What's new

[Chia sẻ] Kailash mùa thu 2014

Tháng Mười Hai, những ngày cuối cùng của tháng cuối năm, nhìn cuốn lịch mỏng dần chợt thảng thốt nhận ra một năm sao mải miết trôi nhanh đến thế. Trong giá rét của mùa đông Hà Nội, đếm những tờ lịch còn lại mà thấy da diết nhớ về những ngày kora rực rỡ giữa mùa thu tràn nắng và lòng vẫn day dứt về một lời hứa chưa thực hiện, lời hứa chia sẻ về một chuyến đi chưa từng kể lại - Kailash mùa thu 2014.

Kailash - chuyến hành hương ấp ủ hơn 3 năm của những kẻ đã từng một lần đặt chân đến Tibet và đã nặng lòng với vùng đất của chư thiên ấy.

Chuyến đi này, tôi kể lại đây như một lời tri ân với diễn đàn phượt, nơi tôi đã từng nhận biết bao thông tin quý giá không chỉ về Tibet và Kailash.

Chuyến đi này, tôi kể lại đây như một món quà dành cho người bạn đã từng đi Kailash, dù mới quen nhưng đã sẵn lòng tặng tôi những viên thuốc pháp quý báu của vị đại sư Nepal, những viên thuốc đã tiếp cho tôi thêm động lực trên đường hành hương.

Chuyến đi này, chuyến đi của đời người, đã thành một dấu ấn trong đời mà tôi chắc sẽ chẳng bao giờ quên được, tôi kể lại đây vào những ngày sắp khép lại một năm, cũng là để chuẩn bị cho cuốn nhật ký của những chuyến đi mới đang chờ đợi tôi phía trước.

Kailash mùa thu 2014.
 
Cổ Cách - nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Rời Tu viện đỏ với cánh cửa bằng gỗ tuyết tùng chạm khắc tinh xảo câu lục tự chân ngôn “Om mani padme hum”, chúng tôi bắt đầu khám phá kinh thành xưa của vương triều Cổ Cách.

16628512587_ca6442d7c4_b.jpg

(ảnh La)

Những bước chân đầu tiên lên kinh thành xưa

16648377910_9c9649ed0e_b.jpg

(ảnh La)

16818140785_0beb3eb9b4_z.jpg

(ảnh Sói em)

Nhìn xuống, thấy cây sồi cô đơn trong gió cát mà hẳn nhóm nào đi Tsaparang cũng đều gặp

16648179638_148ed31b22_b.jpg


Cảnh thung lũng sông Tượng Tuyền nhìn từ pháo đài

16610720387_f9b51827cb_z.jpg


Những phế tích chìm trong cát bụi thời gian

16792142896_8b1acebef0_z.jpg



16696007918_a8b48d376c_b.jpg
 
Last edited by a moderator:
Cổ Cách - nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Mặc dù thời gian đã hủy hoại nhiều thứ, nhấn chìm kinh thành xưa trong cát bụi và nắng gió của miền viễn tây, nhưng leo lên đây, vẫn có thể nhận thấy rất rõ thành Cổ Cách được phân chia làm 3 cấp rõ rệt dựa vào phẩm cấp trong xã hội bấy giờ: dưới cùng là các hang động cho thường dân ở, tầng giữa là nhà của lớp quan lại và tăng lữ quý tộc, và trên cùng là cung điện của Hoàng gia.

16408182854_0a229cff51_z.jpg

(ảnh NL)

Đây, những hang động ở tầng dưới của cư dân Cổ Cách. Trong đợt khảo cứu quy mô cuối những năm 1970, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 879 hang động như thế này

16464382263_e1d30fc6bb_z.jpg


16896964630_b95b217153_z.jpg


Phần hang động tầng dưới được nối với tầng thứ 2 bởi các thông đạo này

17058543486_46312e5266_z.jpg


Nhà ở của tầng lớp quý tộc và tăng lữ, nay chỉ còn trơ lại những bờ tường đất

16816896791_98a9620968_z.jpg


16195671574_09f2ba0061_z.jpg


Vẫn có thể nhận thấy rõ cấu trúc ngôi nhà với phòng rộng nhất là phòng sinh hoạt chung ở chính giữa và các phòng chức năng bao xung quanh
16809842546_39736c3124_b.jpg


