What's new

[Chia sẻ] Kailash mùa thu 2014

Tháng Mười Hai, những ngày cuối cùng của tháng cuối năm, nhìn cuốn lịch mỏng dần chợt thảng thốt nhận ra một năm sao mải miết trôi nhanh đến thế. Trong giá rét của mùa đông Hà Nội, đếm những tờ lịch còn lại mà thấy da diết nhớ về những ngày kora rực rỡ giữa mùa thu tràn nắng và lòng vẫn day dứt về một lời hứa chưa thực hiện, lời hứa chia sẻ về một chuyến đi chưa từng kể lại - Kailash mùa thu 2014.

Kailash - chuyến hành hương ấp ủ hơn 3 năm của những kẻ đã từng một lần đặt chân đến Tibet và đã nặng lòng với vùng đất của chư thiên ấy.

Chuyến đi này, tôi kể lại đây như một lời tri ân với diễn đàn phượt, nơi tôi đã từng nhận biết bao thông tin quý giá không chỉ về Tibet và Kailash.

Chuyến đi này, tôi kể lại đây như một món quà dành cho người bạn đã từng đi Kailash, dù mới quen nhưng đã sẵn lòng tặng tôi những viên thuốc pháp quý báu của vị đại sư Nepal, những viên thuốc đã tiếp cho tôi thêm động lực trên đường hành hương.

Chuyến đi này, chuyến đi của đời người, đã thành một dấu ấn trong đời mà tôi chắc sẽ chẳng bao giờ quên được, tôi kể lại đây vào những ngày sắp khép lại một năm, cũng là để chuẩn bị cho cuốn nhật ký của những chuyến đi mới đang chờ đợi tôi phía trước.

Kailash mùa thu 2014.
 
Lhasa ngày trở lại

Trở lại Lhasa lần này, chúng tôi chỉ có hai ngày ngắn ngủi cho chặng dừng chân nơi đây. Lhakpa ra tận sân bay đón chúng tôi, vẫn nụ cười hồn hậu, vẫn những tấm khăn khata trắng choàng lên vai chúng tôi thay cho lời chào đón nồng nhiệt của người Tạng. Đáp lại lời cảm ơn của tôi về Kailash permit, ông chỉ bảo đó là một câu chuyện dài, nhưng tao không muốn nhắc lại làm gì, quan trọng là chúng mày đã ở đây và mọi thứ đã sẵn sàng cho chuyến hành hương.

Lhakpa vẫn bố trí cho chúng tôi ở khách sạn Tibet Gongkar, chỉ cách vài con ngõ là ra đến Jokhang và quảng trường Bakhor. Trở lại chốn xưa, cái khách sạn hai tầng nhỏ xinh sạch sẽ với mảnh vườn rực rỡ hoa nắng, cảm giác trở về căn phòng cũ sơn đỏ nơi mình đã từng ở 3 năm trước sao mà ấm áp. Tôi tự nhủ, hãy biết trân quý từng giây phút trên mảnh đất này, dù trong đời tôi, tôi chắc mình sẽ còn đi Tibet nhiều lần nữa.

Thành phố thủ phủ của Tibet giờ đã thay đổi chóng mặt, nhà cao tầng đã lan dần đến sát chân núi. Chợ Bakhor sầm uất ngày xưa không còn nữa, đường ra quảng trường giờ rộng rãi hơn nhưng sự hấp dẫn đặc trưng của sinh hoạt đường phố Tạng như dường không còn khi thiếu đi những sạp hàng bán đồ lưu niệm đủ màu sắc và vắng bóng những kẻ bán người mua trả giá tấp nập. Cậu hướng dẫn viên Samdrup bảo chợ đã bị dẹp từ hồi tháng 3 năm nay, tiểu thương buôn bán bây giờ tập trung vào siêu thị trung tâm mới xây có tên Times Square. Một điểm mới nữa ở Barkhor là các chốt check-in đặt ngay tại mỗi cửa ngõ vào quảng trường. Trong 2 ngày ở Lhasa, chúng tôi đã ra vào không biết bao lần qua những cái chốt ấy, mỗi lần vào lại phải bỏ balô đưa qua máy soi, sự kiểm soát dường như ngày càng thít chặt đến ngạt thở. Đường phố có vẻ ít bóng quân cảnh Trung Quốc hơn lần trước nhưng đi giữa phố, ngẩng đầu lên nóc nhà nào cũng thấy bóng cờ đỏ rực ngạo nghễ, ngay cả trên nóc Jokhang – ngôi chùa thiêng liêng nhất toàn cõi Tây tạng, trái tim của Lhasa cũng vậy.
 
