What's new

[Chia sẻ] Lang thang, Sài Gòn - Bali, đường bộ, một mình

Hành trình lang thang một mình bằng đường bộ từ Sài Gòn đến Bali, và hơn thế nữa (!?) của bpk cũng có nhiều câu chuyện buồn vui lẫn lộn. Dĩ nhiên là buồn rất ít mà vui thì rất nhiều, chứ nếu buồn nhiều hơn vui thì ở nhà đi mần cũng vậy à (tức là với bpk thì đi mần luôn luôn là buồn nhiều hơn vui, mà thường là chỉ vui vào cuối tháng thôi!). Trong những niềm vui được khám phá, được học hỏi, được mở mang đầu óc, được thanh thản hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp,… thì còn có những niềm vui nho nhỏ từ những lời động viên, thăm hỏi từ bạn bè ở quê nhà (qua Yahoo 360 blog, giờ đã qua đời), niềm vui gặp gỡ và biết thêm những người bạn mới trên con đường lãng du.


Giờ, ngồi rị mọ vẽ lại hành trình đã qua, lòng vẫn còn bồi hồi như ngày nào lang thang trên con đường đó. Và không hề nuối tiếc. Nếu được cho làm lại, bpk cũng sẽ đi lại con đường này, đi xa hơn nữa, đi lâu hơn nữa, đi nhiều hơn nữa… nhưng biết đến bao giờ?


Indo-1-1jpeg.jpg


Indo-2-1jpeg.jpg


Indo-3-3.jpg

Cung đường lang thang Sài Gòn – Bali


Trong hành trình này, con đường đi màu xanh đậm, nằm song song với con đường màu vàng là con đường trở về của bpk (cũng bằng đường bộ, mãi đến tận Jakarta). Bạn có thể hơi ngạc nhiên vì sao bpk tốn thời gian để quay lại con đường cũ, không dành thời gian đó cho việc khác. Đó là vì một lời hứa cho riêng mình, là lý do của việc bpk đã quay lại viếng Borobudur đến 2 lần, cũng là lý do ngày trước trong blog có 1 entry mang tên “Borobudur, những lỗi lầm sẽ được thứ tha…”. Và đó cũng là 1 điểm nhấn rất quan trọng trong những bước đường lang bạt của bpk.


Cùng đi nào!
 
Last edited by a moderator:
Ghé Bukit Lawang thăm Orang-Utan – “Đừng đến với em vì chút nhan sắc người ơi” – 7

(cont.)


Ăn theo mấy em vượn lông đỏ to lớn được bảo vệ chăm sóc, ở rừng này cũng có rất nhiều em khỉ chạy tung tăng khắp nơi. Nhưng chúng rất hiền lành, không quậy phá khách như đám khỉ ở Cần Giờ. Du khách cũng không cho chúng thức ăn vì đang đi chung với kiểm lâm nên chúng cũng quen và không trông chờ gì từ họ, chỉ biết giương mắt lên nhìn cái đám 2 chân to lớn đang xí xô xí xớn hớn hở đi vào rừng.


P7190396.jpg

Đến khỉ còn có đôi, ai như mình?!


Rừng quốc gia Leusier thật sự được giữ gìn từ bìa rừng đến trong sâu. Cây cối còn xanh tốt và to lớn, do lội sình té lên té xuống nên không lôi cái máy hình ra được chứ ở đây có nhiều cây cũng gần phân nửa hay 2/3 cây chò ngàn năm ở Cúc Phương chứ chẳng chơi. Sáng sớm không khí trong rừng mát rười rượi, thêm đám lá cây thi thoảng tranh thủ đổ đám sương mưa đang còn trú ẩn trên mình xuống nên càng thêm mát.


P7190382.jpg

Thác nhỏ trong rừng


P7190400.jpg

Ở 1 khoảng trống trong rừng nhìn được xuống con sông bên dưới


Vừa đi, vừa té, vừa thở vừa nghe mấy anh kiểm lâm kể chuyện mấy nàng vượn lông đỏ. Thì ra, các nàng ở đây đều có phân cấp hết, chị 2 là nàng Lisa, chị 3 là nàng Jessy gì gì đó,… khi phân phát thức ăn thì chị 2 nhận trước, xong rồi mới đến lượt chị 3… lâu lâu các chị lại có 1 trận tử chiến để thay đổi số má, nhất là khi các chị phải nuôi em bé thì càng cần uy tín để bảo vệ gia đình bé nhỏ của mình. Khi nào con cái lớn khôn, các anh không chia phần cho các chị nữa thì các chị tự động rút lui vào rừng già, để nhường “nhà ăn” cho các em mới có em bé hoặc bầu bì… Các anh kiểm lâm kể như vậy đó, nghe cũng thú vị ghê hén.