Và trên cùng, cung điện mùa hè của Hoàng gia, dấu tích vàng son một thời của vương triều Cổ Cách

16195634204_37decb2554_z.jpg


Mảnh đất cằn khô tàn tạ như một hoang mạc không bóng cây này từng là kinh đô của một đế chế hùng mạnh ư? Đây là Vương quốc đã từng tạo nên một nền văn minh độc đáo, với đỉnh cao là những thành tựu to lớn trong lĩnh vực kiến trúc, hội họa và luyện kim ư? Nơi đây một thời là điểm giao thương quan trọng trên con đường tơ lụa, một thời từng được xem là “cầu nối của các nền văn minh”, kết nối Trung Quốc, Nam Á và Trung Á ư? Hãy ngược dòng thời gian để tìm hiểu về sự ra đời và diệt vong của Vương triều Cổ Cách.
 
Last edited by a moderator:
Cổ Cách – nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Ngược dòng lịch sử về thời kỳ Lãng Đạt Ma - vị vua cuối cùng của vương triều Thổ Phồn (Tubo) lên ngôi Tán Phổ năm 838, đã tuyên bố tiêu diệt các tín đồ đạo Phật, đốt kinh sách và phá hủy nhiều chùa chiền, di sản Phật giáo, gây biến loạn trong nước đồng thời đã đưa đến sự kết thúc của thời kỳ Phật giáo tiền truyền trên đất Tạng.

Sau khi Lãng Đạt Ma chết năm 842, không giống cha mình, hai người con của ông đều tin thờ Phật giáo. Người con cả Vi Tùng (Ösung) năm 5 tuổi đã quy y Phật giáo. Khi Vi Tùng khi trưởng thành, mẹ ông là Vi Thị lúc lâm chung đã dặn dò "Con là người kế thừa duy nhất của Thổ Phồn vương thống, nhất định phải giữ cho được huyết mạch của vương thất. Phải đi về phía Tây mới có hy vọng được phục quốc". Vi Tùng đã đáp lại: "Phía Tây là đất dữ của Tà giáo (Bon giáo), dù nước mất nhà tan cũng không đi về phía Tây".

Tuy nhiên, sau này con trai của Vi Tùng là Bối Khảo Tán (Pälkhortsän) đã xây dựng chính quyền ở vùng Nhật Khách Tắc (Shigatse), về sau bị quân khởi nghĩa bình dân giết chết. Con trai của Bối Khảo Tán là Cát Đức Ni Mã Cổn (Kyide Nyimagon) tuân theo di huấn của tổ tiên đã đến vùng A Lý để kiến quốc lập nghiệp. Tại vùng đất xa xôi thuộc miền tây Tây Tạng này, Cát Đức Ni Mã Cổn đã kết hôn với con gái tù trưởng A Lý. Năm 912, Ni Mã Cổn lập đô tại Cổ Cách rồi chia đất cho ba con cai quản, lập thành 3 vương triều riêng biệt. Người con cả của Ni Mã Cổn trở thành người cai trị Ladakh (ngày nay thuộc Ấn Độ), người con thứ hai cai trị vùng Cổ Cách - Phổ Lan (Guge - Burang) và người con thứ 3 cai quản vùng Zanskar.

Như vậy, trong bối cảnh chiến loạn liên miên trong nước, các hậu duệ của vương triều Thổ Phồn đã dịch chuyển dần về miền trung rồi đến phía tây Tây Tạng. Ở miền viễn tây này, họ đã tìm thấy đủ điều kiện để lập quốc, dần mở ra một thời kỳ vương quyền mới trong lịch sử Tây Tạng - vương triều Cổ Cách.

