What's new

[Chia sẻ] Kailash mùa thu 2014

Tháng Mười Hai, những ngày cuối cùng của tháng cuối năm, nhìn cuốn lịch mỏng dần chợt thảng thốt nhận ra một năm sao mải miết trôi nhanh đến thế. Trong giá rét của mùa đông Hà Nội, đếm những tờ lịch còn lại mà thấy da diết nhớ về những ngày kora rực rỡ giữa mùa thu tràn nắng và lòng vẫn day dứt về một lời hứa chưa thực hiện, lời hứa chia sẻ về một chuyến đi chưa từng kể lại - Kailash mùa thu 2014.

Kailash - chuyến hành hương ấp ủ hơn 3 năm của những kẻ đã từng một lần đặt chân đến Tibet và đã nặng lòng với vùng đất của chư thiên ấy.

Chuyến đi này, tôi kể lại đây như một lời tri ân với diễn đàn phượt, nơi tôi đã từng nhận biết bao thông tin quý giá không chỉ về Tibet và Kailash.

Chuyến đi này, tôi kể lại đây như một món quà dành cho người bạn đã từng đi Kailash, dù mới quen nhưng đã sẵn lòng tặng tôi những viên thuốc pháp quý báu của vị đại sư Nepal, những viên thuốc đã tiếp cho tôi thêm động lực trên đường hành hương.

Chuyến đi này, chuyến đi của đời người, đã thành một dấu ấn trong đời mà tôi chắc sẽ chẳng bao giờ quên được, tôi kể lại đây vào những ngày sắp khép lại một năm, cũng là để chuẩn bị cho cuốn nhật ký của những chuyến đi mới đang chờ đợi tôi phía trước.

Kailash mùa thu 2014.
 
Cổ Cách – nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Buổi chiều bao giờ cũng khơi gợi nhiều cảm xúc, những nhớ nhung, tiếc nuối và cả những dự cảm lo lắng vô cớ. Chiều thu ấy, nắng nhuộm vàng trên cảnh cũ điêu tàn như ánh hồi quang của một giấc mơ hư ảo đã thuộc về quá vãng.
16631861779_3317108398_z.jpg


Đứng giữa những phế tích của một triều đại đã từng huy hoàng, lòng như đã lạc lối giữa những thành quách cũ.
16792111616_14d2cf5395_z.jpg


Bỗng nhớ chiều nào lang thang ở Rome, từ Palatine Hill sang Roman forum rồi sang Colosseo, ngơ ngẩn giữa những đền đài La Mã đổ nát từ ngàn năm trước. Chiều nay, ở đây, cũng vẫn bầu trời xanh vời vợi như chiều hôm ấy, vẫn nắng quện với bụi vàng cuốn dưới bước chân, vẫn những tàn tích của một đế chế oai hùng trong quá khứ.
16842835118_6d188df874_z.jpg

(ảnh NL)

Biểu tượng của đức tin vẫn hiển hiện ở cả những góc đổ nát vô danh.
16816901911_7022c776be_z.jpg



16198041553_daf4d2d8d4_z.jpg


Có chiều nào như chiều nay...
 
Cổ Cách – nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Cả buổi chiều vắng lặng, chỉ có 5 đứa chúng tôi lang thang giữa những tàn tích này. Ngắm mãi không chán cái màu vàng của hoàng thổ phía xa xa.
16263609073_07cea7ddab_z.jpg


16195633304_b88a9b6993_z.jpg


16307692343_2fd795b538_b.jpg

(ảnh La)

16926758751_431c1c00fc_b.jpg

(ảnh La)

16696023018_84de86b10d_z.jpg


IMAG5519_zpse2kuolgs.jpg


Khi chúng tôi bắt đầu đi xuống đến tầng dưới cũng là lúc một đoàn khách Tàu kẻ cười người nói ồn ầo, miệng chóp chép nhai kẹo cao su, vác theo lỉnh kỉnh những đồ đạc và chân máy ảnh bắt đầu leo lên. Thật may là chúng tôi đã không gặp họ ở trên kia, thật may là cả buổi chiều trên ấy với nắng, với gió, với lungta và bầu trời xanh vời vợi của 5 anh em chúng tôi đã không bị phá hỏng bởi đám người ồn ào, đi đến đâu cũng chen vai thích cách chụp ảnh ấy.

