What's new

[Chia sẻ] Kailash mùa thu 2014

Tháng Mười Hai, những ngày cuối cùng của tháng cuối năm, nhìn cuốn lịch mỏng dần chợt thảng thốt nhận ra một năm sao mải miết trôi nhanh đến thế. Trong giá rét của mùa đông Hà Nội, đếm những tờ lịch còn lại mà thấy da diết nhớ về những ngày kora rực rỡ giữa mùa thu tràn nắng và lòng vẫn day dứt về một lời hứa chưa thực hiện, lời hứa chia sẻ về một chuyến đi chưa từng kể lại - Kailash mùa thu 2014.

Kailash - chuyến hành hương ấp ủ hơn 3 năm của những kẻ đã từng một lần đặt chân đến Tibet và đã nặng lòng với vùng đất của chư thiên ấy.

Chuyến đi này, tôi kể lại đây như một lời tri ân với diễn đàn phượt, nơi tôi đã từng nhận biết bao thông tin quý giá không chỉ về Tibet và Kailash.

Chuyến đi này, tôi kể lại đây như một món quà dành cho người bạn đã từng đi Kailash, dù mới quen nhưng đã sẵn lòng tặng tôi những viên thuốc pháp quý báu của vị đại sư Nepal, những viên thuốc đã tiếp cho tôi thêm động lực trên đường hành hương.

Chuyến đi này, chuyến đi của đời người, đã thành một dấu ấn trong đời mà tôi chắc sẽ chẳng bao giờ quên được, tôi kể lại đây vào những ngày sắp khép lại một năm, cũng là để chuẩn bị cho cuốn nhật ký của những chuyến đi mới đang chờ đợi tôi phía trước.

Kailash mùa thu 2014.
 
@Cảm ơn bạn Kamkuyt, Banker, Danhhuynh và các bạn đã theo dõi topic của tôi. Đúng là trong những nơi tôi đã từng đặt chân đến, Tây Tạng vẫn là nơi mà tôi đau đáu muốn quay trở lại nhất, mảnh đất ấy đối với tôi đã có quá nhiều ấn tượng và kỷ niệm yêu dấu.

Nếu tôi không nhầm thì bạn Danhhuynh là một thành viên trong đoàn hành hương Kailash năm 2011 của TS Nguyễn Tường Bách, phải không ạ?

Cảm ơn những thông tin trong bài viết của bạn. Tôi định đi Tibet trong tháng 10 này, ko biết có xin giấy phép được ko? Bạn cho mình hỏi thêm là có tour nào đi vào vùng Khả Khả Tây Lý ko? Tôi đọc nhiều topic về Tibet mà ko thấy ai nhắc đến địa danh này.

@Bạn an_bo_o_bui than mến, tôi nghĩ permit vào Tây Tạng năm nay không phải là vấn đề. Tuy nhiên, nếu bạn đi vào tháng 10 và đặc biệt muốn hành hương Kailash thì cần cân nhắc vì thời điểm sau ngày Quốc khánh Trung Quốc 1/10, Chính quyền sẽ xiết chặt giấy phép đối với những khu vực nhạy cảm ở phía Tây Tây Tạng. Năm ngoái, khi chúng tôi rời khỏi Tây Tạng sau chuyến hành hương Kailash, vừa về đến Kathmandu thì đã được bạn guide Samdrup cập nhật tình hình: Chính quyền đã tuyên bố chính thức đóng cửa khu vực Kailash từ 01/10/2014 đến 01/4/2015 đối với tất cả du khách nước ngoài và người hành hương gốc Tạng (không thấy nói gì đến khách du lịch Trung Quốc, thật bất công). Về permit, bạn có thể đọc lại post số 27 (trang 3) trong topic này để có thông tin liên hệ nhé.