AMS - chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ

Với tất cả những ai đến Tibet nói chung, hành hương đến Kailash nói riêng, bệnh sốc độ cao - AMS (Acute Mountain Sickness) vẫn là nỗi lo thường trực. Chúng tôi cũng vậy, mặc dù trong nhóm có 3/5 người đã từng đi Tibet và lần trước chúng tôi hoàn toàn khỏe mạnh nhưng tất cả đều không thể biết trước cơ thể mình sẽ thích nghi như thế nào ở vùng đất này, đặc biệt khi hành trình lần này có 3 ngày leo núi từ độ cao 4.600m lên đến 5.680m.

Năm 2011, khi đến Lhasa, tôi và chị NL hầu như không bị phản ứng sốc độ cao, chỉ có Sói em là bị đau đầu chóng mặt mất một ngày đầu, sau đó đã dần thích nghi. Tuy nhiên, hồi đó, được bạn guide Tenzin chỉ dẫn, chúng tôi vẫn uống một thuốc uống thảo dược địa phương có tên là “Cao nguyên khang” để tăng cường tuần hoàn máu. Hành trình khi đó lên đến độ cao nhất là đèo Laken-la 5.190m, chúng tôi không hề bị sốc mặc dù liên tục nhảy nhót chụp ảnh kiểu “yomost”.

Lần này, nhờ tham khảo kinh nghiệm của nhóm chị Mèo bay, trước khi vào Lhasa 48 tiếng, chúng tôi đã dùng acetazolamide. Bản chất của loại thuốc này là ưu tiên tăng cường máu cho não và tim nên sẽ gây thiếu máu cục bộ ở chi dẫn đến tê các đầu ngón tay-chân (điều này có thể cảm nhận rõ nhất khi đi xe máy). Khi vào đến Lhasa, nhờ đã uống acetazolamide, cả nhóm đều khỏe mạnh bình thường, hầu như không có biểu hiện nào của sốc độ cao. Cẩn thận hơn, chúng tôi vẫn mua thêm “cao nguyên khang” để dùng tăng cường. Nhưng…

Đúng là mỗi lần đi là một trải nghiệm khác nhau, kinh nghiệm của lần đi trước khi áp dụng cho lần này lại hoàn toàn không có hiệu quả. Hai ngày đầu tiên ở Lhasa, có lẽ nhờ tác dụng của acetazolamide, tôi vẫn bình thường và không gặp bất cứ vấn đề gì về hô hấp. Nhưng đến ngày thứ 3, khi bắt đầu rời Lhasa, tôi đã có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, hai hốc mắt đau nhức, các bạn tôi cũng tương tự nhưng nhẹ hơn. Bản thân tôi trước khi vào Lhasa đã bị viêm họng và ho kéo dài hơn một tháng không khỏi, thậm chí vào đến Tibet rồi tôi vẫn phải uống thêm 5 ngày kháng sinh liều cao. Vì thế, khi đến tu viện Pelkhor Chode ở Gyantse, tôi đã không leo Kumbum để giữ sức. Mặc dù đã uống “Cao nguyên khang” và thậm chí mua thêm cả “Hồng cảnh thiên”, tình trạng của tôi cũng không khá hơn, thuốc có tác dụng rất nhanh nhưng chỉ hiệu quả trong thời gian ngắn nên cứ 4 tiếng lại phải uống một lần. Mới uống xong thì rất khỏe nhưng chỉ chưa đầy 4 tiếng sau là lại cơn đau lại trở về như cũ.

Ngày đi Shigatse cũng là ngày tôi mệt nhất, cộng với nỗi thất vọng vì máy ảnh hỏng, khi qua hồ Yamdok tôi đã ngồi yên trong xe mà không buồn nhấc chân xuống ngắm lại màu nước xanh ngọc lục huyền diệu, nơi chúng tôi đã từng nhảy nhót chụp ảnh tưng bừng ba năm trước. Trong nhóm, có lẽ tình trạng của tôi và Sói em là tệ nhất, ngồi trên xe ngủ mê mệt, trong những cơn chóng mặt khi hai bên thái dương đang giần giật, tôi lại thoáng lo âu nghĩ về quẻ bói, có lẽ nào…

Buổi sáng ngày thứ 4, sau khi bảo nhau uống thuốc, cả nhóm sang thăm tu viện Taishilunpo. Nhờ tác dụng của thuốc, chúng tôi đã tận hưởng được một buổi sáng nắng đẹp và mê mải lạc lối giữa những con ngách nhỏ trong tu viện của Ban Thiền Lạt Ma. Lúc rời Taishilunpo đi ăn trưa cũng là lúc thuốc hết tác dụng, tôi mệt mỏi ngồi gục bên bàn ăn mà không hề biết chỉ đi sau tôi mấy bước, Sói em đã suýt ngất khi vừa xuống xe.

