Khúc vĩ thanh
Tây Tạng - cái tên ấy vẫn là niềm mơ ước của bao thế hệ Phật tử và khách hành hương. Mỗi chúng ta đều có một lý do để tìm thấy cảm hứng viễn du về miền đất bí ẩn ấy. Khúc vĩ thanh này tôi muốn viết về một trong những điều đã khơi gợi cho chúng tôi nguồn cảm hứng tìm hiểu và lên đường đến với Tây Tạng.
Với chúng tôi, từ nhiều năm trước, cảm xúc về vùng đất tuyết lại tình cờ bắt nguồn từ Đạt Lai Lạt Ma thứ sáu - vị Lạt Ma đa tình - người có số phận kỳ lạ nhất trong 14 đời Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng, ông là Thương Ương Gia Thố (Tsangyang Gyatso). Trong số 14 vị Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng, tôi ấn tượng nhất với Thương Ương Gia Thố bởi cuộc đời sóng gió và mối tình bi thương của ông. Là hóa thân chuyển thế của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 Losang Gyatso - người đứng đầu phái Cách Lỗ (Gelug-pa) trong Mật Tông Tây Tạng nhưng bản thân gia đình ông lại theo truyền thống của phái Ninh Mã (Ningma-pa), do đó tư tưởng của Thương Ương Gia Thố vẫn mang đậm chất phóng khoáng của dòng Hồng mạo giáo. Truyền thuyết kể rằng, trước khi được ấn chứng làm người lãnh đạo tối cao trong chính giáo Tây Tạng, ông đã có mối tình sâu đậm với nàng Mã Cát A Mễ - một người bạn thanh mai trúc mã ở quê nhà. Tình yêu thánh khiết và sâu sắc ấy đã khiến cuộc đời 10 năm tu hành trong cung điện Potala của ông trở thành chuỗi thời gian dài mâu thuẫn giằng xé giữa đạo tu và tình đời. Năm 25 tuổi, bị nhiếp chính Thiết Bổng Lạt Ma tố cáo không giữ đạo tu, ông bị triều đình nhà Thanh phế truất và lưu đày lên phương bắc. Trên đường áp giải, ông đã mất tích ở Thanh Hải. Lịch sử cuộc đời ông có nhiều dị bản, cũng có bản cho rằng sau khi trốn thoát tại Thanh Hải, ông đã chu du khắp vùng Hy Mã và mất năm 64 tuổi ở Mông Cổ.
Thương Ương Gia Thố cũng là một nhà thơ nổi tiếng tài hoa. Do ảnh hưởng tư tưởng của Hồng Mạo giáo, thơ của ông (hiện còn lưu truyền hơn 60 bài) mang nhãn quan của một tuệ tâm, vừa có nét thanh tao thoát tục lại vừa thể hiện những cảm xúc rất tự nhiên đời thường, rất con người, cho thấy cái thế giới tinh thần bao la trong tư tưởng xuất thế của vị Lạt Ma này.
Có lẽ, đúng như Bạch Lạc Mai, trong cuốn "Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất", đã viết: "Khi tôi biết rằng có rất nhiều người bởi vì đọc thơ tình của Thương Ương Gia Thố, mà quyết định thu thập hành lý đi lên Tây Tạng, trong lòng nảy sinh hàng ngàn cảm xúc khác nhau. Tôi luôn tin tưởng, những người này đi Tây Tạng, không đơn giản là vì tìm hiểu Thương Ương Gia Thố của kiếp trước hay kiếp này, mà bọn họ muốn biết, ở nơi phong cảnh lãng mạn đó, rốt cuộc là có một cuộc tình không giống người bình thường ra sao. Kết quả là làm thế nào mà một vị Đại Lai Lạt Ma có thể viết được ra hai câu thơ:
Thế gian nào có đôi đường vẹn
Chẳng phụ Như Lai, chẳng phụ nàng"
trước khi đến với Tây Tạng, cảm xúc của chúng tôi đối với vùng đất kỳ lạ này cũng một phần xuất phát từ những bài thơ của vị Đạt Lai Lạt Ma đa tình ấy. Trôi trong dòng tư liệu về Thương Ương Gia Thố, chúng tôi đã từng say mê những bài thơ (được cho là) sáng tác của ông, những bài thơ ẩn chứa đầy tâm trạng mâu thuẫn, da diết đau đớn như “Chẳng phụ Như Lai, chẳng phụ nàng”, “Một đêm ấy”, “Hạc trắng”… Trong đó, “Gặp hay không gặp” (kiến dữ bất kiến) là một trong những bài thơ được mến mộ nhất.