P7190398.jpg

Bạn này mới được đưa về, còn đang học tập cách sống với thiên nhiên nên còn bị nhốt lại để dạy dỗ (!?).


Dọc đường, thay vì đi theo mấy anh kiểm lâm, bpk có rẽ ngang theo 1 bạn guide đang dắt 2 bạn khoai Tây vì bạn ấy nói rằng chỗ đó có nhiều em lắm. Báo hại té lên té xuống cái chỗ dốc đứng đó mà chẳng thấy em nào ráo trơn ráo trọi bèn cun cút tụt xuống lần mò đi tiếp chỗ “nhà ăn” của mấy anh kiểm lâm. Lúc đâu, chưa có em nào tới hết, nhưng chỉ 1 lát là có 1 chị 3 tới trước. Rõ ràng là chị này tranh thủ vì khi chị đang uống sữa, thấy chị 2 phi thân tới chị bèn rút lui lên cao đứng chờ, chờ cho chị 2 ăn chuối, uống sữa, cho con uống sữa xong rồi rút lui thì chị 3 lại bề con tụt xuống ăn uống tiếp.


P7190415.jpg

Đây các nàng ấy đây! Uống sữa ngoan nhé!


P7190418.jpg

Nàng ấy nhìn bpk say đắm kìa! Còn tính chia phần bpk nải chuối nữa! Chắc thấy tui giống phu quân của nàng hả?


Có nhiêu đó thôi mà các bạn khoai Tây cứ trầm trồ mãi không thôi, chụp hình tá lả âm binh mà ai cũng muốn đứng chụp hình gần gần mấy nàng, ý là để mai mốt về cố hương khoe là nhan sắc của mình cỡ nào so với mấy em đó. Thấy vậy, bpk cũng bắt chước nhờ vả người khác làm cho vài kiểu. Làm xong nhìn lại hình, thấy mình với mấy em đó nhan sắc bất phân thắng bại, đành bẽn lẽn rút lui ra sau đứng nhìn! Ai biểu mày chảnh!!!


(tbc.)
 
Ghé Bukit Lawang thăm Orang-Utan – “Đừng đến với em vì chút nhan sắc người ơi” – 8

(cont.)


Vậy đó mà giờ ăn hết cũng nhanh, mấy chị 2, chị 3… ăn uống xong xuôi bèn bồng con vọt tuốt vào rừng sâu chẳng thèm chào hỏi một câu làm cả đám người cứ đứng ngẩn ngơ rồi lủi thủi trượt rừng quay ra. Có mấy bạn khoai Tây đi tiếp theo guide đi trekking trong rừng sâu, còn bpk thì khỏi. Gì chứ trekking trong rừng để về xứ Việt leo Bidoup, Okha… sướng hơn nhiều!


P7190458.jpg

Quán quen dễ mến Tony, càng thích khi vắng khách


Về phố bên sông, việc đầu tiên là đi tắm rửa chứ ai lại mang sình lầy đi rải khắp phố phường. Xong ra quán café cà kê dê ngỗng làm ly café sáng bên sông. Café xong lại tiếp tục đi lang thang ngắm cảnh ngắm sông ngắm người. Sau khi gọi điện thoại về Medan đặt vé xong xuôi cho chuyến xe đêm tối nay đi miền cực bắc đảo lớn Sumatra, thành phố Banda Aceh, là bpk hết việc làm. Chỉ còn việc lôi sách ra đọc tý chút về miền đất đã từng rực lửa chiến tranh vì cuộc chiến tôn giáo, sắc tộc rồi đến những ngày chìm trong tang tóc khi cơn sóng thần năm 2004 hung dữ ập qua… Cũng phải đọc về đường đi nước bước cho kỹ hơn 1 chút để không bỡ ngỡ khi đến nơi. Xong xuôi, cuốn sách lại đi lang thang đây đó cho nó hết ngày hết tháng chứ còn biết gì nữa. Mà hôm nay là ngày cuối tuần, các em học sinh đổ về đây đi picnic thật nhiều. Học trò Indonesia ngoan lắm, cứ rúc rích cười khi khách chụp hình không hà. Sau đó là giao lưu dzăng-góa để các bạn ấy thực tập tiếng Anh nữa. Lâu rồi mình mới “hồn nhiên” lại giống vậy.


P7190443.jpg

Bukit Lawang một sớm yên bình.


P7190445.jpg

Những gương mặt trong sáng ngây thơ của trẻ con Bukit Lawang


P7190467.jpg

Ai mua sầu riêng không?


