What's new

Lâng lâng bước chân Tibet

Tôi đã về quê nhà yêu dấu sau những ngày bước chân như không chạm đất, tâm trí miên man lơ lửng giữa không gian của mặt đất và bầu trời, thân xác giống như một cái bị thịt nặng trĩu bừng bừng từng mạch máu và choáng váng từng bước từng bước lần về phía trước:

Tây Tạng
Phía trước là bầu trời...
 
POTALA CUNG

Từ không gian lồng lộng hút tầm mắt bên ngoài, bước qua bức màn đen dày, không gian thoắt chốc mờ tối, âm u...

Hành lang hẹp với những bức vách đầy tranh tường nhưng lại bị che bằng một lớp lưới thép, ánh sáng nhợt nhạt tỏa từ những bóng đèn vàng vọt yếu ớt. Tôi dí mũi vào lớp lưới thép, căng mắt lên để xem... chân vẫn phải bước đều tới trước theo dòng người.

Từng dãy tượng trôi ngang qua chân bước...

Những màu sắc lấp lóa trong ánh đèn bơ...

Vàng dát nơi nơi...

Năm màu sắc Tạng đua nhau rực lên trong những trang trí...

... Tôi cảm giác như mình đang đi xem một viện bảo tàng cổ kính, đẹp đẽ, quý giá nhưng tuyệt không chút cảm giác linh thiêng. Xót xa cho một nền văn hóa đẫm chất linh thiêng giờ đã mai một trong chính trái tim của cả dân tộc.
 
POTALA CUNG

Những pho tượng tuyệt đẹp, ánh mắt bình thản nhìn vào cõi vô định, khuôn mặt sống động và trang phục cực kỳ tinh xảo. Tinh xảo trong từng đường tơ dệt óng ánh, từng nét chạm khắc, từng mảnh đá kết thêu... tôi chỉ có thể khâm phục và ngưỡng mộ.

Từng dãy từng dãy tủ đầy những lá kinh, thanka chất chồng.

Những gian phòng bé xíu lại chứa những pho tượng thật to một cách không tương xứng, không hiểu vì sao?, những gian phòng mà cửa phòng lại được ngăn bằng lớp màn thép trùm lên khung cửa... nhìn cứ như chư thiên bị giam cầm, vướng lụy!

Thoắt cái, những hành lang chấm dứt.
 
Last edited:
POTALA CUNG

Bước ra một vuông sân, nơi nối tiếp để vào một gian điện khác. Trời xanh trong trẻo, nắng chan hòa cảm giác như từ một quá khứ chìm trong u uẩn vụt trở về với hiện tại. Mua vội một quyển Potala trên một quầy tạp phẩm bày trong sân, không ngờ rằng chính trong cuốn sách này tôi mới được nhìn diện mạo thực sự của Potala : huy hoàng lộng lẫy vàng son!

Lối đi dành cho khách tham quan như đuổi giặc, người người liên tục được hướng dẫn lùa đi vội vội vàng vàng sợ trễ lố mất giờ tham quan, có những gian điện tôi muốn dừng lại ngắm nhìn, cảm thụ không gian kỳ bí của Potala nhưng chẳng thể nào, tôi cứ bị giục giã lôi đi đến phát cáu.

Xuyên qua những căn phòng mà chỉ kịp thò đầu vào lướt mắt một phát, bước qua những stupa vàng ảm đạm, áp mặt qua những ô lưới thép nhìn những bảo vật được trưng bày, chưa kịp cảm nhận chút gì tôi đã thấy mình đã bị kết thúc chuyến viếng thăm Potala.

Ngẩn ngơ nhìn lại sau lưng...
 
CARNIVAL- LỄ HỘI TÂY TẠNG

Trong quá trình sục sạo tìm thông tin chuẩn bị cho chuyến đi tôi dạt dào sung sướng khi nhặt được tin trong thời gian tôi ở Tây tạng thì nơi đó sẽ diễn ra lễ hội hàng năm. Thật là mèo mù mà vớ cá rán, lịch trình có thêm chuyện dự khai mạc lễ hội Tạng, hoành tráng chưa, chả phải ai đi Tây Tạng cũng có dịp xem lễ hội nhé!

Chưa đi nhưng lòng rạo rực chờ mong, chuyến này là tận mắt xem được những màu sắc rực rỡ của lễ hội, được xem những vũ điệu thần bí của nơi này, được nghe âm nhạc tôn giáo Tạng truyền... và dĩ nhiên những báu vật Tạng kỳ lạ cất kỹ trong kho báu ắt cũng được mang ra dùng cho lễ hội... hay may mắn hơn nữa có khi được chứng kiến một thần linh nào đó nhập thế... Ôi chao, bao nhiêu tưởng tượng thu nhặt được về những điều thần bí trên đất Tạng đều diễu qua trong mơ ước!