16696187300_fcdab1566f_z.jpg

(ảnh NL)

Chúng tôi lặng lẽ ra bãi xe để trở về thị trấn Zanda, những dấu tích còn lại của kinh thành xưa đã bỏ lại sau lưng cùng với đám bụi vàng cuốn theo mỗi bước chân. Bất giác, tôi ngoảnh đầu nhìn lại, chớp mắt, dưới ánh nắng chiều thu vàng màu hoài cổ, cả kinh thành sừng sững bỗng hiện lên chói sáng như một cơn mộng. Trong một tích tắc những hình ảnh hội hè tưng bừng, những màu sắc áo quần rực rỡ, những phiên chợ mua bán tơ lụa, cùng tiếng thanh la, tiếng vó ngựa, cả tiếng tụng kinh âm vang bay qua mái Phật điện… bỗng thoáng qua trước mắt và vẳng bên tai như cái vệt sáng hư ảo lướt qua những bức bích họa màu đỏ trầm ấm trong tu viện trên kia, tất cả vụt hiện lên rồi lại vụt biến mất như một giấc mơ đau đáu đã thuộc về một nơi rất xa, rất xa.

17030591185_294d2ffdd8_z.jpg

(ảnh NL)

Lòng ta là những hàng thành quách cũ
Tự ngàn năm bỗng vắng tiếng loa xưa.
(thơ Vũ Đình Liên)
IMAG5457_zpslrpdt0li.jpg
 
Last edited by a moderator:
Zanda county

Thời gian có hạn nên chúng tôi cũng không kịp đi thăm “động xác khô” Mummy cave trong quần thể tàn tích Tsaparang nữa mà về thẳng thị trấn để thăm tu viện Tholing. Từ thành Cổ Cách, đi thêm 20km nữa về đến Zanda county, không còn cái màu vàng bất tận của rừng đất sét nữa, mắt như dịu đi khi nhìn thấy những hàng bạch dương xanh, dòng Tượng Tuyền chảy dọc qua đây đã đem lại màu xanh cây cối cho thị trấn giữa miền gió cát này. Chỉ là một chấm nhỏ xíu ở cực tây của khu tự trị, Zanda được lập ra có lẽ chủ yếu vì mục đích phòng thủ. Thị trấn bé xíu có vài dãy phố, xen kẽ giữa nhà dân là những doanh trại và chốt gác, đi dạo một vòng chưa kịp mỏi chân đã hết.

16409602154_1653c0bd1d_z.jpg


16824566517_48b339a8d8_z.jpg


Samdrup đưa chúng tôi về nhà trọ để nhận phòng và đặt ăn tối trước khi sang thăm tu viện Tholing (Thác Lâm tự).
Nhân nói đến chuyện ăn uống, kể từ nơi này, khi phát hiện ra nhà trọ có món dưa cải muối chua tương tự như món dưa muối ở nhà, Sói em đã yêu cầu món canh miến nấu dưa chua. Và cả khi về đến Darchen, mấy ngày liền chúng tôi đều gọi món này, rất đơn giản, dễ làm, lại ngon miệng, chỉ cần ăn với ruốc thịt là cũng đủ đưa cơm. Hầu hết các quán ăn ở Tây Tạng đều chỉ có món Tàu hoặc đồ ăn Tạng, rất nhiều dầu mỡ và ớt cay. Việc gọi món cũng khá khó vì dù đã mô tả rất kỹ nhưng vẫn không đúng yêu cầu, kể cả khi bạn gọi rau luộc và đã dặn không cho mỡ nhưng theo thói quen, đầu bếp vẫn cứ “chan” mỡ vào. Lần đi Tibet trước, tôi và Sói em đã phải vào tận bếp chỉ để yêu cầu đầu bếp không tưới mỡ vào rau và lấy ra được bát nước rau luộc không váng mỡ trong cái nhìn tò mò của mấy anh bếp tàu.

