What's new

Lào! Đi Lào ăn tết Bunpimay ( 8/4 - 15/4)! Tìm bạn...

Status
Not open for further replies.
Lào! Đi Lào ăn tết Bunpimay ( 9/4 - 16/4)! Tìm bạn...

Hi all,

Nhóm em hiện có 3 nữ là 1 nam, tất cả xuất phát tại HN. Lịch trình khái quát sơ bộ phác thảo tạm, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các phượt thủ về lộ trình, cũng như địa điểm nghỉ ngơi. Vì thời gian này là dịp lễ hội, rất đông nên hi vọng chốt sớm để book phòng trước. Hoan nghênh các bạn tham gia, đặc biệt là các bạn nam :D

Mình post lịch trình dự kiến đang tham khảo thêm, mình mới edit lại:

Ngày thứ nhất: 9/4/2011
HN - Vien

- 19h00: xuất phát từ Hà Nội đi Vientian (850km). Đón xe ở bến xe nước ngầm

Ngày thứ 2: 10/4/2010 - Vien


- 16h đến Vien
+ Đi tuk tuk vào trung tâm: 10.000Kip
+ Tìm chỗ ở:
++ Sabaidee GH. Single room: 50.000Kip, Double room: 70.000Kip.
++ Khu Thạt đăm (Tiếng Lào nghĩa là Tháp Đen). Loại có nhà tắm dùng chung giá 60.000Kip còn phòng khép kín (nhà tắm bên trong) giá 80.000Kip
++ Chaleunxay Hotel
++ KS Long Dao – ông chủ nói đc tiếng Việt. Tel: 865-21-990-386; RiverSide Hotel Ban Mixay – P.O.box 2846 – Vien Tiane, Lao PDR Tel: (856-21) 244390;
++ Saysouly GH 23 Th. Manthatulat, Vientian tel: 218 384. Phòng 12$ thoáng mát, điều hòa, sàn gỗ sạch sẽ, phòng tắm riêng. Phòng 8$ hơi bí, shared bathroom nhưng khá tươm tất, vòi sen to. 2-4 người ngủ 1 phòng
+ Mua sim điện thoại: sim đầu 9 của mạng Unitel (liên doanh Viettel và Lao Asia Telecom), giá 30.000 Kip, tài khoản 65.000 Kip
+ dạo chợ đêm


Ngày thứ 3: 11/4/2011 Vien - Vang Vieng


Buổi sáng ở Viên:
+ Đi chợ sáng (mua sắm)
+ Khải hoàn môn Patyxay
+ Pha That Luang
+ Wat Simuang (chùa Mẹ - nơi các nhà sư làm lễ buộc chỉ cổ tay cầu phúc cho người dân)
+ Chùa Hoprakeo, chùa Sisaket (đối diện nhau cách 1 con đường)
+ Vườn Phật (Budha Park): cách Vientian 28km đi local bus gần chợ sáng (15 phút/chuyến), vé vào cửa 5.000Kip/người (thêm 3.000Kip nếu có camera)

Chiều đón xe từ Viên tối Vang Viêng mất khoảng 4h xe chạy. Tối đến Vang Viêng

+ Tìm chỗ ở:
++ Khách sạn giá rẻ khoảng dưới 10USD/phòng đôi
++ Tony GH, Tel: 023 511017, MB: 020 2000904, 5519170
+ Dạo phố đêm

Ngày thứ 4: 12/4/2011 Vang Viêng

Chơi ở Vang Viêng

+ Sông Nam Soong: rong chơi vùng sông nước, thuê thuyền 70.000Kip/giờ (thuyền 2 người). Mua tour đi Tubing, Kayaking, Jumping
+ Đi chợ Vang Vieng
+ Tối đi night market


Ngày thứ 5:13/4/2011 : Vang Vieng - Luong


Sáng sớm đi Luong mất 4h. Trưa tới Luong:

+ Tìm chỗ ở:
++ Kounxavan GH: khuôn viên đẹp, giá từ 7$-10$;
++ SuanPhao GH 071 252 229,
++ Vongpanya (7-10$) 071 212 039 hơi xa trung tâm
++ Marry GH có phòng nhìn ra sông Nậm Khan rất đẹp (10$ )071252 325
++ Sieng Khaen Lao GH (Thon Kham Rd, Ban Thongchaleun). Tel: (856-71) 212 747, Mobile: (856-20)587 2161 (70.000Kip/phòng)

+ Chơi, thăm quan:
+ Bản Phanom, bản Xieng men bên kia sông
+Khu bảo tồn voi
+ Mua sắm
+ Lên đỉnh Wat Tham Phousi ngắm hoàng hôn trên sông Mekong và toàn cảnh Luang Prabang
+ Chợ đêm họp từ 17h00 đến 22h00, nhiều đồ lưu niệm và các món ăn truyền thống, cực kỳ sôi động
+ Buffet rau, các món nướng
+ Ăn lẩu nướng, đi chợ đêm mua đèn lồng giấy (8-10.000Kip/chiếc)


Ngày thứ 6:14/4/2011 : Luong

+ Tham gia lễ hội Bunpimay
+ Thác Tat KuangSi: mua tour hoặc tuktuk (4 USD), vé vào cửa 20.000 kip
+ Động Pak Ou: đi bằng thuyền



Ngày thứ 7:15/4/2011 : Luong- Xieng Khoảng


8h00: đi Xieng Khoang. 3h chiều đến nơi, mất khoảng 7h ngồi xe.
+ Tìm nhà ở
+ Thăm quan:
+ Cánh đồng chum
+ Thác nước
+ Bản Ang
+ Đi lại bằng tuk tuk
+ Hỏi mua vé đi Vinh: 100.000Kip (chỉ có vào 3, 5, 7, CN – xuất phát 6h sáng nên phải mua vé từ tối hôm trước)


Ngày thứ 8:16/4/2011 : Xieng Khoảng - Vinh


6h00: xuất phát từ Xieng Khoang
+ Đến Nậm Cắn làm thủ tục xuất cảnh
+ Lên xe đi tiếp đến Vinh
+ Vinh - HN

Hành trình của mình có hơi dày ko các bạn nhỉ? :D

Tham khảo: http://hobomaps.com/
 
Last edited:
Cát của Mekong chắc cũng màu mỡ như phù sa Mekong, vì vậy mới có những cây xanh mọc lên trên cát.
P2040582.jpg

Nước sông Mekong thay đổi theo ánh mặt trời, lúc vàng tươi rực rỡ, gợi nhớ sắc áo các nhà sư, lúc u ám màu chiều.
P2040574.jpg


Chuyến này đi trên đất Lào 8 ngày, đây là khoảnh khắc tôi nhớ nhà nhất, thấy đơn độc nhất.
P7240453.jpg

@ Taxi.Driver: Bác ơi, mấy đạn bom mìn ở trong tấm hình ở trang 1 chỉ là vỏ thôi. Khách sạn, nhà nghỉ nào cũng trưng bày như vậy, chắc để thu hút khách du lịch. Alice thử hỏi mua nhưng họ không bán.

@ Jeep-U.S: Dạ câu chuyện còn tiếp bác ạ.

@ Europe: Đọc lời của bác, Alice cũng muốn kể lại một kỷ niệm đẹp với người dân Lào. Trên đường từ Luang Prabang đến Xiengkhouang, Alice ghé ăn trưa ở quán này.
P2040531.jpg


Nghèo và đơn sơ thôi, nhưng là tự chọn đàng hoàng. Giá từ 15.000 đến 20.000 kíp cho một phần, muốn ăn bao nhiêu cũng được, có mấy món xào là lạ, tuy không ngon lắm, và đặc biệt có món thịt nai rừng nấu súp rất tuyệt.
P2040532.jpg

P2040533.jpg

P2040537.jpg


Alice ăn xong, chắc là "căng da bụng, chùng da mắt" nên đã để quên tại quán ăn cái giỏ xách nhỏ vẫn đeo bên người, có tiền bạc, máy ảnh và quan trọng nhất là có hộ chiếu.