17086017311_73a4b61401.jpg

(Ảnh sưu tầm: Bức bích họa trong Tu viện đỏ ở Tsaparang mô tả một buổi lễ của tầng lớp quý tộc Cổ Cách. Có thể thấy sự phân biệt các tầng lớp trong xã hội ở đây: trên cùng là các thành viên quý tộc hoàng gia chiếm số lượng đông đảo, ở giữa là tầng lớp tăng sỹ cấp cao và dưới cùng là những tăng sỹ cấp thấp hơn cùng với dân thường)

Vương triều Cổ Cách đã tồn tại hơn 700 năm, có những thời kỳ phát triển mạnh mẽ đã kiểm soát cả con đường giao thương nối giữa Trung Quốc và Nam - Trung Á. Trong thời kỳ đỉnh cao, cư dân của Cổ Cách đã lên đến hơn 100.000 người, họ đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trong luyện kim, chế tác vàng bạc. Về nông nghiệp, họ cũng đã có những bước phát triển nhất định. Nhà truyền giáo dòng Tên người Bồ Đào nha António de Andrade, khi đến Cổ Cách vào năm 1624, đã mô tả ông trông thấy các kênh thủy lợi dẫn nước từ sông Tượng Tuyền vào các cánh đồng tươi tốt giữa một vùng đất khô hạn và hoang vắng.

Tháp tu viện Tholing, công trình tiêu biểu cho thời kỳ Phật giáo phát triển đỉnh cao của Cổ Cách
17074580442_bbba3a65a1_z.jpg


Về tôn giáo và văn hóa, thời đại Cổ Cách cũng là một thời kỳ phát triển đỉnh cao. Cổ Cách vương đời thứ hai là Ye shes' Od đã từng cử 21 học giả sang Ấn Độ tu học. Trong số 2 vị sư sống sót trở về từ Ấn Độ có Rinchen Zangpo, người đã có công dịch kinh sách sang tiếng Tạng, kiến lập hơn 108 tu viện trên toàn đất Tạng, sau này ông tu tập ở tu viện Tholing và trở thành vị đại dịch sư vĩ đại trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Với nhiệt tâm của Cổ Cách vương Ye shes 'Od, một làn sóng truyền bá Phật pháp đã khởi đầu ở miền tây Tây Tạng và cho đến khi Đại sư A-đề-sa đến Tây Tạng năm 1042 thì đã thực sự mở ra một thời kỳ đỉnh cao - thời kỳ Phật giáo hậu truyền trên đất Tạng, và cùng với đó là sự phát triển rực rỡ của kiến trúc và nghệ thuật Phật giáo độc đáo trên vùng đất này.

Bức vẽ chúng tôi chụp được trong tu viện Tholing, nó mô tả thời kỳ vàng son một thời của tu viện, cũng là thời kỳ Phật giáo, nhờ nhiệt tâm của Cổ Cách vương Ye shes 'Od, đã phát triển đỉnh cao ở Cổ Cách.
16466641763_bbfce6d388_b.jpg

(ảnh NL)
 
Last edited by a moderator:
Cổ Cách – nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Một vương triều phồn thịnh với hệ thống phòng thủ hùng mạnh như vậy, tại sao lại biến mất một cách đầy bí ẩn trong lịch sử? Các nhà nghiên cứu về sau đã khẳng định “Cổ Cách là một vương triều sinh ra vì tôn giáo, rồi cũng vì tôn giáo mà diệt vong".

Điều này có thể lý giải dưới góc độ của lịch sử Phật giáo. Trong suốt chiều dài lịch sử vương quốc, các đời Cổ Cách vương đã ra sức hoằng dương Phật giáo, xây dựng nhiều chùa chiền tự viện, biên dịch kinh sách, làm cho tầng lớp tăng lữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - tôn giáo của vương quốc này. Các đời Cổ Cách vương về sau không thể không nhận thấy quyền lực của mình bị lấn át và đe doạ bởi tầng lớp tăng lữ đang ngày càng mạnh lên trong nước. Điều đó đã dẫn đến thái độ cởi mở tiếp nhận một tôn giáo mới của nhà vua để có thể hạn chế bớt quyền lực của lớp tăng lữ Phật giáo.

Năm 1624, nhà truyền giáo dòng Tên người Bồ Đào Nha António Andrade đã đến miền tây Tây Tạng. Để thiết lập mối quan hệ mật thiết với tôn giáo mới, nhà vua đã cho phép vị giáo sỹ này xây dựng một nhà thờ ở Tsaparang. Vào đúng ngày lễ Phục sinh - ngày 12 tháng 4 năm 1626, Andrade đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ tại một khu đất ở phía đông của cung điện của hoàng gia. Bản thân nhà vua sau đó đã cải đạo và ước tính thời gian đó có khoảng hơn 400 cư dân Cổ Cách cũng đã trở thành tín đồ của Cơ đốc giáo.