Đây, nơi chúng tôi trọ ở Zanda county - Touding Monastery Hotel and Restaurant, cách Tu viện Tholing có vài bước chân.

16649655119_afecb1df6b_b.jpg

(ảnh La)

16610709987_65b13dce16_b.jpg

(ảnh La)

17174318476_50383d0a22_b.jpg

(ảnh La)

Ở vùng đất hơn 300 ngày nắng trong một năm, năng lượng mặt trời sẽ được tận dụng như thế này

16740243790_547f495d57_b.jpg


Chiều biên viễn, nắng đổ bóng những hàng dương trên con phố vắng vẻ, tự nhiên cứ khơi gợi nỗi buồn xa xứ

16888377979_4b6e4d8b9e_b.jpg

(ảnh NL)
 
Last edited by a moderator:
Tu viện Tholing

Từ nhà trọ của chúng tôi, đi vài bước chân, sang bên kia trục đường chính của thị trấn là đã tới Tholing - tu viện nổi tiếng ở miền viễn tây đầy gió cát Zanda này.

Nằm ở trung tâm thị trấn với độ cao 3800m, hẳn vì thế tu viện được đặt tên “Tholing” - trong tiếng Tạng có nghĩa là “bay cao trên bầu trời mãi mãi”. Tu viện này được Cổ Cách vương đời thứ hai Y Tây Ốc Bá (Yeshes’ Od) cho xây dựng vào năm 997. Tholing là tu viện đầu tiên được xây dựng ở Tây Tạng vào thời kỳ đầu của làn sóng truyền bá Phật giáo lần thứ hai vào đất Tạng, còn gọi là thời kỳ Phật giáo Hậu truyền.

Như tôi đã kể, Cổ Cách vương đời thứ 2 Y Tây Ốc Bá rất sùng bái Phật pháp, ông đã từng cử 21 vị sư trẻ sang Ấn Độ tu học. Thời bấy giờ, vì đường xá xa xôi, điều kiện khí hậu cực kỳ khắc nghiệt nên trong 21 vị sư được cử đi tu học, chỉ có 2 người sống sót trở về là Richen Zangpo và Lekpai Sherap. Rinchen Zangpo - người sau này được coi là vị Đại dịch sư vĩ đại trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng - chính là người đã xây dựng ba trong số 4 tòa Phật điện chính hiện còn lại ở ở tu viện Tholing.

Năm 1042, Cổ Cách vương Y Tây Ốc bá đã mời đại sư người Bengal A-đề-sa sang Tây Tạng. Đại sư A-đề-sa đã ở lại tu viện này 3 năm để giảng dạy Phật pháp. Kể từ đó, Phật giáo lại hồi sinh và được truyền bá khắp Tây Tạng. Tholing, vì thế mà đã trở thành trung tâm Phật giáo tại Tây Tạng bấy giờ. Và sau này, mặc dù vương triều Cổ Cách bị sụp đổ thì Tholing vẫn giữ vị trí quan trọng trên đất Tạng.

Kiến trúc ban đầu của Tholing, cũng giống như Tang Diên (Samye) - ngôi tự viện độ tăng đầu tiên được xây dựng năm 775 ở Tây Tạng trong thời kỳ Phật giáo Tiền truyền, là sự kết hợp của trường phái kiến trúc Tây Tạng với Ấn Độ và Nepal. Tương truyền, giai đoạn cuối thế kỷ thứ 10 - đầu thế kỷ thứ 11, rất nhiều thợ thủ công giỏi từ khắp Tây Tạng, Nepal và Ladakh đã đến đây, làm việc chăm chỉ không quản ngày đêm để xây dựng tu viện, sáng tạo nên một tổ hợp kiến trúc với hệ thống tượng Phật cùng bích họa mang dấu ấn hòa trộn của 3 phong cách Ấn - Tạng - Nepal. Ở thời kỳ đỉnh cao, tu viện Tholing là một quần thể kiến trúc rất tráng lệ với nhiều Phật điện lớn như Điện Jiasha, Bạch Điện, Xích Điện, Điện mười tám vị A La Hán, Điện Hộ Pháp, Điện Yeshes’ Od, Điện Rinchen Zangpo…cùng với các khu nhà tăng và một quần thể các tháp thờ.