Cuộc sống dân tình ở Bukit Lawang hồn nhiên chân chất. Tuy có nhiều travel blog hay L.P có đề cập đến chuyện các bạn cò vạc chuyên làm phiền du khách bằng việc suốt ngày hỏi han và dụ dỗ khách đi trekking… nhưng bạn cứ lờ qua đi cho nó nhẹ. Dù sao đó là nguồn kiếm sống của họ mà, mình mà sinh ra ở đây thì chắc cũng như họ thôi, có khác gì đâu, nhiều khi còn chả được như họ nữa là khác. Có 1 chiêu này bạn có thể áp dụng thử xem sao nhé. Khi có ai hỏi bạn có đi trekking không, bạn cứ nói là đã book tour với guide rồi, đi mấy ngày gì đó… là họ sẽ thôi. Có nhiều người còn hỏi tiếp là guide đó tên gì (!?), giá bao nhiêu… (họ hồn nhiên vậy đó), thì trước đó bạn cũng nên hỏi thăm tên của guide và giá trekking tại nhà nghỉ của bạn (nhà nào cũng có) và cứ nói ra luôn dù bạn không định đi. Thế là các bạn ấy không hỏi nữa, mà ở đây bé xíu nên bạn chỉ nói vậy và ngang qua ngang lại vài lần thì các bạn cò vạc ấy đều biết bạn là “mối” của bạn guide ABC nào đó nên sẽ không làm phiền bạn nữa. Và bây giờ họ lại rất dễ thương và hồn nhiên, bạn có thể tám với họ bất cứ chuyện trên trời dưới đất rồi họ còn rủ rê bạn về nhà chơi… nói chung là rất hồn nhiên dễ thương, như bản chất thật của họ trước khi cơn sóng du lịch ùa về làm phai nhạt đi ít nhiều.


P7190450.jpg

Hôm nay, các em học sinh về chơi đông vui


P7190454.jpg

Tắm giặt xong xuôi rồi, về nhà thôi!

Phụ nữ ở đây cũng vậy, ngoài mấy dì mấy cô cứ “japan hả” rồi tám với bpk thì các em gái cũng hồn nhiên không kém. Giữa xóm thôn, bên trên là nhà nghỉ nhà hàng khách qua lại tấp nập… mà các em ấy cứ ra sông tắm giặt y như các bạn ở Tây Bắc. Nhưng ở Tây Bắc, các bạn gái còn kín đáo tắm chỗ sông suối vắng vắng người chứ ở đây á, mấy bạn ấy cứ tự nhiên như ngày xưa nơi đây còn là rừng vậy. À, mà nghe vụ này xong có bạn nào nghe bpk kể lể thấy cũng có vẻ hấp dẫn bèn lần mò tìm đến Bukit Lawang mà thấy không mãn nhãn như ý muốn thì đừng có trách bpk nghen. Gõ lóc cóc hoài để chia sẻ hoài cũng chán, nhất là hay bị độc thoại triền miên nên đôi lúc cao hứng lên bpk cũng có cho thêm tý thuốc nổ vào trong đó, cho câu chuyện có chút gia vị càng thêm nồng nàn…


P7180295.jpg

Bukit Lawang nhìn từ bên kia sông yên bình trong sáng mai sớm.


Bukit Lawang sáng nay nắng nhẹ, sông tuy chưa trong lại nhưng cũng đã hiền lành rì rào chảy chứ không còn thét gào cuồn cuộn như chiều tối hôm qua. Buổi trưa ngồi ở Tony quán nhìn Bukit Lawang xanh sạch đẹp hiền hòa, dòng sông rì rầm bên dưới, những chiếc cầu treo lơ lửng hàng hàng lớp lớp trên sông, không khí sông suối núi rừng thanh sạch mát mẻ… bpk chợt nghĩ, hay mình ở lại đây thêm 1 ngày nữa?!
 
Banda Aceh, sức sống mới từ đống tro tàn – 1

Như vậy bpk đã đến Banda Aceh vào lúc gần 9g sáng nay, sau 1 chuyến xe đêm hơn 12 giờ đồng hồ.


Từ lúc ở Bukit Lawang, bpk đã gọi điện về Medan để đặt vé xe đi Banda Aceh và đã gặp được 1 bạn nữ ở phòng vé, người duy nhất nói tiếng Anh của phòng vé này và nói rất tốt, bạn Ida. Bạn Ida rất nhiệt tình trong việc giúp đỡ bpk đặt vé, hướng dẫn đường đi nước bước cho bpk ở hành trình này và cả sau này nữa. Đến bây giờ, thỉnh thoảng bpk vẫn nhận được sms và email từ người bạn Indonesia dễ thương này. Ida đã sắp xếp cho bpk chuyến xe 8pm đi Banda Aceh nên từ Bukit Lawang về, bpk chỉ có rảnh rỗi khoảng 1g để vào net xong lại lụi cụi ra bến xe leo lên chiếc xe đêm đi Banda Aceh.


