(mình thích những bạn lúc phượt mặc quần rằn, lúc ọp mặc váy ngắn ))
Năm ấy tôi lên 5, đang học năm cuối cấp mẫu giáo nhớn. Oái oăm thay, bà ngoại tôi lại về hưu đúng năm ấy, cái năm chuyển cấp quan trọng, có tính chất quyết định tôi có xứng đáng được vào học lớp 1 hay không.
Bà về hưu, tức là hàng ngày không có việc gì làm, nấu cơm thì đã có ông, nên bà quyết định mượn tôi, cùng bà rong ruổi trên cái xe mini đo đỏ ngao du phố phường. Không ngày nào 2 bà cháu không ra khỏi nhà, chiều về lại kê ghế ngoài sân chờ ông nấu nướng. Kết quả là tôi không có tên trong danh sách chuyển cấp, phải đứng chầu rìa ngoài cửa suốt 2 tuần.
Năm lớp 1 có lẽ sợ tôi bé, đến năm lớp 2 mẹ mới bắt đầu thả tôi lên xe buýt ra nhà bà mỗi cuối tuần. Sáng thứ 7 học xong, chạy về nhà ăn trưa, cuống quít làm các loại bài tập, tôi lon ton đi ra bến xe buýt Chợ Xanh - ĐHSF, mua vé ra nhà bà ở Hàng Thùng.
Chủ nhật, bà tôi tụ tập các cháu, đưa hết lên tàu điện, làm chuyến khứ hồi Bờ Hồ - Chợ Bưởi - Bờ Hồ. Hàng Ngang - Hàng Đào - Chợ Đồng Xuân - Hàng Giấy - Quan Thánh - Chợ Bưởi. Hôm nào rảnh, túi tiền rủng rỉnh kỳ lương, bà sẽ cho chúng tôi làm thêm chuyến Bờ Hồ - Chợ Mơ.
Lần nào cũng như lần nào, bà chọn chỗ ngồi cuối hàng ghế toa cuối đoàn tàu, đảm bảo cháu bà đứa nào cũng được giải phóng tầm mắt, ngắm cảnh 3 chiều
. Lần nào cũng như lần nào, bà kiểm tra trí nhớ chúng tôi qua những tên phố và địa điểm đã qua. Ký ức tuổi thơ của tôi gắn liền với xe buýt (xe Ba Đình xanh, xe Hải Âu vàng, sau cùng là xe Karosha đỏ Liên Xô), và tiếng leng keng tàu điện.
Lên lớp 3, tôi cực kỳ sung sướng khi phát hiện ra nhà cô giáo chủ nhiệm ở tận Hàng Buồm. Ngày 20/11 tôi tập trung các bạn, dắt ra bến xe mua vé, cả lũ rồng rắn mua nải chuối ra biếu cô. Giờ nghĩ lại tôi khá khâm phục sự dũng cảm của bố mẹ chúng nó, xứ Chợ Xanh - ĐH Sư Phạm hồi ý hoang vu, xa xôi lắm. Sau lần đầu thành công, năm nào tôi cũng tỏ lòng quí mến đặc biệt, tụ tập các bạn đi thăm cô giáo cũ
Vào cấp 2, rồi lên cấp 3, nhăm nhe trường chuyên lớp chọn, tí toáy học thêm, tôi ít ngao du cuối tuần. Vả lại, tàu điện cũng đã bị dỡ bỏ.
Hè năm thứ 2 đại học (92), tôi được vào thăm bà ở sài gòn. Thời í, điện thoại chưa, email càng không, thư từ qua lại chỉ nhờ vào ông bưu điện, thông tin qua lại nam bắc đều đặn tuần 1 lá, háo hức kinh khủng.
Lần đầu tiên tôi được đi tàu nằm, được ăn cơm hộp, sung sướng hãnh diện khủng khiếp. Thời ý nhà nghèo, tôi nhớ bà tôi phải gom góp mấy tháng lương hưu mới đủ tiền mua cho tôi cái vé tàu thống nhất.
Cũng vui vì chuyến đó có thêm 1 con bạn cũng vào sài gòn thăm chú. Chuyến về, cầm tiền bà đưa để mua vé tàu nằm về HN, tôi rủ rê con bạn mua vé tàu ngồi cứng, tiền dôi ra đủ để chúng tôi chơi bời Nha Trang mấy ngày. Chúng tôi phải âm mưu thuyết phục đủ mọi lý do để bà tôi không ra ga tiễn chân
.
Đến ga Nha Trang, mua xong vé tàu về Hà Nội, tôi chia đều số tiền còn lại để tiêu trong số ngày lưu lại nơi đất khách, đến lúc bước chân lên tàu, cả 2 đứa không còn 1 đồng. May sao năm đó miền bắc vẫn chưa giàu có lắm, dì tôi gửi ra biếu ông ngoại 1 túi mì ăn liền, loại túi 1 cân - 10 nắm trần trụi (ko phải loại cao cấp mỗi nắm 1 túi giấy hình 2 con tôm). Trên tàu, tôi và con bạn xin nước sôi của những hành khách bên cạnh, mượn bát, mượn đũa ăn mì. Phải nói thêm là đến tận 2 năm sau đó tôi mới hết buồn nôn khi ngửi cái mùi này
)
Về đến ga Hàng Cỏ, không có tiền mua vé xe buýt, tôi đành chơi sang ngồi xích lô, về đến cửa nhà gọi mẹ ra thanh toán. Cũng chẳng ai thắc mắc gì, chỉ thấy mẹ tôi bảo chẳng hiểu sao từ 2-3 hôm trước ông đến chơi bảo nhận thư của bà báo ngày tôi lên tàu từ tận hôm nảo hôm nào, sao mãi chưa về. Nhà tôi chẳng ai lo lắng gì, nghĩ hoặc ông hoặc bà tôi già rồi nên lẫn
Sau này đi làm, có điều kiện kén chọn, cứ việc nào phải ngoại tỉnh, nhất là những chuyến dính dáng đến miền trung, miền nam là tôi xí phần.
Cứ thế, với tôi cái sự đi lại cũng dễ hiểu và giản dị như hàng ngày mình ăn uống, hít thở, ngủ nghỉ. Thế nên tôi chẳng bao giờ thấy cần phải khâm phục những người đi nhiều, ham chơi (bạn imim ạ). Nếu có, tôi chỉ khâm phục và quí mến những người sống có tình, viết văn hay, và ... hihi vẫn kiếm tiền giỏi
).