Bức vẽ này chúng tôi chụp ở Điện Yeshes’ Od, nó mô tả lại cảnh tu viện Tholing thời kỳ vàng son, có tới 11 Phật điện và 5 bảo tháp trong khuôn viên tu viện và những buổi giảng pháp cùng các hoạt động lễ hội diễn ra nhộn nhịp cả trong và xung quanh tu viện.

16466641763_bbfce6d388_b.jpg

(ảnh NL)

Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa (1967-1977), Tholing đã chịu chung số phận với hàng ngàn tu viện và công trình tôn giáo khác trên đất Tạng: bị Hồng vệ binh hủy hoại và cướp phá. Nghe nói thời đó, có đến 60 chuyến xe tải đã chở toàn bộ các đồ thờ bằng đồng và đồ trang trí bằng kim loại đi khỏi Tholing. May mắn thay, các Phật điện chính của tu viện, vì được dùng làm kho để thóc lúa trong thời Cách mạng Văn hóa, nên vẫn giữ được hệ thống bích họa độc đáo và sống động cho đến ngày hôm nay.

Còn đây là sơ đồ tu viện Tholing ngày nay, quần thể tu viện bao gồm 4 tòa chính là (1) Điện Yeshes’ Od (Mandala Temple), (2) Dukhang (Xích Điện), (3) Lhakhang Karpo (Bạch Điện) và (4) Serkhang, chỉ còn lại 4 Phật điện so với con số 11 Phật điện tráng lệ của thời kỳ vàng son.

17156746321_51b4d88125_z.jpg
 
Last edited by a moderator:
Hành hương Kailash có lẽ chưa bao giờ hết thử thách lòng người.

Mới sáng nay, một nhóm 8 bạn Việt Nam đã khởi hành từ Hà Nội, quá cảnh qua Quảng Châu và sớm mai sẽ bay đi Lhasa cho một hành trình hành hương đến ngọn núi thiêng ấy. Các bạn cũng có lịch trình tương tự nhóm chúng tôi hồi tháng 9/2014: Hà Nội – Lhasa – Kailash – Zangmu – Kathmandu – Hà Nội.

Vậy mà…

Trưa nay, một trận động đất 7,9 độ Richter đã làm rung chuyển thủ đô của Nepal, tin tức cập nhật con số thương vong tăng từng giờ thật không khỏi làm ta đau lòng. Thành phố hiền hòa trong lòng thung lũng Kathmandu ấy không hiểu giờ như thế nào, thấy thắt lòng khi nhớ tới những ngày lang thang ở khu Thamel và quảng trường Durban lúc vừa mới từ phía tây Tây Tạng trở về. Hồi ấy, một trận lở đất do hậu quả của lũ quét cũng đã vùi lấp và cuốn trôi nhiều đoạn trên con đường từ Kodari khiến chúng tôi phải leo bộ mất hơn 4 tiếng đồng hồ trước khi bắt xe để tăng bo về Kathmandu.

Năm nay, thiên nhiên lại tiếp tục nổi giận, trút họa xuống vùng Himalaya này. Không chỉ tàn phá Nepal, trận động đất còn ảnh hưởng đến cả Sikkim và Tây Tạng. Theo cập nhật mới nhất của bạn guide Samdrup và các trang lữ hành Tibet, dư chấn của động đất có thể cảm nhận thấy rõ cả ở Shigatse, Old Tingri và Nyalam. Có đến 70% số nhà cửa ở Nyalam – thành phố vùng biên của Tây Tạng giáp với Nepal đã sập đổ, đường bộ từ Tây Tạng sang Nepal đã hoàn toàn bị cắt đứt vì lở đá; chưa thấy cập nhật về ảnh hưởng của động đất tới khu vực Ngari.