Đây là một trong nhiều bản dịch tiếng Việt của “Gặp hay không gặp” (tôi cũng chưa tra cứu được chính xác là ai dịch) - một bản dịch mà tôi tin là từng làm thổn thức bao trái tim ngưỡng mộ chuyện tình của Đạt lai Lạt Ma thứ sáu:
GẶP HAY KHÔNG GẶP
Nàng gặp, hay không gặp ta
Ta vẫn ở đây
Không mừng, không lụy
Nàng nhớ, hay không nhớ ta
Tình vẫn ở đây
Không còn, không mất
Nàng yêu, hay không yêu ta
Yêu vẫn ở đây
Không thêm, không bớt
Nàng theo, hay không theo ta
Tay ta vẫn nơi nàng
Không lơi, không siết
Hãy ngả vào lòng ta
Hoặc là
Dành cho ta một chỗ trong trái tim nàng
Bình lặng yêu nhau
Âm thầm thương tưởng.
Tôi sẽ không nói về bản phiên âm Hán Việt của bài thơ bởi âm điệu đã bị Việt hóa không còn cái du dương nguyên bản nữa. Bản dịch tiếng Anh của “Gặp hay không gặp” dưới đây, có tên "See or not", tôi rất thích và cho rằng đó là bản bám sát nghĩa và có âm điệu hay nhất.
SEE OR NOT
(by Tsangyang Gyatso)
You see me, or not see me
I am there
Not sad, not happy.
You miss me, or not miss me
The feeling is there
Not coming, not going.
You love me, or not love me
The love is there
Not more, not less.
You follow me, or not follow me
My hands are in yours
Not giving up, not abandoning.
Come into my arms
Or
Let me live in your heart
In silence, in love
In stillness, in joy.
Do tính hàm súc và cô đọng của nó, bài thơ có nhiều tầng lớp nghĩa và ngay từ đầu đã gợi cho nhiều độc giả nghĩ đến mối tình đau đớn của Thương Ương Gia Thố với Mã Cát A Mễ. Và hầu hết những tư liệu chúng tôi từng đọc đa phần đều cho rằng bài thơ này (dưới cái tên "Kiến dữ bất kiến") là của Thương Ương Gia Thố.
Nhưng sau này, khi tiếp tục tìm hiểu thêm về Tây Tạng và Đạt Lai Lạt Ma thứ sáu, chúng tôi mới được biết những câu thơ da diết ấy lại là sáng tác của một nữ sỹ ở thời đại sau câu chuyện tình bi thương kia hơn 300 năm - Trát Tây Lạp Mẫu Đa Đa (tên thật là Đàm Tiếu Tĩnh, người Quảng Đông, sinh năm 1978).
Bài thơ "Kiến dữ bất kiến" xuất hiện lần đầu trên blog cá nhân của tác giả Đàm Tiếu Tĩnh (bút danh Trát Tây Lạp Mỗ Đa Đa) vào tháng 5/2007, với cái tên "Ban trát Cổ lỗ Bạch mã đích trầm mặc" (Sự trầm mặc của Kim Cang Thượng sư Liên Hoa), nằm trong tập “Nghi Tự Phong Nguyệt” của cô. Năm 2008, tạp chí “Độc giả” đăng tải bài này với tiêu đề “Gặp hay không gặp”, đồng thời đề tên tác giả là Thương Ương Gia Thố. Tháng 12/2010, nhờ bộ phim "Phi thành vật nhiễu 2" (mà ở ta dịch là “Nếu em là người tình”) của đạo diễn Phùng Tiểu Cương, bài thơ “Gặp hay không gặp” được biết đến rộng khắp. Trong bộ phim "Cung Tỏa Tâm Ngọc" được trình chiếu hồi tháng 1/2011, đây cũng chính là nội dung lá thư tình mà hoàng đế Ung Chính viết cho nàng Tình Xuyên. Trong phim cũng có đoạn nhân vật chính Xuyên Xuyên ngâm nga từng chữ trong bài "Kiến dữ bất kiến".