Thái độ cởi mở của nhà vua đối với các tu sĩ dòng Tên đã khuấy động sự thù địch trong hàng ngũ tăng lữ. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh kéo dài đã mười tám năm với Ladakh càng làm suy yếu thêm vị trí của hoàng gia. Năm 1630, quân Ladakh chiếm đánh và bao vây Tsaparang, vị vua thân Cơ đốc giáo đã buộc phải đầu hàng để tránh nguy cơ tàn sát cho cư dân Cổ Cách, ông và cả hoàng tộc bị lưu đày sang Leh - Ấn Độ. Chỉ có hơn 200 cư dân của vương quốc từng có hơn 10 vạn dân ấy là sống sót nhờ chạy trốn theo một đường hầm bí mật và chạy đến vùng Qulong. Không ai biết sô phận họ về sau ra sao. Còn 400 cư dân theo Cơ đốc giáo cũng bị trả thù tàn bạo, một số đã theo hoàng tộc lưu vong sang Leh.

Đây là một bằng chứng cho thấy sự thù địch của tăng lữ trong nước đối với Cơ đốc giáo: Giữa những năm 1980, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra một chiếc mặt nạ Phật giáo trong đống mũi tên tại một hang động gần Tsaparang. Đó là chiếc mặt nạ làm từ một hỗn hợp gồm đất sét, vải và giấy, đã được sử dụng trong các nghi lễ của Mật Tông. Nghiên cứu lớp giấy bồi bề mặt bên trong của mặt nạ, người ta thấy đó là loại giấy có in ký tự Latin. Khi được đưa đến Bắc Kinh để khảo cứu, mẫu giấy bồi đó được xác định chính là một trang Kinh Thánh viết bằng tiếng Bồ Đào Nha. Một nhà nghiên cứu Trung Quốc đã nhận xét “Chiếc mặt nạ này không chỉ là một tạo tác của Phật giáo Tạng truyền, nó còn là một bằng chứng cho thấy sự oán hận của tầng lớp tăng lữ địa phương với Cơ đốc giáo, vốn được coi là “dị giáo” tại Cổ Cách vào những năm cuối của vương triều này”

Đây là bức ảnh chị NL chụp trên đường vào di tích thành Cổ Cách. Ban đầu chúng tôi vẫn tưởng đó là một kiểu tháp thờ (chorten) của Phật giáo thời kỳ này. Tuy nhiên, về sau khi lên mạng sưu tầm thêm hình ảnh về bích họa trong Tsaparang tôi mới được biết đó chính là Nhà thờ Cơ đốc giáo mà nhà truyền giáo António Andrade đã xây dựng vào năm 1626
16842781408_6aa8c9bfa0_z.jpg


Còn đây là ảnh nhà thờ sưu tầm trên mạng
16490300193_18e923479f.jpg


Vậy là vương triều Cổ Cách, một đế chế hùng mạnh, có thời kỳ còn mở rộng tầm ảnh hưởng đến tận vùng Kashmir và thượng Spiti, sau hơn 7 thế kỷ trị vì trên mảnh đất phía Tây này đã sụp đổ vì chiến tranh và tôn giáo, để rồi đến những năm 1670-1680, vùng đất này đã hoàn toàn bị đặt dưới quyền kiểm soát của Chính quyền trung ương Lhasa mà lãnh tụ chính là Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 Lobsang Gyatso, đánh dấu sự kết thúc của một triều đại oai hùng trong lịch sử Tây Tạng.
 