Đi xe đêm đã nhiều nhưng đây là lần đầu tiên bpk đi ở Indonesia. Đường đất ở đây cũng không tốt lắm, xe thì cũng tạm tạm, cũng may bpk cũng lang bạt quen rồi nên cố gắng chợp mắt được, chứ nếu không cũng sẽ rất mệt. Mà nếu không đi xe đêm, đi xe ban ngày mất 12 giờ đồng hồ trên xe là phí thời gian lắm. Đi xe đêm chỉ có cái nhược điểm là không nhìn thấy quang cảnh, đời sống người dân thôi, nhưng đành vậy, làm gì có lựa chọn nào vẹn toàn.


Xe chạy đâu đến 4-5 giờ sáng thì dừng lại ở 1 thánh đường Hồi giáo, bà con lục tục vào đó tranh thủ vái lạy cầu kinh, ai không là tín đồ Hồi giáo thì vào vệ sinh cá nhân rồi lên xe chập chờn tiếp. Trời bắt đầu mờ mờ sáng, bpk tỉnh giấc nhìn ra xung quanh nhưng chỉ thấy những cánh đồng, rồi đồng cỏ mênh mông ít thấy xóm thôn làng mạc lắm. Lâu lâu, xe chạy qua 1 phố nhỏ nào đó còn đang ngái ngủ, dừng lại cho khách xuống xe rồi chạy tiếp… mãi đến gần 9g sáng xe bắt đầu vào Banda Aceh.


Nghe nói nhiều về miền đất này, bpk căng mắt nhìn nhưng cũng chưa thấy dấu tích tang thương nào cả nên cứ nghĩ rằng thời gian đã qua, đã xóa nhòa đi tất cả, nhưng sau đó bpk mới biết mình đã lầm…


P7200642.jpg



P7200643.jpg

Banda Aceh bây giờ


Xe đến bến xe Banda Aceh nhỏ bé, chỉ lèo tèo vài chiếc xe trong bến. Bpk xuống xe, kiểm tra tình hình xe cộ, giờ giấc xong lơn tơn ra cổng nhảy xe ôm ra đến điểm thăm viếng đầu tiên – Thánh đường Hồi giáo lớn nhất Banda Aceh, hầu như không bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần, vẫn còn nguyên vẹn sau khi thảm họa tràn qua miền đất này.


(tbc.)
 
Banda Aceh, sức sống mới từ đống tro tàn – 2

(cont.)

Trước khi đến với hành trình lang thang ở Banda Aceh, thủ phủ của tỉnh Aceh, chúng ta cùng lướt nhanh qua tỉnh cực bắc Aceh nổi tiếng của Indonesia này nhé.


Nếu không đề cập đến các vấn đề chính trị, Aceh thực sự là 1 vùng đất du lịch lý tưởng, biển xanh, cát trắng, nhiều đảo nhỏ hoang sơ vây quanh, những nương đồi café, cây trái sum suê, rừng xanh núi đỏ hoang sơ với những bộ tộc ít người đa dạng về văn hoá… Hơn thế nữa Aceh còn nổi tiếng là miền đất giàu có, không chỉ là vùng đất trù phú mênh mang những đồn điền trang trại, nơi đây còn có các mỏ dầu, khí đốt và nhiều quặng mỏ khác. Do vậy nhiều người cho rằng nếu không có các cuộc chiến tôn giáo sắc tộc đổ ra, Aceh sẽ là thiên đường du lịch.


Năm 1951, Indonesia sáp nhập Aceh thành 1 tỉnh của đất nước này, nhưng những chiến binh Hồi giáo Aceh, cũng chính là những người mộ đạo nhất Indonesia, đã muốn tách khỏi Indonesia. Những người mộ đạo ở Aceh không muốn làn sóng văn hóa mới ảnh hưởng đến cuộc sống tín ngưỡng khắt khe của họ. Thêm vào đó, nhìn vào tấm gương ly khai của Đông Timor, nhìn vào nguồn tài nguyên dồi dào của khu vực, một số nhà lãnh đạo Hồi giáo đã tiến hành nổi dậy để thực hiện ý định ly khai. Năm 1953 các lãnh tụ Hồi giáo đã tuyên bố một Aceh độc lập. Cuộc nội chiến bắt đầu cho đến năm 1959, chính quyền Indonesia buộc phải xếp Aceh thành 1 khu tự trị với nhiều ưu đãi cho miền đất này. Đến 1976, Tổ chức Free Aceh ra đời và bắt đầu chiến đấu đòi độc lập. Cuộc nội chiến trở nên khốc liệt hơn vào những năm 1989 khi tổ chức này ngày càng lớn mạnh.