Còn về Khả Khả Tây Lý (Kekexili), bản thân tôi cũng vẫn ấp ủ mơ ước một chuyến đi rong ruổi tại khu bảo tồn này, nhưng chắc chắn sẽ phải tách ra thành một tour riêng biệt với Tibet bởi khu vực này nằm sâu trong vùng nội địa của cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng, ở độ cao trung bình trên 4.600 mét, là khu vực bảo tồn quốc gia của Trung Quốc với hệ thực vật phong phú và nhiều loài động vật quý hiếm như linh dương, nai Tây Tạng, cáo đỏ… Nếu bạn đọc topic của bạn June sẽ thấy hành trình đi tàu từ Thanh Hải tới Lhasa của June có đi ngang con sông Đà Đà chảy qua một phần của khu bảo tồn rộng lớn này.

Tôi cũng đã từng tìm hiểu về tour Kekexili và thấy có một số Công ty lữ hành của Trung Quốc có tour này, bạn có thể tham khảo ở đây:
http://www.ecotourchina.com/kekexili.htm
 
Check-in Darchen

Chiều hôm ấy, sau bữa trưa, chúng tôi rời Moncier chạy thẳng hướng Darchen. Mới hơn 2h đã chạm cửa ngõ thị trấn. Điểm check-in vào thị trấn là một tòa nhà phong cách nửa Tạng nửa Hán, ngay cửa vào có hai con sư tử đá nom rất chướng mắt. Vì lý do an ninh, chúng tôi chỉ ngồi trong xe mà không dám giơ máy ảnh lên chụp choẹt gì. Ngồi trong xe đợi, thấy Samdrup cứ chạy qua chạy lại, từ cửa nọ sang cửa kia, mặt mũi nhăn nhó. Trời nắng như đổ lửa, trong xe chúng tôi còn nóng lòng hơn. Hơn 45 phút căng thẳng trôi qua mà vẫn chưa thấy có dấu hiệu gì, tôi đã chột dạ nghĩ về quẻ bói và cái lệnh cấm nghiệt ngã kia. Trên xe, có những giây phút tôi thấy thầm ghen tị với người dân Darchen. Họ được sống ở đây, quanh năm có ngọn thần sơn che chở, cuộc sống tuy lam lũ nhưng giản dị. Còn chúng tôi, đi hàng nghìn cây số đường đến đây, gạt bỏ hết những lo toan bon chen của cuộc sống thường nhật, cuối cùng để đổi lấy sự thanh thản và những khoảnh khắc an nhiên ngắn ngủi trong đời. Cuộc đời, hạnh phúc đôi khi thật đơn giản nhưng nhiều khi kiếm tìm cũng vất vả thay.

Rồi cuối cùng, cũng thấy Samdrup tươi cười chạy ra, bảo chúng tôi lấy hành lý và cầm hộ chiếu xuống xe. Toàn bộ hành lý được đưa qua máy soi, còn 5 con người thì lần lượt cầm hộ chiếu đi qua cửa để nhân viên PSB quét hộ chiếu và soi tận mặt từng đứa.

Đây là kết quả sau gần một tiếng đợi chờ căng thẳng của chúng tôi - Giấy phép check-in vào Darchen.

16792395816_5d7a714012_b.jpg


Tuy nhiên, năm nay, Chính quyền đã cấm du khách vào các tu viện Sắc Long Tự (Seralung) và Giang Trác Tự (Gyandruk), điều này cũng đồng nghĩa với việc cấm đi Inner kora (Nandi kora). Vậy là mơ ước được chiêm bái tu viện Seralung, Gyandruk và tiếp cận gần nhất với mặt phía Nam Kailash linh thiêng của chúng tôi sẽ không thể thực hiện được. Nhưng xét lại, chúng tôi cũng không còn đủ thời gian vì đã mất một ngày của hành trình tại Ngamring, việc còn lại bây giờ là phải nghỉ ngơi thật tốt để chuẩn bị cho vòng outer kora.

Vậy là đã check in được vào thị trấn, chúng tôi thở phào xếp lại hành lý và lên xe.