Last edited by a moderator:
Sorry vì đã cắt ngang mạch của chị Gemini, là thành viên phụ trách vấn đề thuốc thang của cả đoàn, mình sẽ post list các thuốc mà đoàn đã chuẩn bị mang đi Tibet:
1. Thuốc hạn chế AMS
Đoàn mình đã chuẩn bị rất kỹ khâu này, nhưng rồi cuối cùng ai cũng dính cả, dù là ở các dạng khác nhau: người buồn nôn, đau tay chân, người ngất, khó thở, và phổ biến nhất là mất ngủ. Thật là ác mộng khi mấy đêm liên tiếp cứ trằn trọc cả đêm, hầu như ko chợp mắt được, buổi sáng ra thì lờ đờ do thiếu ngủ, mắt thâm như gấu trúc và nhất là tinh thần mệt mỏi....Trứoc khi đoàn khởi hành ngày đầu tiên đi Kailash, bạn tour guide vô cùng ngán ngẩm nói với chị NL là, mày bảo với các bạn mày là về Darchen chờ đi, chỉ 3 đưa mình đi thôi. Rồi bạn ấy hỏi H có ngủ được ko? Bạn ấy bảo đấy là do AMS đấy. Mình nhớ lúc đó trong đầu tôi lẩm bẩm lời hát Halleluja: "your faith was strong but you needed proof", biết sẽ chẳng ai trong 5 thành viên đến được đây và là người ở lại cả.... nhưng ko thể chỉ dựa vào niềm tin của mình mà cần cả bằng chứng nữa...
- Các biện pháp nhằm hạn chế AMS khi đặt chân đến Tibet chắc các bạn cũng đã biết, đặt biệt là trong mấy ngày đầu: đoàn mình đã ko tắm trong suốt hơn 1 tuần đặt chân đến Tibet (lúc đầu định đổi tên nhóm thành "Tibet đoàn quân kém tắm"), cố đi nhẹ nói kẽ cười duyên, cố gắng ăn uống và ngủ nghỉ điều độ. Nói chung là nên lắng nghe cơ thể mình, mệt thì nghỉ, đói thì ăn, lạnh thì mặc áo và nếu ăn no quá rồi thì cũng ko nên ăn thêm nữa, ko nên quá hào hứng với phong cảnh mà hoạt động quá đà :D.
- Theo kinh nghiệm truyền miệng trên diễn đàn, mọi người uống Acetazolamid 3 viên/ ngày,2 ngày trước khi khởi hành. Sau đó đến Tibet có một vài người vẫn uống tiếp. Thuốc này có phản ứng là sẽ làm tê đầu ngón tay, uống 1 vài lần thì hiện tượng này sẽ giảm, hoặc có thể giảm xuống uống 2 viên/ ngày.
- Đến Lhasa, đoàn nhờ bạn Samdrup mua thuốc chống AMS có bán ở đây. Các bạn nếu mua nhớ tính liều lượng và số lượng sao cho phù hợp, khỏi bị thừa. Đoàn mình chỉ uống trong 4 ngày đầu rồi sau đó ko ai phải dùng nữa. Nếu uống thuốc mà thấy người mệt hơn thì cũng ko nên tiếp tục uống thuốc nữa, nghỉ ngơi chờ để cơ thể tự thích nghi thôi.

2. Các thuốc khác
- Leader đã dặn mọi người trong đoàn nên uống thuốc bổ khoảng nửa tháng trước khi đi (Pharmaton) để bổ sung vitamin và khoáng chất. Đến Tibet vẫn tiếp tục uống, mỗi ngày 1 viên.
- Quan trọng nhất trong suốt cả chuyến đi mà ai cũng dùng chính là lọ xịt muối biển Steminar, ít nhất mỗi thành viên 1 lọ. Vì lên cao không khí khô, khó thở, xịt nước muối biển sẽ làm ẩm niêm mạc mũi, dễ thở, ngăn ngừa chảy máu cam nữa. (bên cạnh việc mỗi buổi tối đều cố xin 1 chậu nước để trong phòng cho ẩm)
- Thuốc cảm cúm Decolgen, nên tính mua cho tất cả mọi người
- Thuốc tiêu đờm: ACC, Acemuc
- Bổ sung nước điện giải: Hydrite. Có thể uống sau khi nôn, tiêu chảy hay người mỏi mệt cũng dùng được
- Gel bôi ngoài giảm đau chống viêm: Fortum, Voltaren hay Diclofenac đều được: để bôi chân vào buổi tối trước khi đi ngủ sau 1 ngày vận động nhiều
- Thuốc chống dị ứng Telfast.
- Viên uống giảm đau
- Một số thuốc dùng khẩn cấp khi tình trạng AMS nặng nề có mua nhưng ko dùng đến là: Dexamethason, Ultracet
- Thuốc hỗ trợ tiêu hóa: đau dạ dày (Smecta), tiêu chảy, táo bón, men tiêu hóa, Biseptol
- Ngậm đau họng: Strepsil
- Miếng dán giữ nhiệt, gel rửa tay
- Gạc, băng, urgo.. dung dịch rửa povidon idod
- Trà gừng
 