Lên đường đi khoảng hơn 100 cây số nữa, Alice mới phát hiện ra.

Lúc ấy run cầm cập, mặt xanh mét, nghĩ đến bao chuyện rắc rối, phiền toái vì mất hộ chiếu, đáng lo nhất là không kịp về Việt Nam đúng ngày để còn đi làm.

Không có chút hy vọng nào, nhưng cũng đánh liều quay trở lại. Vừa thấy Alice bước xuống ô tô, hai mẹ con bà chủ quán to béo đã vội vàng đưa ra ngay cái túi xách, mọi đồ đạc, tiền bạc, hộ chiếu vẫn còn y nguyên.

Alice vội vàng lấy tiền ra hậu tạ. Hai mẹ con kiên quyết không nhận. Alice liên tục nói cảm ơn mà rưng rưng nước mắt, một phần vì mừng quá, một phần vì cảm động.

Ôm ghì cả hai mẹ con lúc chia tay, Alice còn nghe họ bập bẹ tiếng Việt: "Không sao, không sao. Đi đường tốt, tốt".

Hai lần rong ruổi trên đất Lào, mấy phen ngồi xe bus, liên tục được thưởng thức những bài hát Lào phát trên xe, dù không hiểu hết lời, nhưng vẫn biết là nói về tình hữu nghị Việt - Lào với lời ca lặp đi lặp lại: Việt - Lào xamakhi (Việt - Lào đoàn kết).

Một lần vào một quán ăn ở Xiengkhouang, xúc động nghe được bài karaoke "Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây" bằng tiếng Lào.

Một lần khác ở Vang Vieng, gặp một bác già lái xe tuk tuk nói tiếng Việt rất rành rẽ, bảo mình rằng: "Chở chúng cháu đi lấy rẻ thôi, vì xưa bác chiến đấu bên bộ đội Việt Nam".

Anh chàng bảo vệ trước cửa Ngân hàng Lào - Việt ở Vientiane rất galant khen tặng bằng tiếng Việt: Phụ nữ Việt Nam đẹp lắm.

Chỉ vậy thôi mà khiến Alice nhớ mãi. Đi đủ các nước láng giềng "núi liền núi, sông liền sông" của Việt Nam, không đâu thấy láng giềng gần gũi như những người dân xứ Lào.
 
Có những nơi chốn ở Luang Prabang đã thành ký ức đẹp. Một buổi sáng đi chợ (phụ nữ nào cũng thích đi chợ và tôi cũng không phải là ngoại lệ), hòa mình vào dòng người mua bán tấp nập, ngắm nhìn những đồ bày bán, so sánh và thậm chí nếm thử xem có giống Việt Nam không.

Món ăn sẵn này có vẻ hơi giống những món mì xào, miến trộn, bún trộn ở Việt Nam.
P2050600.jpg

P2050603.jpg

Đây là rong rêu vớt lên từ suối, dùng để nấu thành một món canh rất đặc biệt, vị giống như canh củ, nhưng khá mặn. Tôi đã nếm thử và rất thích
P2050608.jpg

Cá này có giống cá ở Việt Nam?
P2050615.jpg

P2050605.jpg

P2050619.jpg

P2050607.jpg
 
P2050610.jpg

P2050613.jpg

Món mắm cá này nhìn thì ghê, nhưng ăn rất ngon.
P2050618.jpg

Luang Prabang còn có hai chợ đêm. Một chợ đêm ẩm thực với vô số món nướng rất ngon, đặc biệt là món lẩu nướng ở một quán ven sông. Một chợ đêm với đầy những đồ thủ công mỹ nghệ, rực rỡ sắc màu. Có thể thoải mái xem, thoải mái trả giá, mà không sợ bị nghe... mắng. Tôi mua về mấy pho tượng Phật nhỏ làm quà cho bạn bè, người thân.

Chợ đêm rất bình yên, không ồn ào, chỉ có những câu trả giá nhỏ nhẹ và những nụ cười.