Darchen là đây, chiều đầu thu nắng chan hòa và bầu trời xanh thẳm trên dải Gurla Mandata phủ tuyết phía đầu thị trấn.
Darchen, so với những gì mà bạn June miêu tả, đã thay đổi nhiều. Cột đèn đường cao vút dọc hai con phố chính của thị trấn, có cả những siêu thị bán đủ mọi loại nhu yếu phẩm và các vật dụng cần thiết cho chuyến leo núi như gậy, mũ, đồ ăn nhẹ…

16677084437_ffef71b54f_b.jpg

(ảnh La)

16611019667_08eec6e444_b.jpg


Phòng dorm ở trung tâm thị trấn khá sạch sẽ chứ không đến nỗi tệ như chúng tôi vẫn tưởng tượng, nhưng cái toilet thì khủng khiếp, vẫn kiểu Tibetan-style như các bạn đi Tibet đã từng biết và mô tả lại.

16817184871_857ab2a12a_b.jpg


Buổi chiều đầu tiên ở thị trấn, tranh thủ nghỉ ngơi một lúc, tôi và Sói em bắt đầu lang thang dạo khắp hai dãy phố chính để tìm quán ăn. Đi lòng vòng một hồi lại quay về gần chỗ trọ, hai đứa thử chui vào cái quán đối diện với doanh trại quân đội, cuối cùng lại tìm được địa chỉ ăn uống rất ưng ý cho cả thời gian trọ ở Darchen.
Quán Thần Sơn Như Ý (Shen Shan Ru Yi can guan - 深山如意餐馆馆) - địa chỉ chúng tôi highly recommend cho các bạn đến đây để hành hương Kailash

16631469128_b7353c6475_b.jpg


Quán Thần Sơn Như Ý, anh chủ quán rất dễ thương, niềm nở mà nhanh ý. Chả thế mà Sói em thì khen “anh chủ thông minh, khéo léo, tháo vát, đảm đang, nói đâu hiểu đấy. Hàng quán gọn gàng, sạch sẽ. Giá cả mềm mại, phải chăng. Sang Tibet, chưa bao giờ em đặt món ăn theo khẩu vị Việt mà nhàn như ở đây, đầu bếp hiểu ý nhanh và làm quá đúng ý. Kết cái quán nhà này quá đi”, còn cô Sushi-La trong đội chúng tôi thì cứ tấm tắc nhắc đi nhắc lại một câu “phải lấy người như anh”.

Phải lấy người như anh là đây :D

19464874759_1f6769518f_b.jpg

(ảnh La)
 
Last edited by a moderator:
Cảm ơn bạn Gemini76 nhiều.

Vậy tôi sẽ đi Tibet trước khi nào bạn lập group đi Khả Khả Tây Lý thì ới tôi một tiếng để tôi bám càng với (c)
 
@gemini1976 giúp tôi với: tôi định đi chương trình giống bạn chỉ khác là sau khi đi gugu king dom thì quay về Lhasa, với 14 ngày. Chi phí tour bạn là bao nuiêu? Tibet RIT Travel quote tôi là 2680$/pax cho Group 3 người. Vậy có vẻ như đắt hơn các mơi khác nhièu phải không?
 
Bạn an_bo_o_bui thân mến,

Giá tour còn tùy thuộc vào loại xe, loại phòng và thời gian bạn đi có phải là cao điểm hay không. Năm ngoái nhóm chúng tôi (5 người) đi vào dịp tháng 9 cũng là cao điểm. Chúng tôi đi xe minibus, phòng 2 đêm ở Lhasa và 1 đêm ở Shigatse là 2* hoặc 3* (về sau ở Shigatse lại được ở phòng 4*), còn các nơi khác đều là phòng dorm.

Giá tour của nhóm tôi năm ngoái là $1570/pax, cụ thể như sau:
Tour cost includes:
• All necessary tibet permits
• Tibetan English speaking tour guide per itinerary
• Accommodation medium hotel with 2 people 1 twin bed room. 2 night in Lhasa and 1 night in Shigatse
• Accommodation guest house in Saga/Darchen/Guge/Kora
• Transport Mini Bus
• Driver
• Monastery entrance ticket
• Yamdrok Lake & Karo-la glacier entrance ticket
• Kailash & Lake manasarova entrance ticket
• Guge Kingdom entrance ticket
• Kailash kora porter or Yak for luggage
• Peiku Tso lake & road tax for clients & bus
• Guide & drive’s food and accommodation

Tour cost doesn’t include:

• Chinese visa fees
• Nepal part arrangement
• Lunch & dinner in Lhasa and Shigatse
• Meals; breakfast/lunch/dinner from Saga to Kailash/kora/Guge/Saga
• Personal expense of bar, bill, water...etc

Nhóm bạn có 3 người, hẳn là sẽ đi xe Landcruise? Tuy nhiên cái giá $2680 nhà tour quote bạn có vẻ cao quá nhỉ. Bạn nên deal lại với nhà tour xem thế nào.
Mình cũng recommend bạn nên đi xe Land cho thoải mái, còn lấy sức cho những ngày leo núi. Năm ngoái bọn mình đi xe minibus 24 chỗ, tuy rộng rãi nhưng xe cũ, giảm xóc kém nên rất mệt.
 
Darchen

Nằm dưới chân Kailash huyền thoại thuộc dãy Bắc Himalaya, Darchen được biết đến là điểm check-in quan trọng cho Phật tử và khách hành hương lên phía Tây, điểm xuất phát của vòng kora quanh ngọn núi thiêng. Vốn chỉ là một ngôi làng nhỏ dưới chân núi hẻo lánh, do nhu cầu hành hương, Darchen ngày nay đã được mở rộng thành một thị trấn nhỏ với hai dãy phố chính và một doanh trại quân đội đồn trú. Ánh sáng văn minh đã đến theo lượng khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây nhưng điều kiện sinh hoạt cũng không khá hơn trước bao nhiêu. Đường đã được trải bê tông và bó vỉa khá sạch sẽ, đèn đường và những siêu thị mới mọc lên xen lẫn giữa những kiot bán hàng, toàn bộ mặt tiền các ngôi nhà dọc phố đều được quy hoạch và xây theo một kiểu thống nhất nhưng phía bên trong vẫn rất lụp xụp. Trên hai con phố chính, ô tô, xe máy cùng lưu thông với khách bộ hành và cả bò, dê, ngựa - rất tự nhiên, chả ảnh hưởng gì đến nhau.

16739555350_69cbf103e4_b.jpg

(ảnh NL)

16740799639_ea6f32a587_b.jpg

(ảnh NL)

16611022207_f81a29bb1b_b.jpg


16304595164_9f7994e173_b.jpg

(ảnh NL)

Darchen chiều chúng tôi đến, nắng đổ rát trên phố và những dãy nhà thấp chạy dọc theo con dốc vào thị trấn. Tìm được một nhà trọ ở phía gần doanh trại quân đội với mảnh sân rải sỏi vừa làm chỗ đậu xe vừa kê mấy bàn bi-da, vừa nhận phòng xong, Samdrup đã bảo chúng tôi nếu thuê ngựa thì phải đặt tiền ngay. Trong năm đặc biệt này, chính quyền đã hạn chế khách vào Darchen và quy định số lượng khách check-in hàng ngày vào thị trấn không được vượt quá 90 người/ngày. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn cao nên ngựa và porter năm nay khá hiếm. Rút kinh nghiệm từ nhóm bạn June, chúng tôi đã phải thỏa thuận ngay từ đầu về người dắt ngựa. Giá thuê ngựa năm nay là 1380 RMB/ngựa (bao gồm cả nài) cho cả ba ngày leo núi và cả nhóm sẽ được luân phiên cưỡi ngựa (chứ không phải chỉ dành cho một người cưỡi trong suốt cả hành trình).

Do đã mất một ngày tại Ngamring vì hỏng xe nhưng cũng không thực hiện được kế hoạch đi Inner kora như dự kiến, chúng tôi vẫn có nguyên một ngày nghỉ ngơi ở Darchen. Sáng hôm ấy, tôi và Sói em dậy trước dạo phố và đặt ăn sáng. 6h30, bầu trời mới ửng hồng, thị trấn dường như vẫn còn ngái ngủ. Lúc chúng tôi bước vào quán Thần Sơn Như Ý cũng là lúc một đoàn khách hành hương bắt đầu khởi hành từ đầu thị trấn đi về phía doanh trại. Ngắm đoàn hành hương chừng 20 người trang bị nai nịt kỹ càng, người nào cũng hai tay hai gậy chầm chậm leo dốc, tôi bỗng thấy hồi hộp. Ngày mai chúng tôi cũng như họ, sẽ xuất phát sớm từ đây.