Last edited:
Ái chà, cả một tủ thuốc mang đi thế này mà mình chỉ được dùng mỗi lọ xịt mũi Steminar và mấy gói tiêu đờm ACC là sao hả Sushi :))
 
ĐỒ DÙNG CẦN THIẾT CHO CHUYẾN ĐI

Nhân thể Sushi vừa post danh sách thuốc mang đi, và cũng đã có bạn pm hỏi nên tôi post lên đây luôn check-list đồ dùng cho Kailash trip. Tôi đã tổng hợp lại từ kinh nghiệm của chuyến đi Tibet trước và lần này chúng tôi đã chuẩn bị đồ theo check-list này và thấy thế là đầy đủ cho cả chuyến đi:

I. Đồ dùng chung cho đoàn:
1. Giấy tờ: (leader giữ)
- Permit ;
- Vé máy bay;
- Bản scan hộ chiếu và visa của cả nhóm;

2. Đồ ăn:
- Mắm tép chưng
- Ruốc thịt
- Phô mai dây
- Lương khô Mỹ
- Trà gừng
- Chẩm chéo
- Tương ớt...

3. Đồ y tế:
- Theo check-list của Sushi ở trên

4. Lặt vặt khác:
- GPS
- Đèn pin

II. Đồ dùng cá nhân:
1. Giấy tờ:
- Hộ chiếu
- Thẻ bảo hiểm du lịch
- Tiền mặt (RMB và USD) đựng cùng hộ chiếu trong túi travel blue hoặc bao bụng

2. Trang phục:
- 1 vali lớn đựng quần áo loại có tay kéo
- 1 ba lô nhỏ/ túi đựng vật dụng cần thiết (có áo mưa ba lô bên ngoài)
- Quần áo ấm (theo thứ tự từ trên xuống dưới và từ ngoài vào trong):
+ Mũ len hoặc nỉ;
+ Mũ rộng vành;
+ Kính râm hoặc kính đi tuyết có UV;
+ Khẩu trang (nên dùng khẩu trang y tế cho thoáng, dễ thở);
+ 2 Khăn quàng (1 mỏng, 1 dày);
+ Găng tay 2 lớp;
+ Áo khoác chống nước loại có mũ để mặc ngoài cùng;
+ Áo phao (hoặc lông vũ siêu nhẹ) mặc trong lớp áo chống nước;
+ Áo nỉ hoặc softshell mỏng ;
+ Áo giữ nhiệt mặc sát người;
+ Quần leo núi chống nước hoặc quần gió 2 lớp;
+ Quần legging hoặc quần tất mặc sát người;
+ Bó gối (mua ở Trịnh Hoài Đức);
+ Bó gót;
+ Tất leo núi;
+ Giày leo núi;
+ Dép nhựa crocs (để dùng lúc tối về chỗ nghỉ);
(Chú ý: nên mặc quần áo rộng, mặc nhiều lớp để dễ thích ứng với thời tiết, có thể cởi hoặc mặc thêm dễ dàng khi cần thiết)
- Gối hơi đeo cổ
- Túi ngủ

3. Đồ y tế:
- Thuốc bổ Pharmaton
- Thuốc dùng riêng

4. Mỹ phẩm:
- Kem chống nắng: SPF > 50
- Kem chống nẻ /vaseline
- Son dưỡng môi
- Dầu gội, sữa tắm

5. Đồ vệ sinh:
- Bộ đồ dùng cá nhân: bàn chải, kem đánh răng, bộ sewing kits
- Giấy ăn khô/ướt
- Giấy vệ sinh…

6. Đồ điện tử:
- Điện thoại
- Máy ảnh
- Máy nghe nhạc
- Đồ sạc pin điện thoại, pin máy ảnh, pin dự phòng, power bank;

7. Lặt vặt khác:
- Dao đa năng (cho vào hành lý gửi)
- Bình nước giữ nhiệt loại 350 ml (rất quan trọng cho những ngày leo núi trong thời tiết lạnh, dùng để pha trà gừng mang dùng trong ngày)
 
Cổ Cách – nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Lại nói tiếp về nguyên nhân sụp đổ của vương triều Cổ Cách. Post trên tôi đã nói về nguyên nhân theo chính sử xưa nay vẫn biên lại. Tuy nhiên, bản thân tôi lại thấy có hứng hơn với nhưng câu chuyện có nguồn gốc “ngoại sử”. Dưới đây là một giả thuyết khác về nguyên nhân diệt vọng của vương triều kỳ lạ này.