Đến Luang Prabang tôi không thể bỏ qua ý định cưỡi voi, xem thử voi Lào có gì khác với voi Việt Nam, voi Luang Prabang có gì khác với voi bản Đôn ở Tây Nguyên. Phải đi khoảng 20km ra tận vùng ngoại ô Luang Prabang mới có chỗ cưỡi voi. Hăm hở đi vì chả lẽ mang tiếng đến đất nước Triệu Voi, mà lại không được ngắm voi, cưỡi voi,

Voi Lào thật ra chả khác gì voi Tây Nguyên, chỉ có vẻ sạch sẽ hơn, được chăm sóc đầy đủ hơn. Lắc lư trên bành voi khoảng nửa tiếng, tôi được đi dọc theo một con suối, có lội suối và băng ngang một khoảng rừng thưa.
P2050641.jpg

Tôi cũng ngồi ngất ngưởng trên một con voi kiểu như thế này. Rất xóc.
P2050638.jpg

Thế mà có một cặp vợ chồng trung niên người Pháp đến sau chúng tôi, đã yêu cầu bỏ hẳn bành voi ra, cả 2 cùng cỡi lên lưng trần của voi. Họ có vẻ thích thú với khoảng rừng nhiệt đới thưa thớt, nóng nực.
 
Bạn vừa đi về thì hay quá, cho mình hỏi vài điều với!!!!

Lịch trình của bạn đợt trước là thế nào? Bạn đi mất bao nhiêu ngày? Tiêu hết bao nhiêu tiền? Bạn đổi Kip Lào ở đâu vậy?

Thanks nhé!

Đổi tiền cứ tới cửa khẩu cầu treo nhé cô chủ. Cứ vào thẳng đồn biên phòng có 2 quầy chuyên đổi tiền ý. Thoải mái đi.., tiêu không hết quay về đổi lại. tỷ giá quy đổi ở đấy cũng được. hoặc ngân hàng liên doanh Việt & Lào nằm trên đại lộ Lạn xạng gần chợ sáng và tháp Batuxay cũng được đấy.(NT)
 
Để có thể nhìn toàn cảnh Luang Prabang, người ta hay leo lên một đỉnh núi.

Núi Phou Si.

Tiếng Lào đọc là Phu Sỉ, thế nhưng nhiều du khách Việt Nam thích đọc chệch là núi Phú Sĩ, dù chẳng có gì giống với núi Phú Sĩ của Nhật Bản.

Người ta có câu nói rằng: Nếu chưa đến núi Phou Si thì coi như chưa đến Luang Prabang, tương tự như chưa đến đồi bà Penh thì coi như chưa đến Phnom Penh.

Ngẫm thấy hình như ở nơi linh thiêng, thường có hình ảnh một ngọn núi gắn liền. Nhiều ngọn núi được gọi là núi thiêng vì gắn bó với một tôn giáo hay một tín ngưỡng nào đó. Trên núi châu Á thì thường có chùa, nhưng không mấy ai dựng nhà thờ trên những triền núi châu Âu. Trên núi châu Á thường có người đi hành hương, còn trên núi châu Âu thường có người đi chinh phục.

Trong tiếng Lào, Phou có nghĩa là “núi”, “Si” là màu. Phou Si là Núi Màu. Nhưng tôi thấy núi này chỉ có màu hoa Chămpa đang nở khắp trên đường leo núi. Hoa nở trắng tinh khiết, thoang thoảng mùi thơm.

Núi cao khoảng 80 mét, có hơn 300 bậc thang xây bằng gạch. Lưng chừng núi có trạm thu lệ phí, khoảng 20.000 kíp/người. Leo bậc thang không hề mệt vì thoai thoải, có những chỗ nghỉ chân.

