Những ngọn núi hộ thần
“Có những ngọn núi chỉ là núi, nhưng cũng có những ngọn núi có tính cách riêng rõ rệt. Tính cách của một ngọn núi không chỉ là hình dáng kỳ lạ khác với những ngọn khác - cũng như khuôn mặt đặc biệt hay thái độ khác lạ của một người chưa nói lên nhân cách của người đó”
(Con đường mây trắng - Anagarika Govinda)
Kailash, ngọn núi được mệnh danh là “vũ trụ tâm linh” mà kinh Phật gọi là núi Tu Di, là nơi duy nhất ngày xưa Đức Phật và 500 vị A la hán đặt chân đến. Với độ cao 6714m, Kailash là ngọn núi nằm ở trung tâm trong dãy Bắc Himalaya (dãy Sven Hedin - mang tên của nhà thám hiểm nổi tiếng người Thụy Điển), tuy không phải ngọn núi cao nhất nhưng vẫn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người Tạng. Kailash là linh địa được bao quanh bởi những quả núi của các vị Phật và Kim Cương trong Ngũ Trí Như Lai, các đỉnh núi này được coi như hộ thần bảo vệ xung quanh ngọn núi Tu Di thiêng liêng.
Hãy nhìn vị trí linh địa của ngọn Thần sơn vĩ đại ấy với những ngọn núi hộ thần bao quanh trong bức ảnh dưới đây để cảm nhận được uy lực của những năng lượng vô hình quy tụ tại vùng đất được coi là tâm điểm của mọi xứ sở này.
(ảnh sưu tầm)
Về vị trí địa lý vô song và vị thế tâm linh của Kailash thì hẳn nhiều bạn đã biết. Ở đây, tôi muốn kể thêm về những ngọn núi bao quanh ngọn Thần sơn ấy, những ngọn núi cũng có “tính cách riêng rõ rệt” trên vùng siêu thánh địa này.
1. Núi Changna Dojre
Ở phía tây của Kailash, núi Changna Dorje cao 5.960 mét, tượng trưng cho
Bồ Tát Kim Cương Thủ (tiếng Phạn gọi là Vajrapani). Đây là vị Bồ Tát tay cầm chày Kim Cương - biểu hiện của sự bất hoại. Ngài là vị thần của Mật tông, người chống lại các lực lượng của hắc đạo và của sự hủy diệt. Ngài nắm giữ sức mạnh chuyển hóa, hàng phục thiên ma, ngoại đạo và quỷ thần.
Là một trong những vị Bồ tát đầu tiên của Phật giáo Đại thừa, ngài là người bảo vệ và hướng dẫn của nhà Phật, và tượng trưng cho quyền năng của chư Phật.
Kim Cương Thủ thường được kết hợp với Phật Thích Ca Mâu Ni, trong cuộc đời đức Phật, sự hiện diện của ngài được gọi bởi cụm từ Sự hùng mạnh của một con voi -
Đại Thế Chí Bồ Tát. Biệt hiệu này được sử dụng đặc biệt khi Ngài đứng cạnh Vô Lượng Thọ Phật (hóa thân của A Di Đà Phật) cùng với Quán Thế Âm Bồ Tát. Trong tranh tượng Phật giáo, Ngài thường được trình bày đứng bên trái trong khi Quan Thế Âm Bồ Tát đứng bên phải của Phật A Di Đà.
2. Núi Jampelyang
Về phía đông của Kailash là ngọn núi Jampelyang tượng trưng cho
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, tiếng Phạn gọi là Manjusri. Ngài là vị Bồ Tát tượng trưng cho trí huệ. Tranh tượng Phật giáo thường trình bày Văn Thù với tay trái bên hông kết ấn Chuyển Pháp Luân cầm cành hoa sen xanh, với cuốn Kinh Bát Nhã ở bên trên, còn tay phải của Ngài nâng cao cây kiếm trí tuệ bốc lửa. Lưỡi kiếm sắc bén ấy được xem là biểu tượng trí huệ chém màn vô minh.
Người Tây Tạng tin rằng các đời vua anh minh hay các bậc thành tựu giả đều là Hoá thân chuyển thế của Văn Thù Sư Lợi. Những tổ sư truyền thừa của Mật giáo như Biện Trí Đạt, Long Khiếm Ba Tôn Giả, Tông Khách Ba đều là Hoá thân chuyển thế của Đức Văn Thù. Tạng vương Xích Tùng Đức Tán cũng là Văn Thù hoá thân.
Dưới cái tên Diệu Âm (nghĩa là
Người có tiếng nói êm dịu), Văn-thù Sư lợi Bồ Tát thường được tán tụng trước khi hành giả nghiên cứu kinh điển, nhất là kinh điển thuộc hệ Bát nhã ba la mật đa (prajnaparamita). Văn Thù là vị Bồ Tát tượng trưng cho kinh nghiệm giác ngộ đạt được bằng phương tiện tri thức.
Cũng có khi, Văn Thù xuất hiện dưới dạng một phẫn nộ thân, có tên gọi là Diêm Mạn Đức Ca - "Người chiến thắng tử thần" (yamantaka), có dạng vị thần mang đầu bò. Dạng này là Thần thể quan trọng của phái Cách Lỗ tại Tây Tạng.
3. Núi Chenresig
Tọa giữa hai ngọn núi Changna Dojre và Jampelyang là núi Chenresig - tượng trưng cho
Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokiteshvara) - một trong những vị Bồ Tát quan trọng nhất trong Đại thừa. Cái tên của Ngài -
Quán Thế Âm đã nói lên đầy đủ ý nghĩa: vị Bồ Tát lắng nghe và thấu hiểu mọi tiếng thế gian.
Quán Thế Âm là thể hiện của một trong hai dạng quan trọng của Phật tính:
Trí huệ và
Từ bi. Nếu như Bồ Tát Văn Thù thể hiện tính Trí huệ thì Bồ Tát Quán Thế Âm thể hiện tính Từ bi. Vì vậy, người ta cũng gọi Ngài là bậc Đại Bi. Với lòng từ bi vô lượng, Quán Thế Âm thể hiện sức mạnh huyền diệu để cứu giúp mọi chúng sinh quán tưởng đến mình lúc gặp hiểm nguy.
Tại Tây Tạng, Quán Thế Âm là "người bảo vệ xứ tuyết" và có ảnh hưởng quan trọng trong truyền thống Phật giáo tại xứ sở này. Người Tạng xem Bồ Tát là cha đẻ của dân tộc Tây Tạng và nhờ Ngài mà Phật giáo được truyền bá trên đất Tạng. Đạt Lai Lạt Ma cũng được xem là hiện thân của Quán Thế Âm. Câu mantra
Om Mani Padme Hum được xem là thuộc tính của Quán Thế Âm, là thần chú đầu tiên truyền đến Tây Tạng và cho đến ngày nay vẫn là thần chú được tụng niệm nhiều nhất ở xứ tuyết này.