Sự diệt vong của vương triều Cổ Cách cho đến nay vẫn là một bí mật không có lời giải. Theo các nghiên cứu trước đây, mặc dù Cổ Cách đã bị binh sỹ của Ladakh tấn công, nhưng vẫn còn nhiều điểm nghi vấn. Thông thường, một kinh thành khi bị ngoại bang xâm chiếm chắc chắn phải bị tàn sát rất dã man, các công trình kiến trúc sẽ bị phá huỷ và bảo vật bị vơ vét. Nhưng Cổ Cách lại khác, rất nhiều công trình kiến trúc tôn giáo vẫn còn được bảo tồn cho đến khi bị đào trộm vào thế kỷ thứ 19. Kiến trúc của tòa thành tại Tsaparang hầu như vẫn còn nguyên vẹn hình dáng, chỉ bị bào mòn bởi mưa nắng và hiện tượng sa mạc hóa. Ngoài sự tàn phá của thời gian, hầu như mọi thứ vẫn chưa bị bàn tay của con người tác động đến. Các di tích Phật giáo vẫn còn nguyên cho đến khi bị Hồng Vệ binh tàn phá trong thời kỳ Cách mạng văn hóa vào cuối những năm 1960. Trước đó, năm 1948 khi Lạt ma Govinda đến đây, ông vẫn còn trông thấy “một thành phố vươn lên như đẽo từ đá, gồm toàn những đền đài và cung điện, thành phố của các nhà vua xưa”.

Bởi vậy mới có giả thuyết cho rằng vương triều Cổ Cách đã diệt vong vì một lý do khác.

Ngược trở lại dòng thời gian khi vương triều Thổ Phồn sụp đổ vì cuộc chiến tranh giành quyền lực sau khi vị Tán Phổ diệt Phật - Lãng Đạt Ma bị ám sát, một thứ phi của Lãng Đạt Ma là Vi thị đã dặn dò con cháu hãy đi về phía tây để tìm cơ hội phục quốc. Vi thị chính là hậu duệ của dòng họ Vi nổi tiếng thuộc vương triều Tượng Hùng (Zhangzhung) - một vương triều hùng mạnh từng đóng đô ở miền tây Tây Tạng cùng thời kỳ với vương triều Thổ Phồn ở Lhasa thời Tán Phổ Tùng Tán Can Bố đang trị vì. Thời bấy giờ, có hai dòng họ quý tộc nổi tiếng tại Tượng Hùng là họ Vi và họ Nương đã phản bội vương triều để chạy đến Thổ Phồn. Hậu duệ của hai dòng họ này về sau đều là những trụ cột trong vương triều của vua Tùng Tán Can Bố. Giả thuyết này cho rằng, Vi thị hẳn đã nắm được bí mật về kho báu của vương triều Tượng Hùng ở miền tây nên đã truyền lại cho con cháu với lời dặn dò tìm về đó để phục quốc. Tuân theo di huấn của tổ tiên, chắt trai của Lãng Đạt Ma là Cát Đức Ni Mã Cổn đã định đô ở A Lý và giao cho con trai thứ hai của mình là Trát Tây Cổn trị vì vùng Cổ Cách - Phổ Lan.