Lên đỉnh Phou Si có tháp Chom Si cao khoảng 20 mét. Bên cạnh tháp có gian thờ Phật, có một pho tượng Phật nặng khoảng 50 kg. Nghe kể rằng ai đến cúng Phật mà nâng được pho tượng này lên cao quá đầu ba lần thì sẽ gặp may mắn. Tôi cũng không biết xưa nay có bao nhiêu người làm được điều này. Lặng yên quan sát khách du lịch cũng không thấy ai làm. 50 kg không phải là một trọng lượng nhỏ, liệu có người đàn ông nào nghĩ rằng nếu nâng được người mình yêu lên như thế đủ 3 lần thì cũng sẽ gặp may trong tình yêu không? Tôi hỏi câu này với các ông bạn đồng hành, thì nhận được câu trả lời đồng thanh: « Vậy là xui chứ hên gì ! »

Leo lên núi Phou Si vào buổi sáng nên không thể ngắm hoàng hôn Luang Prabang từ trên cao. Thay vào đó, chỉ thấy làn sương phủ bao phủ thành phố. Khi « đăng cao » hay « thượng sơn », con người ta thường thấy mình bé nhỏ trước khung cảnh trải dài trước tầm mắt.

Xa xa là dòng Nậm Khan đang chảy để giao hòa cùng với Mekong.
P2050621.jpg

Bên dòng Nam Khan là Phou Nang (núi Nàng), một ngọn núi có hình người đàn bà nằm quay lưng lại. Tôi cố nhìn mà thấy… không giống lắm. Người xưa có lẽ giàu trí tưởng tượng hơn người thời nay. Đối diện Núi Nàng là Núi Chàng (Phou Thao).
P2050630.jpg

Tình cờ chộp được ảnh chiếc máy bay cất cánh từ sân bay Luang Prabang.
P2050624.jpg

Trên núi Phou Si có rất nhiều pho tượng đẹp, vẫn là lối tạc tượng tiểu thừa, gương mặt bình hòa với những ngón tay dài thanh mảnh và đầu rắn Naga che chở.
P2050632-1.jpg

P2050636.jpg

Một pho tượng Phật nằm
P2050634.jpg
 
Luang Prabang còn có một điểm đến là thác Kuang Si (tiếng Lào là Tat Kuang Si). Thác cách trung tâm thành phố khoảng 30 km, hướng phía Bắc, con đường đi đến đó không lớn lắm, nhưng khá đẹp, uốn lượn quanh co giữa một rừng gỗ tếch.

Lại dừng chân mua vé tham quan, 20.000 kíp/người. Người Lào xem ra cũng rất biết tận thu từ du lịch. Có hai con đường đi đến thác, con đường nhựa đi thẳng đến nơi thác nước ầm ào đổ xuống, còn con đường đi xuyên qua rừng thì men từ chân thác từ từ đi ngược lên. Dọc đường đi có đặt những bộ bàn ghế bằng thân gỗ cưa ngang, nhìn khá hoang sơ, cho du khách nghỉ chân.Từ dưới ngó lên thấy dòng thác chảy khá hùng vĩ. Bụi nước trắng xóa mịt mù, hơi lạnh tỏa ra. Nhìn có vẻ giống động Thủy Liêm của Tôn Ngộ Không trong bộ phim “Tây du ký”.
P7240376.jpg

Một chiếc cầu gỗ khá mỏng manh bắc qua chân thác để du khách có thể đứng chụp ảnh.
P7240377.jpg

Tôi cố leo lên đỉnh thác. Đỉnh thác cũng là đỉnh núi Kuang Si. Đường đi lên không dễ chút nào, có vài đoạn phải bò. Từ trên đỉnh thác nhìn xuống, thấy rợn ngợp, tưởng tượng mình sẩy chân rơi xuống dưới thì không biết sẽ như thế nào. Đường đi xuống có phần dễ hơn, có nhiều đoạn có bậc thang gỗ, nhưng hoàn toàn là đi trong rừng già, nhiều quãng thâm u, vắng lặng, thỉnh thoảng có vài con chồn hay sóc lao vụt qua, biến mất nhanh chóng vào những bụi cây.