16818325455_f008c54ea7_b.jpg


16817214862_989f33593b_b.jpg


16818324385_f084a9ea98_b.jpg
 
Last edited:
Cảm ơn bạn nhiều,
Tour của tôi giá cũng include tương đương như bạn, Ở thì phần nhiều là báo ở dorm, đây bạn xem
price include
+ All necessary travel permits
+ English speaking tour guide per itinerary
+ Accommodation Medium Hotel in Lhasa /Gynagtse/Shegatse/Shegar/Lhasa
+ Accommodation from Everest/Saga/Darchen/Kailash kora/Manasarovar guest house with dome room
+ Transport Mini Bus
+ Everest ticket for Bus
+ Everest ticket for clients and guide
+ kailash and lake Manasarovar tickets
+ Admission tickets
+ Pekutso road tax
Tôi đi vào giữa tháng 10 này
Giá hiện đã giảm xuống 2350$/pax
Thấy nhiều bạn khen Tibet Fit mà giá thế này chắc phải tìm cty khác mất
 
Darchen ngày chuẩn bị kora

Mùng 6/9/2014

Lúc ăn sáng cũng là lúc tôi nhận thấy tình hình sức khỏe của mọi người trong nhóm không ổn. Anh T hôm qua mới chỉ hắt hơi và hơi sụt sịt thì hôm nay bắt đầu ho mặc dù đã uống paracetamol, không biết có phải do ảnh hưởng của việc giặt giũ bằng nước giếng lạnh buốt hôm ở Tirthapuri hay không. Chị NL cũng có cảm giác ăn kém hơn mọi ngày, vẻ mệt mỏi lộ trên gương mặt và làn môi tím tái. Mọi loại thuốc kháng sinh, thuốc chống cảm cúm và xịt mũi bắt đầu được cuống cuồng lôi ra cho người ốm với hy vọng có thể phục hồi được trước khi bước vào vòng kora.
Bình thường, Sói em là người yếu nhất trong nhóm nên ban đầu chúng tôi chỉ định thuê một ngựa cho em. Nhưng sau khi bàn bạc, chúng tôi đã quyết định thuê hai con ngựa để mọi người trong nhóm có thể luân phiên cưỡi khi mệt. Cả ngày hôm ấy, chúng tôi chỉ lang thang quanh thị trấn để mua nốt vài thứ đồ cho chuyến leo núi như gậy, snicker, hoa quả mang theo…

Buổi sớm ở thị trấn
16719680447_e52fd7963f_b.jpg

(ảnh NL)

16927033095_33e6c61757_b.jpg


quầy bán đồ lưu niệm bên đường
16739573680_07370438ab_b.jpg


Lung ta
16632201829_023ef78dc7_b.jpg


Những khuôn mặt đáng yêu
16792442736_c70b7b21e0_b.jpg


16792443076_6c4e60d06b_b.jpg


Buổi tối, cả nhóm bắt đầu chuẩn bị đồ cho 3 ngày leo núi, xạc pin tất cả máy ảnh, điện thoại và power-bank mang theo. Toàn bộ đồ ăn (bao gồm mỳ tôm, phô mai dây, ruốc thịt, chocolate, trà gừng…), các loại thuốc, túi ngủ, áo ấm dự phòng… đều được xếp gọn vào hai balo 65L để buộc lên lưng yak, mỗi đứa chỉ mang theo một balo 24L để đựng máy ảnh, đồ ăn, bình nước nóng và các vật dụng cá nhân. Chị NL còn cẩn thận bắt mỗi đứa phải cất một lọ cao nguyên khang vào balo cá nhân để dùng khi khẩn cấp. Tất cả vali và đống hành lý còn lại đều xếp hết lên ô tô. Lúc ấy, bỗng lại sống lại cái cảm giác hồi hộp y như hôm ở nhà khi chuẩn bị pack đồ cho chuyến đi dài ngày. Với tôi, lúc này dường như mới thực sự bước vào cuộc hành trình.

