Manasarovar
Nằm ở phía nam ngọn Thần sơn Kailash là hai hồ thiêng, mang ý nghĩa của hai cặp phạm trù đối lập: Thiện - Ác, Sáng - Tối, Giác ngộ - Vô minh, đó là hồ Manasarovar (Mã Bàng Ung Thác) và hồ Rakastal (Lạp Ngang Thác), còn gọi là hồ Thần và hồ Quỷ. Những ý niệm về Thiện - Ác này thể hiện trong tên gọi của hai hồ:
manas có nghĩa là tỉnh thức - khai sáng, mang sức mạnh của giác ngộ;
rakas là ma quái, nên Rakastal còn được gọi là hồ quỉ. Nếu như Manasarovar nằm ở phía đông - nơi ngày mới bắt đầu và có hình mặt trời, biểu tượng cho sức mạnh của ánh sáng, thì Rakastal lại nằm ở phía Tây - nơi bóng tối ngự trị và có hình trăng lưỡi liềm, biểu tượng cho sức mạnh ẩn tàng của bóng đêm, hiện thân cho những năng lực đen tối của ma quái.
(ảnh sưu tầm)
Bản thân tôi trước đây đã khá băn khoăn khi biết Manasarovar còn có tên là
"Hồ ngọc bích vô địch", và khi khi tìm hiểu về nguồn gốc cái tên của Manasarovar cùng cái hồ song sinh Rakastal, mới biết từ "vô địch" là do có một sự tích liên quan đến lịch sử các vương triều cát cứ trên mảnh đất cao nguyên kỳ bí này, điều này cũng làm cho tôi thấy có hứng thú hơn so với những gì đã từng đọc trước đó.
Đây là sự tích về tên gọi của hai hồ:
Khoảng thế kỷ thứ sáu - thứ bảy sau công nguyên, cao nguyên Tây Tạng cũng ở trong tình trạng tương tự như thời Xuân Thu Chiến Quốc của Trung Nguyên, nổi lên một loạt các nước cát cứ tranh hùng xưng bá: miền trung có Thổ Phồn, phía Đông có Đa Di, Đảng Hạng, Bạch Lan, phía Bắc có Tô Tì, Thổ Cốc Hồn, Hoắc Nhĩ, phía Tây có Tượng Hùng và một loạt các nước chư hầu nhỏ khác.
Thổ Phồn là quốc gia đóng ở miền trung Tây Tạng, cai trị một vùng rộng lớn trên lưu vực sông Nhã Lung (Yarlung Tsangpo). Về sức mạnh và tiềm lực quân sự, đến thời Tán phổ Tùng Tán Can Bố, có thể nói là hơn hẳn các nước như Tô Tì, Bạch Lan, Đảng Hạng, Thổ Cốc Hồn. Tuy nhiên, so với Tượng Hùng - một quốc gia cường thịnh nhất ở phía Tây thì Thổ Phồn vẫn chưa phải là đối thủ xứng tầm bởi Tượng Hùng đất rộng người đông, lãnh thổ trải dài toàn bộ phần phía tây và tây bắc của Tây Tạng, binh lực hùng hậu, địa hình lại hiểm yếu, không dễ chinh phạt.
Tán phổ Tùng Tán Can Bố tương truyền từ nhỏ đã thể hiện khí chất của một bậc kỳ tài quân sự xuất chúng. Mới mười ba tuổi đã lên ngôi và quyết tâm thống nhất cao nguyên, vị Tán phổ trẻ tuổi biết rằng, muốn Thổ Phồn phát triển hùng mạnh, phải chinh phạt quốc gia mạnh nhất là Tượng Hùng. Tuy nhiên, với tiềm lực quân sự của Thổ Phồn bấy giờ, chưa thể đánh Tượng Hùng ngay được. Theo sách lược của Tùng Tán Can Bố, Thổ Phồn dần dần thu phục các bộ tộc cát cứ như Tô Tì, Đạt Ba, chinh phạt Thổ Cốc Hồn và Đảng Hạng, thậm chí còn vươn tới tận Trung Nguyên, nhiều phen giao tranh với cả Đại Đường.
Đúng vào thời kỳ này
(như tôi đã từng chia sẻ trong phần viết về Tsaparang), có hai dòng họ quý tộc của Vương triều Tượng Hùng là họ Vi và họ Nương đã phản bội vương triều để chạy sang Thổ Phồn, mang theo nhiều bí mật quân sự của vương triều hùng mạnh ở miền viễn Tây sang với Tùng Tán Can Bố. Thời kỳ này, Tùng Tán Can Bố cũng đã gả em gái của mình là công chúa Trại Mã Cát cho vua Ligmikya của Tượng Hùng không ngoài mục đích do thám tin tức quân sự. Được sự phò tá của họ Vi và họ Nương, cùng với những mật tin do Trại Mã Cát gửi về, Tán phổ Tùng Tán Can Bố đã dần dần gây dựng được một lực lượng quân đội hùng mạnh và thiện chiến để đối đầu với vương triều phía tây. Sau nhiều năm củng cố binh lực, năm 634 Thổ Phồn đã xuất quân lên miền tây Tây Tạng chiếm đánh Tượng Hùng - tiến hành một trận chiến long trời lở đất, đánh bại đế chế mạnh nhất ở miền viễn tây và thống nhất toàn bộ vùng cao nguyên Tây Tạng.
Trận chiến thư hùng trên mảnh đất miền tây ấy đã quét sạch mười vạn đại quân của Tượng Hùng, loại bỏ chướng ngại cuối cùng trong công cuộc thống nhất lãnh thổ Tây Tạng, chấm dứt tình trạng cát cứ tranh hùng và đưa Tùng Tán Can Bố trở thành vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử cao nguyên. Để kỷ niệm chiến thắng này, hồ Manasarovar đã được đặt tên thành hồ Thần -
hồ Bất Bại, còn hồ Rakastal phía bên Tượng Hùng trở thành hồ Quỷ - nơi ấy âm hồn của mười vạn quân Tượng Hùng muôn đời không tan, oán khí kết tụ. Bởi vậy, Rakastal mặc dù cảnh đẹp chẳng kém gì Manasarovar nhưng luôn gây cho người ta cái cảm giác u ám lạnh lẽo, trong khi phía bên Manasarovar có rất nhiều tu viện và thất độc cư của các hành giả Mật Tông thì bên Rakastal lại luôn quạnh vắng, buồn bã.
Manasaravar - hồ Bất Bại là đây, tôi đến vào buổi trưa ngày trăng tròn sau khi vừa kết thúc vòng kora quanh núi thiêng Kailash. Mùa thu, cỏ ven hồ đã ngả sang màu thắm đỏ. Bên hồ xanh, nổi bật lên mái vòm trắng xóa của ngôi đền thiên giới. Chợt nhớ về sự tích cái tên hồ Bất Bại, mới thấy chiến tranh binh lửa nào rồi cũng qua đi, cái còn mãi là những khoảnh khắc yên bình giữa không gian khoáng đạt này.