột trong Tu viện trắng và Tu viện đỏ, tôi không khỏi xót xa nhớ về những gì mà Govinda đã từng tả lại trong cuốn Con đường mây trắng. “Những bức tượng vàng to hơn người thật” giờ chỉ còn là hình hài những đầu và cánh tay trên đống gạch đá đổ nát mà xưa kia hẳn là những bệ thờ với hình tòa sen trang trí công phu tinh xảo được Govinda ca tụng là “xứng đáng được viết bằng cả một cuốn sách về hệ thống biểu tượng Phật giáo”. Tượng Phật Tỳ Lô Giá Na, tượng hộ pháp ở đây hầu hết đều đã bị mổ bụng bởi đám Hồng vệ binh ngày trước những tưởng có vàng bạc trong đó, đôi chỗ còn trơ lại những cẳng tay của tượng Phật bằng đất với lớp cốt rơm lộ ra xơ xác.

16867182257_ce2187101c_b.jpg

(ảnh sưu tầm)

17062672651_f19391693a_z.jpg

(ảnh sưu tầm: tượng Phật Tỳ Lô Giá Na 3 mặt trong Tu viện Trắng)

Chỉ có hệ thống bích hoạ thì vẫn còn khá nguyên vẹn, kéo dài từ chân tường lên tới tận trần của Phật điện, dù nhiều chỗ đã nhạt nhoà và mất nét vì tường nứt. Đó là những bức tranh mô tả cuộc đời đức Phật và các sinh hoạt tôn giáo, trải qua nhiều thế kỷ màu sắc của các bích họa vẫn không hề phai nhạt. Thời gian làm cho chúng ngả sang những gam màu đậm đà mà ấm ấp, những màu đỏ sậm và rêu thẫm rất đặc trưng của nghệ thuật tranh Tây Tạng.

16778289858_30421a4b9c_z.jpg

(ảnh sưu tầm)

Đối với tôi, hình ảnh Phật, Bồ Tát và Tara ở đây thật là gần gũi và ấm áp, vừa có nét từ bi trang nghiêm lại vừa trong tư thế tạo hình sống động và tràn đầy mỹ cảm, thời gian hàng trăm năm vẫn không xóa nhòa nét vẽ sắc sảo trong cái màu nền đỏ đậm đà.

16778518670_c7f42d95b1_z.jpg

(ảnh sưu tầm)

Ngoài chủ đề tôn giáo còn có những cảnh hội hè, cảnh chăn nuôi gia súc và dựng nhà, những cảnh sinh hoạt đời thường của một thành phố cổ đã từng là kinh đô - điểm trung chuyển trên con đường giao thương tơ lụa ngày xưa, đầy sinh động.

16877237659_c061a658f4_z.jpg

(ảnh sưu tầm, trong các Phật điện đều có camera nên chúng tôi đã không chụp ảnh)
 
Last edited by a moderator:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,128
Bài viết
1,173,893
Members
191,948
Latest member
quocphucc3
Back
Top