What's new

Lào! Đi Lào ăn tết Bunpimay ( 8/4 - 15/4)! Tìm bạn...

Status
Not open for further replies.
Lào! Đi Lào ăn tết Bunpimay ( 9/4 - 16/4)! Tìm bạn...

Hi all,

Nhóm em hiện có 3 nữ là 1 nam, tất cả xuất phát tại HN. Lịch trình khái quát sơ bộ phác thảo tạm, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các phượt thủ về lộ trình, cũng như địa điểm nghỉ ngơi. Vì thời gian này là dịp lễ hội, rất đông nên hi vọng chốt sớm để book phòng trước. Hoan nghênh các bạn tham gia, đặc biệt là các bạn nam :D

Mình post lịch trình dự kiến đang tham khảo thêm, mình mới edit lại:

Ngày thứ nhất: 9/4/2011
HN - Vien

- 19h00: xuất phát từ Hà Nội đi Vientian (850km). Đón xe ở bến xe nước ngầm

Ngày thứ 2: 10/4/2010 - Vien


- 16h đến Vien
+ Đi tuk tuk vào trung tâm: 10.000Kip
+ Tìm chỗ ở:
++ Sabaidee GH. Single room: 50.000Kip, Double room: 70.000Kip.
++ Khu Thạt đăm (Tiếng Lào nghĩa là Tháp Đen). Loại có nhà tắm dùng chung giá 60.000Kip còn phòng khép kín (nhà tắm bên trong) giá 80.000Kip
++ Chaleunxay Hotel
++ KS Long Dao – ông chủ nói đc tiếng Việt. Tel: 865-21-990-386; RiverSide Hotel Ban Mixay – P.O.box 2846 – Vien Tiane, Lao PDR Tel: (856-21) 244390;
++ Saysouly GH 23 Th. Manthatulat, Vientian tel: 218 384. Phòng 12$ thoáng mát, điều hòa, sàn gỗ sạch sẽ, phòng tắm riêng. Phòng 8$ hơi bí, shared bathroom nhưng khá tươm tất, vòi sen to. 2-4 người ngủ 1 phòng
+ Mua sim điện thoại: sim đầu 9 của mạng Unitel (liên doanh Viettel và Lao Asia Telecom), giá 30.000 Kip, tài khoản 65.000 Kip
+ dạo chợ đêm


Ngày thứ 3: 11/4/2011 Vien - Vang Vieng


Buổi sáng ở Viên:
+ Đi chợ sáng (mua sắm)
+ Khải hoàn môn Patyxay
+ Pha That Luang
+ Wat Simuang (chùa Mẹ - nơi các nhà sư làm lễ buộc chỉ cổ tay cầu phúc cho người dân)
+ Chùa Hoprakeo, chùa Sisaket (đối diện nhau cách 1 con đường)
+ Vườn Phật (Budha Park): cách Vientian 28km đi local bus gần chợ sáng (15 phút/chuyến), vé vào cửa 5.000Kip/người (thêm 3.000Kip nếu có camera)

Chiều đón xe từ Viên tối Vang Viêng mất khoảng 4h xe chạy. Tối đến Vang Viêng

+ Tìm chỗ ở:
++ Khách sạn giá rẻ khoảng dưới 10USD/phòng đôi
++ Tony GH, Tel: 023 511017, MB: 020 2000904, 5519170
+ Dạo phố đêm

Ngày thứ 4: 12/4/2011 Vang Viêng

Chơi ở Vang Viêng

+ Sông Nam Soong: rong chơi vùng sông nước, thuê thuyền 70.000Kip/giờ (thuyền 2 người). Mua tour đi Tubing, Kayaking, Jumping
+ Đi chợ Vang Vieng
+ Tối đi night market


Ngày thứ 5:13/4/2011 : Vang Vieng - Luong


Sáng sớm đi Luong mất 4h. Trưa tới Luong:

+ Tìm chỗ ở:
++ Kounxavan GH: khuôn viên đẹp, giá từ 7$-10$;
++ SuanPhao GH 071 252 229,
++ Vongpanya (7-10$) 071 212 039 hơi xa trung tâm
++ Marry GH có phòng nhìn ra sông Nậm Khan rất đẹp (10$ )071252 325
++ Sieng Khaen Lao GH (Thon Kham Rd, Ban Thongchaleun). Tel: (856-71) 212 747, Mobile: (856-20)587 2161 (70.000Kip/phòng)