Kể từ thời Cổ Cách vương đời thứ nhất Trát Tây Cổn, vương triều Cổ Cách đã đóng đô ở Tsaparang. Việc vương triều Cổ Cách chọn vị trí xây dựng kinh thành ở đấy hẳn có mục đích bởi họ biết dưới lòng đất vị trí đó có kho báu. Việc họ xây dựng nhà ở dạng hang động dưới chân núi và cứ không ngừng đào sâu xuống dưới đất có lẽ là vì hy vọng có thể tìm thấy kho báu của tổ tiên Tượng Hùng để lại. Những kho báu chôn giấu trong lòng đất ấy hẳn phải chứa đựng nhiều binh thư và vũ khí cùng các bảo vật quan trọng đối với một quốc gia vừa lập quốc và đang khát khao lớn mạnh. Trong quá trình tìm kiếm qua nhiều thế kỷ, khi còn chưa chạm tới được kho báu ấy thì đã có một biến cố bí ẩn xảy ra làm cho mọi dấu tích về vương triều biến mất hầu như chỉ trong một đêm. Vì vậy, vương triều tồn tại hơn 700 năm trên miền đất viễn tây này đã bị diệt vong cũng chính vì kho báu ấy.

Truyền thuyết còn kể rằng vị Cổ Cách vương cuối cùng, khi đoán trước được số phận của vương triều, đã cho triệu vu sư đến làm phép để biến người vợ yêu thành một con mèo đen, gọi là Hắc Miêu Hoàng hậu, với hy vọng nàng có thể trốn được khỏi Cổ Cách khi kẻ thù chiếm thành.

Tôi đã từng đọc trong cuốn tiểu thuyết “Mật mã Tây Tạng” rằng Cổ Cách vương khi ấy đã nói “Kể từ nay, kẻ nào có được mèo đen, kẻ ấy sẽ trở thành chủ nhân của Cổ Cách". Tuy nhiên, khi vương triều bị diệt vong, Hắc Miêu Hoàng hậu không chịu trốn đi mà vẫn ở trong hình hài con mèo đen để bảo vệ những bảo vật do Cổ Cách vương để lại. Kẻ nào cướp phá bảo vật đều bị bà nguyền rủa. Và cho đến nay, lời nguyền của Hắc Miêu Hoàng hậu vẫn là một nỗi ám ảnh đối với những kẻ đào trộm cổ vật.

Dòng thời gian trôi chảy qua nhiều thế kỷ đã phủ một màn sương huyền bí lên số phận của vương quốc kỳ lạ này, những chứng cứ lịch sử và truyền thuyết đã hòa quện và đan xen với nhau càng làm cho mảnh đất miền tây nắng gió này thêm phần bí ẩn.

Buổi chiều thu ấy chúng tôi đã lạc lối giữa những thông đạo bằng đất sét, giữa những pháo đài và những bức tường đất đổ nát. Khi lên đến tầng cao nhất của thành Cổ Cách thì cả kinh thành đã nhuốm trong ánh nắng chiều vàng rực, vùng thung lũng sông Tượng Tuyền trải dài dưới chân thành với rừng đất sét phía xa cũng trập trùng trong sắc ráng chiều càng làm cho cảnh sắc nơi đây mang một dáng vẻ điêu tàn tráng lệ.

Lúc ấy, bỗng thấy câu thơ "Nền cũ lâu đài bóng tịch dương" sao mà hợp với cảnh vật và tâm trạng đến thế.
IMAG5517_zps4tabkcol.jpg
 
Gemini1976 khiến tôi nhớ cây sồi đứng một mình trong gió cát kia quá đỗi.

Trên đất Tạng nếu khởi phát một tâm nguyện hay lời hứa nào thì con người ta sẽ cứ canh cánh mãi trong lòng để làm được điều ấy bằng được mới thôi. Mà tôi đã trót ước ao nhiều quá khi ở trên mảnh đất ấy...

Viết tiếp đi bạn ơi !
 
Trên đất Tạng nếu khởi phát một tâm nguyện hay lời hứa nào thì con người ta sẽ cứ canh cánh mãi trong lòng để làm được điều ấy bằng được mới thôi. Mà tôi đã trót ước ao nhiều quá khi ở trên mảnh đất ấy...

Cảm ơn bạn, June!

Mình yêu Tây Tạng từ lâu nhưng thực sự khởi phát tâm nguyện đi Kailash là nhờ topic của bạn. Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã cho mình động lực. Quả thực chưa có nơi nào lại làm mình nhớ nhung và ám ảnh như đất Tạng, nhất định trong đời sẽ còn quay lại đó không chỉ một lần.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,676
Bài viết
1,171,063
Members
192,338
Latest member
senrilamaha74com
Back
Top