Chặng đường các bạn đi những ngày tiếp theo chắc chắn sẽ còn nhiều chông gai phía trước, thậm chí có thể phải thay đổi cả lịch trình nếu không thể rời Tây Tạng qua đường Nepal trong khi thời hạn visa chỉ có 15 ngày.

Lòng thầm cầu nguyện cho Kathmandu, cho Sikkim, Nyalam và mong cho các bạn chân cứng đá mềm, vượt qua mọi thử thách để hành hương thành tựu!
 
Lòng quặn thắt khi đọc và nhìn những hình ảnh về Kathmandu, cầu cho mọi người sớm qua cơn đại nạn này.
2 nhóm đi Tibet dịp này đã gặp nhau, 1 nhóm SG phải rời lịch trình vì Namtso bão tuyết lớn, đoàn SG sẽ đi Tsedang , sau đó sẽ đi EBC…
Cầu cho tất cả 2 nhóm đi đều gặp may mắn, chân cứng đá mềm.
Góp 1 lời cầu nguyện nữa cho Nepal, đất nước mà tôi yêu mến qua được nạn này.
 
Tu viện Tholing

Khách viếng thăm Tholing chiều hôm ấy chỉ có mỗi nhóm chúng tôi. Tu viện trong chiều muộn vắng hoe, gió bình yên thổi những hàng bạch dương rì rào quanh bờ tường đỏ thẫm.

16198142463_dd991bbdae_z.jpg


Ở vùng đất đầy nắng cháy cùng gió và cát này, cây cối dường như vẫn có một sức sống mãnh liệt. Hướng dương và hoa bướm vẫn khoe sắc rực rỡ trong trong sân điện Serkhang.

16198156353_e8d6642848_z.jpg



16835680905_35d11616d2_b.jpg

(ảnh La)

Tòa Xích điện đỏ rực trong nắng chiều
16198153643_7a0069d596_z.jpg


Trong 4 Phật điện của Tholing ngày nay, chỉ có Bạch điện là vẫn giữ nguyên dáng vẻ kiến trúc ban đầu (các tòa điện khác đều đã được trùng tu lại trong những năm 1980). Đây, tòa Bạch điện ngay đối diện cổng vào của tu viện

16883763885_d808d1e61a_z.jpg

(ảnh NL)

Phải đợi Samdrup đi gọi người mở cửa, chúng tôi mới có thể vào thăm bên trong các Phật điện. Cũng như ở Tsaparang, các Phật điện ở Tholing đều trưng biển “no picture” và có camera nên chúng tôi không chụp ảnh phía bên trong. Mặc dù những bức tượng Phật, Bồ Tát và Tara trong Bạch điện đã bị phá hủy thời Cách mạng văn hóa nhưng hệ thống bích họa hầu như còn nguyên bởi Phật điện này đã từng bị trưng dụng làm kho chứa lương thực trong những năm đen tối ấy. Ngay ở cửa vào, Samdrup đã chỉ cho chúng tôi thấy hình tượng mandala Kalachakra trên mảng tường giáp với trần. Bước vào bên trong Bạch điện, chúng tôi lại một lần nữa ngỡ ngàng trước những bức tranh tường sống động mang phong cách hòa trộn của nghệ thuật Tây Tạng và Ấn Độ. Trong cái ánh sáng mờ ảo giống như ở tu viện tại Tsaparang chiều nay, vẫn có thể nhìn rõ những mảng màu xanh rêu và đỏ thẫm đặc trưng của nghệ thuật bích họa Tây Tạng. Ngoại trừ một số chỗ sơn đã bong vì tường nứt, những đường nét của tranh vẫn hiện rõ mềm mại và đầy mỹ cảm.