Bạn hướng dẫn mặt mâm ngũ quả tối đó còn dặn dò kỹ càng: nào là sáng mai là phải thức dậy sớm, đi sớm... nào là lễ hội này quan trọng lắm... nào là cẩn thận bám chặt nhau không được để đi lạc... v.v và v.v...


Rồi ngày đó cũng đến.

Tờ mờ đất chúng tôi đã khăn áo chỉnh tề đi hội.
 
Last edited:
LỄ HỘI

Sáng tinh mơ, phải lôi nhau thức dậy từ 5g sáng ở cái xứ 9 giờ đêm vẫn còn ánh mặt trời không phải là chuyện dễ dàng gì. Thế nhưng sức hút từ việc đi xem lễ hội thật mãnh liệt, ai nấy mặt mũi lờ đờ bước thấp bước cao lên xe đi lễ hội.

Khi ấy đã là ngày thứ 3 của tôi ở Tây tạng, với chuyện thích nghi với sốc độ cao tôi tự kết luận rằng: mình ổn! có nghĩa là ngoài chuyện buổi tối đầu ong ong, giấc ngủ chập chờn thì các hoạt động ban ngày của tôi vẫn ở trạng thái tốt.

Xe chạy qua các dãy phố vắng, rẽ ngang rẽ dọc, đường càng lúc càng đông...

Dừng xịch ngay một ngã tư, bạn hướng dẫn lùa tất cả xuống xe, nghiêm trọng nhắc nhở: tất cả phải bám chặt vào nhau, người trước níu người sau, cẩn thận không sẽ lạc nhau ngay, còn bây giờ xe phải dừng tại đây vì lý do lễ hội nên không được chạy xe vào nữa.

À...! Đến lễ hội rồi đấy !

Cả bọn tỉnh ngủ hăng hái bước theo chân bạn hướng dẫn trong ánh sáng lờ mờ hắt xuống từ những bóng đèn đường...
 
Last edited:
LỄ HỘI

Sáng sớm được đi bộ thế này cũng thích, coi như tập thể dục buổi sáng...

Không khí hơi se lạnh, trên con đường cũng có nhiều nhóm người Tạng đi bộ như mình, cũng vui...

Tất cả cùng đi về một hướng: phía trước...

Qua hơn 20 phút đi bộ trong khí thế hừng hực, tôi bắt đầu sốt ruột, con đường phía trước không có vẻ gì sắp kết thúc, chỉ có người đi thì càng lúc càng đông, còn tôi thì càng lúc càng cảm thấy choáng váng, tim càng lúc càng đập mạnh...
 
Tim đập mạnh không phải vì hồi hộp mà vì bắt đầu sốc độ cao, ở cái vùng đất luôn luôn được dặn dò " đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên" mà lại hùng hục " tập thể dục buổi sáng" kiểu này thì quá là ngốc nghếch. Bạn hướng dẫn vẫn băm băm bổ bổ bước, lươn lướt giữa dòng người càng lúc càng đông, đông nghìn nghịt...

Người ta kéo nhau đi trẩy hội, người ở đâu ra mà đông đến thế... dòng người tuôn về phía trước như một cơn thác. Tôi liên tưởng đến thảm kịch kinh hoàng vừa xảy ra ở Campuchia vì dẫm đạp nhau trên chiếc cầu, trước mắt tôi, dòng người này chỉ cần một chút biến loạn thì không dám tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra.

Đường đã chuyển sang đường đất, dòng người cuộn theo bụi tung mù mịt.

Mọi người vẫn guồng bước về phía trước, chúng tôi níu chặt nhau len lách tiến tới, tôi bắt đầu kinh hoảng, lúc này không còn đường lui, nếu có mệt ngất thì cũng không có cách nào thoát khỏi biển người này, quá nguy hiểm.

Dòng người bỗng ùn lại.

Phía trước một lực lượng quân đội áo quần rằn ri, vũ trang từ đầu đến chân bằng các phương tiện chống bạo động: súng, khiên chặn, mũ chắn, dùi cui...tất cả dàn hàng ngang chặn phắt cơn thác người đang tuôn tới.

Tất cả dừng lại, thản nhiên đứng... chờ.
 
Nếu như không nói về quân đội TQ ở Tibet thì thật là ...thiếu sót. Quân đội là một phần không thể thiếu ở Lhasa, khắp nơi là quân đội, súng lăm lăm tuần hành khắp nẻo, đặc biệt là khu vực Bakhor, Đại Chiêu tự.

Khách sạn chúng tôi ở ngay trong khu vực Bakhor nên chúng tôi thường xuyên đụng mặt với các nhóm quân đội tuần hành này, mỗi tốp 5 người, vũ trang tận răng bước đều trên các dãy phố, luồn qua các ngõ nghách. Trên nóc dãy phố lầu dọc theo phố chính Bakhor tôi nhìn thấy lô nhô bóng người rằn ri và nòng súng chĩa thẳng xuống quảng trường như sẵn sàng nhả đạn.