Buổi chiều hôm ấy có lẽ là buổi chiều ảm đạm nhất trong hành trình 14 ngày. Mưa, mưa và mưa suốt dọc đường đi, cộng với nỗi lo về tình trạng sức khỏe, tinh thần chúng tôi đã xuống dốc bởi khi đến Ngamring thì xe hỏng. Tình hình là xe sẽ không thể đi tiếp chặng đường dài những ngày tới nếu không thay thế phụ tùng. Tìm chỗ nghỉ cho 5 anh em chúng tôi xong, Samdrup và bác tài hối hả quay trở lại cái gara nghèo nàn bên đường vào thị trấn. Thật không may, phụ tùng thay thế không sẵn có và phải đợi người về Shigatse để mua. Chắc chắn là đến đầu giờ chiều hôm sau mới có thể đi tiếp được. Vậy là chúng tôi không đến được Saga như kế hoạch vì mất trọn vẹn một ngày ở thị trấn Ngamring. Cơn đau đầu lại đến vào lúc buổi chiều sập xuống cùng mưa ở thị trấn buồn tẻ càng làm chúng tôi thêm chán nản. Là người khỏe nhất trong nhóm, chị NL úp mỳ tôm và động viên chúng tôi cố gắng ăn một chút lấy sức. Nhưng khi vừa mới ngửi thấy mùi mỳ, ruột quặn lên và tôi lập tức phun ra 2 viên thuốc vừa uống để rồi sau đó nằm mê man trong những cơn mộng mị tưởng như dài bất tận. Tỉnh dậy vào buổi sáng hôm sau với cái bụng rỗng, tôi lại cảm thấy đầu nhẹ nhõm hơn. Và cũng từ đó, kể từ ngày thứ 5 trong hành trình, tôi đã bỏ thuốc. Trong những ngày tiếp theo, tôi hoàn toàn không uống một loại thuốc gì ngoại trừ một viên thuốc bổ Phamarton mỗi sáng, và khi đến Darchen để chuẩn bị cho vòng kora, tôi đã hoàn toàn khỏe lại, đủ để leo băng băng lên đèo Dorma-la vào ngày kora thứ hai. Trong đời, chắc tôi sẽ không bao giờ quên giây phút ấy, đúng 11h30 ngày rằm tháng Tám, tôi đã có mặt trên đỉnh đèo Dorma-la, ngắm cả một rừng lungta ngũ sắc tung bay giữa sắc trời thu xanh thẳm, ngắm hồ Đại Bi xanh như ngọc dưới chân đèo, tôi rưng rưng thầm cảm tạ đức Quan Thế Âm Bồ Tát và mẹ Tara xanh đã cho tôi có cơ duyên và sức mạnh hành hương đến miền đất thiêng.

Sau này nghĩ lại, tôi lại thấy sự cố hỏng xe ở Ngamring có lẽ là điều may mắn cho chúng tôi. Ngamring chỉ ở độ cao hơn 4.000m, nếu hôm ấy xe không hỏng có lẽ chúng tôi đã nghỉ đêm ở Saga với độ cao 4.700m theo đúng lịch trình. Ở độ cao ấy, không thể biết trước cơ thể sẽ phản ứng như thế nào sau mấy ngày di chuyển liên tục. Việc hỏng xe đã cho chúng tôi trọn vẹn một ngày được nghỉ ngơi tại Ngamring, và nếu không bị nôn ra mấy viên thuốc thảo dược vừa uống, có lẽ tôi sẽ vẫn tiếp tục bị phụ thuộc vào thuốc cho đến tận cuối hành trình. Phải chăng đây là sự sắp đặt của Quan Thế Âm Bồ Tát và mẹ Tara xanh?
 