Mọi việc cứ tiếp tục diễn ra đến những ngày tháng 12 năm 2004. Banda Aceh bấy giờ là miền đất gần như cô lập với thế giới bên ngoài bằng cuộc nội chiến đẫm máu, những cảnh tượng đạn nổ bom rơi máu đổ triền miên… cho đến buổi sáng Giáng sinh 26.12.2004 khi một trận động đất ập đến và tiếp theo là những cơn sóng thần làm nốt những gì mà trận động đất còn chưa kịp làm.


Tang thương đã ùa về trên Aceh. Trận động đất 9 độ Richter, 20 phút sau là 3-4 đợt sóng thần cao 30m đã tàn phá tan tành Aceh. Hơn 130 ngàn người chết và 500 ngàn người khác trở thành không nhà không cửa. Nhưng chính thảm họa này đã đem hòa bình về lại trên miền đất này. Khi tai họa ập đến, những chiến binh Hồi giáo còn đang mê mải chiến trận đã vội buông súng trở về quê nhà, đào bới trong gạch vụn, trong nát tan để tìm kiếm người thân. Chính những giờ phút thất thần bồng bế xác người thân hay vô vọng chờ đợi chút tia hy vọng mong manh nào đó họ mới thấy sự vô nghĩa của cuộc nội chiến đẫm máu. Làm sao họ có thể tiếp tục đánh nhau, họ tìm kiếm gì cho mảnh đất giờ dường như chỉ còn là tro tàn từ một cơn thịnh nộ trừng phạt nhỏ nhoi của thượng đế… Hơn thế nữa, nếu không cùng nhìn về 1 phía làm sao các tổ chức nhân đạo quốc tế có thể vào cuộc để giúp đỡ nạn nhân, giúp đỡ Aceh dựng xây lại cuộc sống mới. Do vậy, những nhà lãnh đạo từ 2 phía, những chiến binh sắc tộc đã thay đổi suy nghĩ khi cơn “sóng thần” tang thương đã quét qua đầu họ. Và như vậy, hòa bình đã trở lại Aceh, từ trong tro tàn của thảm họa.


Banda Aceh bây giờ vẫn còn những phế tích của thảm họa, nhưng cuộc sống đã tươi màu hơn, nhất là khi hòa bình đã về và mọi người cùng chung tay xây dựng cuộc đời mới. Động đất và sóng thần đã làm Aceh thiệt hại hơn 4 tỷ $US, các tổ chức quốc tế đã lũ lượt đổ về, đem theo gần 8 tỷ $US. Dù biết rằng không có tiền bạc nào lấy lại những người thân đã mất, nhưng nó cũng giúp cho người ở lại một cuộc sống tốt hơn, nhất là khi được sống trong yên bình.


Banda Aceh đã hồi sinh từ tro tàn của thảm họa.



(tbc.)
 
Banda Aceh, sức sống mới từ đống tro tàn – 3

(cont.)


Điểm đầu tiên bpk viếng thăm ở Banda Aceh là thánh đường Hồi giáo Baiturrahman. Người dân Aceh thường rất tự hào vì Aceh là nơi đạo Hồi được truyền bá đầu tiên, rồi sau đó mới lan truyền đến các nơi khác ở Indonesia, cũng như sau đó mới đến Đông Nam Á, do vậy họ thường tự hào là những người dân mộ đạo nhất Indonesia. Banda Aceh ngày xưa cũng là bến cảng cho những con tàu hành hương đến thánh địa Mecca của Hồi giáo. Lòng tin của họ vào tôn giáo càng tăng cao rất nhiều khi Banda Aceh tan hoang bởi động đất và sóng thần thì thánh đường Baiturrahman lại hầu như còn nguyên vẹn không bị ảnh hưởng gì. Đó là bí ẩn và là niềm tin để người dân Aceh càng tin hơn vào tôn giáo của mình.


1-BandaAceh-6.jpg

Thánh đường Baiturrahman vẫn nguyên vẹn trong hoang tàn (ảnh từ net)


Được xây dựng bởi những người Hà Lan vào năm 1879, trên nền của một ngôi đền cũ đã bị thiêu rụi, ngôi đền với những mái vòm đen này quả là sự kiêu hãnh của những người dân Aceh khi vẻ đẹp lộng lẫy của nó tỏa sáng khuôn viên trung tâm thành phố. Tuy những mái vòm của ngôi đền màu đen nhưng không vì thế mà làm giảm đi vẻ đẹp của ngôi đền. Chỉ có điều đáng tiếc là những ngôi đền Hồi giáo thường không cho người ngoại đạo vào nên bpk cũng chỉ bén mảng xung quanh. Trong một sáng âm u, ngôi đền dường như làm Banda Aceh sáng hơn bởi nét duyên dáng của mình.


P7200486.jpg

Kiêu hãnh và rực rỡ trong ngày Banda Aceh âm u


P7200482.jpg

Cạnh tranh với tháp nghiêng Pisa ở Ý đó nghen!