+ Chơi, thăm quan:
+ Bản Phanom, bản Xieng men bên kia sông
+Khu bảo tồn voi
+ Mua sắm
+ Lên đỉnh Wat Tham Phousi ngắm hoàng hôn trên sông Mekong và toàn cảnh Luang Prabang
+ Chợ đêm họp từ 17h00 đến 22h00, nhiều đồ lưu niệm và các món ăn truyền thống, cực kỳ sôi động
+ Buffet rau, các món nướng
+ Ăn lẩu nướng, đi chợ đêm mua đèn lồng giấy (8-10.000Kip/chiếc)


Ngày thứ 6:14/4/2011 : Luong

+ Tham gia lễ hội Bunpimay
+ Thác Tat KuangSi: mua tour hoặc tuktuk (4 USD), vé vào cửa 20.000 kip
+ Động Pak Ou: đi bằng thuyền



Ngày thứ 7:15/4/2011 : Luong- Xieng Khoảng


8h00: đi Xieng Khoang. 3h chiều đến nơi, mất khoảng 7h ngồi xe.
+ Tìm nhà ở
+ Thăm quan:
+ Cánh đồng chum
+ Thác nước
+ Bản Ang
+ Đi lại bằng tuk tuk
+ Hỏi mua vé đi Vinh: 100.000Kip (chỉ có vào 3, 5, 7, CN – xuất phát 6h sáng nên phải mua vé từ tối hôm trước)


Ngày thứ 8:16/4/2011 : Xieng Khoảng - Vinh


6h00: xuất phát từ Xieng Khoang
+ Đến Nậm Cắn làm thủ tục xuất cảnh
+ Lên xe đi tiếp đến Vinh
+ Vinh - HN

Hành trình của mình có hơi dày ko các bạn nhỉ? :D

Tham khảo: http://hobomaps.com/
 
Last edited:
Đọc bài này của 1 bạn cùng diễn đàn với mình thấy hay quá , đưa lên đây cho cả nhà xem nhé

Đi đâu loanh quanh...
Thỉnh thoảng lại đi loanh quanh, và thỉnh thoảng lại muốn viết những điều linh tinh gì đó.

NHỮNG CHIẾC CHUM ĐỰNG LINH HỒN

Tôi đã đến cánh đồng Chum 2 lần trong vòng 6 tháng gần đây và đã quá quen với cung đường tuyệt đẹp từ Luang Prabang đến Xiengkhouang (6 lần đi trên con đường này).

Đường đi từ Luang Prabang đến Xiengkhouang chỉ có núi và núi. Những khúc cua tay áo liên tục đến chóng mặt. Vực sâu và núi cao. Sương mù và mây trắng. Đường thật vắng. Suốt chặng đường dài thỉnh thoảng mới thấy một bản nhỏ, vài nóc nhà nằm buồn bã, cheo leo. Một chút gì gợi nhớ Tây Bắc nhưng dường như không hẳn. Thẳm xanh hơn, buồn hơn.

Đường đi thì ngoằn ngoèo thế này, nên không ngạc nhiên là ngồi trên ô tô cứ lắc lư, nghiêng ngả.
P7250465.jpg

Mục đích lớn nhất của chuyến đi Xiengkhouang, cụ thể là đến với Phonesavanh là đến với cánh đồng Chum. Tháng 7 năm ngoái tôi đã từng đến nơi này nhưng hành trình caravan vội vã không cho phép nhìn ngắm thật tường tận, và lại vướng một cơn mưa nên chỉ lưu lại cánh đồng Chum một thời gian ngắn. Trong chuyến đi sau tôi có dịp lang thang Xiengkhouang nhiều hơn và lần lượt đi đủ 3 địa điểm được phép du lịch của cánh đồng Chum (Plain of Jars 1, 2, 3 tương ứng với 3 địa điểm Bản Ang, Lắt Sén và Bản Sua). Cánh đồng Chum, do những hoàn cảnh lịch sử, cho đến nay vẫn là một bãi mìn khổng lồ, vì vậy du khách chỉ được đến 3 điểm tham quan nhất định đã tương đối an toàn. Nhưng du khách vẫn được khuyến cáo là không nên đi chệch ra khỏi những con đường mòn nhất định với những viên gạch đánh dấu ranh giới an toàn. Còn thật ra cánh đồng Chum là một quần thể các chum nằm rải rác ở 109 khu vực, phần lớn ở những nơi hẻo lánh hay trong rừng rậm.