Hay quá, hóng tiếp, đúng là những ai đã từng hành hương Kailash đều phải được Kailash chọn, chúc mừng mọi người, gato quá.:)
 
Tạm biệt Lhasa

Trước khi chia tay cả nhóm, Lhakpa mời chúng tôi đi ăn tối - lẩu bò yak, sau khi đã hỏi ý kiến chúng tôi thích ăn gì.
Chiều hôm ấy, dẫn chúng tôi đi qua khu phố cũ, khi đứng trên cây cầu vượt bắc qua phố Bắc Kinh Đông Lộ, Samdrup chỉ cho chúng tôi toà nhà nơi Lhakpa hẹn ăn tối - siêu thị trung tâm Times Square Mall. Đó là toà nhà cao tầng tọa lạc ngay tại khu phố trung tâm của Lhasa, giáp với khu old town. Samdrup bảo tiểu thương buôn bán đồ lưu niệm ở chợ Barkhor giờ bị dồn vào tầng hầm và tầng 1 siêu thị, còn các tầng phía trên là nhà hàng và những gian bán đồ may mặc, điện tử. Vào cửa siêu thị, leo lên thang cuốn, tôi bắt đầu có cảm giác như đang đứng giữa trung tâm của Thâm Quyến hay Thành Đô chứ không phải là Lhasa nữa. Thang máy, thang cuốn và những gian hàng với đèn rọi lấp lánh, cửa kính sáng choang của nhiều thương hiệu khá nổi tiếng, những building kiểu này đang mọc lên ngày càng nhiều ở Lhasa, tiến sát đến chân núi, biến thành phố thánh địa của Mật Tông Tây Tạng dần trở thành một đô thị thế tục.

Lhakpa hẹn chúng tôi ăn tối trên tầng 7, trong một nhà hàng lẩu tự chọn phong cách giống như những nhà hàng ở Thành Đô. 8h tối, nhà hàng đã hết chỗ và chúng tôi phải ngồi chờ khoảng 30 phút mới có bàn. Thực khách đến đây chủ yếu là lớp thanh niên, ăn mặc khá thời thượng, gọi lẩu tự chọn và coca-cola uống bằng ống hút. Ngồi ngoài chờ được xếp bàn, tôi không khỏi xót xa tự hỏi: năm mười năm nữa, với tốc độ Hán hoá như thế này, khi hàng hoá Trung Quốc cùng văn hoá tiêu dùng ô ạt xâm lược đời sống của người Tạng, lối sống chậm rãi và lớp người cũ mộ đạo cứ vắng dần đi, liệu Lhasa có còn cái hồn cốt muôn năm cũ, lớp trẻ Lhasa lớn lên có còn tết tóc đuôi sam, mặc áo dài truyền thống Tạng, ăn tsampa và uống trà bơ như cha mẹ họ nữa không?

Chia tay Lhakpa lúc 11h, cũng đã khá muộn, chúng tôi lặng lẽ đi bộ về khách sạn, lại qua chốt check-in đầu quảng trường Barkhor. Dọc con phố bên quảng trường, những người bán đồ lưu niệm bày hàng ngay trên vỉa hè, hình thành nên chợ đêm, không đông đúc sầm uất nhưng cũng đủ để bâng khuâng gợi nhớ về những màu sắc rực rỡ, những âm thanh mua bán rộn ràng của chợ Barkhor ngày trước.

Lại đi qua Jokhang.
Jokhang, vẫn là Jokhang - nơi đầu tiên chúng tôi đến thăm ngay khi vừa trở lại Lhasa, nơi chúng tôi cúi đầu trước tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni thập nhị tuế đẳng cầu xin được hành hương Kailash thành tựu; nơi ba năm trước, trong buổi sớm tinh sương trước giờ tạm biệt để ra sân bay, chúng tôi đã dậy sớm đi bộ ra đây chỉ để một lần cuối được ngắm những người Tạng thành kính đang hành lễ ngũ thể nhập địa trước cửa chùa; Mới chiều hôm qua, 5 anh em chúng tôi còn hoà vào dòng người miệng lầm rầm đọc chú và tay mải miết xoay mani đi trọn một vòng kora quanh chùa.