17379326205_1a5e20bf16_z.jpg

(ảnh sưu tầm)

17160617097_cf12d2cfa9.jpg

(ảnh sưu tầm)

17180759580_a8e1b9f8bb.jpg

(ảnh sưu tầm)

Tượng Tara, sau khi bị Hồng vệ binh đập vỡ để tìm vàng, nay chỉ còn lại một cánh tay dập gẫy trên bệ thờ và đường viền trang trí tỉ mỉ sau thân tượng. Tuy nhiên, hình tượng các vị Bồ Tát trên mảng tường phía sau thì vẫn còn nguyên những màu sắc đậm đà và ấm áp.

17181708409_23174a39fb_b.jpg

(ảnh sưu tầm)
 
Last edited by a moderator:
Điện Yeshe’s Od

Nổi bật nhất trong số những Phật điện còn tồn tại đến ngày nay của Tholing là điện Yeshe’s Od, được xây dựng để thờ năm vị trong Ngũ phương Phật của Đại thừa Mật Tông.
Điện Yeshe’s Od còn được gọi là Mandala Temple bởi kiến trúc đặc biệt của nó. Bức họa này chúng tôi chụp ở ngay lối vào cửa điện, nhìn vào đó, có thể nhận ra ngay tòa điện mang hình dáng của một đàn tràng mandala lớn với bốn góc cân xứng.

16770871413_1692f90f8a_b.jpg


Ở những góc ngoài của điện Yeshe’s Od là bốn tháp thờ cao vút màu đỏ thẫm tượng trưng cho núi Tudi (mount Meru). Kiến trúc của tòa điện là một sự hợp nhất hài hòa của phong cách Tây Tạng, Kashmir và Newari. Tuy nhiên, toàn bộ phần phía ngoài của điện hiện nay là phần được xây dựng lại sau khi bị Hồng vệ binh phá hủy trong thời kỳ Cách Mạng văn hóa.
Rất tiếc, chúng tôi không có bức ảnh nào chụp toàn cảnh điện Yeshe’s O. Đây là một bức ảnh sưu tầm trên mạng, mặt trước của tòa điện

17397085242_aa6c7d8a3d_z.jpg

(ảnh sưu tầm)

Trong số những di tích ở Tsaparang và tu viện Tholing chúng tôi đã đến thăm, không có nơi nào mà dấu tích của sự hủy diệt lại rõ ràng và hiển hiện như ở tòa điện kiến trúc hoành tráng này. Bước vào gian đầu tiên của Phật điện, chúng tôi đã thấy la liệt những mảnh còn sót lại của tượng Phật và Bồ Tát ngày xưa, những hình đầu Phật, cẳng tay và bàn chân dập nát xếp thành đống ở mỗi góc, một số hình nguyên vẹn hơn thì được bày trong những tủ kính nhỏ. Đây chỉ là những gì còn lại trong số những bức tượng, phù điêu và đồ thờ sau khi hơn 60 chuyến xe tải chở những bảo vật đã vơ vét của tu viện này ra đi mãi mãi vào cuối những năm 1960. Trong tòa điện, tranh tường cũng bị hư hại nhiều, toàn bộ số kinh sách nghe nói đã bị Hồng vệ binh thiêu sạch trong gần 10 năm của cuộc Cách mạng hủy diệt ấy.
Từ Phật điện đầu tiên, bước vào gian chính điện mới thấy hết quy mô của điện Yeshe’s Od. Trong chính điện cao và rộng ấy, ở chính giữa là gian thờ Phật Đại Nhật Như Lai (Vairocana) - Pháp chủ của Đại thừa Mật Tông - vị Phật trung tâm của đàn tràng Mandala. Bốn góc cân xứng ở xung quanh của Mandala này chính là gian thờ các vị còn lại trong ngũ phương Phật: Phật Bất Động Như Lai (Akshobhya) ở phía đông, Phật A Di Đà (Amitabha) ở phía Tây, Phật Bất Không Thành Tựu (Amoghasiddhi) ở phía bắc và Phật Bảo Sinh (Ratnasambhava) ở phía nam.