Cánh đồng Chum, một địa danh có sức hấp dẫn kỳ lạ với những ai có chút hiểu biết về khảo cổ học, địa danh gắn liền với tên tuổi của một nhà nữ khảo cổ học nổi tiếng người Pháp: Madeleine Colani. Và kể từ khi phát hiện ra cách đồng Chum, có 3 câu hỏi cho đến nay vẫn làm đau đầu các nhà khảo cổ học: Ai làm ra những chiếc chum này? Làm ra nhằm mục đích gì? Làm ra khi nào? Nhiều nhà khảo cổ học đã không ngần ngại so sánh bí mật của cánh đồng Chum cũng giống như bí mật của các tượng người trên đảo Phục Sinh (Easter) ở phía Nam Thái Bình Dương. Theo ước tính, hiện nay trên cánh đồng Chum có khoảng 1.969 chiếc chum (một số tài liệu khác cho rằng chỉ có khoảng 700 chiếc) nằm rải rác ở 52 điểm tại tỉnh Xiengkhouang (có tài liệu cho rằng chum nằm rải rác ở 109 khu vực, chủ yếu ở những nơi hẻo lánh hay trong rừng rậm). Chiếc chum lớn nhất có đường kính lên đến khoảng 3 mét, chum nặng nhất khoảng 14 tấn, còn đa phần là chum đá cao chừng 1 đến 1,5 mét. Tất cả những chiếc chum này đều được làm bằng đá thiên nhiên (đá vôi, đá ong, đá cẩm thạch), trong khi đó nằm cách rất xa cách đồng Chum là 5 núi đá. Các nhà khảo cổ học ước tính những chiếc chum này có niên đại cách nay 3.000 năm, tức số năm gấp đôi truyền thuyết của Lào. Nhưng gần đây lại có quan điểm cho rằng những chiếc chum này ra đời muộn hơn nhiều, có thể vào khoảng thế kỷ thứ 9, thứ 10.

Truyền thuyết kể rằng thủ lĩnh Khun Cheung (sống cách đây khoảng 1.500 năm) sau những cuộc chinh phạt thắng lợi đã truyền làm ra những chiếc chum để ủ rượu khao quân. Cũng có một truyền thuyết khác nên thơ hơn, cho rằng đây là những chiếc cốc uống rượu của các vị thần thánh.

Theo một nhà khảo cổ cũng là người Pháp, ông Henri Parmentier, người đã từng đến cánh đồng Chum năm 1923, thì chính ông Vinet, một quan thuế Pháp, là người phát hiện và cho thế giới biết tới những chiếc chum khổng lồ nầy từ năm 1909.

Năm 1930, bà Madeleine Colani thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã đến nơi này để tìm tòi, nghiên cứu. Trong tác phẩm “Cự thạch cổ của Bắc Laos”, bà phủ nhận quan niệm dựa vào truyền thuyết của người dân vùng này cho rằng chum làm ra để ủ rượu. Bà khẳng định "những chiếc chum khổng lồ nầy không phải là những chum ủ rượu vì chẳng có dấu vết nào chứng mình điều đó cả". "Chẳng ai lại mất công đục đá tảng làm những cái chum khổng lồ và chỉ để ủ rượu ăn mừng chiến thắng. Làm được ngần nầy chum chắc chắn phải mất vài chục năm. Ai lại ăn mừng chiến thắng sau vài chục năm?" Bà đưa ra giả thuyết mỗi cái chum là một cái quách chôn người chết khi chính bà phát hiện ra những dấu vết xương, răng người, những vòng tay bằng đồng thau, những chuỗi hạt bằng thủy tinh trong những chiếc chum khổng lồ nầy, những nồi đất đựng xương người chôn chung quanh chum. Ngoài ra bà còn lưu ý đến một cái động trong đồi đá vôi gần Bản Ang, lòng động xuyên thẳng lên đỉnh đồi như ống khói tự nhiên, có vết nám đen trên vách... và cho đó là một cái lò hỏa thiêu người chết. Sau đó bà Colani còn nghiên cứu về bộ tộc Phuôn, cư dân của vùng đất này và phát hiện thêm phong tục chôn người chết trong chum (mộ chum) theo truyền thống của người Phuôn trùng hợp với thời kỳ cánh đồng Chum hình thành. Có điều, khi nghiên cứu, phân tích carbone những xương trong chum, trong nồi đất, các nhà khoa học ngạc nhiên nhận ra rằng tuổi xương còn cao hơn tuổi chum.