Đã tối muộn nhưng người hành lễ trước cửa chùa vẫn còn khá đông, lúc đi qua lò đốt hương bên trái cửa chùa, tôi bỗng chợt khựng lại khi nghe thấy giọng đọc kinh trong trẻo của một thiếu nữ tóc vàng. Thật kỳ lạ, giữa thành phố thủ phủ của người Tạng, lúc nửa đêm, có một người con gái phương Tây ngồi thành kính đọc kinh, âm điệu du dương như tiếng hát vậy. Vài du khách tò mò đứng xung quanh cô gái, có người bắt đầu đọc theo. Tôi cũng đứng lại, lắng nghe và chậm rãi hít khói hương đang bốc lên trong lò, đắm chìm trong cái không khí lành lạnh sâu thẳm của đêm Lhasa, và có lẽ tôi sẽ còn đứng mãi nếu không có tiếng gọi của chị NL: về thôi, sáng mai đi sớm rồi. Phải, sáng sớm mai chúng tôi lại rời đi, tạm biệt Jokhang, tạm biệt Lhasa để đi về phía Tây, cho một chuyến hành hương mơ ước.
 
Last edited:
Hay quá, đoạn cuối bạn viết hay quá, chi bạn bắt gặp cô gáo phương Tây tóc vàng ngồi tụng kinh, giọng đọc du dương như tiếng hát… tuyệt thật. Cảm ơn bạn, ngày nào cũng mò vô đây để hóng .:D
 
Lhasa - Gyantse - Shigatse: cung đường kỷ niệm

Hành trình lần này lên phía Tây Tibet của chúng tôi vẫn đi theo một phần của cung đường mùa xuân năm ấy: Lhasa - Gyantse - Shigatse với những điểm đến chính trên đường gồm hồ Yamdok, sông băng Karola, đại tu viện Pelkhor Chode - Kumbum và tu viện Tashilunpo.

Năm nay, quay lại con đường cũ với sự chuẩn bị tâm thế cho chuyến hành hương, trong lòng vẫn còn cái cảm xúc hồi hộp kìm nén trên mỗi khúc cua nghẹt thở xe qua. Đường đã sửa đẹp hơn nhiều so với lần trước. Cung đường năm nay đi qua những cảnh sắc tuyệt đẹp của mùa thu, những hàng bạch dương đã chớm vàng lá, những cánh đồng lúa mạch đang độ chín, thảo nguyên vừa qua mùa mưa với sóng cỏ vàng óng ánh, những đàn cừu nhẩn nha gặp cỏ... Nhưng, ngay từ lúc xe đi dọc qua sông Yalung Tsangpo, khi định chớp vội qua cửa kính xe hình ảnh hàng cây soi bóng xuống dòng sông cũng là lúc tôi phát hiện ra máy ảnh đã hỏng. Và khi xe lên đến những điểm cao trên 4.000m, tôi đã bắt đầu cảm nhận cơn đau đầu, trán và gáy mỗi lúc một cảm thấy nặng trịch. Đến lúc này tôi mới thấy thấm thía một điều mà trong chuyến đi trước tôi chưa hề trải qua, thật đáng tiếc biết bao khi ta đang ở trên đất Tạng nhưng thân thể ta lại không đủ sức mạnh để mở rộng đôi mắt mà thâu nhận hết những màu sắc rực rỡ này, để cho tâm hồn ta thư thái hòa vào cái không gian khoáng đạt mà trong suốt, tĩnh lặng đến vô cùng này.

Hàng bạch dương chớm vàng lá bên dòng Yalung Tsangpo (Ảnh: Sói em)
16282242151_42b466000e_z.jpg


Có những cung đường mà độ hùng vĩ hiểm trở của nó khiến ta vừa sợ hãi vừa háo hức được đi đến tận cùng. Lhasa - Gyantse - Shigatse là một cung đường như vậy. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên đi trên con đường ấy, khi xe vượt dốc qua những khúc cua tay áo ngay sát bên miệng vực thăm thẳm, cho đến khi lên đến độ cao bốn - năm nghìn mét, mở ra trước mắt chúng tôi là trùng điệp những sườn núi với đủ sắc độ nâu đỏ, xám, xanh rêu và phía xa xa lấp lánh những đỉnh núi ngàn năm tuyết phủ. Khi đi trên độ cao ấy, trời và đất quá gần nhau, cái không gian trong suốt và cô tịch với những mảng màu dường như siêu thực đập vào đôi mắt hàng ngày vẫn quen với sự chật hẹp và khói bụi nơi phố thị, bỗng mở ra cho con người ta một cái nhìn đầy đủ về sự bao la vô cùng vô tận của vũ trụ, và ý niệm về sự miên viễn của vòng sinh tử đời người.
Trong hành trình về sau này, tôi còn gặp một con đường cũng hiểm trở không kém - đường đến Zanda. Trên vùng cao nguyên kỳ lạ này, khi cơ thể đã khỏe khoắn trở lại, dù ngủ rất ít nhưng tôi lại tỉnh táo một cách lạ thường, không khí loãng dường như làm cho đầu óc trong suốt và tập trung hơn. Tôi đã hầu như không chợp mắt, hay nói đúng hơn là không dám chợp mắt khi ngồi trên xe, tôi không muốn bỏ phí một phút giây quý giá nào để được ngắm cảnh sắc trên đường tôi qua: những trầm tích của “rừng đất sét” nâu đỏ trải dài đến chân trời, và vẫn là cái màu trời xanh đến vô tận mà tôi nghĩ chắc chỉ có ở đất Tạng trời mới xanh đến thế.