Thác nước Kuang Si có đặc điểm là chảy qua nhiều tầng bậc, địa hình. Không chỉ có một dòng thác chính đổ xuống, mà thác nước còn chảy qua nhiều tầng kéo dài chừng gần cây số. Có nhiều đoạn thác cũng đổ xiết dữ dội.
P7240384.jpg

P7240399.jpg

Lại có đoạn thác nước lặng lờ, nước màu xanh lục. Hỏi thăm dân bản địa thì được biết đây là một loại tảo đặc biệt sống ở thác nước này, làm cho nước ánh lên màu xanh.
P2050643.jpg

Nhiều đoạn thác nước có biển báo nguy hiểm. Tuy vậy vẫn có những anh chàng thích mạo hiểm nhảy xuống.
P2050645.jpg

Và các cô gái cũng thích tắm thác. Có nhiều đoạn thác có biển cắm báo hiệu tắm được, và trên bờ có sẵn gian phòng nhỏ bằng gỗ làm chỗ thay quần áo, rất lịch sự. Nghe rộn rã tiếng cười của các du khách, nhưng chủ yếu là các khách Tây.
P7240402.jpg
 
Đường đi có một ngôi nhà hoang nhìn khá ấn tượng. Ngôi nhà có vẻ lâu lắm không có ai ở, nhìn khá âm u.
P7240392.jpg

Cuối đoạn đường là một trung tâm cứu hộ gấu. Những chiếc áo pull có in dòng chữ “Caring for Bears” được bán với giá 5 USD, để góp quỹ giúp cứu hộ gấu. Bọn gấu được cứu hộ bị nhốt sau hàng rào, có nét mặt buồn thiu, chẳng buồn ngước lên nhìn tôi, dù tôi thử vẫy tay chào. Được cứu thoát khỏi một cái chuồng để rồi bị nhốt sau một hàng rào, chắc chẳng ai vui nổi.
P7240410.jpg

*********************************************

NÁO NHIỆT VANG VIENG

Vang Vieng là nơi của những trò vui tưởng chừng như bất tận.

Vang Vieng cách Vientiane khoảng 150 cây số, đi ô tô mất khoảng hơn 3 tiếng. Khi tôi đến Vang Vieng trời vừa sẩm tối, vội quăng mình vào một khách sạn ngay ở một khu phố san sát hàng quán, đầy Tây ba lô, tương tự như khu phố Tây ba lô đường Phạm Ngũ Lão Sài Gòn.

Quán bar nối tiếp quán bar, có nhiều quán bar có những cái tên rất ngộ nghĩnh dễ thương.
P2030524.jpg

Beer Lào quả thật rất ngon, không nặng lắm nhưng có vị khá đậm đà. Không khí náo nhiệt, sôi động ồn ào với những bản nhạc rock mở hết cỡ và rất nhiều anh chàng, cô nàng Tây ba lô tay cầm chai beer say ngật ngưỡng đi trên đường. Vang Vieng, một thị xã nhỏ khoảng 25.000 người, chủ yếu sống nhờ dịch vụ cho khách du lịch. Với địa hình hiểm trở, kỳ thú, Vang Vieng là nơi khai thác du lịch mạo hiểm dành cho những ai thích cảm giác mạnh. Trên con phố chính đầy những văn phòng du lịch mini với vô vàn lời quảng cáo về các tour đủ kiểu, đủ loại, từ 1 ngày đến vài ngày. Có đầy đủ mọi trò ở đây: kayaking, trekking, canoeing, swimming, climbing, caving…, thậm chí có cả bungee jumping.

Tôi và những ông bạn đồng hành chọn tour đi trọn gói một ngày, bao gồm cả chèo kayak trên sông và leo núi thám hiểm hang động. Anh chàng hướng dẫn viên người Lào nước da đen như cột nhà cháy, dáng thấp đậm, nói tiếng Anh rất cừ, ra sức giảng giải cách chèo kayak khi biết rằng lũ chúng tôi chưa từng… chèo kayak bao giờ.