Cửa động đá vôi mà bà Colani phát hiện ra, có một bàn thờ ở ngay cửa động.
P2070684.jpg

Ống khói tự nhiên của động.
P2070677.jpg

Plain of Jars 1 nằm trên một ngọn đồi lộng gió, từ đây có thể nhìn ra một không gian thoáng đãng xung quanh. Nhiều nắng, nhiều gió. Hàng trăm chiếc chum nằm rải rác, chiếc đứng thắng, chiếc xiêu vẹo, nhưng đều có vẻ như trơ gan cùng tuế nguyệt. Không ít những chiếc chum đã bị vỡ, có thể do tác động tự nhiên, nhưng chắc phần nhiều là do bom đạn. Rất nhiều hố bom lớn còn nguyên dấu tích. Qua nhiều năm tháng cỏ đã mọc xanh nhưng vết thương của đất xem ra chưa hề liền miệng. Khẽ chạm tay vào vách chum xù xì, cảm giác không hề lạnh lẽo.

Plain of Jars 1.
P2070693.jpg

Một chiếc chum duy nhất có nắp.
P2070694.jpg

Hai chiếc chum thuộc loại to nhất ở đây.
P2070675.jpg
 
Plain of Jars 2 và 3 cách đấy hơn 20 cây số, vắng vẻ hơn, đường đất đỏ bụi mù và cũng ít chum hơn, nhưng cây cối mọc nhiều hơn, tạo thành bóng mát.
P2070699.jpg

Một chiếc chum đổ ngang
P2070697.jpg

Nhiều chiếc chum cũng đã vỡ, và từ một chiếc chum vỡ, một gốc cây lớn đã mọc lên.
P2070701.jpg

Chợt rùng mình khi nghĩ đến sức mạnh của đạn bom. Đá cứng còn tan nát, huống chi là da thịt con người. Mảnh đất Xiengkhouang là nơi mà 12.000 quân tình nguyện Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại nơi này và trong số đó, có 2.000 người vẫn chưa về được với đất mẹ. Dấu ấn chiến tranh còn rất sâu đậm. Ở đâu cũng thấy những hình ảnh của Mines Advisory Group (MAG), một tổ chức phi chính phủ đang hỗ trợ cho việc gỡ bom mìn và góp phần tái thiết cuộc sống ở đây. Tôi nhớ bức ảnh chụp gương mặt của một người mẹ với lời chú thích là bà đã mất chồng và 4 đứa con vì một quả bom còn sót lại. Trên gương mặt của bà, có điều gì đó còn hơn là sự đau đớn và tuyệt vọng.

Trên đường phố của Phonesavanh, có thể thấy những vỏ đạn, vỏ bom ở khắp nơi. Chúng nằm ở góc những văn phòng du lịch, ở cửa những quán cà phê, ở cửa những hotel, guest house. Lại chạnh lòng nhớ tới Thành cổ Quảng Trị. Những vỏ đạn bom ấy dùng để thu hút khách du lịch, hay cũng là một cách để người ta lưu giữ một phần quá khứ ở lại nơi này? Có lẽ là cả hai.

Trước cửa một khách sạn
P2070659.jpg

Và ngay nơi tôi ở, một nơi ở cực kỳ rẻ, với giá 3 USD/ngày
P2070661.jpg

Ngần ngừ mãi ở cánh đồng Chum, chẳng muốn đi về. Chợt một ý nghĩ ập đến trong tâm trí. Không biết chắc được công dụng của những chiếc chum, cũng không thể biết ai làm ra nó, nhưng tôi tin một điều rằng, những chiếc chum này dùng để đựng linh hồn. Linh hồn của mảnh đất này, linh hồn của những người đã nằm xuống nơi đây. Nhiều thế kỷ đã đi qua, nhiều cuộc chiến tranh đã chấm dứt từ lâu. Nhưng người ta vẫn không quên được chúng. Những chiếc chum tưởng là vô tri vô giác sẽ mãi là những chứng nhân. Những chứng nhân có linh hồn.
Nhưng ở tỉnh Xiengkhouang đâu chỉ có cánh đồng Chum. Ở tỉnh Xiengkhouang còn có nhiều địa điểm cho những ai có chút quan tâm đến lịch sử, văn hóa và thích lang thang khám phá, chẳng hạn như thác Kha, hang Tham Piu, nơi có hơn 400 người đã chết vì những quả tên lửa của Mỹ. Cũng có thể đến thăm một trại huấn luyện của CIA ngày trước. Thậm chí xác một chiếc xe tăng hạng nhẹ do Nga sản xuất cũng trở thành một địa điểm tham quan. Trên vỏ xe vẫn rõ vết đạn.
P2070719.jpg

Tôi đến Meuang Khoun, tỉnh lỵ cũ của tỉnh Xiengkhoung. Xiengkhouang là một tỉnh thuộc loại nghèo nhất Lào. Meuang Khoun vốn là tỉnh lỵ cũ nhưng dấu vết chiến tranh và cái nghèo còn hắt bóng lên mảnh đất này. Thời tiết ở đây cũng thật lạ, nắng nóng chói chang vào ban ngày và lạnh lẽo vào ban đêm.
 