Người Tạng vẫn bước đi, vẫn hành lễ ngũ thể đầu địa trước cổng đền thiêng, coi những người lính những họng súng kia như thể vô hình. Còn tôi, một khách du lại thấy xót lòng đau đáu... ôi! tại sao trên mảnh đất thiêng liêng này mà bình yên cũng đi vắng, vắng theo các chư thiêng sao?

Mọi du khách đều bị cảnh báo: tuyệt đối không được chụp ảnh quân đội, vi phạm thì bạn có thể bị cắt ngay chuyến đi. Tôi nghĩ chắc vì lo cho chuyến đi của mình nên không một khuôn hình nào phản ánh được mức độ quân sự hóa kềm kẹp vùng đất này một cách tàn tệ.

Từng dòng xe quân sự sơn rằn ri, phủ bạt kín mít, chặn ngang các xe cộ dành ưu tiên. Có lúc tôi cắc cớ đếm thử: mỗi dòng hơn 80 chiếc xe tải hầm hầm chạy trên đường. Bác tài của chúng tôi lầm bầm trong suốt lúc dừng xe nhường đường cho đoàn xe quân sự. Tôi nghĩ mọi người Tạng đều nuốt ngược vào lòng những uất ức kiểu như vậy.

Đau lòng thay!
 
LỄ HỘI

Dòng người bị chặn ngang vẫn kiên nhẫn đứng chờ.

Có nhiều gia đình dắt theo con cái, bồng bế nhau đi hội. Không nhiều lắm những bộ trang phục đậm chất Tạng mà phần lớn họ chỉ khoác những bộ quần áo bình thường, màu sắc khá tối tăm. Họ mang theo đồ ăn thức uống lỉnh kỉnh...

Dãy khiên chắn mở ra, khoảng cách đủ lọt qua khoảng 4-5 người, dòng người ồ lên một tiếng rồi tuôn qua lối mở. Không có chen lấn, không ồn ào, không có bất kỳ thái độ nào...

Theo dòng người chúng tôi cũng tuôn theo qua một cánh cổng xập xệ
 
Trước mặt chúng tôi là bao la...

Bao la đồi, bao la núi, và mênh mông bầu trời...

Lễ hội đâu?

Chính là đây.

Tôi choáng!

Dòng người tản ra khắp đồi núi, dắt díu nhau trèo lên những vạt đất, băng qua những cụm cỏ gai, hướng về phía thấp thoáng một bức tường treo thanka ở rất xa, rất xa... rồi vui vẻ tụ họp lại từng nhóm, ngồi xệp xuống cỏ, lấy đồ ăn thức uống ra mời nhau quây quần ăn uống, trẻ con chạy tung tăng, họ gom những bó cỏ hương đốt lên từng cụm, khói lan khắp nơi. Như thế này là đi lễ hội đấy. Họ vượt bao đường đất đến đây chỉ để ngồi hướng về bức thanka cùng nhau quây quần, gặp gỡ, ăn uống. Hết!

Còn du khách tôi thì ngớ ngẩn ra!

Ngôi đền có bức tường treo thanka kia cách xa chỗ tôi đứng chắc khoảng 3-5 km, không thấy có đường đi đến mà dường như phải băng theo các lối mòn, vượt qua các cụm đồi nhấp nhô. Chuyện đi được đến đền là chuyện không tưởng.

Tôi thấy quá ư lạ lùng, lễ hội không hề có một nghi thức lễ nghi gì, hay là lễ nghi được diễn ra trong ngôi đền ở tít trên kia? Không biết. Bạn hướng dẫn cứ như bị ngu đột xuất, không chịu hiểu những thắc mắc của tôi, kiên quyết khẳng định lễ hội là ở đây, là như thế đó, và dòng người tuôn như thác rải khắp đồi núi kia cũng cho tôi thấy là ho dự lễ hội kiểu như thế.

Dắt nhau lên núi, đốt cỏ hương, ngồi giữa núi cao trời xanh lồng lộng trên đầu, nắng chiếu chói chang, bày thức ăn, rót trà bơ nhấm nháp, ngắm thanka treo xa...

Quá là tao nhã!

Tôi thì ... choáng ngất. Vượt bao đường đất... leo trèo thật sự ( có đoạn cả nhóm phải đu nhau leo lên bằng cách 2 bạn trên nắm kéo, mốt bạn dưới đẩy bắn lên ), bụi đất quện đầy người, hơi thở leo lét... chỉ để xem thế này thôi á?!!! Trời !!!!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,340
Latest member
xjjrc
Back
Top