Những người quan tâm còn có thể tìm thấy nhiều bản dịch tiếng Anh tâm đắc dành cho "Gặp hay không gặp", đa phần đề tên tác giả Thương Ương Gia Thố, bản tiếng Hán trên các diễn đàn và blog của Trung Quốc cũng vậy.
Chỉ cho đến tháng 3/2011, khi Đàm Tiếu Tĩnh lên tiếng khởi kiện Nhà xuất bản Châu Hải xâm phạm bản quyền khi không được sự đồng ý của cô đã xuất bản tập thơ “Một ngày đó, một tháng đó, một năm đó” (那一天那一月那一年) trong đó có bài "Ban trát Cổ lỗ Bạch mã đích trầm mặc" thì người yêu mến Thương Ương Gia Thố mới vỡ lẽ đây không phải là thơ ông.
Về lý do của cái tên "Ban trát (Vajra = Kim Cang) Cổ lỗ (Guru) Bạch mã (Padme) đích trầm mặc", tác giả Đàm Tiếu Tĩnh có giải thích: Ý tưởng của bài thơ bắt nguồn từ câu chú của Đại sư Liên Hoa Sinh, đại ý “Ta không bao giờ rời bỏ người tín ngưỡng ta, hay người không tin ta, cho dù các con không thấy được ta, nhưng lòng từ bi của ta mãi mãi che chở các con”. Bài thơ là sự thể hiện tình yêu thương quán chiếu của Đại sư với chúng đệ tử của Ngài, chứ hoàn toàn không liên quan đến chuyện luyến ái nam nữ.
Đặc trưng của thơ ca là vậy, vừa có tính điển hình lại vừa mang tính cá thể. Mỗi độc giả đều có thể tìm thấy những mảnh cảm xúc, những hình bóng thân quen trong sáng tác thi ca và gán cho nó một cách hiểu riêng. Cho nên, với một bài thơ ngôn từ cô đọng như thế này, việc liên tưởng đến chuyện tình của Thương Ương Gia Thố cũng hoàn toàn dễ hiểu.
Dưới đây là bản dịch của Sói em trong nhóm tôi, xin giới thiệu để các bạn cùng thưởng thức. Tôi tin rằng, khi biết được tinh thần đích thực của bài thơ, sự mến mộ của độc giả với thi phẩm này cũng như niềm yêu mến Tây Tạng và Thương Ương Gia Thố không vì thế mà thay đổi, bởi cái tình mà Trát Tây Lạp Mỗ Đa Đa nhắc đến ở đây, vượt ra ngoài tình luyến ái nam nữ, là thứ tình rộng lớn và phổ quát, thứ tình yêu bao la quán chiếu của đạo pháp với nhân sinh.
SỰ TRẦM MẶC CỦA ĐẠI SƯ LIÊN HOA
Trát Tây Lạp Mỗ Đa Đa
(Sói em dịch)
Người thấy, hay không thấy ta,
Ta vẫn ở đó,
Không buồn, không vui.
Người nhớ, hay không nhớ ta,
Tình vẫn ở đó,
Không rời, không chuyển.
Người yêu, hay không yêu ta,
Niềm yêu vẫn đó,
Không thêm, không giảm.
Người cùng, hay không cùng ta,
Tay ta vẫn trong tay người,
Không buông, không bỏ.
Đến đây trong lòng ta,
Hay là,
Để ta trú trong trái tim người.
Mặc nhiên yêu thương,
Lặng thầm hoan hỉ.
Hơn ba trăm năm đã trôi qua, chuyện về vị Đạt Lai Lạt Ma đa tình đã không còn phân biệt được đâu là truyền thuyết và đâu là lịch sử nữa. Tôi không biết liệu có bao giờ chúng tôi đạt đến được cái cảnh giới “Không buồn - không vui, Không rời - không chuyển, Không thêm - không giảm, Không buông - không bỏ" hay không? Với tôi, có lẽ chỉ cần có được sự bình thản luôn an trú trong trái tim để cho tâm hồn “mặc nhiên yêu thương, lặng thầm hoan hỉ” là đủ. Và tôi biết, trong đời tôi, những khoảnh khắc ấy tôi đã từng tìm thấy, trên đất Tạng.