Ở tại Meuang Khoun tôi đã phát hiện ra một điều thú vị. Đây là hình ảnh:
P2070740.jpg

Dấu vết còn lại của một ngôi chùa cổ. Cảnh hoang tàn đổ nát không chỉ do thời gian, mà còn do đạn bom.
P2070733.jpg

Nhưng kỳ diệu là pho tượng Phật cổ vẫn còn nguyên vẹn.
P2070726.jpg

Phía sau pho tượng này, một nghi lễ thờ cúng có lẽ để cầu khấn điều lành còn mới nguyên.
P2070736.jpg

P2070734.jpg
 
Một bệnh viện có từ thời Pháp, bị trúng bom, nay chỉ còn lại những bức tường.
P2070746.jpg

Và một ngôi tháp cổ bằng gạch, không rõ niên đại nhưng chắc ít nhất phải vài thế kỷ.
Ngôi tháp hoang phế, cỏ mọc bao trùm. Tôi đã nổi máu liều leo lên tháp và phải vất vả lắm mới leo xuống được.
P2070756.jpg

Những người bạn đồng hành cùng tôi trong suốt chuyến đi. Tôi là thành viên nữ duy nhất của đoàn.
P2070749.jpg

Hai cô bé tình cờ gặp ở bên đường.
P2070747-Copy.jpg

Đổ nát, hoang phế, nghèo nàn, nhưng ấn tượng còn đọng lại mãi là những nụ cười rất tươi của người dân nơi đây. Đến nơi này, nhớ mãi những nụ cười ấy.
 
TRẦM MẶC LUANG PRABANG


Là nơi thấy lòng mình chùng xuống.

Là nơi thấy thời gian ngừng lại.

Là nơi không gian dịu dàng trầm mặc cũ xưa.

Là Luang Prabang, là cố đô cổ kính của Lào, là nét gì đó giống Huế và Hội An cộng lại, nhưng không phải là Huế và Hội An.

Là nơi thầm hứa sẽ quay trở lại, và đã quay trở lại được một lần rồi. Những dòng chữ này là ký ức của hai lần đến Luang Prabang, một lần đi từ Vientiane, và một lần xuôi dòng Mekong từ vùng đất Tam giác vàng.

Khi vừa đặt chân đến Luang Prabang, cố đô của nước Lào hồi tháng 7 năm ngoái, lập tức tôi đã hiểu rằng tôi cần trở lại nơi này. Chỉ vì đã yêu Luang Prabang từ ánh mắt nhìn đầu tiên.

Khi bạn yêu một người nào đó, một nơi chốn nào đó, có thể bạn lý giải được vì sao bạn yêu người ấy, yêu nơi ấy. Nhưng riêng tôi thì không lý giải được vì sao tôi yêu Luang Prabang. Và tình yêu thôi thúc tôi quay lại nơi này sớm nhất có thể. Tôi đã nghĩ đến một chuyến bay từ Sài Gòn đến Vientiane, rồi từ Vientiane đến Luang Prabang vào một ngày cuối tuần. Nhưng rồi đầu xuân, tôi đã chọn một hành trình đường bộ bằng ô tô, xa hơn, vòng vèo hơn với suy nghĩ rằng: đường nào rồi cũng đến Luang Prabang, đi đường bộ để còn được ngắm nhìn. Từ Vientiane đến Luang Prabang hơn 400km, nghe nói đi máy bay nội địa mất khoảng 40 phút. Ở lần đi trước đó, tôi đi theo một hành trình đường thủy khoảng 300km trên dòng Mekong giống như một đoạn trong bộ phim tài liệu "Mekong ký sự". Nhưng đó lại thuộc về một chuyến đi khác, một câu chuyện khác.

Có thể tôi yêu Luang Prabang vì sự trầm mặc dịu dàng của nó.

Có thể tôi yêu Luang Prabang vì những sắc vàng rực rỡ của nó.

Luang Prabang có nghĩa là Phật Vàng Lớn. Thời đất nước Lan Xang (đất nước Triệu Voi, vốn là tên cũ của Lào) hùng mạnh, Luang Prabang đã từng là một kinh đô vàng son trong thời gian từ năm 1353 cho đến năm 1946, và cả giai đoạn sau này cho đến năm 1975.