Trăng mười ba đêm ấy tuyệt đẹp, vầng trăng sáng rỡ giữa bầu trời trong vắt không gợn mây. Ở đây, trên độ cao 4600 này, trăng dường như cũng to tròn hơn khi ở nhà. Lại thấy háo hức nghĩ đến đêm mai - trăng mười bốn trên đường kora. Nhớ đến lời cụ Nguyễn trong Vang bóng một thời: “Trăng mười bốn bao giờ cũng khéo hơn trăng rằm. Ngày mười bốn là ngày vừng trăng đi tới chỗ toàn thịnh. Ngắm vừng trăng rằm, người tinh ý sẽ nhận thấy cái vẻ sắp tàn của một vật gì đã mãn khai trong có một thì”

Phải, tôi vẫn mơ đến đêm trăng ấy từ lâu rồi, trăng tròn để dành cho ngày đi Kailash, lời hẹn ước đã sắp viên thành. Đêm mai, đêm mai chúng tôi sẽ được ngắm vầng trăng tròn đầy tỏa sáng trên ngọn núi thiêng ấy.

Nửa đêm, ánh trăng chiếu qua cửa sổ vào tận giữa phòng. Nằm thao thức mãi không ngủ được, bỗng thấy nhớ nhà quay quắt.

Đầu giường trăng sáng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương.
(Tĩnh dạ tứ - Lý Bạch)
 
Last edited:
Kailash kora - ngày thứ nhất

Ngày 7/9/2014

Đêm hôm trước thao thức mãi không ngủ được, đến sớm mới chập chờn ngủ được một lúc thì Samdrup đã đập cửa gọi chúng tôi dậy để chuẩn bị khởi hành. Cả nhóm nhanh chóng dậy sắp xếp đồ đạc và khoác balo rời nhà trọ. Trời vẫn còn tối mịt, chúng tôi thập thững bước theo Samdrup ra con đường mòn trước nhà trọ, bác tài cũng mang giúp một balo đô đi cùng chúng tôi vào chân núi. Còn rất sớm nhưng đã có nhiều nhóm hành hương cũng khởi hành, chủ yếu là người Tạng. Trên con đường tối mờ lúp xúp những bụi cây thấp ven đường, chỉ thấy loang loáng ánh đèn pin và rì rầm tiếng niệm chú, lách cách tiếng quay mani của người hành hương buổi sớm.

Từ thị trấn Darchen vào điểm check-in ở chân núi khoảng 7 km, đây cũng là điểm tập kết đầu tiên cho các đoàn hành hương, quãng đường này vẫn có thể đi ô tô nhưng từ hôm trước chúng tôi đã thống nhất là sẽ đi bộ. 7 km đầu tiên này cảm giác sao mà ì ạch, có lẽ vì vẫn còn ngái ngủ. Riêng tôi, cảm giác còn khó chịu hơn vì sương táp làm mũi bít tắc không thở được (đây là hậu quả của đợt viêm họng kéo dài hơn một tháng trước khi lên đường mà vẫn chưa khỏi dứt, dù đã uống thêm 5 ngày kháng sinh liều cao khi đến Lhasa). Phải mất 30 phút mới quen bước chân.

Điểm check-in trong chân núi là một cái lều dã chiến khá rộng, nhân viên PSB mặc quân phục, khoác súng và mặt lạnh tanh đứng lố nhố cả trong và ngoài lều. Trời còn chưa tỏ, chúng tôi lại một lần nữa phải xuất trình hộ chiếu và đưa balô qua máy soi. Lại một màn hỏi han loạn xị và con dao đa năng trong balo của Sói em đã không qua được cửa máy soi, cuối cùng đành phải gửi bác tài cầm về Darchen vì nhân viên PSB không cho phép mang dao đi kora. Thật là nực cười.

Hoàn tất thủ tục check-in xong thì trời cũng bắt đầu hửng sáng, cả nhóm tranh thủ ngồi nghỉ chân gặm lương khô, đợi Samdrup gọi người dắt ngựa đến và hỏi thuê bò yak chở đồ. Kết quả là không có yak trong khi chưa ai có nhu cầu cưỡi ngựa, chúng tôi đành chất tạm mấy cái balo to tướng lên lưng hai con ngựa.