Ngôi đền và khu vực xung quanh là nơi thiêng liêng. Tứ phương bốn bề quanh ngôi đền đều có bảng khuyến cáo về việc chỉnh trang y phục, vệ sinh thân thể trước khi vào đền. Bpk cũng cà tưng, tính mua một cái nón của đàn ông Hồi giáo đội vào rồi giả câm giả điếc đi vào trong thánh đường, nhưng nhìn lại mình lôi thôi lếch thếch, còn đeo cả cái balo bụi bặm chưa kịp gửi nên đành rút lui ra xa ngắm nhìn người dân thành kính đi lễ, rồi chuồn.


P7200490.jpg

Attention, please!


Lang thang quanh nhà thờ xong việc kế tiếp là phải đi kiếm cái gì ăn sáng và kiếm chỗ trọ hoặc gửi cái balo. Đi lòng vòng chui vào 1 cái quán của cư dân địa phương và sử dụng tuyệt chiêu “nhất dương chỉ”, bpk đã có 1 bữa sáng hết sức quen thuộc ngày còn bé kèm theo 1 ly café đen nóng không đường – đặc sản của những nương đồi café ở Aceh.


Những người bản xứ trong quán hết sức thân thiện dù 2 bên chỉ nhìn nhau cười cười, mà họ cứ tám với nhau rồi nhìn bpk cười cười hoài luôn, chẳng biết họ nói chuyện gì nữa nhưng bpk cũng phải đi thôi. Nếu giao tiếp được thì còn ngồi tám chứ kiểu này ngồi lâu cũng chẳng được gì. Kiếm nhà trọ hoặc nơi gửi đồ thôi.


P7200499.jpg

Điểm tâm sáng chơn chất ở Banda Aceh


P7200641.jpg

Nhà trọ Losmen Palembang với chú quản lý dễ mến


Ở Banda Aceh có 1 điểm yếu là giá nhà trọ khách sạn rất cao. 2 lý do, một là ít khách du lịch, chỉ có khách sạn cho biz-man, hai là khi làn sóng các nhân viên của các tổ chức nhân đạo quốc tế đổ về, toàn xài tiền đô nên càng đẩy giá nhà nghỉ khách sạn tăng cao. Bpk cũng dự định nếu kiếm được chỗ nào rẻ rẻ quăng cái balo vào để đi lang thang cho thoải mái, nếu ở đây ok thì ở lại 1 đêm, nếu không ok thì còn có chỗ tắm rửa trước khi leo lên chuyến xe đêm dọt về Medan. Nhưng chẳng có nhà trọ nào rẻ cả, ngay cả nhà trọ rẻ nhất theo L.P cũng đã tăng giá. Với lại đi loanh quanh nãy giờ, bpk biết là không có gì để xem nhiều nên chắc tối nay là dọt thôi. Thế là nảy sinh ý định nhờ vả. Bpk quay vào nhà trọ Losmen Palembang hỏi thăm và nói thẳng luôn là “sẽ quay về Medan trong tối nay, không có tiền, giá nhà trọ cao, cho gửi nhờ cái balo đi chơi cho tiện...”. Vậy mà chú ấy gật đầu cái rẹt, dắt bpk vào trong phòng cất cái balo. Thế là nhẹ gánh, bpk cám ơn chú ấy rối rít rồi đi như bay ra đường, tiếp tục hành trình lang thang Banda Aceh.


(tbc.)
 
Banda Aceh, sức sống mới từ đống tro tàn – 4

(cont.)


Trước tiên phải nói 1 điều, có lẽ sự tàn phá của động đất và sóng thần đối với Phuket nhẹ hơn với Banda Aceh, do vậy ở Phuket hiện nay (bpk cũng mới vừa ghé qua vài tuần trước trong hành trình này) hầu như bạn không còn thấy dấu tích của sóng thần. Còn ở Banda Aceh, bạn vẫn dễ dàng thấy dấu tích của chúng hiển hiện ngay trên phố, dù đường phố giờ đã khang trang lắm rồi. Tuy vậy, với 4 năm qua, Banda Aceh đã gần như trở lại bình thường. Không được như Phuket về sự hồi sinh, nhưng sự hồi phục của B. Aceh thật đáng kinh ngạc, nhất là với quốc gia nghèo như Indonesia.


P7200495.jpg

Dấu tích ngày tang thương, chỉ cách thánh đường vài trăm mét


Không xa lắm thánh đường Hồi giáo, chỉ vài trăm mét, là 1 tòa nhà to lớn hoang tàn vẫn chưa được sửa sang, chen trong những con phố nhỏ, vẫn có những ngôi nhà hoang phế, có lẽ vì chủ nhân đã ra đi mãi không về.