Nhìn lên vòm trần cao và đường viền phía sau thân tượng đã bị đập nát, mới thấy tầm vóc của những bức tượng Phật và Bồ Tát trước kia, hẳn phải cao đến hơn 3 mét và được trang trí rực rỡ lắm. Vậy mà, hình ảnh Ngũ Phương Phật cao lớn màu sắc sống động ngày xưa, nay chỉ còn là những hình hài này.

17342879366_e124dec5d9_b.jpg

(ảnh sưu tầm)

17203073648_4670fa2841_zpsc4zqth6t.jpg

(ảnh sưu tầm)

17203074188_f42d3f9f5c.jpg%20nh%20su%20tm_zpsy55fdk03.jpg

(ảnh sưu tầm)

Nơi thờ Phật A Di Đà, pho tượng ngày trước đã được thay thế bằng một bức tranh nhỏ treo trên tường

17342885826_3ed051035c_b.jpg

(ảnh sưu tầm)

Không còn tượng và bích họa, không còn những hàng giá đồ sộ chứa kinh sách, không ánh nến mỡ bò lung linh, Phật điện nguy nga ngày xưa giờ thật ảm đạm và thiếu sinh khí, cái vỏ ngoài hoành tráng của tòa điện ấy giờ đây có khác nào cái xác rỗng không hồn. Thật xót xa cho môt công trình tôn giáo tiêu biểu của phong cách Phật giáo vùng tây Tây Tạng, nơi đánh dấu sự phục hưng của Phật giáo Tạng truyền thời kỳ thứ hai.
 
Last edited by a moderator:
Điện Yeshe’s Od

Sư thầy trông coi điện Yeshe’s Od là người cởi mở hiếm thấy, chính ông là người đã chỉ bức tranh để ở góc hành lang khuất chỗ cửa điện cho chúng tôi chụp ảnh. Vào trong điện, ông lại dắt chúng tôi đi một vòng theo chiều kim đồng hồ qua từng gian thờ các vị trong Ngũ phương Phật. Ông còn chỉ cho chúng tôi thấy dấu vết của những đường viền trang trí phía sau thân tượng lên đến gần sát trần, có lẽ muốn nói những pho tượng ban đầu hẳn phải cao lớn và uy nghiêm lắm.

Ảnh chụp với sư thầy trông coi Điện Yeshe’s Od
16882784861_dccec3a7cb_z.jpg

(ảnh NL)

Thăm hết các gian Phật điện phía trong Madala Temple, chúng tôi bắt đầu đi một vòng kora bên hành lang phía ngoài được bao bọc bởi bức tường đỏ có bốn bảo tháp tượng trưng cho núi Tudi. Vừa đi, tôi và Sói em vừa la cà dừng lại ngó nghiêng và chụp ảnh. Nắng chiều mê mải dát vàng trên đỉnh những ngọn tháp ở bốn góc tường. Mùa này, bạch dương bắt đầu đổ lá, những đám lá bạch dương rụng vàng dưới bước chân chúng tôi qua. Khi hai đứa còn đang mải đứng chụp lá vàng thì anh T cùng chị NL với La đã quay lại và bảo cửa vào Phật điện phía này đóng rồi, đường cụt nên phải quay lại cửa xuất phát. Hai đứa vẫn bảo nhau cứ đi hết vòng kora đã, xem cuối con đường thế nào. Chẳng hiểu sao tôi vẫn cứ nghĩ đi đến hết con đường thì cánh cửa sẽ mở ra. Và, thật kỳ lạ, đến hết đoạn hành lang ấy, đang ngẩng đầu ngắm nốt ngọn tháp vàng rực mà chưa muốn quay lại thì nghe thấy tiếng lạch cạch then khóa, cánh cửa đã mở rộng và sư thầy đang đứng đó, trong bộ áo đỏ thẫm mỉm cười hồn hậu. Vậy là một vòng kora đã giáp, chúng tôi lại bước vào gian Phật điện ban đầu, còn sư thầy thong thả trở lại ghế ngồi tụng kinh. Phía đầu xuất phát kia, 3 bạn tôi đang í ới gọi cửa, nhưng cửa đã khóa và các bạn phải quay lại phía này theo đúng đường đi kora.