Kayak ở Lào là như thế này.
P2030444-1.jpg

Con sông nước chảy không mạnh, cũng không sâu, trong suốt nhìn tận đáy.
P2030438.jpg

Nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp đá chắn ngang
P2030439.jpg

Xuồng kayak đã sẵn sàng trên bến. Kayak ngày xưa của người Eskimo chỉ một người ngồi, bọc bằng da hải cẩu. Còn xuồng Kayak hiện đại ở Vang Vieng làm bằng composite, sơn màu vàng xanh nhìn rất bắt mắt, như màu áo của tuyển Brazil. Phải mặc áo phao hết sức cẩn thận rồi mới được leo lên xuồng. Đồ đạc được cho vào những chiếc túi chống thấm nước, đặt sẵn dưới lòng xuồng, kèm theo lời căn dặn: phải chịu ướt, chịu phơi nắng và nếu chụp hình thì coi chừng hỏng máy ảnh vì nước.

Một chiếc xuồng kayak có thể chờ được hai người. Người ngồi đằng sau là người lái chính. Tôi không biết bơi nên chọn tay chèo đồng hành là một nhân vật từng học ở trường Hàng hải, với hy vọng nếu chìm xuồng thì mình sẽ dễ được vớt lên. Nhưng tôi đã nhầm to. Hóa ra biết bơi và biết chèo thuyền là hai khái niệm hoàn toàn chả có điểm gì tương đồng.

Xuồng của tôi loay hoay mãi không thể ra giữa dòng. Đến khi ra giữa dòng thì nó cứ quay tròn tại chỗ. Tệ nhất là cứ cố gắng chèo được chừng một chục mét thì xuồnglại quay mũi đâm vào bờ, không cách nào trở ra giữa dòng được. Bờ thì toàn bụi rậm hoặc bờ đá lô xô. Cứ thấy bụi rậm là lập tức tôi nhắm mắt, buông ngay mái chèo, nằm ngả rạp ra lòng xuồng kayak, lấy hai tay che mặt để tránh xây xước. Đội bạn bên kia thì chèo đi ào ào, có vẻ làm quen rất nhanh với xuồng kayak, thỉnh thoảng lại quay lại hét to chế giễu. Anh chàng hướng dẫn viên du lịch chèo chiếc xuồng kayak bên cạnh vẫn tiếp tục ra sức chỉ dẫn hai kẻ amateur.

Sau khoảng một tiếng đồng hồ loay hoay, cuối cùng tôi cũng chèo tạm ổn. Nói chung là xuồng kayak đã bắt đầu men theo dòng sông khá êm ả. Nắng nhẹ, gió nhẹ, không khí trong lành, tinh khiết. Cạnh sông là một dãy núi không cao lắm, nhưng nhìn có vẻ còn rất hoang sơ. Cảm giác chỉ muốn hét lên vì vui sướng và thích thú. Nước theo mái chèo bắn tung lên, ướt cả mặt, ướt cả tóc.

Những xuồng bạn ở phía xa xa.
P2030454.jpg

Được một lúc lại đến nỗi khổ khác là mỏi tay. Mỏi rã rời. Vừa lúc đó anh chàng hướng dẫn viên hét gọi mọi người chèo xuồng vào bờ, bắt đầu vào thám hiểm hang động.
 
Sao bác núi không làm hẳn 1 topic hồi ức về lào nhỉ..? Bác viết hay lắm cơ.:D Bác chém lên đây chả phí công và làm cho các bé khác lại thèm à.:))
Thế cũng hay nhưng lại không được phù hợp cho lắm vì đây chỉ là topic ( Tìm bạn đồng hành ).(NT)
 
Leo lên một triền núi hơi dốc thì vào cửa động thứ nhất.
P2030465.jpg

Động không hẳn đẹp, nhưng lối vào cheo leo, hiểm trở, nhiều đoạn gần như phải vạch cỏ rậm mà đi. Tôi run run nghĩ đến rắn, nhưng may quá trên đường đi không gặp con nào. Trong động khá tối, phải dùng đèn pin soi đường. Động có khá nhiều thạch nhũ.Nền động thỉnh thoảng lép nhép nước nhưng hầu hết là khô ráo.