P7200497.jpg

Thoát cơn hiểm nghèo – vẫn đẹp tươi trên phố


P7200501.jpg

Chùa Trung Hoa trên xứ Hồi giáo (!?)


Bpk lang thang trong phố sáng lòng nhiều cảm xúc. Loáng thoáng còn nhớ những hình ảnh kinh hoàng đã thấy trên TV, net… của những ngày tháng đó, bây giờ nếu lướt qua những căn nhà hoang phế, mà ở thành phố nào cũng có ít nhiều vì các lý do khác, bạn sẽ thấy một sức sống mới căng trào từ Banda Aceh. Đường phố to rộng, cây xanh qua vài mùa đã xanh tốt trở lại, những căn nhà mới, cao ốc mới những pano bảng hiệu quảng cáo chăng đầy nơi nơi… Banda Aceh đã thật sự hồi sinh.


P7200511.jpg

Đường ven con lạch biển, tấp nập tàu thuyền


Một điều bpk cũng cần nhắc đến, tuy Banda Aceh là cái nôi của Hồi giáo Đông Nam Á nhưng bpk thấy ở đây người dân thoáng hơn ở Malysia hay Nam Thailand nhiều. Phụ nữ mặt đồ nhiều màu và không cần phải mặc đồ truyền thống, chỉ cần 1 cái khăn choàng đầu nhưng không bịt mặt kín mít như ở Malaysia mà cứ để mộc vậy thôi.


Bản thân phố Banda Aceh không có nhiều điểm để thăm viếng để nhìn ngó để du lịch. Ưu điểm du lịch của Aceh là những chuyến đi ra những hòn đảo hoang sơ dừa xanh cát trắng nắng vàng hay ngược lên vùng đồi núi với nhiều bộ tộc du mục… Bpk lần mò đến đây cũng chỉ vì chủ yếu là tò mò mà thôi. Vì thông tin về du lịch ở Banda Aceh trong L.P rất ít nên bpk phải lần mò vào các văn phòng bán vé máy bay kiêm công ty du lịch để hỏi thăm. Các bạn trẻ đều rất niềm nở, nhiệt tình giúp đỡ và chỉ đường đi đến điểm này điểm khác. Sau một hồi lần quần trong phố, không thuê được xe gắn máy, bpk bắt đầu cuốc bộ ra phố ven biển. Phần thì muốn nhìn lại những dấu tích hãi hùng có còn lưu dấu hay chăng, phần muốn nhìn cuộc sống nơi đây đã thay da đổi thịt như thế nào.


P7200509.jpg

Bội thu


P7200505.jpg

Nhớ cái cầu cá tra miền Tây nước Việt!​

(tbc.)
 
Banda Aceh, sức sống mới từ đống tro tàn – 5

(cont.)


Con đường ven con lạch biển rất tấp nập. Người thì chở cá ngược xuôi về các chợ, các nhà máy, người thì cặm cụi vá lưới sửa thuyền, người thì chăm chú sửa máy dặm buồm, thuyền thì tấp nập cập bến … rộn ràng những chiếc ghe nhỏ chở người thân ra đón. Banda Aceh rộn ràng cả 1 góc biển trong nắng sớm.

P7200528.jpg

Chung sức


Tuy những dấu vết xưa ở phố biển này còn rất rõ, có lẽ do ngư dân chắc không nhiều tiền bằng người trong phố, nhưng phần nữa là nơi này nằm ngay sát biển nên hứng chịu sự tàn phá nhiều hơn. Nhiều căn nhà vẫn cò nguyên hiện trạng hay dấu tích của trận sóng thần. Kể cả ngôi nhà có chiếc thuyền bị sóng thần cuốn vào và “đặt” trên tầng 2 của 1 ngôi nhà, giờ được xem như là 1 điểm thăm viếng của Banda Aceh.


P7200524.jpg

Dấu xưa nơi bờ biển


1-BandaAceh-5.jpg

Con thuyền Noah (net)


Nhưng bên cạnh đó là những ngôi nhà mới đã tỏa sáng trong nắng ấm, những nhà thờ Hồi giáo khiêm tốn nhưng cũng sáng lên 1 góc phố, hoa xinh đã khoe sắc trong thôn xóm, trẻ con vui đùa hồn nhiên trước ngõ… Bpk cũng vui lây với cuộc sống mới nơi đây và đi lang thang đầu thôn cuối xóm, từ nhà ra ngõ ngó nghiêng khắp nơi và luôn được đón nhận những nụ cười hiền hậu.


P7200530.jpg

Thế hệ mới của Aceh


P7200532.jpg

Ngõ nhà có hoa


P7200538.jpg

Nhà thờ mới, sáng lên trong nắng


Bpk rời xóm chài khi đã trưa, nắng đã lên xóa tan mây xám của ngày âm u. Mặt trời mới, cuộc sống mới đã về lại nơi đây.