Vẫn còn hoàng cung, nay trở thành bảo tàng quốc gia, là một ngôi dinh thự rộng lớn xây theo kiểu Pháp pha trộn với những hoa văn đặc trưng Lào.
P2040539.jpg

Lối kiến trúc vườn cũng theo kiểu Pháp, tòa nhà nằm gọn giữa một khu vườn rộng mênh mông, với những hàng cây chạy dài và những thảm cỏ xanh tươi. Thời gian đã tàn phá hết những đền đài cung điện cũ, chỉ còn lại một hoàng cung "tân thời" nhưng vẫn duyên dáng, tao nhã. Tiếc là không được quay phim chụp ảnh trong lâu đài này.
P7240413.jpg

P7240418.jpg

Vào hoàng cung phải cởi giày dép để ngoài cửa. Bên trong có rất nhiều phòng, và trưng bày nhiều pho tượng cổ, nhiều trống đồng. Ngắm thật kỹ xem có giống trống đồng Việt Nam không. Hoa văn thì không khác nhiều, vẫn khắc hình chim muông, thú vật. Hoàng cung còn lưu giữ khá nhiều những món quà lưu niệm của các quốc gia tặng cho các vị vua Lào trong thế kỷ XX.

Trong khuôn viên hoàng cung là một mái chùa sắc vàng lộng lẫy.
P7240411.jpg

Phía bên kia là pho tượng của vua Sisavang Vong (1885 - 1959), nghe nói của Nga đúc tặng. Vì vậy trông dáng đứng pho tượng hao hao một chiến sĩ hồng quân. Mặt sau lưng pho tượng vẫn nhìn rõ những dòng tiếng Nga. Rất tiếc một chữ tiếng Nga bẻ đôi tôi cũng không biết, nên chẳng thể hiểu dòng chữ ấy viết gì.
P7240415.jpg

ó con thuyền bị khóa chặt trong một ngôi nhà. Tôi đưa tay vào trong khung cửa sắt để chụp tấm hình. Nghe bảo là thuyền rồng ngày xưa. Con thuyền nằm khô héo, có vẻ như đã không còn mơ về những dòng sông, dù Mekong đang ở rất gần.
P7240426.jpg

Rời hoàng cung, thấy thời gian vừa như dâu bể, vừa như không đổi thay. Kinh đô năm xưa giờ khuất bóng nơi nào, chỉ còn lại những nét trầm mặc u hoài gợi nhớ về một quá khứ xa xôi. Đến ngay cả những ngôi nhà mới xây dựng vẫn có vẻ gì cổ kính thâm trầm.

P7240431.jpg
 
Người ta bảo rằng Luang Prabang có khoảng gần 40 ngôi chùa cổ. Thật ra là nhiều hơn gấp đôi nhưng nhiều ngôi chùa đã bị tàn phá theo thời gian, nay không còn lại dấu tích. Luang Prabang với dân số vẻn vẹn hơn hai mươi ngàn người, với quy mô đô thị có lẽ còn nhỏ hơn cố đô Huế, nhưng đâu đâu cũng gặp bóng áo vàng. Luang Prabang được mệnh danh là trung tâm Phật giáo của đất nước Lào đã qua bao nhiêu năm tháng. Những nhà sư đi trên đường, dù là bước đi đơn lẻ trong tà áo rộng, hay đi thành từng đoàn, thì sắc áo vàng của họ vẫn nổi lên rực rỡ trên nền thâm trầm cổ kính của Luang Prabang. Nhiều nhà sư còn rất trẻ, chỉ khoảng chừng 13, 14 tuổi, nét mặt còn nguyên vẻ ngây thơ bầu bĩnh, nhưng ánh nhìn đã đượm vẻ trầm mặc, hiền từ.

Đến Luang Prabang, sáng sớm tinh mơ, thức dậy ra đường để ngắm các nhà sư xếp hàng chân trần, mang y bát đi khất thực. Phật giáo tiểu thừa (Theravada hay Phật giáo nguyên thủy) ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống đời thường và trong tinh thần người dân đất Lào. Sùng đạo, khoan dung, hiền hậu là những đức tính mà tôi luôn thấy ở những người bạn Lào quen biết.

Vô số máy ảnh, vô số những nhóm khách du lịch đi theo để nhìn ngắm dường như không ảnh hưởng chút nào đến các nhà sư. Họ bình thản xếp hàng, chậm rãi bước đi, chậm rãi nhận bố thí, chậm rãi đọc lời cầu nguyện và rảy nước cầu phúc cho những tín đồ.