Nhưng cư dân bản địa thì vẫn đi lại có vẻ rất thản nhiên, vác nặng ung dung. Sau tôi mới biết đi qua động này là đi tắt được khá nhiều đường núi.
P2030463.jpg

Ra khỏi cửa động ẩm thấp, thấy được ánh sáng mặt trời cũng là lúc thấy đói meo. Xuống bến sông, chuẩn bị cho bữa trưa. Lúc này thì món gì cũng ngon.
P2030474.jpg

Nhìn ra sông thấy có người đang bắt cá, xông đến hỏi mua. Thế là bữa trưa có món cá nướng tươi ngon với giá rất rẻ, chỉ vài ngàn kíp cho một giỏ cá.
P2030453.jpg

P2030478.jpg

P2030484.jpg


Kết thúc bữa trưa (chưa bao giờ ngon và… bẩn như thế), nghỉ ngơi đôi chút, lại tiếp tục chèo kayak. Có những đoạn nước chảy xuôi khá mạnh, gần như không phải chèo. Hai bên bờ thỉnh thoảng có đoạn tập trung toàn quán bar nhìn ra sông, chốc chốc lại có vị khách du lịch trong cơn hưng phấn, nhảy ùm xuống sông bơi vài vòng rồi lại lên ngồi uống bia. Nhiều cô gái mặc bikini nằm ngả mình bên bờ sông phơi nắng, cảnh tượng cứ như ở bãi biển, lại có vài vị khách nằm ngửa trên phao bơi, tay cầm chai bia, để mặc cho dòng nước cuốn đi đâu thì đi.

Tiếc là không chụp được ảnh những cảnh này vì phải chèo xuồng, và vì máy ảnh đã cất kỹ trong cái túi chống thấm nước. Túi thì đang nằm trong lòng xuồng… ngập nước.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, cửa động thứ hai hiện ra trước mặt.
P2030493.jpg
 
Một ngôi miếu nhỏ ở ngay trước cửa động.
P2030491.jpg

Đường leo lên cũng khá khó khăn, nhiều đoạn phải bò. Nhưng không thấm gì với lúc ra khỏi động bằng một cửa khác. Tôi phải ép mình vào vách đá, cố chui lọt qua một khe đá nhỏ xíu. Cả người bẩn lem nhem, tóc tai bù xù. Có anh bạn đi cùng hơi bị to con, phải cố thu người lại, loay hoay vất vả lắm mới chui qua.

Động có nhiều cửa. Nhưng không phải cửa động nào cũng chui ra được, bởi lẽ bên dưới là vực, không có lối xuống.

Hai cửa động khác.
P2030507.jpg

P2030496.jpg

Nền động khi có nước, phải lội qua. Nước trong suốt và lạnh ngắt. Có cả cá nữa.
P2030497.jpg

Vách động in đầy dấu bàn tay của những người đã từng vào đây.
P2030510.jpg

Ở trong động cũng rất tối, phải dùng đèn pin soi đường, không khí thì ẩm ướt, khó thở. Ở trong động khoảng một tiếng, tôi lại tiếp tục hành trình kayak.

Kết thúc hành trình thì trời đã ngả chiều. Một ngày mệt nhưng mà vui, rất vui. Sau này nhớ lại Vang Vieng, tôi chỉ nhớ cảnh chèo xuống kayak, nhớ bầu không khí náo nhiệt.

Luang Prabang làm tôi nhớ đến Huế, Hội An. Vientiane làm tôi nhớ đến Hà Nội. Chỉ Vang Vieng thật khác.

Vientiane tôi đã từng đến hai lần. Đó là một câu chuyện khác nữa.

Bài và ảnh: Tiến sỹ Văn chương Hà Thanh Vân
Nguồn : http://www.otofun.net/threads/154967-di-dau-loanh-quanh
 
Last edited:
Status
Not open for further replies.

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,673
Bài viết
1,134,998
Members
192,357
Latest member
pvausashop765654
Back
Top