(tbc.)
 
Banda Aceh, sức sống mới từ đống tro tàn – 6

(cont.)


Về phố, bpk quyết định là sẽ đi ra biển lúc trưa để chiều về mát mẻ lại loanh quanh tiếp trong phố. Bpk sẽ đi Uleh-leh, 15km từ trong phố. Uleh-leh ngày xưa là làng chài, giờ là bến cảng mới. Từ sau ngày sóng thần, bến cảng từ trong phố Banda Aceh đã dời ra nơi này. Uleh-leh cũng là điểm xuất phát ra một số đảo xa để xem san hô, lặn biển cũng như xem cá voi trắng tụ tập theo mùa. Nếu đi sẽ mất vài ngày vì chỉ có 2 chuyến tàu trong ngày, bpk không có thời gian, scuba-diving thì cũng có chơi bời đây đó nên để dành thời gian cho dịp khác.


Bpk đứng chờ tuktuk ở 1 góc đường, đợi mãi, mấy chuyến xe chạy qua, hỏi Uleh-leh vẫn thấy bác tài lắc đầu. Thấy bpk đứng đón xe hồi lâu, anh chàng bán hàng trong ki-ốt gần đó chạy ra hỏi mày đi đâu rồi đứng đó với bpk luôn. Chờ đến đúng chuyến xe đi Uleh-leh anh ấy nói mấy câu với tài xế rồi bảo bpk lên xe. Thật là đáng mến, những người dân Banda Aceh.


P7200556.jpg


P7200586.jpg


P7200558.jpg

Dấu vết của ngày tan hoang cũ

Con đường đi từ trung tâm Banda Aceh ra Uleh-leh cũng chính là con đường mà sóng thần đã quét ngang qua. Ngày ấy, dọc theo con đường là những xóm chài mái tranh vách đất nên hầu như đã bị cuốn đi sạch sẽ trên đường đi của cơn sóng dữ. Cũng có những căn nhà gạch nhưng giờ chúng đứng đó như là chứng tích của ngày đau thương. Chỉ tiếc là bpk ngồi trên xe chạy nhanh trên con đường đất gồ ghề, máy hình cùi bắp nên không chụp được nhiều, chỉ loáng thoáng vài tấm hình gọi là lưu dấu.


P7200580.jpg


P7200564.jpg

Nhà mới đã mọc lên trên hoang tàn


P7200577.jpg

Những tổ chức quốc tế đã về đây


(tbc.)
 
Banda Aceh, sức sống mới từ đống tro tàn – 7

(cont.)

P7200550.jpg

Bờ đê chắn sóng mới ở Uleh-leh


P7200552.jpg

Vui đùa trong vũng nhỏ, còn chưa dám ra biển xa ?!

Đến Uleh-leh vào lúc quá ngọ, cảng giờ vẫn còn vắng vẻ. Bên cạnh những ngôi nhà vừa mới xây khang trang đẹp đẽ, các đổ nát tang thương còn vương vãi khắp vùng. Nhưng cuộc sống đã đổi thay rồi, dọc theo bờ biển, dân làng làm 1 con đê chắn sóng bằng đá chạy dài. 4 năm qua, những cây dương liễu giờ đã đủ lớn để che râm mát bãi biển, nơi có những gia đình, những nhóm bạn trẻ, cũng như những cặp tình nhân chọn làm nơi picnic. Bpk chui vào 1 lều tranh ngồi ngắm biển. Hình như đây là lần đầu tiên bpk ngồi bên biển mà thấy thiếu vắng một cái gì đó – hình như là một chai bia (!).


P7200555.jpg



P7200547.jpg

Con đường ra biển ở Uleh-leh, dương liễu xanh đã lên được mấy mùa bên những tan hoang ngày cũ


P7200554.jpg

Bình yên ngày biển âm u

Biển vẫn âm u thiếu nắng không đẹp, nhưng yên bình. Ngồi trong lều vắng thử tưởng tượng đây là 1 sáng mùa đông năm 2004, một bức tường nước cao 30m đang lừng lững đi vào… chỉ nghĩ đến đó thôi là phải vội mở mắt nhìn ra biển vắng ngoài kia.


P7200565.jpg

Biển vắng và âm u quá


Ngồi một lúc bpk lại quay về, cái làng nhỏ Uleh-leh này chẳng còn gì để xem. Muốn vào làng phải đi bộ rất xa, đang đi lơn tơn trên đường thấy cái xe tuktuk chở khách từ Banda Aceh tới đang quay đầu lại để về phố bpk nhảy tọt lên theo về luôn.


(tbc.)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,340
Latest member
xjjrc
Back
Top