Họ bắt đầu đi từ khi trời còn tối mịt, chưa rõ mặt người
P2050587.jpg

Cho đến khi trời sáng
P2020281.jpg

Nhiều nhà sư còn rất nhỏ tuổi
P2020300.jpg

Tín đồ thì thành kính dâng cúng thức ăn.
P2020297.jpg

P2020305.jpg

Tò mò tiến lại gần thì thấy chủ yếu là họ cúng xôi. Một vài vị khách Tây ba lô mua xôi từ những hàng gần đấy, quỳ xuống tập làm động tác bố thí cho các nhà sư. Có lẽ đã quá quen với cảnh này, họ vẫn bình thản nhận đồ ăn từ tay các vị khách phương xa.


Nhìn nét mặt sùng kính của những tín đồ, tự nhiên lại nhớ đến một câu của nhà ký hiệu học người Italia Umberto Eco trong bài viết “Niềm tin vào Chúa của con người ngày nay”: "Con người là một loại động vật có tín ngưỡng. Về mặt tâm lý, con người thật khó lòng tồn tại trên cuộc đời này mà thiếu đi niềm tin và hy vọng nhờ tôn giáo mang lại...Tôn giáo có vai trò đưa lại cho chúng ta chỗ dựa mà tiền bạc không thể đưa đến. Tôn giáo là một hệ thống những niềm tin chứng minh sự tồn tại của con người trước cái chết mang ý nghĩa diệt vong."

Tôi thấy gần gũi với Phật giáo tiểu thừa, không chút ngỡ ngàng xa cách. Ngày trước tôi thường không hay đi chùa. Tôi sợ sự ồn ào đông đúc của những ngôi chùa Bắc Tông trên đất Sài Gòn. Những ngôi chùa đất Bắc thu hút tôi bằng vẻ thâm nghiêm cổ kính nhưng tôi lại ngại ngần khi nhìn thấy hàng hàng lớp lớp những đồng tiền lẻ rải khắp nơi. Tôi cũng e ngại những ngôi chùa của người Việt nơi đất khách, vẫn có gì đó xa lạ, không thật gần gũi thân quen. Nhưng bây giờ, sau nhiều biến cố, lại muốn tìm đến cửa Phật để thoát muộn phiền.

Tôi thấy an lòng, tịnh tâm khi đến những ngôi chùa tiểu thừa. Bình yên, quá đỗi bình yên. Bỏ hết mọi âu lo, nhìn ngắm những pho tượng Phật, những nét điêu khắc tinh xảo, và đôi khi chán nhìn ngắm thì ngồi bệt đâu đó trên bậc thềm, khép hờ mắt lại, không suy nghĩ gì, vô ưu. Mấy ngàn năm trước, khi chia thành hai tông phái tiểu thừa và đại thừa, hình như những nét thô sơ, chất phác của thời kỳ Phật giáo nguyên thủy đã ở lại với tiểu thừa, hình như sự bình lặng, không can dự vào đời sống thế tục cũng đã chọn ở lại với tiểu thừa.
 
Tôi đã đến được vài ngôi chùa ở Luang Prabang. Ấn tượng nhất là chùa Wat Xieng Thong sơn son thiếp vàng rực rỡ, ánh lên dưới nắng chiều.
P2040565.jpg

P7240440.jpg

Trong tiếng Lào "Wat" có nghĩa là chùa. Wat Xieng Thong nghe bảo là "Chùa Cây Vàng", nhưng có nhà sư bảo tôi là nó còn mang nghĩa khác: Chùa Thành phố vàng. Đây là ngôi chùa quan trọng nhất ở Luang Prabang, không hẳn vì nó cổ kính (được vua Setthathilat, trị vì trong khoảng thời gian 1548-1571, xây dựng năm 1560); mà vì nó còn mang tính chất một tu viện hoàng gia, có chỗ ở, chỗ dạy học cho những người tu tập. Một ngôi chùa của hoàng gia xây dựng, dành cho những nhân vật hoàng gia tu hành, theo thời gian, đã bị bình dân hóa đi, nhưng dấu vết vàng son lộng lẫy một thời hãy còn.
P7240448.jpg

P2040555.jpg

Ngôi chùa thu phí tham quan, 20.000 kíp/người, từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Anh bạn đi cùng láu lỉnh chỉ cả bọn: "Không cần vé", lập tức tiền giảm xuống còn 10.000 kíp/người. Người bán vé là một phụ nữ, có lẽ là người của cơ quan quản lý du lịch, nét mặt tinh ranh và nhanh nhẹn, tương phản kỳ lạ với vẻ hiền từ của các nhà sư đang thong dong dạo bước trong chùa.