Những bước chân đầu tiến vào Thành thiên đế, những sắc núi mang khuôn mặt thời gian.

16696258758_f9286df061_b.jpg


16647183420_ddddcd8a40_b.jpg

(ảnh NL)

Gần tới chorten đầu tiên ở Taboche, trời đầy mây nên chúng tôi đã không thể nhìn thấy Kailash (vốn nằm ở góc phải phía trên của ảnh)

16739455458_9edcf047de_b.jpg

(ảnh NL)

16901199216_b35b84a015_b.jpg

(ảnh NL)

Nếu lúc ấy trời nắng, ở góc đó chúng tôi đã có thể thấy được Kailash như thế này

19723254030_540dc59802_z.jpg

(ảnh sưu tầm)
 
Last edited:
Tarboche

Chorten đầu tiên ở Tarboche, hướng quay về phía thị trấn Darchen:

16719815847_6991afea72_b.jpg

(ảnh NL)

Tương truyền, đây là nơi đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thuyết pháp cho 500 vị Bồ Tát và A La Hán. Theo truyền thuyết, đây cũng là nơi chôn cất thi hài 84 vị đại Lạt Ma học trò của tổ sư Liên Hoa Sinh. Tarboche là một trong năm điểm quan trọng trên đường hành hương Kailash kora. Theo quan niệm của Mật Tông Tây Tạng, vòng Kailash kora có 4 ngôi chùa theo nằm theo phương vị của Mandala Ngũ Trí Như Lai: (1) Tarboche nằm ở phương vị của Diệu Quán Sát Trí - Bảo Sinh Như Lai, (2) Dirapuk nằm ở phương vị của Bình Đẳng Tánh Trí - A Di Đà Phật, (3) Zutupuk nằm ở phương vị của Thành Sở Tác Trí - Bất Không Thành Tựu Như Lai và (4) Seralung nằm ở phương vị của Đại Viên Cảnh Trí - A Súc Như Lai. (Seralung chính là ngôi chùa nằm ở ngay cửa ngõ vào Kailash, trên đường đi Inner Kora, nơi khách hành hương bị cấm vào trong năm con ngựa 2014). Còn ngôi chùa thứ 5 ở trung ương đàn tràng Mandala Ngũ Trí Như Lai chính là đỉnh Kailash - bàn thờ linh thiêng, nơi tôn thờ Pháp Thân Phật Tỳ Lô Gia Na, là núi Tudi trong Phật giáo.

Đứng từ đây hướng về phía Kailash, đã thấy cả không gian ngập chìm trong lung ta ngũ sắc. Đây chính là nơi diễn ra lễ Saga Dawa - ngày lễ quan trọng nhất của Mật tông Tây Tạng. Lễ hội này thường rơi vào ngày trăng tròn tháng tư theo lịch Tạng - là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đạt giác ngộ và nhập Niết Bàn. Trong ngày lễ thiêng liêng này, người Tạng thay cột phướn cũ bằng cột phướn mới trong một nghi lễ long trọng do các vị Lạt ma chủ trì và rất đông người hành hương tham dự. Cột phướn mới dựng nếu thẳng đứng sẽ là điềm lành cho một năm no ấm, mùa màng bội thu.

16198433253_7e7c9d1259_b.jpg


Phước lành từ kinh Phật trên lungta theo gió trải khắp không gian. Những người Tạng hành hương đến đây đều thực hiện nghi thức đi kora quanh cột phướn cầu nguyện này.
16599891227_aa303e6457_b.jpg


16300127851_0a644888d1_b.jpg

(ảnh NL)

Bầu trời phía trước chúng tôi vẫn đầy mây xám che mờ cả ngọn núi thiêng, nhưng ngoảnh lại, phía thị trấn Darchen chan hòa trong một ngày nắng đẹp

16806050991_4ccd9e8c90_b.jpg



16781298776_994841b50b_b.jpg
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,133
Bài viết
1,173,915
Members
191,955
Latest member
creationinfoways
Back
Top