16198143733_5bea84b94c_z.jpg


Đây, chính là cái lối này, đi thêm vài bước tưởng thành đường cụt, thì đột ngột sư thầy mở cánh cửa vẫn chờ, thế là chúng tôi được đi trọn một vòng kora
16816992951_70b6116c7a_z.jpg


Chiếc lá bạch dương ở điện Yeshe's Od, giờ đang được ép trong cuốn Lonely Planet của tôi, đúng ở trang giới thiệu về tu viện Tholing
17316859422_5e01eb5814_z.jpg

(ảnh Sói em)

Xoay nốt những vòng chuyển luân chung trước khi rời tu viện
16648211298_7b01d88e3f_b.jpg

(ảnh La)

Sau này đọc thêm tài liệu tôi mới biết Tholing nằm ở giữa một hẻm núi của thổ lâm Zanda, vì thế bức tường màu đỏ của tu viện đứng sừng sững trên bờ sông tương phản với màu vàng của vách núi tạo thành một cảnh quan tuyệt đẹp. Ở đoạn này của thung lũng sông Tượng Tuyền, vẫn còn tàn tích hàng trăm ngôi tháp của Tholing, tạo thành một vành đai dài dọc sông, là nơi rất ngoạn mục để ngắm bình minh và hoàng hôn trong thung lũng. Thật tiếc là chúng tôi đã bỏ qua mất cảnh này:
17405765215_4226d55b0f.jpg

(ảnh sưu tầm)

17403789402_e434d6f1b3.jpg

(ảnh sưu tầm)
 
Last edited by a moderator:
Tháp Yeshe's Od

Rời tu viện Tholing khi nắng chiều đã nhạt, anh T cùng chị NL và La về nhà trọ trước. Còn tôi và Sói em, hai đứa lững thững đi bộ sang tháp Yeshe’s Od ở cuối phố, phía bên ngoài khuôn viên tu viện. Đây là tháp thờ to nhất còn lại của Tholing, được đại dịch sư Rinchen Zangpo xây dựng để tưởng nhớ công lao phục hưng Phật giáo Tây Tạng của Cổ Cách vương đời thứ hai Yeshe's Od.

17074580442_bbba3a65a1_z.jpg


Từ phía xa đã thấy màu đỏ của ngọn tháp nổi bật trên nền trời xanh. Nhưng cảnh quan xung quanh lại dường như đối lập với cái vẻ cổ kính. Dưới chân ngọn tháp cao giờ đã biến thành vườn hoa và sân chơi cho trẻ con. Chiều muộn, chỉ còn một đám trẻ đang í ới đuổi nhau phía ngoài hàng rào sắt bao quanh tháp. Chúng tôi lại gần chân tháp, ngắm những chồng đá khắc câu lục tự chân ngôn xếp la liệt.

17050097496_b3287794ff_b.jpg


16888511180_2d3e11c2b9_z.jpg


17050100186_ee0caeaaae_z.jpg


Hàng chuyển luân chung ở mặt phía bắc của tháp
16792192136_df344cc9b3_z.jpg


Ngọn tháp có cấu tạo 4 mặt với hình bậc thang, đặc biệt các chi tiết trang trí hình người phía gần đỉnh tháp mang phong cách Ấn Độ, đậm màu sắc của Bà La môn giáo.

17110775477_64197ccd60_z.jpg

(ảnh Sói em)
 
Last edited by a moderator:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,340
Latest member
xjjrc
Back
Top