Không nhiều người đi tu trọn đời, có thể họ chỉ tu một vài năm và sau đó hoàn tục. Vài vị sư kể với tôi rằng họ xem quãng đời đi tu là để báo hiếu cha mẹ, để học hỏi tri thức. Tôi thích triết lý tu hành "tự nhiên như nhiên" ấy. Phật dạy không chấp, tu bằng con đường nào rồi cũng thành chính quả, miễn là lòng ngộ, tâm an.
P7240450.jpg

Các nhà sư trò chuyện rất thoải mái, không có vẻ gì xa cách, và nói tiếng Anh khá thông thạo. Một số vị sư lớn tuổi còn biết đôi chút tiếng Việt, có vẻ thiện cảm khi biết tôi là người Việt Nam. Họ bảo, du khách Việt Nam ít đến Luang Prabang. Quả thật, ở đây tôi gặp chủ yếu là khách Tây, đặc biệt là rất nhiều người Pháp lớn tuổi. Họ đến đây tìm một phong vị phương Đông xa xôi quyến rũ, tìm những điều đã được lưu giữ, đề cập đến nhiều tại Viễn Đông Bác Cổ, hay là đơn giản chỉ là bắt chước Marcel Proust "đi tìm thời gian đã mất", đi tìm dấu vết của một thời thuộc địa xưa xa.
P2040543.jpg

P2040559.jpg

Khuôn viên của chùa Wat Xieng Thong khá rộng rãi với một ngôi chùa chính, một chùa nhỏ, một tháp treo trống và nhiều tháp nhỏ cũ kỹ nằm rải rác, khoảng sân thì rộng mênh mông.
 
P7240449.jpg


Chùa chính lộng lẫy với những bức tranh tường kỳ thú, cực kỳ tinh xảo, theo kiểu ghép mảnh kể về những sự tích nhà Phật. Tôi nghĩ đến những bức bích họa Ấn Độ và thấy có sự giống nhau trong đường nét. Vẫn còn đó những dấu tích Ấn Độ trên những nẻo đường Đông Nam Á. Những tích truyện có lẽ là những jataka (truyện tiền thân Đức Phật), với đủ mọi loại nhân vật
P2040561.jpg

P2040553.jpg

P7240446.jpg

P2040549.jpg

Pho tượng Phật này nằm trong gian chùa nhỏ, rất nổi tiếng vì đã từng bị lấy đưa sang Paris năm 1931, sau đó được đưa về Vientiane, và năm 1964 mới về lại Luang Prabang.
P7240445.jpg

Chùa Wat Xieng Thong nằm ở cuối đường Sakkarin, cổng chính ngó xuống đường Khem Thong, và thấp hơn nữa là dòng Mekong đang cuồn cuộn chảy, cũng là một bến thuyền. Từ bến thuyến này, tôi đã xuôi dòng Mekong một đoạn để ngắm hoàng hôn Luang Prabang.
P7240457.jpg

Sau một hồi trả giá, tôi và mấy người bạn đồng hành lên một con thuyền lớn thong thả xuôi dòng. Người lái thuyền có lẽ quá quen với những vị khách đi bụi kiểu này, nhưng vẫn reo lên khi biết chúng tôi là người Việt Nam.
 
Thuyền chúng tôi đi giống như con thuyền này.
P2040581.jpg

Hoàng hôn Mekong buồn và đẹp. Mấy ngàn năm trước, mấy trăm năm trước sông hẳn cũng như thế này, chỉ có con người là khác. Sông nước hoàng hôn bao giờ cũng khiến người ta nhớ nhà, kiểu như Thôi Hiệu từng viết:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị.
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Tản Đà dịch:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.


Ở đây thì chẳng thể nào nhìn thấy Cửu Long. Cũng chẳng thể nào nhìn thấy quê tôi. Chỉ thấy duy nhất hoàng hôn.
P2040585.jpg

Chỉ thấy núi xa xa
P2040567.jpg

Và những con thuyền xa xa
P7240452.jpg

Có bờ cát làm gợi nhớ câu thơ của Xuân Diệu, dù đây là sông Mekong chứ không phải là biển xanh.

Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê.
P2040580.jpg
 
Status
Not open for further replies.

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,673
Bài viết
1,134,998
Members
192,357
Latest member
pvausashop765654
Back
Top