Hiếm có nơi nào mà đức tin lại thấm đẫm khắp cả vạn vật như vùng đất này. Có những đoạn đường, đi cả chục cây số không thấy một nóc nhà nhưng ở đâu cũng có thể bắt gặp những vách núi khắc câu lục tự chân ngôn “Om mani padme hum”, những chồng đá mani ngay ngắn xếp bên đường, bất kỳ đỉnh cao lộng gió nào cũng rực rỡ phấp phới sắc màu của lungta (phướn cầu nguyện của người Tạng, còn gọi là ngựa gió). Người Tạng in kinh lên phướn ngũ sắc và đem treo trước gió, họ tin rằng phước lành từ những câu kinh sẽ trải khắp không gian với sức mạnh của gió và tốc độ của ngựa.

Tôi vẫn nhớ lần trước, đường đi Gyantse đang sửa nên thường xuyên tắc nghẽn, sau thời gian chờ đợi từng đoàn xe nối dài được thông đường, qua biết bao khúc cua và những đỉnh núi chăng đầy lungta, cuối cùng, khi lên đến đỉnh đèo Kampa-la, chúng tôi đã ngỡ ngàng đứng lặng trước một mặt gương xanh ngọc trải dài uốn lượn giữa những vách núi và lóng lánh phản chiếu ánh nắng trưa: Yamdok - một trong bốn hồ thiêng của Tibet. Yamdok năm nay tôi trở lại, tôi chỉ đủ sức ngắm nhìn mặt hồ xanh bàng bạc phủ sương qua cửa kính ôtô và ngọn Nojin Kangstang phủ tuyết nhạt nhòa phía xa. Trên đỉnh Kampa-la, gió thổi mạnh đến nỗi các bạn tôi cũng chỉ dám xuống chụp vội vài kiểu ảnh rồi lại lao vào xe ngay. Trời hôm ấy cũng xám xịt ủ ê như tâm trạng tôi, mệt mỏi, mâu thuẫn, vừa lo sợ không đủ sức khỏe cho những ngày hành hương sắp tới, lại vừa tự an ủi mình rằng đây mới là ngày thứ ba của hành trình, ta vẫn còn thời gian để khỏe lại, cố lên.

Yamdok rực rỡ của năm 2011
16096520098_38653e50ce_z.jpg


Yamdok năm 2011
15661633384_853b75472f_z.jpg


Khi ấy, tôi còn nhảy nhót tưng bừng như thế này trên đèo Kampa-la
16097919959_32935ede69_z.jpg
 
Last edited:
Lhasa - Gyantse - Shigatse: cung đường kỷ niệm

Yamdok năm nay, mặt gương xanh bàng bạc trong sương phủ một ngày đầu thu (Ảnh NL)
15695156104_130c606d4d_z.jpg


Ngọn Nojin Kangstang ẩn hiện trong mây mù phía xa xa (ảnh NL)
16291628676_d9db2fef54_z.jpg


Rời Yamdok, chúng tôi đi về phía băng hà Karola, nhưng không dừng lại ở dải băng lạnh thấu xương ấy. Đây là hồ nước nhỏ hình thành do băng từ Karola chảy xuống
IMAG4638_zpsc067a82a.jpg


Phướn cầu nguyện ngũ sắc bên hồ
IMAG4641_zps89d5457e.jpg
 
Last edited:
Vẫn mong tiếp ảnh ạ...

Cảm ơn bạn, mình sẽ cố gắng viết và post ảnh dần. Tuy nhiên, ảnh không đẹp và cũng không nhiều vì chụp bằng điện thoại, cũng chỉ đủ để lôi ra gặm nhấm mỗi khi thấy nhớ trời, nhớ nắng nơi ấy thôi.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,027
Members
192,336
Latest member
hakhaclinh
Back
Top